Thủy Tiên Đã Cưỡi Cá Chép Vàng Đi

Chương 32-1


Mỗi lần Quỳnh đi thăm Ưu Di, trên đường đi nghĩ ra bao nhiêu là chuyện để nói. Quỳnh muốn nói với Ưu Di cô thực sự thấy mệt mỏi, nhiều khi cô muốn quẳng hết tất cả trách nhiệm trên vai, rồi ngủ thật say, bất kể đêm ngày. Cô rất muốn có thể chăm sóc tốt cho Trác và Tiểu Nhan: sức khoẻ của Trác vẫn rất kém, lúc nào cũng phải uống thuốc bổ, ngày ba bữa đều phải hết sức cẩn thận. Ngày nào cậu cũng phải đạp xe đi học, đường xa đi đi về về khiến Quỳnh lo cậu ăn không tiêu. Tiểu Nhan thì có lẽ vì từng bị khủng hoảng, thỉnh thoảng cũng thất thần, ngơ ngác. Quỳnh thực sự không biết làm sao để chăm sóc hoàn hảo cho hai đứa. Nhưng giờ đây, một chút tự do Ưu Di cũng chẳng thể có. Nói với cô ấy những điều này, ngoàiviệc làm cô ấy lo lắng ra thì còn ích lợi gì nữa. Ưu Di hy vọng được nghe tiến độ viết truyện của Quỳnh, muốn biết Quỳnh đang tiến gần đến vị trí của một nữ nhà văn. Ưu Di vẫn luôn sợ làm tổn thương Quỳnh, nên cũng không bao giờ gạn hỏi cô, lúc nào cũng chờ đợi Quỳnh tự nói, và luôn lắng nghe với vẻ thích thú. Vì thế, Quỳnh kể cô đã thu nhận Tiểu Nhan, kể thành tích học tập của Trác rất tốt, rằng Trác cũng giống cha, rất có năng khiếu mỹ thuật, rằng Tiểu Nhan là một cô gái rất đáng yêu, lại biết nấu ăn rất ngon. Cô kể chuyện các môn học ở đại học, có những môn nào bài tập rất khó… Chỉ có chuyện tiểu thuyết, Quỳnh chỉ bảo là cô đang viết cho mấy tạp chí tình cảm đời thường, viết những chuyện mà chính cô không muốn đọc lại. Ưu Di chỉ mỉm cười lắng nghe, thỉnh thoảng tỏ ra yên tâm và vui vẻ. Cô nói “Tốt quá!” Nhưng Quỳnh cảm nhận được sự thất vọng của Ưu Di. Có thể vì cô đã đánh cược cả tương lai của mình cho Quỳnh, vì thế cô mong mỏi Quỳnh có thể vươn lên từ những khổ cực gian nan của cuộc sống, và toả sáng rực rỡ. Thành ra Quỳnh thấy sợ phải đi gặp Ưu Di, đứng trước ánh mắt hy vọng của Ưu Di, cô cảm thấy mình có tội. Số lần đi thăm Ưu Di của Quỳnh bắt đầu giảm xuống. Cô ra bưu điện gửi sách, đồ ăn và đồ dùng hằng ngày cho Ưu Di. Cứ khoảng hơn một tuần Ưu Di lại nhận được những món quà, từ tấm thiếp dễ thương cho đến kẹo bánh, nước trái cây. Chỉ nhìn vào đó, Ưu Di cũng biết nỗi nhớ nhung của đối với cô chưa bao giờ giảm sút.

Lần này, cuối cùng Ưu Di cũng đợi được đến tin mừng xuất hiện. Quỳnh đến thăm cô, cố gắng dùng giọng nói đầy hứng khởi và vui sướng thông báo cho Ưu Di: Bạn biết không, mình có thể ra sách rồi, đã ký hợp đồng, sẽ xuất bản ngay thôi. Quỳnh nói xong, cảm thấy trong lòng có cái gì đó nặng trĩu, không làm sao tỏ vẻ vui sướng bội phần được, thái độ vừa xong rõ ràng là cường điệu. Ưu Di tỏ ra rất vui, liên tục hỏi. Thế à, thế à? Thật thế hả? Tốt quá. Nhưng Quỳnh cũng cảm thấy trong lòng Ưu Di như có điều gì đó nặng trĩu, nó cản trở niềm vui của cô, khiến cho nụ cười trở nên gượng gạo. Dường như chỉ có cơ mặt là đang thực hiện mệnh lệnh phải cười một cách máy móc. Quỳnh nghĩ, có thể Ưu Di không hề tin mình, nghĩ rằng mình bịa ra cho cô ấy vui.

Bỗng chốc, hai đứa đều im lặng. Tin tức tốt đẹp đó không hề mang lại sự vui vẻ như họ vẫn nghĩ. Có lẽ cả hai đều đã quá mệt mỏi trước khi niềm vui có thể đến, họ không cảm nhận được những hạnh húc có vẻ còn xa xôi. Quỳnh nhìn cô gái nhỏ nhắn đang ngồi đối diện với mình, bộ đồng phục của cô ấy với mã số, tóc ngắn, lúc nói không nhìn người khác mà lại cúi đầu… Ưu Di đáng thương đã quen với cuộc sống này rồi. Điều khiến cô quan tâm bây giờ có lẽ chỉ là làm sao giữ quan hệ tốt với những tù phạm dữ dằn kia, tìm cơ hội xin được điều động đi làm việc khác .v.v… Còn những vấn đề khác, cô ấy vẫn quan tâm, vẫn đau đáu mong chờ, vẫn buồn, vẫn vui, nhưng cô chỉ có thể khoanh tay thúc thủ, “vô kế khả thi“. Cũng như Quỳnh lúc nào cũng chỉ quan tâm giá thuê nhà, thuế in sách… Thật tàn khốc – khi con người cố gắng thông cảm với những người ở ngoài phạm vi của mình, họ luôn bộc lộ sự gượng gạo và thô thiển.

Hai người cứ thế ngồi im lặng, không cả nhìn vào mắt nhau. Cuối cùng họ hiểu ra rằng, cũng có lúc muốn đem cả trái tim ra để yêu người khác, nhưng không thể tìm thấy con đường để thực hiện điều đó.

Trác tìm được Tiểu Nhan về. Mọi người nhanh chóng chuyển đến nhà mới. Họ chưa hề bàn bạc sẽ bài trí cái ban công bán nguyệt ấy như thế nào, cũng chưa hề cùng ngồi ăn một bữa cơm. Không khí trong nhà không trở lại được như trước. Quỳnh mới nhận ra rằng cô đã nhầm. Căn hộ mới, ban công đáng yêu, không thể tạo ra một gia đình. Còn chú mèo con bị cô ném ra, đã bị đập mồm vào tay vịn cầu thang bằng sắt, gãy mất mấy chiếc răng, để lại chân răng cái dài cái ngắn, nhưng sắc đến mức có thể làm chảy máu lưỡi. Vì thế nó lúc nào cũng phải há mồm, bên mép là vệt nước bọt dài màu vàng. Quỳnh không ngờ nó lại bị va vào cầu thang, không ngờ rằng nó bị chảy máu và mất đi hai chiếc răng quan trọng nhất.

Quỳnh cảm thấy mình là kẻ ác độc. Đêm đó, cô mơ thấy Trác bồng con mèo bị thương đến gặp mình. Cậu nói. Chị nhỏ, trước kia chị rất thích mèo con cơ mà, sao bây giờ chị không thích nữa. Kế đó Quỳnh lại mơ thấy mình ngồi trong căn phòng la liệt những chiếc răng, cô đang cố ghép những mảnh răng lại với nhau, hy vọng ghép chúng lại một cách lành lặn.

Thế nhưng Quỳnh không có thời gian để hàn ghép những “mảnh răng” của gia đình, cô bắt buộc phải bắt đầu viết sách. Cuộc sống mỗi ngày của cô là viết tiểu thuyết, viết tuỳ bút cho tạp chí để duy trì chi tiêu hằng ngày. Ban đầu, Quỳnh không hăng hái lắm với những câu chuyện này, chỉ coi như một nhiệm vụ phải hoàn thành. Nó giống như một công trường mà hằng ngày Quỳnh phải lao động. Mỗi ngày cô tiếp xúc với nó rất lâu, thậm chí cô cảm thấy chán.

Tiểu Nhan thích nấu ăn, nấu giỏi hơn Quỳnh, vì thế Quỳnh cũng không quan tâm chuyện bếp núc nữa. Tạm thời cô gạt bỏ mọi thứ ngoài tiểu thuyết của mình. Tờ báo duy nhất họ đặt mua từ trước khi chuyển nhà, hiện tại cũng bị lãng quên. Bởi vì tiền chạy điều hoà nhiệt độ ở đây phải lấy từ những khoản khác trừ vào. Quỳnh cũng không mua sách nữa, dù đó là những món quà tự an ủi của cô. Bây giờ chỉ còn mỗi cách vài tuần mua sách cho Ưu Di. Bản thân không có cả thời gian đọc sách. Cô tự nguyện làm như vậy. Dần dần cô đâm ra nghi ngờ mình mắc chứng cô độc.

Có lúc Quỳnh tự giam mình trong phòng suy nghĩ rất lung. Cô không biết phải đối mặt với Trác như thế nào. Trước đây mỗi lần cô về nhà, Trác đều đang ngồi đợi cô cùng ăn cơm. Mặc dù không nói ra, nhưng trong lòng cảm nhận được sự quan tâm của Trác. Vì vậy mà mọi vất vả đều rất đáng giá. Nhưng bây giờ, Quỳnh hai bàn tay trắng, buồn bã, chán chường, tâm tính nóng nảy và hơi bất thường, làm sao cô đến được với họ, làm sao để có thể cùng ăn cơm với họ một cách vui vẻ? Quỳnh nhìn thấy con mèo bị cô hành hung thương tật. Quỳnh lại tự nhắc mình hạn chế gần gũi với họ, cố gắng không làm họ thêm tổn thương.

Quỳnh viết không biết đến ngày đêm. Rất lâu rất lâu, Quỳnh chỉ ở trong căn phòng hơn chục mét vuông của mình. Rèm cửa sổ thật dày luôn kéo kín, không nhìn được ngày sáng hay đêm tối. Chiếc máy tính xách tay thường xuyên dở chứng, khiến cô thỉnh thoảng lại cáu kỉnh vỗ đập vào bàn phím. Nhưng giận dữ ưu phiền rồi vẫn phải tiếp tục viết, nên đành nhẫn nại đợi chờ nó khởi động trở lại. File viết của Quỳnh cũng vì vậy bị mất nhiều lần, dần dần cô có thói quen vừa viết vừa save. Nó dã giúp cô bớt đi nhiều cáu bực – người bạn duy nhất trong cuộc sống lúc này. Quỳnh thích máy tính hơn giấy viết. Bởi trong phòng tối, màn hình bật sáng đối diện với Quỳnh như một cô gái lắm bệnh có khuôn mặt trắng nhợt nhạt. Cô gái đó lặng lẽ bầu bạn với Quỳnh, trong đêm tối cô độc có thể cùng nhau giãi bày tâm sự.

Quỳnh viết trong truyện về một cô gái có tình cảm phức tạp đối với loài mèo. Đó là sự thật. Trong những ngày tự giam mình vào phòng để viết sách, cô thường xuyên nghe thấy tiếng kêu ai oán của nó, rất vang, tựa như đang có ai muốn giết chết nó. Nhưng âm thanh đó cũng chứa đầy những âm mưu, tựa như dụng tâm chọc giận ai đó một cách ác ý, muốn gây ra những việc nghiêm trọng hơn mới thôi. Quỳnh rất muốn xông ra tóm lấy nó vứt qua ban công, cô rất muốn nghe xem trong tình thế thực sự nguy hiểm nó sẽ kêu như thế nào. Trong đầu cô hiện lên một khung cảnh, con mèo lướt qua không trung như một cánh hải âu trắng rồi đâm thẳng xuống đất. Quỳnh chẳng hiểu tại sao mình lại căm ghét con mèo kia đến thế, thậm chí lúc nào cũng có ý nghĩ ném nó xuống đất. Có thể tại vì ánh mắt của nó. Lần đầu tiên nó nhìn thấy cô gái mệt mỏi ở cầu thang, có lẽ nó biết đó mới là người nắm quyền sinh sát trong căn nhà này. Nhưng trông cô ta thật lạnh lùng, dường như không có một chút tình thương nào dành cho nó. Vì thế ánh mắt nó khi nhìn Quỳnh toát ra thái độ kháng cự, và sự ác độc của bản tính. Quỳnh phát hiện ra sự ác độc đó, cô cảm thấy con mèo này không còn hiền lành nhu thuận mà trở thành một thứ quái vật. Quỳnh chợt nghĩ, không phải kẻ đau yếu thương tật nào cũng có thể khiến người khác động lòng xót xa.

Quỳnh cũng hiểu tại sao Mạn lại căm ghét cô đến thế. Trong tiềm thức của cô có sự chống đối lại Mạn. Sự chống đối đó đã vượt ra khỏi phạm vi phản ứng khi bị bắt nạt. Đó là thái độ đầy tính công kích và làm thương tổn. Quỳnh đã luôn cố gắng che đậy thái độ đó, nhưng ánh mắt cô đã bị Mạn nhận ra. Mạn biết trong Quỳnh tiềm ẩn mối nguy hiểm lớn, nên muốn khuất phục cô. Quỳnh đã tin rằng, mọi tình cảm đều có đi có lại. Yêu cũng vậy, hận cũng thế. Cô và Mạn để cho tình trạng đến mức như hôm nay, chắc chắn không phải chỉ vì cá nhân Mạn. Từ khi Ưu Di vào tù, sự căm hận của Quỳnh đối với Mạn đã lên tới đỉnh điểm. Nhưng cô không hề hùng hổ đi tìm Mạn để gây gổ cãi vã. Cô biết rằng làm thế không khác gì một con điên xấu xí. Điên khùng mặc dù cũng khiến người khác sợ, nhưng cuối cùng vẫn phải dừng lại. Lúc đó cô lại vẫn là cô, vẫn xấu xí. Vì thế, Quỳnh chỉ có thể là kẻ mạnh khi nào cô có thể khiến Mạn không chịu nổi, thấy ghen tức và chịu sự dày vò của chính mình. Quỳnh thừa nhận đã từng nguyền rủa Mạn, nhất là khi Ưu Di mới bị vào tù. Trong lòng cô đã từng có những suy nghĩ độc địa. Cho đến mấy hôm nay viết về con mèo, bỗng nhiên cô cảm thấy lòng dịu đi rất nhiều. Cô nghĩ dù thế nào đi nữa, mình cũng không nên nguyền rủa.

Đây là lần đầu Quỳnh tập trung sức lực để viết dài hơi như thế. Cô bắt đầu nếm trải những khổ sở trong đó. “Cô đơn hơn cả trong tưởng tượng“. Quỳnh tự nhủ như vậy. Sự cô đơn này chẳng phải vì xa lánh mọi người, mà cô nhận ra trong quá trình viết sách, tự mình không thể cho phép tạm dừng, chấm dứt, buông xuôi. Cô không thể thả mình vào những sự việc khác, ví dụ như ăn một bữa cơm chuyện trò thân mật vui vẻ, hay tự chọn mua cho mình một bộ quần áo ưa thích. Cô không thể nào để tâm đến những việc kia, ngay cả khi không có cảm hứng viết, điều duy nhất có thể làm chính là ngồi lỳ trước máy tính đợi chờ nó xuất hiện. Sự chờ đợi đó có thể ngắn, có thể dài, không ai biết trước. Quỳnh nghĩ một cách tuyệt vọng rằng cô dường như đang láu cá. Nếu chỉ đang làm động tác câu cá mà hoàn toàn lơ đãng, cần câu sẽ rung rinh động đậy, cá nhất định sẽ không cắn câu. Nhưng nếu tập trung hết tinh thần, lặng lẽ bất động, thì cá cũng không nhất định sẽ cắn câu. Quỳnh tựa hồ không thể chịu đựng sự đợi chờ trống rỗng đó, cô phiền muộn, bất an, nghe tiếng mèo kêu liền muốn xông ra mắng nhiếc nó. Trong sự trống rỗng, Quỳnh lại bắt đầu chứng ăn cuồng. Có lúc cô bỗng chạy xuống cửa hàng dưới nhà mua thật nhiều đồ ăn liền. Như thế những phút giây chờ đợi sốt ruột cũng không đến nỗi “vô công rồi nghề“. Cô dùng thức ăn để lấp đầy sự trống rỗng, để mình được bận rộn hơn. Nhưng cô không hề đói, ăn vào cô cảm thấy buồn nôn, nhưng vẫn không sao dừng lại được. Dạ dày của cô đã bị co rút lại sau những năm dài nhịn ăn, khi ăn nhiều vào như lúc này, cô không thể nào tiêu hoá được. Bao lâu nay cô vẫn dùng Mạn làm phương tiện khắc chế bản thân. Mỗi lần sắp sửa ăn ngốn ngấu, cô đều tự cảnh báo mình sẽ trở lại hình ảnh béo ú nực cười trước kia. Chẳng lẽ mình lại có thể quên những buổi sáng bị Mạn đập dậy, phải chịu đựng ánh mắt khinh rẻ của mình rồi sao. Tàn thuốc lá trong tay bà còn rơi cả xuống tóc cô… Cô dùng sức mạnh tinh thần của mình để khống chế ham muốn của cơ thể, những tiêu hao về tinh thần khiến Quỳnh không thể tập trung viết sách.

Một lần vô tình khi đang lật xem cuốn tạp chí mà cô vẫn viết cho nó, Quỳnh bắt gặp một bài viết về chứng cuồng thực. Trong đó kể về năm người phụ nữ đã khổ sở vì chứng bệnh này ra sao, kể cả công nương Diana. Chẳng hiểu sao cô không thấy “ấn tượng” với những hậu quả trầm trọng của nó, nhưng lại hết sức chú ý đến mấy chữ “cuồng thực để nôn“.

Lần đầu tiên Quỳnh chủ động nôn vào một đêm khuya tháng sáu. Hôm đó mèo kêu ầm ĩ, chẳng biết Trác và Tiểu Nhan làm gì, chỉ nghe Tiểu Nhan cười thật to. Rõ ràng cô ấy không hề thấy tiếng mèo gào có vấn đề gì không ổn thoả. Quỳnh kìm chế để không chạy ra ngăn cấm mọi người, biết đâu cô lại làm tổn thương con mèo thêm lần nữa, rồi khiến Tùng Vy phải uất ức. Vì thế, Quỳnh chỉ còn cách ăn liên tục. Ăn hết rất nhiều đồ ăn xong, Quỳnh càng chẳng viết được gì nữa, chỉ còn cái bụng căng ứ đáng sợ không ngừng dằn vặt lòng hối hận của cô. Quỳnh đứng ngồi không yên, cuối cùng đành chui vào toa lét, khom mình xuống trước bệ xí, một tay cô móc sâu vào trong họng. Một cách thuận lợi, Quỳnh nôn thốc nôn tháo ra những đồ ăn còn chưa kịp tiêu hoá. Quỳnh cảm thấy dễ chịu rất nhiều. Sự dễ chịu đó có thể nặng về tâm lý hơn về sinh lý. Trong lòng Quỳnh, những đồ ăn đó cũng gớm ghiếc như rác rưởi, chúng lấp đầy trong cô rồi không ngừng trương phềnh, khiến cô cũng dần dần biến thành “rác rưởi” như chúng.

Đêm hôm đó, Quỳnh ở trong toa lét rất lâu. Cô cố gắng nôn cho đến khi chẳng còn gì trong bụng. Khi ngẩng mặt nhìn thấy mình trong gương, cô giật mình hoảng sợ vì khuôn mặt đỏ ửng và đôi mắt vằn đỏ những mạch máu. Quỳnh dùng một tay sờ nhè nhẹ khuôn mặt khủng khiếp của mình. Đừng sợ! Đừng sợ! Cô nằm lên giường, ngủ thiếp đi rất nhanh. Sự bình yên đến từ niềm tin cô đã nôn được tất cả thức ăn trong dạ dày ra. Bụng cô giờ trống không. Ngày mai dậy cô sẽ không phát phì. Dường như trong trận chiến với đồ ăn này, Quỳnh đã là kẻ thắng lợi cuối cùng.

Hôm sau tỉnh dậy, mặt Quỳnh sưng húp, miệng bị nhiệt. Nhưng cô cảm thấy bụng mình “phẳng lặng”, lũ “rác rưởi” đã không có cơ hội hại cô. Cuối cùng Quỳnh ở nụ cười mãn nguyện.

Quỳnh ngỡ rằng đó là một cánh cửa mở ra cho cô, giúp đỡ cô, không phải chiến tranh với thực phẩm nữa. Điều đó đồng nghĩa với một sự bắt đầu mới. Cuộc sống đã trao cho cô một quả mìn có bao bì xinh đẹp, nhưng cô đã không hề hay biết, vẫn tưởng rằng đó là chiếc phao cứu sinh có thể qua sông qua biển.

Quỳnh bắt đầu “cuồng thực để nôn“. Mỗi ngày cô mua thật nhiều đồ ăn, ăn xong lại móc họng nôn ra. Mỗi lần ăn xong, cô giả vờ bình thản đi vào toa lét, mở vòi hoa sen như thể chuẩn bị tắm rồi bắt đầu khom người xuống trước bệ xí. Nhưng có lẽ lần đầu tiên cô đã có phần may mắn, hoặc con quỷ ám trong người cô đã làm phép để lần đầu Quỳnh nôn một cách hết sức thuận lợi. Về sau, thường thì mỗi lần Quỳnh chỉ nôn ra được chút ít. Hoặc là cố gắng nôn nhiều lần nhưng cô lại chẳng nôn ra được gì cả. Quỳnh nhìn mình trong tấm gương soi bị nước làm ướt. Trong mắt cô toàn là mạch máu, đồng tử giãn to, khuôn mặt đỏ méo mó. Nhưng mọi chuyện chưa kết thúc, không thể để lại gì trong bụng, Quỳnh lại khom lưng tiếp tục móc họng.

Quá trình này kéo dài cho đến khi không thể nôn thêm thứ gì nữa. Quỳnh mệt mỏi giật nước bồn cầu cho những dị vật nhục nhã cuốn theo dòng nước xoáy. Cô bắt đầu tắm, hết lần này đến lần khác.

Quỳnh, có phải mày không? Mày không thấy điều đó thật đau đớn và nhục nhã sao? Chẳng lẽ chỉ có giày vò như thế mày mới thấy dễ chịu sao? Chùm nước phun vào miệng Quỳnh, nhưng vị chua loét dường như đã ăn vào trong răng cô, không sao mất đi được. Cô thấy sợ đến phát khóc. Cuối cùng Quỳnh cũng hiểu ra, tự mình đã rơi vào một thứ cạm bẫy, chính mình đã bị điều khiển để thực hiện những hành động máy móc, tệ hơn là không sao ngừng lại được.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận