Tiểu Thúc Thúc (Chú Nhỏ) - Úc Hoa

Chương 19


Sau đó, cả ngày Trình Dục chỉ ngẩn ngơ, lúc chiều uống nước còn không cẩn thận làm bỏng tay. Chu Hoành Viễn nhìn thấy thì bất giác cau mày, tự dưng nó bỗng thấy hơi buồn cười, chú út nó lúc nào cũng là người nói lời trấn an người khác, nhưng đến phiên mình thì lại để tâm vô cùng. Nghĩ đến đây, Chu Hoành Viễn âm thầm lắc đầu, thậm chí còn có chút khó chịu vì sao bản thân lại nói ra sự thật với Trình Dục làm gì.

Chỉ là, dù sao thì người đó đã đi rồi, cảm tình gì đó cũng biến mất từ lâu, tâm trạng chán nản của Trình Dục cũng chẳng kéo dài mãi, đến tối anh lại như thường trở lại. Lúc này Chu Hoành Viễn mới xem như là yên lòng, nó sợ Trình Dục lại nghĩ đến cái chết của Chu Quân nên mới quấn lấy Trình Dục nói luyên thuyên cả buổi.

Trình Dục biết Chu Hoành Viễn là một đứa bé trầm tĩnh, thường ngày nó toàn im thin thít, thế mà lúc này ồn ào như vậy chỉ để dời đi sự chú ý của anh. Trong lòng anh ấm áp, cũng không muốn đứa cháu trai nhỏ của mình lo lắng nên càng làm ra vẻ vui vẻ mà thoải mái.

Cuối tuần nào Trình Dục cũng giúp Chu Hoành Viễn ôn tập, hơn nữa cũng sắp đến lúc phải thi cuối kỳ, hai người họ càng phải tranh thủ thời gian, tuyệt đối không thể lơ là.

Lúc đầu, Chu Hoành Viễn có hơi ngại việc Trình Dục ôn bài với nó sẽ làm anh thấy mệt mỏi, thế nhưng Trình Dục chỉ cười cười rồi nói, “Có chút bài này thôi mà, coi như chú xem để thư giãn đi, có gì vất vả đâu.” Cứ như vậy, Chu Hoành Viễn cũng cảm thấy nhẹ nhõm. Khỏi phải nói kỳ thi này có ý nghĩa thế nào đối với nó, nó còn ước gì người chú xuất sắc này có thể dạy cho nó nhiều thứ hơn nữa.

Vào giữa tháng 1, kỳ thi cuối kỳ cuối cùng cũng đến như dự kiến. Trường trung học cơ sở này tuy là có chất lượng giảng dạy xếp cuối cùng trong thành phố, thế nhưng họ lại rất coi trọng kỳ thi cuối kỳ, phòng thi được chia theo kết quả giữa kỳ, phòng thi đầu tiên đến phòng thi thứ mười được xếp theo thứ tự từ lớp 1 đến lớp 10.

Vì trước đó Chu Hoành Viễn xin nghỉ ốm nên bỏ lỡ kỳ thi giữa kỳ, đương nhiên sẽ được xếp vào phòng thi thứ mười. Lớp 10 nằm ở một góc trên tầng ba của toà nhà giảng dạy, cũng là phòng thi duy nhất trên tầng ba, đối với Chu Hoành Viễn đó là một vị trí vô cùng chướng mắt.

Môn thi đầu tiên là Ngữ Văn, Chu Hoành Viễn đi theo dòng người từ lầu một leo lên lầu hai, cuối cùng chỉ còn một vài người lẻ tẻ đi theo nó lên tầng ba. Mặt nó đỏ bừng, xấu hổ đến mức chỉ muốn tìm một vết nứt để chui tọt vào. Vất vả lắm mới đến được phòng thi, thế mà chỗ nó ngồi lại là hàng ghế cuối cùng.

Vừa ngồi xuống, nó liền cúi đầu thật sâu, không muốn nhìn thấy ai chứ đừng nói là bị ai nhìn thấy. Ngồi hàng cuối trong lớp đứng cuối, đây là vị trí hiện tại của nó trong ngôi trường này. Nó nắm thật chặt cây bút gel trong tay, yên lặng nghĩ.

Thầy giám thị là một người đàn ông gầy gò với vẻ mặt ủ rũ, vừa bước vào phòng đã ném một xấp bài thi lên bục giảng, “Tôi biết là ai ngồi ở đây cũng khôn vặt[1] cả, các cô cậu cẩn thận đấy, bị tôi bắt tận tay thì khỏi cần phải thi nữa, cứ tự giác bước ra ngoài không cần quay đầu lại.”

[1] Từ gốc: 省油的灯, ý nói về những người giỏi giang khôn khéo nhưng thường được dùng với nghĩa tiêu cực, tức là những người này không dễ đối phó

Mấy đứa ngồi ở đây cũng chả phải người thường, sau khi nghe thầy giám thị nói vậy thì bên dưới lập tức náo động hẳn lên. Chu Hoành Viễn không tham dự vào trận ồn ào đó, nó ngồi yên lặng, không biết nói gì, trong đầu thầm nghĩ chỉ muốn trốn đi thật xa.

Người đàn ông gầy gò lạnh lùng nhìn lướt qua toàn lớp, sau đó cầm đồ lên lau bảng, dùng sức đập “rầm rầm” lên bảng tạo ra tiếng vang rất lớn, khiến tất cả học sinh ở đây ai cũng hết hồn, liếc nhau một cái bèn lựa chọn kẹp đuôi làm người, im miệng không dám nói nữa.

Trình độ Ngữ văn của Chu Hoành Viễn vẫn luôn rất tốt, từ phát âm, viết chữ, đặt câu, chữa câu sai, đến phân tích thơ cổ và thuộc lòng đoạn văn, Chu Hoành Viễn đều đã chuẩn bị rất kỹ càng. Có thể là bài đọc này chưa từng gặp, nhưng bản chất thì vẫn thế, Chu Hoành Viễn làm bài cứ phải gọi là thuận tay vô cùng. Đề bài cũng khá bình thường, sau khi soạn xong dàn ý, Chu Hoành Viễn đặt bút xuống một đường trôi chảy viết đến cuối.

Nộp bài xong, Chu Hoành Viễn mới thở phào nhẹ nhõm.

Giữa môn Ngữ văn đầu tiên với môn Chính trị tiếp theo có khoảng nghỉ 20 phút giữa giờ. Các học sinh khác ai cũng vội vàng đi ra ngoài hít thở, chỉ có Chu Hoành Viễn ngay cả vệ sinh cũng chẳng muốn đi. Nó ủ dột nằm úp sấp lên bàn, sợ có người nhìn thấy.

Bài thi môn Chính trị của năm đầu trung học cơ sở gần như chỉ là bài kiểm tra trí nhớ, mọi câu hỏi đều đã được thầy cô ôn tập trong lớp rồi, Chu Hoành Viễn hoàn thành bài thi mà không gặp trở ngại gì, lúc làm xong nó thậm chí còn thấy chưa đủ thoả mãn.

Hai môn thi buổi chiều là Toán và Sinh học. Tục ngữ có câu, giỏi toán có thiên hạ, trong bảy môn học của khối lớp 7, môn Toán có thể xem như là môn có tính phân loại nhất. Giờ đây Chu Hoành Viễn đã không còn là kẻ kém coi như lúc mới vào học nữa, lúc này Toán đã trở thành môn học ưu thế của nó rồi, bài có khó nhưng không làm khó được nó, nó một đường đánh đâu thắng đó, gặp thần giết thần, gặp Phật chém Phật, duy chỉ có một ý nhỏ của câu cuối cùng làm nó hơi do dự mà thôi.

Kết thúc một ngày thi cử, trên đường về nhà, Chu Hoành Viễn tình cờ gặp được Trịnh Minh Khôn. Trịnh Minh Khôn vừa thấy nó là lên cơn nghiện kịch, mở miệng nói đầy hùng hồn, cứ lải nhải, “Hết hi vọng, hết hi vọng thật rồi.” Chu Hoành Viễn lười để ý cậu, tên này lần nào đi thi về cũng nói thế, nhưng kết quả ra không phải hạng nhất thì cũng hạng nhỉ.


Trịnh Minh Khôn thấy Chu Hoành Viễn phớt lờ mình thì cũng không có biểu cảm gì, dù sao bản thân cậu cũng có thể một mình diễn kịch, cơ bản là chả cần ai phối hợp.

Trên đường về, Chu Hoành Viễn cứ nghĩ mãi về việc Trình Dục sẽ hỏi thăm nó về vấn đề thi cử, thậm chí nó còn nhiều lần cân nhắc nên trả lời như thế nào mới được. Nó có nên thật thà nói thẳng, nói mình thi rất tốt không? Thôi thì cứ chê trước khen sau đi, mình phải khiêm tốn trước đã.

Nhưng mà điều nó không nghĩ tới, là sau khi về đến nhà, Trình Dục hầu như không đề cập gì đến chuyện này, anh chỉ nấu ăn như thường, sau đó ăn cơm, giúp nó ôn bài, rồi giục nó rửa mặt đi ngủ, giống như là hôm nay không phải ngày thi vậy.

Chu Hoành Viễn không hiểu ra sao, nằm trong bóng đêm, nhịn không được bèn hỏi Trình Dục, “Chú ơi, chú không hỏi con thi cử thế nào à?”

Trình Dục vừa nghe nó nói những lời này đã vui vẻ hẳn lên, nói, “Ồ, làm bài cũng không tệ lắm phải không?”

Chu Hoành Viễn nhất thời không kịp phản ứng, “Dạ?” một tiếng, lại nghe được Trình Dục cười, nói, “Còn hỏi cái gì nữa, chú tin con mà.”

Lòng Chu Hoành Viễn ấm áp, nửa ngày không nói ra lời, qua hồi lâu, nó mới nhỏ giọng “Dạ” một tiếng.

Trình Dục dựa gần vào nó, vươn tay xoa xoa đầu nó, nói, “Đừng quan tâm đến việc thi tốt hay không tốt, con là cháu trai của chú, không cần phải tự tạo áp lực cho mình.”

Chu Hoành Viễn cắn cắn môi.

Từ nhỏ đến lớn, nó vẫn luôn là người nổi bật trong số các bạn đồng trang lứa, ba mẹ của nó cũng từng khen ngợi nó hết lời trước mặt người khác, tuy nhiên, những lời khen ngoài mặt này cũng chỉ là công cụ để hai con người đó giữ mặt mũi của bọn họ mà thôi. Về đến nhà, chờ đợi nó vẫn chỉ là sự lạnh nhạt thờ ơ ngày qua ngày. Không một ngụm canh nóng, không một lần dạy kèm, không một lời tâm sự, càng không có câu nào với chính mình.

Giờ đây, mọi chuyện đã khác, nó có một người chú luôn sẵn lòng chăm lo cho nó, dạy nó học, an ủi và cảm thông, cuộc sống hiện tại là niềm hạnh phúc trọn vẹn mà nó chưa bao giờ dám tơ tưởng đến. Thế mà người chú đã vì nó hi sinh rất nhiều tâm huyết lại nhẹ nhàng nói với nó, thi tốt hay không không quan trọng, dù có làm bài không tốt, cháu vẫn là cháu của chú.

Giờ khắc này, mũi Chu Hoành Viễn có hơi xon xót, nó rất muốn nhào vào trong ngực Trình Dục để dụi dụi, làm nũng, nhưng cuối cùng chỉ thản nhiên nói một câu, “Con biết rồi.”

Chu Hoành Viễn biết, cho dù mình có một trăm lần làm nũng với Trình Dục, một ngàn lần dựa dẫm vào Trình Dục, thì cũng sẽ không có lần nào vì lí do này.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận