Tinh Hỏa

Chương 21: 21: Nhiệm Vụ Tông Môn



Nhiệm vụ đầu tiên Tử Huyền Môn giao cho Đàm là đi tăng viện nhân lực cho một trụ sở bí mật của tông môn tại kinh thành Ngao Quốc, một quốc gia nằm sát bờ biển.

Công việc cụ thể ra sao thì khi đến nơi sẽ được thượng cấp an bài.

Điểm công trạng là 600, thù lao 360 Tinh Thạch, ứng trước 100, hoàn thành nhiệm vụ sẽ nhận nốt 260 cùng điểm công trạng.
Thời gian vẫn còn khá nhiều, Đàm Phi chưa vội khởi hành mà lượn qua Phường Thị xem xét, gã cũng cần mua sắm vài thứ thiết yếu cho chuyến hạ sơn này.
Đang tản bộ giữa những quầy hàng bày bán mấy thứ đồ tạp nham, bất giác gã cảm nhận được luồng khí tức quen thuộc, gã xoay người nhìn về phía sau.
Một thiếu nữ da trắng bóc, chiếc má múm xinh xinh khiêu khích, đôi môi đỏ mọng nhếch lên tựa cười mà không phải cười, cặp mắt trong trẻo ướt át, chan chứa vạn lời muốn nói.

Cẩm Tú Tú đứng đó, chỉ cách có bốn trượng, nàng nhìn gã đầy phức tạp.
Gã bước vội về phía nàng, còn chưa kịp mở miệng đã nghe văng vẳng tiếng ngọc bên tai:
– Tên Đầu Đất… tưởng ngươi biến mất khỏi thế gian rồi chứ!
Gã cười gượng gạo:
– Cẩm Tú tỷ rời Tàng Quân Phong khi nào? Thời gian qua đệ bị việc tu hành quấn lấy nên ít khi ra khỏi động phủ.
– Gọi ta là Tú Tú đi, nhắc ngươi nhiền lần rồi nha! – Tú Tú làm bộ giận dỗi.
Đàm nhe răng cười:
– Tú Tú tỷ… hê hê…!
Cẩm Tú nguýt dài:
– Chưa thấy thành ý…!
Vừa đi vừa chuyện phiếm, bất giác hai người đã ra khỏi phạm vi Phường Thị.
– Vậy là làm nhiệm vụ tông môn những ba năm, lúc ngươi quay về có lẽ ta đã thành bà lão.

– Ngữ khí Tú Tú có vẻ oán trách.
Đàm Phi xoa cằm, mặc dù cằm gã không một sợi râu:
– Ba năm hay ba mươi năm với tu tiên giả chỉ là cái chớp mắt, sư tỷ rộn lên cái gì?
– Ngươi… đồ đầu đất thì hiểu cái gì!?

***
Địa giới của Tử Huyền Môn rất lớn, chiều dài địa giới bao trọn cả dãy Ma Thiên Lãnh khoảng hơn hai ngàn dăm, tiếp giáp với bốn quốc gia là Hoàng Hoa Đế Quốc, Việt Quốc, Ngao Quốc và Xích Thổ Quốc.

Quãng đường mà Đàm Phi phải di chuyển là từ vùng lõi của tông môn đến cấm chế tiếp giáp với Ngao Quốc, ngược hướng với lối đi Việt Quốc.


Ngự Đao phi hành thật thú vị, cảm giác như một cánh chim tự do khám phá thế giới.

Gã lướt qua những cánh đồng Linh Mễ rộng bát ngát, nhìn bên dưới tựa như một biển vàng óng dưới ánh nắng, xa xa trập trùng đồi núi và rừng già xanh thẳm.

Quãng thời gian ở Tử Huyền Môn quá ngắn ngủi, gã chưa có dịp khám phá hết những địa danh huyền diệu nơi đây.

Phần xa vùng lõi tông môn nhất chính là Tử Uyên, nơi các vị sư huynh Thượng Linh Sư vẫn thường đi săn giết Yêu Thú.
Dọc đường ly khai tông môn, gã chạm mặt hai tốp môn nhân tuần tra cảnh vệ, cả hai nhóm đều khá lạ lẫm và hiếu kỳ khi biết gã hạ sơn đi Ngao Quốc làm nhiệm vụ.
Xa xa đã thấy màn chướng khí trắng mờ ẩn hiện, báo hiệu gã đã đến biên giới của tông môn với Ngao Quốc, cảm giác hồi hộp khó tả, gã quay đầu lại, thu toàn bộ khung cảnh Ma Thiên Lãnh vào trong mắt lần cuối rồi dứt khoát phi thẳng vào đám sương mù trước mặt.

Hơn sáu năm tại Tử Huyền Môn, tuy thời gian không nhiều những cũng là một phần ký ức tươi đẹp trong tâm khảm, không bao giờ gã quên.
Sương mù mờ ảo không làm khó được Đàm, Nguyệt Mục Phá Huyễn Thuật chớp động tinh quang trong mắt, gã cứ một mạch bay thẳng không dừng lại.

Trước mắt xuất hiện một quả núi nhỏ, đến gần lại không phải là núi mà chễm chệ một con dị thú thân Sư Tử, đầu Báo với đôi Nhục Sí(1) rất dữ tợn.
Đây là Thôn Vân Nhả Vụ Thú do Tông môn bồi dưỡng, Tử Huyền Môn có tổng cộng tám con, được phân bố tọa trấn tại tám lối ra khỏi mê vụ, không thể xác định được cảnh giới của yêu thú này, nhưng đều từ cấp ba trở lên.
Đàm Phi bay đến gần Yêu Thú giơ lệnh bài thân phận lên cung kính:
– Đệ tử Đàm Phi, phụng mệnh ly khai tông môn làm nhiệm vụ.
Thôn Vân Thú không để ý đến gã Tiểu Linh Sư nho nhỏ kiến hôi trước mặt, nó vẫn giữ tư thế ngồi chồm hỗm, đớp đớp cái miệng khổng lồ vào không khí rồi thở ra hai lằn sương khói trắng xóa qua hai lỗ mũi, chi trước đầy móng vuốt nhấc lên vẩy vẩy ra vẻ “Ta biết, ngươi đi đi”.

Đàm Phi thấy ám hiệu vội gật đầu với Yêu Thú rồi ngự đao bay đi.
Thoát ra khỏi mê vụ, đập vào mắt Đàm Phi là một vùng đầm lầy rộng mênh mông vô tận.

Những cành cây chết khô khẳng khiu nằm rải rác trên bùn nhão, vài con quạ đen đậu trên cành, con rỉa lông, con kêu “quác quác” vang vọng giữa không gian u ám tịnh mịch.
Gã lấy tấm bản đồ Ngao Quốc ra xem xét lại vị trí cho chính xác, đây đúng là ‘Tử Lâm Đàm’, nơi biên cảnh hoang vu nhất của Ngao Quốc.

Từ đây tới Kinh Đô Ngao Quốc phải phi hành liên tục ba ngày, cưỡi Bạch Diệp Liên ít mất sức hơn thì năm ngày, gã dự định sẽ sử dụng cả hai phương tiện này tùy thời.
Cất tấm bản đồ vào người, gã lật tay lấy ra túi vải tiền lộ phí mà tông môn ban cho, trong túi có hơn chục Đĩnh Bạc và ít bạc vụn.

Gã thầm mỉm cười, khi còn ở Việt Quốc, thời điểm gia cảnh sa sút thì túi bạc này đúng là một khoản kếch xù.

Tạm quên đi cố sự, gã ngự đao chuẩn phương hướng rồi bay đi.
Đàm Phi bay đến lân cận một tòa thành thị gần nhất, chọn chỗ vắng vẻ bên ngoài thành rồi thủng thẳng đi bộ vào thành.


Đám quan binh gác cổng cũng không gây khó dễ cho gã.

Hiện giờ gã vẫn ăn vận y phục Tử Huyền Môn, loáng thoáng như một gã công tử con nhà quyền thế.
Thành trì nằm chốn sơn biên, nơi tiếp giáp với Tử Lâm Đàm nên chẳng bao giờ biết đến cảnh giặc dã, nhịp sống của dân chúng vì vậy mà thanh bình yên ổn.

Gã tìm kiếm một tiệm may không khó, vào mua một bộ y phục thường nhân, tiện thể hỏi thăm một chút thông tin về nhân sinh nơi đây.
Trời đã ngả bóng chiều, Đàm dự định ở lại trong thành một đêm, sáng mai tiếp tục khởi hành, gã cần hồi phục đầy đủ pháp lực sau quãng đường dài phi hành từ Tử Huyền Môn tới đây.
Phía xa xa có một khách điếm nhỏ, gã lững thững đi bộ về phía đó, mắt đảo qua lại ngắm cảnh sinh hoạt của thị dân Ngao Quốc, cũng chẳng khác dân Việt Quốc quê hương gã.

Trang phục vẫn vậy, chỉ khác là đơn giản hơn, nhà cửa kiến trúc cũng na ná.

Quan lộ khá lớn, gã nhấc chân định bước sang phần lối đi bộ bên kia.
Bỗng có tiếng vó ngựa gấp gáp gõ trên nền đá, một thớt ngựa dũng mãnh đang lao tới, trên lưng là một vị công tử trẻ tuổi mang vẻ mặt khẩn trương.

Dân chúng đi lại thấy vậy đều dạt ra rìa đường tránh lối.

Một thiếu phụ dắt con do chạy vội, vô ý trượt chân ngã sấp mặt làm tiểu hài tử tuột tay lăn ra đường lớn.

Vị công tử cưỡi ngựa dường như không đếm xỉa gì đến hài tử vừa lăn ra đường, hắn vẫn tiếp tục thúc ngựa phi nước đại lao về phía trước bất chấp tiếng gào thét của thiếu phụ.

Chúng nhân sắp phải chứng kiến màn tang tóc ngoài ý muốn.
Một cơn gió không biết từ đâu cuốn lấy tiểu hài đẩy nó lăn sát vào vệ đường, cứu nó một mạng.

Đứa bé khóc òa lên vì hoảng hốt, thiếu phụ vội chạy đến ôm con vào lòng an ủi vỗ về, dân chúng quanh đó thì chỉ trỏ, chửi bới tên công tử khốn nạn om sòm cả lên.

Mọi người đổ xô đến chúc mừng hài nhi mạng lớn, được ‘Ông Bà, Ông Vải’ phù hộ.
Đàm Phi tủm tỉm bước đi, hóa ra gã đang làm việc cho Ông Bà, Ông Vải nhà người ta.
Khách Điếm trước mặt khá tồi tàn, cũng phải thôi vì ở cái xứ biên cảnh xa xôi thì lấy đâu ra khách xộp, cùng lắm là mấy tên Thổ Phỉ cơ nhỡ mò đến xó xỉnh này.

Đàm bước vào trong thuê phòng nghỉ qua đêm.


Trưởng quầy là một gã béo có khuôn mặt tròn trịa được cắm thêm ba cọng râu như ba cọng hành cắm trên củ khoai.
– Khách quan thuê trọ dài ngày hay thế nào?
– Qua đêm, sáng mai đi luôn! – Đàm trả lời.
Trưởng quầy đưa cho gã khóa phòng cùng vài thứ lặt vặt, hướng dẫn đôi điều rồi trở lại làm việc.
Gã quay người đi vào phía trong, bất chợt cảm ứng được hai luồng khí tức tu tiên giả đang di chuyển lại gần khách điếm.

Gã vội đi thẳng ra hậu viện, tìm phòng của mình rồi đóng cửa ngồi tĩnh tọa.

Văng vẳng bên tai tiếng tên béo trưởng quầy đón tiếp hai vị khách là cặp phu phụ đến thuê phòng.
Linh khí ở đây mỏng manh đến đáng thương, khác biệt một trời một vực với địa bàn Tử Huyền Môn.

Đợi đến lúc trời tối, gã phi thân lên nóc nhà, nằm ngắm nhìn bầu trời đêm.
Một giọng nam tử trầm ổn bỗng cất lên:
– Tiểu huynh đệ là môn hạ Tử Huyền Môn?
Đàm Phi vẫn tư thế nằm ườn trên mái ngói lười biếng trả lời ngược:
– Huynh đài dò xét tại hạ từ khi bước vào đây, phải chăng là người Tử Huyền Môn?
Nam tử dáng người đậm, mặt vuông tai lớn, đặc biệt là đôi lông mày rậm rạp như hai con sâu róm bò vắt qua trán, hắn cười cười:
– Chúng ta làm gì có phúc phận đó, chỉ dám đứng từ xa mà mơ tưởng.
Đàm Phi cũng cười buồn:
– Tại hạ phận mỏng, cũng giống nhị vị thôi!
Tên Sâu Róm bắt sóng cực nhanh:
– Vậy tiểu huynh đệ là người của gia tộc nào tại Ngao Quốc? Hay là Tán Tu?
– Tại hạ thuộc một gia tộc nhỏ không đáng nhắc tới!
Nam tử thấy lối trả lời lập lờ của Đàm không khỏi nhíu mày, tuy nhiên theo đánh giá của hắn thì đây là một tên oắt con ở một gia tộc tu tiên nào đó muốn ra ngoài lịch duyệt, sợ làm điều sằng bậy rồi không muốn khai báo nhân thân.

Hắn giới thiệu:
– Ta là Hồ Duy Hiếu, Tán Tu vô môn vô phái, người đi cùng ta chắc tiểu đệ cũng nắm được, đó là hiền thê của ta.
Đàm Phi bâng quơ:
– Đại tẩu dường như trong người mang bệnh?
Hồ Duy Hiếu giật mình, gã lắp bắp:
– Tại… tại sao tiểu huynh đệ biết được? Thú thật với đệ, trên đường bôn ba chúng ta gặp phải cường địch, hiền thê bị trúng ám chiêu nên mới ra nông nỗi này.

Dự định nghỉ lại đây một đêm rồi mai chúng ta lên đường tìm Thần Y chữa trị.
Ngừng một hơi, Duy Hiếu lại thao thao bất tuyệt:
– Nhìn tiểu đệ tuổi không lớn, chắc là bỏ nhà đi lịch duyệt cảm ngộ nhân sinh thì phải.

Thứ cho tại hạ lắm lời, tiên đạo hiểm ác, một mình ra ngoài như thế này rất không an toàn, chi bằng ngày mai chúng ta kết đội đi chung, trên đường còn chiếu cố được cho nhau đỡ bị kẻ xấu hành hung.


Vậy tiểu huynh đệ tên gì? Định đi đâu?
Đàm Phi khéo léo từ chối, gã nghĩ ra một cái tên rất vu vơ:
– Tại hạ họ Phan tên Anh, đa tạ hảo ý của Hồ huynh! Tại hạ có thói quen độc lai độc vãng, mong Hồ Huynh thông cảm…!
Sáng sớm ngày hôm sau, Đàm Phi vội vã rời khỏi khách điếm đi ra ngoại vi tiểu thành, đến một nơi vắng vẻ, gã tế ra Liệt Không Đao nhằm hướng Kinh Đô Ngao Quốc bay đi.

Cặp phu phụ Hồ Duy Hiếu còn khởi hành trước cả gã, đôi vợ chồng này lai lịch bất minh, gã không muốn dính vào phiền phức nên đã từ chối ngay từ ban đầu.
Ngự đao phi hành khoảng ba canh giờ gã lại đổi sang cưỡi Bạch Diệp Liên để hồi phục pháp lực, gã cố tình tránh xa các tòa thành thị trên đường đi nhưng vẫn giữ lộ tuyến đã định sẵn.

Đêm đến, gã tìm một nơi vắng vẻ có nhiều cây cối để nghỉ ngơi tĩnh tọa.
Đến ngày thứ ba.
Khi đang phi hành qua một dãy núi hoang vu, phía dưới là thảm rừng già xanh mướt, gã bất giác phát hiện hai luồng khí tức khá quen.

Không muốn vướng vào rắc rối, gã đổi phương hướng bay đi.
Hai người kia dường như đã có sự tính toán từ trước.

Một kẻ từ trong rừng vọt ra chặn trước mặt gã, người còn lại bọc hậu phía sau vây gã vào giữa tạo thế gọng kìm.

Hai người này không hề xa lạ, chính là cặp phu phụ ở trọ cùng khách điếm với gã.
Nam nhân Hồ Duy Hiếu lúc này đã lộ rõ bản chất kẻ cướp, mặt hắn dữ tợn nhìn xoáy vào mắt Đàm Phi.

Nữ nhân chặn hậu đằng sau do đeo mạng che mặt nên không thể nhìn rõ dung nhan ả, cả hai đều ở cảnh giới Tiểu Linh Sư.

Duy Hiếu nhướng cặp cặp lông mày sâu róm lên gằn giọng:
– Tiểu tử thối, đừng tưởng cảnh giác là có thể thoát khỏi bọn ta.

Khôn hồn thì giao nộp hết tài sản ra đây, lão ca sẽ cho ngươi một con đường sống.
Từ khi gặp hai tên tán tu này, Đàm đã nhìn ra huyễn thuật giả bệnh của ả thiếu phụ kia, vậy nên gã mới một mực tránh né họ.

Không ngờ hai kẻ này đã có chủ đích với gã, ngày hôm nay hai kẻ kia không phế thì mạng gã cũng tàn, gã không nói nhiều, chỉ phun ra một câu:
– Có bản lãnh thì qua đây đi!
Dứt lời, Đàm ngự đao phi thẳng xuống cánh rừng già bên dưới trốn mất dạng.
(1) Nhục Sí: Cách Thịt hoặc Cánh Dơi(Đại loại là không có lông)
– Hết Chương 21 –
(1) Khôi Lỗi: Con Rối.
(2) Hắc Nghĩ: Kiến Đen.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận