Tên Tôi Là Hướng Tình - Nhân Tiêu Ngưu Liễu

Chương 16


21

 

Phúc khí của Phúc Bảo cuối cùng cũng không cứu được cha tôi.

 

Ông bị liệt, nửa đời sau chỉ có thể nằm trên giường.

 

Sau khi tỉnh lại, ông phát điên mắng Phúc Bảo, nói rằng nó là một ngôi sao xui xẻo.

 

Phúc Bảo co rúm trong lòng mẹ tôi, khóc đến mức thở không nổi:

 

“Con lợn rừng đó phát điên, con đâu có biết nó sẽ lao vào cha. Con chỉ nghĩ có con lợn rừng thì sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ.”

 

Nó muốn chuyển họa sang người khác, liền kéo tôi lại và nói:

 

“Đáng lẽ người lên núi với con phải là chị cả, không phải cha. Ông già râu bạc đã nói, con và chị cả hôm nay có thể bắt được lợn rừng. Nhưng chị cả không chịu đi, nên cha mới bị thương.”

 

Nó lại đem ông già râu bạc bịa đặt ra để đổ lỗi. Nhưng lần này cha tôi không tin nó nữa, ông gào lên bắt nó cút đi.

 

Ở độ tuổi sung sức nhất lại bị liệt trên giường, điều này còn khiến cha tôi đau khổ hơn cả cái chết.

 

Mẹ tôi xót xa cho Phúc Bảo, khuyên cha tôi:

 

“Chuyện đã thế này rồi, ông đừng trách Phúc Bảo nữa. Nó thương ông nhất, bây giờ không biết là nó đang đau lòng đến nhường nào.”

 

Rồi bà quay sang tôi, nói:

 

“Đại Nha, con xem cha con đã như thế này rồi, chuyện học hành này chúng ta thật sự không thể tiếp tục được nữa.”

 

Bà nội tôi cũng hùa theo:

 

“Vì cứu cha con mà ngay cả tiền để dành mua quan tài của ta cũng bị con trộm đi rồi. Con không thể không gánh chút trách nhiệm chứ.”

 

“Ta thấy cái anh Điền Trường Quý mà Phúc Bảo nói rất được. Con gả qua đó sẽ được ăn ngon mặc đẹp, tiền sính lễ cũng vừa đủ để lo cho Kiến Quân cưới vợ.”

 

Phúc Bảo mấp máy môi, lần đầu tiên đồng tình với lời của bà nội:

 

“Con gái học nhiều để làm gì chứ. Chị cả cũng không còn nhỏ nữa, đã đến lúc làm chút gì đó cho cha mẹ rồi.”

 

Tất cả bọn họ đều nhìn tôi đầy mong đợi.

 

Ngay cả cha tôi trên giường bệnh cũng căng tai lắng nghe.

 

Cả nhà đều đang chờ tôi gật đầu, tự nguyện nói ra câu sẽ nghỉ học để lấy chồng.

 

Tôi kiên quyết nói:

 

“Con sẽ không nghỉ học.”

 

“Chị không nghỉ học, người khác phải làm sao đây? Nếu chị ngoan ngoãn nghe lời, cha có thành ra như bây giờ không? Tất cả là tại chị.”

 

Lời của Phúc Bảo khiến người ta như rơi vào sương mù.

 

Chẳng lẽ tôi nghe lời nghỉ học thì nó mới có thể tiếp tục làm Phúc Bảo của nó sao?

 

Mẹ tôi lại bắt đầu khóc:

 

“Bây giờ cả nhà đều trông cậy vào con. Con định nhìn cả nhà c.h.ế.t đói sao?”

 

Cha tôi hiếm khi nói những lời nhẹ nhàng:

 

“Đại Nha, dù sao cũng nên nghĩ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của chúng ta. Kiến Quân sắp lên cấp ba rồi, nó sẽ là chỗ dựa cho con sau này.”

 

“Chẳng lẽ phải để cha quỳ xuống thì con mới đồng ý sao?”

 

Đôi mắt ông đỏ hoe, cố gắng vùng dậy khỏi giường, mẹ và bà nội vội vàng ngăn lại.

 

“Con chỉ còn nửa năm nữa là tốt nghiệp. Đến lúc đó, con có thể tìm một công việc ở nhà máy dệt, mỗi tháng được bốn mươi đồng.”

 

22

 

Nhắc đến tiền, căn phòng bỗng chốc im lặng.

 

Cha tôi nhắm mắt, nằm trở lại giường bệnh.

 

Mẹ tôi cũng không nhắc đến chuyện bắt tôi lấy chồng nữa, bắt đầu tính toán đến tiền lương tương lai của tôi.

 

Phúc Bảo xìu mặt, đứng một bên, ánh mắt đảo lia lịa.

 

Bảy ngày sau, cha tôi xuất viện.

 

Mẹ tôi thuê một chiếc xe bò, đưa ông từ trấn về nhà.

 

Tối hôm đó, cả nhà bị gọi đến trước giường cha tôi. Ông nhìn một lượt, rồi nghiêm nghị nói:

 

“Bây giờ cha đã thành người vô dụng, không nuôi nổi cả đám người như thế này. Đại Nha từ khi đi học đã không tốn của nhà đồng nào, còn mang tiền về, chỉ cần học thêm nửa năm nữa là có thể kiếm tiền. Nhưng còn hai đứa kia…”

 

Ý ông là Phúc Bảo và Kiến Quân.

 

“Tối đa chỉ có thể nuôi thêm một người đi học nữa.”

 

Kiến Quân thì chẳng mấy quan tâm, cậu vốn không mấy thiết tha việc học hành.

 

Phúc Bảo thì sốt sắng, kéo tay áo mẹ tôi:

 

“Mẹ, con sắp lên cấp hai rồi, hơn nữa ông già râu bạc đã nói, con cần phải đi học mới có thể mang phúc khí về cho nhà mình.”

 

Mẹ tôi có chút do dự:

 

“Hay là để Phúc Bảo đi học đi. Kiến Quân chắc chắn không thi đỗ cấp ba, hơn nữa nó cũng đến tuổi nói chuyện cưới xin rồi. Đợi chị cả đi làm kiếm được tiền thì lo cho nó một cô vợ, như thế cũng không thiệt thòi gì.”

 

Bà quay sang nhìn bà nội với vẻ mặt cầu cạnh.

 

Quả nhiên, người được cưng chiều luôn có chỗ dựa để ỷ lại.

 

Kiếp trước, Phúc Bảo có cha mẹ yêu thương. Kiếp này, dù nó đã khiến cha trở thành người tàn phế, mẹ tôi vẫn xót xa cho nó.

 

Kiến Quân lại càng nhận được tình yêu vô điều kiện từ bà nội.

 

Thế là mẹ và bà nội lại bắt đầu cãi nhau.

 

Mẹ tôi muốn lấy một phần ba lương của tôi để cho Phúc Bảo đi học, còn bà nội thì muốn toàn bộ lương của tôi để dành cho Kiến Quân cưới vợ.

 

Không một ai hỏi qua ý kiến của tôi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận