Tên Của Đóa Hồng

Chương 68


KINH XẾ TRƯA

Tác giả: Umberto Eco

Tu viện trưởng không nghe William,

Cha thuyết giảng về ngôn ngữ của đá quí,

và tỏ ý không muốn tiếp tục

cuộc điều tra về các sự kiện đau buồn

vừa xảy ra thêm nữa.

Các gian nhà của Tu viện trưởng ở trên lầu nhà nguyện, và từ cửa sổ của một phòng khách xa họa rộng mênh mông, nơi Cha tiếp chúng tôi nhìn ra, người ta có thể nhìn thấy tòa Đại Dinh đồ sộ bên ngoài vòm mái của giáo đường, dưới bầu trời trong sáng và lộng gió.

Tu viện trưởng đang đứng bên cửa sổ quan sát nó và trịnh trọng chỉ cho chúng tôi xem. Cha bảo:

– Nó là một thành trì đáng khâm phục, cách kiến trúc cân đối của nó tổng hợp các qui tắc vàng chi phối cấu trúc của một cái hộp. Nó được chia làm ba tầng, vì số ba là số của Chúa Ba Ngôi, số ba là số các thiên thần đến thăm Abraham. Có ba đức tính thần học, ba ngôn ngữ thiêng liêng, ba phần hồn, ba loại âm thanh, ba thời đại trong lịch sử loài người: trước, trong và sau Mười điều răn.

Thầy Willam đồng ý:

– Đó là sự hòa hợp tuyệt diệu của các liên hệ huyền nhiệm.

Tu viện trưởng tiếp:

– Những hình vuông cũng chứa đựng các bài học tinh thần. Có bốn phương trời, bốn mùa, bốn hiện tượng khí tượng: nóng, lạnh, khô, ẩm; bốn giai đoạn đời người: sinh ra, lớn lên, trưởng thành và tuổi già; bốn loại sinh vật: thiên, địa, không, thủy, và bốn màu cầu vồng, và bốn năm cần để thành một năm nhuận.

Thầy William nói:

– Ồ, chắc thế rồi, và ba cộng bốn là bẩy, con số huyền nhiệm nhất; trong khi đó ba nhân bốn là mười hai, con số Thánh Tông đồ, và mười hai nhân mười hai là một trăm bốn mươi bốn, là số những người được Chúa chọn lên thiên đường.

Tu viện trưởng không nói thêm gì được nữa sau màn biểu diễn kiến thức về thế giới lý tưởng của các con số nữa. Thế là thầy William vào thẳng vấn đề. Thầy bảo:

– Chúng ta phải bàn về các biến cố vừa xảy ra mà con đã suy nghĩ kỹ.

Tu viện trưởng xoay lưng về hướng cửa sổ và nghiêm khắc nhìn ngay mặt thầy William.

– Có lẽ quá kỹ nữa. Sư huynh William, thú thật là Cha đã trông đợi ở con nhiều hơn thế. Con đến đây gần sáu ngày rồi, ngoài Adelmo, đã có thêm bốn tu sĩ bị chết, hai người bị Tòa án dị giáo bắt – hẳn nhiên là do công lý thôi, nhưng chúng ta có thể tránh được nỗi nhục này nếu phán quan chẳng buộc phải can thiệp vào các án mạng trước – và cuối cùng, cuộc họp mà Cha chủ trì đã kết thúc thảm thương… chính vì tất cả những điều ác độc đó.

Thầy William bối rối im lặng. Tu viện trưởng đúng mười mươi rồi. Thầy công nhận:

– Đúng thế. Thưa Đức Cha, con đã không đáp ứng được lòng trông đợi của Cha, nhưng con xin giải thích tại sao. Các án mạng này không bắt nguồn từ một vụ cãi vã hay một mối nợ máu giữa các tu sĩ, mà từ những hành động phát xuát từ lịch sử xa xưa của tu viện.

Tu viện trưởng khó chịu nhìn thầy: – Con muốn nói gì? Chính Cha đã nhận thấy chìa khóa của vấn đề không phải là sự việc tồi tệ của quản hầm, vốn đã giao cắt với một câu chuyện khác. Nhưng câu chuyện kia, một câu chuyện mà Cha có thể biết, nhưng không thể bàn bạc… Cha mong nó đã minh bạch và con sẽ kể cho Cha nghe về nó…

– Đức Cha đang nghĩ đến một hành động nào đó mà Cha đã biết được, nhờ xưng tội… – Tu viện trưởng lảng đi, và thầy William tiếp: – Nếu Đức Cha muốn biết xem con có nắm được, mà không cần Cha cho hay, rằng có những quan hệ bất hợp pháp giữa Berengar và Adelmo, giữa Berengar và Malachi, thì phải, ai trong tu viện cũng đều biết điều này…

Tu viện trưởng mặt đỏ gay.

– Cha nghĩ không nên nói những việc như thế trước mặt tu sinh này. Cha nghĩ bây giờ cuộc họp đã xong rồi, con không cần đến cậu ta làm thư ký ghi chép làm chi nữa. Đi đi, cậu bé – Viện trưởng ra lệnh. Tôi xấu hổ lui ra. Nhưng vì tò mò, tôi để hé cửa hành lang, và bò sát bên ngoài để nghe lỏm câu chuyện.

Thầy William lại tiếp:

– Tuy nhiên, các mối quan hệ bất hợp pháp này, cho dù chúng có xảy ra đi nữa, thì chỉ có ảnh hưởng rất ít đến các biến cố đau thương này. Then chốt của vấn đề nằm ở một nơi khác, con nghĩ rằng Cha đã hình dung được. Tất cả xoay quanh việc ăn cắp và sở hữu một quyển sách đã cất dấu trong “finis Africae”, và bây giờ nhờ sự can thiệp của Malachi, đã hoàn về vị trí cũ, mặc dù, như Cha đã thấy, chúng ta không nắm được sự nối tiếp của các án mạng.

Im lặng một hồi lâu, rồi Tu viện trưởng cất tiếng, giọng ngập ngừng, nghẹn ngào, như một người bị choáng váng bởi những tiết lộ bất ngờ.

– Điều này không thể xảy ra… con… Làm sao con biết về “finis Africae”? Con đã vi phạm luật cấm của ta và xâm nhập Thư viện à?

Đáng lẽ thầy William phải thưa thật, nhưng như thế Tu viện trưởng sẽ nổi giận không lường được. Thế nhưng thầy tôi rõ ràng cũng không muốn nói dối. Thầy chọn cách trả lời câu hỏi đó bằng cách đưa ra một câu hỏi khác: – Thoạt đầu tiên gặp gỡ, chẳng phải Đức Cha đã bảo con rằng, một người đã miêu tả chú ngựa Brunellus thật chính xác mà không hề nhìn thấy nó như con, sẽ dễ dàng hình dung những nơi chốn mà người ấy không được vào sao?

– Đúng vậy. Nhưng sao con lại nghĩ như ban nãy?

– Làm thế nào con đi đến kết luận của mình là một câu chuyện dài. Nhưng người ta đã gây ra một loạt án mạng để ngăn cản không cho nhiều người phát hiện một điều mà người ta không muốn họ phát hiện. Bây giờ, tất cả những ai biết chi đó về các bí mật của thư viện, bằng những cách chính đáng hay mưu mô đi nữa, đều đã chết! Chỉ còn mỗi một người: đó là Cha.

– Bộ con muốn ám chỉ… con muốn ám chỉ…

– Xin chớ hiểu lầm con, – thầy William nói, có lẽ thầy cũng thật định bụng bóng gió xa gần. – Con nói, chỉ còn một người biết và không muốn người nào khác biết. Vì Cha là người cuối cùng ấy, Cha có thể sẽ là nạn nhân kế tiếp. Trừ phi Cha kể cho con những điều Cha biết về quyển sách cấm đó, và nhất là, ai trong tu viện có thể biết điều Cha biết, và có lẽ còn hơn thế nữa, về Thư viện.

Tu viện trưởng nói:

– Trong này lạnh quá. Ta hãy ra ngoài đi.

Tôi chạy xa cửa thật nhanh và đợi cả hai ở đầu cầu thang. Tu viện trưởng trông thấy tôi, bèn mỉm cười.

– Tu sĩ trẻ này hẳn đã nghe bao nhiêu là chuyện buồn phiền mấy ngày vừa qua! Lại đây cậu bé, đừng có ưu phiền quá. Cha nghĩ, người ta đã tưởng tượng ra nhiều âm mưu không có thực…

Cha giơ một tay cho ánh sáng soi rạng chiếc nhẫn tuyệt đẹp đeo trên ngón áp út, dấu hiệu quyền lực của mình. Chiếc nhẫn bằng đá quí lấp lánh với tất cả vẻ rực rỡ của nó. Cha bảo tôi:

– Con có nhận thấy nó không? Đó là biểu tượng uy quyền nhưng cũng là gánh nặng của ta. Nó không phải là vật trang sức: nó là lời luận giải xinh đẹp về Phúc âm mà Cha là kẻ giữ gìn. – Ngón tay Cha chạm lên mặt nhẫn gồm nhiều viên đá quí điểm những đốm màu khác nhau, sắp xếp lại thành một kiệt tác tuyệt diệu của nghệ thuật tự nhiên và con người. Cha nói: – Đây là thạch anh tím, tấm gương của sự khiêm cung, nhắc chúng ta nhớ đến tính chân thật, ngọt ngào của Thánh Matthew. Đây là đá chalcedony, biểu tượng của sự từ thiện, lòng thành tâm của Joseph và Thánh James vĩ đại. Đây là ngọc thạch anh, nói lên đức tin và gắn liền với Thánh Peter, này là ngọc Sardonyx, dấu hiệu của sự tử vì đạo, nhắc ta nhớ đến Thánh Bartholomew. Đây là ngọc xafia, hy vọng và trầm tư, ngọc của Thánh Andrew và Thánh Paul, và đây là beryl, giáo điều đúng đắn, học thức và lòng bao dung, các đức tính của Thánh Thomas. – Giọng Cha lạc trong những hư ảnh huyền nhiệm: – Ôi, ngôn ngữ của những viên ngọc đá mới kỳ thú biết bao!

Cha xoay xoay chiếc nhẫn, tựa như muốn làm hoa mắt tôi với những tia lấp ánh rực rỡ của nó: – Thật là ngôn ngữ diệu kỳ phải không? Ngôn ngữ của đá ngọc rất đa dạng, mỗi loại biểu thị nhiều sự thật khác nhau, tùy theo ý nghĩa của lời giảng giải mà ta chọn, và tùy theo hoàn cảnh mà chúng xuất hiện. Và ai quyết định trình độ giảng giải và hoàn cảnh thích hợp? Cậu nhỏ, con biết vì họ đã dạy con rồi: đó chính là người cầm quyền, người bình luận tin cậy nhất, người đầy uy tín nhất, và do đó thiêng liêng nhất. – Cha chìa nhẫn ra cho tôi hôn, và tôi quì xuống. Cha vuốt đầu tôi: – Cậu bé, con phải quên đi những điều đã nghe được trong những ngày vừa qua, hẳn nhiên chúng đều sai lầm cả. Con đã bước vào một dòng tu vĩ đại nhất, cao quí nhất. Cha là Tu viện trưởng của dòng tu này, con nằm dưới quyền của Cha. Đây là lệnh của Cha: hãy quên đi, và mãi mãi khép miệng lại. Thề đi.

Quá xúc động và bị khuất phục, tôi đương nhiên phải thề. Và nếu vậy, bây giờ quí độc giả sẽ chẳng còn đọc được hồi ký trung thực của tôi đâu. Thầy William lúc đó bèn can thiệp, có lẽ không phải để ngăn tôi đừng thề, mà chỉ là một phản xạ trong cơn giận dữ, thầy muốn phá vỡ cái bùa chú mà Tu viện trưởng đang tung ra.

– Thằng bé này có liên quan gì đến việc đó? Con hỏi Cha một câu, con xin lưu ý cho Cha biết một mối nguy hiểm, con yêu cầu Cha nói lên một cái tên… Bây giờ Cha cũng muốn con hôn nhẫn này và thề sẽ quên những điều con biết hay nghi ngờ sao?

– À, con… – Tu viện trưởng buồn bã nói, – Cha không trông đợi một thầy dòng Khất thực hiểu được vẻ đẹp của truyền thống chúng tôi, hay phải tôn trọng sự kín đáo, các bí mật, những bí ẩn của lòng từ thiện, – phải, lòng từ thiện, và ý thức danh dự, và lời thề im lặng, những điều làm nền tảng cho sự vĩ đại của chúng tôi… Con đã kể cho Cha nghe một câu chuyện lạ lùng, một câu chuyện không thể tin được, về một quyển sách cấm đã gây ra một chuỗi vụ giết người, về một kẻ nào đó biết những việc chỉ mình Cha biết… Toàn là chuyện hoang đường, những lời buộc tội vu vơ. Con cứ nói lên chuyện đó đi, sẽ chẳng ai tin con đâu. Và thậm chí, nếu có vài yếu tố trong cách giải thích hoang tưởng là đúng đi nữa… thì, bây giờ, một lần nữa, tất cả lại nằm dưới sự kiểm soát và định đoạt của Cha. Cha sẽ xem xét việc này. Cha có quyền, có phương tiện. Ngay từ đầu, Cha đã sai lầm đi nhờ một người ngoài, dù người ấy có khôn ngoan và đáng tin cậy đến đâu chăng nữa, điều tra những việc mà chỉ mình Cha có trách nhiệm giải quyết. Nhưng con đã hiểu, như con đã kể Cha nghe. Thoạt đầu, Cha tưởng nó liên quan đến một sự vi phạm lời thề trinh tiết, và Cha muốn một người khác nói lên cái điều Cha đã biết qua xưng tội. Chà, bây giờ chính con đã nói lên điều đó. Cha rất biết ơn những việc con đã làm hay cố làm. Cuộc gặp gỡ giữa hai phái đoàn đã kết thúc, sứ mệnh của con tại đây đã chấm dứt. Cha nghĩ triều đình đang nóng lòng đợi con, không ai muốn vắng mặt lâu một người như con. Cha cho phép con rời tu viện. Hôm nay, có lẽ muộn rồi: Cha không muốn con ra đi sau hoàng hôn, vì đường xá không được an ninh. Con sẽ lên đường tảng sáng ngày mai. Thôi, khỏi cảm ơn Cha, Cha rất vui khi con đến đây, rất quí được đón tiếp con như một người anh em đến với anh em. Bây giờ, con và tu sinh của con có thể lui về sửa soạn hành lý. Bình minh sáng mai, Cha sẽ chào tạm biệt con. Cha thực tâm cảm ơn con. Dĩ nhiên, con không cần tiếp tục cuộc điều tra thêm làm gì. Chớ quấy rầy các tu sĩ thêm nữa. Con được phép đi.

Đó không phải một cách cho lui, mà là một lời đuổi thẳng. Thầy William từ giã và chúng tôi xuống lầu.

– Thế nghĩa là thế nào? – Tôi hỏi, chẳng còn hiểu ất giáp gì nữa.

– Cố dựng lên một giả thuyết xem, con hẳn biết cách rồi.

– Quả thật, con biết mình phải đưa ra ít nhất hai giả thuyết đối nghịch nhau, và cả hai đều không thể tin được. Này nhé… – Tôi nuốt nước miếng, xúc động, hồi hộp. – Giả thuyết thứ nhất: Tu viện trưởng đã biết tất cả và tưởng thầy sẽ không phát hiện được điều gì. Giả thuyết thứ hai: Tu viện trưởng chẳng bao giờ nghi ngờ điều gì. Nhưng dẫu sao, Cha cứ nghĩ, tất cả là do cuộc cãi vã… giữa các tu sĩ đồng tính luyến ái… Tuy nhiên, bây giờ thầy đã mở mắt cho Cha thấy, nên Cha đột nhiên nhận thức được một việc rất kinh khủng, và đã nghĩ ra một cái tên và biết chắc chắn ai là kẻ có tội trong các án mạng. Nhưng lúc này, Cha muốn tự tay giải quyết vấn đề và tống khứ thầy đi để cứu vãn danh dự của tu viện.

– Giỏi. Con bắt đầu suy luận khá đấy. Nhưng, con đã thấy trong cả hai trường hợp, Tu viện trưởng đều lưu tâm đến thanh danh của tu viện mình. Dù Cha có là kẻ sát nhân hay nạn nhân kế tiếp đi nữa, Cha không muốn những tin tức ô nhục về cộng đồng thiêng liêng này lan ra khỏi những ngọn núi. Giết tu sĩ của Cha đi, nhưng chớ có chạm đến danh dự của tu viện. Cha chả… – Thầy William bắt đầu giận sôi lên. – Lão lãnh chúa lưu manh, con công đực nổi tiếng nhờ đào mồ chôn Aquinas [1], cái túi da đựng rượu căng phồng vênh váo, sống chỉ vì đeo một cái nhẫn to như đáy ly! Tất cả bọn Cluniac các người đều tự mãn, tự mãn, còn lối hơn cả các vương tôn công tử, còn bảo hoàng hơn cả vua!

– Thầy…- tôi đánh bạo trách móc, lòng thấy bị xúc phạm.

– Con im ngay, con cũng một phường với chúng. Lũ các người không phải là những người dân phàm tục, hay con cái của họ. Nếu một nông dân đi theo thì các người sẽ đón nhận, nhưng như ta thấy hôm qua đó, các người sẽ chẳng ngần ngại gì trao anh ta lại cho thế quyền. Nhưng nếu là một kẻ trong số các người thì không, không bao giờ, phải bao che cho người ấy. Tu viện trưởng có thể chỉ mặt tên khốn nạn đó, đập hắn chết trong hầm kho tàng rồi để hắn chết quéo trong mấy cái hộp đựng thánh tích, với điều kiện tu viện khỏi bị nhục… Còn để cho một tu sĩ Francisco, một tu sĩ Khất thực bình dân khám phá ra cái ổ chuột trong tòa nhà thiêng liêng này ư? À, không thể được, bằng mọi giá, Tu viện trưởng không thể để điều này xảy ra. Cảm ơn, Sư huynh William, Hoàng đế cần Huynh, Huynh thấy cái nhẫn tôi đeo đẹp biết bao, tạm biết Huynh. Nhưng bây giờ chuyện thách thức không chỉ giữa ta và Tu viện trưởng nữa, mà là giữa ta và toàn bộ sự việc: ta sẽ không rời nơi này cho đến khi tìm ra. Lão muốn ta ra đi sáng mai phải không? Được lắm, đây là nhà của lão mà, nhưng cho đến sáng mai ta phải biết, phải biết.

– Thầy phải biết? Giờ có ai ép buộc thầy đâu?

– Adso ạ, chẳng ai buộc chúng ta phải biết cả. Nhưng chúng ta phải biết thế thôi, dù là biết không trọn vẹn đi nữa.

Tôi vẫn còn hoang mang và thấy nhục về những lời thầy William xúc phạm đến dòng tu và các Tu viện trưởng của tôi. Tôi cố phân minh phần nào cho Cha Bề trên, bằng cách đưa ra giả thuyết thứ ba, sử dụng tài lý luận mà tôi nghĩ mình bắt đầu thành thạo.

– Thưa thầy, thầy chưa xét đến khả năng thứ ba. Những ngày vừa qua chúng ta đã nhận thấy một điều, và sáng hôm nay, sau những lời tâm sự tin cậy của Nicholas và những lời đồn đại chúng ta nghe được trong nhà thờ, điều ấy dường như quá rõ rằng có một nhóm tu sĩ Ý không chịu chấp nhận sự kế vị của các quản thư người nước ngoài, họ lên án Tu viện trưởng đã không tôn trọng truyền thống cũ, và theo như con hiểu, họ nấp sau lưng già Alinardo, đẩy già tới trước như một điển hình để đòi hỏi một chính quyền khác trong tu viện. Do đó, có lẽ Tu viện trưởng sợ tiết lộ của chúng ta sẽ trao vũ khí vào tay kẻ thù mình, và muốn giải quyết vấn đề một cách hết sức thận trọng.

– Có thể như vậy. Nhưng lão ấy vẫn là một cái túi da đựng rượu căng phồng vênh váo, và chính lão sẽ bị giết.

Chúng tôi đang ở trong nhà dòng. Gió càng lúc càng hung tợn hơn, ánh sáng mờ dần, dù mới chỉ qua kinh Xế Trưa. Sắp hoàng hôn rồi. Chúng tôi chẳng còn bao nhiêu thời gian nữa. Thầy William nói:

– Muộn rồi, và khi có ít thời gian, người ta phải ráng giữ bình tĩnh. Chúng ta hành động như thể chúng ta đang có thời gian vĩnh cửu. Thầy phải giải quyết một vấn đề: làm cách nào xâm nhập “finis Africae” vì lời giải đáp cuối cùng phải nằm ở đó. Rồi chúng ta phải cứu một người, thầy chưa quyết được đó là ai. Cuối cùng, chúng ta nên xem xét có gì xảy ra ở hướng chuồng ngựa không, con sẽ để mắt đến nó… Hãy nhìn xem cái gì chộn rộn thế…

Quả thật khoảng giữa Đại dinh và nhà dòng chợt náo động khác thường. Mới cách đây một lát, một tu sinh từ nhà Tu viện trưởng chạy vụt về phía Đại Dinh. Bây giờ, Nicholas lại từ Đại Dinh chạy trực chỉ hướng nhà nghỉ. Ở một góc, nhóm tu sĩ ban sáng: Pacificus, Aymaro, và Peter, đang bàn cãi sôi nổi với Alinardo, tựa như muốn thuyết phục già một điều gì.

Rồi, dường như họ đi đến một quyết định. Aymaro đỡ lấy già Alinardo, lúc ấy vẫn lộ vẻ miễn cưỡng không sốt sắng lắm, và cùng đi vào nhà của Tu viện trưởng. Họ vừa mới bước vào thì Nicholas từ nhà nghỉ đi ra, dẫn theo Jorge, cả hai cùng đi về hướng đó. Trông thấy hai tu sĩ Ý bước vào, huynh rỉ tai Jorge điều gì đó, và lão già lắc đầu. Tuy nhiên, họ vẫn cất bước về phía nhà nguyện.

– Tu viện trưởng đang tự cáng đáng tình hình hiện nay…- Thầy William nói, giọng ngờ vực. Từ Đại Dinh lại hiện thêm nhiều tu sinh nữa trên phòng thư tịch xuống, theo bén gót họ là Benno, Huynh tiến đến phía chúng tôi, mặt lộ vẻ hết sức lo lắng. Huynh nói:

– Trong phòng thư tịch có điều bất an. Không ai chịu làm việc, mà cứ xì xầm nói chuyện với nhau… Việc gì xảy ra thế?

– Việc xảy ra là, những người cho đến sáng nay tưởng như là người tình nghi nhất thì đều đã chết. Hôm kia thì ai cũng dè chừng, cảnh giác với Berengar, ngu ngốc lường gạt và dâm dục, rồi họ nghi quản hầm, người tình nghi dị giáo, và cuối cùng là Malachi, người ai nấy đều không ưa… Bây giờ, họ chẳng biết nghi ai nữa, nên phải khẩn cấp tìm một kẻ thù hay một tên bung xung. Mỗi người nghi một người khác, vài người sợ hãi, như Huynh vậy, một số người khác lại quyết định phải hù những người khác sợ. Tất cả các Huynh đều lo cuống cuồng lên. Adso, thỉnh thoảng liếc chừng các chuồng ngựa nhé. Thầy về nghỉ một lát đây.

Tôi chưng hửng: về nghỉ trong khi chỉ còn lại vài giờ thật chẳng có vẻ khôn ngoan tí nào. Nhưng bây giờ tôi đã hiểu thầy tôi. Thân thể thầy càng được nghỉ ngơi thì trí tuệ thầy lại càng sôi sục lên.

Chú thích:

[1] Chỉ Thánh Thomas (1225?-1274) triết gia, học giả Ý .


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận