Trên Núi Có Chuyện Gì? - Uông Nhạ Nhạ

Chương 24: Cháo gạo


Đầu mùa thu, Phù Tô đổ bệnh.

Cũng giống như những lần trước, hắn bất ngờ cảm thấy choáng váng, thính giác giảm sút nghiêm trọng, ù tai khiến chẳng nghe rõ âm thanh xung quanh. Đến tối, cả người hắn bắt đầu sốt cao.

Dùng thuốc hạ sốt nhưng nhiệt độ vẫn không giảm. Sáng hôm sau, Uông Tễ vội lái xe đến trạm y tế để tìm bác sĩ. Lúc ấy trời vừa hửng sáng, cái lạnh đầu thu phảng phất khắp không gian. Anh đứng trước cửa chờ trạm y tế mở, sau đó mời bác sĩ về nhà truyền nước cho Phù Tô.

Lúc này, Phù Tô vẫn còn ngủ. Căn phòng kín bưng, rèm kéo che hết ánh sáng, chỉ toàn một màu tối tăm.

Khi bước vào, Uông Tễ đi nhẹ nhàng hết mức có thể, dù anh biết bây giờ Phù Tô căn bản chẳng nghe thấy gì.

Mãi đến khi kim tiêm đâm vào mu bàn tay, Phù Tô mới khẽ mở mắt. Uông Tễ rút từ túi áo ra một tờ giấy đã chuẩn bị sẵn, đưa tới trước mặt hắn.

Phù Tô nhìn hai hàng chữ trên giấy, chỉ cười mỉm với anh.

Để bác sĩ tiêm thuốc, Uông Tễ phải kéo một bên rèm ra. Ánh sáng yếu ớt hắt lên khuôn mặt đang đỏ bừng vì sốt của Phù Tô, đôi môi trắng bệch càng thêm rõ rệt.

“Ngủ đi.” Uông Tễ giơ tay ra hiệu miệng, không nói thành tiếng.

Phù Tô gật đầu, nhắm mắt lại.

Ba chai nước truyền, mà ở trạm y tế quê người ta lại ít nhân viên, bác sĩ cũng không thể ở lâu. Trước khi rời đi, ông chỉ dẫn Uông Tễ cách thay chai và rút kim, rồi thu dọn đồ đạc lái xe về.

Tiễn bác sĩ xong, Uông Tễ quay lại tầng hai.

Anh vo gạo cho vào nồi nấu cháo. Đun lửa nhỏ, chờ lớp cháo sánh mịn bên trên hình thành một tầng dầu gạo – loại tinh hoa của gạo được người quê anh xem như món quý. Người lớn tuổi thường bảo, dầu gạo bổ khí huyết, giúp người bệnh nhanh khỏe lại, có thêm sức lực.

Khi cháo bắt đầu sánh, Uông Tễ múc một ít nước vào chén, nhúng tăm bông cho thấm nước rồi mang đến bên giường Phù Tô, nhẹ nhàng làm ẩm đôi môi khô nứt của hắn.

“Bảo là không sao, mà sốt đến nhìn cũng thấy tội nghiệp.” Anh thay khăn ướt trên trán hắn, lẩm bẩm một mình.

Tối qua trước khi ngủ, Phù Tô còn viết giấy khăng khăng bảo rằng mình không sao. Với hắn, đây chỉ là một đợt bệnh tái phát bình thường, chẳng có gì lạ. Hắn đã quen với những lần như thế và còn đuổi Uông Tễ về phòng ngủ.

Lúc đó hắn chưa sốt cao hoặc đã sốt nhưng không nói ra. Uông Tễ không cách nào cãi lại, đành nghe lời về phòng.

Anh nằm trên giường, đầu óc vẫn căng thẳng, chỉ chợp mắt được chút ít. Gần nửa đêm, anh giật mình thức dậy khi nghe tiếng ọe trong nhà vệ sinh.

Cơ thể còn nhanh hơn ý thức, anh bật dậy, xỏ vội dép lê chạy thẳng ra ngoài phòng ngủ.

Phù Tô không nghe thấy gì, đang bám vào giá đỡ bên cạnh, nôn khan vào bồn cầu. Vừa định ấn nút xả, hắn giật mình vì Uông Tễ bất ngờ đẩy cửa xông vào. Hắn bị nước chua trào ngược lên khí quản, lại nôn thêm một đợt nữa, đến nỗi cả người rã rời.

Uông Tễ bước tới, vỗ nhẹ lưng hắn: “Sao lại nôn nữa?”

Anh liếc vào bồn cầu, vẻ mặt thay đổi ngay lập tức. Lần này anh thực sự tức giận: “Đêm nay anh đã nôn mấy lần rồi? Toàn dịch chua không vậy! Sao không gọi tôi?”

Khi vỗ lưng hắn, Uông Tễ cảm nhận được thân nhiệt bất thường. Anh thò tay vào trong áo ngủ của Phù Tô, sờ lên lưng hắn.

Nóng rát! Nóng đến nỗi lòng bàn tay anh run lên.

Nôn không dứt, sốt cũng không hạ, vậy mà trước khi ngủ còn giả vờ bảo không sao.

“Anh giỏi lắm, Phù Tô. Thật sự giỏi!” Uông Tễ vừa bực vừa lo, nhất thời chẳng biết nên nói gì.

Anh lại sờ trán hắn, đôi mắt ánh lên chút bất lực: “Sốt thành thế này mà cũng không chịu gọi tôi. Sao anh cứ lì lợm làm người ta phải bực mình thế chứ?”

Uông Tễ sốt ruột đến mức vừa tức vừa lo, lời nói thốt ra chẳng còn mạch lạc. Anh nói nhanh đến mức hơi cuối câu đều run lên như tiếng gió.

Phù Tô dù đang mệt mỏi, vẫn giơ tay lên chặn cổ tay anh. Ngày thường hắn vốn thẳng lưng, lời nói ra luôn chậm rãi, giờ lại cất giọng khàn khàn, gần như rít từ cổ họng: “Đừng để tôi nôn lên tay cậu.”

Nếu Uông Tễ là quả bóng, chắc chắn giờ đã nổ tung: “Đừng nói tay! Anh mà có sức thì cứ nôn hết lên người tôi đi! Anh thấy vậy là ổn hả? Nôn mãi, đến dạ dày còn gì để nôn nữa không?”

Nửa đêm bị dựng dậy, đầu óc vẫn mụ mị. Uông Tễ không kìm chế được cơn giận khi thấy tình trạng của Phù Tô, lời nói bật ra chẳng kịp nghĩ.

Mãi đến khi Phù Tô ấn nút xả nước, ngẩng đầu lên, ánh mắt mệt mỏi đỏ hoe vì nôn quá nhiều nhưng lại pha chút bất lực, Uông Tễ mới sững lại, cứng đơ người.

Anh đứng đó, hơi hé miệng, ánh mắt lạc đi. Phù Tô chỉ cười nhạt, đưa tay vỗ nhẹ lên đầu anh như trấn an, sau đó quay người súc miệng ở bồn rửa tay.

Trở về phòng ngủ, Uông Tễ theo sát phía sau. Anh để ý ly nước trên tủ đầu giường trống trơn, liền cầm ly ra bếp.

Phòng ngủ được thắp sáng bởi một chiếc đèn nhỏ bên cạnh giường, loại đèn mà Phù Tô thường dùng khi đọc sách. Lúc này hắn với tay bấm nút, ánh sáng vàng nhạt dịu dàng phủ lên không gian. Ngồi dựa vào thành giường, hắn lấy từ tủ ra vài thứ, yên lặng cúi đầu loay hoay, chờ Uông Tễ quay lại.

Uông Tễ mang ly nước vào, cẩn thận rót nước và đưa cho hắn. Kế đó, anh lấy từ hộp thuốc vài viên hạ sốt cùng một chiếc nhiệt kế.

Phù Tô uống thuốc mà không nói gì, rồi ngoan ngoãn để Uông Tễ đặt nhiệt kế vào người. Khi nhiệt kế vừa chạm đến da, hắn chỉ hơi khẽ động, như một phản xạ tự nhiên.

Uông Tễ nhìn hắn, ánh mắt đầy bất an, dừng tay lại: “Anh làm gì thế? Đừng nhúc nhích.”

Phù Tô thu tay về, vẽ trong không trung một động tác phủi nhẹ cổ tay, như muốn nói chẳng sao cả.

Nhưng Uông Tễ vẫn không yên tâm. Anh rút nhiệt kế ra kiểm tra rồi lại đặt vào, vẻ mặt vừa bực mình vừa lo lắng. Cảm giác bất lực trào dâng, anh giận chính bản thân mình hơn cả.

“Cái đồ cứng đầu!” Anh lẩm bẩm, sau đó đặt nhiệt kế vào đúng vị trí, chắc chắn hơn trước.

Nhìn quanh, anh cầm chiếc đồng hồ trên tủ đầu giường, chỉnh hẹn giờ rồi ném sang bàn bên kia. Anh biết mình hay đãng trí, sợ lỡ quên mất phải lấy nhiệt kế sau mười phút.

Xong xuôi, anh đứng cạnh giường nhìn chăm chăm Phù Tô, đến khi hắn lặng lẽ giơ tay, nhét thứ gì đó vào tay anh.

Uông Tễ ban đầu không quan tâm đến thứ mà Phù Tô đưa, ánh mắt đầu tiên của anh lại hướng vào bàn tay hắn. Đầu ngón tay Phù Tô vừa chạm vào lòng bàn tay, anh theo bản năng nắm chặt lại.

Phù Tô không rút tay về, chỉ để mặc anh giữ như thế, đầu ngón tay nhẹ nhàng chạm chạm vào lòng bàn tay anh.

Lúc này Uông Tễ mới buông tay ra và cúi đầu nhìn. Đó là quyển sổ ghi chú từ tối hôm qua. Khi bị cơn bệnh hành hạ, Phù Tô choáng váng đến mức không nhìn rõ màn hình điện thoại, không thể đánh chữ, nên đành phải dùng giấy bút để giao tiếp.

Trang bên trái của sổ là dòng chữ tối qua, lúc trước khi ngủ, Phù Tô viết những lời trấn an: “Không sao, không vấn đề gì, ổn cả…” Nhưng những lời đó, thay vì khiến Uông Tễ bình tĩnh, lại càng làm anh thêm bực.

Ở trang bên phải là dòng chữ mới, có lẽ vừa được viết, còn vết mực hơi nhòe do tay vô tình quẹt qua. Nét chữ vẫn vững vàng, ngay cả khi người viết đang sốt cao. Phù Tô cũng giống như nét chữ của hắn, luôn toát ra vẻ bình tĩnh, điềm đạm, không chút nao núng.

Uông Tễ cúi xuống đọc dòng chữ mới: Cậu ngủ lúc nào cũng quyến rũ vậy sao?

Câu hỏi khiến anh ngẩng phắt lên, trợn to mắt. Ban đầu, anh tưởng đó là cơn sốt khiến Phù Tô mơ màng mà viết ra những lời quái lạ. Nhưng khi nhìn lại bộ đồ ngủ trên người mình, anh bỗng cứng đờ.

Khác với Phù Tô, người luôn chỉnh tề với những bộ đồ ngủ phù hợp theo mùa, Uông Tễ thường mặc bừa mấy bộ quần áo rộng rãi cũ kỹ. Tối qua, vội chăm sóc Phù Tô, anh mặc tạm chiếc áo khoác ngắn và quần đùi. Không ngờ, áo khoác bị vặn ngược, hai dây buộc từ cổ áo chui ra ngoài một cách kỳ quặc. Do áo rộng, lại chẳng chỉnh chu, khiến bộ đồ trông vừa hở vai vừa tạo nên vẻ quyến rũ khó tả.

Mặt đỏ bừng, Uông Tễ vội chạy vào nhà vệ sinh để thay đồ lại cho tử tế. Khi quay trở lại phòng ngủ, Phù Tô đang tựa đầu vào giường, nhìn anh cười khẽ.

“Cười cái gì mà cười! Mát mẻ lắm hả? Chưa bằng ngủ trần đâu!” Uông Tễ gằn giọng, nhặt quyển sổ ném qua phía hắn.

Phù Tô nhặt lại, nhìn dòng chữ trong sổ rồi tiếp tục cười, tiếng cười khẽ khàng, chỉ thoát ra vài hơi. Gân cổ hắn khẽ chuyển động theo từng nhịp rung của lồng ngực.

Khi mất thính lực, Phù Tô ít nói hẳn. Giọng hắn, nếu có thốt ra, nghe nghẹn ngào đầy khó khăn, như thể mỗi câu nói là một sự gắng gượng.

Căn phòng chìm trong yên tĩnh. Cả hai đều đỏ mặt, nhưng vì lý do khác nhau: Phù Tô đỏ vì sốt, còn Uông Tễ đỏ vì thẹn.

Phù Tô dịch sang phía bên kia giường, vỗ nhẹ vào chỗ trống, ý bảo Uông Tễ ngồi xuống. Sau vài giây do dự, anh tháo dép, ngồi xuống cạnh hắn.

Cả hai cùng tựa đầu vào giường. Phù Tô kéo chiếc chăn mỏng, đắp một nửa cho Uông Tễ. Anh quay sang nhìn hắn, hắn cũng nhìn lại.

Bốn mắt chạm nhau, Phù Tô cúi đầu, viết vào quyển sổ: “Không giận nữa chứ?”

Câu nói về chuyện “quyến rũ” chỉ là trêu đùa, chẳng qua muốn chọc ghẹo anh một chút. Uông Tễ cầm lấy giấy và bút, đáp lại: “Để đó. Khi nào anh khỏi bệnh, tôi sẽ tính sổ với anh!”

Mười phút trôi qua, Uông Tễ lấy nhiệt kế từ người Phù Tô, liếc nhìn con số. 

38 độ 8.

Con số này thực “may mắn” nếu không xuất hiện trên nhiệt kế thì càng tốt.

Không nói một lời, anh đi vào nhà vệ sinh. Thuốc hạ sốt không tác dụng, chỉ còn cách hạ nhiệt bằng phương pháp vật lý. Uông Tễ nhúng ướt khăn lông trong bồn rửa, nhưng tay anh run rẩy.

Dù đã trải qua tình cảnh này nhiều lần, anh vẫn không ngừng lo lắng. Ý nghĩ đưa Phù Tô tới bệnh viện lại xuất hiện, nhưng anh biết chắc hắn sẽ không đồng ý, giống như lần bệnh hồi mùa xuân.

Uông Tễ nhớ rõ, Phù Tô từng âm thầm liên lạc với bác sĩ riêng của hắn. Trong một lần vô tình, anh nghe thấy cuộc trò chuyện về bệnh lý liên quan đến chứng lo âu và áp lực tâm lý. Sau đó anh lặng lẽ tìm hiểu thêm tài liệu, từ trong nước đến quốc tế, hiểu rằng căn bệnh của Phù Tô có nguồn gốc sâu xa từ tâm lý.

Tối hôm đó thuốc hạ sốt vẫn chưa có tác dụng, nhưng cơn mệt mỏi cũng làm Phù Tô thiếp đi. Uông Tễ ngồi bên, lặng lẽ thay khăn ướt trên trán hắn, lòng đầy bất an.

Phải mất tới năm ngày, tình trạng của Phù Tô mới dần cải thiện. Ngày thứ ba, hắn không còn sốt cao về đêm. Đến ngày thứ tư, bất chấp sự ngăn cản của Uông Tễ, Phù Tô vẫn khăng khăng muốn đi tắm, bảo rằng: “Nếu không tắm, tôi sẽ bốc mùi mất!”

Tiếng nước chảy mãi trong phòng tắm khiến Uông Tễ suýt nữa nghĩ hắn ngất xỉu. Nhưng cuối cùng hắn cũng bước ra, dù vẻ mệt mỏi còn vương trên mặt.

Ngày thứ năm, thính lực của Phù Tô hồi phục gần như hoàn toàn. Hắn cầm quyển sổ lên, cười cười: “Vừa hay, ghi chú này cũng hết chỗ viết rồi.”

Hóa ra mấy ngày qua, hai người nói chuyện với nhau nhiều đến mức tất cả các trang giấy đều kín chữ.

Ban ngày còn ổn, Phù Tô nằm trên giường hoặc ra ban công truyền dịch. Uông Tễ vừa lo chuẩn bị nồi đất nấu cháo gạo, lại tranh thủ thay nước, rút kim tiêm cho hắn. Thậm chí anh còn phải dành thời gian xử lý đất trồng rau trong vườn.

Đến tối, hai người ngồi dựa vào đầu giường. Lúc này nhiệt độ cơ thể của Phù Tô lại tăng lên đôi chút. Hắn sợ Uông Tễ lo lắng, còn Uông Tễ lại sợ hắn vì bệnh mà suy nghĩ nhiều. Hai người thời đi học đều là học sinh gương mẫu, những mảnh giấy nhỏ chưa từng truyền tay thời ấy giờ được dùng hết sạch chỉ trong mấy ngày này, khiến cả sổ lẫn bút trong nhà phải về hưu vẻ vang.

Khi thím Uông tới nhà, Phù Tô đang ở trong phòng gọi video với bác sĩ riêng. Nghe tiếng động, Uông Tễ vội xuống lầu.

Vừa ra đến sân trước, anh giật bắn mình khi thấy thím Uông hai tay xách đầy đồ đạc.

Anh bước tới, ngạc nhiên hỏi: “Thím mang chi mà nhiều dữ vậy?”

Thím Uông đặt đống đồ xuống bàn gần đó, rồi hỏi ngay: “Thằng Tô đỡ hơn chưa?”

Uông Tễ gật đầu, đáp: “Đỡ rồi thím, hôm nay còn có sức nói chuyện với cháu. Hiện giờ đang gọi video với bác sĩ trong phòng.”

Thím nghe vậy thì mừng rỡ, vỗ ngực thở phào: “Chờn ơi, Bồ Tát phù hộ! Khỏe là tốt rồi, mấy hôm nay thím lo lắng cho nó không ngủ yên nổi. Mà nói chứ, sao một đứa khỏe mạnh như nó lại mắc phải cái bệnh này chớ…”

Thấy thím xúc động, Uông Tễ vội trấn an. Dẫu sao bệnh có thuyên giảm thì cũng là điều tốt, dù chỉ tạm thời.

Thím Uông mở túi đồ trên bàn, lấy ra mấy quả trứng gà, nói: “Đây là trứng gà thím vừa nhặt ngoài chuồng, còn nóng hổi luôn, nhưng hơi dơ chút, bây rửa sạch rồi luộc cho thằng Tô nó ăn. Nó không thích đồ chiên, chỉ mê trứng luộc thôi.”

Rồi thím chỉ vào một túi khác: “Còn đây là gà. Chú Uông bây vừa làm thịt xong, đã làm sạch hết rồi. Là con gà mái già, hồi nãy nó còn đẻ ra mấy quả trứng trong túi kìa. Mấy đứa hầm canh gà mà ăn, đừng nói tới thằng Tô, chứ bây cũng gầy thấy rõ.”

Hôm qua chú Uông đi qua vườn rau, thấy Uông Tễ cặm cụi với đám cải thảo với củ cải, chú giật mình hết hồn, về nhà bảo thím: “Phải nhanh làm con gà bồi bổ cho thằng Tễ, nó gầy trơ xương rồi! Không biết là cuốc đất hay đất cuốc luôn nó nữa!” 

Chú còn than, một đứa con trai đẹp trai phong độ vậy mà giờ nhìn tiều tụy quá!

Uông Tễ nghe xong không nhịn được cười: “Chú cháu học nói kiểu văn chương như vầy hồi nào vậy thím? Mô tả sống động thiệt chớ!”

Thím Uông cũng cười, nói: “Ổng vậy đó, học được mấy chữ là cứ đem ra xài bừa. Có hổm thằng Dương ở nhà nằm dài trên sofa chơi game thua, ổng còn chạy lại bảo ‘trời ơi, sao mặt thằng nhỏ xám xịt như tro tàn vậy trời!’ Làm thím hết hồn!”

Dẫu thím có chút khoa trương, nhưng thực sự Uông Tễ gầy đi thấy rõ.

Mấy ngày nay, Phù Tô cứ sốt liên miên, ăn uống cũng toàn đồ nhạt.

Anh dùng nồi đất ninh cháo gạo sệt, chỉ cho chút muối, nấu tới khi vào miệng là tan. Có khi là mì nước trong veo, hoặc dùng các loại rau củ quả ép lấy nước bổ sung vitamin C.

Ngày ba bữa đều là những món này. Uông Tễ không làm thêm gì khác, tâm trạng lo lắng nên cũng không muốn ăn. Anh ăn theo chế độ của Phù Tô mấy ngày liền.

Gà và trứng, anh không từ chối. Thím Uông để đồ lại rồi vội vã về ngay. Uông Tễ mang tất cả lên lầu, nghĩ bụng vài hôm nữa phải xuống huyện mua vài cân xương ống heo và thịt bò đem tới biếu lại.

Ở đây chưa lâu, nhưng chuồng gà chuồng vịt nhà thím Uông gần như sắp bị hai người ăn sạch rồi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận