Thánh Tuyền Tầm Tung

Chương 5: Ba hổ đồng hành


Dịch giả: Sky is mine
Biên: gaygioxuong

Viên trân châu vừa mới mê hoặc tâm trí của lão lông chồn bỗng nhiên chuyển động rồi phát ra tiếng vo ve, không nhanh không chậm lăn về phía bên này. Tôi vội vàng dịch sang bên trái một bước, không ngờ nó cứ như có mắt vậy, cũng ngoặt trái theo tôi. Tôi thử sải chân bước sang bên phải hai bước, nó vẫn tiếp tục bám theo không rời. Tôi khẩn trương tới mức đầu ướt sũng mồ hôi. Vị Châu gia này, chẳng phải chúng ta vừa mới gặp mặt hay sao? Ngươi có thể e lệ một chút được không, đừng có bám rịt sau đít ta nữa!

Mắt nhìn thấy nó đã tới trước mặt, những người khác nghển cổ nhìn sang phía tôi ra xem kịch vui. Trái tim tôi thắt lại. Tiên sư bà nó chứ, không phải chỉ là một viên trân châu nát sao, chẳng lẽ nuốt tươi được ông đây chắc? Tôi hơi cúi người xuống, tóm lấy viên trân châu vào tay.

Vừa mới cầm đến tay, tôi chợt cảm thấy nóng hầm hập, giống như đang nắm một vốc hạt dẻ vừa được vùi trong đống lửa vậy. Về sau mới phát hiện ra, bởi vì viên trân châu quá lạnh nên cơ thể mới sản sinh ra cảm giác trái ngược như vậy.

Tôi nắm chặt viên trân châu, nhìn ngó khắp nơi, chỉ sợ có vật gì ô uế đột ngột lao ra từ ngõ ngách nào đó. Mô Kim Hiệu Uý ta có rất nhiều biện pháp giải quyết bánh tông, nhưng đối phó với yêu ma quỷ quái giữa ban ngày ban mặt thì lại chưa từng làm bao giờ. Đáng tiếc là bản phong thủy ‘Thập Lục Tự Phong Thuỷ Bí Thuật’ của ta không đầy đủ, chỉ có nửa bản sau nên không hiểu thấu đáo sự huyền bí trong nửa bản trước ‘Âm Dương’. Nếu không, chẳng cần biết ngươi là cái giống đầu trâu mặt ngựa gì ta cũng đánh gục, cần đếch gì phải sợ.

Để tăng thêm can đảm, tôi hít sâu một hơi rồi vào nội đường ngồi xuống. Ông cụ Tang có vẻ khá là hài lòng với hành động của tôi, gương mặt già nhăn nheo như lớp vỏ cây dần dần hiện lên nét cười. Mới đầu, tôi chẳng thấy có gì đáng lưu ý, nhưng càng về sau ông cụ cười càng to, tới mức cả lộ hết cả lợi ra, mồm ngoác tới tận mang tai. Tới cuối cùng, tiếng cười của ông cụ như hổ gầm vượn hú như xé rách cả màng nhĩ.

Tôi vội giơ tay lên bịt hai lỗ tai lại, quên bẵng viên trân châu khiến nó rơi đánh ‘bộp’ xuống đất. Vừa rơi xuống đất, viên trân châu lập tức tỏa ra hào quang xanh biếc. Tôi đang cân nhắc xem có nên cầm nó lên hay không thì bỗng thấy cái miệng móm mém toàn lợi của ông cụ Tang nhanh chóng mọc lên những cái răng sắc bén như dao cau. Tôi vội dụi mắt xem có phải nằm mơ hay không thì chợt thấy tay của ông cụ Tang gập ngược về phía trước, phần da thịt nằm ngoài lớp quần áo mọc lên một lớp lông mao, trông ông cụ giống như một con vượn già đang ngồi ghế nhìn chằm chằm vào tôi với thái độ thù địch.

Tôi nào dám chậm trễ, vội quơ lấy chiếc ghế băng để làm vũ khí phòng thân. Nhưng đến khi cầm ghế vào tay thì tôi chợt phát biện có vấn đề. Tại sao những người còn lại trong phòng lại biến mất? Trong nội đường trống rỗng, ngoại trừ ông cụ Tang lông lá phủ toàn thân, mấy vị khách và Cây Sào lẫn lão lông chồn ngất xỉu trên sàn đều biến mất tiêu. Tôi quay sang nhìn vào viên trân châu lăn lóc trên mặt đất, trong đầu bỗng hiện lên một ý nghĩ táo bạo.

Để tránh kinh động con vượn già, tôi cúi thấp người xuống, cố gắng thu nhỏ thân hình mình để không tạo thành sức uy hiếp với nó. Nhưng tôi vừa hành động thì con vượn già đã ngoạc cái mồm to như chậu máu rồi lao tới. Tôi không kịp nghĩ ngợi gì, lập tức lăn một vòng về phía viên trân châu để chộp lấy nó. Con vượn già có vẻ cực kỳ e sợ tôi lấy lại được viên trân châu, nó khua khoắng hai tay, phát ra một loạt tiếng gầm rú như quỷ khóc sói gào, lao vọt về phía tôi. Ngón giữa tay phải của tôi còn chưa kịp chạm vào viên trân châu thì con vượn già đã giáng từ trên trời xuống chặn đứng tôi. Một cú tợp khiến hàm răng sắc bén như đao cắm ngập vào tận xương vai phải của tôi. Cuối cùng, tôi chợt nghe thấy một tiếng gãy xương đánh rộp, trước mắt tối sầm, đau đớn lan khắp toàn thân rồi bất tỉnh.

Trong lúc mơ mơ màng màng, tôi liên tục nghe thấy tiếng bồm bộp giống như có ai đang đập vào người mình. Vừa mở bừng mắt ra thì phát hiện mình đang nằm trên mặt đất, khách trong nội đường vây quanh tôi giơ ngón cái lên. Tôi vừa cúi đầu xuống nhìn, thấy viên trân châu vẫn nằm trong tay, còn ông cụ Tang có biến thành quái vật bao giờ đâu, vẫn đang nhàn nhã uống trà. Thấy tôi tỉnh lại, ông cụ thì thầm vài câu Cây Sào, gã gật đầu lia lịa. Tôi như vừa mới trải qua một cơn ác mộng, không biết cái gì là thật cái gì là giả, vội vã sờ tay lên vai phải, cảm thấy đau buốt nhưng không có vết thương. Xem ra, ông cụ Tang hoá thành vượn tinh chỉ là ảo giác, tất cả chỉ là do viên trân châu kia tác quái. Chẳng thể hiểu nổi, rốt cục viên trân châu này có nguồn gốc từ đâu.

Cây Sào theo lệnh ông cụ Tang, tiễn khách ra ngoài cửa, sau đó quay lại, lấy một cánh tay khô quắt trong ngực áo ra, rồi dùng cánh tay đó cẩn thận gắp viên trân châu bỏ vào hộp. Mới đầu, tôi cảm thấy cánh tay đó cực kỳ ghê tởm, cứ nghĩ rằng cánh tay đó thuộc về một bánh tông lâu đời. Nhưng sau khi nghĩ lại thì chợt nhớ ra, hồi theo Răng Vàng học tập ở Phan Gia Viên, tôi đã từng nghe nhắc tới điển cố này, hoá ra cánh tay giống như tay người khô quắt kia chính xác là vật làm bằng ngọc cổ ngàn năm.

Đồ ngọc là thứ được các bậc đế vương lẫn giới quyền quý yêu thích. Rất nhiều văn nhân nhã khách thường ví mình với bạch ngọc, coi nó là biểu trưng của sự thanh bạch, liêm khiết. Trong mộ cổ, vật bồi táng phải có ‘thập đào cửu ngọc'(1). Hơn nữa, phán đoán niên đại của đồ ngọc cũng là một học vấn đặc biệt. Nhập thổ năm trăm năm, ngọc biến thành xốp có thể hút ẩm, nhập thổ ngàn năm thì tính chất biến đổi giống như thạch cao, nhập thổ hai ngàn năm thì giống như xương khô, nhập thổ ba ngàn năm thì vụn như vôi. Về phần đồ ngọc nhập thổ sáu ngàn năm, những vật đó đều là thần khí thời thượng cổ, không dễ có được. Cánh tay mà Cây Sào dùng để gắp viên bảo châu là một đồ ngọc cổ có niên đại hai ngàn năm, tính chất dễ vỡ nhưng chất ngọc vẫn còn, không thể sử dụng mạnh tay vì chỉ cần va chạm mạnh một chút là sẽ vỡ nát ra thành từng mảnh.

(1) Mười đồ sứ chín đồ ngọc

Trải qua va vấp vừa rồi, tôi đã hiểu ra, ông chủ Tang kia hiển nhiên không phải người tầm thường. Chưa cần nói tới đám hung thần ác sát vừa rồi đến nhà giám định bảo vật, chỉ riêng cánh tay bằng ngọc cổ kia đã là cổ vật tầm cỡ quốc gia vô giá rồi.

“Cháu biết lai lịch của viên bảo châu này chứ?” Đây là lần đầu tiên ông cụ Tang nhìn thẳng vào tôi. Tôi thực sự không dám đáp bừa trước mặt người có thâm niên trong nghề, trả lời theo đúng chuẩn mực: “Theo cháu thấy, viên long châu mà Tang lão tiên sinh cất giấu hiển nhiên có lai lịch rất lớn, không thể đánh đồng với mấy viên thủy tinh tốt mã giẻ cùi trên thị trường. Bản chất vật này là cực hàn, lại tỏa hào quang màu xanh. Cháu cả gan đoán, nếu không phải đan hộ thể của rùa già dưới biển sâu thì cũng là vật do mắt phong thuỷ giữa chốn rừng thiêng nước độc kết thành.”

Trên thực tế, những lời tôi vừa nói chỉ là một mớ lý luận suông. Nghe thì lọt tai nhưng chẳng có tí thực tế nào, có muốn bắt lỗi cũng chẳng được. Nhưng nếu ông cụ bảo rằng hạt châu kia được lấy từ lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân thì tôi cũng phải chịu, đành phó mặc số phận vào tay ông cụ.

Có lẽ đã sớm dự trước là tôi sẽ nói quàng nói xiên cho xong chuyện, ông cụ Tang rất lấy làm kiêu ngạo cầm hộp gỗ lên, nói: “Lão đây thấy cháu thực sự cũng tương đối có tài, đúng là một thằng nhóc có thể dạy dỗ, không giống mấy kẻ tầm nhìn hạn hẹp vừa rồi. Nếu đã có duyên thì ta cũng không ngại nói cho cháu biết lai lịch của vật này, miễn cho cháu phải âm thầm nghi ngờ thủ đoạn của lão đây.”

Tôi vội vàng mỉm cười với ông cụ, tỏ vẻ khiêm tốn sẵn sáng học hỏi. Sau khi tôi nghe xong, trong lòng không khỏi lấy làm lạ, hoá ra vật ấy có nguồn gốc phức tạp, không phải đơn giản như tôi đã nghĩ.

Ông cụ Tang vừa thưởng trà, vừa nhớ lại chuyện cũ. Đó là câu chuyện không rõ nguồn gốc được trích từ một đoạn trong ‘Tây Dương Tạp Ký’. Nghe nói, Kinh Châu có một ngôi chùa cổ, tên là Trắc Kỷ Tự. Trong chùa có một vị cao tăng, pháp danh là Na Chiếu. Sư phụ Na Chiếu có năng lực nhìn thấy linh quang trên người bách thú trong bóng đêm, vừa nhìn là phân biệt được ngay. Ánh sáng dao dộng là hươu, dán trên mặt đất, lúc mờ lúc tỏ là thỏ, thấp mà bất động là hổ,Vv… Đại sư Na Chiếu đánh ký hiệu cho động vật của cả ngọn núi, giống như hiện giờ chúng ta cấp thẻ CMTND cho từng người một vậy. Ông ta vừa nhìn ánh sáng là biết ngay con vật gì đang lẻn vào trong chùa trộm lương thực ngay.

Có một hôm, sư phụ Na Chiếu mất ngủ, đại khái là vì gần đây thu hoạch không được tốt, bữa tối chỉ có ít cháo cầm hơi, tối đến bị mấy con giun trong bụng biểu tình. Lúc đi qua nơi các đệ tử nghỉ ngơi, ông ta phát hiện ra đám lừa trọc con này cũng chẳng ngủ nổi vì đói, nhưng lại không dám để sư phụ biết, chỉ trùm chăn thì thầm nói chuyện với nhau. Trong lòng xót xa, Na Chiếu cảm thấy mình không đảm đương tốt vai trò trụ trì. Sau một lúc suy ngẫm, ông ta ra sau núi tìm mấy quả dại cho già trẻ trong chùa ăn cho đỡ đói. Lúc ấy không có súng, có pháo, có cả bom nguyên tử như bây giờ, muốn tranh giành thức ăn trong miệng bách thú mà không có bản lĩnh thì đúng là tự tìm đường chết. Tuy nhiên, sư phụ Na Chiếu có tuyệt kỹ riêng, lại giỏi về bắn cung nên chẳng hề bận tâm đến nguy hiểm.

Mới đầu, Na Chiếu làm mọi thứ đều rất thuận lợi, hái được một giỏ hoa quả, tiện đường còn nhặt được nửa sọt củi, đang định ‘a di đà Phật’ để cảm tạ Phật tổ thì không ngờ trong rừng có ba tia sáng xanh trôi nổi tiến lại gần. Nhìn kỹ ký hiệu, sư phụ Na Chiếu giật mình. Nếu ông không nhầm thì bản thân sắp gặp phải chúa sơn lâm – hổ. Hổ săn đêm mà đi ba con thì chắc chắn con ở giữa là thủ lĩnh, hai con hai bên là hộ vệ, như thế mới có thể biểu hiện được oai phong của loài này. Không kịp suy nghĩ nhiều, sư phụ Na Chiếu giương cung, bắn một phát chết ngay con hổ thủ lĩnh. Việc hành vi này mà diễn ra vào thời bây giờ thì chắc hẳn đại sư đã bị bắt vào tù vì tội săn bắn động vật hoang dã trái pháp luật, nhưng diễn ra thời đó lại là trừ hại tạo phúc cho dân chúng. Việc này đến tai dân chúng dưới chân núi, kể từ đó Trắc Kỷ Tự hương khói thịnh vượng, đám tiểu hoà thượng cũng được ăn no. Phương trượng Na Chiếu cảm thấy rất vui vẻ nhưng đâu có ngờ tới, mũi tên của ông ta thiếu chút nữa đã hại chết toàn bộ người trong thôn.

Sau khi mất đi chúa tể ngọn núi, xung quanh núi Trắc Kỷ không ngừng diễn ra việc dã thú đả thương người một cách khác thường. Không riêng gì hổ báo hoành hành, ngay cả những giống như hươu, nai, thỏ hoang với bản tính hiền lành ôn hòa cũng đổi tính, liên tục rời núi xuống thôn cắn phá gia cầm gia súc, thậm chí cả chó trông cửa trong nha môn cũng bị chim tước trên núi mổ chết tươi. Na Chiếu dốc lòng niệm Phật hi vọng có thể được Bồ Tát điểm hóa. Mười ngày liên tiếp trời u ám không mưa, dã thú trên núi càng ngày càng quấy phá hung dữ, chúng bắt đầu kéo bầy kết đàn gây rối quanh thôn xóm. Thấy tình hình như vậy, Na Chiếu đành phải dùng tới biện pháp cuối cùng: lấy mạng đền mạng.

Đêm ngày hôm đó, Na Chiếu không cho các đệ tử biết, âm thầm lên núi Trắc Kỷ, ngồi thiền dưới gốc cây cổ thụ nơi con hổ đã bị mình giết để đền mạng. Ông ta thấy, nếu có thể giữ được tính mạng dân chúng thì cái chết của mình cũng đáng giá. Chẳng phải nguồn cơn hoàn toàn là do lúc trước mình chính tay bắn chết sơn thần sao?

Quá nửa đêm, gió chuyển lạnh. Na Chiếu thấy linh quang bồng bềnh phủ kín quả núi, biết rằng bách thú đang tới báo thù cho đại vương của chúng nên lập tức cởi áo cà sa ra rồi gấp lại gọn ghẽ, đặt ở bên cạnh, chỉ cầu mong máu ô trọc của mình không làm ô uế bảo y của Phật tổ. Quả nhiên, chỉ một lúc sau, một con mãnh hổ nhảy từ trong rừng ra, lượn vòng quanh Na Chiếu, không ngừng gầm rú. Vị hoà thượng già sợ điếng người, nhanh chóng lấy trang hạt ra, lớn tiếng niệm kinh Phật. Nhưng chẳng hiểu sao con hổ kia lại không lấy tính mạng của ông ta, chỉ không ngừng gầm rú, cứ chạy vòng quanh không chịu bỏ đi. Cứ như vậy hết đêm, tới lúc trời tảng sáng con hổ chẳng những không lấy tính mạng của ông ta mà còn biến mất không còn thấy đâu nữa. Vị hoà thượng già cực kỳ cố chấp, cho rằng ông trời đang thử thách mình, con hổ còn chưa chịu cắn thì mình vẫn cứ phải kiên trì. Qua đêm ngày hôm sau, con hổ đúng hạn lại tới nhưng vẫn không hề làm thương tổn tới ông ta chút nào. Vị hoà thượng già cảm thấy hết sức phiền muộn, mình đã xả thân đền mạng mà con hổ lại không chịu cắn. Tình trạng đó kéo dài ba ngày, cuối cùng Na Chiếu phát hiện ra một điều quái lạ.

Sau khi quan sát kỹ càng, Na Chiếu phát hiện ra, dù cho con hổ này hung hãn nhưng không hề tấn công người, hơn nữa hàng đêm đúng giờ tới đúng giờ đi, phạm vi hoạt động cũng chỉ ở xung quanh cái áo cà sa chừng nửa bước, không hề tiến sâu vào bên trong một bước nào. Nhưng nhìn vẻ mặt nóng nảy của nó, sao không vung vuốt hổ mà chụp, chẳng lẽ con mãnh hổ này không phải tới lấy mạng mà bên trong ẩn giấu điều gì đó khác thường hay sao?

Na Chiếu lấy can đảm đứng lên. Ông ta vừa động thì con hổ cũng đồng thời khiếp vía, nó không ngừng nhảy chồm chồm như muốn ngăn ông ta tiến tới. Ông ta càng tiến tới, con hổ càng gầm rú đe dọa. Na Chiếu biết nó làm vậy là muốn ra oai, nhằm doạ mình lùi. Con hổ càng hung hãn càng chứng tỏ nó đang sợ cái gì đó. Na Chiếu nhấc áo cà sa lên, cúi người thăm dò quanh chỗ đó thì thấy một luồng khí mát lạnh ập vào mặt, dường như dưới đất có cái gì đó. Ông ta lập tức đào đất lên. Sau khi đào sâu hai thước, ông ta tìm thấy một viên hổ phách lưu ly to cỡ mắt trâu phát sáng rực rỡ trong đêm tối.

Hoá ra, con mãnh hổ bị Na Chiếu bắn chết ngày hôm đó là ác quỷ hóa thành chúa tể sơn lâm. Khi nó chết, đầu cắm xuống đất, chữ ‘Vương’ trên trán nhập thổ, oai phong của hổ hoàn toàn biến mất. Nhưng do chết uất ức nên nó hoá thành ác quỷ hiện về hàng đêm. Khi thấy oai hổ của mình bị đào lên, nó không còn gì lưu luyến phàm trần, gầm lên một tiếng dài rồi biến mất không bao giờ xuất hiện lại nữa. Viên trân châu hổ phách do đại sư Na Chiếu đào lên được gọi là ‘Hổ Uy’, là báu vật có thể trừ bách tà cực kỳ hiếm thấy.

Sau khi bình định bách thú, viên ‘Hổ Uy’ trở thành bảo vật trấn miếu của Trắc Kỷ Tự. Về sau người Mãn nhập quan, thiên hạ trở thành vùng trời của tóc đuôi sam. Tên quan tới thay chân cai trị địa phương hay biết có bảo bối như vậy, lập tức cướp lấy rồi biến thành cống phẩm hiến vào trong cung. Viên Hổ Uy này trải qua hưng suy cùng hoàng thất triều Thanh, cuối cùng thành vật bồi táng của Từ Hi thái hậu trong Định Đông Lăng ở Phổ Đà cốc.

Khi nói tới đoạn này, ông cụ Tang dường như chợt nhớ ra điều gì. Ông cụ buông chén trà đã nguội đang cầm trên tay xuống, bảo Cây Sào đã không còn sớm mau chuẩn bị trà bánh để đãi khách. Nhìn đồng hồ, tôi nhận ra đã đến nửa đêm, là thời điểm mèo mù đi ăn đêm nên đứng dậy muốn về nhưng ông cụ Tang lại không đồng ý. Ông cụ bảo chuyện còn chưa kể xong, khi nào kể xong mới cho về.

Tôi thầm nghĩ, hành lý của mình còn ở chỗ Triệu cóc nên nói với ông cụ Tang: “Thành thật xin lỗi. Cụ thấy đấy, cháu chẳng phải người địa phương, lần này chỉ đi ngang qua Nam Kinh, sáng mai là phải lên tàu hỏa đi ngay rồi. Hành lý của cháu vẫn còn gửi lại ở nhà bạn, nếu không về lấy sợ rằng không kịp. Hay là thế này, đợi tới lần sau cháu tới Nam Kinh sẽ tới nhà thăm hỏi…”

“Ha ha, thằng nhóc cứng đầu nhà ngươi còn muốn chạy sao…” Ông cụ Tang gõ tay lên bàn vài cái, cười gian xảo nói: “Chỉ e là không có dễ dàng thế đâu!”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận