Tôi Vô Tội

Chương 13: Poirot và Roddy


Thám tử Poirot chăm chú quan sát khuôn mặt dài với những nét tinh tế của Roddy Welman.

Roddy đang trong tâm trạng lo lắng một cách thảm hại. Hai tay anh ta vặn vẹo vào nhau, đôi mắt đỏ ngầu. Giọng nhát gừng, Roddy vừa nói, vừa nhìn vào tấm danh thiếp:

– Tôi đã biết tiếng ông, thưa ông Poirot. Tuy nhiên tôi chưa hiểu bác sĩ Lord hy vọng ông làm được gì trong trường hợp này. Hơn nữa tại sao ông bác sĩ lại chen vào vụ án này nhỉ? Ông ta chữa bệnh cho bà thím tôi, có vậy thôi, còn ngoài ra ông ta chỉ là người dưng. Elinor và tôi gặp ông ta lần cuối cùng là khi chúng tôi về lâu đài Hunterbury vào cuối tháng Sáu vừa rồi. Người đáng theo dõi vụ án này lẽ ra phải là ông công chứng Seddon thì có lý hơn.

– Về mặt kỹ thuật thì ông có lý. – Poirot nói.

– Không phải vì ông Seddon làm tôi tin cậy với bộ mặt đưa ma của ông ta.

– Các quan chức ngành pháp lý thường có bộ mặt khắc khổ và nghiêm nghị.

Roddy nói thêm, vẻ bực tức đã giảm:

– Tuy nhiên, chúng tôi đã thuê luật sư Bulmer làm công việc bào chữa. Nghe bảo ông ấy rất giỏi. Ông nghĩ sao?

– Bulmer nổi tiếng là người chuyên nhận cãi cho những vụ đã hết hy vọng.

Thám tử Poirot hỏi tiếp:

– Tôi nghĩ ông sẽ không khó chịu nếu tôi cố gắng kéo tiểu thư Elinor ra khỏi vụ bê bối này chứ?

– Không, không đâu, tất nhiên rồi. Nhưng…

– Nhưng tôi làm được gì kia chứ? Có phải trong thâm tâm ông nghĩ như vậy không?

Một nụ cười lướt nhanh trên khuôn mặt buồn bã của Roddy… một nụ cười có duyên đến mức nhà thám tử chợt hiểu sức quyến rũ tinh vi của chàng trai này.

Roddy nói vẻ nhận lỗi:

– Lời tôi nói vừa rồi chắc ông thấy quá thô bạo. Thật ra ông đã đánh rất trúng đích. Tôi không phải là người hy vọng vào những điều hão huyền. Vậy ông có thể làm được gì, thưa ông Poirot?

– Tìm ra sự thật – Nhà thám tử đáp – Tôi có thể tìm ra được những sự thật giúp vào việc giải thoát cho bị cáo.

– Giá ông làm được như thế!

– Tôi rất mong được có ích. Ông có thể giúp tôi bằng cách cho tôi biết những cảm giác của ông về vụ án này được không?

Roddy đứng lên, đi đi lại lại trong phòng:

– Tôi có thể kể gì với ông được? Tất cả những chuyện đó quả là phi lý… quái đản! Nguyên chuyện nghi Elinor là kẻ sát nhân… Elinor mà tôi biết rõ từ thuở nhỏ… đã làm tôi thấy quá vô lý. Làm sao có thể nói để hội đồng xét xử hiểu ra được là như thế?

– Vậy ông tin rằng tiểu thư Elinor không có khả năng phạm một tội ác lớn như vậy?

– Hoàn toàn không thể! Elinor là cô một gái tuyệt diệu, tinh thần luôn thăng bằng và ghét mọi thứ bạo lực. Thông minh và nhạy cảm, nàng đứng trên mọi ham muốn thấp hèn. Tuy nhiên, khi người ta đặt lên ghế quan tòa mười hai thằng ngu, thì có Trời biết chúng sẽ làm nên những trò gì! Ta hãy cùng suy luận một chút. Những người ngồi trên ghế quan tòa không làm công việc xét xử các tính cách mà họ ngồi để hỏi vặn các nhân chứng. Sự kiện, sự kiện và sự kiện! Và những sự kiện đó đè bẹp bị cáo.

– Thưa ông Roddy. Tôi thấy ông là người thông minh. Các sự kiện diễn biến đều buộc tội cho tiểu thư Elinor. Nhưng ông lại tin rằng tiểu thư vô tội. Nếu vậy, xin ông cho biết những gì đã xảy ra?

Roddy tuyệt vọng giơ hai tay lên trời:

– Chính đấy là điều khó khăn. Bà y tá có thể là thủ phạm được không?

– Bà ta không đụng đến những chiếc bánh mì kẹp thức ăn… Tôi đã tiến hành điều tra rất tỉ mỉ. Còn nếu bà ta bỏ thuốc độc vào nước chè thì chính bà ta phải bị ngộ độc chứ. Tôi tin chắc là như thế. Hơn nữa, bà ta có lý do gì để giết Mary đâu?

Roddy kêu lên:

– Mà ai là người có lý do để muốn cho cô Mary chết?

Poirot đáp:

– Đấy là câu hỏi không thể có lời giải đáp. Không ai muốn giết Mary Gerrard (trong thâm tâm, ông ta thầm nghĩ: trừ Elinor Carlisle). Nếu xuất phát từ câu trả lời trên thì có nghĩa Mary không thể bị giết. Nhưng trên thực tế thì cô ta lại bị giết. Rõ ràng là cô ta đã bị giết, không thể bác bỏ sự thật này.

Đến đây, thám tử Poirot ngâm luôn hai câu trong một vở kịch mê-lô:

Nhưng nàng đã nằm trong mộ

Và thế là cuộc đời ta tan nát!

– Ông thích hai câu ấy? – Roddy hỏi.

– Đấy là thơ của Wordsworth – Poirot giải thích – Tôi đọc rất nhiều của nhà thơ này. Phải chăng hai câu thơ đó nói lên đúng tâm trạng của ông, thưa ông Roddy?

– Của tôi?

Roddy cau mặt.

– Tôi xin lỗi… tha thiết xin ông tha lỗi. Quả là vất vả vừa làm thám tử vừa phải làm pukkasahib! Có những điều người ta không nên nói ra, nhưng than ôi, người thám tử lại buộc phải đụng đến một số chuyện trong đời tư con người, và những tình cảm thầm kín của họ.

– Theo tôi tất cả những việc đó đều vô ích.

– Nếu tôi nhìn thấy rõ mọi thứ thì cần gì phải làm thế? Nhưng thôi, ta làm cho xong công việc vất vả này để sau đây không bao giờ phải trở lại nữa. Thưa ông Roddy, mọi người đều biết ông rất quý cô Mary Gerrard. Có đúng không?

Roddy lại đứng lên, bước ra cửa sổ, tay mân mê rèm cửa.

– Đúng. – Anh ta đáp.

– Ông yêu cô ấy chứ?

– Tôi nghĩ là thế.

– Và cái chết của cô Mary làm ông tan nát trái tim?

– Tôi… tôi… tôi nghĩ là như thế… nghĩa là… thưa ông Poirot…

Bị tinh thần kích động, anh ta trông giống như con thú bị người đi săn dồn đến đường cùng.

– Nếu có thể, xin ông kể tỉ mỉ suy nghĩ của ông cho tôi nghe.

Roddy ngồi xuống ghế bành, mắt không nhìn đối phương, giọng ngắt quãng, kể:

– Tôi rất khó nói rõ được tình cảm của tôi đối với Mary. Mà có cần thiết phải kể ra không?

– Thưa ông Roddy, ta có thể không cần đụng đến những điều quá khó nói. Vừa rồi ông có nói ông cảm thấy dường như ông yêu cô ấy. Nghĩa là chính ông cũng chưa tin chắc là mình yêu?

– Tôi không biết… Cô ấy đẹp… như một người trong mơ… Đấy, bây giờ tôi cảm thấy cô ấy như vậy… Một giấc mơ! Cuộc gặp gỡ đầu tiên với cô ấy, cảm giác bàng hoàng của tôi! Giống như một cơn điên! Và bây giờ tất cả đều kết thúc… như thế chuyện đó chưa hề xảy ra.

Thám tử Poirot nói:

– Tôi hiểu… Hôm cô ấy mất, ông không có mặt ở nước Anh?

– Không tôi rời Anh ngày mồng chín tháng Bảy và trở về ngày mồng một tháng Tám. Bức điện của Elinor phải đuổi theo tôi hết thành phố này sang thành phố khác. Và khi nhận được điện, tôi vội vã lên đường về ngay.

– Cái chết kia hẳn làm ông choáng váng. Ông yêu cô ấy lắm phải không?

Roddy chua chát đau đớn nói:

– Sao cuộc đời cô ấy lại đau thương đến thế nhỉ? Con người ai cũng mong hạnh phúc nhưng bất hạnh chờ đón ta ở mỗi bước ngoặt.

– Đời là thế, thưa ông! Không phải ta muốn nó thế nào là nó sẽ y như thế.

Roddy cau mặt và thám tử Poirot nói luôn:

– Ông biết những gì về cô Mary Gerrard, thưa ông Roddy Welman?

– Tôi biết những gì ư? Rất ít. Bây giờ tôi mới hiểu được như thế. Tôi chỉ thấy Mary dịu dàng và xinh xắn. Ngoài ra tôi không biết gì hết. Có lẽ chính vì thế mà khi nghe tin cô ấy mất tôi không đến nỗi đau đớn nhiều lắm.

Roddy nói và cảm thấy vơi nhẹ nỗi lòng. Thám tử Poirot thầm đoán tình cảm thầm kín của anh ta.

– Xinh xắn… dịu dàng… tri thức trung bình. Nhạy cảm và có lẽ phúc hậu… Cô ta khác hẳn các cô gái cùng gia cảnh như cô.

– Theo ông, cô Mary có khả năng gây thù oán với ai không?

– Không – Roddy kêu lên – Không ai ghét được cô ấy. Còn bực tức với cô ấy thì có, nhưng hai thứ hoàn toàn khác nhau.

– Bực tức? Nghĩa là cô ấy có làm cho người khác bực tức?

– Có lẽ thế… chứng cứ là lá thư nọ.

– Lá thư nào? – Poirot đột nhiên chú ý.

Roddy bỗng đỏ mặt và lộ vẻ buồn:

– Lá thư ấy không quan trọng gì đâu.

– Nhưng lá thư nào? – Poirot hỏi gặng – Thư gửi cho ai và đến khi nào?

Roddy miễn cưỡng kể lại.

– Chà, lạ đấy – Poirot nói – Tôi có thể xem được không?

– Không, vì tôi đốt mất rồi.

– Sao ông đốt, thưa ông Roddy?

– Lúc đó tôi nghĩ đấy là cách xử lý tốt nhất.

– Nhận được lá thư, ông và tiểu thư lập tức quay về Hunterbury ngay?

– Chúng tôi có về, nhưng không phải là vội vã đến thế.

– Nhưng ông và tiểu thư cũng lo lắng, thậm chí sợ hãi nữa, đúng thế không?

– Ông nói hơn quá đấy, thưa ông Poirot. – Roddy đáp giọng hơi tự ái.

Viên thám tử kêu lên:

– Mà vội vã là đúng. Gia tài thừa kế của ông và tiểu thư đang bị đe dọa! Tòa nhận xét đúng, khi nói rằng ông có hoảng sợ phần nào, tiền bạc có tầm quan trọng của nó.

– Nhưng không đến nỗi quan trọng như ông nghĩ.

– Tôi thấy cách nghĩ coi thường tiền bạc của ông hơi lạ đấy.

Roddy đỏ mặt, nói:

– Tất nhiên không thể coi thường vấn đề tiền bạc và chúng tôi cũng không coi thường nó. Nhưng mục đích của chuyến đi Hunterbury của chúng tôi là xem bệnh tình bà cô của chúng tôi ra sao.

– Vậy là ông về đấy cùng với tiểu thư Elinor. Cho đến lúc ấy, phu nhân Welman vẫn chưa lập di chúc. Sau đó ít lâu, phu nhân bị cơn tai biến thứ hai. Phu nhân lúc đó mới lập di chúc, chắc là bà cụ định dành phần lớn cho tiểu thư Elinor. Bởi bà cụ mất ngay đêm hôm đó, không kịp làm chúc thư cho nên ta không thể biết chính xác ý định của cụ.

– Xin ông cho biết, ông nói thế là định ám chỉ cái gì vậy?

Thấy vẻ giận dữ hiện lên trên nét mặt Roddy viên thám tử đáp:

– Thưa ông Roddy, ông vừa nói với tôi rằng động cơ mà người ta gán cho tiểu thư Elinor là phi lý… và tiểu thư không có khả năng phạm tội ác kia. Nhưng tôi lại thấy ra một cách lý giải khác. Tiểu thư Elinor rất sợ bị tước mất quyền hưởng thừa kế gia tài của phu nhân Welman, do phu nhân có khả năng trao quyền thừa kế đó cho một người ngoài gia đình. Lá thư nọ đã cảnh báo cái tin ấy, và những câu nói thều thào không ra hơi của bà cụ tối hôm đó càng khẳng định thêm nỗi sợ kia của tiểu thư. Dưới nhà, trong gian tiền sảnh có một va-li thuốc của bà y tá Hopkins. Không khó khăn gì lấy trộm một lọ moóc-phin trong đó. Sau đấy, như người ta nói với tôi, tiểu thư vào ngồi trong phòng bệnh nhân bên cạnh bà cụ, trong khi ông ngồi ăn dưới nhà với hai nữ y tá…

– Lạy Chúa tôi! Thưa ông Poirot, ông bịa ra những chuyện gì vậy? Elinor đầu độc phu nhân Welman chăng? Điều ông phỏng đoán thật kỳ cục hết chỗ nói!

– Chắc ông biết cơ quan điều tra đã yêu cầu cho khai quật tử thi phu nhân Welman?

– Tôi biết, nhưng họ sẽ không tìm thấy gì đâu.

– Thế nếu họ tìm thấy?

– Không thể có chuyện ấy được! – Roddy quả quyết.

– Đến lúc đó ta hãy nên khẳng định – Poirot nói – Vào lúc phu nhân chết, cái chết của bà cụ chỉ có thể có lợi cho một người, ông công nhận không, thưa ông Roddy Welman?

Roddy ngồi xuống, mặt tái đi. Anh ta run rẩy, đăm đăm nhìn nhà thám tử.

– Tôi cứ tưởng là ông đứng về phía Elinor.

– Dù đứng về phía nào, tôi cũng vẫn phải nhìn thẳng vào các sự kiện và bằng chứng. Tôi đâm nghĩ rằng, thưa ông Roddy, cho đến lúc này, ông vẫn cố tránh không nhìn vào thực tế mà ông không muốn thấy.

– Nhưng tại sao lại phải tự mình hạ mình, và chỉ nhìn vào mặt trái của cuộc đời?

– Đôi khi cần thiết phải nhìn thẳng vào sự thật cay đắng. – Poirot nghiêm nghị nói.

Ngừng lại một lúc, viên thám tử nói tiếp:

– Bây giờ ta thử đặt tình huống phu nhân Welman chết do bị đầu độc, khi đó tình hình sẽ diễn ra thế nào?

– Tôi không biết. – Roddy đáp.

– Ta hãy suy nghĩ một chút. Nếu phu nhân Welman bị đầu độc thì ai là thủ phạm của vụ đầu độc ấy? Ông hãy thú nhận đi: Người đáng nghi vấn nhất là tiểu thư Elinor.

– Còn hai nữ y tá ông quên rồi sao?

– Tất nhiên một trong hai người này đều có thể đầu độc phu nhân Welman bằng moóc-phin, nhưng bà Hopkins, do lo chuyện mất lọ thuốc, đã nói công khai. Và khó có thể nghi bà ta là thủ phạm vụ đầu độc. Tội lỗi cao nhất của bà ta chỉ là sơ suất nghề nghiệp. Còn nếu bà ta là thủ phạm vụ đầu độc thì hành động nói công khai chuyện mất lọ moóc-phin là hành động chỉ kẻ ngu xuẩn nhất trên đời mới làm. Chưa kể phu nhân Welman chết có lợi gì cho bà ta đâu? Hoàn cảnh chị y tá O’Brien cũng tương tự. Giả sử chị ta lấy trộm ống moóc-phin và dùng nó để giết bà cụ, thì bà cụ chết, chị ta được lợi gì?

Roddy nhún vai.

– Nói cho cùng thì ông có lý.

– Và trong vụ này có khi cả ông cũng nằm trong diện nghi vấn nữa!

– Tôi? – Roddy thốt lên, run bắn người như con ngựa lên cơn động kinh.

– Tất nhiên. Người ăn cắp ông moóc-phin rồi dùng nó đầu độc phu nhân Welman còn có thể là ông. Đêm hôm đó, trước lúc bà cụ mất, ông có vào phòng bà cụ một lúc ngắn. Nhưng tôi quay lại câu hỏi cơ bản: Để làm gì? Nếu phu nhân sống thêm ít ngày nữa, đủ để làm di chúc, chắc chắn phu nhân sẽ không quên ông. Cho nên ông không có động cơ trong việc giết phu nhân. Chỉ còn lại hai người năm trong diện nghi vấn.

Mắt Roddy sáng lên:

– Hai người?

– Đúng thế, một là tiểu thư Elinor Carlisle.

– Còn người thứ hai?

– Kẻ viết lá thư mặc danh kia.

Roddy có vẻ không tin.

Thám tu Poirot nói tiếp:

– Tác giả bức thư mặc danh kia ghét cô Mary hoặc ít nhất cũng không ưa cô ấy. Kẻ đó rất không muốn cô Mary hưởng thừa kế của phu nhân Welman. Bây giờ xin ông cho biết, ông có nghi ai đã viết lá thư nặc danh đó không?

– Không. Thư viết bằng thứ văn chương quá tồi tệ, mắc đầy lỗi chính tả, tất phải của một kẻ thất học.

Poirot giơ tay:

– Chi tiết ông đưa ra không có giá trị, bởi người có học thức vẫn có thể giả vờ viết như thất học. Chính vì thế, tôi rất tiếc là ông đã hủy lá thư. Bởi dù viết kiểu nào, con người ta cũng vẫn để lộ một số thói quen trong bút tích..

Roddy nói:

– Lúc đó tôi và Elinor đoán là của một đầy tớ trong lâu đài.

– Cụ thể là ai? Tiểu thư Elinor hoặc ông có nghĩ đến ai không?

– Không.

– Có thể bà quản gia Bishop không?

– Không đâu! Bà Bishop là người lương thiện và trọng danh dự. Bà ấy viết chữ rất đẹp và thích dùng những từ dài. Hơn nữa, tôi thề rằng…

Thấy Roddy ngập ngừng. Poirot gợi:

– Bà ta rất không ưa cô Mary.

– Tôi biết, nhưng tôi không nhận thấy ở bà ấy có một hiện gì lạ.

– Tôi e ông thiếu tài quan sát.

– Hay là thím tôi tự tử bằng moóc-phin? Ông đã nghĩ đến khả năng ấy chưa?

– Đấy cũng là một ý.

– Không chịu nổi tình trạng liệt, phu nhân Welman đã tự kết liễu cuộc đời.

– Nhưng phu nhân có thể dậy, xuống nhà, lấy lọ thuốc trong chiếc va-li kia không?

– Tất nhiên là không – Roddy đáp – Nhưng thím tôi có thể nhờ một người nào làm cái việc đó.

– Nhờ ai?

– Một trong hai y tá chẳng hạn.

– Không được! Hai người đó biết rất rõ tác dụng của moóc-phin. Hai y tá là những người ít có khả năng nằm trong diện nghi vấn nhất.

– Vậy theo ông thì là ai?

Roddy nhảy chồm lên, há miệng nhưng lại khép ngay.

– Ông chợt nhớ ra được điều gì phải không ông Roddy?

– Vâng, nhưng…

– Ông đang nghĩ xem nên nói ra cho tôi biết hay không chứ gì?

– Quả có thế…

Một nụ cười không bình thường nở ra trên môi thám tử Poirot hỏi:

– Tiểu thư Elinor nói với ông điều đó khi nào?

Roddy sửng sốt:

– Ông quả là một phù thủy thực thụ! Elinor nói với tôi lúc ngồi trên tầu đi Hunterbury. Chúng tôi vừa nhận được điện báo tin cô chúng tôi bị tai biến lần thứ hai. Elinor giải thích cho tôi nỗi đau khổ của cô Laura, và Elinor nói rằng xưa nay cô chúng tôi tất sợ bị liệt cho nên cuộc sống như thế này đối với cô chúng tôi là cả một cuộc sống Địa Ngục. Elinor nói thêm: “Đáng lẽ con người phải được tự do rời khỏi thế gian, nếu như họ thấy không thể chịu đựng nổi cuộc sống nữa”.

– Hôm ấy ông đã trả lời thế nào?

– Tôi bảo tôi cũng nghĩ như Elinor.

Viên thám tử nghiêm giọng nói:

– Mới lúc nãy, thưa ông Roddy, ông đã quả quyết là không thể có chuyện tiểu thư đầu độc phu nhân Welman vì lý do thừa kế. Bây giờ ông còn quả quyết là tiểu thư không có khả năng kết liễu cuộc sống của phu nhân vì lý do lòng thương hay không?

– Không, tôi không thể…

– Tôi đã đoán trước ông sẽ trả lời như thế.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận