Trong thời chiến hết thảy mọi việc đều phải giản lược, Tôn Diệp Đình cũng chỉ được mai táng sơ sài, bia mộ đồ vàng mã đều phải chờ chiến trận qua đi mới bù vào sau.
Tuy nói là mai táng giản lược nhưng thanh thế lại to lớn. Vào đêm Tôn Diệp Đình tắt thở, Lục Thiếu Vi đã bày mưu đặt kế để toàn bộ chùa miếu trong thành Ngụy Châu đồng thanh đánh chuông truy điệu, bá tánh không rõ nguyên do phải kiên nhẫn chờ đến sáng mới biết chuyện. Sau đó nàng lại phái mấy tiểu binh mồm miệng lanh lợi chạy khắp đầu đường cuối phố loan tin Tôn Diệp Đình qua đời, có người thương tâm, có người đáng tiếc, cũng có người oán hận.
Đến hôm hạ táng, dân trong thành tự phát đi theo đội ngũ đưa tang, tiếng khóc thương không dứt bên tai, vừa khóc cho Tôn Diệp Đình mà cũng là khóc cho bản thân —— Mọi rợ như hổ rình mồi, lương thảo trong thành không đủ, tướng lĩnh thủ thành chết trận, bá tánh thật không khác gì ngọn cỏ giữa cơn giông bão, bị thổi nghiêng trái ngã phải, chẳng biết có thể sống tạm bợ được thêm bao lâu.
Mọi người không kịp may quần áo tang, mỗi nhà đành buộc một mảnh vải trắng quanh eo xem như đồ đưa tang.
Vương Am đứng trên đài cao giọng đọc điếu văn, nội dung điếu văn do Tạ Yến Hồng viết.
Sau khi Tôn Diệp Đình tắt thở, y liền trở về thư phòng trong biệt thự, đứng trước kệ sách vươn ngón tay lưới qua gáy sách, rút từng cuốn ra xem xét. Thư phòng chất đầy sách vở, chỉ riêng binh thư đã có đến mấy chục quyển. Tạ Yến Hồng lại không bối rối mà lập tức tìm được cuốn《 Quân lược 》của Tạ Thao, bên trong quả nhiên kẹp một bức thư mang bút tích của Tôn Diệp Đình.
Tạ Yến Hồng vội vàng mở ra, nội dung thư không dài, y chỉ xem hết trong một cái chớp mắt.
Xem xong, y ngồi xuống ghế thái sư trong thư phòng hết nửa đêm còn lại. Đến khi sắc trời hửng sáng, Tạ Yến Hồng trải giấy mài mực, đề bút liền mạch lưu loát viết ra bài điếu văn dài gần trăm chữ.
Vương Am mở cuộn giấy ra đọc, giọng ông ta già nua nghẹn ngào, không cần dùng quá nhiều sức mà nghe vẫn đầy ý thê lương thương tiếc.
“… Núi cao nước sâu, khó trở về trời, không phụ lòng người. Trời trăng cao chiếu, núi sông đổi màu. Sinh làm danh thần, chết làm liệt tinh, chẳng thể khí khái, làm lôi làm đình. Hôm nay hôm nào, trận chuyển sông nghiêng, trời có ánh sáng, công bằng ở đâu ——”
Ngữ điệu tuy bi ai nhưng câu từ vẫn đầy chí khí, rung động tâm can.
Các bá tánh đương nhiên nghe không hiểu những câu văn đầy học thức như thế, Lục Thiếu Vi suy nghĩ rất chu đáo, tiếp tục dùng mấy gã tiểu binh lanh lợi kia thuật lại điếu văn, đại ý là: Tôn đại nhân là người tài giỏi, vì bảo vệ quốc gia mà chết, sau khi chết sẽ hóa thành ngôi sao trên bầu trời!
Không ít người nhìn thấy đêm qua có sao băng xẹt qua bầu trời, kéo chiếc đuôi dài rơi về hướng tây, tỏa sáng rực rỡ rồi vụt tắt. Hiện tượng lạ mấy năm khó gặp một lần, lại đụng trúng dịp Tôn Diệp Đình qua đời, còn không phải là giống hệt trong điếu văn viết hay sao?
Vương Am vừa đọc vừa mắng thầm trong bụng.
Tôn Diệp Đình tuy có công lao lớn nhưng vẫn chỉ là một thằng nhóc vắt mũi chưa sạch, trước kia chưa từng có công tích gì, thời còn ở kinh thành còn bị người ta chỉ trỏ sau lưng là nịnh thần của thiên tử, vậy nên nội dung điếu văn này thật sự là tâng bốc quá đà. Nghĩ thì nghĩ vậy, ông ta trông thấy bá tánh sĩ tốt bên dưới lã chã rơi lệ cũng không thể không thừa nhận, chiêu này của Tạ Yến Hồng và Lục Thiếu Vi đã đẩy bi thương của mọi người lên cực điểm, quân đau thương tất có chiến thắng, Tôn Diệp Đình cũng xem như chết có ý nghĩa.
Vương Am đọc xong, mọi nghi thức còn lại đều do Lục Thiếu Vi chủ trì.
Nàng tựa như ngọc đẹp trong đá, vừa chói sáng vừa ôn nhuận, dáng người thon gầy, thanh âm trong trẻo. Trong lúc nàng lên tiếng, bầu trời còn hạ cơn mưa nhỏ cứ như trời cao cũng cảm động rơi lệ. Trên mặt nàng không có bi ai mà chỉ có bình tĩnh như tòa giếng cổ không gợn sóng, sâu không lường được.
Tạ Yến Hồng và Nhan Trừng không nằm trong đội ngũ đưa tang, hai người bọn họ đang ngồi đối diện nhau, ở giữa là bức thư của Tôn Diệp Đình.
Ngày đó Tạ Yến Hồng chật vật rời kinh, để Tống Tri Vọng giữ lại tính mạng người nhà, y cố ý tiết lộ chuyện mình đang giữ thư tay của tiên đế cho Tôn Diệp Đình nghe. Theo dự tính của y, Tống Tri Vọng hẳn sẽ vừa lùng bắt mình vừa giữ lại người Tạ gia như con tin, uy hiếp y giao ra di chỉ của tiên đế.
Sự tình liên quan đến ngôi vị, Tạ Yến Hồng những tưởng Tống Tri Vọng sẽ đuổi giết mình đến tận chân trời góc bể, không ngờ rằng sau khi y và Trường Ninh chạy được đến Ngụy Châu thì truy binh cũng biến mất. Lúc ấy trong lòng y hơi kinh ngạc, nhưng chỉ cho rằng Tống Tri Vọng đang giữ mình không xong, hiện tại xem ra nguyên do nằm ở Tôn Diệp Đình.
“Hắn không hề nói chuyện này cho Tống Tri Vọng biết.” Tạ Yến Hồng chỉ vào bức thư.
Lúc đọc đến đoạn này, Tạ Yến Hồng suýt nữa bật cười thành tiếng, không phải y cười vì vui, cũng không cười vì khổ, mà là cười tạo hóa trêu ngươi, cười Tôn Diệp Đình mâu thuẫn đầy mình. Y ôm bụng cười to một trận, tiếng cười còn khó nghe hơn là khóc.
Tôn Diệp Đình vì trợ giúp Tống Tri Vọng lên ngôi mà có thể bỏ mặc lương tâm chỉ hươu bảo ngựa, hãm hại trung thần, nhưng lại có thể vì giữ mạng cho Tạ Yến Hồng mà chôn một tai họa ngầm cho Tống Tri Vọng. Cùng lúc đó, nghĩa cử của hắn ta tuy cứu Tạ Yến Hồng, nhưng đồng thời cũng rút ngắn mạng sống của toàn bộ Tạ gia.
Tạ Yến Hồng nhớ khi ấy mình liều mạng chạy trốn, cả đường chật vật, sở dĩ có thể chống đỡ được hoàn toàn là vì trong lòng còn nuôi hy vọng cứu tính mạng người nhà, hiện giờ xem ra hết thảy đều là phí công vô ích. Lòng Tạ Yến Hồng đối với Tôn Diệp Đình vừa yêu vừa hận, yêu hắn trọng tình, nhưng lại hận hắn quả nghĩa.
Bây giờ người đã không còn, dù yêu hay hận cũng hóa thành hư không.
Ngày từ biệt ở kinh sư, trước khi chia tay Tôn Diệp Đình đứng ngâm câu “Phi bồng các tự viễn, thả tẫn thủ trung bôi”, hiện giờ, câu cuối cùng trong thư tuyệt bút của hắn ta lại là “Vật ngôn nhất tôn tửu, minh nhật nan trùng trì”*.
*Đừng nói một chén rượu, ngày mai lại cùng say
Chén rượu này vĩnh viễn không uống được nữa rồi.
Nhan Trừng hỏi: “Hắn cứu ai?”
“Tẩu tẩu,” Tạ Yến Hồng che mặt, khàn giọng kể, “Tẩu tẩu mang trong bụng đứa con của ca ca, Chương gia và Tiểu Tôn cùng hợp lực tráo người vào ngục đổi nàng ra ngoài. Tính toán ngày tháng, lúc này có lẽ đã lâm bồn rồi.”
Hai người Nhan, Tạ cảm xúc ngổn ngang, nhất thời không biết nên nói gì mới tốt.
Người còn sống đương nhiên rất tốt, chỉ là đứa bé kia vừa sinh ra đã là con kẻ tù tội không thể đứng dưới ánh mặt trời, sau này nên làm gì đây?
Trong lòng Tạ Yến Hồng chợt sinh ra một ý tưởng táo bạo: “Nếu… Ta nói nếu…”
Nhan Trừng có lẽ biết y đang suy nghĩ gì, hắn đột ngột ngẩng đầu lên, hai người đối diện nhau một lúc lâu cuối cùng vẫn không nói suy nghĩ trong lòng ra khỏi miệng. Tuy cả hai không phải người cổ hủ nhưng tốt xấu gì cũng đọc sách thánh hiền mà lớn, những ý nghĩ về thiên địa quân thần đã khắc sâu vào xương cốt, oán hận là một chuyện, nếu thật sự muốn khuấy đảo phong vân lại là một chuyện khác.
“Thôi,” Tạ Yến Hồng thở dài, “Nếu không thu dọn cục diện rối rắm trước mắt thì nói chuyện khác cũng vô dụng. Ngươi… có ý tưởng gì không?”
Với thương tích của Nhan Trừng, ở lại đây dưỡng thương là lựa chọn tốt nhất, nhưng nếu mọi chuyện theo bố trí của Tạ Yến Hồng thì ở lại Ngụy Châu vẫn nguy hiểm, thậm chí còn nguy hiểm hơn ba phần. Nhan Trừng không phải người hiếu chiến, tìm một nơi yên tĩnh khác để dưỡng thương cũng xem như một biện pháp tốt, chỉ là y không biết hắn suy nghĩ thế nào.
Khuôn mặt Nhan Trừng bị giấu dưới lớp mặt nạ nên không thể nhìn thấu sắc mặt, hắn cong ngón tay gõ nhẹ mặt bàn phát ra từng tiếng cốc cốc không kết cấu, lúc nhanh lúc chậm phảng phất như tỏ bày cõi lòng loạn như ma.
“Ta… Ta phải nghĩ thêm…” Nhan Trừng nói.
Dứt lời, Nhan Trừng liền đi ra ngoài. Trên đường đi, lọt vào mắt hắn toàn là đồ trắng, lọt vào tai đều là tiếng khóc thương. Mây đen bao phủ cả tòa thành Ngụy Châu, dần dần gây dựng thành lòng quyết chiến không lùi của quân dân. Mọi thứ làm hắn kích động tinh thần theo, nhưng lúc nghĩ về núi thây biển máu ngoài chiến trường hắn lại không khỏi rùng mình sợ hãi.
Bất tri bất giác, hắn theo dòng người đi đến nơi hạ táng, nghi thức đã đến những bước cuối cùng.
Hắn đi đến đâu mọi người dõi mắt theo đến đó, có không ít người nhận ra hắn là người đánh tiên phong trong hàng ngũ quân tiếp viện, mang mặt nạ, thân thủ không tồi còn dũng mãnh đi đầu. Mọi người đều phán đoán lý do hắn phải đeo mặt nạ, có người nói hắn xấu xí ghê người phải lấy mặt nạ che lại, có người lại nói hắn quá mức tuấn mỹ, lên chiến trường không dọa được kẻ thù đành đeo mặt nạ, phỏng đoán hoa hòe lòe loẹt nào cũng có.
Cơn mưa nhỏ dừng trên gương mặt bạch ngọc của Lục Thiếu Vi tựa như chính nàng đang rơi lệ. Trái tim Nhan Trừng run rẩy trong khoảnh khắc, nhưng chỉ một lát đã tỉnh táo lại ngay. Lục Thiếu Vi không thương cảm, thậm chí nàng đang hưng phấn. Ánh mắt nàng lòe sáng như ngọn đèn trong đêm hoặc ngôi sao trên trời, đó chính là ngọn lửa của dã tâm và tham vọng.
Nghi thức kết thúc, Lục Thiếu Vi gặp được Nhan Trừng đứng giữa đoàn người. Nàng đi qua nói: “Ngươi còn chưa khỏi hẳn, đừng nên dầm mưa.”
Nhan Trừng hỏi nàng: “Sắp tới ta nên đi đâu, ở lại canh giữ Ngụy Châu hay là tùy quân đi Đại Đồng?”
Tinh thần Lục Thiếu Vi bừng bừng phấn chấn, nghiêm mặt nói: “Nếu theo tính toán của ta, lúc này ngươi nên tùy quân về Đại Đồng. Trận này tất thắng, là thời cơ tốt để lập uy vọng trong quân.”
Nhan Trừng lại hỏi: “Ta là tội thần, mặc dù uy vọng như núi lại có thể thế nào?”
“Hôm nay ngươi là tội thần, cả đời sẽ là tội thần sao? Đổi người khác làm hoàng đế, ngươi sẽ không có tội.” Lục Thiếu Vi nói, “Hơn nữa, bài học về thần tử có công lật ngôi hoàng đế, xưa nay còn thiếu sao?”
Chuyện mà Nhan Trừng cùng Tạ Yến Hồng chỉ dám nghĩ chứ không dám nói, Lục Thiếu Vi lại vô tư nói ra khỏi miệng không kiêng kỵ gì, cứ như đó là chuyện đương nhiên.
“Ngươi…” Nhan Trừng hỏi, “Rốt cuộc ngươi muốn đi đến tận bước nào?”
Lục Thiếu Vi không ngờ hắn sẽ hỏi câu này, nàng cẩn thận quan sát sắc mặt hắn, nhưng hết thảy đều bị giấu dưới lớp mặt nạ nên không thể thấy rõ. Nàng dứt khoát không nghiền ngẫm nữa, nghĩ gì nói nấy.
“Đi đến bước nào? Đi đến nơi xa nhất mà ta có khả năng đi.” Nàng nói.
“Ngươi có ý tưởng gì không?” Vấn đề này Tạ Yến Hồng cũng mang đi hỏi Trường Ninh.
Trường Ninh hỏi ngược lại không chút nghĩ ngợi: “Ngươi muốn ra đi đâu?”
Sống mũi Tạ Yến Hồng cay cay, lệ nóng tràn ra khỏi hốc mắt. Trường Ninh thấy y khóc thì lắp bắp kinh hãi, vội vươn tay ra lau. Ngón tay Trường Ninh có lớp chai dày vì nhiều năm tập võ, quẹt lên mặt Tạ Yến Hồng ngưa ngứa. Y quẫn bách đẩy tay hắn ra rồi ôm mặt ngồi xổm xuống, sau đó chôn mặt vào gối nói thế nào cũng không chịu nâng lên.
“Chuyện gì thế?” Trường Ninh hỏi, “Ta nói sai rồi sao?”
Tạ Yến Hồng buồn bực nói: “Ngươi không cần làm thế.”
Tạ Yến Hồng đã suy đoán ra thân phận Trường Ninh từ lâu. Hắn không phải người Hán thuần, hiện giờ họ Tống tọa ủng giang sơn không còn liên quan đến hắn, lẽ ra hắn phải ở quan ngoại vô tư nuôi gia súc cưỡi ngựa, hoặc giả không làm gì cũng tốt, tự do tự tại tựa như con hải đông thanh mà Ô Lan đã thả về trời.
Trường Ninh không có tâm giết chóc mà có lòng thương xót muôn loài, hắn yêu trời yêu đất, yêu núi yêu sông yêu cả bông hoa dại, cũng yêu chim bay thú chạy ngoài đồng cỏ. Từ cách đây rất lâu, lúc mũi tên của hắn làm con báo ở Ngọc Tân Viên mất mạng, hắn lại nói “Không phải cứu ngươi, là cứu con báo”, Tạ Yến Hồng đã biết cả rồi.
Hiện giờ hắn phải nâng đao giết địch, không phải giết kẻ thù của hắn mà là kẻ thù của Tạ Yến Hồng, mọi thứ hắn làm đều chỉ vì Tạ Yến Hồng.
Tạ Yến Hồng lặp lại: “Ngươi không cần làm thế.”
Tạ Yến Hồng cúi đầu không nhìn được gì, chỉ nghe Trường Ninh nói bên tai: “Phụ thân ta trước kia từng nói một câu, ông ấy nói, ‘Ái dục tựa như chấp đuốc, ngược gió mà đi tất có họa thiêu tay’. Nhưng ông ấy không biết, nếu không có ái dục thì cũng như người mù đi giữa đêm dài vô tận, tuy không bị bỏng tay nhưng lại không có được gì. Trước kia ta là một tên đầu gỗ không bi không hỉ, giống như người đi giữa màn đêm.”
Tạ Yến Hồng hiếm khi nghe thấy hắn nói ra lời sâu sắc như thế.
Hắn tiếp tục nói: “Tiểu Hồng, ngươi là ngọn lửa trong tay ta, tuy có họa thiêu tay, nhưng ta vẫn vui vẻ cam chịu.”
Điếu văn chọn lọc từ điếu văn mà Vương Viêm Vũ viết cho Văn Thiên Tường, vừa ý nghĩa vừa có lực, rung động tâm can, Tiểu Tôn đúng là được hời (không phải đâu)
–
Câu “Vật ngôn nhất tôn tửu, minh nhật nan trùng trì” cuối bức thư của Tiểu Tôn lấy từ bài “Từ biệt Phạm An Thành” của Thẩm Ước, nhà thơ thời Nam Bắc Triều. Đại ý toàn bài thơ là: thời trẻ tuổi xem chuyện ly biệt là thường tình, nhưng đến lúc tuổi già, thời gian không còn nhiều nữa thì ngày gặp lại khó mà nói trước, hẹn một ngày cùng say cũng không biết là ngày nào.