Với năng lực của một người hướng ngoại đi đâu cũng có thể kết bạn, vậy mà cô chỉ mới làm quen được với vài người. Đây là con số ít kỷ lục trong cuộc đời của Phượng cho tới thời điểm hiện tại.
Cũng dễ hiểu bởi CCorp là tập đoàn hàng đầu. Mỗi nhân viên trong bộ máy phải xử lý một khối lượng công việc khổng lồ dưới áp lực đào thải vô cùng lớn. Vì thế ai cũng cấm đầu vào làm việc. Làm gì có người rảnh rỗi đi loanh quanh kết bạn, buôn chuyện.
Vì vậy, sau một thời gian hợp tác, cô vẫn chưa thám thính được thông tin gì.
Mặc dù thỉnh thoảng Phượng loáng thoáng nghe thấy vài nữ nhân viên mơ mộng về một vị sếp trẻ tuổi đẹp trai nào đó ngồi ở tầng dành cho lãnh đạo.
Những nhân vật làm việc trên tầng cao nhất sử dụng thang máy riêng. Hầu hết là cấp giám đốc.
Phượng đoán, người cô đang tìm kiếm chắc hẳn cũng ở đó.
Phòng PR ở tầng bảy. Từ nơi cô đang đứng lên tầng cao nhất còn xa lắm.
Bên cạnh đó, Phượng còn nhận ra một việc.
Ngoài vị giám đốc trẻ tuổi, đẹp trai, độc thân, lịch lãm trong lời đồn, cô thấy người được các nữ nhân viên săn đón nhất là anh trợ lý của CFO tên là Toàn.
Chỉ cần thấy Toàn đi qua sảnh, một lô chục cô nhân viên xinh tươi như hoa lập tức xúm lại hỏi thăm rồi nhét quà ngập tay Toàn.
Phượng vô cùng tò mò. Rõ ràng ngón áp út của Toàn đeo nhẫn cưới. Hơn nữa, vẻ mặt anh ta lúc được các chân dài săn đón vô cùng thống khổ. Chẳng có vẻ gì là sung sướng.
Phượng thực sự không hiểu chuyện gì đang diễn ra.
Nhạc kịch vốn không có sức lan tỏa cao trong nước. Nhưng đội ngũ của CCorp đã biến điều khó khăn trở thành khả thi.
Một buổi sáng đẹp trời, Phượng đang lướt mạng thì thấy hàng loạt các trang tin giải trí đăng bài viết về vở Hàn Mặc Tử của cô. Bất ngờ hơn, đa phần đều ở mục tiêu điểm và được quảng bá tích cực.
Vở kịch vốn không thu hút quá nhiều sự chú ý của cô, nhờ có CCorp đã cháy vé cho tới tận hai tháng tới.
Hai ca khúc của cô thành hit, nằm trong bảng xếp hạng mười ca khúc hot nhất tuần. Và trong suốt một tháng sau đó không hề hạ nhiệt.
Thậm chí một vài bài cô sáng tác ở các vở nhạc kịch trước được đào lên. Phượng bất ngờ khi thấy một Youtuber đang nổi cover lại bài hát của cô.
Thậm chí xuất hiện cả những bài phân tích từ giới chuyên gia. Một nhà phê bình có tiếng còn ví Phượng là “chú ngựa ô” của giới nhạc sĩ.
Phượng bắt đầu nhận được một số lời mời phỏng vấn và tham dự sự kiện. Tuy nhỏ, nhưng điều này nói lên rằng nỗ lực của cô bắt đầu được chú ý.
Không hiểu ai thính mũi phát hiện ra ngoài nhạc kịch, cô còn từng sáng tác nhạc thị trường cho chị Tiên và Lileen. Vậy nên bỗng dưng cô nhận được vài đơn đặt hàng viết nhạc cho các ca sĩ nhạc Pop.
Kiếp trước cô chỉ được lên báo sau khi chết. Phúc lợi đột ngột này khiến Phượng choáng ngợp. Quả nhiên không có kẻ vô dụng, chỉ có người chưa được đặt đúng chỗ.
Phượng cân nhắc và nhận một số lời mời phù hợp. Sau đó, ôm đồ về quê.
—
Còn chưa đi tới cổng làng, các cô các bác đã gọi Phượng í ới.
“Cái Phượng về nhà hả cháu?”
“Con chào mợ, mợ đang bán hàng ạ? Mợ lấy cho con hai mớ rau bí. Dạ, bao nhiêu tiền để con gửi ạ?”
“Thôi, cầm lấy. Ai lấy tiền của mày làm gì. Đã bảo mợ không lấy mà. Con bé này, cất tiền đi.”
“Phượng về nhà thăm mẹ à?”
“Lên thành phố trông xinh xắn sáng sủa hẳn lên đấy. Thế có người yêu chưa?”
“Chưa bác ạ. Bây giờ cháu chỉ muốn kiếm thật nhiều tiền nuôi mẹ cháu thôi.”
“Gớm, cái con bé này. Bằng tuổi mày con tao lấy vợ rồi đấy.”
Phượng luôn là một cô bé lễ phép và cởi mở. Lớn lên trong vòng tay của những con người thôn quê chất phác, kiếp trước cô đã chẳng thể lường được những cạm bẫy tinh vi.
Phải nói nhà Phượng nổi tiếng nghèo nhất thôn. Đến cổng nhà mẹ cô còn chẳng thèm khóa vì biết không tên trộm nào thèm trộm cái nhà này đâu.
Phượng đang nấu nước vối thì mẹ cô từ đồng về. Phượng chạy ra cổng, cầm theo quạt nan phe phẩy cho mẹ đỡ nóng.
Nhìn thấy cô, mẹ niềm nở đi đến. Nhưng mẹ không ôm Phượng vì sợ bùn đất trên người dây sang áo cô.
“Về nhà sao không báo trước cho mẹ? Để mẹ về nhà sớm nấu cơm cho.”
“Cơm con nấu xong rồi. Mẹ uống nước vối đi cho mát. Mà bây giờ mẹ có tuổi rồi, còn bị đau lưng, đi cấy thuê cho người ta làm gì nữa. Nhà còn có vườn rau, mẹ trồng trọt ở nhà là được rồi. Làm ruộng thuê kiếm được là bao, lại bệnh tật vào người.”
“Gớm. Mẹ còn chưa già yếu đến mức đấy đâu. Con biết tính mẹ rồi còn gì. Luôn tay luôn chân, không có việc lại ngứa ngáy khó chịu. Bây giờ mẹ còn sức, làm được tí nào hay tí nấy. Con đỡ vất vả.”
Chỉ một ý nghĩ về mẹ cũng khiến Phượng bật khóc.
“Dạo này mẹ có đi khám định kỳ và mua thuốc uống không đấy?”
“Cô Lan chỉ cho mẹ chỗ cắt thuốc nam tốt lắm. Rẻ hơn thuốc Tây nhiều.”
“Không được. Mẹ phải đi khám, uống thuốc bác sĩ kê chứ. Mẹ đừng uống thuốc lung tung.”
“Được. Được. Mẹ biết rồi. Lâu mới về nhà, đã thắp hương cho bố chưa?”
“Rồi ạ.”
Vòng tay mẹ là nơi chốn an toàn. Cô như thấy mình trở về làm một đứa trẻ được yêu thương và chiều chuộng. Mọi nguy hiểm và âm mưu dường như ở rất xa. Mẹ cô vẫn hay nói: Phượng của mẹ là một đứa trẻ ngoan, chắc chắn mọi người sẽ yêu quý con.
Không mẹ ạ. Trên đời có rất nhiều kẻ xấu. Họ sẵn sàng hại người khác không vì lý do nào cả. Cái kết có hậu không có chân mà tự chạy đến. Con phải đấu tranh để giành lấy hạnh phúc cho chính bản thân mình. Mẹ là tình yêu lớn nhất của đời con, và con sẽ dùng tất cả năng lực để bảo vệ tình yêu của mình.