Bước vào tòa nhà, Nakahara đọc tấm biển tên doanh nghiệp treo trên tường. “Văn phòng luật sư Hirai” nằm ở tầng 4. Anh đi thang máy lên tầng 4, rồi tiến đến quầy tiếp tân của văn phòng nằm ngay trước cửa thang máy.
Ngồi ở quầy tiếp tân là một cô gái trẻ, sau khi anh xưng tên, cô gái mỉm cười lễ độ giơ tay phải chỉ, “Mời anh đến phòng số 3 đợi một lát.”
Dọc hành lang là các phòng được đánh số thứ tự trên cửa.
Anh ngồi đợi ở phòng số 3 theo chỉ dẫn của cô gái kia. Đó là một căn phòng rộng khoảng 5m², có một cái bàn đặt giữa phòng và ghế được xếp xung quanh. Trong phòng ngoài bàn ghế ra không có nội thất nào khác.
Đây là lần đầu tiên anh đến những chỗ như thế này. Không ngờ ở những tòa nhà thế này cũng có văn phòng luật sư.
Sau khi biết Sayoko đã tìm đến chỗ luật sư Hirai để nói chuyện, anh như hiểu rõ thêm về những chuyện đã diễn ra. Bởi từ trước đến giờ, chưa một lần nào anh nghĩ đến chuyện gặp luật sư của đối phương. Đối với anh mà nói, Hirai Hajime mãi mãi là một kẻ thù đáng căm hận, suy nghĩ này không hề thay đổi dù sau đó tòa đã tuyên án tử. Thậm chí anh nhớ mình còn căm ghét vị luật sư này hơn sau khi biết chính anh ta đã đệ đơn kháng cáo lên tòa án tối cao.
Nhưng Sayoko không phải anh. Cô muốn biết đối với chính cô phiên tòa đó có ý nghĩa gì, nên cô cũng muốn biết suy nghĩ của luật sư biện hộ cho bị cáo. Nếu chỉ nhìn sự việc từ một phía, sẽ không thể hiểu rõ chân tướng của nó. Một nguyên tắc đơn giản như vậy mà mình lại quên mất, Nakahara tự cảm thấy hổ thẹn với bản thân.
Anh nghĩ muốn đi theo con đường mà Sayoko đã đi qua. Biết đâu trong lúc tìm hiểu xem cô ấy nghĩ gì, đã tìm ra điều gì, bản thân anh cũng sẽ tìm được hướng đi cho riêng mình.
Nakahara thử nghĩ rút cục Sayoko đã liên lạc với luật sư Hirai bằng cách nào, và anh nhớ ra luật sư Yamabe. Anh thử liên lạc với Yamabe, quả nhiên đúng như suy đoán. Chính luật sư Yamabe đã giới thiệu luật sư Hirai với Sayoko khi cô tìm đến anh ta.
“Liệu anh có thể giới thiệu tôi và anh luật sư đó không,” khi Nakahara mở lời nhờ vả, Yamabe vui vẻ nói:
“Tôi cũng đã nghĩ anh Nakahara sẽ muốn gặp luật sư kia sau khi đọc tập bản thảo của chị Sayoko. Tôi hiểu rồi, tôi sẽ thử liên lạc với anh ta xem sao.”
Không lâu sau đó Yamabe đã liên lạc lại, nói rằng chính luật sư Hirai cũng muốn được gặp anh. Vì thế, hôm nay Nakahara tìm đến văn phòng luật sư của Hirai.
Một tiếng gõ cửa vang lên, sau tiếng đáp “Mời vào” thì cửa được mở ra, Hirai mặc một bộ vest màu xám tro bước vào. Mái tóc chẻ ngôi giữa vẫn giống như ngày đó, nhưng số sợi bạc đã nhiều hơn. Ánh mắt luôn liếc sang một bên vẫn không hề thay đổi.
“Xin lỗi đã để anh chờ lâu,” Hirai vừa nói vừa ngồi xuống ghế đối diện. “Cũng quá lâu rồi nhỉ,” anh ta mở lời bằng câu chào vô thưởng vô phạt.
“Xin lỗi vì lần này tôi đường đột tìm đến anh như thế này.” Nakahara hơi cúi đầu.
“Không sao,” Hirai xua xua tay. “Tôi cũng tò mò muốn biết bây giờ anh ra sao. Đến người vợ đã ly hôn cũng bị giết hại như vậy, không biết anh chống đỡ với cú sốc này như thế nào.”
“Anh cũng biết chuyện Sayoko bị giết hại à?”
“Cảnh sát điều tra bên Cảnh sát Tokyo cũng tìm đến chỗ tôi. Họ muốn biết liệu giữa nghi phạm và chị Hamaoka Sayoko có mối liên hệ nào không. Họ cho tôi xem ảnh nghi phạm nhưng tôi đã trả lời rằng tôi không hề biết người đàn ông đó.”
“Theo tôi biết thì vụ án này chỉ đơn giản là cướp của giết người trên đường.”
Hirai hơi gật đầu, nét mặt vẫn không hề thay đổi. Đôi mắt hơi lé đang nhìn về hướng nào không ai biết, ánh mắt ấy gây ác cảm cho anh trong suốt quá trình diễn ra xét xử, nhưng lúc này anh lại cảm nhận được trong đó sự thận trọng và nghiêm túc.
“Chắc anh cũng bận, nên tôi sẽ nói thẳng luôn.” Nakahara mở lời. “Sayoko vốn định xuất bản một quyển sách, nội dung là phản đối luận điểm cho rằng nên xóa bỏ án tử hình. Tôi được biết cô ấy cũng có nói chuyện với anh, tôi muốn biết anh và cô ấy đã trao đổi những gì.”
Sau đó, Nakahara nói lại nội dung cuộc nói chuyện được ghi lại trên bản thảo.
“Đúng là tôi đã nói như vậy. Một vụ án có rất nhiều ẩn tình trong đó. Mỗi vụ án lại có những ẩn tình khác nhau. Vậy mà cái kết lại chỉ có một, tử hình kẻ thủ ác. Liệu như vậy có tốt hay không? Tôi nghĩ cái kết đó không đem lại cho bất kì người liên quan nào điều gì. Nói vậy nhưng tôi lại không thể trả lời câu hỏi về một cái kết khác. Bởi vì không có câu trả lời cho câu hỏi đó, nên dù có hô hào xóa bỏ án tử hình đi chăng nữa, thì đó cũng chỉ là đi vào một ngõ cụt khác mà thôi.”
“Thân nhân người bị hại cũng không được cứu rỗi.”
“Đúng vậy.”
“Thế nhưng bởi vì anh là luật sư nên anh mới kháng cáo lên tòa án tối cao?”
Nhìn luật sư Hirai nghiêng đầu, vẻ mặt như không hiểu ý tứ trong câu mình vừa nói ra, Nakahara bổ sung thêm, “Tôi đang nói đến phiên tòa giữa chúng ta. Sau khi phiên tòa phúc thẩm tuyên bố án tử hình, phía luật sư đã kháng cáo. Tôi được biết đó là ý của anh. Có phải bởi vì anh là một luật sư nên anh không thể im lặng chấp nhận kết luận của tòa mà kháng cáo không?”
Hirai thở ra một tiếng, tầm mắt hướng lên trên một lúc rồi khoanh hai tay đặt lên bàn trước mặt, hướng lại gần phía Nakahara.
“Kháng án bị bãi bỏ. Anh có biết lý do không?”
“Tôi biết, một nhà báo đã nói cho tôi. Chính Hirukawa đã rút đơn kháng án, vì đã phiền phức lắm rồi.”
“Đúng thế. Anh nghĩ sao khi nghe câu nói đó?”
“Nghĩ sao ư…” Nakahara nhún vai, “Tôi chỉ cảm thấy mông lung. Tôi mừng vì bản án tử hình được lập, nhưng lại có cảm giác những nỗ lực đấu tranh lúc đó của chúng tôi như trò cười, như thể bị người khác điều khiển.”
Hirai gật gù, ừ ừ.
“Chị nhà cũng chia sẻ với tôi như vậy. Nhưng anh này, Hirukawa thấy phiền phức, không phải muốn ám chỉ chuyện xét xử qua lại thôi đâu. Ý của hắn ta, phiền phức ở đây còn là chuyện phải sống tiếp nữa. Tôi không biết trong mắt anh chị hắn ta là người như thế nào, nhưng bản thân Hirukawa đã có những thay đổi nội tâm trong suốt quá trình xét xử dài đằng đẵng ấy. Ban đầu hắn vẫn muốn được sống, vì thế hắn mới xin lỗi gia đình nạn nhân, và thay đổi một vài chi tiết trong bản khẩu cung. Nhưng trải qua nhiều phiên tòa liên tiếp, đứng trước vành móng ngựa, những từ nào là tử hình, rồi khung hình phạt nặng nhất thường xuyên vang lên bên tai, khiến hắn bắt đầu muốn từ bỏ. Trước khi phán quyết của phiên phúc thẩm được đưa ra, hắn đã nói với tôi rằng, tiên sinh ạ, tử hình cũng không tệ.”
Nakahara ngồi thẳng lưng lại trong vô thức, ngạc nhiên.
“Tôi đã hỏi hắn muốn nói gì. Có phải vì anh nghĩ bản án tử hình là hình phạt thích hợp đối với hành vi của chính mình không. Nhưng hắn lại nói rằng, chuyện đó hắn không quan tâm. Chủ tọa quyết thế nào cũng được. Hắn nói tử hình cũng không tệ là bởi lẽ, con người ai rồi cũng phải chết, nếu có người quyết định hộ mình ngày rời khỏi nhân thế thì cũng tốt. Nghe được câu này, anh nghĩ sao?”
Dường như có cái gì đó nặng trĩu đè lên lồng ngực, Nakahara cố tìm một từ ngữ thích hợp để diễn tả cảm xúc lúc này.
“Nói thế nào nhỉ… cảm giác trống rỗng, ảm đạm.”
“Tôi cũng nghĩ vậy.” Hirai thở dài. “Hirukawa không còn nghĩ án tử hình là hình phạt cho tội ác của chính mình nữa. Hắn đã coi tử hình là số mệnh trời ban. Thứ hắn chứng kiến qua từng phiên tòa là số mệnh của chính bản thân, vì thế hắn không cần quan tâm người khác cảm nhận cái gì. Hắn rút đơn kháng cáo, chấp nhận bản án là bởi vì hắn nghĩ số mệnh đã được sắp đặt như thế thì cố níu kéo cũng là chuốc thêm phiền phức mà thôi. Sau khi tòa tuyên án, tôi vẫn liên lạc với Hirukawa qua thư từ và gặp mặt, bởi tôi vẫn mong có thể khiến hắn ta một lần nữa đối diện với tội ác đã gây ra. Nhưng với hắn ta, vụ án đã chỉ là dĩ vãng, hắn chỉ quan tâm đến duy nhất một thứ, đó là vận mệnh của chính mình. Khi bản án được thi hành, anh có biết không?”
“Có, tòa soạn báo gọi điện báo cho tôi biết.”
Bản án được thi hành sau khi tòa tuyên án khoảng 2 năm. Tòa soạn báo yêu cầu anh cho ý kiến về việc này nhưng anh đã từ chối. Anh không nhận được thông báo gì về việc thi hành án từ cơ quan công quyền như tòa án. Nếu không có cú điện thoại từ tòa soạn, có lẽ cho đến bây giờ anh cũng không biết bản án được thi hành hay chưa.
“Sau khi biết bản án được thi hành, cuộc sống của anh có gì thay đổi không?”
“Không.” Nakahara đáp ngay tức khắc, “Không một chút nào. Chỉ như biết một tin tức bâng quơ nào đó thôi.”
“Hẳn rồi. Hirukawa cũng không thể thật sự hối hận. Bản án tử hình không thể thay đổi con người hắn ta dù chỉ một chút.” Hirai hướng ánh mắt hơi lé nhìn thẳng mặt Nakahara, “Tử hình là hình phạt vô nghĩa.”
Ăn xong bữa tối ở quán cơm quen thuộc, Nakahara trở về nhà, lấy tập bản thảo của Sayoko ra.
Tử hình là hình phạt vô nghĩa – lời nói này vẫn vang lên trong đầu anh.
Phân đoạn ghi lại cuộc nói chuyện với luật sư Hirai trong bản thảo của Sayoko kết thúc dang dở, lúc này anh phần nào hiểu được nguyên nhân. Có lẽ bởi Sayoko không muốn phải chấp nhận ý kiến của Hirai, không muốn phải thừa nhận tử hình chỉ là hình phạt vô nghĩa.
Cũng như Sayoko, nghe được câu chuyện về Hirukawa khi còn sống, anh cũng cảm thấy sự vô vị của thời gian xét xử đi xét xử lại dài đằng đẵng ngày đó. Tử hình không phải trừng phạt, tử hình là số mệnh trời ban cho. Không hối hận, không chút thành ý có lỗi đối với gia đình nạn nhân, kẻ giết người ấy chỉ đợi đến ngày hành hình.
Đáng lẽ anh không nên biết chuyện này. Anh vốn không muốn quan tâm người đàn ông đó có hối hận hay ăn năn hay không, nhưng đâu đó trong sâu thẳm tâm can, anh vẫn muốn người đàn ông đó phải cảm thấy có lỗi và muốn chuộc tội. Nhưng sự thật rằng kẻ đó một chút ăn năn cũng không có, đã tổn thương anh sâu sắc. Gia đình người bị hại rút cục vẫn chịu tổn thương bằng nhiều hình thức khác nhau.
Bản thảo của Sayoko chuyển sang nội dung khác dù không đưa ra kết luận cuối cùng cho đoạn ghi lại cuộc trò chuyện với Hirai. Chương tiếp theo được cô viết trong bản thảo là về hành vi tái phạm tội. Ừ nhỉ, anh đập tay lên đầu gối, Hirukawa đã giết người trong thời gian được tạm tha, nói cách khác, chính là tái phạm tội.
Đầu tiên, Sayoko chỉ ra tỉ lệ tái phạm tội bị bắt giam trong vòng 5 năm sau khi được thả tự do chiếm gần 50%. Nếu giới hạn trong số tội phạm được thả lại phạm tội giết người, thì hơn 40% trong tổng số đã từng có tiền án hình sự.
Bắt giam tội phạm không thể giúp tội phạm hoàn lương – đó chính là luận điểm cho chương viết này.
Sayoko tìm hiểu về một số vụ án giết người trong những năm gần đây. Điểm chung của những vụ án này chính là hung thủ vốn là tội phạm giết người được phóng thích. Khác với Hirukawa phạm tội trong thời gian được tạm tha, hung thủ của những vụ án được nêu ra đã mãn hạn tù và được thả tự do. Nói cách khác, bản án mà những hung thủ này nhận là mức án tù có thời hạn. Cho đến năm 2004, mức án tù cao nhất là 20 năm, nếu là tội sát nhân thì mức án phải chịu chỉ là 15 năm tù. Sau khi mãn hạn tù và được thả tự do, tội phạm vẫn còn đủ trẻ, có khả năng lại tiếp tục giết người.
Động cơ tái phạm tội chủ yếu là cướp tiền. Hơn nữa, đa số hung thủ lặp lại tội ác giống hành vi phạm tội trước đó. Về điểm này, Sayoko chỉ ra cơ chế giúp tội phạm hoàn lương ở trại giam hoàn toàn vô hiệu, và cảnh tỉnh về nguy cơ tội phạm tái phạm tội sau khi được trả tự do. Con số thống kê cho thấy hơn 70% số tội phạm được phóng thích không thể tìm được việc làm.
Hiện nay đang có những đề xuất tăng mức án tù cao nhất từ 20 năm lên 30 năm, nhưng Sayoko cho rằng đề xuất này hoàn toàn vô nghĩa. Tuổi thọ trung bình của người Nhật tăng cao rõ rệt, thử tưởng tượng một kẻ giết người khi 20 tuổi sẽ được trả tự do khi 40 tuổi, giả thiết này khiến chúng ta không thể an tâm.
Ngay từ đầu, giam giữ trong tù thật lâu có thể giúp con người hoàn lương hay không? Sayoko đã chọn một vụ án làm ví dụ để nêu luận điểm cho câu hỏi này. Nakahara bất ngờ khi nhìn thấy cái tên Hirukawa Kazuo. Cô đã viết trong bản thảo như sau:
“Như tôi đã nêu lên ở trên, kẻ giết hại con gái chúng tôi, Hirukawa Kazuo vốn là tội phạm đang trong thời gian tạm tha. Nửa năm trước khi được thả, hắn đã ngồi tù 26 năm tại trại giam Chiba. Hắn đã phạm tội gì để phải nhận mức án tù vô thời hạn? Vụ án xảy ra cách đây gần 40 năm, vì thế hầu hết người liên quan đến vụ án không còn sống, nhưng tôi đã tìm gặp được thân nhân của nạn nhân và hình dung được nội dung vụ án.”
Đọc đến đây, Nakahara hít một hơi dài. Sayoko đã tìm hiểu về tội ác đầu tiên của Hirukawa, thời điểm xét xử vụ án của Manami, họ chỉ được biết đại khái về nó.
Vào thời điểm xảy ra tội ác đầu tiên, Hirukawa làm việc tại một nhà máy bảo dưỡng ô tô ở quận Edogawa. Hắn vốn thích cờ bạc, những lúc không đi làm hắn cắm đầu vào mạt chược. Vốn dĩ hắn chơi cùng bạn bè người quen, dần dần hắn bắt đầu chơi với cả những người không quen biết tại sòng mạt chược, trong số đó cũng có người gian lận. Đến lúc nhận ra thì hắn đã mang trên đầu một khoản nợ lớn.
Ngay lúc đó, một chiếc xe ngoại đắt tiền được gửi đến nhà máy để bảo dưỡng. Ngày đó, xe ô tô ngoại vẫn còn là hàng hiếm. Chủ nhân chiếc xe là một người đàn ông lớn tuổi giàu có, được gọi là ông A trong bản thảo của Sayoko. Người đàn ông này sở hữu nhiều đất đai, kinh doanh bãi đỗ xe và tòa nhà văn phòng, là khách quý của nhà máy bảo dưỡng nơi Hirukawa làm việc. Ngay đến cả giám đốc cũng phải cẩn trọng khi tiếp vị khách này.
Hirukawa được yêu cầu mang chiếc xe đến nhà ông A trả sau khi đã được bảo dưỡng xong, vì thế hắn lái chiếc xe đi đến nhà ông A.
Sau khi bấm chuông, ông A bước ra từ cửa ra vào, nói hắn đỗ xe vào trong gara bên cạnh. Cạnh ngôi nhà có một gara với mái che lớn dùng để đỗ ô tô, Hirukawa đưa xe vào trong đó theo lời người chủ.
Sau đó, Hirukawa được mời vào phòng khách, giải thích cho chủ nhân chiếc xe những phần được bảo dưỡng và giá tiền tương đương. Ông A nói hắn đợi một lúc rồi rời khỏi phòng khách.
Trong lúc đợi ông A quay lại, hắn nhìn quanh căn phòng một lượt. Nội thất trong phòng và tranh treo trên tường cho thấy chủ nhân căn nhà là người giàu có, hắn bắt đầu tưởng tượng tài khoản tiết kiệm của người này chắc cũng có một khoản tiền kha khá.
Ông A quay lại phòng khách, Hirukawa đưa ông ta hóa đơn sau khi đã nhận đủ số tiền. Ông A khá hài lòng về chiếc xe, nhà máy không chỉ bảo dưỡng thiết bị trên xe mà còn rửa luôn xe cho ông nữa.
Chính tôi là người rửa xe, Hirukawa nói. Ông A hỏi hắn có phải giám đốc bảo hắn rửa hay không, hắn trả lời ông rằng giám đốc không bảo nhưng hắn nghĩ nếu đã mang xe đi trả thì nên trả cho chủ xe chiếc xe sạch sẽ thì hơn.
Ông A càng tỏ ra hài lòng, mở lời khen hắn. Giờ bọn trẻ được mấy ai như cậu, thậm chí ông còn nói, có những người như cậu thì chúng tôi có thể yên tâm về tương lai của Nhật Bản.
Được khen, trong thâm tâm Hirukawa bắt đầu thấy nhờn, hắn nảy sinh kỳ vọng người này sẽ cho mình vay tiền nếu mình mở lời nhờ vả. Vì thế, hắn thành thật nói với ông A, thực ra cháu đang kẹt tiền, không biết bác có thể cho cháu vay được không. Hắn thậm chí còn nói rõ lý do dẫn đến nợ nần.
Ngay lập tức sắc mặt ông A thay đổi, thái độ quay sang chỉ trích Hirukawa. Nếu là sinh viên tự kiếm sống thì không nói, đằng này lại là một kẻ lười biếng nghiện bài bạc, một cắc cũng không cho mượn, loại người như thế là rác rưởi. Thậm chí ông A còn nói, ông ta không muốn ngồi lên cái ô tô do loại người như Hirukawa bảo dưỡng, ông ta sẽ thanh lý cái ô tô đó đi. Ở phần này, Sayoko ghi rõ chú ý rằng đây chỉ là những ghi chép dựa trên khẩu cung của Hirukawa nên có thể có đôi chỗ phóng đại.
Nói tóm lại, những lời chỉ trích của ông A đã khiến Hirukawa tức giận. Hắn chộp lấy cái gạt tàn thủy tinh đặt trên bàn uống nước, dùng nó làm vũ khí hành hung ông A. Khám nghiệm tử thi cho thấy hắn hành hung ông A từ chính diện, sau khi ông A ngã xuống hắn ngồi đè lên người ông và bóp cổ.
Trong lúc Hirukawa đang đánh ông A thì vợ ông A là bà B mang trà bước vào phòng khách. Hắn đã nghĩ chỉ có mình ông A ở nhà, nhưng hóa ra còn có vợ ông ở gian trong. Bà B nhìn thấy cảnh Hirukawa hành hung chồng mình, đánh rơi chiếc khay đựng hai chén trà đang bưng xuống đất. Hirukawa buông ông A ra chuyển sang tấn công bà vợ. Hắn đánh ngã bà xuống đất khi bà đang chạy trên hành lang, dùng tay siết cổ bà đến khi tắt thở.
Sau khi lau sạch sẽ dấu vân tay trên gạt tàn, Hirukawa bắt đầu lục lọi đồ đạc trong nhà nhưng không tìm thấy thứ gì có giá trị. Sợ rằng nếu còn lấn cấn ở lại sẽ bị ai đó bắt gặp, hắn lấy vài tờ mười nghìn yên từ chiếc ví trong túi xách phụ nữ ở phòng khách rồi chạy khỏi căn nhà.
Vậy nhưng Hirukawa không nghĩ hắn sẽ bị bắt vì tội ác đầy sơ hở đó của mình, ngày hôm sau hắn vẫn đi làm như bình thường.
Hai ngày sau, người ta mới phát hiện ra sự tình. Một cặp vợ chồng là bạn của ông A đến thăm nhà phát hiện ra và báo cảnh sát.
Cảnh sát không mất quá nhiều thời gian để tìm ra Hirukawa, ngay lập tức thanh tra điều tra tìm đến nhà máy. Hirukawa một mực khai rằng hắn có gặp ông A nhưng quay về ngay sau khi nhận tiền. Có lẽ hắn an tâm vì đã lau sạch sẽ dấu vân tay trên gạt tàn. Nhưng hắn đã bất cẩn mà quên mất dấu vân tay để lại trên chiếc ví, có thể bởi hắn cho rằng ví bằng da nên không để lại dấu vân tay. Hắn đã nhận tội ngay sau khi có kết quả dấu vân tay trùng khớp.
Tại tòa án, một trong những luận điểm để tranh cãi là ý định giết người của Hirukawa. Luật sư biện hộ thừa nhận hắn rõ ràng muốn giết bà B nên đã đuổi theo và bóp cổ bà, nhưng khẳng định Hirukawa chỉ hành hung dẫn đến ngộ sát đối với ông A. Nguyên nhân tử vong của ông A là xuất huyết não, nói cách khác, ông A đã chết ngay sau cú đánh vì tức giận ban đầu. Lúc đó Hirukawa không hề có ý định giết ông A.
Hắn chỉ giết một người, người còn lại là ngộ sát – 40 năm trước sự khác biệt giữa hai tội này rất lớn. Kiểm sát viên cũng không dám yêu cầu mức án tử hình do hành vi mang tính bột phát.
Cuối cùng, Hirukawa Kazuo nhận mức án tù vô thời hạn.
Theo như ghi chép của Sayoko, người kể lại sự tình cho cô biết là cháu gái của ông A. Hai vợ chồng nạn nhân có một người con trai, đã mất cách đây 10 năm vì ung thư. Người con dâu không được chồng cho biết về vụ việc ấy.
Người cháu gái là con của em gái ông A. Sự việc xảy ra khi bà khoảng 20 tuổi nên bà vẫn nhớ rõ. Nhưng bà không nhớ gì về diễn biến phiên tòa xét xử. Ba mẹ bà cho bà biết về bản án cũng như nguyên nhân dẫn đến bản án đó, nhưng chính họ cũng không biết rõ ngọn nguồn, mọi chuyện sau này cũng là bà nghe người khác kể lại.
Sayoko viết như thế này:
“Kẻ giết hại vợ chồng ông A bị trừng trị bằng hình phạt như thế nào, thân nhân nạn nhân không một ai biết rõ. Không nói đến họ hàng, ngay cả người con trai duy nhất của ông bà A cũng không được biết.
Người con trai và họ hàng của nạn nhân muốn hung thủ phải bị tử hình. Họ đã tin tưởng bản án đó sẽ được phán quyết và thực thi. Thế nhưng, án tử lại không xảy ra. Rất lâu sau khi tòa ra phán quyết, thân nhân nạn nhân mới được biết tội giết người đã được bào chữa thành tội hành hung ngộ sát.
Phóng viên đã yêu cầu người con trai của ông bà A cho ý kiến, ông ấy đã nói rằng, “Tôi mong hung thủ sẽ thành tâm hối cải trong tù, không bước vào con đường tội lỗi một lần nữa.”
Thời điểm đó, Hirukawa chưa hề viết một lá thư xin lỗi nào hướng đến gia đình nạn nhân. Sau đó cũng không có lá thư nào.”
Có vẻ Sayoko đã tìm hiểu về thái độ của Hirukawa khi thụ án tại trại giam Chiba. Nhưng một cây viết không tên tuổi không quan hệ như cô khó có thể tìm hiểu sâu được. Cô viết, “Tôi đã thử liên lạc với giám thị trại giam, nhưng không thu được thông tin gì”.
Thay vào đó, cô tìm hiểu xem phạm nhân tù vô thời hạn như thế nào thì có thể được hưởng tạm tha. Điều 28 bộ luật hình sự quy định, “(…) Trong trường hợp phạm nhân có biểu hiện hối cải, (…), phạm nhân chịu án tù vô thời hạn sau khi đã thụ án 10 năm, (…), có thể xin được tạm tha”. “Biểu hiện hối cải” ở đây mang ý nghĩ hối hận về tội ác mình gây ra, không tiềm tàng nguy cơ tái phạm tội. Cô muốn biết, người ta dựa trên cái gì để đánh giá biểu hiện hối cải này.
Sayoko tìm gặp một nhà sư. Người này là giảng sư tại trại giam Chiba. Công việc của ông là cùng với phạm nhân làm lễ cầu siêu cho linh hồn những nạn nhân bị giết hại trong tháng, buổi lễ được tổ chức một tháng một lần. Phòng sám hối là một căn phòng nhỏ trải chiếu, chỉ có thể chứa khoảng 30 người, lúc nào cũng đầy kín.
Theo lời nhà sư, hầu hết phạm nhân tỏ ra thành khẩn, nhưng ông cũng không thể nói chắc chắn trong số đó không có phạm nhân nào tham gia vì mục đích xin tạm tha.
Sau đó, Sayoko cũng tìm đến một người vốn là nhân viên làm việc trong trại giam Chiba để hỏi. Người này không có ký ức gì về Hirukawa, nhưng có nói rằng, “Phạm nhân được tạm tha có nghĩa là trong quá trình thụ án, phạm nhân tỏ ra ăn năn hối cải. Đơn xin tạm tha có được chấp nhận hay không dựa trên quyết định của cán bộ Ủy ban bảo trợ người tái hòa nhập cộng đồng địa phương, có lẽ cán bộ ủy ban nhìn thấy sự hối cải trong biểu hiện của phạm nhân đó.”
Sayoko cũng định tìm gặp cán bộ Ủy ban bảo trợ người tái hòa nhập cộng đồng địa phương, cô muốn biết cán bộ ủy ban dựa trên những tiêu chí nào để quyết định đồng ý tạm tha. Tuy nhiên, cô không thể hoàn thành ý định này. Khi vừa giải thích mục đích cho cán bộ, phía ủy ban đã từ chối yêu cầu phỏng vấn của cô. Cô cũng đã gửi thư đến ủy ban nhưng không hề nhận được hồi đáp.
Đến đây, Sayoko thể hiện rõ nỗi bất bình của cô.
“Tại phiên tòa xét xử vụ án giết hại con gái tôi, Hirukawa đã nói lời xin lỗi và tỏ ra ăn năn. Không chỉ chúng tôi, mà những người có mặt tại phiên tòa lúc bấy giờ đều hiểu rõ, đó chỉ là những lời sáo rỗng. Diễn xuất của hắn thực sự rất kém. Có thể trong thời gian thụ án ở trại giam, Hirukawa không gây chuyện, cũng đều đặn tham gia học đạo đức, nhưng chỉ cần quan sát kĩ một chút, chắc chắn giám thị trại giam có thể nhận ra hắn chỉ giả vờ. Ấy vậy mà hắn lại được phóng thích khỏi nhà tù, chỉ có thể nói đánh giá của cán bộ Ủy ban bảo trợ người tái hòa nhập cộng đồng địa phương có sai sót. Tạm tha chính là hành vi vô trách nhiệm, được đưa vào thực hiện bởi nhà tù đã quá tải không còn chỗ.
Nếu Hirukawa bị tử hình bởi tội ác đầu tiên, con gái chúng tôi sẽ không bị giết hại. Người giết chết con gái tôi chính là Hirukawa, nhưng kẻ để cho hắn sống, đưa hắn trở về xã hội chính là luật pháp đất nước này. Có thể nói con gái chúng tôi đã bị chính quốc gia này giết chết. Kẻ giết người, dù là bột phát hay có tính toán, sẽ lại tiếp tục giết người. Vậy mà ở trên quốc gia này, không ít kẻ chỉ phải chịu án tù có thời hạn. Ai là người có thể khẳng định chắc chắn, “chỉ cần giam giữ kẻ giết người này từng này năm thì hắn sẽ hoàn lương”. Trừng phạt kẻ giết người bằng cách treo hắn lên một cái thánh giá rỗng như vậy, liệu có thể có ý nghĩa gì đây?
Chúng ta có thể thấy rõ hiệu quả ít ỏi của việc giam giữ thông qua tỉ lệ tái phạm tội cao. Không có biện pháp hoàn hảo nào có thể khẳng định phạm nhân có hoàn lương hay không, vì thế chúng ta cần đánh giá tội ác với tiêu chí đầu tiên là phạm nhân sẽ không hoàn lương.”
Trên bản thảo, chương này được kết thúc bằng một câu chốt:
“Giết người sẽ bị tử hình – cái lợi lớn nhất của nguyên tắc này chính là, kẻ giết người sẽ không thể giết thêm ai được nữa.”