Nói ở một khía cạnh, góc độ khác, một người thành công là một con người biết nắm bắt và lợi dụng cơ hội chứ không phải ngồi chờ “sung rụng”.
Giữa cuộc đời thì có không biết bao nhiêu cơ hội, và càng có không đếm hết cơ hội trôi qua trước mặt con người ta mỗi ngày. Vậy làm thế nào để có thể nắm bắt và lợi dụng cơ hội? Có ba cái việc lớn phải hiểu và phải làm.
Đầu tiên đó là phải cần có nền tảng kiến thức vững chắc. Hãy suy nghĩ đơn giản như thế này: Cánh rừng có nhiều động vật, ngươi muốn săn bắn thành công thì tốt nhất là bó hẹp lại mục tiêu đi săn, chính là quyết tâm săn một loại hay vài loại nào đó.
Ông bà ta nói “một nghề cho chín còn hơn chín nghề” là ý này đây.
Theo cách nói của những nhà kinh tế, việc trải rộng sẽ làm tăng khả năng thành công và giảm xác suất thất bại. Thế nhưng hãy nhớ là họ đưa ra cái lý luận này trong điều kiện cố định là: “Cá nhân kinh doanh hay thương hội phải có đầy đủ kinh nghiệm cho tất cả những lĩnh vực mình dự định dàn trải”. Nói dễ hiểu hơn là: “Chúng tôi đưa ra quy luật là như thế, nhưng một con thiêu thân đầu tư vào một lĩnh vực mình không hề có một tí kinh nghiệm rồi chuốc lấy thất bại thì đừng có chửi rủa quy luật của chúng tôi. Chúng tôi không tiếp những thằng đần”.
Để có thể bó hẹp lại mục tiêu, cũng như để định ra mục tiêu thành công nhất, chúng ta cần phải có kiến thức về mục tiêu. Có ai đời đi săn gấu mà nhầm lẫn dấu chân gấu và dấu chân hổ không? Đó là muốn chết.
Do vậy điều đầu tiên chính là cần phải có nền tảng kiến thức vững chắc về những lĩnh vực đã, đang và sẽ tham gia.
Cơ hội bay qua ngàn ngàn vạn vạn, chúng ta xác định một vùng nhỏ bé thì chắc chắn khả năng thành công sẽ cao hơn. Xin khẳng định thêm một lần nữa là như vậy.
Kế đến chính là tài lực. Xếp thứ hai chính là tài lực, không thể phủ nhận. Có tài lực nhưng không biết nắm bắt cơ hội thì cũng vứt, mà biết nắm bắt cơ hội lại không có tài lực thì đa phần cơ hội bản thân nắm bắt được lại trở thành thành công của kẻ khác. Dĩ nhiên số ít người có thể thành công nhờ tài lực của người khác, số ít, vô cùng ít.
Một chuẩn bị sung túc và đầy đủ giúp ích rất lớn, nó giúp chúng ta giảm đi rất nhiều vấn đề. Nói theo kiểu bông đùa là tiết kiệm được 20 năm phấn đấu.
Ở một thế giới chạy theo đồng tiền, ngươi muốn công việc trôi chảy thì phải có chất bôi trơn. Chất bôi trơn tốt nhất chính là tiền, đứng hàng thứ hai là quan hệ – tình cảm. Ở thực tế, những kẻ thăng tiến nhanh thường có quan hệ mờ ám với cấp trên hay là những tên nịnh hót, a dua khiến cấp trên vui lòng. “Thật thà, thẳng thắn thường thua thiệt” là đại diện lớn nhất của đời sống.
Còn tiền thì sao?
Có thể nhiều người cho rằng nói về tiền thì tiêu cực quá. Song những con người cho rằng nói về nó là tiêu cực lại quá phiến diện. Người người đều không thể phủ nhận thực tế tàn khốc, ngươi phủ nhận nó là ý gì? Là cố ý hay là quá khích hoặc là ngu ngốc chưa trải sự đời?
Ở một xã hội khi đi đâu đâu cũng nghe đến tiền thì tiền đã là thần thánh.
Hãy đến với một ví dụ thực tế. Khi xưa mỗi khi Tết đến, về đến nhà là nghe gia đình nói chuyện tình cảm: “Con học sao rồi? Ở trong đó thế nào? Có hay nhịn đói hay không mà ốm thế? Vân vân…”, còn bây giờ thì cứ để ý mà xem: “Thằng ABC vừa mua một bộ bàn ghế tặng ông bà già. Thằng QWE có lương tháng cả trăm kim tệ. Thằng KMN cưa được con bồ làm sếp của nó. Thằng HJI làm lương tháng có 7 kim tệ mà mỗi tháng gửi về cho gia đình cả 7 kim tệ. Thằng XHK mới gửi tiền về xây nhà…”.
Vâng, ngày xưa nhắc đến những làng quê nông thôn, người ta nghĩ ngay đến những con người mộc mạc, chất phác và sống đầy tình cảm. Tuy nhiên khi đến ngày nay, những đức tính quý giá ấy cũng biến chất thành thực dụng. Anh em kéo nhau ra tòa, thậm chí chém nhau vì tranh chấp đất đai. Trộm cướp hoành hành. Thế hệ trẻ đua đòi chạy theo những thứ xa xỉ, bắt đầu bị “thành thị hóa” thành những kẻ lười biếng chỉ biết hưởng thụ và ăn chơi trác táng.
Xin đừng lấy bất cứ lý do nào để biện minh. Làng quê lúc này khi về 9 giờ tối thì chẳng ai còn dám bén mảng ra khỏi nhà, nhà nhà đều đóng chốt cài then đề phòng trộm cướp và những thằng trai trẻ “có bệnh”. Xin lỗi chứ, cứ tối tối chúng nó lại tụ tập ở những nơi nào đó trên đường lớn mà “hú hí”. Và dần dần, khi những cái quán lớn mở ra, chúng lại kéo nhau vào đó và ăn chơi, nhậu nhẹt tẹt ga. Cứ nhìn đi, hàng quán đáp ứng nhu cầu này của giới trẻ mọc lên như rừng.
Nạn trộm cướp càng ngày càng phức tạp, từ ngày xưa chỉ trộm vài quả trái cây, vậy mà đến giờ này ngay cả cái quần đùi có chút giá trị nó cũng trộm tuốt. Kể thêm những thằng bình thường trở thành biến thái dưới mặt trái của “mạng” thông tin lại đi trộm đồ lót.
Nạn hiếp dâm mỗi lúc một phổ biến. Cách đây 8 năm, khi “mạng” thông tin vừa về làng quê, một ngôi làng xảy ra tới 3 vụ hiếp dâm trẻ em trong vòng vài tháng. Kinh hoàng không thể nói hết bằng lời.
Nhưng có dừng lại ở đó? Một ngày đẹp trời vài năm sau đó, một cái hình ảnh “nóng” dài mười mấy phút của một vị tiểu thư nổi tiếng trở thành việc các chàng trai phải xem, và tất cả những kẻ vào những hàng quán “mạng” thông tin nhất định phải mở. Đặc biệt là vị chủ một quán nọ nói như thế này: “Tao vừa bỏ chặn rồi, cứ thỏa thích vào xem đi”. Tất nhiên không xem thì phí đời trai trẻ.
Đôi lúc muốn hỏi những nhà lãnh đạo rằng các ông chỉ chăm chăm phát triển kinh tế thì ích gì? Mục đích phát triển kinh tế không phải là vì con người hay sao? Thế nhưng chỉ chăm chăm phát triển làm gì trong khi cái thế hệ tương lai thì…
Sao? Không đúng sao? Vừa rồi có thằng nhóc nào 17 tuổi lại nhẫn tâm sát hại mẹ nó chỉ vì một con ngựa chiến. Giết xong nó còn bỏ xác mẹ nó vào vại nước rồi lấy băng keo bịt kín lại nhằm che giấu và định phi tang. Rõ ràng nó chẳng có chút hối hận, ăn năn nào. Hối hận, ăn năn thì nó đã đưa mẹ nó đi gặp thầy thuốc khi lỡ tay đánh bà. Hối hận, ăn năn thì khi biết mẹ mất, nó đã ra đầu thú chứ không có phè phỡn mua con ngựa chiến ấy rồi đá vào hông nó thường xuyên khiến nó hí dài làm phiền hàng xóm.
Các ông cứ hô vang cái khẩu hiệu vì dân, vì tương lai trong khi thời gian trôi qua “những người dân tương lai” dần đánh mất những thứ quý giá. Liệu một đứa con sống trong gia đình luôn nói về tiền bạc thì nó sẽ không sống thực dụng? Liệu một con người sống trong một môi trường chạy theo đồng tiền thì sau này nó sẽ không chạy theo đồng tiền? Liệu một con người sống ở một xã hội đang thoái hóa nghiêm trọng thì nhân cách vẫn tốt? Xin nhớ cho: “Gần mực chắc chắn sẽ đen, gần đèn chưa chắc đã sáng”.
Hơi đi lạc đề, nhưng sự thay đổi của quê hương khiến những con người yêu quê hương đau lòng. Sự thay đổi của lớp trẻ khiến những con người thương yêu dân tộc phải lắc đầu trong sầu khổ. Nỗi đau cứ nhói ở trong tim, có gì đó thôi thúc những con người này cố gắng thay đổi những thứ ấy. Song, chỉ một con người đơn độc chẳng làm nên trò trống gì. Song, lời nói của một kẻ thấp cổ bé họng thì chẳng ai thèm nghe, lời nói của một kẻ như vậy chỉ nhận được những tràn cười chế giễu và khinh bỉ từ những người xung quanh.
Tiếp đó, sức mạnh của đồng tiền thể hiện ở đâu? Nó thể hiện ngay ở khía cạnh một vị chủ tịch ty – cái chức chẳng cao mấy có nhà to, cửa rộng, giấy tờ đất có cả chục, bồ bịch thì phải đếm bằng hai bàn tay mới đủ.
Muốn xin giấy phép? Tiền!
Muốn xin bản số xe ngựa? Tiền!
Muốn đóng dấu kiểm định hàng hóa? Tiền!
Muốn bộ vệ sinh không gây khó dễ? Tiền!
Muốn không bị cảnh vệ làm phiền và chặn xe ngựa? Tiền!
Vâng, nói chung là muốn sóng êm biển lặng thì phải chịu khó ói TIỀN ra. Không ói TIỀN thì dẹp! Hiển nhiên cái vấn đề này dành cho những kẻ không có mối quan hệ huyết thống hay mối quan hệ ràng buộc với những vị tai to mặt lớn.
Đâu đó ở một khu vực hành chính, vợ của một ông quan to đội cảnh vệ khu vực này kinh doanh hàng hóa. Đội xe ngựa của bà ta chẳng ai dám chặn, nó vô tư thả phanh mà chạy. Hàng hóa của bà ta chẳng ai dám kiểm tra. Vâng, nêu cái này ra để hiểu rằng không có “quan hệ” thì phải ra nhiều tiền.
Ngày xưa “Không thầy đố mày làm nên”, ngày nay “Không tiền đố mày làm nên”, và “Không tiền thì cạp đất mà ăn”.
Thứ ba, phải chấp nhận được sự thật khắc nghiệt của cuộc sống mà thay đổi đua theo luồn lách và chạy chọt. Những cái mơ tưởng viễn vông rằng môi trường kinh tế là cạnh tranh công bằng, và xảy ra tranh chấp nên nhờ đến luật pháp chỉ là những suy nghĩ ấu trĩ. Và từ những suy nghĩ ấu trĩ lại đi hành động như vậy là ngu ngốc.
Ở đâu cũng thế, cá lớn nuốt cá bé. Nắm tay thằng nào to thì thằng ấy làm chủ. Tiền thằng nào nhiều thì thằng ấy là đàn anh.
Ở đâu cũng vậy, con kiến đừng có ngu đi kiện củ khoai. Kiến chỉ tốn thời gian và tiền bạc chứ chẳng nhận lại được cái quái gì.
Đương nhiên là cái tín đồ con kiến đừng đi kiện củ khoai chỉ áp dụng cho Thiên triều của chúng ta. Còn ở những Thiên triều tân tiến khác thì khi đi kiện vẫn có xác suất thành công. Dẫu rằng xác suất nhận được hồi báo bằng và hơn công sức bỏ ra cũng chẳng cao là mấy.
Từ Phong đang đứng ở một hoàn cảnh tương tự. Mục tiêu của hắn là gì và cơ hội của hắn ở đâu? Hắn sẽ nắm bắt như thế nào? Hắn đề ra mục tiêu mấu chốt nào cho cả quãng thời gian này – chiến lược? Hắn sẽ vẽ ra các bước hành động nào cho hợp lý – chiến thuật?
Đầu tiên, mục tiêu của hắn gói gọn trong việc phải vươn lên, phải làm cho thế lực sơn trại Địch Sơn khuếch đại trong khoảng thời gian chiến loạn này.
Một kẻ được đào tạo bài bản và hiểu sâu sắc về chiến trận khiến hắn cảm nhận được bất an cũng như cảm thấy phấn khích vì tương lai.
Bất an ở đâu? Mấy ngàn năm hòa bình qua đi, bỗng một hôm nổ ra một vùng chiến loạn thì có ý nghĩa gì? Con người ai chẳng muốn sống trong bình yên, ai ngu ngốc khơi mào chém giết, biện pháp hòa giải không tốt sao? Xem ra mọi người đều là bất đắc dĩ. Cho nên nó như là một dấu hiệu báo trước tương lai sóng dậy thì đúng hơn.
Ngược lại, nhìn thấy một góc tương lai khiến Từ Phong cảm nhận được phấn khởi. Dẫu rằng chiến loạn là cái cối xay thịt được chồng chất bằng vô số sinh mạng, nhưng nó cũng là cơ hội. Cơ hội để vươn mình, cơ hội để lớn mạnh, cơ hội để có thể thỏa sức tung bay trên bầu trời, và cơ hội… để thay đổi tất cả.
Hắn sẽ phải nắm bắt và hành động như thế nào? Muốn làm được việc này, trước hết hắn cần xác định mình đang đứng ở đâu.
Sơn trại Địch Sơn lúc này chỉ có khoảng 1.500 người. Phần lớn là trai trẻ, số ít là trẻ nhỏ và phụ nữ. 1.500 người là con số quá nhỏ so với cối xay thịt trong vùng này.
Điểm yếu đã thể hiện rõ ràng, hắn không có tài lực dồi dào, hắn gần như chưa chuẩn bị sung túc. Nhân lực cũng không đủ dùng. Chất lượng nhân lực cũng là quá tệ.
Điểm yếu rành rành khiến hắn phải cải biến chiến thuật cho phù hợp. Hắn không thể không nghĩ cách kiếm về tài lực và nhân lực, hắn không thể không suy nghĩ loại hình chiến đấu thích hợp cho họ và phương pháp rèn luyện tối ưu.
Nhưng có phải điểm yếu chỉ có bấy nhiêu? Nếu chỉ nhìn ra như vậy, thật khó để thành công.
Không chỉ binh lính, những gã thống lĩnh cần phải được rèn giũa. Không chỉ như thế, việc cố gắng duy trì sự trung thành của họ là không thể thiếu. Trên chiến trường bị người mình phản bội và giáng đòn trí mạng đầy ra đó. Lịch sử có vô số sự tích đẹp đẽ này.
Bởi vậy, hắn không thể lệ thuộc vào bọn họ, hắn phải suy tư đấu pháp. Ít nhất là hắn phải nắm giữ một nhóm vũ trang của riêng mình. Và phải là một nhóm vũ trang có sức uy hiếp tính mạng của bọn họ. Vì sao? Vì tạo ra áp lực giả tạo khiến họ sợ hãi mà chùn bước khi suy nghĩ đến việc phản bội.
Nhưng đó cũng chưa phải là tất cả. Căn cứ số 2 đã lộ ra trước mắt kẻ địch. Đường lui của hắn đã bị chặt đứt. Việc củng cố căn cứ thành công sự phòng thủ là ưu tiên hàng đầu, và việc tìm kiếm thêm một đường lui cho bản thân là không thể bỏ qua.
Tới đây sẽ có nhiều người cho rằng không đánh mà đã lo thất bại thì 50% đã bại rồi nhỉ? Tư tưởng ấy không sai, song có sống thì dù thất bại vẫn có đông sơn tái khởi. Đừng để quá tự tin rồi lên tự cao, tự đại. Để đến lúc bị dồn vào đường cùng thì phải vắt óc tìm cách tháo chạy và sau đó chết đi trong phẫn nộ.
Sau khi xét hết những điểm yếu chí mạng không thể bổ cứu, hãy nhìn đến điểm mạnh. Điểm mạnh của hắn chỉ có một, đó là không mấy ai để ý một con tôm tép vừa bại lui và đang co rút chờ chết.
Đến đây sẽ có người cho rằng phải kể thêm điểm mạnh nữa là thực lực cá nhân và đầu óc của Từ Phong. Nhưng đó lại là tự cao chứ chẳng phải điểm mạnh. Trên đời người giỏi hơn người quá nhiều, kỳ nhân dị sĩ thì càng là đếm không hết. Vì vậy tốt nhất là bỏ ngay cái suy nghĩ này đi.
…
Trong đêm tối thanh vắng, tiếng một vài loại côn trùng vang lên râm rang. Đó có thể là tiếng ca hấp dẫn bạn đời, cũng có thể là tiếng ca thể hiện yêu đời, và cũng có thể là tiếng ca thể hiện cho đời biết rằng mình vẫn còn tồn tại.
Thế còn sự tồn tại của sơn trại Địch Sơn thể hiện ở đâu? Nó thể hiện vào giờ khắc này.
Trong đêm tối đen như mực, hoàn toàn không có lấy một ánh đuốc, Từ Phong nhìn về phía dưới mà ra lệnh:
“Tất cả xuất phát. Nhớ phải làm theo kế hoạch!”
“Tuân lệnh.”
Trong đêm tối mà tầm mắt bị giới hạn ở vài tấc, những thân hình cường tráng theo đội ngũ chỉnh tề vọt ra cửa trại.
Từ Phong biết rõ sau thất bại vừa rồi, đây là mấu chốt của sự thành bại tiếp theo.
800 con người được xếp vào 8 tổ là đội quân tiên phong đi rèn luyện đầu tiên. Họ là kỳ vọng của hắn.
Đợi dòng người đi xa, Từ Phong cất tiếng: “Ám Nhất.”
“Có thuộc hạ!” – Một cái bóng đen quỳ trước mặt hắn.
“Ta giao toàn quyền quản lý sơn trại cho ngươi cho đến lúc ta trở về.”
“Thuộc hạ tuân lệnh.”
Từ Phong khẽ gật đầu, sau đó hắn cũng cất bước ra đi.
Theo sau hắn là hơn hai mươi cái bóng đen khác.