Thích Khách - Thẩm Nhạn

Chương 22


“Ruỳnh, bốp!”

Phùng Thiếu Mị mở bừng mắt.

Trên đầu là màn giường đỏ hạnh mới giăng, nắng chiếu vào phòng sáng sủa, từng vệt sáng đan xen trên đa bảo các1 trống không. Đã quen với thuyền ô bồng tối tăm chật chọi, dưới thân là mặt nước bồng bềnh không ngừng, nhất thời chẳng biết đêm nay đêm nào.

1 Kệ trưng bày đồ quý chia thành ô của người xưa.

Liếc nhìn đồng hồ nước trong góc tường, đã qua nửa giờ Mão.

Phùng Thiếu Mị vén chăn, nhón một góc màn treo móc đồng, xỏ guốc mộc đứng dậy ra ngoài.

Cát Sinh đã tỉnh dậy, đang ở trần trong sân bổ củi. Rìu chém xuống, củi vỡ làm hai, rơi trên đá hòn non bộ: “Ruỳnh, bốp!”

Cất tiếng chào hỏi với cậu, Phùng Thiếu Mị mở cửa vào phòng phía đông, chăn nệm phẳng phiu y nguyên, Tiết A Ất vẫn chưa về. Lúc đi ra thấy Thúy Thúy dụi mắt đi tới, sắc mặt không tốt, đáy mắt nổi tia máu.

Phùng Thiếu Mị hỏi: “Ngủ không ngon à?”

Thúy Thúy vâng: “Cứ cảm thấy vẫn đang trên thuyền, người lên bờ rồi mà thân vẫn như đang bập bềnh theo mặt nước.”

Cô day day thái dương căng đau, sang phòng bếp chuẩn bị bữa sáng.

Tháng Năm tháng Sáu nắng nôi oi ả, Cát Sinh bổ củi bốc hơi nóng toàn thân, mồ hôi thánh thót như mưa, trên cổ treo khăn đi vào phòng, trông thấy cháo bày trên bàn bát tiên thì không khỏi ngạc nhiên: “Không phải hôm qua mua rất nhiều đồ ăn à?”

Không thể so với lúc trời lạnh, nhanh ôi thiu hơn, phải ăn nhanh kẻo hỏng.

Tay chia đũa của Thúy Thúy hơi chậm lại, cúi đầu nhìn cháo trắng lơ thơ gạo trong bát, hít sâu một hơi, mím môi: “Để em đi hâm lại.” Ở trên thuyền ô bồng, sáng nào cũng ăn cháo.

“Để trưa ăn.” Phùng Thiếu Mị cản Thúy Thúy lại, đã nhìn ra tinh thần cô ngẩn ngơ, “Lát nữa ngủ bù thêm đi.”

Thúy Thúy cắn môi dạ, lại hỏi: “Ca ca còn chưa dậy ạ?”

Phùng Thiếu Mị bưng bát cháo lên: “Anh ấy ra ngoài từ sáng sớm.”

Cháo loãng canh suông, bát sành nhanh chóng thấy đáy. Nàng đứng dậy đang định rời ghế thì Thúy Thúy gọi lại: “Phùng tỷ, vì em mến mộ… mến mộ Thôi tiên sinh nên ca ca mới bận rộn vậy ạ?”

Dừng bước, Phùng Thiếu Mị xoay người lại nhìn, Thúy Thúy đang cúi đầu cầm đũa gảy gảy gạo trong bát. Đầu đũa va chạm với thành bát, phát ra tiếng “lanh canh”.

Phùng Thiếu Mị đáp: “Không hẳn.”

“Chị đừng dỗ em, ca ca không về cả đêm qua phải không ạ?” Thúy Thúy ngẩng lên, “Em đã nhìn thấy rồi, đêm qua canh tư anh ấy mới tắt đèn, sau đó thì ra cửa.”

Lúc Tiết Côn Ngọc bệnh tình nguy kịch, chữa bệnh bạc tốn như nước chảy, Tiết A Ất cũng không liều mạng như vậy.

Chẳng đợi Phùng Thiếu Mị trả lời, Thúy Thúy chợt đổi chủ đề: “Phùng tỷ, em sẽ được sống hạnh phúc, phải không?”

Phùng Thiếu Mị gật đầu: “Phải.”

Thúy Thúy chợt cười toe, mắt như sóng nước: “Không phải là có việc cần ra cửa à? Đừng để chậm trễ.”

***

Sau khi bị cha mẹ bán cho mối lái buôn người, Phùng Thiếu Mị cắt đứt liên lạc với người nhà, không thể nói xuất phát từ oán hận hay gì, chỉ là nàng không về nhà nữa. Mà nay bản thân đang rảnh rỗi quá chừng, thế cuộc ở Lạc Dương lắt léo, con đường phía trước chẳng biết ra sao, lá rụng về cội, cáo chết ba năm quay đầu về núi, khi đại nạn giáng xuống, súc bật đều biết về ổ chờ chết.

Rời nhà mười năm, thôn trang dưỡng dục nàng chẳng có gì thay đổi.

Nếu tới sớm hơn, ra sau núi có thể nhìn thấy đỗ quyên dại bung nở như mây đỏ bao phủ khắp mặt đất. Đến lúc này chỉ thấy quanh núi xanh rì, mạ nảy mầm cao đến bắp chân, ếch nhái thi nhau kêu bên ruộng, vài đứa bé nhơ nhỡ chạy lung tung trên bờ ruộng trống trải.

Trước cửa nhà đặt chiếc ghế thấp, ngồi trên ghế là một bà lão tóc mai điểm bạc, đang cầm bút lông sắp trọc vẽ hoa văn lên con diều dán từ giấy và que trúc.

Phùng Thiếu Mị dừng bước ngoài mười trượng.

Vẽ xong hoa văn, bà lão vẫy tay với đám trẻ chơi đùa cách đó không xa, chỉ nghe một tiếng hoan hô, bọn trẻ đã cầm diều giấy chạy ra bờ ruộng.

Hôm nay gió lớn, diều giấy bay lên trời rất mau, Phùng Thiếu Mị ngẩng đầu lên, diều vẽ hình một con én ngẩng đầu tung cánh.

Sau lưng vọng lại giọng nói: “Tìm người nhà họ Phùng à?”

Phùng Thiếu Mị quay đầu, là nông phụ trong thôn: “Đi ngang qua đây, vào xem thử.”

Người phụ nữ quan sát nàng từ trên xuống dưới, trở lại ngồi xuống ghế thấp cạnh bờ ruộng, lựa trong đống rơm rạ khô ra một bó, tự xoắn dây cỏ.

Bà lão trước cửa nhà đang thêu một chiếc khăn tay, Phùng Thiếu Mị xem một hồi, hỏi nông phụ kia: “Đàn ông nhà họ Phùng đi đâu rồi ạ?”

Đối phương lấy lại tinh thần, thẳng người dậy nói vanh vách: “Chủ nhà vốn là người bán cá, sống tử tế không sống lại đi đánh bạc, đem cả sạp hàng trong tay đi cầm cố trả nợ thì thôi, còn bán đứa con gái đi. Hai năm nay cũng ổn, làm đầu bếp ở tửu lâu, bây giờ còn đang đi làm đấy.”

Phùng Thiếu Mị ngồi xuống bên bờ ruộng: “Con trai ông ấy đâu ạ?”

“Chết rồi.”

Phùng Thiếu Mị sửng sốt: “Chết?”

“Kể ra số nó cũng không.” Nông phụ xòe bàn tay ra đếm, “Mới chỉ bảy, tám tuổi, ngã xuống sông, lúc vớt lên đã mất rồi.”

Tiếng cười nhỏ vụn loáng thoáng vọng tới, trẻ con chạy theo diều giấy mỗi lúc một nhiều, nối thành một chuỗi dài, như đàn kiến chạy tán loạn dưới đất.

Phùng Thiếu Mị mím môi: “Không sinh thêm ạ?”

“Không sinh được nữa, vợ lão Phùng mình mẩy quá yếu.” Nông phụ dẩu miệng ra hiệu về phía bà lão đang thêu khăn rồi vùi đầu tiếp tục xoắn dây cỏ, “Từng đi tìm đứa con gái bị bán đi, nhưng đã mấy năm rồi, sao mà nghe ngóng được chứ.”

Phùng Thiếu Mị nhìn ruộng lúa bị gió thổi dậy lên từng đợt từng đợt sóng: “Chủ nhà làm việc ở đâu ạ?”

“Tửu lâu Trương Kí, đó, đi hướng đó.” Nông phụ chỉ về hướng đông, “Cô nương tới từ bên ngoài à? Giá cả ở Trương Kí cũng phải chăng lắm, cô nương đi ủng hộ cho lão Phùng cũng được đấy.”

PHùng Thiếu Mị nắm tay chống lên bờ ruộng, đứng dậy: “Cháu là người Lạc Dương.”

Nông phụ ngẩn ra: “Khẩu âm cô nương như người phía nam ấy, thật sự nghe không ra. Đã bao lâu rồi không về Lạc Dương?”

Phùng Thiếu Mị đáp: “Cháu ở Giang Đô ba năm.”

Nông phụ nói “Bảo sao”: “Lần này về ở lâu một chút, đừng vừa quay đi đã quên mất giọng quê hương.”

Gần trưa, Phùng Thiếu Mị đến trước cửa tửu lâu Trương Kí, vừa phải không to nhưng cũng đầy đủ. Lúc này đang là giờ cơm trưa, bên trong vô cùng náo nhiệt, thực khách qua lại tấp nập.

Phùng Thiếu Mị chọn một chỗ trống, gọi hầu bàn: “Ở đây có phải có một đầu bếp tên Phùng Bảo Vinh không?”

Hầu bàn vung khăn lau mồ hôi: “Khách quan tìm thầy Phùng ạ?”

“Ngưỡng mộ danh tiếng nên tới.” Phùng Thiếu Mị đáp, “Nghe nói thầy Phùng có một món sở trường, gọi là…”

“‘Cá vượt long môn’ đúng không ạ?” Hầu bàn tiếp lời, thấy Phùng Thiếu Mị gật đầu bèn nói, “Dạ, ngài đợi nhé!”

Chung quanh ồn ào, bên tai chỉ toàn là tiếng thực khách chén chú chén anh ba hoa khoác lác.

Một thanh niên ăn bận kiểu nho sinh bên trái cao giọng nói: “Nghe tin gì chưa? Phủ Tạ tướng xảy ra chuyện lớn, Tạ ngũ lang Tạ Hồng bị đâm chết trên giường giữa đêm qua, bên cạnh còn có ngọc bội dương chi tâm phúc của Tạ tướng hay đeo theo người.”

Đồng bạn lấy làm kinh hãi: “Tạ tướng giết thật à?”

“Ai biết, ngọc bội dương chi là thật nhưng Tạ tướng từ chối thừa nhận.” Nho sinh kia bĩu môi, “Chính thê của Tạ nhị gia chẳng có gì nổi bật, trong mấy đứa con thứ có mỗi Tạ Hồng là có tiền đồ nhất, hiện giờ đang khóc trời khóc đất làm loạn lên kia kìa.”

Phùng Thiếu Mị đang nổi hứng thú thì chợt nghe hầu bàn cao giọng kêu: “‘Cá vượt long môn’ tới rồi…”

Thức ăn dọn lên bàn, cá chép vàng tươi rộng bốn ngón tay, đầu cá ngẩng lên, đuôi ưỡn cao, tư thế như vượt long môn.

Phùng Thiếu Mị cầm đũa tách bụng cá béo dày ra, gắp một miếng thịt bỏ vào miệng. Thịt cá non mềm, vừa nhai miệng đã ngập nước canh thơm ngọt, tròn vị nuốt xuống bụng.

***

Trở lại căn nhà Giang Đô vương ban thưởng thì đã qua buổi trưa, Thúy Thúy ngủ bù một giấc, để dành cơm cho Phùng Thiếu Mị. Vừa ăn cả một con cá, lúc này không đói, Phùng Thiếu Mị bèn đậy lại thức ăn cất vào nồi giữ nóng.

Củi đã bổ xong xếp ngay ngắn trong sân, Cát Sinh thở phì phò như trâu, người đẫm mồ hôi, tấm lưng chẳng quá săn chắc của thiếu niên bị mặt trời chiếu đỏ phừng. Hai tay cậu nắm rìu, lúc vung rìu, gân xanh trên cánh tay hằn lên: “Ruỳnh, bốp!”

Em trai mà có thể trưởng thành thì chắc cũng lớn như Cát Sinh vậy.

Cát Sinh giơ tay lau mồ hôi sắp chảy vào mắt, ngẩng lên thấy Phùng Thiếu Mị đang nhìn mình đăm đăm, hơi ngạc nhiên: “Sao vậy ạ?”

“Em định cùng sang nhà họ Thôi với Thúy Thúy.” Gương mặt ngăm đen thấm ra vẻ ngượng nghịu, Cát Sinh cười, “Tiết đại ca bận rộn, hay quên bổ củi, em chuẩn bị nhiều chút.”

Phùng Thiếu Mị đến phòng đông ngó thử, trên sập cuộn tròn một bóng người, Tiết A Ất đã trở lại. Nắng vàng rải khắp phòng, hắn nằm ngửa trên sập, cánh tay vắt ngang mặt nghỉ ngơi, ngực nhịp nhàng phập phồng.

Đang định khép cửa lui ra ngoài, Tiết A Ất bỗng cất tiếng: “Thuật giết người cần chú trọng điều gì?”

Giọng khản đặc như cổ họng gỉ sét.

Phùng Thiếu Mị dừng bước, xoay người đi tới bên sập ngồi xuống, chăn đệm lõm xuống: “Chẳng có gì khác, một là nhanh, chuẩn, độc, hai là đừng nhìn vào mắt những người đó.”

“Khi còn bé, tôi được cha dạy giết lợn, em trai tò mò theo xem.” Hai cánh tay chống lên giường, Phùng Thiếu Mị ngửa đầu nhìn màn giường đỏ hạnh đung đưa, “Nhìn mắt con lợn sữa đó với mắt em trai đứng bên cạnh mà cứ thấy chẳng có gì khác nhau.”

Tiết A Ất nhắm mắt, kẽ răng bật ra một tiếng cười: “Đúng là chẳng có gì khác nhau.”

Nhớ đến điều gì, giơ tay chỉ chỉ hộp gỗ để bên sập: “Vương gia thưởng, bảo Cát Sinh bỏ thêm vào của hồi môn của Thúy Thúy.”

Phùng Thiếu Mị đáp lời, nhớ đến lời nhà họ Thôi truyền cho: “Nhà họ Thôi chê danh sách đồ cưới ít, để tôi thêm vào.”

“Cất đi, đó là tiền bán mạng của cô, tôi giúp vương gia thịt thêm vài người nữa là được.” Không buông màn, ruồi muỗi vo ve bên tai, Tiết A Ất dùng mu bàn tay xua đi, “Đợi phong ba lắng rồi, cầm đống bạc đấy tìm một người đàn ông tốt mà cưới.”

Phùng Thiếu Mị sững sờ.

Hồi lâu không có động tĩnh, nàng nghiêng đầu nhìn, Tiết A Ất đã ngủ say.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận