Ánh mắt Quỳnh liên tục dõi về người đàn ông nọ, ông ta không giống với ba Quỳnh. Ông ta không ngồi lê chè rượu, cũng không ham mê cờ bạc đến độ bất lực. Ông ta không giống bất kỳ một người đàn ông nào Quỳnh đã gặp. Những người đó, Quỳnh chỉ nhìn một lần là nhận ra ngay họ muốn gì, muốn tiền bạc, hay quyền lực, hay nữ sắc, những dục vọng ham muốn ấy đều bộc lộ trên nét mặt. Nhưng với người đàn ông này, chẳng ai biết được ông ta muốn gì. Trông ông ta quá đầy đủ, không thiếu thốn bất cứ điều gì. Bởi thế, trông ông ta có cảm giác rất đáng tin cậy. Tựa hồ ông ta sinh ra là để ban cho người khác, hơn nữa, ông ta có rất nhiều thứ có thể ban cho.
Cuối cùng người đàn ông cũng phát hiện ra một cô bé đang thu mình bên góc cửa. Thấy cô bé đang nhìn chằm chặp vào mình, anh ta bèn mỉm cười với cô rồi quay lại hỏi Mạn:
– Con gái em à?
Mạn lườm Quỳnh rồi cau mày trả lời:
– Phải, nó trông búi sùi quá, chẳng giống em chút nào cả. Anh đừng có ngạc nhiên. Giọng cô có vẻ như oan ức, mong được người đàn ông thông cảm.
Ánh mắt Quỳnh và Mạn gặp nhau chớp nhoáng. Quỳnh nghĩ, mình đã làm mất mặt me, nên chăng phải cảm thấy một chút áy náy. Đáng lý ra, mẹ phải dắt theo một cô bé thông minh xinh đẹp như nàng Bạch Tuyết, long lanh trong suốt như giọt sương mai.
Người đàn ông lần đầu gặp Quỳnh. Cô đứng bơ vơ trước cửa, áo quần bị ướt dính vào người, run rẩy. Cô bé không được sạch sẽ cho lắm, đúng là không được xinh, nhưng trông cô bé không yếu ớt. Đôi môi cương quyết cong lên – cô từ chối mọi sự thương hại. Cô bé vẫn cầm chặt chiếc hòm gỗ, đứng bên cạnh những thứ đồ chơi cũ nát, như muốn bảo vệ chúng, sợ chúng sẽ bị ức hiếp trong môi trường sống mới. Quỳnh là cô bé có đầy thiên tính của người mẹ. Anh ta thậm chí phát hiện ra trong ánh mắt của cô khi chăm chú nhìn hai người hôn nhau sự thiếu vắng tình cảm. Dật Hán cười với cô bé một cách thông cảm, buông tay khỏi Mạn, đi tới dưới cầu thang gọi với lên trên:
– Trác ơi, mau xuống đây.
Một chú bé gầy gò chừng mười tuổi chạy xuống trong bộ quần áo hải quân màu xanh da trời. Cậu ta rất gầy, tóc hơi vàng vàng, xoăn và mềm mại, dính trên gương mặt cậu. Hai tay cậu ta trắng trẻo và đôi chẳng chân gầy dài. Có lẽ cậu bé là đứa trẻ đẹp nhất mà Quỳnh từng thấy. Da cậu ta dường như trong suốt kiểu lòng trắng trứng, màu mắt rất nhạt, giống như người Thiên Trúc cổ đại trên ti vi. Quỳnh thấy trên cổ cậu ta thấp thoáng chiếc vòng bạc sáng lấp lánh, trên vòng còn có một chiếc chìa khoá bạc. Chiếc khoá rất sáng, giống như một bảo bối có pháp thuật, hoặc là để mở một cánh cửa bí mật nào đó. Quỳnh thấy hoa cả mắt, không kịp đoán xem thế nào mới đúng.
Cậu bé chạy lại bên cạnh Dật Hán, ôm lấy chân ba, nhìn Mạn và Quỳnh bằng ánh mắt cảnh giác. Dật Hán vỗ nhẹ vào đầu cậu bé:
– Trác à, con dắt chị lên xem phòng con đi, cho chị chơi đồ chơi với con.
Trác gật gật đầu, tiến lại trước mặt nhìn Quỳnh. Quỳnh cũng nhìn lại rồi chậm rãi kéo cái hòm gỗ lên. Cậu bé lập tức bước lại kéo giúp. Dật Hán lắc lắc đầu cười:
– Trác à, con dắt chị lên nhà trước, lát nữa ba sẽ đem đồ đạc của chị lên sau.
Trác gật đầu, đi trước dẫn Quỳnh lên tầng hai.
Tầng hai có một hành lang hẹp và dài, hai bên toàn là những cánh cửa, có lẽ là có rất nhiều phòng. Trác dắt Quỳnh vào phòng mình, gian trong cùng bên tay phải. Căn phòng cũng tựa như quần áo của cậu ta, tường được hồ giấy màu xanh lam, cửa sổ màu xanh, giường và tủ quần áo màu trắng. Nền nhà bằng gỗ màu vàng, cậu bé đi dép lông cừu trắng mềm mại, bước trên nền phát ra những âm thanh nho nhỏ. Cậu ngồi bệt xuống đất. Quỳnh đứng lại ở cửa căn phòng, lưỡng lự chưa chịu vào trong. Cô cúi đầu nhìn đôi dép của mình – đôi dép nhựa bà nội mua cho, lúc mới màu xanh nhạt, có ba sợi quai phía trước. Nhưng hiện tại, đôi dép đã bẩn đến không rửa được, nên có mầu sắc xám. Một chiếc dép còn bị đứt mất hai sợi quai, lủng lẳng vướng víu khi đi bộ. Đôi dép đã dãi dầm biết bao nhiêu mưa nắng, đã nhiều lần đi lên núi viếng mộ của bà nội và từng vùi trong đất cát sình lầy. Quỳnh dừng lại ở cửa phòng căn phòng xinh đẹp của Trác, lưỡng lự không biết có nên cởi bỏ đôi dép đang khiến cô bối rối ra hay không.
Quỳnh và Trác đứng nhìn nhau, cách nhau một khoảng cách nhỏ. Cậu bé dùng ánh mắt thông cảm và chào mời với Quỳnh. Lúc đó hai đứa còn chưa hề trao đổi với nhau về những câu chuyện của mình, nhưng một sự cảm thông chia sẻ và tin tưởng đã hình thành một cách kỳ lạ. Cuối cùng Quỳnh quyết định trút bỏ đôi dép ở bên ngoài, cô cúi xuống cởi dép ra. Khi chưa kịp ngẩng đầu lên, cô đã thấy Trác đứng ngay trước mặt. Cậu rời khỏi đôi dép xinh đẹp bằng lông cừu đắt tiền rồi đặt chúng phía trước đôi chân Quỳnh. Quỳnh ngập ngừng. Cô còn đang bị ướt nước mưa, đôi chân còn chưa khô. Quỳnh nhìn cậu ta. Trác lắc lắc đầu, ý nói không sao cả, dùng nụ cười ám chỉ rằng cô hãy cứ xỏ vào. Thế là Quỳnh đi dôi dép lê của Trác, đôi chân cô lập tức cảm nhận sự mềm mại và ấm áp. Mùa hè, giày của Quỳnh chính là đôi dép nhựa. Mùa đông, bà nội kiếm cho Quỳnh đôi giày vải cũ của bà, cắt bỏ phần gót để Quỳnh đi lại trong nhà. Đôi giày vải đó đã chật so với Quỳnh. Nửa bàn chân của Quỳnh vẫn phải dẫm lên nền nhà lạnh. Nền nhà xi măng truyền từng đợt từng đợt lạnh giá lên gót chân Quỳnh.
Đây là lần đầu tiên Quỳnh đi đôi dép lê đàng hoàng, hoàn chỉnh, mà lại rất đắt tiền. Cô cúi đầu nhìn ngắm sợi lông cừu màu trắng. Chúng thật giống tấm lưng con cừu, khiến người ta khó lòng không thò tay xuống vuốt ve.
Trác mở cánh cửa tủ bên trái, lôi ra từng thứ đồ chơi một. Đó là những bộ lắp ghép màu sắc tươi tắn, mô hình máy bay màu bạc, mô hình ô tô của Hàn Quốc, những chú lính thép mặc giáp phục, bộ xô xẻng xúc cát,còn có cả chú vẹt biết hót chạy bằng pin. Tất cả đều tinh xảo và đẹp đẽ, Quỳnh chưa được thấy bao giờ.
Cậu ta nghiêng đầu nhìn Quỳnh hỏi:
– Chị thích chơi thứ nào?
Quỳnh lắc lắc đầu, như một người ngoài hành tinh lần đầu đến trái đất, không biết cách nào điều khiển những thứ đồ chơi kia. Cậu bé nháy mắt, nhìn Quỳnh cười độ lượng.