Constance còn ngờ vực nhiều hơn. Dường như đó là cách tiếp cận mọi việc của cô bé. “Vậy nếu cháu ở lại, và ngài kể cho cháu nghe bí mật lớn này, có cái gì ngăn cản cháu đi ra ngoài kia và kể lại với tất cả mọi người không?”
“Không gì cả,” ngài Benedict nói. “Cháu có quyền đi bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nếu ta không xác định từ trước là ta có thể tin tưởng cháu, thì cháu đã không có cơ hội được vào căn phòng này. Hơn nữa, ngay cả khi cháu kể với người khác đi nữa, thì sẽ chẳng ai tin cháu đâu, vì cháu chỉ là một đứa trẻ. Đó chẳng phải lý do ban đầu để cháu tham dự kỳ thi này sao?”
Mặt Constance cau lại như sắp khóc – hoặc có khả năng cao hơn, là sắp cười phá lên.
“Ta không có ý công kích cháu đâu cô bé,” ngài Benedict dịu dàng. “Giao kèo nhé. Nếu cháu đồng ý tham gia vào đội, thì thỏa thuận thế này: Cháu sẽ làm theo hướng dẫn của ta, nhưng là bởi cháu đồng ý làm như thế, chứ không phải vì ta bảo cháu phải làm thế. Không ai có quyền ép cháu làm bất cứ việc gì. Tất cả đều là nguyện vọng của chính bản thân cháu.”
“Được ạ,” cuối cùng Constance cũng có quyết định. Bây giờ, chúng cháu sẽ ngủ ở đâu ạ?”
“Ta biết các cháu mệt, nhưng phải đợi Sticky quyết định đã.”
Sticky khi đó đang co ro trên ghế, hai tay ôm ngang đầu gối, vùi mặt vào đó. Nghe thấy những lời của ngài Benedict, Sticky ngẩng lên với vẻ mặt hoảng loạn, rồi nhanh chóng giấu mặt đi. Giọng nói bị nghẹt lại, Sticky lầm bầm, “Cháu có thể quyết định vào ngày mai được không?”
“Ta e là không được đâu, anh bạn. Không còn thời gian để phí phạm nữa. Ta không muốn phải thúc ép cháu, nhưng cháu phải đưa ra quyết định cuối cùng vào tối nay.”
“Nếu cháu không tham gia, ngài có nghĩ mọi người vẫn tạo thành một đội đủ tốt không?” Sticky tiếp tục lầm bầm.
“Nói thẳng ra là không. Ta nghĩ đội cần cháu để có thể thành công.”
“Nếu vậy thì làm sao cháu nói không được?”
Ngài Benedict vẫn nhẹ nhàng. “Sticky, cháu lo sợ là điều hoàn toàn chính đáng thôi. Thật kinh khủng khi một đứa trẻ được đề nghị tham gia vào một nhiệm vụ nguy hiểm. Cháu hoàn toàn có quyền nói không, và ta cũng sẽ hoàn toàn không trách cháu.”
“Cố lên nào, Sticky,” Kate nói. “Sẽ thú vị đấy!”
Sticky lén nhìn từ sau đầu gối mình, đầu tiên là thấy Kate, cô bé mỉm cười và nháy mắt với cậu bạn của mình. Rồi đến lượt Reynie, “Tớ cũng sẽ giống ngài Benedict, không trách cứ nếu cậu không tham gia. Nhưng tớ sẽ thấy an tâm hơn rất nhiều nếu có cậu.”
“Đúng thế chứ?”
Reynie gật đầu.
Sticky lại vùi mặt xuống. Một lúc lâu, căn phòng trở nên yên ắng và ngập chìm trong cảm giác chờ đợi. Ngoại trừ việc Constance ngáp dài và lấy tay cào cào vết côn trùng cắn ở mắt cá, những người khác chẳng ai cử động hay nói một lời nào cả. Chỉ có tiếng thở thật khẽ và tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ lẫn ở đâu đó giữa những cuốn sách.
Cuối cùng, Sticky ngẩng lên. “Cháu sẽ tham gia. Bây giờ thì cháu được sử dụng phòng tắm rồi chứ ạ?”
Mặc dù rất háo hức muốn được hỏi thêm, nhưng vì đã khá khuya, và mi mắt của lũ trẻ thì nặng trĩu rồi, nên ngài Benedict cho rằng bọn trẻ nên nghỉ ngơi và để dành những giải thích cặn kẽ hơn cho buổi sáng hôm sau.
Rất nhanh chóng, bọn trẻ được phát bàn chải đánh răng, bộ đồ ngủ và dép đi trong nhà để giữ ấm chân – vì tòa nhà cũ kỹ này không kín gió vào ban đêm – trước khi chúng được đưa đến phòng ngủ. Căn phòng của Reynie và Sticky nhỏ nhưng thoải mái với một tấm thảm cũ kỹ trải trên nền nhà bằng gỗ, chiếc giường tầng kê sát vào tường, và dĩ nhiên là có thêm vài giá sách. Khi đã đánh răng xong và quay trở về phòng, Reynie thấy Sticky đã ngủ gật ở cái giường tầng dưới, đèn vẫn sáng, kính vẫn đeo trên mũi, và dép thì vẫn còn nguyên ở chân. Trên ngực cậu bạn, phập phồng lên xuống cùng nhịp thở đều đều của một người đang ngủ rất say, là một cuốn sách dày về đời sống của các loài cây nhiệt đới được lôi trên giá sách xuống. Sticky đã mở đến những trang giữa. Chỉ trong vòng vài phút ít ỏi cậu bạn đã đọc được nửa cuốn sách.
Reynie kinh ngạc vô cùng. Chính Reynie là người có khả năng đọc nhanh – nhanh hơn những người lớn xung quanh – nhưng so với Sticky thì chẳng thấm vào đâu. Thật là một tài năng phi thường, và giờ thì cậu ấy đang nằm đây, ngủ khì ngon lành trong nhà của một người xa lạ. Cậu ấy chạy trốn điều gì? Đứng giữa một căn phòng sáng ánh đèn, suy ngẫm về cuộc đời Sticky, Reynie cảm nhận một thứ cảm xúc hỗn độn lạ lùng pha giữa ngưỡng mộ, yêu mến và đồng cảm – chẳng hiểu sao dù mới quen Sticky được một ngày mà Reynie lại tưởng như cả hai đã biết nhau từ lâu lắm rồi. Với Kate cũng thế, Reynie nhanh chóng cảm thấy yêu mến người bạn mới này. Còn Constance… chà… có lẽ phải đợi mới biết được.
Dù thế nào, Reynie nghĩ, nếu cuối cùng chẳng có gì xảy ra, thì ít nhất mày cũng có thêm những người bạn mới. Như thế là quá nhiều so với những gì mày có ngày hôm qua rồi. Reynie cởi đôi dép Sticky đang đi, đặt kính và cuốn sách đang đọc dở lên cái giá cạnh giường, rồi kéo chăn đắp cho bạn, cậu tắt đèn và rón rén ra khỏi phòng.
Xuôi xuống đại sảnh tối om và yên ắng – giờ này các cô gái hẳn cũng ngủ rồi. Bước xuống những dãy cầu thang kêu kẽo kẹt, Reynie quay trở lại thư phòng của ngài Benedict. Cậu nhẹ nhàng gõ cửa, và từ phía trong một giọng nói cất lên, “Cháu vào đi Reynie.”
Reynie bước vào. Chỉ có mình ngài Benedict ở đó, ông đang ngồi bệt trên sàn, lưng dựa vào ghế và xung quanh là cơ man những sách, giấy tờ và bút màu. Ngài Benedict chỉ một cái ghế và nói:
“Cháu ngồi đó nhé, chờ ta dọn dẹp cái đống này đã. Thật là một việc khó khăn khi phải làm việc trên sàn thế này, nhưng đấy là thỏa thuận giữa ta với Rhonda và Số Hai. Bọn chúng giờ cẩn thận quá mất rồi, chẳng dễ gì chúng mới chịu cho ta ở một mình trong mấy phút. Nên ta đã phải hứa là sẽ ngồi càng nhiều càng tốt – và phải ở trên sàn bất cứ khi nào có thể – thì thỉnh thoảng chúng mới cho ta được một chút riêng tư.”
Dọn dẹp xong đống giấy tờ bút mực, ngài Benedict ngồi xuống đối diện với Reynie. “Ta đang chờ cháu. Ta đoán cháu muốn gọi cho cô Perumal để thông báo tình hình.”
Reynie gật đầu.
“Cháu rất ngoan đấy. Số Hai đã kể lại với ta thái độ của cháu lúc nó cố tình làm cháu bối rối sáng hôm nay, lúc cháu nói muốn gọi cho cô Perumal. Ta đoán là cháu nhận ra thực ra đó cũng là một thử thách của kỳ thi.”
Reynie lại gật đầu. Thật ra, lúc đó, Reynie chẳng biết đâu. Nhưng giờ, nhìn lại tất cả những việc kỳ lạ đã xảy ra, cậu đã đoán ra phần nào.
“Cách cư xử của cháu thật đáng ngưỡng mộ,” ngài Benedict nói. “Lễ phép nhưng kiên định, và chu đáo nữa. Giờ ta e là cháu cũng không gọi điện được đâu, không phải là một phần của kỳ thi đâu nhé. Cô Perumal có gọi cho ta lúc cháu đang ở phòng. Mẹ của Perumal hình như đã phản ứng không tốt với loại thuốc mới và cần phải được đưa đến bệnh viện. Cô ấy nói cháu không phải lo lắng, chỉ là một phản ứng bình thường thôi và các bác sỹ cam đoan là mẹ Perumal sẽ lại lanh lợi trở lại vào sáng mai. Nhưng Perumal muốn cho cháu biết cô ấy tự hào về cháu thế nào – tự hào chứ không ngạc nhiên đâu nhé, cô Perumal nói thế đấy – và gửi lời chúc mừng cháu.”
“Bây giờ thì,” ngài Benedict nói tiếp, tháo kính và nhìn Reynie với cặp mắt màu xanh rất sáng của mình (màu mắt dường như xanh hơn nhờ vào bộ quần áo xanh ông đang mặc), “ta có thể đoán được các câu hỏi tiếp theo của cháu đấy. Việc đầu tiên là, ta đã thu xếp ổn thỏa với ngài Rutger của nhà tế bần. Chúng ta có đủ nguồn lực và kỹ năng để làm rất nhiều việc mà các cháu không hình dung được đâu. Thứ hai, nghiêm túc nhé: cháu không được liên lạc với cô Perumal nữa. Ta e rằng nhiệm vụ chúng ta đang thực hiện không cho phép cháu làm thế. Đó là để bảo vệ cho Perumal, và cả chính bản thân cháu nữa. Nhưng nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp – chúng ta ai cũng hy vọng như vậy cả – cháu có thể gặp lại cô ấy. Thật ra, chúng ta buộc phải thành công trong một thời gian rất ngắn, và vì thế mà cơ hội đoàn tụ của cháu với cô giáo sẽ đến sớm hơn, chẳng sớm thì muộn.
Reynie lại gật đầu, nhưng cái gật đầu chẳng còn vẻ can đảm như trước đó, rồi cậu quay mặt đi giấu những giọt nước mắt đã dâng trong mắt. Dù cũng đã lường trước tình huống này, nhưng Reynie vẫn thấy buồn bã khi nghĩ đến việc có thể chẳng bao giờ lại được ngồi uống trà cùng cô Perumal, hay cố gắng dùng vốn tiếng Tamil ít ỏi của mình để kể cho cô về những chuyến phiêu lưu của mình nữa. Nghĩ ngợi về những gì đang đợi mình ở phía trước khiến Reynie thấy buồn, và cả lo sợ nữa.
“Ta xin lỗi, Reynie,” ngài Benedict ngập ngừng.
Reynie chưa thể quay lại nhìn ngài Benedict ngay. Vẫn quay mặt đi chỗ khác, cố thở sâu và đưa tay quệt vội nước mắt, để cố tự trấn tĩnh mình. Đến khi cảm thấy mình đã bình tĩnh trở lại, Reynie quay lại nhìn ngài Benedict – lúc đó đã ngủ ngon lành trên ghế.
Vậy nhưng trước khi Reynie kịp đứng dậy và nhón chân đi ra khỏi phòng, ngài Benedict đã mở mắt và kéo tay cậu lại. “Thứ lỗi cho ta, Reynie,” ông nói, hắng giọng và đưa tay vuốt lại mái tóc bù xù của mình. “Ở lại thêm chút nữa, ta muốn hỏi cháu một số chuyện. Ta không ngủ lâu quá, phải không? Ta tin ta đã không bắt cháu phải đợi quá lâu.”
“Dạ không. Chỉ một hai phút thôi ạ.”
“Thế thì tốt. Thường thì chỉ một hoặc hai phút thôi, nhưng thỉnh thoảng thì lâu hơn đấy. Bây giờ, ta muốn hỏi cháu một chuyện…”
“Vâng ạ?”
“Có liên quan đến bàn cờ ở vòng thi thứ nhất ấy. Cháu là thí sinh duy nhất từ trước đến nay trả lời đúng, và ta rất muốn nghe cháu giải thích rõ hơn. Trên bàn cờ rõ ràng là chỉ có quân tốt đen không còn ở vị trí xuất phát nữa, trong khi tất cả các quân cờ khác có vẻ như chưa hề di chuyển. Trong khi theo luật cờ vua, quân trắng bao giờ cũng được đi trước. Vậy thì tại sao cháu lại trả lời nước đi đó là đúng luật?”
“Bởi vì quân mã trắng đã thay đổi ý định ạ.”
“Mã trắng?”
“Đúng ạ. Quân tốt chỉ có thể tiến, không thể lùi, vì vậy chắc chắn chưa có quân tốt trắng nào di chuyển. Các quân mạnh hơn thì bị kẹt ở phía sau hàng tốt, nên cũng chưa thể có quân nào di chuyển, chỉ duy nhất quân mã là có thể nhảy qua đầu các quân khác. Tuy nhiên, một quân mã trắng đã có thể mở đầu ván cờ bằng cách nhảy ra phía trước hàng tốt. Sau đó, khi một quân tốt đen đã di chuyển, mã trắng quay trở lại vị trí xuất phát của nó. Vì thế mà nhìn bàn cờ cứ như là chưa có quân trắng nào di chuyển trước đó vậy.”
“Hoan hô, Reynie. Cháu gần đúng rồi đấy. Vậy thì nói cho ta biết, cháy thấy đây có phải là một nước đi thông minh không?”
“Cháu chơi cờ không giỏi, nhưng cháu xin trả lời ngài là không. Làm thế, quân trắng đã để mất lợi thế được đi trước.”
“Vậy thì theo cháu sao người cầm quân trắng lại làm thế?”
Reynie trầm ngâm, tưởng tượng mình đang là người chơi cầm quân trắng, cho mã đi nước đầu tiên chỉ để sau đó đưa nó về đúng vị trí xuất phát. Lý do gì khiến cho mình làm thế? Cuối cùng, Reynie nói, “Có thể là anh ta nghi ngờ chính mình.”
“Có lẽ đúng là như thế,” ngài Benedict nói. Cảm ơn cháu nhé Reynie, cháu rất tốt bụng và kiên trì nữa, và giờ chắc là cháu đã sẵn sàng cho một giấc ngủ rồi phải không. Gặp lại cháu vào bữa sáng mai nhé, rất sớm đấy.”
Reynie đứng dậy đi ra cửa, nhưng bỗng ngập ngừng. Quay lại, Reynie thấy ngài Benedict đã lại đeo kính, ngồi bệt xuống sàn, lưng dựa ghế và tay thì cầm một cuốn sách. Ngài nhíu mày chờ đợi khi nhìn thấy Reynie vẫn đang nấn ná ở cửa.
“Gì thế Reynie?”
“Ngài đã đọc hết tất cả sách ở đây chưa ạ?”
Ngài Benedict cười, nhìn một lượt các cuốn sách có ở thư phòng rồi quay lại nhìn Reynie. “Con trai, con nghĩ sao?”
Hôm sau, từ rất sớm, bọn trẻ đã thức dậy và tập trung ở dưới phòng ăn (vì chả biết có chỗ nào khác nữa). Mưa đập mạnh ngoài cửa sổ, gió ầm ùng trong ống khói lò sưởi thổi giấy tờ bay tứ tung khắp phòng. Bầu trời xầm xì bên ngoài dường như cũng đang trườn vào cả căn nhà, làm ánh sáng đèn yếu ớt và kéo dài mấy cái bóng của bọn trẻ, bên cạnh mấy cái ống khói đang gào rú là tiếng sấm gầm gừ, nghe gần và đậy vẻ đe dọa, cứ như có một con hổ đang lảng vảng trong bóng tối ngoài kia, phía sau mấy bức tường. Thảng hoặc ánh đèn lập lòe trong tiếng sấm, và có một lần – khi lũ trẻ vừa mới ngồi xuống bàn – đèn tắt hẳn. Trong chốc lát căn phòng chìm trong bóng tối, khi đèn sáng trở lại đã thấy Milligan đứng đó, tay bê một bình nước hoa quả, cứ như vừa xuất hiện từ một cõi mơ hồ nào đó.
Constance hét toáng lên. Những đứa khác giật nảy người.
Milligan thở dài.
Rót nước hoa quả vào cốc của lũ trẻ, Milligan nói, “Rhonda sắp mang bánh mì nóng và trứng ra. Còn Số Hai đang phải che lại mấy khe hở trên tường phòng ngủ của mình, và sẽ đưa ngài Benedict đến đây khi xong việc.”
“Milligan, cháu có được uống sữa không ạ?” Kate phấn khởi hỏi. Cô bé là người dậy sớm nhất, đã kịp tắm rửa và thay bộ quần áo mới Rhonda đưa cho, và – rõ ràng là chẳng thèm để ý đến cơn bão ngoài kia – đang vui vẻ hơn bất cứ ai khác ở đây.
Và chẳng có gì phải nghi ngờ việc cô bé đang có tâm trạng tốt hơn Milligan, người vừa hỏi với cái dáng vẻ ủ rũ “Thêm gì nữa không?”
“Sẽ không có trà, phải không ạ?” Reynie hỏi. “Và có thể thêm một ít mật ong nữa ạ?”
“Và kẹo nữa?” Constance hỏi.
“Không được ăn kẹo vào bữa sáng,” Milligan nói, và rời khỏi phòng.
Rhonda xuất hiện với một khay đầy bánh mì nóng, trứng và hoa quả. “Chào buổi sáng mọi người,” cô nói. “Thời tiết chán nhỉ? Vào những hôm như thế này, lại phải chặn cái gì đó trên mỗi chồng giấy, nếu không muốn gió thổi bay nó đi. Một cái bản đồ vừa mới bay vèo qua chỗ chị ở ngoài phòng lớn, còn ở ngoài cầu thang chị tìm thấy danh sách thực phẩm mà hai tuần trước chị đã để lẫn ở đâu đó.”
“Kẽ hở trên khắp tường và gió lùa ở khắp nơi,” Constance cằn nhằn. “Phải sửa hết mấy chỗ đó đi thôi.”
“Nhưng em e kẽ hở và gió lùa không phải là những thứ được ưu tiên,” Rhonda nói. “Kế hoạch của chúng ta – bây giờ là của cả các em nữa – chiếm hết từng giây phút rảnh rỗi của chúng ta rồi, và bao nhiêu sức lực thì đã dành hết cho các nghiên cứu, điều tra, và thử nghiệm rồi còn đâu. Constance, đưa chị bình nước hoa quả với nào?”
“Không,” cô bé khoanh tay trước ngực, dứt khoát.
“Có lẽ em sẽ bớt xấu tính sau khi đã ăn chút gì đó đấy,” Rhonda nói, tự tay với lấy bình nước. Nghe thấy thế, đôi má phúng phình, hồng hào của Constance ửng đỏ, đến mức tương phản với hai gò má ấy, bộ tóc mỏng vàng hoe của cô bé bây giờ gần như có màu trắng, và đôi mắt xanh xám thì sáng rực như sao. Rhonda nhận thấy điều đó ngay, “Constance này, chị không nghĩ là đôi mắt của em lại đáng yêu đến thế đâu nhé. Trông chúng kỳ diệu lắm đấy!”
Lời khen của Rhonda khiến Constance bối rối không nói thêm được gì.
Milligan quay lại với một ít sữa, một tách trà và một hũ mật ong. Thì thầm với Rhonda về điều gì đó đại loại như đang làm nhiệm vụ, rồi bỏ đi luôn.
“Ý chú ấy là gì ạ?” Sticky hỏi. “Đang làm nhiệm vụ?”
“Milligan là – ừm, vì không tìm được từ nào hay ho hơn – là vệ sĩ của chúng ta. Anh ấy cũng có những nhiệm vụ khác nữa, nhưng trên hết là phải đảm bảo cho chúng ta được an toàn. Dĩ nhiên, cho đến thời điểm này chưa có nguy hiểm nào hiển hiện rõ ràng, nhưng giờ các em đang ở đây rồi… Chị xin lỗi, chị không định làm các em sợ. Điều quan trọng là anh ấy ở đây để bảo vệ các em.”
“Bảo vệ bọn em trước cái gì ạ?” Reynie hỏi.
“Chị sẽ để ngài Benedict giải thích tất cả với các em khi ngài ấy xuống. Quy định là: Các em không bao giờ được rời khỏi tòa nhà này mà không có Milligan đi cùng. Ở trong nhà, các em khá an toàn, vì có những phương pháp để bảo vệ chúng ta. Ví dụ cái mê cung không chỉ đơn giản là một thử thách của kỳ thi – nó là lối vào duy nhất. Và ta vừa nhớ ra một chi tiết: Tất cả các mũi tên đều chỉ đến cầu thang, có nghĩa là chúng chẳng có tác dụng gì nếu các em muốn rời tòa nhà. Đó là một lý do nữa để các em đừng bao giờ đi ra ngoài mà không có Milligan đi cùng. Phải có một phương pháp đặc biệt mới có thể mở cánh cửa trước – các em đều nhớ là không hề có tay nắm cửa ở phía trong chứ – và Milligan thì nắm rõ mê cung như lòng bàn tay vậy.”
“Em thấy cách so sánh này thật buồn cười,” Kate nói. “Bởi vì người ta có thể biết được lòng bàn tay mình đến mức nào chứ? Thẳng thắn mà nói, có ai biết chính xác lòng bàn tay mình trông thế nào không?”
Mọi người đều đang săm soi lòng bàn tay của mình khi ngài Benedict bước vào, sát theo sau là Số Hai. Dù đã thay bộ màu vàng hôm qua bằng bộ áo liền quần vàng nhưng trông Số Hai vẫn rất giống một cây bút chì. Cô lẽo đẽo theo sát ngài Benedict đến tận khi ông đã ngồi xuống bàn sau khi chào hỏi khắp lượt. Ngay sau đó, Số Hai sà ngay xuống khay bánh mì nóng và trứng, vô tình va phải Rhonda.
“Xin lỗi,” Số Hai bối rối.
“Không sao ạ,” Rhonda nói, rồi quay về phía bọn trẻ, “Số Hai lúc nào cũng thấy đói vì chị ấy không bao giờ ngủ. Một người phải cần nguồn năng lượng siêu khủng để có thể thức suốt được như thế, vì thế chị ấy ăn rất nhiều.”
“Và nó còn khiến ta căng thẳng và hay cáu gắt nữa,” Số Hai nói. Ăn đến phần vỏ bánh, Số Hai quay bên này, lật bên kia, vội vàng cắn từng miếng bánh nhỏ.
“Cô không bao giờ ngủ thật ạ?” Kate hỏi sau một lúc im lặng tò mò quan sát.
Số Hai nuốt vội miếng bánh, “À, ừ, ta có ngủ chứ, nhưng ít lắm.”
“Chẳng phải chúng ta tạo thành một cặp hoàn hảo sao?” Ngài Benedict nói, tay rót một tách trà. “Ta thì không thể thức, còn Số Hai lại không thể đi ngủ.” Rồi ông bắt đầu cười, nhưng ngay lập tức phải cố dừng lại, rõ ràng là ông không muốn liều lĩnh. “Tiện đây, Rhonda, cháu có thấy cái bản đồ bến cảng của ta ở đâu không? Ta không thấy nó trong thư phòng.”
“Cái bản đồ bị cuốn bay xuống phòng lớn ạ,” Rhonda nói. “Cháu để nó ở cạnh cái chuồng, dưới cuốn sách tiếng Thụy Sỹ về máy gia tốc hạt.”
“Cảm ơn Rhonda. Bây giờ nói đến cái chuông, các cháu đều nhớ nó ở đâu chứ – đầu cầu thang tầng hai? Bất cứ khi nào nghe chuông kêu, ta muốn mọi người tập trung ở đầu cầu thang đó ngay lập tức. Chuông chỉ kêu trong trường hợp khẩn cấp thôi, nên đừng bao giờ chậm trễ. Bỏ việc đang làm và đến chỗ quả chuông ngay lập tức. Các cháu hiểu chưa nào?”
Bọn trẻ lo lắng gật đầu. Tất cả những lần nhắc đến sự nguy hiểm, khẩn cấp, mà vẫn chưa hề có bất kỳ lời giải thích nào, bắt đầu khiến lũ trẻ cảm thấy nặng nề.
“Ta xin lỗi vì khiến các cháu lo lắng,” ngài Benedict nói. “Và ta cũng chẳng biết nói gì để giúp các cháu bớt lo lắng. Điều ta có thể làm là trả lời các câu hỏi của các cháu. Ai muốn bắt đầu trước nào? Constance?”
Constance đáp lời với vẻ cáu tiết khủng khiếp rằng cô bé muốn biết tại sao chúng không được ăn kẹo vào bữa sáng.
Ngài Benedict mỉm cười. “Một câu hỏi hay đấy. Câu trả lời ngắn gọn là không có cái kẹo nào trong tòa nhà này cả. Ngoài ra, quyết định này còn liên quan đến việc những viên kẹo có hương vị tuyệt vời nhưng lại nghèo chất dinh dưỡng, mặc dù ta ngờ cháu chẳng hứng thú với giải thích của ta, mà chỉ đơn giản là muốn thể hiện sự bất mãn của mình thôi. Phải không Constance?”
“Có thể,” Constance nhún vai. Cô bé có vẻ hài lòng,
“Còn câu hỏi nào nữa không?” ngài Benedict hỏi.
Dĩ nhiên là có, và lũ trẻ gần như nói cùng một lúc, yêu cầu ngài Benedict giải thích về “kế hoạch” của ông, tại sao lại cần trẻ em, và nguy hiểm chúng đang phải đối mặt là gì.
Ngài Benedict đặt tách trà xuống bàn. “Rất tốt, ta sẽ giải thích tất cả, nhưng các cháu có thể vừa ăn sáng vừa lắng nghe ta.” (Tuy nhiến, chỉ có Constance là người duy nhất vẫn tiếp tục ăn. Ba đứa trẻ còn lại chẳng thể tập trung làm gì được nữa ngoài việc lắng nghe ngài Benedict.)
“Cách đây vài năm,” ngài Benedict nói, “khi nghiên cứu về não người, ta phát hiện ra có những thông điệp đang được gửi tới mọi người trên khắp thế giới – nhưng không ai nhận ra điều đó. Giống như việc ta bí mật nhét một lá thư vào túi các cháu, sau đó các cháu tìm ra và đọc nó, nhưng không biết lá thư đó từ đâu ra.
Trong trường hợp này, thông điệp đi trực tiếp vào não mọi người, nhưng họ không chỉ không biết nguồn gốc của chúng, mà thậm chí còn không hay biết mình đã nhận được và đọc những thông điệp đó.
“Các thông điệp có vẻ như được phát đi ở dạng mật mã,” ngài Benedict tiếp tục. “Thoạt đầu trông có vẻ giống những cầu vô nghĩa. Nhưng ngay từ đầu ta đã có lý do để tin tưởng chúng có tác động mạnh mẽ – nhưng cực kỳ không tốt – lên những ai nhận được chúng, có nghĩa là hầu hết mọi người. Thực tế, ta tin rằng những thông điệp này là nguồn gốc của hội chứng có tên là Khẩn cấp – dù cũng phải thừa nhận là ta không biết cụ thể như thế nào. Vì thế mà ta đã cố gắng tìm ra mục đích cuối cùng của họ là gì, và ai gửi những thông điệp đi. Nhưng đến giờ phút này ta vẫn chưa hoàn toàn thành công.”
“Nhưng ngài cũng đã tìm được rất nhiều điều rồi,” Số Hai nói lại.
“Chắc chắn rồi. Ta đã biết được, chẳng hạn, làm cách nào mà những thông điệp này được gửi đi…”
“Và chúng được gửi đi từ đâu nữa,” Rhonda không giữ được kiên nhẫn nữa.
“Và Người Gửi có thể làm được những gì nữa,” Số Hai gào lên.
Rõ ràng Số Hai và Rhonda lo sợ lũ trẻ có thể đánh giá sai khả năng của ngài Benedict. Nhận ra điều này, ngài Benedict nhìn cả hai và mỉm cười, “Đúng thế, những người bạn của ta. Chúng ta đã có được một số thông tin, chẳng hạn như Người Gửi sử dụng trẻ em để gửi đi những thông điệp bí ẩn.”
“Trẻ em sao ạ?” Sticky nói. “Nhưng sao lại là trẻ em?”
“Và chính xác thì những thông điệp nói gì ạ?” Reynie hỏi.
“Khi các cháu đã ăn xong bữa sáng, ta sẽ chỉ cho các cháu tháy. Còn bây giờ, để ta…”
“Xin ngài, bữa sáng không thể chờ được hay sao ạ?” Kate ngắt lời. “Cho chúng cháu xem ngay bây giờ đi ạ!”
“Ồ, nếu các cháu đều thấy thế thì…” ngài Benedict nói khi nhìn thấy vẻ sốt sắng của bọn trẻ.
Lần này thậm chí Constance cũng chẳng phản đối (có lẽ vì cô bé đã ăn no rồi), nên bọn trẻ được dẫn thẳng lên tầng ba, đi xuống một hành lang dài và cuối cùng là vào một căn phòng chất đầy các loại thiết bị. Quả là một đống hỗn độn kinh khủng. Trên chiếc bàn kê sát tường là một chiếc tivi, một chiếc radio, và một máy tính. Chỗ nào cũng la liệt nào dụng cụ, dây nhợ, sách vở, hải đồ, các cần ăng ten, bộ phận máy móc bị tháo rời, và rất nhiều những thứ đầu thừa đuôi thẹo khác. Gần như chẳng còn chỗ nào để đặt chân xuống nữa lúc bọn trẻ đi theo ngài Benedict – và theo sát là Rhonda và Số Hai – vòng qua cái tivi.
“Chú ý lắng nghe nhé,” ngài Benedict nói và bật tivi.
Ngay lập tức Reynie thấy nổi da gà. Cậu bé nhanh chóng nhận ra cảm giác quen thuộc ấy, nhưng trước đó chưa bao giờ Reynie để tâm đến. Lúc đó, tivi đang phát một chương trình tin tức. Chị phóng viên tóc đỏ, đeo hoa tai vàng sáng lấp lánh, đang đứng bên ngoài Nhà Trắng, nơi một đám đông tụ tập, giương khẩu hiệu, biểu ngữ, yêu cầu chính phủ phải làm điểu gì đó cho vấn đề Khẩn cấp.
“Họ đang yêu cầu thay đổi,” người phóng viên thuật lại, cử chỉ của cô mang đến cảm giác nghiêm trọng thực sự “và yêu cầu của họ như đang rơi vào những đôi tai điếc. Tổng thống nhắc đi nhắc lại cam kết là sẽ sớm làm gì đó. Trong khi đó Quốc hội…”
Constance ngáp dài. “Cháu chẳng nghe thấy gì lạ cả.”
Còn những đứa khác nhìn ngài Benedict. Nói như Constance là bất lịch sự, nhưng cô bé nói đúng.
Ngài Benedict gật đầu. “Giờ thì chú ý nhé. Số Hai, khớp Máy thu vào đi.”
Số Hai ngồi vào máy tính, rồi nhanh nhẹn gõ một chuỗi lệnh trên máy. Màn hình tivi bắt đầu nháy khiến những khuôn hình trở nên méo mó. Dù thế, bọn trẻ vẫn có thể nhìn thấy hình ảnh lượn sóng của cô phóng viên, nhưng giọng nói của cô thì nhỏ dần, nhỏ dần, và cuối cùng được thay thế bằng một giọng trẻ con.
“Cái quái gì thế?” Kate nói.
“Nghe tiếp đi,” Số Hai nói.
Đứa trẻ bí ẩn – nghe giọng nói có vẻ là một cô bạn cùng tuổi với Kate – nói với cái giọng đều đều, nặng nhọc và gần như không thể nghe thấy. Đầu tiên, chỉ lõm bõm nghe được vài từ rõ ràng một chút: “Thị trường… quá rảnh rỗi để… ngu muội…” Số Hai lại gõ thêm một số lệnh nữa; những yếu tố gây nhiễu giảm đáng kể, và lời nói của đứa trẻ bí ẩn đã rõ ràng hơn, từ chỗ gần như không nghe thấy giờ đã thành một giọng trầm đều đều.
“NGƯỜI MẤT TÍCH KHÔNG PHẢI LÀ BỊ MẤT TÍCH,
CHỈ LÀ ĐANG BỊ CHIA CÁCH.
KHỐI ÓC VẪN CÒN SUY NGHĨ – VÀNG CŨNG THẾ –
NHƯNG ĐƯỢC BẢO VỆ CẨN THẬN…”
Giọng nói lại dần dừng lại. Số Hai khẽ cằn nhằn. Các ngón tay của cô lướt trên bàn phím, và cái giọng thầm thì, trầm và thấp của đứa trẻ bí ẩn lại cất lên.
“TRỒNG CỎ RỒI LẠI CẮT CỎ.
LIÊN TỤC BẬT TV.
ĐÁNH RĂNG VÀ DIỆT CHẾT NHỮNG CON VI TRÙNG.
NHỮNG QUẢ TÁO ĐỘC. NHỮNG CON SU ĐỘC .”
Cứ tiếp tục như thế. Giọng nói không vấp, không dừng, nhưng những câu từ gợi trí tò mò vẫn được truyền tải theo một tiến trình kỳ quái, đều đều. Trên màn hình gợn sóng giờ là hình ảnh một phóng viên đưa tin thời tiết với khuôn mặt tươi vui, nhưng giọng nói thì vẫn là giọng của một đứa trẻ.
Ngài Benedict ra hiệu cho Số Hai gõ gõ lên bàn phím máy tính. Giọng đứa bé nhỏ dần. Cô phóng viên dự báo thời tiết đang hứa hẹn bầu trời quang đãng vào buổi chiều.
Ngài Benedict tắt tivi. Bọn trẻ bất ngờ nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình trên màn hình tivi. Đứa nào cũng cau mày. Nhận ra điều này, vẻ mặt cả lũ chuyển sang ngạc nhiên, trước khi biến thành nỗi tò mò mãnh liệt.
“Ngu muội ở đây nghĩa là gì?” Constance hỏi.
Sticky, như vừa bị ai đó chọc vào lưng, lập tức trả lời, “Là làm cho ai đó bối rối hoặc trở nên ngớ ngẩn, khiến họ không thể nhận thức được, hoặc nếu không thì cũng trở nên không rõ ràng.”
Constance có vẻ bực tức.
“Có nghĩa là làm cho mọi thứ rối tung lên,” Reynie nói.
“Cảm ơn về định nghĩa trong từ điển của cháu, Sticky,” ngài Benedict nói, “và Reynie, cảm ơn vì đã đơn giản hóa nó.” Rồi ông khoanh tay và quan sát lũ trẻ. “Giọng nói đó được truyền đi từ tất cả các ti vi, radio và điện thoại di động trên thế giới. Dĩ nhiên nó có nghĩa là, hàng triệu bộ óc tiếp nhận nó. Và mặc dù, ở một phần quan trọng trong não người, những thông điệp này được nghe, được hiểu và được chú ý tới, và ở phần còn lại thì chúng lại không hề được biết đến. Nhưng cái Máy thu ta phát minh ra có khả năng phát hiện và dịch chúng, rất giống với việc Reynie đơn giản hóa định nghĩa của Sticky vài phút trước đây vậy.”
“Nhưng làm sao những người sử dụng những ngôn ngữ khác nhau lại có thể hiểu được giọng nói khi nãy ạ?” Kate hỏi. “Người ở Tây Ban Nha thì sao?”
“Thông điệp được gửi đi ở mọi ngôn ngữ. Ta để ngôn ngữ của Máy thu là tiếng Anh đơn giản là vì đó là ngôn ngữ của tất cả mọi người ở đây.”
“Điều này quả thật đáng sợ,” Sticky nói, căng thẳng quay nhìn phía sau. “Nó giống như là… như là…”
“Giống như có một người lạ thì thầm vào tai mình lúc ngủ?” ngài Benedict gợi ý.
“À vâng, cái đó đáng sợ hơn một chút đấy ạ,” Sticky nói.
Reynie lúc đó đang lắc lắc đầu vẻ rất băn khoăn. “Sao điều này lại xảy ra được ạ? Những thông điệp đó – dù chúng là gì đi nữa – được gửi đi như thế nào?”
“Nói một cách đơn giản,” ngài Benedict bắt đầu, “chúng di chuyển được là nhờ các tác nhân ngoại sinh…”
“Ngài Benedict, nói thế cũng chẳng đơn giản hơn chút nào,” Rhonda ngắt lời và nhìn Constance, lúc này mặt của cô bạn đã lộ rõ vẻ bực bội.
“Thứ lỗi cho ta. Cháu nói đúng. Đơn giản thế này nhé, những thông điệp đó ‘cưỡi trên lưng’ tín hiệu. Tivi, radio, điện thoại di động – tất cả những thiết bị này đều sử dụng những tín hiệu vô hình, và Người Gửi đã tìm ra cách để tận đụng những tín hiệu này. Những thông điệp này chẳng hề khó tính, chúng hài lòng với bất kỳ loại tín hiệu nào. Và Người Gửi cũng tìm ra cách kiểm soát tính kết dính của suy nghĩ.”
“Cái gì ạ?” lũ trẻ đồng thanh.
“Tính kết dính của suy nghĩ. Đó là cách suy nghĩ con người “để ý” tới tín hiệu vào dính chặt lấy chúng – giống như là những mảnh sắt dính lấy cục nam châm ấy. Chúng bị hấp dẫn bởi bất kỳ loại tín hiệu nào, kể cả ý nghĩ khác.”
“Có nghĩa là những thông điệp cũng chỉ là những suy nghĩ?” Kate nói.
“Đúng thế,” ngài Benedict trả lời. “Mặc dù ta sẽ không dùng từ chỉ là. Suy nghĩ có thể “chở” khá nhiều thứ đấy.”
“Nhưng vì sao Người Gửi lại sử dụng trẻ em để truyền thông điệp ạ?” Reynie hỏi.
“Một trò độc ác,” ngài Benedict nói, “nhưng cần thiết. Cháu biết đấy, chỉ suy nghĩ của một đứa trẻ mới có thể được truyền vào não của người khác một cách bí mật như thế. Vì một vài lý do nào đó, mà việc đó không hề bị phát hiện.”
“Không có gì là ngạc nhiên,” Constance tỏ vẻ không bằng lòng. “Chưa có một người lớn nào tin cháu có thể suy nghĩ.”
“Em ấy nói đúng đấy,” Số Hai xen vào bằng một giọng sắc lẹm. “Chẳng ai đoái hoài đến những gì một đứa trẻ nói, những gì chúng nghĩ còn ít được quan tâm hơn nữa.”
Rhonda vỗ vai Số Hai. “Số Hai có chút tự ti khi nhắc đến việc này. Lúc còn bé chị ấy thường hay bị lờ đi mà.”
“Cũng chẳng thay đổi được sự thật!” Số Hai cằn nhằn.
“Bình tĩnh đi,” Rhonda nói. “Em chỉ đùa thôi mà.”
“Rất tiếc, hạ đường huyết rồi,” Số Hai nói và vội vàng lôi ra một thỏi bánh granola[2].
[2] Một loại bánh ngũ cốc quen thuộc trong bữa điểm tâm của người Mỹ.
“Dù ở mức độ nào,” ngài Benedict tiếp tục, “ta vẫn tin là Người Gửi sử đụng những đứa trẻ như một cái máy lọc. Sau khi đi vào não của bọn trẻ, thông điệp gần như hoàn toàn không thể bị phát hiện ra. Trong khi suy nghĩ của người lớn thì ì ạch, vướng víu như một chú voi, thì suy nghĩ của một đứa trẻ lại bò vào não người nhẹ nhàng như một chú mèo rồi tìm chỗ kín đáo để ẩn nấp.”
“Sẽ không ai phát hiện ra ạ?” Sticky hỏi.
“Vài người có thể lờ mờ nhận ra những hoạt động trong não của mình,” ngài Benedict nói, “nhưng họ cũng đoán đó là một thứ cảm giác bất an về một vấn đề nào đó. Có thể họ sẽ nghĩ mình vừa có một sáng kiến, hoặc do uống hơi nhiều cà phê.”
“Cháu chưa bao giờ có cảm giác đó,” Constance nói. “Như là có chuyện đang xảy ra, nhưng cháu không hề biết vậy.”
Những đứa trẻ khác thì lắc đầu, có nghĩa là chúng cũng chưa bao giờ trải qua.
“Đó là vì các cháu coi trọng sự thật,” ngài Benedict nói. “Các cháu…”
Số Hai ngắt ngang lời ngài Benedict. “Thưa ngài, trước khi tiếp tục, sao ngài không ngồi xuống đi ạ? Ngài đứng như thế làm cháu căng thẳng lắm ạ. Có quá nhiều vật cứng ở xung quanh đây. Hãy nhìn chiếc ghế kìa, rồi cái bàn, cái tủ tivi, và những dụng cụ này nữa…” Quay nhìn khắp phòng, Số Hai chỉ cái này, cái kia, gần như chỉ tất tần tật những thứ cô nhìn thấy.
“Được được, Số Hai, ta ngổi đây,” ngài Benedict nói rồi ngồi xếp bằng xuống sàn nhà, ra hiệu cho những người khác ngồi xuống cùng mình. Bọn trẻ đặt bừa mấy cuốn sách, giấy tờ, và máy móc ra chỗ khác để tìm chỗ ngồi. Số Hai hít một hơi thật sâu để lấy lại bình tĩnh.
“Các cháu biết đấy,” ngài Benedict tiếp tục, “mặc dù hầu hết mọi người đều quan tâm đến sự thật, nhưng dưới những tình huống cụ thể, hoặc khi bị thuyết phục – họ có thể bị làm cho sao nhãng. Thế nhưng, có những người tuyệt đối trọng sự thật, trong đó có trẻ em. Não của các cháu đang chống lại những thông điệp bí ẩn đó.”
“Có phải vì thế mà trong bài thi có câu hỏi về tivi và radio không ạ?” Reynie hỏi.
Ngài Benedict gõ gõ lên mũi. “Chính xác. Có thể các cháu thỉnh thoảng muốn xem một chương trình tivi nào đó, hoặc thỉnh thoảng có nghe đài, nhưng nhìn chung các cháu đều không thích hai thứ này. Là bởi vì não của các cháu không muốn bị lừa gạt nên cố gắng tránh tiếp xúc với những thông điệp đó.”
“Cháu vẫn chưa thấy, có gì nguy hiểm,” Constance nói vẻ chán nản. “Tóm lại là mọi người đang liên tục nhận được những suy nghĩ của một đứa trẻ và họ không hề hay biết điều này. Có vẻ chẳng đáng để sợ hãi.”
“Chúng ta chưa đến phần đáng sợ mà,” ngài Benedict trả lời với vẻ mặt nghiêm trọng.
“Ổ,” Constance nói.
“Tuyệt,” Sticky nói
“Có điều gì đó sắp xảy ra,” ngài Benedict nói. “Một điều gì đó khủng khiếp. Những thông điệp đó có liên quan, nhưng đây mới chỉ là bắt đầu. Điều sắp xảy ra sẽ tồi tệ hơn, hơn rất nhiều – một bóng tối ám ảnh kinh hoàng, cũng giống như những đám mây bão kia đang lan rộng ra che khắp cả bầu trời.”
“Gi-ì ạ,” Sticky lắp bắp, “nhưng nó là cái gì kia ạ?”
Ngài Benedict vần vò mái tóc vốn đã rối bù của mình. “Ta e là ta cũng không biết.”
Bọn trẻ nhắm nghiền mắt. Ngài ấy đang đùa sao? Ngài ấy không biết?
“À, ta nhìn thấy vẻ bối rối của các cháu,” ngài Benedict nói. “Đáng ra ta nên nói rõ là ta không biết chính xác.”
Rhonda lên tiếng. “Chúng ta có lý do để phải tin vào cái điều khủng khiếp đang đến kia đấy. Đó chỉ là…”
“Nhưng nếu có lý do để tin,” Constance chen ngang, “thì tại sao mọi người lại chỉ loanh quanh ở đây? Gọi cho chính phủ! Cảnh báo các cơ quan liên quan!”
“Một gợi ý hay đấy, Constance,” ngài Benedict nói (Reynie thấy rõ ràng là ngài ấy rất rộng lượng trước thái độ chẳng hề lịch thiệp của Constance). “Thực ra, ta từng là một cố vấn được tín nhiệm của một số quan chức cấp cao, trong đó có những người đứng đầu các cơ quan chính phủ. Nhưng mọi thứ đã thay đổi. Không chỉ các cơ quan này bị đánh đổ – và một số người tốt bị mất tích – mà có vài người vốn trước đây tin vào những nhận định của ta giờ lại nghi ngờ. Họ bắt đầu nhìn ta giống như một kẻ lập dị thân thiện, và có người còn nghi ngờ ngay chính ta nữa. Bây giờ ta làm mọi thứ trong bí mật.”
“Có phải ngài vừa nói ‘một số người tốt bị mất tích’?” Reynie hỏi mà trong lòng đang cầu mong mình đã nghe nhầm.
“Biến mất,” ngài Benedict nói. “Vài năm trước đây, lần đầu ta để ý thấy một số người có trách nhiệm biến mất, ta đã hỏi về họ. Nhưng những câu hỏi của ta – dù là hỏi ai – mà thật sự thì ta đã hỏi rất nhiều người – đều được đáp lại với một sự thờ ơ lạ lùng. Họ nói bảo những câu hỏi đó hết sức ngớ ngẩn. Bằng cách nào đó, họ đều tin rằng những cán bộ mất tích đó được chọn – được giao một công việc mới béo bở ở những nơi đầy nắng, có thể, hoặc nghỉ hưu sớm – mặc dù chả có bất cứ bằng chứng nào. Dường như chẳng ai thèm quan tâm xem những người đó đã đi đâu. Nhưng ai cũng biết, và vì thế hết lần này đến lần khác họ nói với ta rằng, ai cũng biết những cán bộ đó không mất tích. Không, không, cái cách lý giải đó thật là vô lý.”
Bọn trẻ điếng người. Các cán bộ của chính phủ mất tích và chẳng ai thèm quan tâm? Thậm chí chẳng ai buồn tin nữa cả?
Reynie thấy giọng mình cất lên đầu tiên. “Vậy đó là lý do vì sao ngài biết đến những thông điệp lạ đang tác động đến con người?”
Ngài Benedict gật đầu. “Khá đúng đấy, Reynie. Ít nhất đó cũng là một ví dụ.”
“Đợi một phút,” Kate nói. “Sao ngài biết được những thông điệp có liên quan đến việc này?”
“Vì đoạn ta nghe thấy từ Máy thu,” Reynie nói. “Người mất tích không phải là bị mất tích, chỉ là đang bị chia cách. Cậu không nghĩ là có liên quan à?”
“À đúng rồi nhỉ,” Kate nói, rõ là trước đó cô bé đã quên mất câu này rồi.
Constance có vẻ thất vọng. “Được rồi, vậy là chính quyền đang bị dồn vào tình thế khó khăn bởi những thông điệp bí ẩn kia. Nhưng làm thế nào họ che giấu được sự thật? Sao ngài không đưa cho họ xem cái Máy thu của ngài? Họ sẽ phải tin chứ.”
“Ta e là họ sẽ không tin,” ngài Benedict nói. “Chỉ riêng cái Máy thu là không đủ. Họ sẽ cho rằng những thông điệp đó do chính ta tạo ra, do chính cái Máy thu này phát ra. Ta không còn được coi là một nguồn thông tin tin cậy nữa rồi.”
Reynie bối rối. “Nhưng ngài Benedict, nếu ngài chỉ ra cho họ cách thức hoạt động – ý cháu là giải thích một cách khoa học – thì sao họ có thể không tin được? Và chắc chắn là ngài còn có thể mô tả lại những nguyên lý liên quan nữa mà?”
Ngài Benedict do dự. “Một gợi ý hay đấy, Reynie. Rất… Để ta xem nào. Nói thế nào được nhỉ? Ta không chắc chắn… Ừm…”
Số Hai ngắt ngang. “Điều mà ngài Benedict thấy khó khăn là ngay cả khi ngài làm như thế, cũng không ai tin ngài vì không ai có thể hiểu cả. Đó là điều bất lợi khi bạn là một thiên tài đấy – khi bạn hiểu được một điều không có nghĩa là những người khác cũng thế. Mà ngài Benedict lại quá khiêm tốn, ông chẳng muốn đưa chính mình ra để chứng minh điều đó đâu.”
“Ông ấy đã thử giải thích với một số người,” Rhonda thêm vào. “Nhưng tất cả họ đều nghi ngờ, chỉ có Số Hai và chị cùng một số ít trợ lý khác là những người duy nhất có thể hiểu được.”
Khuôn mặt ngài Benedict ửng đỏ vì bối rối. Ông ho lên một tiếng. “Như thường lệ, các bạn của ta, các cháu đánh giá ta quá cao rồi. Tuy nhiên, bản chất những gì các cháu vừa nói là đúng. Thật khó để tìm được ở các cơ quan công quyền một người chịu lắng nghe.”
“Nói cách khác, so với ngài, họ đều là những kẻ đần độn,” Kate bật cười.
“Đó có lẽ là cách diễn tả bất lịch sự nhất đấy, Kate,” ngài Benedict nói.
Không giống Kate, những đứa trẻ khác chẳng có tâm trạng để mà cười nữa. Những thông điệp bí ẩn đang được gửi đi khắp thế giới, những người tốt thì mất tích, không thể thuyết phục được chính quyền – và thế nào đó trẻ em lại liên quan đến tất cả những chuyện này. Viễn cảnh đó khiến cho thứ cảm giác sợ hãi sâu sắc, không tài nào nắm bắt được dần xâm chiếm suy nghĩ của bọn trẻ.
Constance, phản ứng của cô bé lúc này đã không còn thực sự khó đoán nữa, bực bội. “Được rồi, cháu hiểu rồi. Nhiều người biến mất không để lại dấu vết, và ai đó đang gửi đi những thông điệp bí ẩn, và không ai tin ngài về điều đó. Nhưng không phải chúng ta đang thực sự gặp nguy hiểm, phải không ạ?” (Mặc dù giọng nói của Constance đầy vẻ mỉa mai và tức giận, nhưng rõ ràng, ánh mắt liếc ngang liếc dọc của cô đã hé lộ nỗi sợ hãi.) “Ngài nói chúng ta đều đang gặp nguy hiểm… nhưng đó chỉ là phóng đại lên thôi, phải không ạ?”
“Ta rất tiếc phải nói ra điều đó, Constance,” ngài Benedict nói với vẻ mặt u ám, “nhưng ta không hề phóng đại, dù chỉ là một chút. Chúng ta đang gặp nguy hiểm, ngay cả lúc này.”
Và quả đúng như thế, bỗng nhiên quả chuông ở đầu cầu thang bắt đầu kêu lên, dữ dội.