Thời Hoàng Kim

Chương 23: Vốn sống


Tôi kiếm ăn bằng ngòi bút. Có người bảo: Người như anh là không được, anh chưa sống! Lúc đầu tôi tưởng họ bảo tôi là người chết, uất lắm. Bỗng nghĩ “sống” còn nghĩa khác nữa. Có nhà văn thường đến vùng xa xôi gian khổ sống một thời gian, việc đi như thế gọi là “  tìm vốn sống  ” để hiểu cuộc sống và viết ra tác phẩm tốt hơn, đó là một cách làm tốt. Người ta nói sống, tức là theo nghĩa này, không phải là bảo tôi chết rồi, nghĩ vậy tôi thấy sướng. Mặc dù tôi đã xuống lao động tại một vùng nghèo khó, nhưng không nghĩ đã đủ vốn sống. Tôi còn kém xa, còn phải tiếp tục sống nữa. Nhưng tôi thấy nói “  sống tìm vốn sống gian khổ  ” thì hay hơn. Bỏ đi hai chữ gian khổ có ẩn ý thế này: Cuộc sống luôn luôn khổ một chút – người ta ngại nói như vậy là hiểu cuộc sống theo nghĩa tiêu cực quá. Tôi và các bạn cùng trang lứa đã từng trải qua ôn nghèo kể khổ: nghe chuyện ôn nghèo, ăn cơm ôn nghèo, vân vân. Việc này khác với tìm vốn sống nhưng ý nghĩa có hơi giống nhau. Ai cũng biết rằng trong xã hội cũ người ta sống như súc vật, gọi là ăn cơm ôn nghèo là ăn thứ cơm làm giả theo xã hội cũ. 

Tôi nói đến cơm ôn nghèo là thứ cơm đội lao động chúng tôi ăn ở Vân Nam – để phù hợp với tình hình nào đó, chúng tôi đã ăn một bữa cơm ôn nghèo, cấp trên sắp xếp thế. Lúc đó tôi là một bệnh nhân, không đi làm ruộng mà làm những việc theo chỉ huy của cán bộ hậu cần, tham gia việc nấu ăn. Tất nhiên tôi chỉ là phụ việc. Đầu bếp chính là ông cán bộ hậu cần. Ông này thật thà chất phác, từ khi ông làm hậu cần, bữa ăn của chúng tôi chẳng ra làm sao, bữa nào cũng ăn rau úa – ông ta bảo rau già quá rồi không ăn nó thối mất. Vườn rau thì xơ xác già úa, ăn hết lá già thì lá non lại úa cho nên chẳng bao giờ được ăn rau non. Tôi nghĩ ông ta làm cơm ôn nghèo thì chắc là hợp lắm, vậy mà ông ta còn đi hỏi ý kiến mọi người xem trong xã hội cũ người ta ăn những gì. Người bảo ăn nõn chuối, người bảo ăn hoa khoai sọ, hoa bí đỏ. Tóm lại là những thứ không đến nỗi khó ăn lắm, nhất là hoa khoai sọ rất ngon, nấu lên thơm điếc mũi. Tôi nghĩ người ta còn ăn những thứ khó ăn hơn nhiều nhưng tôi không dám nói với ông ta, nấu cho ngon thì ông ta không biết nhưng nấu cho dở thì ông ta thừa tài. Dạy thêm nữa thì hỏng bét. Ngay như ăn cây chuối, lẽ ra bóc hết chỉ ăn nõn trắng bên trong, ông ta bảo tôi hạ cây chuối xuống rồi băm tất, cho vào nồi, đun lên, trong nồi xanh xanh vàng vàng ngầu bọt như nấu xà phòng, mùi bốc lên muốn nôn. 

Tôi nói bữa ăn nên có chút hoa khoai sọ, nhưng khoai sọ không mấy khi có hoa cho nên nấu dọc khoai. Có thể loại này ăn vốn tê lưỡi hoặc có phản ứng với thân chuối, chỉ biết đun lên nó bốc mùi tê cay. Có thể bạn đã nghĩ ra, chúng tôi không nấu hoa bí đỏ mà là dây bí, cái thứ này nghiền ra nấu như sâu róm chưa nhừ. Cuối cùng cho ít cám vào, lúc này thì tôi tranh cãi gay gắt với ông đầu bếp. Tôi bảo cám là màng trong của hạt thóc. Loại ấy chúng tôi có, để nuôi lợn. Còn vỏ ngoài hạt là trấu không phải cám, nấu lên đến lợn cũng không thèm ăn, chỉ có đốt đi. Ông hậu cần không phản bác định nghĩa của tôi, nhưng ông nói, cơm là cơm ôn nghèo, cẩn thận quá làm gì, cám còn để đấy cho lợn, thế là một thúng trấu vụn tống vào nồi, quấy lên, thật sự không biết nó là cái gì. Nấu xong một nồi cái thứ ấy, ông khoái chí huýt sáo nhưng tôi thấy buồn chán làm sao. Nói thật lòng, cả đời tôi chưa biết sợ là gì, lúc ấy tôi cũng không sợ, chỉ có điều thấy hoang mang. Tôi đã từng nuôi lợn, tôi biết cho chúng nó ăn cái thứ này thì chúng nó cắn tôi chết, còn con người thì sao? 

Cuối cùng câu chuyện diễn ra chứng minh điều tôi lo là lo bò trắng răng. Tối đó ăn cơm ôn nghèo, chính trị viên dẫn đầu, trước tiên hát bài “Trên trời đầy sao” sau đó thì ăn. Trong bầu không khí ấy, các bạn không xé tôi ra từng mảnh mà ăn tươi nuốt sống, chỉ có vài người giận dữ trừng mắt nhìn tôi, đôi lúc bật lên một câu: “Thằng này ăn đi chứ!”. Kết quả là tôi cũng ăn khá nhiều. Miếng đầu rất khó ăn, mấy miếng sau tê dại cả mồm, chẳng biết khó ăn đến chừng nào nữa, chỉ biết rằng mảnh trấu như lưỡi dao rất khó nuốt, nuốt mãi đến chảy cả máu. Dù sao tôi đã quyết tâm sẵn sàng hy sinh tất cả thì đương nhiên chẳng có cửa ải nào không qua nổi. Nhưng người khác thì nôn lén. Ăn xong, chính trị viên tổng kết, trông anh ta có vẻ không ổn cho nên cũng không nói gì nhiều. Sau đó mọi người đi về ngủ – nhưng tất nhiên câu chuyện chưa dừng ở đó. Khoảng mười một giờ, bụng tôi quặn đau, khi dậy thấy mấy người cùng buồng cũng đang mò giày. Mò mãi không thấy giày bèn để chân trần cứ thế lao về phía nhà xí. Dưới ánh trăng phương Bắc bàng bạc, đám người đang xếp một hàng dài… 

Có một chuyện cần nói rõ, có một số người thiếu văn hóa có thói quen hay đái bậy, ở chỗ chúng tôi không có. Bởi vì nước tiểu còn dùng để bón cây, không được bỏ đi một cách tùy tiện, nhưng đêm nay thì khác, nhà xí hết chỗ, một nguồn vốn quý báu bị bỏ rải rác khắp bờ sông. Làm xong cái việc đại bất nhã ấy, lẽ ra chúng tôi phải về ngủ, nhưng đi mấy bước lại muốn quay trở lại, thế là chúng tôi ngồi luôn trên cái cầu nhỏ tán chuyện, mặc cho muỗi đốt và thỉnh thoảng lại đảo qua đám cỏ một lượt, cho đến khi cái bụng trống không. Hôm sau đội chúng tôi mặt ai cũng tái xanh, cằm nhọn hoắt, bước đi lảo đảo. Tất nhiên như thế thì không thể ra đồng làm được, đành nghỉ một ngày. Câu chuyện này có một ngụ ý nhưng tôi chưa nghĩ ra. Dù sao tôi không cảm thấy là đang được giáo dục   (   [1]  )  , chỉ thấy đang bị hành hạ – cho dù đó cũng là một cách sống. Tóm lại con người ta muốn bị đày đọa thì dễ lắm, ở nhà cũng có thể húc đầu vào khung cửa. Đau khổ dễ tìm như thế, việc gì phải đi tìm vốn sống ở đâu. 

[1]  Một thời Trung Quốc có chủ trương đưa trí thức về nông thôn cho bần nông và trung nông lớp dưới giáo dục lại (ND).


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận