Tôi hàng ngày vẫn duy trì việc đi làm gia sư tiếng Anh, học thanh nhạc ở nhà của Mẫn Nhi và đến lớp tập nhảy.
May thay mọi thứ xảy ra đều suôn sẻ, không có một chuyện gì xấu, hay ngoài ý muốn xảy ra cả.
Thứ sáu lại tới, tôi lại tới nhà của Mẫn Nhi để học thanh nhạc.
Lúc nhìn thấy tôi, chị có vẻ khá vui và đầy sự mong chờ.
Theo tôi suy đoán thì chị ấy đã đứng ngồi không yên để đợi tôi tới đây.
Chị ấy nhìn tôi, rồi nhanh chóng bảo tôi ngồi vào ghế đối diện với chị.
Tôi ngồi xuống ghế, mắt nhìn chị đứng dậy, đi vào trong phòng ngủ.
Tôi không biết chị có ý định gì, chị cứ ấp ấp mở mở khiến tôi rất tò mò.
Một lát sau, chị đi ra, mang trong tay một chiếc laptop.
Thoạt nhìn thấy vẻ mặt tò mò của tôi, chị cũng nhanh chóng ngồi vào ghế, bật nó lên và bấm tới bấm lui một cái gì đó.
Tôi ngồi cúi người, hai khuỷu tay tì lên đùi, hai tay đỡ lấy khuôn mặt trắng nõn.
Tôi nhìn chị vừa di di tay, khuôn mặt vừa dậy lên sự hứng thú không hề nhẹ.
Có vẻ như làm xong, chị quay tới nhìn tôi đang đưa con mắt tò mò nhìn từng hành động kì lạ của chị.
Chị xoay chiếc laptop về phía tôi, sau đó chỉ vào tiêu đề ghi: [Audition Find my voice]
“Chị định dự thi cuộc thi này à.” – Tôi hỏi chị, bàn tay lướt lên lướt xuống phần cảm ứng của laptop để đọc kĩ hơn.
“Không, em đấy.
Chị thấy em rất phù hợp với cuộc thi này.
Kĩ năng cùng giọng hát của em hoàn toàn có thể lấy được giải cao.”
“Hả.” – Tôi nhìn Mẫn Nhi đang vui vẻ nhìn tôi.
– “Nhưng hiện tại em chưa sẵn sàng, kĩ năng của em còn rất yếu, giọng hát cũng đâu có gì đặc biệt lắm đâu.”
“Em vẫn còn tuổi thiếu niên, chưa có dậy thì đâu, nên chưa biết sau khi vỡ giọng thì ra cái dạng gì.
Nhưng mà chị tin là em sẽ có giọng hát tốt đó.” – Nói xong, chị mỉm cười chỉ chỉ vào một chỗ.
– “Chị cũng không tham gia được, cuộc thi này chỉ dành cho độ tuổi thanh thiếu niên thôi.
Cứ coi đây là một kinh nghiệm trong nghiệp sự ca hát của em đi.
May mắn thì được giải cao, không may mắn thì thôi, cũng không mất gì cả.”
Tôi nhìn thấy dòng chữ mà Mẫn Nhi chỉ, trên đó viết dành cho độ tuổi 9 – 18 tuổi, đúng là chị không thể tham gia thật.
Nhưng tôi thực sự chưa từng nghĩ tới việc tham gia một cuộc thi ca hát.
Tôi cũng chỉ học thanh nhạc được khoảng một tháng, cũng chưa thấm vào đâu cả.
Thấy tôi thẫn thờ suy nghĩ, Mẫn Nhi chọc chọc vào tay tôi.
“Đừng suy nghĩ nhiều.
Trong suốt một tháng qua, chị cũng đã chỉ em hầu hết các kĩ thuật cơ bản của thanh nhạc rồi.
Chị thấy em cũng nắm rất vững, em hoàn toàn có thể hát ngang với các ca sĩ trẻ hiện tại.”
“Nhưng mà…”
“Thời gian tham gia cuộc thi cũng còn khoảng một tuần nữa, em cứ suy nghĩ cho tốt.
Đây là cơ hội ngàn vàng, em phải biết nắm lấy.
Biết không?” – Sau đó chị lại thở dài.
– “Tham gia các cuộc thi đó cũng sẽ giúp em rất nhiều trong việc cải thiện bản thân đấy, em cũng sẽ được cọ sát, biết trình độ của mình đang ở đâu.
Như chị ấy, chị từng mơ ước trở thành một ca sĩ.
Nhưng sau khi tham gia một số cuộc thi, chị tự nhận ra rằng mình phù hợp với nghề dạy thanh nhạc này hơn.
Ca sĩ phải nắm được thuật trình diễn, phải tự tin trước đám đông.
Chị cũng không đủ can đảm khi đọc những bình luận trái chiều, chỉ trích từ cộng đồng mạng.
Phải nói rằng, làm ca sĩ rất khó, cũng rất can đảm để đối mặt với mấy thứ đó.”
Tôi lần đầu nghe thấy chị nói dài như vậy.
Có lẽ, chị thực sự chấp nhận bản thân mình.
Đúng thật mỗi người mỗi khác, đúng như lời anh tôi nói, nếu cảm thấy bản thân không có khả năng có thể tự tìm đường lui cho mình.
Tôi nhìn chị, trong ánh mắt chị ánh lên sự kì vọng đối với tôi.
Đối với mỗi giáo viên, nhìn học sinh của mình trường thành theo từng ngày, mang lại thành quả tốt đẹp khiến họ thực sự tự hào về bản thân.
Tôi cảm thấy rằng nếu chị chọn nghề này, thực sự rất hợp với chị.
“Vậy em sẽ đi thi.
Đằng nào cũng không mất gì hết mà.”
Tôi ngồi đó xem một số thông tin về cuộc thi, chị cũng giải thích cho tôi kĩ hơn.
Đó cũng là cuộc thi mà chị đã từng tham gia nhưng không thể qua được buổi audition đầu tiên.
Mẫn Nhi đã nói với tôi như thế.
Tôi bội phục chị, rằng chị không hèn nhát như tôi.
Tôi thất bại lần đầu tiên, nhưng đã lựa chọn từ bỏ.
Còn chị, dù thất bại, không được sự công nhận của người khác nhưng vẫn từng ngày từng ngày cố gắng hơn.
Chị rất đáng được trân trọng.
“Em sẽ cố hết mình, chị cứ chờ đấy mà xem.
Chị đã bảo em phải trả nợ cho chị, giờ em bắt đầu tích đức để trả nợ dần dần.
Cẩn thận không mai nhiều học sinh quá không có chỗ cho chị dạy đâu.”
Mẫn Nhi nghe xong liền bật cười ra một tiếng.
Một tiếng cười thoải mái, không che giấu một điều gì cả.
Với tôi, Mẫn Nhi thực giống như một người chị, dù không có nhiều thứ đáng để khoe khoang nhưng lại dành điều tốt nhất cho tôi.
Mặc kệ tôi là người xa lạ đi chăng nữa.
Tôi dành nửa giờ để nói chuyện kĩ hơn về cuộc thi.
Chị cũng giải thích cho tôi rõ hơn về cuộc thi này.
Cuộc thi cơ bản gồm 4 vòng trình diễn.
Cuộc thi cũng kéo dài khoảng một tháng nên cũng rất nhanh.
Tôi thực sự cũng không dám chắc mình có thể qua được vòng audition được hay không.
Phần tuyển chọn ban đầu là phần tiên quyết để xem bản thân có được tham gia vào chương trình hay không.
Mẫn Nhi cũng nói cho tôi một số kinh nghiệm, hiểu biết của chị mà chị tự chiêm nghiệm được, cùng với các bạn bè khác của chị.
Sau khi nghe chị nói thì tôi nghĩ tôi hoàn toàn có thể đi qua vòng đấy được.
Vòng thứ nhất là vòng Giấu mặt.
Cơ bản có thể giải thích như sau: thí sinh sẽ hát một bài hát đơn ca trên sân khấu, các huấn luyện viên sẽ quay lưng lại, không nhìn gì về phía họ.
Dựa vào từng phong cách thí sinh biểu diễn, giọng hát, phong độ ra sao, có phù hợp với huấn luyện viên hay không mà họ sẽ lựa chọn quay lại.
Ngoài ra còn có một số các quy tắc khác khá phức tạp.
Vòng thứ hai là vòng Đối đầu.
Trong vòng trước, mỗi huấn luyện viên sẽ có tối đa 10 sự lựa chọn của mình.
Do đó, chúng tôi sẽ được chia làm năm cặp đối đầu với nhau.
Chỉ một trong hai người được chọn để đi tiếp.
Tuy nhiên những người bị loại vẫn sẽ có cơ hội đi tiếp nếu được một hoặc nhiều huấn luyện viên cứu.
Vòng thứ ba là vòng Đo ván.
Vòng này có chút thử thách hơn khi mà bản thân mỗi người phải giữ một phong độ thật tốt.
Tới đây, mỗi huấn luyện viên sẽ lựa chọn một thí sinh trong đội của mình để thi đấu với một thí sinh khác ở đội khác mà họ chọn.
Nếu như may mắn thì chọn người yếu hơn mình, còn ngược lại thì chỉ biết nhắm mắt xuôi tay mà thôi.
Thắng thua sẽ do khán giả trong trường quay lựa chọn.
Nói chung, tới vòng này, thí sinh phải biết cả khả năng trình diễn, cũng như phải biết cách để thu hút khán giả.
Vòng thứ tư là vòng Trình diễn, cũng có thể coi là vòng Bán kết.
Tới lúc này thí sinh cũng phải biết cách thu hút cả người xem truyền hình nữa.
Máy quay sẽ tia tới tia lui, nên họ cũng phải biết cách bày ra biểu cảm ra sao để thu hút khán giả.
Vòng chung kết chỉ còn lại khoảng 6 người, mỗi người sẽ lựa chọn một bài hát đơn ca để biểu diễn.
Năm người được chọn ở vòng trước cùng với một người được khán giả bình chọn cao nhất sẽ tiếp tục được tham gia, mặc kệ cho họ có bị loại ở vòng nào.
Nhưng theo như Mẫn Nhi nói thì đa phần thí sinh toàn là ở vòng trước mà xui xẻo bị loại.
Vòng này sẽ được chiếu trực tiếp trên truyền hình nên bất cứ một sai sót nào cũng có thể bị nhìn thấy, vậy nên cũng đặt rất nhiều áp lực vào thí sinh.
Cuối cùng, dựa trên lượt bình chọn của khán giả xem truyền hình mà tính ra người đạt giải Quán quân, Á Quân,…
Nói chung, để vào được vòng cuối cùng cũng phải đòi hỏi rất nhiều yếu tố khác nhau, không phải cứ người này hát hay là được.
Đôi khi còn phụ thuộc vào bài hát họ chọn có phù hợp với thị hiếu người xem hay không, nếu như một bài hát không ai thích, thì dù có hát hay tới mấy cũng rất khó có thể giành chiến thắng.
Sau đó, tôi không nói chuyện này với chị nữa, lại tiếp tục vào phòng thanh nhạc mà luyện tập.
Lịch đi audition cũng được tôi lưu trong máy..