Tổ Ấm Nơi Tận Cùng Thế Giới

Chương 3-7


BOBBY

Đã quá nửa đêm. Những đám mây cuồn cuộn băng qua trên hành trình dài đến với Đại Tây Dương từ tâm lục địa. Mặt trăng tròn tỏa sáng rực rỡ qua cửa sổ phòng ngủ của chúng tôi. Khi bước đi trên sàn nhà sáng ánh trăng, tôi dừng lại để ngắm Jonathan và Clare, đang say ngủ trong bóng tối phía cửa sổ mái. Nàng phát ra tiếng ngáy nhè nhẹ, như đang khẽ thổi những quả bong bóng. Còn cậu nằm nghiêng đầu xa khỏi nàng, như thể cậu đang mơ một giấc mơ ồn ào và không muốn làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của nàng.

Tôi đi dọc theo hành lang và gõ cửa, nhưng không đợi tiếng đáp lại. Căn phòng đó nằm bên phía không có ánh trăng của ngôi nhà – nó vẫn chìm trong bóng tối dày đặc. Tôi đứng một lúc bên cửa, rồi thì thầm: “Erich?”

“Vâng?”

“Anh đang ngủ à?”

“Không. Ừm, không. Thực sự thì không.”

“Tôi chỉ, anh biết đấy. Tôi muốn chắc chắn rằng anh cảm thấy thoải mái.”

“Vâng,” anh nói. “Chiếc giường tốt lắm.”

Đầu anh là một chấm đen đang cử động ở mép của tấm chăn sáng màu. Tôi lờ mờ trông thấy anh: mắt anh và cái trán dô của anh. Căn phòng không có mùi bệnh tật.

“Đó là cái giường cũ của Clare,” tôi nói. “Ừm, của Clare và tôi, trong một thời gian. Giờ thì nó là của Jonathan và chúng tôi có, anh biết đấy, một cái khác rồi.”

“Nó quả là một cái giường tốt. Không quá mềm. Tôi luôn nghĩ rằng ở nông thôn người ta thường có những cái giường mềm.”

“Đôi khi có chuột chui vào đâu đấy,” tôi nói. “Chúng tôi cứ nói là sẽ bẫy nó, nhưng chẳng bao giờ làm. Tôi không chắc liệu chúng tôi có thực sự, anh biết đấy, đủ cẩn thận để là người thôn quê không.”

“Có lẽ lũ chuột ở đây cũng sạch sẽ hơn,” anh nói. “Có lẽ chúng giống những con vật thực thụ hơn.”

Một sự im lặng trôi qua. Sau một thoáng, chúng tôi nghe thấy tiếng chuột cào cào bên trong bức tường. Chúng tôi bật cười.

“Ở New York anh có, ờ, người nào chăm sóc anh không?” Tôi hỏi.

“Ừm, có những tình nguyện viên,” anh nói. “Nếu tôi cảm thấy thực sự ốm yếu, tôi có thể gọi điện đến một trong những trung tâm đó.”

“Còn về gia đình anh thì sao?”

“Gia đình tôi đã từ tôi.”

“Họ sẽ không giúp đỡ anh à?” Tôi hỏi.

“Họ thậm chí còn không nói chuyện với tôi. Tôi như đã chết rồi. Chị gái tôi có gọi điện, nhưng chị ấy sẽ không muốn cùng ở một phòng với tôi đâu. Chị ấy nghĩ lũ con của chị ấy có thể bị lây bệnh.”

“Anh vẫn có việc làm chứ?” Tôi hỏi.

“Không. Không, họ đã sa thải tôi vài tuần trước, sau khi tôi phải vào viện vì chứng viêm phổi.”

“Còn các bạn anh?”

“Vài người trong số họ đã chết năm ngoái. Họ đã ra đi như thế, ba người, ờ, trong sáu tháng. Cậu bạn mà tôi luôn coi là bạn thân nhất thì yếu hơn tôi, cậu ấy đang nằm viện. Cậu ấy chẳng nhận ra ai cả trừ phi hôm đó cậu ấy cực kì dễ chịu.”

“Anh có sợ không?” Tôi hỏi.

“Theo anh thì sao?”

“Có. Ừm, tôi cũng sẽ thấy sợ.”

Anh thở dài. “Thế mà có lúc tôi không sợ đâu,” anh nó. “Nó cũng chỉ là một việc đến rồi đi thôi mà. Nhưng giờ đây mỗi giây mỗi phút đều đã khác. Ngay cả khi tôi không sợ, mọi thứ cũng vẫn khác. Tôi cảm thấy… ôi, tôi không thể giải thích được. Chỉ biết là khác thôi. Tôi thường thấy tách biệt khỏi bản thân mình, anh biết đấy. Như thể tôi không có cơ thể vậy, như thể tôi chỉ, tôi không biết nữa, như thể tôi là con đường mà tôi đang bước đi trên nó. Bây giờ thì tôi không bao giờ tách khỏi bản thân mình.”

“Ừm.”

“Và, anh biết đấy,” anh nói. “Nếu có lúc nào tôi thực sự nghĩ về nó, tôi sẽ hình dung bản thân mình như một người già và không có gì phải hối tiếc cả. Anh biết không? Tôi đã coi mình như một ông lão nổi tiếng đang nằm trên giường với bao người xung quanh, và nói: “Tôi không có gì phải hối tiếc.” Điều đó quả thực hơi ngớ ngẩn, đúng không? Nó quả là rất ngớ ngẩn.”

“Thực sự thì anh thấy hối tiếc điều gì?” Tôi hỏi.

“Ôi, ừm. Thực sự thì chẳng có gì, tôi nghĩ thế. Ý tôi là, tôi đã nghĩ rằng tôi có thể làm nhiều điều cho cuộc đời mình hơn thế này. Tôi đã nghĩ tôi còn nhiều thời gian. Và như tôi đã nói, tôi nghĩ tôi sẽ nổi tiếng và quy ẩn ở một nơi như thế này.”

“Ừm. Chà, đây không phải là nơi mà ai cũng có thể ở được,” tôi nói. “Chỉ có một rạp chiếu phim. Và không có nơi nào để nghe những bản nhạc hay cả.”

Anh cười, một tiếng sồn sột khe khẽ như tiếng cạo khoai tây. Bạn có thể nghe thấy bệnh tật trong tiếng cười của anh. “Thực sự tôi chưa bao giờ làm những điều như thế ở New York,” anh nói. “Tôi chỉ, ừm, tôi nghĩ chắc anh sẽ nói rằng tôi đã đánh cược cuộc đời mình. Tôi đoán chắc anh sẽ gọi nó như thế. Tôi đang nghĩ rằng dù thế nào thì mọi chuyện cũng sẽ có kết quả. Tôi nghĩ tôi chỉ cần làm việc chăm chỉ và có niềm tin.”

Tôi bước về phía giường. Tôi đứng cạnh anh, khi con chuột lại bắt đầu cào cào bên trong bức tường. “Ừm, này, tôi nằm lên giường với anh một lúc nhé?” Tôi nói.

“Gì cơ?”

“Để anh một mình ở đây thì có vẻ không phải lắm,” tôi nói. “Tôi nói. “Tôi cùng nằm trong chăn với anh một lát được không?”.”

“Tôi chẳng mặc gì đâu,” anh nói.

“Không sao.”

“Anh làm sao thế?” Anh hỏi. “Anh muốn ngủ cùng tôi vì tôi bị bệnh à?”

“Không,” tôi nói.

“Anh có muốn làm thế nếu tôi không bị bệnh không?”

“Tôi không biết.”

“Ôi, Chúa ơi. Anh làm ơn ra khỏi đây đi! Anh ra ngoài đi!”

“Nghe này, tôi xin lỗi. Tôi không định, ờ, xúc phạm anh đâu.”

“Tôi biết. Nhưng làm ơn đi đi.”

“Ừm, thôi được,” tôi nói.

Tôi rời căn phòng và đóng cánh cửa sau lưng lại. Tôi cảm thấy tay chân thật nặng nề. Một cảm giác thất vọng và nỗi xấu hổ ê chề, vô danh cứ mãi đọng lại. Tôi không muốn xâm phạm đến sự riêng tư của anh. Tôi chỉ muốn ôm anh một lúc, muốn ghì đầu anh vào ngực mình. Tôi chỉ muốn ôm lấy anh khi cơ thể anh đang chìm dần vào quá khứ.

JONATHAN

Erich trở lại vào ngày cuối tuần tiếp theo. Tôi không rõ tại sao lời mời lại được đưa ra hay tại sao nó lại được chấp nhận – không ai trong chúng tôi, kể cả Erich, thực sự thấy dễ chịu. Cả ngày Chủ nhật anh cứ sưng sỉa và thu mình. Tuy nhiên, khi chúng tôi tiễn anh ra ga tàu, Bobby hỏi: “Anh có muốn quay lại vào cuối tuần sau không?”, Erich ngập ngừng rồi đồng ý. Anh nói đồng ý với một giọng dứt khoát, như thể đó là quyền lợi chính đáng của anh vậy.

Khi Bobby và tôi lái xe về nhà, tôi hỏi: “Cậu có thực sự muốn Erich quay lại sớm như thế không?”

“Jon à,” cậu nói, “anh chàng đó cần chút thời gian ở nơi thôn dã. Thực sự thì, cậu có nhìn vào anh ta không đấy?”

Trong một thoáng, có vẻ như Bobby chưa hiểu bản chất căn bệnh của Erich; có vẻ cậu tin rằng Erich chỉ đang căng thẳng và quá mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi trong một khoảng thời gian thật dài. “Anh ấy cần nhiều hơn thế, Bobby ạ,” tôi nói.

“Ừm, một chút thời gian ở thôn quê là tất cả những gì chúng ta có thể trao cho anh ấy. Hiện giờ anh ấy, ờ, là một thành viên trong gia đình. Dù chúng ta có thích hay không.”

“Gia đình,” tôi nói. “Cậu biết đấy, cậu sắp làm mình phát điên lên với cái thứ vớ vẩn đó rồi.”

Cậu nhún vai và cười buồn bã, như thể tôi đang dằn dỗi về một hoàn cảnh rõ ràng nằm ngoài tầm kiểm soát của mọi người. Giờ thì Erich đã được gắn liền với chúng tôi, dù rất mong manh, và theo như Bobby, chúng tôi buộc phải cung cấp cho anh ta mọi thứ mà chúng tôi có.

Erich quay lại vào thứ Sáu tuần sau trên chuyến tàu lúc năm giờ. Lúc đó, anh đã lấy lại được sự nhiệt tình nhã nhặn, hơi thái quá, dù bây giờ nó đã có phần giảm bớt. Bobby đảm nhận nhiệm vụ chính là để ý đến sự thoải mái của Erich, và đến cuối chuyến viếng thăm thứ hai của anh, hai người họ đã khá quấn quýt. Bobby lúc nào cũng tỏ ra trìu mến, còn Erich đón nhận những sự giúp đỡ của cậu với vẻ tham lam pha chút ngúng nguẩy, như một hồn ma phẫn nộ trở về đòi nợ những người đang sống.

Một chiều Chủ nhật muộn, tôi đang ở trong bếp với Clare và Rebecca. Clare đang thái một quả bơ. Rebecca ngồi trên mặt quầy bếp, nghịch một bộ khuôn bánh quy hình động vật bằng nhựa, và tôi đứng bên cạnh, để giữ cho nó khỏi ngã. Bên ngoài cửa sổ, chúng tôi có thể thấy Bobby và Erich đang ngồi trên bãi cỏ mọc lộn xộn, nói chuyện vẻ nghiêm chỉnh. Bobby đang mở rộng hai bàn tay, ngụ ý đến sự tầm cỡ, và Erich gật đầu vẻ không tin lắm.

“Vậy là, Bobby có một tình yêu mới,” tôi nói.

“Đừng xấu tính như thế, cưng,” Clare nói. “Điều đó đâu có giống với cậu.” Chị xếp những lát bơ lên một cái đĩa, bắt đầu bóc vỏ một củ hành tím.

“Em không nghĩ rằng đột nhiên chúng ta lại phải làm từ thiện đối với Erich,” tôi nói. “Anh ấy trên thực tế vẫn là một người lạ.”

“Ở đây chúng ta có đủ chỗ cho một người lạ, cậu không nghĩ thế sao? Có vẻ như chúng ta không thiếu thốn thứ gì cả.”

“Thế bây giờ chị là mẹ Teresa đấy à?” Tôi nói. “Có vẻ hơi đột ngột đấy.”

Chị nhìn tôi với vẻ điềm tĩnh bình thản có sức buộc tội thuyết phục hơn bất cứ lời chỉ trích nào. Điều gì đó đã xảy ra với Clare. Tôi không hiểu nổi chị nữa – chị đã từ bỏ tính hay nhạo báng của mình và tiếp nhận một đức tính mềm mỏng, mơ hồ. Chúng tôi vẫn là bạn và sống chung một nhà nhưng chúng tôi không còn thân thiết nữa.

“Em biết,” tôi nói. “Em là đồ bỏ đi.”

Chị vỗ nhẹ lên vai tôi. “Xin đừng vỗ em,” tôi nói. “Chị đâu có quen vỗ em như thế này.”

Rebecca thì thò lò mũi xanh, ngắm nghía cái khuôn bánh quy hình con chuột rồi òa khóc. Sự xích mích cứa vào da nó như một sợi dây thừng nhỏ bền chắc, nó khóc mỗi khi quanh nó có ai lên giọng bực tức.

“Thôi nào, bé yêu,” tôi nói. “Không sao đâu, đừng để ý đến bố và mẹ.”

Tôi định bế nó nhưng nó không chịu để tôi ôm. Nó cứ đòi Clare bế, và chị mang nó vào phòng khách trong khi tôi thái nốt hành.

Cuối cùng, Erich đến ở hẳn với chúng tôi. Anh không còn nơi nào khác để đi ngoại trừ căn hộ trống trải, thiếu tiện nghi trong khu Hai mươi Đông. Anh sẽ chịu đựng căn bệnh trong sự bầu bạn của những người tình nguyện cho đến khi anh phải chuyển đến bất cứ giường bệnh nào còn trống dành cho những người không giàu có và không có bảo hiểm. Bobby cứ đòi anh phải đến thăm chúng tôi thường xuyên, và sau khi đi đi lại lại quá nhiều lần, anh đã chuyển đến ở luôn với chúng tôi. Tôi nhường cho anh phòng ngủ của tôi, nói rằng tôi bỗng thấy mình thích ngủ ở dưới nhà. Chấp nhận Erich không phải là một quá trình đơn giản. Tôi bực tức với anh vì anh bị bệnh, đồng thời cảm thấy mình buộc phải đối xử với anh theo kiểu mà tôi mong muốn nếu bản thân tôi cũng đổ bệnh. Tôi tập tỏ ra dịu dàng với anh vì tôi hi vọng những người khác cũng đối xử với tôi như thế nếu sinh lực của tôi bị mất dần và cơ thể tôi bắt đầu thay đổi. Đôi khi tôi bắt kịp cảm giác đó và trải qua nó, một thoáng quan tâm thực sự. Đôi khi tôi chỉ giả vờ có nó. Sau một hồi từ chối, Erich cũng đồng ý tiếp nhận giường của tôi, và khi làm thế, anh gần như đã chính thức rời bỏ một phần khỏi cái thế giới vẫn đang tiếp diễn này. Khoảnh khắc này có thể đến với tất cả chúng ta, vào một lúc nào đó trong hành trình cuối cùng từ sự khỏe mạnh tới bệnh tật. Chúng ta từ bỏ bổn phận cũ của mình là nghĩ đến nhu cầu của những người khác, và phó mặc bản thân cho họ chăm sóc. Thân phận của chúng ta cũng thay đổi. Chúng ta trở thành những công dân của một vương quốc mới, và dù chúng ta vẫn giữ được những gì tốt đẹp và xấu xa nhất của bản thân chúng ta trước đây, nhưng chúng ta không còn đích thân điều khiển được định mệnh của chúng ta nữa. Erich cần phòng tôi để chuẩn bị cho cái chết của anh. Anh là một người khép kín và sẽ không thể chịu được nếu trước mặt cứ có người đi đi lại lại. Vì thế, với nụ cười lịch thiệp và hơi phiền muộn, anh đồng ý để tôi nhường giường tôi cho anh. Tôi bước sang tuổi ba mươi hai ngay sau hôm anh đến ở hẳn với chúng tôi.

Chúng tôi dẫn anh đi dạo trong rừng, nấu những bữa ăn dễ tiêu cho anh. Anh giống như một người già trong nhà, lúc thì nhã nhặn lúc thì nóng nảy. Như thể chúng tôi đang sống cùng một người ông vậy.

Đông qua, xuân tới. Tiệm ăn trở nên phát đạt. Rebecca mọc răng mới và phát hiện ra một cơ hội tốt để nói không với bất cứ thứ gì người khác bảo nó. Erich tàn tạ đến không ngờ. Sinh lực của anh cứ lúc có lúc không, đôi khi biến đổi từ giờ này sang giờ khác. Anh có vấn đề về tiêu hóa, bị sốt, và thị lực suy giảm. Trí óc anh đôi khi lơ đễnh – anh có thể trở nên đãng trí và hay quên. Hằng tuần anh vẫn đến bệnh viện ở Albany. Trong những ngày khỏe khoắn nhất, anh có thể xách giỏ đi bộ vào rừng để hái nấm. Còn trong những ngày tệ nhất, anh nằm cuộn tròn trên giường, không rõ là thức hay ngủ.

Tôi sống hơi tách biệt với mọi người. Tôi không muốn Erich đến sống cùng chúng tôi, nhưng không thể chủ động mong rằng anh sẽ ra đi – tôi quá lo lắng về tình trạng của mình khi ngôi nhà không còn đứng vững. Tôi đã học được cách tìm thấy sự thoải mái bình thản khi đối tốt với Erich. Nó đem đến vài tia hi vọng mơ hồ của việc xoa dịu định mệnh.

Một tối, khi từ tiệm ăn về nhà, tôi thấy anh đang ngồi trên hiên, quấn mình trong một cái chăn. Mặt trời đã xuống núi. Những cái bóng màu tím đang lan rộng dù bầu trời vẫn còn sáng – trong ngôi nhà này chúng tôi luôn phải trải qua những buổi hoàng hôn sớm. Erich ngồi trên cái ghế liễu gai thời xưa với cái chăn màu xanh cũ kĩ của tôi kéo lên tận cổ, trông như một thiếu niên bị bệnh lao. Khi người anh bắt đầu hốc hác, trông anh lại càng trẻ ra. Xương sườn anh nhô ra, đôi tai và tứ chi có vẻ trở nên quá to so với cơ thể.

“Chào,” tôi nói. “Anh thế nào?”

“Ổn cả,” anh đáp. “Không quá tệ.”

Đấy là cái tính hình thức phổ biến giữa chúng tôi, như hồi chúng tôi vẫn còn ngủ với nhau. Chúng tôi luôn lịch sự và giữ kẽ. Như thể chúng tôi vừa mới gặp nhau.

“Bobby sẽ về muộn,” tôi nói. “Marlys cần đi giải quyết vài công chuyện của phụ nữ, vì thế Bobby đang phải làm bánh nướng cho ngày mai. Clares và Rebecca có ở nhà không?”

“Họ đang ở trong nhà,” anh nói.

“Tôi sẽ đi kiếm Rebecca. Có lẽ tôi sẽ mang con bé ra đây một lúc, được không?”

“Được. Jonathan này?”

“Ừm.”

“Điều này sẽ thật, anh biết đấy, khó nói. Nhưng tôi cứ suy nghĩ mãi. Anh có bao giờ, ừm, băn khoăn về chuyện của chúng ta không? Ý tôi là, về anh và tôi.”

“Tôi có nghĩ về chúng ta,” tôi nói. “Chắc chắn rồi.”

“Ý tôi không chỉ là nghĩ thôi đâu. Tôi không có ý như thế. Ý tôi là, ừm, anh có bao giờ thắc mắc là tại sao chúng ta cứ luôn phải kìm nén không? Dường như chúng ta có thể làm cho nhau hạnh phúc hơn những gì mà chúng ta đã làm.”

Ngay cả trong tình trạng tồi tệ nhất, cuộc nói chuyện thẳng thắn như thế này cũng là khó đối với anh. Ngón tay mân mê mép chăn, và bàn chân gõ nhịp khô khốc vào chân cái ghế liễu gai.

“Ừm, giữa chúng ta có một kiểu quan hệ nào đó,” tôi nói. “Nó gần như thứ mà chúng ta đều muốn, đúng không?”

“Có lẽ thế. Tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng gần đây tôi cứ băn khoăn, anh biết đấy. Tôi cứ băn khoăn rằng lúc đó chúng ta cứ chờ đợi cái gì?”

“Tôi cho rằng chúng ta đã chờ đợi cuộc đời thực của chúng ta bắt đầu. Tôi nghĩ có lẽ chúng ta đã phạm một sai lầm.”

Anh hít thở vẻ khó nhọc. Ở chính giữa tấm mạng nhện giăng ra giữa những cái trụ ở bậc thềm, một con nhện màu vàng xinh đẹp bất động đang treo mình.

“Đúng là chúng ta đã phạm sai lầm,” anh nói. “Ý tôi là, tôi nghĩ có lẽ thế. Tôi nghĩ là tôi đã yêu anh, và tôi không thể thừa nhận điều đó. Tôi đã… tôi không biết nữa… quá e ngại đến mức không dám thừa nhận nó. Và giờ đây có vẻ như đó là một sự uổng phí.”

Tôi đứng trên cái bóng màu tía của mình, nơi những tấm ván mục nát vì dãi dầu mưa nắng. Tôi nhìn anh. Lúc đó, anh có một vẻ cực kì chững chạc, đạo mạo, một diện mạo, không già cũng không trẻ, không phải đàn ông cũng không phải đàn bà. Có thể anh bị che phủ bên dưới những lớp chăn dày, và mắt anh long lanh trên một khuôn mặt vô sắc. Anh giống như con nhân sư đang đặt ra một câu đố.

Tôi tin rằng mình biết câu trả lời. Erich và tôi chưa bao giờ yêu nhau, chúng tôi không định trở thành tình nhân của nhau. Chúng tôi không bỏ lỡ cơ hội yêu đương nào cả. Thay vào đó, chúng tôi chỉ cùng nhau trốn tránh, bằng thứ tình dục hòa hợp và mối quan hệ không chút đòi hỏi của chúng tôi. Chúng tôi chỉ nương tựa lẫn nhau trong khi chờ đợi. Chúng tôi giống như những người đầy tớ, hai người đàn ông hói đầu trong trắng đã cống hiến cuộc đời cho những lý tưởng mơ hồ của việc tuân theo những mệnh lệnh.

Nhưng tôi lại nói: “Tôi nghĩ có lẽ tôi cũng đã yêu anh.”

Tôi không muốn anh phải chết một cách lạnh lẽo. Nếu anh phải chết trong tình cảnh đó, thì có lẽ tôi cũng sẽ bị như thế.

“Anh nói dối,” anh nói.

“Không hề.”

Tôi nghĩ về bố tôi ở sa mạc, chẳng nhận được gì từ tôi ngoài những lời trấn an sáo rỗng. Ông đã mất trên đường từ chỗ cái hòm thư quay về, với một nắm catalogue và tờ bướm. Tôi đã viết một lá thư cho ông, trong túi tôi.

“Đúng là thế đấy,” Erich nói.

Tôi ngập ngừng. Rồi tôi bảo anh: “Không đâu, thật đấy. Tôi nghĩ có lẽ lúc đó tôi đã yêu anh.”

Anh gật đầu, trong một cơn giận dữ ngấm ngầm. Anh không hài lòng. Một con bướm đêm xuất hiện sớm, trắng đến nỗi gần như trong suốt, trông giống sự lay động trong không khí hơn là một cơ thể sống, bay qua.

“Lẽ ra chúng ta có thể làm tốt hơn thế này, anh và tôi,” anh nói. “Chuyện gì đã xảy ra với chúng ta vậy.”

“Tôi không biết,” tôi nói.

Chúng tôi không cử động hay nói gì trong ít nhất là một phút. Chúng tôi nhìn nhau chằm chằm trong sự hoài nghi tột độ. “Chúng ta là những kẻ nhút nhát,” cuối cùng tôi nói. “Đây không phải là một sai lầm sâu sắc do chúng ta gây ra. Đó chỉ là một sai lầm nhỏ ngớ ngẩn không kiểm soát được. Người ta gọi chúng là gì nhỉ? Tội lơ đễnh.”

“Tôi nghĩ có lẽ đó là điều làm tôi băn khoăn nhất.”

“Tôi cũng thế,” tôi nói. Và rồi, vì chẳng còn gì nữa để nói, tôi đi vào trong nhà để tìm Rebecca.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận