– Thế nào? Tại chân đồi à?
– Không, không. Tôi gặp Huynh ấy tại nghĩa trang này. Huynh ấy đang đi giữa những nấm mồ, một hồn ma giữa những hồn ma. Tôi nhận ra Huynh ấy và biết ngay rằng, trước mắt tôi không phải là một người sống nữa; Huynh ấy mang bộ mặt của một xác chết, đôi mắt lắng đọng một sự trừng phạt vĩnh cửu. Dĩ nhiên, mãi đến sáng hôm sau, khi hay tin Huynh ấy đã chết, tôi mới hiểu ra rằng tôi đã gặp một hồn ma; nhưng ngay lúc ấy, tôi biết tôi đang trông thấy ảo ảnh và trước mắt tôi là một linh hồn bị đọa đầy. Chúa ơi, giọng Huynh ấy nói với tôi lạnh lẽo, âm u làm sao!
– Và Huynh ấy đã nói gì?
– “Tôi bị đọa đày”. Huynh ấy đã nói với tôi như thế, “như Huynh thấy đây, tôi là một kẻ trở về từ địa ngục, rồi tôi sẽ phải trở lại địa ngục.” Huynh ấy nói với tôi như thế, và tôi la lên: “Adelmo, Huynh thực trở về từ địa ngục sao? Nỗi thống khổ ở địa ngục như thế nào?” Tôi run bần bật, vì vừa tan Kinh Tối, trong buổi lễ đó tôi vừa nghe những trang kinh khủng khiếp về cơn thịnh nộ của Thượng đế, thế rồi Huynh ấy lại nói với tôi: “Nỗi thống khổ muôn vàn to tát hơn chúng ta có thể diễn tả. Huynh có thấy bộ lốt giả dối mà tôi vẫn mặc cho đến nay chứ? Nó siết chặt tôi, đè nặng trĩu trên người tôi, như thể ngọn tháp cao nhất ở Paris hay ngọn núi cao nhất thế giới đang đè trên lưng tôi, mà tôi không bao giờ có thể đặt nó xuống được nữa. Công lý thiêng liêng biết tôi đang chịu nỗi khổ này để trừng phạt tính kiêu hãnh của tôi, vì tôi tin thân thể mình là nơi đón nhận lạc thú, vì tôi nghĩ mình biết nhiều hơn người khác, vì tôi đã khoái trá những thứ quái đản, đó là những thứ bấy lâu được ấp ủ trong trí tưởng tượng của tôi, làm sinh ra trong tâm hồn tôi nhiều thứ còn quái đản hơn nữa. Thế nhưng, giờ đây tôi phải cùng sống với chúng nơi vĩnh cửu. Huynh nhìn thấy lớp vải lót của chiếc áo dòng này chứ? Nó như thể toàn bằng than hồng và lửa đỏ rực, và chính lửa này đang đốt cháy thân thể tôi, và tôi phải chịu sự trừng phạt này, bởi tội lỗi xấu xa của xác thịt tôi hằng nuôi dưỡng. Ngọn lửa này không ngừng thiêu đốt tôi! Xin đưa tay cho tôi, hỡi người thầy đẹp trai” . Huynh ấy lại còn nói thêm: “Cuộc gặp gỡ này có thể là một bài học hữu ích để đổi lại nhiều bài học mà thầy dạy tôi. Hãy đưa tay đây, hỡi người thầy đẹp trai của tôi” . Huynh ấy lắc lư ngón tay trong bàn tay nóng bỏng của mình và giọt mồ hôi nhỏ bé của Huynh ấy rơi xuống bàn tay tôi, như thể đâm suốt qua tay tôi. Tôi mang dấu vết đó nhiều ngày, nhưng có điều tôi giấu hết thảy mọi người. Rồi Huynh ấy biến mất vào các nấm mồ. Sáng hôm sau, tôi được biết rằng con người đêm trước đã khiến tôi vô cùng kinh hãi, giờ đây đã chết ở chân vực đá.
Berengar nghẹn ngào khóc. Thầy William hỏi:
– Thế tại sao Huynh ấy lại gọi Huynh là “người thầy đẹp trai của tôi” ? Cả hai Huynh đều đồng tuổi nhau, Huynh đã dạy Huynh ấy điều gì vậy?
Berengar cúi đầu, kéo mũ trùm mặt và quỳ xuống ôm lấy chân thầy William… – Tôi không biết tại sao Huynh ấy lại gọi tôi như thế? Tôi chẳng hề dạy Huynh ấy điều chi cả – Rồi Berengar thổn thức – Con sợ quá, Cha ơi! Con muốn xưng tội với Cha. Xin Cha hãy khoan dung, quỷ đang nuốt sống lòng ruột con!
Thầy William đẩy Berengar ra, đưa tay kéo Huynh ấy đứng dậy và bảo: – Không, Berengar ạ! Chớ yêu cầu tôi nghe lời xưng tội. Đừng mở miệng Huynh để khóa miệng tôi. Điều tôi muốn nghe, Huynh sẽ kể cho tôi nghe bằng cách khác, chớ không phải qua lời xưng tội. Nếu Huynh không kể, tôi sẽ tự tìm hiểu lấy. Yêu cầu tôi khoan dung, nếu Huynh thích, nhưng chớ yêu cầu tôi im lặng. Vì trong tu viện này có quá nhiều người im lặng rồi. Tốt hơn, hãy nói cho tôi biết bằng cách nào Huynh thấy được gương mặt xanh xao của Huynh ấy, nếu đó là một đêm tối như mực? Làm thế nào Huynh ấy đốt cháy tay Huynh, nếu đó làm một đêm tuyết rơi? Và lúc đó Huynh đang làm gì trong nghĩa trang? Nói đi! Ít nhất Huynh hãy nói cho tôi biết điều này! – Thầy William nắm vai Berengar lắc một cách tàn nhẫn.
Toàn thân Berengar run lẩy bẩy – Tôi không biết lúc ấy tôi đang làm gì ở trong nghĩa trang. Tôi không nhớ, tôi không biết tôi trông thấy gương mặt Huynh ấy bằng cách nào? Có lẽ tôi có một ngọn đèn. Không…đúng hơn, Huynh ấy có một ngọn đèn và có lẽ tôi trông thấy bộ mặt nhờ ánh lửa…
– Làm thế nào Huynh ấy có thể mang đèn được nếu lúc ấy tuyết đang rơi?
– Lúc ấy là sau Kinh Tối. Ngay sau Kinh Tối, trời chưa đổ tuyết, mãi về sau tuyết mới rơi… Tôi nhớ những bông tuyết đầu tiên rơi xuống, khi tôi chạy về phía nhà nghỉ. Tôi chạy về phía nhà nghỉ thì bóng ma chạy ngược lại… và sau đó tôi không biết gì thêm nữa. Xin đừng hỏi tôi nữa, nếu Huynh không cho tôi xưng tội.
– Rất tốt, đi đi, vào khu hát kinh đi. Hãy xưng tội với Thượng đế, vì Huynh sẽ không nói với người phàm tục hay đi tìm một tu sĩ chịu nghe Huynh xưng tội. Nếu từ lúc đó đến nay Huynh chưa xưng tội thì Huynh đã phạm thánh rồi đó. Đi đi, sẽ gặp lại nhau sau.
Berengar chạy mất dạng. Thầy William chà xát hai bàn tay vào nhau – một cử chỉ tôi thường thấy trong những dịp thầy hài lòng điều gì.
– Tốt! Bây giờ nhiều điều đã bắt đầu sáng tỏ.
– Sáng tỏ ư, thưa thầy? Sáng tỏ vì giờ đây chúng ta lại có thêm hồn ma Adelmo chăng?
– Adso thân yêu của thầy. Hồn ma đối với thầy chẳng có gì ma quái lắm. Dẫu sao đi nữa, Huynh ấy đã đọc một trang sách mà ta từng đọc trong một quyển sách nào đó, viết cho các nhà thuyết giáo sử dụng. Có lẽ những tu sĩ đó đọc quá nhiều nên khi đầu óc họ bị kích động, các hình ảnh họ đã đọc được trong sách vở hiện ra. Thầy không biết Adelmo có thực sự nói những lời đó không, hay Berengar đã nghe thấy những lời đó, vì Huynh ấy muốn nghe chúng. Điều cốt yếu là câu chuyện này đã khẳng định một loạt các giả thuyết của thầy. Chẳng hạn, Adelmo tự tử chết, và câu chuyện Berengar cho thầy biết rằng trước khi chết, Huynh ấy đã đi lòng vòng, loanh quanh vì hoảng loạn, và vì ăn năn đã trót phạm một tội lỗi nào đó. Huynh ấy hoảng loạn về một tội lỗi của mình, vì có ai đó đã đe dọa Huynh, và có lẽ đã kể cho Huynh ấy nghe chính câu chuyện về những bóng ma quỷ quái mà Huynh ấy đã đọc cho Berengar nghe với giọng sành sỏi, đầy ảo giác như vậy. Và Huynh ấy đi qua nghĩa trang khi vừa rời khu hát kinh, nơi mà Huynh ấy đã xưng tội với một người nào đó; người đó đã khiến Huynh ấy tràn đầy kinh sợ và ăn năn. Từ nghĩa trang, Huynh ấy trực chỉ về hướng đối diện nhà nghỉ, đúng như Berengar đã báo cho chúng ta biết. Thế thì về hướng Đại dinh nhưng cũng có thể về phía bức tường, ngoài dãy chuồng ngựa, nơi thầy đã suy đoán rằng Huynh ấy lao mình xuống vực. Huynh ấy đã lao mình xuống trước khi cơn bão nổi lên, rồi chết dưới chân tường, và sau đó đất mới bị lở, cuốn theo xác Huynh ấy đến khoảng giữa ngọn tháp phía Bắc và ngọn tháp phía Tây.
– Nhưng còn giọt mồ hôi nóng bỏng thì sao?
– Đó là một phần câu chuyện Berengar đã nghe lặp lại, hay Huynh ấy đã tưởng tượng ra điều đó trong cơn hoảng loạn. Vì, như một điệp khúc lặp lại, sự ăn năn của Adelmo là sự ăn năn của Berengar, con đã nghe rồi đấy. Nếu Adelmo từ khu hát kinh đến, Huynh ấy có thể mang theo một ngọn nến nhỏ, và giọt mồ hôi trên bàn tay Huynh ấy chỉ là một giọt sáp. Nhưng Berengar cảm thấy giọt sáp cháy sâu hơn vì Adelmo đã gọi Huynh ấy là thầy. Đó là một dấu hiệu cho thấy Adelmo đang trách móc Berengar, đã dạy cho Huynh ấy một điều gì đó, đẩy Huynh ấy đến chỗ tuyệt vọng muốn chết. Và Berengar biết điều đó, nên Huynh ấy đau khổ vì biết đã đẩy Adelmo đến cái chết, bằng cách khiến Adelmo làm một việc gì đó đáng lý ra không được làm… và tưởng tượng ra điều đó, cũng không khó khăn gì Adso ơi, sau khi chúng ta đã nghe những điều về viên phụ tá quản thư viện của chúng ta.
– Con tin mình đã hiểu điều đã xảy ra giữa hai người – tôi nói, bối rối vì chính điều mình biết – Nhưng chẳng lẽ tất cả chúng ta lại không tin vào Chúa khoan dung sao? Thầy bảo có lẽ Adelmo đã xưng tội, tại sao Huynh ấy lại tìm cách trừng phạt tội lỗi của mình bằng một tội nặng hơn, hay ít ra cũng nghiêm trọng tương đương?
– Vì có ai đó đã nói với Huynh ấy những lời tuyệt vọng. Như thầy đã nói, một trang sách của một nhà thuyết giáo hiện đại nào đó hẳn đã thúc đẩy ai đó lặp lại những lời đã khiến Adelmo kinh sợ và Adelmo lại dùng những lời đó để khiến Berengar kinh sợ theo. Trong vài năm gần đây, khác hẳn trước kia, để khơi dậy lòng kính đạo, nhiệt tâm và sự kinh hoàng, sự tuân thủ luật đạo và luật đời trong quần chúng, các nhà thuyết giáo đã dùng những lời buồn thảm và đe dọa khủng khiếp.
– Có lẽ đó là điều cần thiết cho sự ăn năn.
– Adso ạ, xưa nay thầy chưa hề nghe nhiều lời kêu gọi ăn năn như hiện giờ. Trong một thời đại mà các nhà thuyết giáo, lẫn giám mục, thậm chí các tu sĩ dòng Thánh thần anh em của ta, đều không có khả năng khơi dậy sự ăn năn chân thực nữa…
– Nhưng còn thời đại thứ ba, Đức Thánh Cha và Đại hội xứ Perugia … – tôi hoang mang nói.
– Lại hoài niệm. Thời hoàng kim của sự ăn năn đã qua rồi. Đừng tin vào công cuộc đổi mới của nhân loại khi bọn lãnh đạo Giáo hội và triều đình nói về sự đổi mới đó.
Tôi đánh bạo nói, tò mò muốn biết thêm về cái tên hôm qua tôi nghe nhắc đến nhiều lần – Thế còn Fra Dolcino…
– Ông ta chết, và chết thảm thương như khi còn sinh thời, vì ông ta cũng đã đến quá trễ. Thế con biết gì về ông ấy?
– Con chả biết gì cả nên con mới hỏi thầy…
– Thầy chả bao giờ muốn nói về ông ấy. Đó là một câu chuyện buồn về một kẻ làm những điều điên rồ, vì đã thực hành những gì mà rất nhiều vị thánh đã thuyết giảng. Điều thầy thật sự muốn nói đến là: Khi thời đại của sự ăn năn đã qua, đối với người ăn năn, nỗi tha thiết hối lỗi trở thành nỗi tha thiết được chết. Những kẻ giết người, ăn năn điên loạn, lấy mạng đổi mạng, nhằm đánh bại sự ăn năn chân thực mà hậu quả sẽ sản sinh thêm chết chóc, thay thế sự ăn năn tâm hồn bằng sự ăn năn tưởng tượng, cùng những lời lẽ gợi lên ảo ảnh siêu nhiên đầy máu me thống khổ.
Họ gọi chúng là “tấm gương” của sự ăn năn chân thật, một tấm gương mà đối với trí tưởng tượng của người thường, và thậm chí đôi khi của các bậc học giả nữa, mang đến cho cuộc sống nỗi đau của địa ngục. Do đó, người ta nói, sẽ không có ai phạm tội nữa. Họ hy vọng dùng nỗi sợ hãi để giữ linh hồn khỏi phạm tội và tin rằng sẽ dùng nỗi sợ hãi để thay thế sự nổi loạn.
– Thế nhưng, họ thực sự sẽ không phạm tội à?
– Điều đó tùy thuộc quan niệm của con về sự phạm tội, Adso ạ. Thầy không muốn có định kiến đối với những người dân xứ này, cái xứ mà thầy đã trải qua vài năm sinh sống. Nhưng theo thầy, đạo đức khiêm tốn của dân Ý có đặc tính tiêu biểu là kiêng phạm tội vì sợ hãi một thần tượng nào đó, mặc dầu họ có thể đặt cho thần tượng đó một tên thánh. Họ sợ Thánh Sebastian hay Thánh Antoine hơn Chúa.
Tôi nêu rõ: – Nhưng Berengar không phải người Ý!
– Thì có khác gì đâu? Thầy đang nói đến cái bầu không khí mà Giáo hội và các luật lệ thuyết giảng đã tỏa tràn trên bán đảo này, và từ đây tràn đến khắp nơi. Thậm chí nó đã tràn đến một tu viện đáng kính của các tu sĩ thông thái như ở dây.
Tôi nhấn mạnh, vì duy nhất điều này mới thỏa mãn được tôi – Giá như họ đừng phạm tội nhỉ! – Giả sử tu viện này là một thế giới đặc biệt, hẳn con đã có câu trả lời.
– Nhưng phải chăng nó là một thế giới đặc biệt?
– Để có một tấm gương cho thế gian, thế gian cần có một hình thể – thầy William kết luận.
Thầy là một người quá triết lý đối với tâm trí còn non trẻ của tôi.
Chú thích:
(22) “Poetics”
(23) Quê hương của Aristotle, ám chỉ ông.
(24) “Rhetoric”