Tiếu Ngạo Trung Hoa

Chương 27: Gấp Bôn Thiên Lý Ưu Tam Nhãn - Nguyệt Hạ Song Ma Đáo Tử Kỳ


Hai ngày sau, Nam Cung Giao cùng Tiền Thanh Giám từ giã Yên Đài song sát đi về hướng Nam.

Chàng công tử họ Tiền đã thề suốt đời núp bóng anh rể.

Có chàng, gã luôn được an toàn và vui vẻ! Vả lại, gã cũng nhớ mẹ và chị gái!

Tri huyện Từ Châu đã được mời đến để chứng kiến cảnh lật mặt nạ trên chiếc thủ cấp Tiền Phong Vân, và lấy lời khai của bọn tù binh Thiên Y giáo.

Tấu chương được gởi thẳng đến phủ Thái sư Triển Tháo, và còn cả bức thư tay của Thái Bảo Liễu Di Phu.

Tuy nhiên, công lao phá án thuộc cả về Tri huyện và Tổng binh Từ Châu, chứ không hề nhắc đến Nam Cung Giao!

Triển thái sư đã dùng vụ án Kim Diện cung đàn hoặc Thái Bảo Liễu Di Phu (và Hình bộ Thượng thư), ghép hai lão vào tội tư thông với cường đạo, âm mưu cướp đoạt tài sản lương dân.

Lại thêm lời dèm pha của Đoàn quý phi nên Minh Anh Tông đã giáng chỉ cách chức họ, đuổi về làm thứ dân.

Nhưng đó là việc của hơn tháng sau, giờ chúng ta sẽ quay lại với Nam Cung Giao!

* * * * *

Gần giữa tháng tư, chàng và Tiền Thanh Giám về đến Sở gia trang ở Hợp Phì.

Trịnh Tháo và Trịnh Mãng đang chờ, họ chỉ đến trước chàng có bốn ngày.

Quảng Tây Thần Y đã xuôi Nam ngay, còn Tổ Vân Dung trở về Hoàng Ưng bảo.

Trong tiệc tẩy trần Sở lão thái kể cho rể quí nghe việc nhà mình bị trộm, nhưng chỉ mất một ít y phục cũ và thư tù, sách vở.

Việc này xảy ra trước khi hai gã họ Trịnh đến Sở gia trang một ngày.

Nam Cung Giao bỗng có linh cảm lạ, liền hỏi lại:

– Bẩm nhạc mẫu! Chẳng hay trong số thư bị mất có bức nào của Sở Nhu gởi về hay không?

Sở Lão Thái gật đầu:

– Có! Không hiểu bọn đạo chích lấy chúng làm quái gì nhỉ?

Nam Cung Giao biến sắc, nghiêm giọng:

– Tiểu tế cho rằng người của Thiên Nhãn giáo đã nghe đồn về cái bướu trên trán Sở Nhu. Họ nghi ngờ nàng là đứa bé ba mắt năm xưa nên đã đến do thám? Và giờ họ đang trên đường đến Tế An đường ở Giang Tây! Xin nhạc mẫu lập tức dọn nhà sang tá túc Hoàng Ưng bảo, còn tiểu tế sẽ phải khởi hành ngay để về Cảnh Đức trấn!

Cả nhà khiếp vía, bỏ cả bữa ăn, vào thu xếp hành lý.

* * * * *

Sau khi đưa nhà họ Sở đến Hoàng Ưng bảo, bọn Nam Cung Giao lập tức lên đường!

Tiền Thanh Giám cắn răng chịu đựng cuộc hành trình gian khổ, không dám mở miệng than phiền.

Bốn người đi suốt ngày đêm, thay hai lần ngựa, sáng mười bẩy đã có mặt ở Nam Kinh.

Họ thúc ngựa phi qua cổng phủ, nhảy xuống và ập vào hậu sảnh như cơn lốc.

Cả nhà đang tụ tập ăn điểm tâm, hết hồn trước hình dung thiểu não dơ dáy của họ!

Ba người kia khụy xuống, lăn ra sàn ngáy như sấm, chỉ mình Nam Cung Giao là còn trụ vững, nở nụ cười thê lương!

Mã thượng thư kinh hãi hỏi:

– Đã xảy ra chuyện gì mà hiền tế lại cấp bách và hốt hoảng như vậy? Dường như bọn ngươi đi mấy đêm không ngủ!

Nam Cung Giao run giọng đáp:

– Thiên Nhãn giáo đất Cách Nhĩ Mộc Thanh Hải, đang trên đường đến nhà của tiểu tế ở Cảnh Đức trấn. Họ đã khởi hành trước tiểu tế năm ngày!

Tổng bộ đầu Lưu Cát cũng có mặt.

Từ ngày trở thành nghĩa huynh của Nam Cung Giao, lão được xem như người nhà, thường xuyên đến thăm viếng Mã phủ.

Lão cố trấn an Nam Cung Giao:

– Hiền đệ hãy bình tâm! Năm ngày đường không phải là lợi thế lớn, nếu đối phương đi thành đoàn đông đảo. Còn như họ chỉ có và người thì nhân thủ ở Tế An đường thừa sức đối phó!

Nam Cung Giao cười thảm:

– Tiểu đệ cũng biết thế nhưng không sao yên tâm được!

Hội chủ Huyết Phủ hội Mộc Đông Sơ đứng phắt lên:

– Công tử cứ nghỉ ngơi cho lại sức, bọn lão phu sẽ khởi hành ngay lập tức!

Cuồng Vũ Đao, Lâm Bảo Thoa, Mã Hoàn Cơ, Cẩn Nhục Đầu Đà và Lưu Cát cũng hăng hái xin đi.

Thần Nữ Tiền Vân Mi khóc nói:

– Nhị vị đại thư cứ đi trước, tiểu muội và tướng công sẽ đuổi theo ngay.

Nàng gạt lệ, kéo Nam Cung Giao vào nhà tắm, giúp chàng gột rửa bụi đường, và tỉnh táo lại.

Anh em họ Trịnh và Tiền Thanh Giám cũng được bọn gia nhân khiêng vào giường.

Nam Cung Giao thiếp đi ngay trong bồn tắm, mặc cho Thần Nữ làm gì thì làm.

Khả năng hồi phục của Liên Hoa tâm pháp quả là kỳ diệu. Khi được Vân Mi bồng vào đến giường thì chàng thức dậy đòi ăn!

Ăn xong Nam Cung Giao bảo Vân Mi thu xếp hành lý rồi tọa công.

Bốn khắc sau, chàng tươi tỉnh vươn vai đứng dậy chuẩn bị lên đường.

Tổng cộng chàng chỉ nghỉ ngơi có đúng một canh giờ!

Chàng ngần ngại bảo Thần Nữ:

– Hay là nàng cứ ở tại đây! Cuộc hành trình này sẽ cực kỳ gian khổ, ta e rằng nàng không kham nổi đâu?

Vân Mi tha thiết đáp:

– Nhà chồng lâm nguy mà thiếp không đến giúp thì còn mặt mũi nào làm dâu họ Nam Cung nữa?

Mã thượng thư vào đến, hồ hởi nói:

– Thất vương gia đã tặng cỗ loan xa tứ mã để Giao nhi sử dụng. Nếu cỡi ngựa ngày đêm, khi đến nơi còn sức đâu mà chiến đấu nữa!

Ông nói rất phải nên Nam Cung Giao không dám cãi. Chàng sai người khiêng hai gã họ Trịnh quăng lên thùng xe, nhét cả Vân Mi và lương khô, nước uống vào đấy, rồi khởi hành ngay!

Bốn con tuấn mã này được tuyển chọn kỹ càng nên sức phi thần tốc, vó khua rầm rập, khiến mọi người phải tránh đường!

Bốn người thay phiên làm xà ích, đi cả ngày lẫn đêm, chỉ dừng ở Dịch Trạm để thay ngựa.

Khi còn cách Cảnh Đức trấn hai ngày đường thì họ bắt kịp tốp đi trước.

Lâm Bảo Thoa và Hoàn Cơ mừng rỡ nhảy lên thùng xe.

Tất nhiên hai gã họ Trịnh bị đuổi xuống.

Nhưng rồi đến lượt các nàng phải rút để những người khác lên ngủ lấy sức.

* * * * *

Cuối cùng, chiều ngày hai mươi hai tháng tư, đoàn xa mã đến ngoài thành Cảnh Đức trấn.

Họ giấu xe và ngựa, đi bộ vào thành.

Giờ này người trên đường phố rất đông, cỡi ngựa chỉ càng tổ chậm.

Đến nơi, dù còn cách xa nửa dặm, họ vẫn có thể thở phào nhẹ nhõm vì Tế An đường đang mở cửa bình thường, có người vào ra!

Bọn Nam Cung Giao đi vòng lối sau, vào bằng cửa Võ gia trang.

Ba anh em họ Sở vừa mừng vừa kinh ngạc trước sự hiện diện đông đủ này!

Nam Cung Giao nghiêm giọng bảo Sở Trường Thụy:

– Đại ca mau điều động anh em tỏa ra do thám khắp thành, nhớ chú ý đến những người có nước da ngăm đen, nói tiếng Hán không rành, hoặc thùy châu có lỗ đeo vòng? Đối thủ của chúng ta là Thiên Nhân giáo đấy!

Sở Trường Thụy lãnh lệnh đi ngay còn bọn Nam Cung Giao sang Nam Cung gia trang!

Nam Cung Bột cười ha hả, dang tay ôm con trai vào lòng.

Chợt lão nhăn mặt đẩy ái tử ra và mắng:

– Mẹ kiếp! Sao ngươi hôi thế! Mau vào tắm ngay!

Ba nàng dâu nghiêng mình thi lễ vái cha mẹ chồng rồi ngượng ngùng rảo bước vào nhà sau.

Họ cũng hôi hám chẳng kém gì Nam Cung Giao!

Đám nam nhân cũng chào qua chủ nhà rồi phân tán ra các phòng tắm.

Hai khắc sau, các lữ khách mới trở lại với bộ áo sạch sẽ, thơm tho.

Nam Cung Giao hôn hít hai em và hai con, làm chúng nhột nhạt vì bộ râu mấy ngày không cạo.

Trinh Tâm đã cùng Tử Phượng, Sở Nhu bày rượu thịt để đãi đằng.

Chờ mọi người tựu vị, bà nghiêm nghị hỏi:

– Giao nhi! Con về đây với bộ dạng như vậy chắc là đã xảy ra chuyện lớn?

Nam Cung Giao gật đầu, kể lại nguồn cơn.

Cha chàng vỗ đùi nói:

– Hèn gì từ sáng đến giờ lão phu đã gặp bốn năm người khách lạ mặt đến mua thuốc, nói năng trọ trẹ rất khó nghe! Mắt họ sâu, khác với chúng ta.

Nam Cung Giao vội hỏi:

– Bẩm phụ thân! Người trong trấn có ai biết sự hiện diện của Sở Nhu ở nhà ta hay không?

Trinh Tâm cướp lời chồng:

– Có! Chính ta đã sai Nhu nhi đi chợ mấy lần. Không thể nhốt mãi một con người trong nhà được!

Sở Nhu thỏ thẻ:

– Nải Nương không có lỗi! Chính thiếp rất muốn được ra ngoài!

Nam Cung Giao dịu giọng:

– Chẳng ai có lỗi cả? Ta muốn nhân cơ hội này kết liễu ân oán với Thiên Nhãn giáo! Sau đó, cả nhà chúng ta sẽ về Nam Kinh sinh sống và Lưỡng Quảng Thần Y sẽ xóa đi quái tật trên trán nàng!

Thanh danh của Doãn lão lẫy lừng các phủ phía Nam Trường Giang nên Trinh Tâm cũng biết tiếng.

Bà hoan hỉ nói:

– Hay lắm! Nếu Doãn thần y chịu giúp đỡ thì việc mổ bỏ con mắt thứ ba kia chẳng hề khó khăn. Lão ta có một loại cao thuốc rất thần diệu bôi vào vết thương sẽ không thấy sẹo.

Nam Cung Bột nâng chén nói:

– Mời chư vị lão huynh.

Thần Nữ Tiền Vân Mi nũng nịu nói:

– Lão gia khoan uống! Tiểu tức có quà tặng cho người.

Nói xong, nàng tất tả chạy vào phòng lấy ra mộ hộp gỗ sơn son thiếp vàng rất đẹp, đặt xuống trước mặt cha chồng.

Nam Cung Bột hiếu kỳ mở ra hoan hỉ vỗ đùi:

– Mi nhi quả là tuyệt diệu khi tặng cho ta những vật này!

Thì ra đấy là mười hai chiếc tách lớn bằng ngọc bích, dung lượng gấp ba chung uống rượu phương Nam!

Trinh Tâm chưa kịp mắng con dâu thì Nam Cung Giao đã cười, nói nhỏ với mẹ:

– Đấy là ý của hài nhi! Từ nay, mẫu thân cứ để phụ thân uống thêm vài chung. Hài nhi sẽ truyền Liên Hoa tâm pháp cho phụ mẫu để nhị vị nhân gia luôn khang kiện và trường thọ.

Trinh Tâm gật đầu:

– Nếu tâm pháp ấy huyền diệu như vậy thì ta còn cấm cản cha ngươi làm gì!

Và bà tự động nâng chén mời chồng.

Nam Cung Bột khoan khoái uống, nhưng không dám để say, vì cường địch đang rình rập!

Đầu canh một, Tổng bộ đầu Lưu Cát xin phép lui trước để đi điều động quan quân trong thành.

Cuối canh hai, Sở Tích Vũ về báo cáo:

– Muội phu! Quả đúng là có gần trăm gã lạ mặt xuất hiện trong thành, chúng đã rời lữ quán, tiến về hướng này. Có lẽ đêm nay chúng sẽ tấn công!

Sở Mai hớn hở nói:

– Hay quá! Đã lâu nô tỳ không được đánh nhau!

Đinh Tử Phượng chọc ghẹo ả béo:

– Sao lại không! Ngày nào ngươi chả đánh gã họ Ngô!

Sở Mai cười khúc khích:

– Nô tỳ noi gương lão Thái nên mới răn đe y chút đỉnh đấy mà!

Cả nhà phá lên cười!

Trinh Tâm đỏ mặt nạt:

– Tiểu Mai chớ nói càn! Ta có đánh lão gia bao giờ đâu?

Lưu Cát về đến, báo rằng ngàn quân triều đình sẽ vây kín vòng ngoài chờ lệnh!

Bốn đứa tiểu hài và Sở Nhu được đưa xuống mật thất trong Võ gia trang ẩn náu, kỳ dư đều mai một, chia nhau mai phục.

Gần cuối canh ba, lực lượng Thiên Nhãn giáo xâm nhập bằng cách vượt qua nóc của dãy nhà hướng Bắc, vì sân trước Tế An đường có con chó mực Tiểu Hắc trấn giữ.

Họ vừa nhảy xuống vườn hoa phía sau Tế An đường thì tiếng hỏa tập bật lách cách và hàng chục cây đuốc được đốt lên.

Đồng thời, ngoài kia rộn rã tiếng reo hò, tiếng trống của quan quân.

Và ai đó đã quát vang như sấm:

– Thiên Nhãn giáo hãy bó tay qui hàng, nơi này đã bị vây chặt rồi.

Tám mươi mấy gã áo choàng trắng rộng thùng thình, đầu chụp túi vải hình chóp, nhất tề rút đao thủ thế, tỏ ý chết cũng không hàng!

Nam Cung Giao từ một góc tối bước ra, oai vệ nói:

– Tại hạ là Nam Cung Giao, dám hỏi Đại Tư Tế Thiên Nhãn giáo có mặt ở đây không?

Một Bạch Y Nhân cao gầy lên tiếng:

– Bổn tọa đây! Phải chăng ngươi là chồng của Thánh Nữ?

Nam Cung Giao gật đầu:

– Đứa bé ba mắt năm xưa giờ đã làm mẹ, quí Giáo cứ truy tìm làm gì!

Đại Tư Tế Thiên Nhãn giáo, tên gọi Cáp Vũ Triệt, lạnh lùng đáp:

– Bổn giáo không cần trinh nữ mà cần người được trời ban cho Thiên Nhãn! Nếu ngươi không muốn bổn giáo kéo hai vạn giáo chúng vào càn quét Trung Nguyên thì hãy giao Thánh Nữ ra đây!

Nam Cung Giao cười nhạt:

– Trung thổ có đến hai chục vạn võ sĩ. Thiên Nhãn giáo có giỏi thì cứ vào! Vả lại, chắc gì đêm nay Tôn giá đã sống sót mà trở về Thanh Hải? Nhưng nếu Đại Tư Tế thề rằng sẽ bỏ qua không truy bắt chuyết thê nữa, thì tại hạ sẽ cung kính tiễn đưa!

Đại Tư Tế Cáp Vũ Triệt tự hiểu rằng mình có thể thoát thân nhưng đệ tử sẽ chết sạch, liền tư lự nói:

– Bổn tọa vì giáo chúng và giáo qui mà phải bôn ba tìm kiếm hơn hai chục năm nay, chẳng sung sướng gì! Nay đã tìm được, không thể vì sợ chết mà rút lui, trừ phi bị đánh bại! Do vậy, ngươi phải dùng thực tài đấu với ta, nếu ngươi thắng hoặc đứng vững đến lúc mặt trời mọc, thì bổn tọa sẽ có cớ trở về Thanh Hải, không truy bắt Thánh Nữ nữa!

Nam Cung Giao khẳng khái đáp:

– Tại hạ đồng ý! Xin mời!

Lưu tổng bộ đầu biết Cáp đại tư tế là lãnh tụ tinh thần của mấy vạn dân Thổ đất Cách Nhĩ Mộc, thân phận cao cả, nhất ngôn cửu đỉnh nên yên tâm cho quân lính Cảnh Đức trấn triệt thoái.

Lão còn cố tình trì hoãn thời gian bằng cách bàn với vợ chồng Trinh Tâm bày bàn ghế, rượu thịt ra vườn, chiêu đãi đám Bạch Y.

Nam Cung Bột hăng hái nhận trách nhiệm lễ tán, bước đến tự giới thiệu.

– Lão phu là Nam Cung Bột, cha chồng của con bé ba mắt kia! Chẳng mấy khi Cáp đại tư tế và quí giáo hữu giá lâm, xin hãy vui lòng uống với lão phu vài chén rượu nhạt. Còn chuyện so tài thì từ từ cũng được, trời còn lâu mới sáng mà!

Người Thổ tính tình hung bạo nhưng chất phác và rất khoái ăn nhậu!

Họ hiếu khách, thích mời mọc nên ít khi từ chối lời mời của ai?

Tám mươi mấy gã giáo chúng Thiên Nhãn giáo thản nhiên ngồi xuống những chiếc ghế mà các cao thủ Thế Thiên hội đã nhanh chóng mang ra, cỡi chóp vải chụp đầu phe phẩy cho đỡ nóng.

Rượu thuốc của Tế An đường lừng danh Cảnh Đức trấn và những địa phương lân cận, nên lúc nào Trinh Tâm cũng phải ngâm sẵn mấy lu sành lớn để bán.

Giờ đây, Sở Mai trổ tài thần lực ôm một lu ra. Mùi rượu thuốc thơm nức mũi khiến đám khách quê mùa kia hớn hở, dơ ngón cái khen ngợi.

Ba anh em họ Sở đã vét sạch thịt khô của mấy tiệm chạp phô gần đấy để làm mồi!

Khô bò, khô nai, lạp xưởng là những món nhậu rất ngon và tiện lợi.

Bốn nàng dâu họ Nam Cung đi khắp nơi mời mọc, thấy khách đắm đuối nhìn dáng đi yểu điệu của các phu nhân, Sở Mai cũng õng ẹo lắc lư thân hình phì nộn, nào ngờ bọn đàn ông Thổ ôm bụng cười ngất!

Phe chủ nhà cũng ngồi vào bàn để mời rượu, rốt cuộc, nơi đây trông giống như nhà có đám!

Nam Cung Bột lần đầu được đóng vai chủ xị của một bữa tiệc đông đảo thế này, lòng rất hoan hỉ cùng Cáp Vũ Triệt uống liền ba chung lớn.

Nhưng họ Cáp chỉ uống có thế, đứng lên dặn dò các đệ tử bằng tiếng Thổ, rồi bảo Nam Cung Giao:

– Còn một canh giờ nữa là bình minh, chúng ta nhập cuộc thôi!

Uống rượu, xem đấu võ là cái cực khoái của đàn ông dù Thổ hay Hán, cho nên, đám tửu khách reo hò, đốc thúc.

Lưu Cát đã có lần truy đuổi tội phạm sang tận đất Cách Nhĩ Mộc nên biết khá rõ về Thiên Nhãn giáo.

Ông hạ giọng dặn dò Nam Cung Giao:

– Hiền đệ hãy lưu tâm đến song thủ của họ Cáp, chúng có thể đột ngột dài ra thêm hơn gang nữa, và ta nghe nói ánh mắt lão ta có thể nhiếp hồn đối phương!

Nam Cung Giao vô cùng cảm kích họ Lưu vì hai thông tin quí giá này. Nếu không biết, chàng chẳng thể nào đề phòng được!

Có những trường hợp mà lời nói không diễn cảm bằng ánh mắt.

Nam Cung Giao chỉ nhìn Lưu Cát rồi gật đầu.

Đại Tư Tế Cáp Vũ Triệt đã rút đao, bước ra giữa vườn chờ đợi.

Đao của người Thổ đất Thanh Hải có hình dáng rất kỳ lạ, bản lớn song lại thẳng và sắc. Cả hai bề mũi đao chia thành ba mấu, giữa cao, hai bên thấp. Nó có chiều dài tương đương với đường kiếm của Trung Thổ, nghĩa là ngắn hơn Lạc Điểu kiếm.

Tuy nhiên, khi cánh tay của họ Cáp dài ra nhờ Ma Công thì đao của lão sẽ chạm vào mục tiêu trước!

Cáp Vũ Triệt vẫn che mặt bằng chóp vải trắng, chỉ để lộ hai con mắt.

Lúc nãy uống rượu với Nam Cung Bột, lão phải vén lên hở nửa mặt.

Song phương đối diện thủ thế và quan sát nhau.

Tuy nói cứng nhưng trong tâm thâm Nam Cung Giao không hề muốn Thiên Nhãn giáo đưa đệ tử vào Trung Nguyên, gây ra cảnh chém giết tang thương.

Do vậy, chàng chẳng thể giết Cáp Vũ Triệt được, mà chỉ mong cầm cự đến bình minh.

Vả lại, Sở Nhu có nửa dòng máu Thổ.

Chàng ôm kiếm vái theo thế Đồng Tử Bái Quan Âm rồi lướt đến tấn công.

Cáp Vũ Triệt vung đao chống đỡ, lực đạo rất mạnh mẽ, tiếng thép chạm nhau chan chát.

Nam Cung Giao ước lượng công lực của đối phương cao hơn mình, song không hề ngán sợ, vung kiếm đánh tiếp một loạt chiêu thần tốc.

Cáp đại tư tế vững tấn chống đỡ chẳng chịu lùi nửa bước.

Đao pháp của ông ta trầm ổn, kín đáo, trong cương có lẫn nhu.

Do lưỡi đao sắc cả hai bên nên chiêu thức hòa trộn giữa đao và kiếm, đòn chém cường mãnh như búa bổ, đòn đâm nhanh tựa tên bay.

Nam Cung Giao thận trọng, không nhìn vào mắt đối phương, chỉ tấn công từ ngực trở xuống, dùng phép liên hoàn khoái kiếm, đường gươm dồn dập như bão táp mưa sa.

Cáp Vũ Triệt thản nhiên đối phó, thủ nhiều công ít, đao quang liền lạc, vững chắc như tường đồng vách sắt.

Đấu pháp Dĩ Tịnh Chế Động này rất ít hao tổn khí lực, ngược lại với lối đánh vũ bão và di chuyển nhiều của đối phương.

Song Nam Cung Giao đã đoán ra ý đồ của Cáp lão, thỉnh thoảng nhảy lùi thật xa đứng bất động chờ đợi.

Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, Liên Hoa thần công phát huy diệu dụng, bồi đắp chân nguyên cho cơ thể chàng.

Do vậy, nửa canh giờ đã trôi qua mà Nam Cung Giao vẫn không hề có hiện tượng mệt mỏi hay xuống sức, vầng trán cao chẳng một giọt mồ hôi.

Cáp Vũ Triệt thầm kinh ngạc trước sự bền bỉ phi thường của chàng trai trẻ và bắt buộc phải dốc hết vốn liếng ra để thủ thắng.

Cáp lão thay đổi chiến thuật, di chuyển với tốc độ chóng mặt, tấn công quyết liệt chớ không thụ động nữa!

Đao kình cuồn cuộn như sóng dữ, liên tiếp đập vào màn kiếm quang sáng bạc, đẩy Nam Cung Giao thoái lui hai trượng.

Chàng phải thi triển Hư Ảnh Thần Bộ mới thoát được sang mé tả mà phản công.

Chút tự ái trẻ thơ trong bản chất hồn nhiên đã khiến chàng ê mặt, trổ hết tài nghệ ra trả đũa, Thanh Lạc Điểu kiếm lấp loáng như ánh chớp, chém điểm hàng trăm thức, công phá lưới đao dầy đặc của Đại Tư Tế Thiên Nhãn giáo.

Sự phối hợp tuyệt diệu của hai pho Lạc Điểu và Trường Hồng đã tạo nên màn kiếm ảnh lấm tấm muôn chấm đen và vô số những chiếc mống bạc.

Tiếng thép chém nhau không dứt nối thành tiếng chuông dài thô tục, làm rạn vỡ màn đêm tĩnh mịch.

Cáp Vũ Triệt bàng hoàng trước kiếm thuật siêu phàm của đối thủ, cắn răng múa tít bảo đao đương cự và lùi dần.

Nhưng một chiếc móng đã vươn dài, xuyên qua đao, cắm vào vai trái họ Cáp.

Vừa đắc thắng, Nam Cung Giao đã tung mình nhảy lùi về phía sau, nghiêm nghị nói:

– Với chút lợi thế nho nhỏ kia của tại hạ, hy vọng tôn giá chấp nhận bãi binh!

Quả thực là vết thương không sâu, chỉ cần điểm huyệt chỉ huyết là máu ngưng chảy ngay, song cũng đủ chứng tỏ ai cao ai thấp.

Nào ngờ bọn giáo chúng người Thổ đứng lên nói xí xô xí xào gì đó với họ Cáp, dường như không đồng ý bỏ cuộc.

Cáp lão gật gù, quay sang nói với Nam Cung Giao:

– Đệ tử bổn giáo cho rằng ta chưa dùng đến tuyệt học trấn sơn nên không thể gọi là bại, mời túc hạ tiếp tục cho!

Nam Cung Giao cũng biết việc họ Cáp chưa thi triển công phu Ma Trường Thủ nên chẳng từ chối tái đấu.

Chàng chẳng khách sáo, xông tới đâm liền chín kiếm, mở đầu cho một loạt chiêu thần tốc.

Cáp Vũ Triệt không thèm đỡ gạt, chém xéo một đao cực mạnh.

Đáng sợ thay, cánh tay tả chợt vươn dài ra như ma quỷ, đưa lưỡi đao kiếm vào ngực phải của Nam Cung Giao.

Đòn chớp nhoáng này đáng lẽ đã kết thúc trận đấu, nhưng Thiết Khuyên Bảo Giáp đã cứu mạng chủ nhân, chỉ lớp vải áo là bị tổn thương!

Biết đối phương có bảo y hộ thân, Cáp lão không hề bối rối, vẫn tiếp tục đánh dồn, nhắm vào mặt, tay và đùi của Nam Cung Giao.

Ma Công vô thượng của Thiên Nhãn giáo quả lợi hại vô song, hoàn toàn áp đảo kẻ địch.

Nam Cung Giao có cảm giác như đang đấu với ma quỷ chứ không phải người, vì thanh đao kia có thể bất ngờ vươn xa, khiến chàng không sao khống chế được.

Trong giao đấu, người kiếm sĩ phải ước lượng, tiên đoán được nhưng thế thức tiếp theo của đối thủ, dựa vào quĩ đạo hiện tại của vũ khí.

Nhưng trong trường hợp này, chàng chẳng thể biết gì khi đường đao kia không ổn định!

Nam Cung Giao chỉ còn cách dùng Hư Ảnh Thần Bộ mà né tránh.

Nói cho rõ ràng thì có nghĩa là chàng bỏ chạy và đối phương rượt đuổi!

Người nhà của Nam Cung Giao chết điếng, lo lắng đến toát mồ hôi.

Bỗng con chó mực của Sở Mai từ ngoài đi vào nhận ra chủ nhân đang bị rượt chém, liền giận dữ sủa vang.

Sở Mai rầu rĩ nạt:

– Ngươi sủa thì được tích sự gì có im đi không?

Ả đã sai lầm khi mắng Tiểu Hắc, và chính nó đã giúp Nam Cung Giao nhớ đến công phu Thần Âm Chấn Phủ!

Chàng liền trụ lại, né một đao của Cáp Vũ Triệt, rồi vận công quát như sấm:

– Khơ!

Lập tức Cáp lão nghe tim đau nhói như bị một bàn tay bóp chặt, tất nhiên chân khí tản mác, đường đao yếu ớt.

Khi lão tỉnh táo lại bởi tiếng reo hò của những người quan chiến, thì phát hiện mũi kiếm lạnh toát đang chĩa vào cổ mình.

Nam Cung Giao nghiêm nghị hỏi:

– Tôn giá nghĩ sao?

Cáp Vũ Triệt thở dài:

– Lão phu nhận bại!

Nam Cung Giao rút kiếm về, vui vẻ nói:

– Đại Tư Tế đã tận lực nhưng không thành công, không có lỗi gì với Thiên Nhãn giáo cả. Xin mời an tọa!

Cáp lão bỗng nghiêm giọng:

– Nhưng sau này, nếu con bé kia hạ sanh một Nam Hài Tam nhãn thì ngươi phải đưa đứa bé ấy đến Cách Nhĩ Mộc để làm Giáo chủ Thiên Nhãn giáo!

Cả nhà ồ lên phản đối, còn Nam Cung Giao thì cười nhạt:

– Tôn giá lấy tư cách gì mà yêu cầu điều ấy?

Cáp Vũ Triệt chậm rãi đáp:

– Vì đứa bé ấy là cháu ngoại của ta.

Và lão giật phăng chóp vải, để lộ con mắt thứ ba nằm dọc phía trên huyệt Mi Tâm, giống hệt như của Sở Nhu!

Trong lúc mọi người choáng váng, lão buồn rầu nói tiếp:

– Con bé ấy tên thực là Cáp Ỷ Lan, con gái của ta. Mẹ nó vì thương con nên đã bỏ trốn vào Trung Thổ, rồi chết ở dọc đường!

Ai cũng biết lão nói thật. Vì dung mạo hai cha con rất giống nhau!

Nam Cung Bột cười ha hả, bước đến kéo áo họ Cáp:

– Tuyệt diệu thực! Không ngờ chúng ta lại là thông gia! Cáp lão huynh phải ở đây nhậu với lão phu vài tháng rồi hãy về Thanh Hải! Lão phu sẽ tiễn lão huynh đến tận Cách Nhĩ Mộc.

Lâm Bảo Thoa cười ngất:

– Nhị vị cứ tiễn nhau qua lại chắc đến chết cũng vẫn còn say rượu!

Nói thì nói thế, Cáp đại tư tế chỉ ở lại vài ngày là cáo từ, Gia đình Nam Cung Giao cũng khăn gói chuyển về Nam Kinh cư trú.

* * * * *

Gần giữa tháng năm, Nam Cung gia trang mới, nằm trên đường Hoàng cung mở tiệc tân gia.

Dù thiếp mời phát ra rất ít, nhưng không hiểu sao quan lại cả thành đều biết, cho người mang lễ vật đến mừng!

Người vui nhất vẫn là Nam Cung Bột. Lão hả hê, khoan khoái vì được ngồi chung bàn với vợ chồng Thất vương gia và các đại thần quyền thế nhất Nam Kinh.

Trinh Tâm thì lại hài lòng vì việc khác. Ở đây có hàng vạn người Giao Châu, bà sẽ đem tài y thuật ra chăm sóc họ!

Cuối tháng năm, Giang Tây Nữ đại phu khai trương dược phòng mới ở khu vực Đông Nam thành Kim Lăng, nơi tập trung những người nghèo khổ, có cả Hán lẫn Giao Chỉ, bà đối xử bình đẳng, nghĩa là không lấy tiền của ai.

Chỉ hơn tháng sau, Tế An đường đã nổi tiếng, trở thành cơ sở y học từ thiện. Được sự đóng góp của các vị mệnh phụ phu nhân.

Bách tính tôn xưng Đặng Trinh Tâm bằng danh hiệu Nữ Bồ Tát!

* * * * *

Qua giữa tháng tám, Quảng Tây Thần Y Doãn Nghệ Khuyết đến Nam Kinh vào phủ Mã thượng thư hỏi thăm Nam Cung công tử.

Lão liền được đưa sang Nam Cung gia trang, cách đấy không xa.

Bẩy hôm sau, Doãn lão tháp tùng Nam Cung Giao lên đường đến núi Đồng Bách, cho kịp ngày hẹn của Vô Ưu giáo.

Có thuốc giải cổ độc trong tay, Nam Cung Giao tính đến việc tiêu diệt cả Vô Ưu giáo lẫn Vô Thanh cốc.

Lực lượng của Thế Thiên hội và Hoàng Ưng bảo đã được mời đến núi Đồng Bách chờ lệnh, chưa kể một trăm lẻ tám tăng lữ La Hán đường của Nam Cung minh chủ, và hai trăm kiếm thủ Kim Diện cung!

Tại sao chàng lại phải huy động một lực lượng đông đảo như thế?

Đấy là vì Tổng bộ đầu Lưu Cát đã báo cho chàng biết sự liên minh giữa Long Giác Thần Quân, Đông Hải thần tăng và Sài Tuấn!

Ba đại cao thủ này đã quyết định bắt sống Vô Ưu giáo chủ, tức Thiên Diện Thần Tất Chinh Y, đoạt lấy đòn Lục Nguyệt Tồi Tâm Cổ Trùng làm vũ khí chống lại võ lâm và Nam Cung Giao. Cả ba đều căm thù chàng đến tận xương tủy!

Lưu Cát đã cho thủ hạ kiên trì do thám Phổ Đà tự suốt mấy tháng trời mới có được tin tức cực kỳ quí giá này!

Sáng mười hai tháng tám, Lưỡng Quảng Thần Y và bọn Bắc Bình Hầu đã có mặt ở trấn Hoài Nguyên, cách núi Đồng Bách bảy dặm.

Rặng Đồng Bách sơn là nơi phát nguồn của giòng sông Hoài Giang, sơn vực rộng lớn, kéo dài hàng trăm dặm, rừng rậm bạt ngàn. Chính vì thế nó mới tích lũy được một lượng nước mưa và tuyết khổng lồ, cung cấp cho sông Hoài, qua hàng trăm con suối.

Như vậy, địa hình vùng sơn cước phía Đông rặng Đồng Bách bị chia cắt dữ dội bởi những dòng chảy từ trên sườn xuống, và đầy những đá tảng.

Rặng Đồng Bách có nhiều đỉnh, lấy theo tên gọi của đỉnh cao nhất ở chính giữa.

Trấn Hoài Nguyên nằm gần đỉnh này nhất, nên trở thành nơi tụ hội của những người trúng cổ độc!

Tuy đám nạn nhân chỉ độ hơn năm trăm nhưng trước tiết Trung thu, hào kiệt giang hồ đổ đến Hoài Nguyên lại đông gấp mấy lần.

Chẳng có gì là lạ vì hiếu kỳ, hiếu sự là cố tật của dân giang hồ!

Cuộc ước hẹn ngày rằm tháng tám của Vô Ưu giáo đã làm chấn động võ lâm, bảo sao không có đông người quan tâm?

Vả lại, quần hùng Phương Nam đang trên đường đi dự Đại hội võ lâm, tiện thể ghé vào Đồng Bách sơn xem thử thì cũng chẳng mất mát bao công sức!

* * * * *

Sáng ngày mười lăm, cha con Long Giác Thần Quân và mười thủ hạ xuất hiện ở trấn. Chỉ lát sau đã có người đến mời Thần quân đi gặp Lưỡng Quảng Thần Y.

Trong toà lữ điếm lớn nhất trấn, tất cả những nạn nhân của cổ trùng đều hiện diện, tụ tập ngoài vườn hoa.

Khương Quang Bật ngạc nhiên khi thấy họ cười nói vui vẻ chứ chẳng có chút lo lắng nào!

Doãn Nghệ thuyết giải thích:

– Bẩm Thần quân! Bắc Bình Hầu đã cung cấp cho lão phu ba ngàn lượng vàng để nghiên cứu giải dược.

May thay lão phu đã hoàn thành trọng trách được giao, trước mắt tìm ra cách vô hiệu hóa cổ trùng thêm nửa năm nữa. Đêm nay, khi hội ngộ với Vô Ưu giáo chúng ta sẽ tương kế tựu kế mà tiêu diệt!

Khương Thư Hàn hấp tấp nói:

– Thế thì mong Thần y ban ngay cho vãn bối một liều. Mấy tháng nay Hàn này ăn nghỉ không yên khi cổ trùng cứ ngọ ngoạy trong người!

Doãn lão cười đáp:

– Khương công tử cứ bước đến hỏi Bắc Bình Hầu, số giải dược kia là của ông ta!

Thư Hàn rảo bước đến cuối vườn, chắp tay vái dài.

Gã hầu tước gốc Mông Cổ chẳng đợi xin, trao ngay mười một viên thuốc nhỏ bằng hạt đậu!

Uống xong, gã quí tử của Long Giác Thần Quân chờ một lúc đã thấy cổ trùng nằm im, không quậy phá nữa, hoan hỉ vẫy mười tay kiếm Vô Thanh cốc đến để uống thuốc!

Long Giác Thần Quân ngấm ngầm quan sát Bắc Bình Hầu Bộc Nhĩ Đồ, nhưng chẳng hề phát hiện điều khả nghi.

Doãn thần y nói thêm:

– Thần quân cứ yên tâm! Nếu đêm nay chúng ta không bắt sống được Thiện Diện Thần thì cũng chẳng sao. Lão phu đã nuôi được một số Lục Nguyệt Tồi Tâm Cổ Trùng, chắc chắn sẽ tìm ra thuốc giải tận gốc! Lần này do thời gian quá gấp nên chưa thực hiện được rốt ráo!

Đôi mắt cú vọ của Khương Quang Bật lóe lên ánh vui mừng độc ác, vì đã nắm được quân bài chủ. Việc thu phục Tất Chinh Y rất khó khăn, nhưng khống chế Lưỡng Quảng Thần Y thì quá dễ.

Họ Khương gật gù:

– Hay lắm! Giết bao giờ cũng dễ hơn bắt sống mà tra hỏi thuốc giải! Sau trận này, Vô Thanh cốc sẽ cung cấp vàng bạc cho Doãn lão đệ bào chế thuốc.

Doãn Nghệ Khuyết hỏi lại:

– Nhưng chẳng hay Thần quân lần này mang theo bao nhiêu thủ hạ?

Khương lão đắc ý đáp:

– Gần năm trăm! Và còn có những cao thủ hạng nhất võ lâm!

Doãn lão hài lòng nói:

– Tuyệt diệu thực! Lão phu có một thiển kế, xin trình bày để Thần quân thẩm định!

Long Giác Thần Quân ra vẻ bao dung của bậc trưởng thượng:

– Lão đệ nói ta nghe thử?

Doãn Nghệ Khuyết hắng giọng:

– Bẩm Thần quân! Nay hào kiệt bốn phương kéo đến quá đông, không khỏi khiến cho Vô Ưu giáo e ngại. Do vậy, chắc chắn họ sẽ đưa chúng ta đến nơi kín đáo. Võ nghệ các anh em đây chẳng thể sánh với Vô Thanh cốc, e rằng sẽ khó thành công. Chi bằng, chúng ta dùng kế thay mận đổi đào, đưa quân tinh nhuệ vào sào huyệt đối phương để tạo thế bất ngờ. Tất nhiên là lão phu và Bắc Bình Hầu cũng đi để tránh sự nghi ngờ!

Long Giác Thần Quân vuốt râu suy nghĩ một lúc rồi gật đầu:

– Ý này cũng không tồi! Lão phu tán thành việc đưa người của mình thế vào! Nhưng các vị đây phải giám sát phía ngoài không cho phe địch đào tẩu!

Thần quân liền sai một thủ hạ đi thông báo kế hoạch cho phe nhà biết mà chuẩn bị.

Sẩm tối, Long Giác Thần Quân thống lĩnh đoàn người rời trấn Hoài Nguyên.

Những hào kiệt hiếu kỳ đã bám theo đông như kiến.

Khương Quang Bật lướt trở ra phía sau vận công quát lớn:

– Kẻ nào không giữ khoảng cách nửa dặm thì đừng trách lão phu độc ác!

Thế là những kẻ tò mò kia sợ khiếp vía, không dám đi gần đoàn người phó ước.

Lực lượng riêng của Long Giác Thần Quân đã phục sẵn trong cánh rừng thưa gần chân núi, và việc tráo người được thực hiện rất nhanh chóng.

Đám người được thay sẽ nằm im bất động, vài khắc sau mới âm thầm tiến vào, giả làm những kẻ đến quan chiến!

* * * * *

Nhắc lại, Long Giác Thần Quân cùng đoàn người cầm đuốc tiếp tục tiến lên, nửa canh giờ sau thì đến bãi loạn thạch rất lớn, nằm giữa cánh rừng và chân vách núi.

Trăng thu đã mọc đàng đông, vượt qua khỏi những tàn cây cao nhất, rọi sáng những tảng đá hình thù kỳ quái!

Thầu Quân vận công nói lớn:

– Vô Ưu giáo chủ! Bọn Lão phu đã y ước đến đây!

Trên sườn núi bỗng có tiếng người vọng xuống:

– Phía sau tảng đá lớn nhất gần vách núi có một cánh cửa. Các ngươi hãy theo lối ấy mà đi!

Khương Thần quân sai lão mặt sẹo đi kiểm tra thì thấy đúng như vậy.

Thạch môn chỉ cao hơn đầu người vài gang song lại đủ để bốn người sánh vai mà đi. Phía sau khung cửa này là một hẻm núi có nền khá bằng phẳng, chứng tỏ đã được bàn tay người sửa sang.

Khi người cuối cùng vào rồi, tảng đá phía trước đột nhiên chuyển động, áp sát vào che kín Thạch môn.

Thì ra nó chỉ là vật giả, đóng vai trò cánh cửa, phía dưới gắn con lăn để di chuyển bằng sức người hay sức kéo của cơ quan.

Hẻm núi dài ba dặm này đưa mọi người đến một tráng cỏ lớn, cây mọc thưa thớt, và có mấy chục dãy nhà dài vách gỗ, mái lợp lá, không một ánh đèn.

Gần khu vực thảo xá là khoảnh đất trống bằng phẳng, đang rực rỡ ánh đuốc của một đội quân Bạch y, đông độ hai trăm.

Long Giác Thần Quân dẫn thủ hạ lướt nhanh về phía ấy.

Đến nơi, lão phát hiện trên vai các Bạch Y Nhân đều khoát tay nải, chứng tỏ họ sắp rời bỏ căn cứ, vì đã bị lộ.

Đứng trước hàng quân tề chỉnh ấy là Giáo chủ Vô Ưu giáo và bốn lão Hộ pháp.

Thần quân phất tay ra hiệu, lập tức lực lượng phía sau tràn lên vây chặt phe đối phương.

Diễn biến này đã khiến Vô Ưu giáo chủ chấn động, quát hỏi:

– Khương Quang Bật! Lão tưởng có thể bắt sống ta mà lấy thuốc giải được sao? Lão lầm rồi, chỉ sau vài tiếng còi của bổn tọa là cổ trùng sẽ cắn nát tâm mạch của bọn ngươi!

Thần quân cười khanh khách:

– Tất Chinh Y. Lão cứ thổi cho ta nghe thử!

Bốn lão Hộ pháp nhất tề đưa còi sắt treo nơi cổ lên thổi, nào ngờ đối phương chẳng hề gì mà còn phá lên cười chế giễu!

Vô Ưu giáo chủ cay đắng rống lên:

– Khương lão quỷ! Tất mỗ không ngờ lại thua keo này, nhưng lão cũng đừng hòng sống mà thoát khỏi đây!

Thần quân chẳng thèm ừ hữ, ra lệnh tấn công ngay! Bản thân lão chọn Thiên Diện Thần làm mục tiêu, vì nếu để kẻ địch lợi hại, có tài biến hóa kia thoát thân thì sau này Vô Thanh cốc khó sống yên ổn.

Bốn lão Hộ pháp vô danh do Khương Thư Hàn, Tào Mật, Trương Thuật và một người đội nón rộng vành phụ trách.

Cuộc chiến diễn ra vô cùng khốc liệt chứ chẳng dễ dàng như Thần quân đã tính toán, dù phe lão đông gấp bội.

Bọn đệ tử Vô Ưu giáo, cả nam lẫn nữ, đều được trang bị độc phấn, độc châm, bù đắp cho sự yếu kém về võ công.

Do vậy, tiếng kêu la thảm khốc của cả hai phe vang lên não nuột, xác người la liệt phơi dưới ánh trăng vàng!

Đệ tử đã thế thì thượng cấp còn lợi hại hơn, Thiên Diện Thần và bốn Hộ pháp liên tiếp vung tả thủ phóng độc mịt mù, khiến đối phương phải e dè thoái bộ.

Võ nghệ của Tất Chinh Y chỉ kém Khương Quang Bật một bậc, nay có kỳ độc hỗ trợ nên lại chiếm thế thượng phong, vì họ Khương phải bế khí mời dám tiếp chiêu. Nhưng lợi thế ấy sẽ không bền vững vì độc phấn, độc châm chẳng phải là vô tận.

Người khởi đầu cho việc đảo lộn cục diện chính là tay kiếm đội nón rộng vành đang đấu với một lão Hộ pháp Vô Ưu giáo.

Dường như ông ta đã mất kiên nhẫn nên để lộ bản lãnh chân thực của mình, kiếm quang cuồn cuộn quanh thân, hóa thành đóa sen trắng trôi về phía kẻ địch.

Kiếm thuật của Đông Hải thần tăng còn cao hơn Long Giác Thần Quân thì đối phương làm sao chịu nổi.

Lão Hộ pháp xấu số rú lên rồi ngã gục.

Bọn Nam Cung Giao đứng im sau gốc cây quan chiến, nhận ra trụ trì chùa Phổ Đà, nhìn nhau thở dài.

Lát sau, Trịnh Tháo và Trịnh Mãng lén chủ nhân mà nhập cuộc, hỗ trợ phe Vô Thanh cốc.

Đông Hải thần tăng đã lao đến đối thủ của Khương Thư Hàn, xông qua màn độc phấn mà chém giết.

Chưa đầy nửa khắc, lão đã hạ sát đủ bốn tay đầu lĩnh của Vô Ưu giáo, rồi lao vút về phía trận địa của Long Giác Thần Quân và Thiên Diện Thần!

Trên đường đi, lão say máu lấy mạng những tên Bạch Y đáng thương, chẳng có gì giống một cao tăng cửa Phật!

Khí Thần tăng đến nơi, liên thủ với Long Giác Thần Quân thì tính mạng của Tất Chinh Y xem như đã xong.

Họ Tất điên cuồng chống cự một cách tuyệt vọng, nhưng sau vài chục chiêu đã bị đánh trúng đến bốn vết thương, lão gầm lên như hổ cùng đường, chẳng còn tiếc mạng sống nữa, dồn hết công lực vào chiêu kiếm cuối cùng, đổi mạng với Khương Quang Bật.

Nhưng Long Giác Thần Quân đã múa tít bảo kiếm, tạo thành bức tường thép kiên cố, chặn đứng đối phương lại, để Đông Hải thần tăng tập hậu.

Kết quả là lưng và ngực của Thiên Diện Thần bị hai thanh trường kiếm xuyên qua, chết đứng sừng sững, mắt trợn trừng đầy vẻ uất hận.

Song, hai kẻ thắng trận chưa kịp rút kiếm về thì nghe đùi sau đau nhức.

Có ai đó đã ám toán họ bằng Liễu Diệp Phi Đao!

Hai lão kinh hãi thu kiếm, quay phắt lại thủ thế, nhưng không thể xác định là ai, vì gần đấy là cuộc chiến của các đệ tử và bọn Bạch Y.

Họ chưa kịp nghi ngờ Trịnh Tháo và Trịnh Mãng thì quần hùng từ ngoài ùa vào như thác lũ, đuốc sáng rực trời!

Long Giác Thần Quân bực bội chửi:

– Bon ruồi nhặng này quả là đáng ghét, trận chiến tàn rồi còn vào làm gì nữa!

Quả thực là tên đệ tử cuối cùng của Vô Ưu giáo đã ngã xuống và đổi lại phe Thần quân cũng thương vong không dưới ba trăm.

Chất độc của đối phương đã là điều bất ngờ dành cho Vô Thanh cốc và Hồ bang!

Sài Tuấn không đến nhưng đã cho hai trăm bang chúng hỗ trợ Thần quân!

Song lạ thay, quần hùng chẳng hề thất vọng vì việc chậm chân, vẫn lướt đến nhanh như gió, và vây chặt bọn Long Giác Thần Quân.

Khương Quang Bật và Đông Hải thần tăng bàng hoàng khi đối phương lột nón, cởi khăn để lộ những chiếc đầu trọc, hoặc dung mạo quen thuộc.

Mộc Đông Sơ, Hội chủ Huyết Phủ hội gầm lên:

– Khương lão quỷ! Đêm nay lão phải đền tội lỗi đã gây ra trong suốt mấy chục năm qua!

Giờ đây, Long Giác Thần Quân mới hiểu mục đích của hai thanh Liễu Diệp Phi Đao. Đối phương cố tình ngăn ngừa sự đào tẩu của lão và Đông Hải thần tăng, để phải ở lại đây chịu trừng phạt.

Vóc dáng cao lớn của Bắc Bình Hầu hiện ra khiến lão thức ngộ tất cả, liền gầm lên:

– Nam Cung Giao! Ngươi hãy ra đây!

Vòng vây giãn ra, nhường chỗ cho chàng trai mặc áo lông, đội mũ cừu đính lam ngọc, bước vào. Lớp hóa trang đã được lột sạch, lộ rõ chân dung của Nam Cung Giao.

Chàng nghiêm giọng:

– Nếu lão chịu vung gươm tự sát, tại hạ hứa sẽ tha chết cho Khương Thư Hàn! Còn Đông Hải thần tăng thì hãy tự phế võ công!

Thần tăng cởi nón, cười nhạt:

– Ngươi chưa đủ tài để nói câu ấy!

Dứt lời, lão vận công, phóng nón tre về phía Nam Cung Giao, rồi ôm kiếm lao theo, mở đầu cho cuộc chiến tàn khốc!

Nam Cung Giao rút kiếm điểm nhẹ vào chiếc nón, khiến nó đổi hướng bay vút lên trời, rồi ung dung đón chiêu kiếm của Thần tăng.

Bên kia, Long Giác Thần Quân bị bảy lão già họ Mộc giáp công. Họ đã chờ đợi giây phút này lâu lắm rồi!

Khương Thư Hàn thì bị Hoàng Ưng bảo chủ và Yên Đài song sát vây đánh.

Long Giác Thần Quân chẳng hổ danh võ lâm đệ nhất hung thần, dù chân bị thương vẫn tả xung hữu đột, tung hoành giữa bẩy cây búa thép.

Bạch Vũ thiền sư thấy vậy, tung thiền trượng hỗ trợ anh em nhà họ Mộc.

Khương Quang Bật bắt đầu lúng túng vì bản lãnh của Thủ tòa La Hán đường Nam Cung minh chủ rất cao siêu. Lão vô cùng tuyệt vọng vì vòng vây quá dầy đạc, không hi vọng đưa ái tử thoát ra được!

Khương Quang Bật đang định tuyên bố quy hàng thì nhận ra chân khí mình bị đứt đoạn, có hiện tượng trúng độc. Tất nhiên, kiếm của lão bị thiền trượng đánh văng đi khi va chạm, và chẳng còn sức mà né tránh những nhát búa hận thù của bẩy anh em họ Mộc. Thân hình họ Khương bị chặt nát, thành một đống thịt xương hỗn độn!

Khương Thư Hàn bị tiếng gào thét của phụ thân chi phối, trúng ngay một trượng của Đại Sát Thân Công Hải, thủ cấp nát bấy!

Các đại cao thủ chạy đến trận địa của Nam Cung Giao và Đông Hải thần tăng, sẵn sàng xông vào khi gà nhà kém thế.

Thần tăng mặc Hắc y nên cả Nam Cung Giao lẫn người ngoài không nhận ra vết máu nơi đùi của lão.

Thương tích này không nặng, chỉ băng bó vài ngày là khỏi. Nhưng giờ đây nó tuôn máu theo từng cử động của nạn nhân, ngày càng rách lớn hơn, đau nhức khôn cùng. Một kẻ bị thương nơi đùi thì khả năng chạy nhảy sẽ bị hạn chế, dù cho đó là võ lâm Đệ nhất cao thủ.

Khinh công giảm thì kiếm chiêu cũng bớt phần lợi hại, khiến Thần tăng không sao giết ngay được kẻ kém tài mình. Song lão vẫn chiếm thượng phong, kiếm quang rực rỡ bao trùm trận địa.

Điều này làm cho một hán tử nhỏ người lo lắng, hậm hực hỏi Trịnh Tháo:

– Ngươi có hạ thủ lão ta chưa vậy?

Giọng nói thánh thót, trong trẻo này chẳng thể nào là của đàn ông?

Họ Trịnh cười đáp:

– Ngũ phu nhân yên tâm! Thuộc hạ đã đánh lén ai thì chẳng bao giờ thất bại! Lão quỷ kia chỉ sinh cường một lúc mà thôi!

Thì ra hán tử nhỏ người chính thị Lâm Bảo Thoa. Nàng lo sợ cho trượng phu nên đã sai anh em họ Trịnh ám toán hai lão ma đầu!

Ý kiến này là của các bà vợ trẻ, họ cần chồng nên đã cho phe đối phương nếm một chút độc ác của lòng dạ đàn bà!

Nam Cung Giao không hề được biết, chỉ tận lực đem hết sở học ra thi thố, tranh tài với tay kiếm lão thành, đáng bậc sư phụ mình.

Sau trận tử chiến cùng Tùy Hải chân nhân, kiếm thuật của chàng đã hoàn thiện hơn một bước. Dường như, càng gặp địch thủ cao cường chàng càng tiến bộ.

Nam Cung Giao phấn khởi vũ lộng thanh Lạc Điểu kiếm giải phá những chiêu xuất thần của Lạc Ca kiếm pháp, mấy lần suýt chết mà vẫn cao hứng.

Đông Hải thần tăng từng cho người ám toán chàng nên Thiết Khuyên Giáp không còn là lợi thế bất ngờ nữa!

Lão ta đã tập trung tấn công vào mặt, và tứ chi của Nam Cung Giao, đến chiêu thứ hai trăm lẻ đã vạch được ba vết thương nhẹ trên bắp tay chàng!

Bảo Thoa đau lòng nói lớn:

– Tướng công! Bọn thiếp xông vào nhé!

Thần tăng là đại kiếm thủ, lợi dụng cơ hội Nam Cung Giao lắc đầu, lập tức xuất chiêu “Bạch Liên Thiên Giáng” (sen trắng, từ trời rơi xuống) bốc lên không trung, kiếm quang phản chiếu ánh trăng rằm nên dài ra, bao trùm một phạm vi rộng hơn trượng, tựa đóa sen khổng lồ lật úp, xòe cánh nuốt chửng lấy mục tiêu.

Đối phương đã rời mặt đất, nên Nam Cung Giao không thể thi triển chiêu Vô Thủy Vô Minh, đành cắn răng xuất chiêu Trực Hồng Xạ Nhật (Mống thẳng bắn trăng).

Thân hình hòa với kiếm, hóa thành mũi tên bay vút lên, lao vào chính giữa đóa sen thép xanh biếc kia. Do Thần tăng sử dụng Thanh Quang bảo kiếm nên sen trắng hóa sen xanh!

Chiêu Trực Hồng Xạ Nhật cũng tương tự như chiêu Lạc Điểu Hoan Nguyệt, chỉ khác ở chỗ lực đạo tập trung cả vào ba điểm thay vì sáu, nên mãnh liệt hơn.

Nhưng dù sáu hay ba thì hiện tại Nam Cung Giao cũng đang hoàn toàn thất thế.

Đối phương đã chiếm thượng phong, từ trên cao đánh xuống với sức mạnh như núi đổ. Người thân của chàng kinh hoàng thét lên nhưng không sao can thiệp kịp!

Mũi tên bạc phạm vào những cánh sen xanh biếc, vang nên những âm thanh chát chúa, song phương nhập vào thành một khối, cùng rơi xuống đất, kèm theo tiếng rên tức nghẹn!

Mọi người định thần nhìn lại thì thấy kiếm của Nam Cung Giao đang xuyên qua lồng ngực Thần tăng, trổ ra sau lưng một đoạn ngắn.

Khi mừng quá người ta cứng chết lặng, nên không khí im lìm, rồi lát sau vỡ vụn vì tiếng reo hò vang dậy!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận