Trên Núi Có Chuyện Gì? - Uông Nhạ Nhạ

Chương 2: Canh gà hầm măng non


Nói chuyện xong với hai vị lão nhân, Uông Tễ chưa vội về nhà. Lâu ngày không quay lại, anh cố ý đi một vòng quanh ngọn đồi phía sau để quen thuộc lại đường đi.

Đi được một đoạn, khi bước qua những tán thông trước mặt và phóng tầm mắt về phía xa, anh chợt khựng lại.

Núi non mờ ảo, trong màn mưa giăng phủ, giữa cảnh sắc hoang vu là một căn nhà nhỏ ba tầng lặng lẽ tọa lạc. Như bước ra từ một câu chuyện cổ tích, căn nhà gỗ nép mình trong rừng sâu, được bao bọc bởi những khóm hoa rực rỡ, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Ngày mưa âm u, ánh đèn vàng ấm áp trong căn nhà soi sáng cả khu vườn, ánh sáng len qua làn sương mỏng, như thấm vào tận sâu trong lòng Uông Tễ.

Đến giờ ăn trưa, chú Uông và Uông Dịch Dương đang ở sân sau vặt lông gà, còn thím Uông đứng cạnh bếp củi trong bếp, xào thịt xông khói với chiếc xẻng lớn. Uông  Tễ ngồi bên lò bếp châm lửa. Trong tiếng củi nổ tí tách, ánh lửa nhảy nhót làm sáng lên nửa bên mặt anh, rồi đổ bóng lên tường thành hình ảnh chập chờn.

Khói bếp từ từ lan tỏa vào không gian, mưa ngớt. Uông Dịch Dương dọn hẳn một chiếc bàn gỗ nhỏ ra sân, bốn người ngồi ngoài trời dùng bữa.

Trên bàn là một bữa cơm mang đậm hương sắc núi rừng: canh gà hầm măng non, thịt xông khói xào cải xuân, trứng chiên tỏi tây, nhân trần hấp, dương xỉ trộn chua ngọt, và thêm một bát canh ba vị với thịt thái lát.

Cả bàn đầy ắp hương vị mùa xuân.

Rau dại tươi non, Uông Tễ gắp một đũa nhân trần hấp. Nhân trần non hái về rửa sạch, bọc bột mì đem hấp, chấm cùng dầu mè và giấm. Đầu lưỡi thoảng chút vị đắng nhưng hậu vị lại lưu hương dịu dàng.

“Hương vị thế nào?” Chú Uông và thím Uông vẫn chưa động đũa, chỉ nhìn anh không ngớt.

Uông Tế giơ ngón tay cái, chân thành khen: “Thơm quá ạ!”

Thím Uông mỉm cười, múc thêm cho anh một muỗng canh gà hầm măng non: “Măng lôi đầu tiên của mùa xuân, vừa mới đào trên núi về đấy, nếm thử xem.”

Những mụt măng non vừa đội mưa xuân trồi lên khỏi mặt đất, giòn và ngọt, hầm chậm cùng thịt gà nhà đã xào qua. Múc một thìa đưa vào miệng, đầu tiên là vị ngọt đậm đà của thịt gà, sau đó là vị ngọt dịu của măng xuân, khiến cái dạ dày đã chịu khổ lâu ngày vì thức ăn chế biến sẵn của Uông Tễ được xoa dịu hoàn toàn.

Thịt xông khói đậm đà, ăn một miếng là muốn thêm hai thìa cơm. Uông Tễ vừa nhấm nháp vừa hỏi: “Nhà cụ Phù có ai về rồi à?”

Uông Dịch Dương vừa ăn vừa đáp, đầu không ngẩng lên: “Ý anh nói Alice hả?”

“Alice?”

“Ừ, anh không thấy vườn hoa nhà cụ ấy đẹp y như Alice lạc vào xứ sở thần tiên sao?”

Uông Tễ không biết Alice là ai, nhưng phải thừa nhận khu vườn đó đúng là đẹp như tiên cảnh.

“Chẳng phải cháu cụ Phù đang làm ở huyện sao?”

“Không phải người đó,” thím Uông tay cầm bát vừa xua tay vừa giải thích, “là cháu lớn của ông con trai đi Canada ấy.”

Chú Uông ngồi cạnh sửa lại: “Là con trai ông con trai đi Canada.”

“À, đúng rồi đúng rồi,” thím Uông gật gù, “Cao ráo, đẹp trai, phong cách lắm.”

Uông Tễ thậm chí chưa từng gặp con trai lớn của cụ Phù, chứ đừng nói đến cháu lớn của cụ.

Cụ Phù vốn không phải người Vân Lĩnh. Năm xưa cụ đến đây bằng cách nào chẳng ai rõ. Theo lời chú thím Uông, cụ bỗng nhiên xuất hiện một ngày nọ, ai cũng nghĩ cụ chỉ ghé chơi, không ngờ lại ở lại lập nghiệp.

Hồi đó thiếu giáo viên, cái gọi là “trường học” thực chất chỉ là một gian nhà cũ trong trụ sở xã. Cụ Phù một mình vừa dạy văn, toán, thể dục, lại còn kéo nhị, thổi sáo dạy nhạc.

Cụ Phù sau này kết hôn và sinh được hai người con trai. Con trai lớn, hơn 30 năm trước trở thành người đầu tiên trong làng thi đỗ đại học. Sau khi tốt nghiệp, ông sang Canada định cư. Con trai út thì ở bên cạnh hai cụ suốt thời gian dài, nhưng khoảng 20 năm trước cả gia đình ông cũng chuyển lên huyện sống, rất ít khi quay lại. Ngôi nhà mới xây trong làng từ đó để trống. Hai cụ qua đời cũng được an táng tại nghĩa trang ở huyện.

Thím Uông múc một bát canh, Uông Dịch Dương liếc nhìn rồi gắp thêm vài miếng thịt nạc bỏ vào bát của thím. Cậu ta nói: “Alice về từ mùa đông năm ngoái. Người ta tháng 12 mới về, nhưng đội thi công đã tới từ hôm Quốc khánh. Hoành tráng lắm!”

Chú Uông nghe đến đó, gãi đầu cười hồn nhiên: “Lúc đó chú với mấy người trong làng cũng đi phụ khiêng cát, vận chuyển cây cối. Mỗi ngày được hơn 200  đồng, còn sướng hơn đi làm thuê xa.”

Việc nhẹ, tiền nhiều, khi công trình hoàn thành, dân làng đều luyến tiếc.

“Cho nên dù Alice hơi kỳ quặc, nhưng mọi người trong làng đều quý cậu ta.” Thím Uông kết luận.

Uông Tễ tò mò hỏi: “Kỳ quặc thế nào hở thím?”

“Không hay ra ngoài, cũng chẳng nói năng nhiều.” Thím Uông kể, “Cậu ấy ở đây gần nửa năm mà thím chỉ gặp đúng hai lần. Mỗi lần nói chuyện, cậu ấy cũng không mở miệng nhiều, chỉ thỉnh thoảng đáp lại một tiếng.”

“Có lẽ tính cách không được tốt?” Uông Tễ nghĩ ngợi rồi đoán.

“Không phải đâu.” Thím Uông vội xua tay, “Nhìn cậu ấy lịch sự, có vẻ tử tế lắm, không phải kiểu người khinh thường người khác. Chỉ là…”

Thím ngừng lại, cố tìm từ để diễn tả nhưng không nghĩ ra, sợ Uông Tễ hiểu lầm, liền bối rối phân bua: “Nói chung cậu ấy là người tốt mà.”

“Có khi nào bị trầm cảm?” Uông Dịch Dương xen vào, “Hoặc sợ giao tiếp? Nhưng mà mức này thì cũng hơi quá. Một anh chàng đẹp trai, giàu có, từ nước ngoài về lại chui rúc trong rừng sâu, không ra ngoài, chẳng giao tiếp với ai, nghĩ mà nổi da gà.” Nói đến đây, cậu ta còn rùng mình một cái.

Thím Uông trừng mắt lườm cậu ta: “Đừng nói người ta có bệnh lung tung, kỳ cục lắm!”

“Đúng thế.” Chú Uông cũng phụ họa.

“Thì chẳng phải chỉ có mấy người chúng ta đây thôi sao. Với người ngoài con đâu có nói bậy. Mà anh họ Phù Hạo của cậu ấy về cũng bảo ông anh này có chút vấn đề, nhưng chẳng ai rõ là vấn đề gì…”

Uông Tễ nghe bọn họ nói chuyện mà không nhịn được quay đầu nhìn lên đỉnh núi. Từ sân nhìn lên chỉ thấy núi xanh mờ mịt, không thấy bóng dáng ngôi nhà nhỏ đâu. Đột nhiên, trên đầu anh có cảm giác lành lạnh, vài giọt mưa rơi xuống người.

“Ôi, lại mưa rồi!” Thím Uông kêu lên.

Thời tiết trên núi thay đổi thất thường, mưa nắng cứ thế mà xen kẽ. Bốn người luống cuống dọn dẹp bàn ghế và thức ăn vào trong nhà. Con mèo mướp đang lim dim ngủ ngoài sân bị đánh thức, nó lắc đầu, chậm rãi đi đến dưới mái hiên rồi lại cuộn mình thành một đám lông mềm mại.

Sáng hôm sau, Uông Tễ thức dậy lúc sáu giờ trong tiếng chim hót giữa núi rừng. Khi mở cửa sổ, anh nhìn thấy những ngọn đồi xanh thẳm trải dài trước mắt. Không phải vội vàng chen chúc trên đường cao tốc giờ cao điểm, cũng không phải mở máy tính để nghĩ cách nịnh nọt sếp hay dọn dẹp rắc rối cho nhân viên.

Anh thả bước trên con đường làng trong buổi sáng mùa xuân, gió nhẹ lướt qua, tiếng nước chảy róc rách bên tai. Cảm giác thư thái đến mức gần như không chân thực.

Trong làng rất hiếm khi có xe lên núi. Uông Tễ chạy dọc con đường bê tông một vòng coi như bài tập sáng. Khi chạy đến mức lưng bắt đầu nóng lên, anh mới hơi thở dốc mà quay về. Đi được nửa đường, anh chợt nhìn thấy một thứ trên sườn đồi ven đường. Không nghĩ ngợi nhiều, anh nắm lấy cành cây gần đó, leo lên.

Đất ẩm mềm, mỗi bước đi đều lún sâu hoặc trượt nhẹ. Anh từng bước cẩn thận tiến lại, vén lớp cỏ dại phủ trên mặt đất ra. Bên dưới là một vạt lớn hành dại, màu xanh mướt, lá còn đọng những giọt sương sớm.

Không mang theo cuốc nhỏ hay kéo, anh chỉ có thể dùng tay nhổ. Nhưng một mình anh ăn chẳng bao nhiêu, nên chỉ nhổ một nắm nhỏ đủ dùng cho bữa sáng.

Hành dại tươi mới đem cắt nhuyễn, trộn với bột mì và chút nước, thêm một quả trứng gà rồi rán thành bánh mềm, hoặc cho vào chảo chiên giòn thành bánh dầu nhỏ. Đó là món quà mùa xuân của tự nhiên.

Hôm qua khi ở nhà chú thím Uông, thím Uông có bảo anh mới về, nhà chẳng có gì ăn. Thím liền ra vườn hái một giỏ tre đầy rau tươi cho anh, còn cho thêm không ít thịt xông khói và lạp xưởng được hun dịp Tết. Anh nghĩ lát nữa sẽ cắt một ít cho vào bột bánh, mùi vị sẽ càng thơm ngon hơn.

Nghĩ đến đó, Uông Tễ lại lo lắng cho mảnh vườn của mình. Đất nhà anh đã nhiều năm không canh tác, sớm trở nên hoang hóa. Mấy hôm nay trời không thuận, nhưng đợi nắng lên, anh phải nhanh chóng dọn cỏ, khai hoang. Qua tiết Kinh Trập là thời điểm thích hợp để trồng hẹ, xà lách và ớt. Đến tháng sau thì gieo hạt các loại bí. Ở vùng núi này, người ta chỉ lo rau ăn không hết phải bỏ, chứ không bao giờ lo thiếu rau.

Một con bướm bất ngờ bay qua, đôi cánh mỏng khẽ chạm vào trán anh, để lại cảm giác nhột nhột trên da. Uông Tễ theo phản xạ giơ tay lên chạm, không ngờ lại quệt phải vệt bùn, khiến mặt mình lấm lem. Anh bật cười, phủi tay vài cái, nhưng không mang theo khăn giấy, đành đợi về nhà mới lau sạch được.

Cầm trên tay một nắm nhỏ hành dại, Uông Tễ men theo gốc cây, dò dẫm từng bước xuống dốc. Anh tìm một hòn đá vững chắc để đặt chân, cẩn thận từng chút một, di chuyển xuống dưới.

Chỉ còn vài bước nữa là đặt chân được xuống mép đường thì từ phía khúc quanh vang lên tiếng bước chân rất nhẹ, vì núi rừng tĩnh mịch nên âm thanh ấy mới nghe rõ ràng đến vậy.

Uông Tễ quay đầu nhìn, thấy một người đang bước ra từ khúc ngoặt.

Người đó đi chậm rãi, ánh mắt chạm đến anh trên sườn đồi thì thoáng ngạc nhiên, rồi dừng lại.

Gương mặt kia như một bức tranh thủy mặc, hài hòa giữa đậm và nhạt, làn da trắng đến gần như trong suốt làm nổi bật đôi mắt đen láy, tựa như phản chiếu cả mây mù trên những ngọn núi xa. Anh ta đứng đó, từ góc nhìn của Uông Tễ, trông như hòa làm một với cây cỏ trên triền đồi. Những tán lá xanh mướt đẫm sương và mưa đêm dường như muốn nhỏ từng giọt xuống vai anh ta. Gió núi lùa qua, mang theo hương cỏ cây và mùi đất ẩm, khẽ làm tà áo phất nhẹ. Con bướm vừa mới chạm vào trán Uông Tễ giờ lại bay quanh bên anh ta.

Lần đầu tiên Uông Tễ và Phù Tô gặp nhau là vào một buổi sáng mùa xuân, giữa núi rừng sau cơn mưa, khi sương sớm vẫn còn vương vấn.

Trông Uông Tễ lúc ấy thật lôi thôi: mặt mũi, tay chân, cả giày đều dính bùn. Anh nửa người bám vào sườn đồi, tay cầm một nắm hành dại.

Đang cúi xuống tìm điểm tựa để bước xuống, nhưng không thấy hòn đá nào đủ chắc, anh loay hoay lúng túng. Đúng lúc đó, người kia tiến lại gần vài bước, rồi từ dưới triền đồi vươn tay ra với anh.

Bàn tay ấy rất lạnh, khi Uông Tễ nắm lấy, anh có cảm giác như đang chạm vào một miếng ngọc. Nhưng vừa nắm vào, anh lại vô tình để lại trên “miếng ngọc” ấy một lớp bùn.

Người kia chỉ nhẹ nhàng dùng cánh tay kéo một chút đã giúp Uông Tễ đứng vững dưới chân dốc.

“Cảm ơn nhé.” Xuống được rồi, Uông Tễ chỉ vào tay anh ta, hơi áy náy: “Xin lỗi, tôi làm bẩn tay anh mất rồi. Lúc ra khỏi nhà quên mang giấy lau…”

Phù Tô nhìn theo hướng tay anh chỉ, thản nhiên phủi qua loa, rồi lắc đầu tỏ ý không sao.

“À, tôi là Uông Tễ. Hôm qua tôi mới về làng, sống ở căn nhà ngay dưới chân nhà anh, rất gần nhau. Hôm qua tôi còn lên núi sau nhà nhìn thấy vườn của anh. Đẹp lắm!”

Thói quen giao tiếp từ những năm tháng đi làm khiến Uông Tễ chủ động mở lời phá vỡ bầu không khí im lặng. Nhưng càng nói, giọng anh càng chậm lại. Bởi người trước mặt, tuy lịch sự nhìn anh, nhưng dường như không thực sự lắng nghe. Ánh mắt anh ta như đang lang thang ở một nơi nào khác, suy nghĩ cũng chẳng đặt ở đây. Lúc này, Uông Tễ cuối cùng cũng hiểu được phần nào ý của thím Uông hôm qua.

Nghĩ đến lời của Uông Dịch Dương hôm qua, không bàn đến chuyện “vấn đề tâm lý”, Uông Tễ cảm thấy tính cách của người này chắc hẳn lạnh lùng như vẻ ngoài của anh ta. Một kiểu người rạch ròi, giữ khoảng cách rất rõ. Có lẽ việc mình bất chợt bắt chuyện đã khiến anh ta cảm thấy bị làm phiền.

Uông Tễ hơi lúng túng, im lặng khép miệng lại, do dự không biết có nên giơ tay chào và nói lời tạm biệt hay không. Đúng lúc anh còn đang nghĩ, người trước mặt bỗng cất tiếng:

“Phù Tô.”

Giọng nói ấy tựa như giọt mưa rơi xuống dòng suối trên núi, trong trẻo và trầm lắng.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận