Trên Núi Có Chuyện Gì? - Uông Nhạ Nhạ

Chương 20: Gió nhẹ


Lâu lắm rồi, từ mùa hè sau kỳ thi đại học năm ấy, Uông Tễ đã từng bị giáo viên chủ nhiệm kéo vào phòng máy tính của trường để chụp một tấm ảnh lưu danh trên bảng vàng danh dự. Tấm ảnh đó treo suốt cả mùa hè tại trường.

Huyện nhỏ chỉ có ba trường cấp ba, mà anh học ở trường tốt nhất trong số đó. Trường nằm ngay trung tâm thị trấn, bảng vàng danh dự được dán ngay cổng chính, nơi ai đi ngang cũng thấy.

Tấm ảnh của anh được bao người xem đi xem lại, bên dưới là dòng chữ khắc tên trường đầy tự hào, thu hút không ít lời khen ngợi. Chỉ đến lúc ấy, Uông Vân Giang và Đường Như mới nhận ra họ đã bỏ lỡ điều gì.

Cuối cùng họ mới nhớ đến đứa con trai đã vắng bóng trong cuộc đời và trái tim họ bấy lâu. Tình thương cha mẹ trong họ bỗng chốc thức tỉnh vào mùa hè ấy.

Hai người vừa hối hả gửi thiệp mời đến bạn bè, đồng nghiệp, vừa đồng lòng chìa tay về phía Uông Tễ. Họ muốn giữ chặt lấy anh, tốt nhất là nhân danh tình thương mà một lần nữa kiểm soát đứa con trai xuất sắc vượt ngoài dự liệu của họ.

Những nụ cười thân thiện, những lời quan tâm giả tạo, Uông Tễ từ nhỏ đến giờ chưa từng được nhận. Anh quen với việc bị lãng quên, quen với việc bị bỏ rơi.

Ở tuổi 17, đôi vai gầy của anh đã biết gánh chịu tất cả. Anh sợ những cuộc cãi vã trong gia đình, sợ phải thấy ánh mắt tự trách bất lực của ông nội mình. Vì vậy, anh học cách im lặng, đứng nhìn họ bằng sự lạnh lùng và bất động.

Nhìn họ tính toán trong lòng, nhìn họ giả vờ quan tâm, nhìn họ giận dữ khi không đạt được mục đích…

Giờ đây khi đối diện với hai người trước mặt, Uông Tễ như trở lại mùa hè năm 17 tuổi.

“Cạch!” Một tiếng khô khốc vang lên, nước trà tràn khỏi miệng ly, thấm ướt mặt bàn.

“Mày có đang nghe tụi tao nói không?” Uông Vân Giang cau mày, sau một hồi dài nói chuyện đã cạn kiên nhẫn. “Tóm lại, mau về Thượng Hải ngay cho tao!”

Uông Tễ bật cười vì giọng điệu ra lệnh đó. Sau khi ngồi lặng im quá lâu, cuối cùng anh cũng chịu nhìn thẳng vào Uông Vân Giang.

Ánh mắt anh lướt nhẹ qua hai người đối diện, anh chậm rãi nói: “Hai người có tư cách gì mà nói chuyện này với tôi?”

Anh không phải là một kẻ vô tri hay tượng gỗ. Anh có cảm xúc, cũng biết tức giận. Sự chất vấn của Đường Như đã làm cảm xúc tích tụ trong lòng anh như những cơn mưa dai dẳng, để rồi bùng nổ thành cơn giông bão cuốn đi tất cả.

Lần đầu nghe thấy một câu đáp lại, cả Uông Vân Giang và Đường Như đều thay đổi sắc mặt. Họ như đang dệt một tấm lưới từ mối quan hệ huyết thống, nhưng người đáng lẽ bị mắc kẹt bên trong đã đứng hẳn ngoài lưới, nhìn xuống với ánh mắt khinh miệt.

Uông Vân Giang giận đến run người, hét lên: “Được, được lắm! Thằng bất hiếu… Đây là thằng cháu ngoan mà ông mày đã nuôi đấy à? Đúng là giỏi lắm! Mặt mũi nhà họ Uông đều mất sạch vì mày! Nếu biết mày là loại này, tao thà quỳ chết trước từ đường năm sau còn hơn!”

“Vậy thì cứ đi mà chết đi.”

Cả căn phòng như bị tắt âm.

Đường Như trợn tròn mắt. Uông Vân Giang chỉ tay về phía anh, nhưng tay cứng đơ giữa không trung. Vài giây sau, ông ta đứng bật dậy, mặt đỏ bừng, thái dương giật liên hồi. Tay vớ lấy chén trà nóng trên bàn, định hất thẳng vào mặt anh.

Nhưng trước khi chén trà kịp rời tay, một tiếng “xoảng” vang lên. Chiếc đĩa sứ từ đâu lao qua sát tai Uông Vân Giang, rơi xuống nền nhà vỡ tan.

Tất cả sự giả tạo đã tan nát như đống mảnh sứ dưới sàn.

Uông Tễ ngồi thẳng dậy, ánh mắt lạnh lùng như băng: “Tôi thật sự muốn biết, rốt cuộc là gì đã cho hai người dũng khí đứng đây mà chất vấn tôi dưới danh nghĩa cha mẹ? Ngần ấy năm trôi qua, hai người chẳng có chút tiến bộ nào. Đến diễn kịch cũng tiếc không mang một chút chân thành vào?”

Đường Như và Uông Vân Giang đứng sững dưới ánh mắt băng giá của anh, không thốt nên lời.

Uông Tễ lạnh tanh mà mở lời: “Từ nhỏ tới lớn, tình thương của hai người tôi chẳng cảm nhận được chút nào, nhưng nỗi đau hai người gây ra thì tôi nhớ rất rõ.”

Giọng nói anh bình thản nhưng đầy chua chát, ánh mắt nhìn thẳng hai người trước mặt không chút né tránh.

“Hai kẻ ích kỷ, vô trách nhiệm lấy cớ tình yêu để sinh con, nhưng lại chẳng buồn chăm lo, đùn đẩy trách nhiệm nuôi dạy cho ông bà. Khi còn nhỏ, tôi chỉ là cái bóng để hai người mặc sức vui chơi. Đến khi quay sang cãi vã, thì mới nhớ đến tôi, tìm mọi cách dùng tôi để đổi lấy lợi ích. Giờ đây, hai người còn mong tôi mãi mãi là vốn liếng để khoe khoang, là cái máy ATM biết nghe lời?”

Anh nói đến đây thì bật cười, nhưng nụ cười ấy lạnh như băng. Chỉ trong chớp mắt, ánh mắt anh lại lướt qua hai người.

“Thật không hiểu, hai người làm sao mà… không biết xấu hổ đến vậy.”

Những lời còn cay nghiệt hơn, cuối cùng anh cũng không nói ra. Anh từng mất rất nhiều thời gian mới có thể chấp nhận sự thật: cha mẹ mình không yêu mình. Một đứa trẻ, dù là ai, cũng sẽ đau đớn khi nhận ra mình chưa bao giờ được cha mẹ dành trọn tình yêu và sự quan tâm.

Nỗi đau ấy chẳng hề mất đi, chỉ vì trưởng thành mà học cách giấu kín. Nó giống như một cái gai cắm sâu trong lòng, bình thường không đau, nhưng chỉ cần khẽ chạm là nhói buốt.

Nhiều năm đã trôi qua, ở tuổi 33, Uông Tễ đã buông bỏ việc mong đợi tình thương từ họ. Nhưng như anh vừa nói, nỗi đau từng trải qua vẫn là sự thật không thể xóa nhòa.

Gió từ ngoài cửa sổ thổi vào, làm lay động tán cây trước hiên. Cơn gió muộn thổi tan chút cảm giác mơ hồ còn sót lại trong lòng anh, để lại sự lạnh nhạt thấu đáo.

Uông Tễ siết chặt tay, ánh mắt dần bình thản trở lại.

“Hôm nay gặp nhau, nói hết mọi chuyện, sau này không cần gặp lại nữa.”

Vừa dứt lời, Đường Như hốt hoảng lên tiếng, giọng nói có chút lạc đi: “Uông Tễ, chuyện cũ đã qua, ba má sai, là ba má đã đối xử tệ bạc với con. Nhưng bây giờ ba má cũng biết mình sai rồi, con còn muốn ba má phải làm sao nữa? Dù sao đi nữa, chúng ta cũng là ba má con mà…”

Uông Tễ cắt ngang lời bà: “Đừng nói thêm những lời vô nghĩa. Đến khi hai người già yếu, trên pháp luật tôi sẽ thực hiện trách nhiệm, nhưng chỉ vậy mà thôi. Nếu hai người không chấp nhận, cứ kiện tôi đi. Làm lớn chuyện lên, tốt nhất để tất cả mọi người đều biết.”

Nói xong, anh đứng dậy bước về phía cửa. Tay nắm lấy chốt cửa, anh nghiêng đầu nhìn Đường Như.

Trong ánh mắt bà có kinh ngạc, có phẫn nộ, và cả hối hận. Kinh ngạc vì sự lạnh nhạt của anh, phẫn nộ vì anh vô tình, và hối hận vì đã kéo Uông Vân Giang đến đây.

Uông Tễ nhìn thẳng người phụ nữ đã từng chia sẻ máu thịt với mình, từng là mẹ của mình: “Nếu trước đây, vì mười tháng mang nặng đẻ đau, tôi còn dành cho bà chút tôn trọng cuối cùng, thì từ bây giờ, không còn gì cả.”

Chưa từng được yêu thương đã là một sự thật đau lòng, nhưng hiểu rõ sự oán hận là thật càng làm người ta tan nát. Phá vỡ sợi dây huyết thống đồng nghĩa với việc gỡ bỏ gông xiềng. Từ đây, anh và họ không còn bất kỳ mối liên hệ nào ngoài nghĩa vụ tối thiểu.

Khi xuống đến tầng một, Uông Tễ đi qua quầy lễ tân. Hai cô nhân viên đang che miệng rúc rích thì thầm, nhưng thấy anh tới gần liền vội vã tách ra. Anh chẳng buồn để tâm, cứ thế bước đi.

“Phòng 206, thanh toán.” Uông Tễ nói, giọng điệu không nhanh không chậm.

Nhân viên ở quầy lễ tân kiểm tra trên máy tính, lễ phép đáp: “Dạ chào anh, tổng cộng là 395 tệ. Anh có thể thanh toán qua WeChat hoặc Alipay, mã quét ở đây ạ.”

Uông Tễ lấy điện thoại ra quét mã, sau đó nói thêm: “Tôi có làm bể một cái đĩa sứ. Phiền tính thêm luôn vào hóa đơn giúp tôi.”

Nhân viên quầy lễ tân lập tức đáp: “Tôi biết rồi, là cái đĩa nhỏ có họa tiết xương cốt đúng không ạ? Loại đó không đắt lắm, bình thường cũng hay bị bể. Anh chỉ cần trả thêm năm tệ thôi.”

Cô vừa dứt lời, nhân viên phục vụ đứng bên cạnh đã khẽ nhắc nhở bằng một cú huých khuỷu tay nhẹ, ra hiệu cho cô chú ý lời nói.

Cô nhân viên trẻ ngại ngùng liếc nhìn Uông Tễ, dường như nhớ lại chuyện lúc nãy mình buột miệng nói chuyện phiếm có chút không đúng. Uông Tễ chỉ mỉm cười, không để bụng.

Anh cúi xuống hoàn tất thanh toán, chuyển 500 tệ. Nghe tiếng chuông báo giao dịch thành công, anh nói với nhân viên: “Có thể đổi lại cho tôi 100 tệ tiền mặt được không?”

Cô lễ tân có chút bối rối vì chuyện vừa rồi, vội mở ngăn kéo lấy ra một tờ tiền mặt, đưa cho Uông Tễ.

Anh không nhận, chỉ đẩy lại về phía cô: “Phiền cô chuyển giúp tôi số tiền đó cho cô lao công dọn dẹp phòng. Cảm ơn.”

Rời khỏi khách sạn, gió nóng của tháng tám ùa đến. Tuy vậy, không khí buổi trưa vẫn có chút dễ chịu nhờ những cơn gió nhẹ thổi qua.

Uông Tễ đi dọc con hẻm nhỏ ven khu dân cư. Đường vắng, chỉ thỉnh thoảng nghe thấy tiếng va chạm leng keng từ nồi chảo vọng ra từ những căn bếp, hoặc tiếng trẻ con khóc và cười đùa lẫn lộn.

Anh cứ thế bước, băng qua một con đường lớn, đi dọc bên đường, rồi dừng chân tại một công viên nhỏ bên bờ sông. Chọn một bóng cây râm mát, anh ngồi xuống.

Nước sông lấp lánh dưới ánh mặt trời. Uông Tễ ngồi đó, để mặc những cảm xúc hỗn độn trong lòng, chút cứng đầu, chút đau buồn, và cả sự yếu đuối đã bị anh che giấu quá lâu, dần dần tan biến theo làn gió nhẹ.

Tiếng chuông điện thoại cắt ngang dòng suy nghĩ. Anh nghĩ có thể là Đường Như hoặc Uông Vân Giang, định chặn số, nhưng hóa ra lại là tài xế anh đã liên hệ lúc sáng.

Buổi chiều có chuyến xe về Vân Lĩnh lúc một giờ, nhưng giờ này chắc chắn anh đã lỡ. Uông Tễ định xin lỗi vì không giữ lời hứa, nhưng tài xế lại vui vẻ bảo không sao, còn chu đáo cung cấp số liên lạc của một tài xế khác, bảo anh nếu cần thì liên hệ để có thể về nhà.

Về nhà sao?

Cúp máy, Uông Tễ chống hai tay lên băng ghế đá, nhìn chằm chằm hàng liễu trước mặt đang lay động trong gió. Trong thoáng chốc, anh bỗng thấy rất muốn nghe giọng Phù Tô. Nhưng rồi anh lại nhớ, Phù Tô không thích gọi điện thoại.

Chậm rãi, anh gõ một dòng tin nhắn trên màn hình: [Trưa nay anh ăn gì?]

Điện thoại rung lên báo có tin nhắn trả lời.

[Cậu ăn gì?]

Uông Tễ nhìn dòng tin nhắn, bất giác mỉm cười. Anh nhắn lại: [Ăn tiệc lớn.]

[Xử lý xong chưa?]

[Ừ, tốt rồi.]

Màn hình đột nhiên hiện lên thông báo cuộc gọi đến, là Phù Tô.

Uông Tễ nhấc máy, sau vài giây im lặng ngắn ngủi, anh mở lời: “Không phải anh không thích gọi điện thoại à?”

Giọng Phù Tô vang lên, mát lạnh như dòng suối trong dưới nắng hè: “Không thích thì sao? Tôi cũng không thích người ta ăn tiệc lớn mà để tôi bơ vơ một mình.”

Uông Tễ bật cười, tiếng cười khẽ khàng nhưng đầy thoải mái.

Phù Tô tiếp lời: “Xong việc rồi thì khi nào cậu về?”

Uông Tễ đáp: “Trễ mất rồi. Ban đầu định đi chuyến lúc một giờ, nhưng giờ phải đợi chuyến sau.”

“Cậu về bằng xe bus à?”

“Chứ sao nữa, chẳng lẽ anh muốn tôi đi bộ về chắc?”

Phù Tô khẽ cười, tiếng cười trầm thấp, kéo dài như làn gió nhẹ: “Không bắt cậu đi bộ, cũng không cho cậu ngồi xe bus. Có xe riêng đưa cậu về.”

Uông Tễ ngẩng đầu nhìn bầu trời, ánh nắng sau giờ trưa làm gương mặt anh ửng lên chút đỏ nhạt, trán bắt đầu lấm tấm mồ hôi. Một giọt mồ hôi lăn xuống từ khóe mắt, làm hàng mi anh khẽ rung lên.

Phù Tô thong thả nói tiếp, giọng điềm tĩnh nhưng mang theo chút hóm hỉnh: “Tài xế đến rồi, quý khách. Cậu định lên xe ở đâu?”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận