Tác giả: Umberto Eco
Tu viện trưởng một lần nữa
bàn luận với hai vị khách,
thầy William nảy ra ý tưởng độc đáo
về cách giải mã sự bí hiểm trong Mê Cung,
rồi thành công bằng một phương pháp duy lý nhất,
Rồi William và Adso ăn phô-mai nhồi.
Tu viện trưởng, cầm một mẩu giấy trên tay, đợi chúng tôi với vẻ nghiêm nghị, lo âu và nói:
– Cha vừa nhận được một bức thơ từ Tu viện trưởng xứ Conques, trong đó tiết lộ tên của người mà Giáo hoàng John ủy nhiệm cầm đầu toán lính Pháp chịu trách nhiệm về sự an ninh cho đoàn thương thuyết. Hắn không phải là quân nhân, không phải là người của triều đình, nhưng sẽ là một thành viên của phái đoàn.
Thầy William bồn chồn hỏi: – Một sự kết hợp hiếm hoi các nhiệm vụ khác nhau. Ai thế?
– Bernard Gui, hay Bernardo Guidoni, con gọi tên nào cũng được.
Thầy William buột miệng thốt ra một từ bằng ngôn ngữ của thầy, mà cả tôi lẫn Cha bề trên đều không hiểu, nhưng có lẽ thế lại hay; vì cái từ mà thầy William phát ra đó mang một âm rít rất tục tằn.
Thầy tiếp ngay: – Con không thích việc này. Đã nhiều năm nay Bernard là kẻ đi ruồng bắt những tên phản giáo ở miền Toulouse. Hắn đã viết “Sách thực hành những thủ tục tra vấn bọn phản giáo ” (1) cho những người có bổn phận đàn áp và tiêu diệt dòng Waldenses (2), Beghard (3), Dolcino và Anh em nghèo khó.
– Cha biết. Cha rõ quyển sách này lắm, vô cùng thông thái.
Thầy William công nhận: – Quyển sách vô cùng thông thái. Bernard rất trung thành với John vì trong những năm gần đây John đã giao cho hắn nhiều sứ mạng ở vùng Flanders và ở miền Bắc nước Ý này. Ngay cả khi được phong Giám mục xứ Galicia, hắn cũng không bao giờ ở trong địa phận của mình và tiếp tục hành chức phán quan. Con tưởng hắn đã về hưu để làm giám mục ở Lodève, nhưng rõ ràng, John đã triệu hồi hắn về làm nhiệm vụ ở miền Bắc nước Ý này. Bộ hết người rồi sao lại chọn Bernard, còn cho hắn cầm đầu binh sĩ nữa…
Tu viện trưởng nói: – Có một câu giải đáp khẳng định tất cả những nỗi sợ hãi Cha đã tỏ với con ngày hôm qua. Dù không thừa nhận, con cũng dư biết rằng quan điểm về sự Cơ nghèo của Chúa Ki-tô và Giáo hội do Đại hội Perugia xướng lên và được rất nhiều luận cứ thần học ủng hộ, cũng đồng thời là những quan điểm do các phong trào phản giáo xướng lên một cách vô cùng phóng túng và không chính thống giáo tí nào. Không cần phải nhấn mạnh rằng quan điểm của Cha Michael xứ Cesena được triều đình công nhận, cũng là quan điểm của Ubertino và Angelus Clarenus. Hai phái đoàn sẽ hội lại để tranh luận về quan điểm này. Nhưng Gui còn có thể làm hơn thế nữa vì hắn khôn khéo: hắn sẽ nhấn mạnh rằng các luận điểm của Đại hội Perugia cũng là luận điểm của dòng Anh em nghèo khó, hay của các tông đồ giả trá.
– Người ta đã tiên đoán điều này. Con muốn nói chúng ta đã biết sự việc sẽ dẫn đến như thế này, dù không có sự hiện diện của Bernard đi nữa. Cùng lắm thì Bernard sẽ hành động đắc lực hơn những người bất lực trong hàng giáo phẩm La Mã, do đó tranh luận với hắn nhất thiết phải dè dặt hơn.
– Đúng. Nhưng đến đây chúng ta lại phải đương đầu với vấn đề nêu lên hôm qua. Nếu cho đến ngày mai, chúng ta vẫn chưa tìm ra người đã phạm hai, hay có lẽ ba, tội ác, thì Cha buộc phải để Bernard hành xử quyền cai quản tu viện. Đối với một người đi điều tra có quyền hành như Bernard, Cha không thể giấu rằng trong tu viện này đã xảy ra, và đang xảy ra, những sự kiện không giải thích được. Bằng không, khi hắn phát giác một bí ẩn mới xảy ra thì hắn có quyền la toáng lên là chúng ta phản bội…
Thầy William lo lắng lẩm bẩm: – Đúng vậy. Nhưng không làm gì được. Có lẽ đó cũng là điều hay; nếu Bernard bận tâm lùng kiếm kẻ sát nhân thì hắn sẽ ít có thời gian tham gia cuộc tranh luận.
– Nên nhớ rằng: việc Bernard đi tìm hung thủ sẽ là một cái gai nhọn đâm vào uy quyền của Cha. Những án mạng gớm ghiếc này buộc Cha lần đầu tiên phải nhượng bộ quyền lực của mình trong tu viện này. Đây là một khúc quanh mới trong lịch sử của tu viện này, lẫn dòng Benedict. Cha sẵn sàng làm bất cứ điều gì để tránh việc này. Berengar đâu? Chuyện gì đã xảy ra cho Huynh ấy? Con đang làm gì?
– Con chỉ là một tu sĩ xưa kia đã thực hiện thành công những cuộc điều tra. Cha biết rằng trong hai ngày không thể tìm ra sự thật. Dẫu sao, Cha đã trao cho con quyền gì? Con có được phép vào Thư viện không? Có được hỏi những câu con muốn? Có luôn được Cha ủng hộ không?
Tu viện trưởng giận dữ đáp: – Cha không thấy có gì liên hệ giữa các án mạng và Thư viện.
Thầy William kiên nhẫn giải thích:- Adelmo là người minh họa, Venantius là một dịch giả, Berengar là phụ tá quản thư viện…
– Nói thế thì tất cả sáu mươi tu sĩ đều có liên hệ với Thư viện, cũng như với nhà thờ vậy. Vậy sao không điều tra nhà thờ? Sư huynh William, con đang nhân danh Cha tiến hành cuộc điều tra trong giới hạn Cha đã đặt ra. Phần còn lại trong giới hạn của những bức tường này, Cha là người tối cao sau Thượng đế, và thọ ơn Ngài. Điều này cũng áp dụng cho cả Bernard nữa. – Bằng một giọng ôn tồn hơn, Tu viện trưởng nói – Dẫu sao, Bernard không nhất thiết phải đến đây để dự họp. Tu viện trưởng xứ Conques viết rằng Giáo hoàng đã yêu cầu Hồng y Bertrand xứ Poggetto từ Bologna đến đây để dẫn đầu phái đoàn Giáo hội. Có lẽ Bernard đến đây để gặp Hồng y.
– Suy rộng ra thì điều này có thể tệ hơn. Bertrand là người ruồng bắt bọn phản giáo ở Trung Ý. Sự đụng độ của hai nhà vô địch diệt phản giáo sẽ báo hiệu một cuộc chống đối sâu rộng trong nước, nhiên hậu sẽ chống lại cả phong trào dòng Francisco…
– Chúng ta sẽ lập tức báo cho Hoàng đế biết việc này. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, chưa có gì nguy hiểm lắm. Chúng ta sẽ đề cao cảnh giác. Tạm biệt.
Khi Tu viện trưởng bỏ đi, thầy William đứng lặng người một lúc, đoạn bảo tôi:
– Adso, trước hết con nên nhớ “dục tốc bất đạt”. Sự việc không thể giải quyết nhanh được, vì có nhiều diễn biến vụn vặt, riêng lẻ phải được sắp xếp với nhau. Thầy phải trở lại phòng thí nghiệm, vì nếu không có kính thì không những thầy không đọc được bản viết, mà có trở lại Thư viện tối nay thì cũng vô ích.
Lúc đó, Nicholas chạy ùa đến chúng tôi, báo tin gở. Trong khi cố mài tròng kính cho đẹp hơn, Huynh ấy đã đánh vỡ nó. Còn một tròng khác có thể thay thế được thì bị nứt khi Huynh cố gắn nó vào gọng. Nicholas ngao ngán chỉ tay lên trời. Gần đến giờ Kinh Chiều, và màn đêm đang buông xuống. Không thể làm gì thêm trong ngày hôm nay được nữa. Thầy William cay đắng công nhận đã mất thêm một ngày nữa, và cố đè nén ý muốn bóp cổ Huynh thợ cả ngành kính, dù Nicholas đã thấy nhục nhã lắm rồi.
Chúng tôi bỏ mặc Huynh ấy để đi điều tra về Berengar. Đương nhiên là không ai gặp Berengar cả.
Chúng tôi có cảm tưởng mình đi cùng đường, bèn đi lang thang trong nhà nguyện, chẳng biết nên làm gì nữa. Bỗng nhiên tôi thấy thầy William đắm chìm trong suy nghĩ, mắt trừng trừng nhìn lên trời. Trước đó, thầy rút từ trong áo dòng ra một nhánh cây thuốc thầy đã hái cách đây mấy tuần, và thầy đang nhai nó như thể nó gây cho thầy một cơn hưng phấn dìu dịu. Thầy trông có vẻ mơ màng, nhưng chốc chốc đôi mắt lại bừng sáng, dường như trong khoảng chân không của đầu óc thầy đã lóe lên một ý mới. Rồi một lần nữa thầy lại đắm chìm vào trạng thái ngầy ngật kỳ quặc, tuy vẫn động não. Đột nhiên thầy nói:
– Đương nhiên, ta có thể…
– Cái gì?
– Thầy đang nghĩ cách để định vị trí của chúng ta trong Mê Cung. Không đơn giản nhưng hữu hiệu… Rốt cuộc, chúng ta biết lối ra ở tháp phía Đông. Giả sử ta có một cái máy chỉ cho ta hướng Bắc thì sẽ thế nào?
– Dĩ nhiên, ta chỉ cần quay về bên phải là hướng về phía Đông. Hay là chỉ cần đi ngược chiều lại là ta biết đang hướng về ngọn tháp phía Nam. Nhưng giả sử có phép màu đó đi nữa thì Mê Cung cũng vẫn là Mê Cung, ngay trong khi chúng ta trực chỉ hướng Đông thì sẽ va phải một bức tường không cho ta tiến thằng tới, và chúng ta sẽ lạc đường nữa.
– Phải, nhưng cái máy mà thầy nói luôn luôn chỉ hướng Bắc, ngay cả khi chúng ta thay đổi lộ trình và ở mọi điểm, nó sẽ chỉ cho chúng ta nên quay hướng nào.
– Thế thì tuyệt quá. Nhưng chúng ta phải có máy đó và nó sẽ chỉ ta hướng bắc vào ban đêm hay khi ở trong nhà, không cần có mặt trời, mặt trăng gì cả… Và con tin rằng ngay cả thầy Bacon cũng không có một cái máy như thế – tôi cười nói.
– Con đã lầm, người ta đã làm một cái máy như thế rồi, và vài nhà hàng hải đã sử dụng nó. Máy này không cần trời trăng vì nó khai thác sức mạnh của một loại đá kỳ diệu, như viên đá ta đã thấy trong bệnh xá của Severinus, nó hút sắt. Bacon và một nhà ảo thuật xứ Picardy, Pierre de Marricourt, đã nghiên cứu và miêu tả nhiều cách sử dụng của nó.
– Nhưng thầy có làm được nó không?
– Công việc tự nó không khó. Loại đá đó có thể sử dụng để tạo ra nhiều điều kỳ diệu, kể cả làm một cái máy chuyển động vĩnh viễn mà không cần lực bên ngoài. Nhưng Baylek al-Quabayaki, một người Ả Rập, đã miêu tả một phát hiện đơn giản nhất. Lấy một cái chậu nước rồi thả nổi một nút chai có gắn cái kim sắt. Đoạn rà cục đá nam châm trên mặt nước, cho đến khi cây kim đạt được cùng một tính chất như đá. Đến lúc này, cây kim sẽ quay chỉ hướng bắc và nếu người ta có dời cái chậu đi đâu nữa thì cây kim vẫn luôn quay về phía gió bắc. Rõ ràng, nếu đầu con luôn luôn nhớ hướng bắc và có đánh dấu trên thành chậu vị trí của các hướng đông, nam, tây, con sẽ luôn luôn biết nên rẽ hướng nào trong thư viện để đến tháp đông.