Trẻ Và Vụng Về

Chương 11: Bản chất của "ước mơ"


Đừng chỉ nhìn vào sự việc, hãy nhìn vào bản chất. Học cách nhìn ra rằng, sự việc chỉ là nhất thời, bản chất mới là mãi mãi. 

Khi con người bắt đầu biết đến ước mơ, đến những thứ “nhiều hơn” so với cuộc sống bình thường này, nhận được cái mình muốn…đó là lúc chúng ta bắt đầu ý thức được sự lo lắng và lạc lối. Gần giống như việc biết chính xác mình muốn cái gì, nhưng không biết làm thế nào để có nó, đi đến bao giờ để đạt được nó, gặp ai để hiểu nó, tin cái gì và liều lĩnh điều gì để đạt được ước mơ của mình. Đó là một cảm giác rất bình thường, kéo dài từ độ tuổi 15 cho đến rất lâu sau này. Không biết mình muốn gì đã đành, nhiều khi biết chính xác rồi, còn thấy lo lắng và mông lung hơn. 

“Tôi muốn giàu” là suy nghĩ đơn giản nhất. Không biết phải làm gì để có tiền. 

“Tôi muốn có người yêu”, biết đi đến bao giờ mới gặp được người trong mộng? 

“Tôi muốn đi du học Hàn Quốc”, và sau đó là rất nhiều trở ngại xuất phát chỉ từ suy nghĩ đó. 

Thật ra, càng biết nhiều, càng có nhiều hoài bão và những dự định, bạn sẽ càng lạc lõng hơn, nếu không biết làm gì với nó. Có những thứ không thể đạt được chỉ qua một câu đơn giản “tôi muốn như vậy” đâu. Bạn sẽ mất nhiều năm với nó, theo đuổi và ngang bướng… Và vẫn cảm thấy mơ màng. 

Ai cũng vậy cả thôi. Những người trông có vẻ biết chắc cuộc đời họ sẽ đi về đâu, làm gì để tới đó…thật ra vẫn thức dậy mỗi buổi sáng, cảm thấy gánh nặng của những ước mơ nặng ký trên vai họ, và không biết bao giờ mới thôi mơ ước. Giới hạn của chúng ta vốn dĩ không tồn tại, chính thế mà bạn gần như sẽ không nhận ra cái đích mà bạn hằng mong muốn khi bạn tơi gần nó, bởi khi hơi thấy ước mơ thành hiện thực thôi, bạn đã nhanh chóng vẽ ra một đỉnh núi khác cao hơn rồi. 

“Tôi muốn có người yêu”, “tôi muốn đi du lịch Maldives cùng cô ấy”, “tôi muốn người phụ nữ này là vợ tôi”, “tôi muốn xây nhà cùng cô”, “tôi muốn cô ấy là mẹ các con tôi”…

Thế nên, rất hiếm khi trong đời, bạn hiền thấy toàn tâm toàn ý với những ước mơ của mình. Bạn sẽ luôn lo lắng, vì bạn muốn nhiều hơn những gì mình đang có, hoặc sắp có. 

Cái Đích và Cột Mốc là hai chuyện khác nhau nhưng liên quan chặt chẽ. Nêu không có những cột mốc, bạn hiền sẽ không bao giờ nhìn thấy cái đích. Hãy xẻ nhỏ cái đích của bạn ra và hoàn thiện nó từng ngày, đánh dấu sự trưởng thành cho ước mơ của mình. 

Ước mơ – thật ra là một đứa trẻ – nó cũng cần được bạn nuôi nấng và dạy dỗ.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận