Mã Liêm, năm nay hai mươi lăm tuổi, người quận Thục, không cha mẹ họ hàng, sống ở Kinh Thành đã được năm năm, trước khi tham gia kỳ thi Hội gã đã dùng bút danh Đông Hồ Cư Sĩ để viết kịch bản mưu sinh, cũng có chút danh tiếng.
Mã Liêm chết ngạt trong thùng tắm tại nhà, trên người còn có nhiều vết thương do dao đâm. Khám nghiệm mấy vết thương, đoán Mã Liêm trước bị hung thủ đâm trọng thương, sau đó mới bị nhấn chìm trong thùng tắm cho đến chết. Có thể thấy người này có thâm thù đại hận với gã.
Mã Liêm rất giỏi luồn cúi dựa dẫm, kết giao với không ít người và cũng vì hai chữ danh lợi mà từng lăng mạ không ít kẻ. Sáu người hiện đang bị giam trong đại lao Hình bộ đều có thù với Mã Liêm và cũng có khả năng giết người vào đêm hôm đó.
Một trong những nghi phạm là Trương Bình, người Huyện Nam Trì Quận Tây Xuyên, hai mươi mốt tuổi, tháng Giêng năm nay đến Kinh Thành. Mã Liêm đã từng công khai sỉ nhục hắn nhân phẩm hèn hạ, cảm thấy hổ thẹn khi cùng là người đọc sách giống hắn. Trong vụ án Hoàng Đại Tiên, vở kịch mà Trương Bình viết vốn đề tên Đông Hồ Cư Sĩ, sau đó vụ giết người gây ra ồn ào, chuyện này mới truyền ra ngoài, làm Mã Liêm lo sợ người khác xì xầm hầu hết vở kịch của gã đều do kẻ khác viết thay. Thế là gã đi khắp nơi rêu rao Trương Bình mạo danh giả dạng. Kỳ thi Hội lần này, bài thi của Mã Liêm lại trên cơ bài của Trương Bình, trở thành người cuối cùng được chọn. Nhưng vẫn chưa có đủ chứng cứ chứng minh Trương Bình biết chuyện này.
Lúc vụ giết người xảy ra, Trương Bình khai hắn đang ngủ ở nhà. Vương Nghiên tra hỏi hắn, tại sao ở cả hai vụ án, ngươi đều là nghi phạm mà lúc nào cũng ở nhà ngủ vậy hả?
Trương Bình đáp lại, bởi vì hai vụ án này đều xảy ra vào ban đêm, mà học sinh thì ngủ một mạch suốt đêm đến sáng.
Vương Nghiên vung bút vạch một vòng tròn trên tờ khai của Trương Bình rồi để qua một bên.
Nghi phạm thứ hai là Cao Dương Quý, người Huyện Tô An Quận Giang Nam, ba mươi hai tuổi, ở Kinh Thành đã sáu năm. Hắn đã nhiều lần thay Mã Liêm viết kịch. Khi nhận tiền thù lao, Mã Liêm lấy chín phần, chỉ đưa hắn một phần, Cao Dương Quý ấm ức trong lòng, có lần sau khi uống rượu say đã đến đập phá cửa nhà Mã Liêm.
Cao Dương Quý nói, đêm vụ án xảy ra, vợ hắn bị đau bụng, thế là hắn túc trực ở bên vợ suốt, nha đầu duy nhất trong nhà có thể làm chứng việc này. Thế nhưng khi Hình bộ kiểm chứng thì thật ra đêm hôm đó Cao Dương Quý không hề ở nhà, đến canh năm mới trở về, ở trước ngõ còn bị chó hoang cắn một cái, trên chân có dấu răng còn mới.
Cao Dương Quý cứ úp úp mở mở không chịu khai rốt cuộc hắn đã đi đâu, thế là bị Hình bộ giải về đại lao.
Vương Nghiên nhìn tên Cao Dương Quý kia, sắc mặt vàng vọt u ám, tinh thần uể oải ủ rũ, phát quan cài tóc, vớ đeo trên chân tất cả đều còn mới, lính canh lục soát trên người hắn tìm thấy một cái đồng tâm kết, trên y phục còn có dấu son phấn của phụ nữ và mùi của dầu bôi tóc. Chắc tám chín phần tên Cao Dương Quý này có tình nhân, khả năng chính là thê thiếp của gia đình giàu có nào đó nên hắn mới không dám nói ra.
Vương Nghiên viết một chữ không lên tờ khai của Cao Dương Quý rồi vứt vào sọt.
Nghi phạm thứ ba là Hàn Duy Quyển, người Huyện Cao Bưu Quận Giang Nam, hai mươi tư tuổi, vừa đến Kinh Thành vào tháng Hai, là thí sinh đã rớt kỳ thi Hội lần này. Từng là nhân tình của gái nhảy Ảnh Liên thuộc sàn diễn Dương Liễu Thuý, sau đó Ảnh Liên được Mã Liêm bao nên từ chối tiếp tục gặp gỡ Hàn sinh. Hàn Duy Quyển xông vào sàn diễn, đã từng xung đột trực diện với Mã Liêm, bị Mã Liêm chế nhạo Hàn Duy Quyển đã nghèo kiết xác còn đòi đi chơi gái. Hàn Duy Quyển mắng chửi Mã Liêm sẽ không được chết yên. Sau khi yết bảng, Mã Liêm trúng tuyển, còn Hàn Duy Quyển thi rớt, Hàn sinh điên cuồng la hét nói trời cao không công bằng, loại người như Mã Liêm rõ ràng đáng chết, tại sao vận mệnh gã lại tốt như thế.
Hàn Duy Quyển nói, lúc vụ án xảy ra, hắn đang cùng hai sĩ tử thi rớt là Trần Trù và Lữ Trọng Hoà uống rượu bên bờ hồ. Nhưng bởi vì cả ba người họ đều có thù với Mã Liêm, không loại trừ khả năng là đồng phạm nên không thể làm chứng cho nhau, thế là cả lũ cùng ngồi chồm hổm trong tù.
Nghi phạm thứ tư là Lữ Trọng Hoà, người Hoài Thánh Châu Quận Lỗ, hai mươi sáu tuổi, tháng Chạp năm ngoái đến Kinh Thành, là một trong những sĩ tử rớt bảng kỳ thi lần này. Lữ sinh năm mười mấy tuổi bị mắc bệnh rụng tóc, chưa quá tam tuần đầu đã trọc lóc không còn cọng tóc, ngày thường phải đội tóc giả lên che đi, không dám cho ai biết. Có lần hắn lén đi gặp lang trung, vừa đúng sao lại gặp Mã Liêm, thế là bị gã tóm được bí mật này. Lữ Trọng Hoà còn có một cái bệnh, hễ hoảng là nói lắp. Trong một văn hội nọ, lúc Lữ Trọng Hoà thi ngâm thơ với người ta, bài “Vịnh Xuân” ngâm đến câu thứ ba, một lúc gấp quá thành tật cà lăm, ngâm thành: “Nghi tự Thường Nga đạp đạp đạp đạp đạp trăng đến.” Thế là thành chuyện cười truyền tai khắp nơi.
Mã Liêm rất thích dùng câu chữ của người khác trong bài văn mình, bài thơ này của Lữ Trọng Hoà bị gã sửa đi vài chữ, đưa vào một vở kịch. Trong vở kịch gã còn viết một anh hề, mũi trét trắng bóc, đầu bóng loáng, cố ý đội một cái khăn trên đỉnh đầu, lên sân khấu hát: “Ngay kia có một tiểu cô nương cưỡi lừa lừa lừa lừa lừa đến.”
Kết quả là, những người quen biết Lữ Trọng Hoà đều biết chuyện thật ra hắn ta là một gã trọc. Đáng ra Lữ Trọng Hoà ở Kinh Thành đã bàn xong hôn sự, nhưng bên nhà vợ chê hắn nghèo mà còn trọc nên đã từ hôn. Lữ sinh bị đả kích, đổ bệnh nặng một trận, lúc kỳ thi diễn ra còn chưa hết bệnh, mười phần năng lực chỉ phát huy được ba phần, tên sau Tôn Sơn (ý là thi rớt). Cho nên hắn hận Mã Liêm thấu xương.
Nghi phạm thứ năm Trần Trù, người Tiết Thành Quận Tây Xuyên, hai mươi ba tuổi, không cha mẹ thân thích, đến Kinh Thành cùng lúc với Trương Bình, là thí sinh thi rớt kỳ thi năm nay. Trần Trù là người có ít thù hằn với Mã Liêm nhất trong số sáu người. Hắn cũng từng viết mấy vở kịch kiếm tiền nuôi thân, từng viết thay cho Mã Liêm, cũng từng vài lần muốn tự mình nhận mấy vở kịch nhưng tranh không lại Mã Liêm. Bình thường Trần Trù rất thích khoác lác, lúc thì nói vốn gia đình mình rất giàu có, lúc thì nói đã từng đến một đất nước thần kỳ, nơi đó mỹ nữ như tiên tử, nữ quốc vương ở đó còn muốn hắn làm vương phu. Thường ngày Mã Liêm chế nhạo hắn, lúc ăn uống nhập tiệc, lại dẫn mấy lời khoác lác của hắn ra nói, làm hắn trở thành tên hề bị khinh rẻ, lấy hắn ra làm trò mua vui.
Mặc dù đây chỉ là những chuyện nhỏ nhặt, nhưng ngày dài tháng rộng tích luỹ lại cũng có thể trở thành thù sâu hận lớn. Vương Nghiên chấm một chấm lên ba cái tên Hàn, Lữ, Trần, rồi đem mấy hồ sơ này để qua một bên.
Nghi phạm thứ sáu tên Củng Tần Châu, chính là người đã nhắc đến cái tên Phong Nhược Kỳ trong đại lao kia. Hai mươi hai tuổi, người Kinh Thành. Lúc hắn mười sáu tuổi đã bắt đầu viết kịch, dùng bút danh Thiên Bắc Tán Nhân, có gốc rễ rất mạnh ở Kinh Thành. Lúc Mã Liêm viết kịch luôn tranh không nổi với hắn. Nhà in Tư Hiền ở Kinh Thành cho xuất bản một tập kịch bản, danh tiếng của Củng Tần Châu nổi hơn Mã Liêm, đãi ngộ cũng hơn Mã Liêm, cho nên gã cảm thấy Củng Tần Châu ngáng đường của mình, luôn tìm cơ hội để đối phó với hắn.
Năm ngoái, một đám người Hồ nước La Căn uống rượu quậy phá ở Kinh Thành, đốt cháy mấy căn nhà, còn đánh sai dịch của phủ Kinh Triệu. Người Kinh Thành hết sức phẫn nộ. Mã Liêm biết Củng Tần Châu thích một cô nàng người La Căn trong một sàn diễn nọ, thường đến nhảy múa cùng cô ta, còn từng có ý muốn mua cô ta về phủ. Thế là gã đem chuyện này kể cho mấy người xung quanh biết, còn mướn vài người giả làm mấy tên căm hận người La Căn, chọi rau thối, hắt nước tiểu vào cửa nhà Củng Tần Châu.
Mã Liêm luôn chủ động kết giao với Củng Tần Châu, cả hai thường uống rượu cùng nhau, Củng Tần Châu không tin Mã Liêm sẽ hại mình, nhưng người biết được hắn xem Hồ cơ chỉ có Mã Liêm. Mấy việc lẻ tẻ như hắn thích ăn bánh vừng đều bị truyền ra bên ngoài. Sau khi làm mấy chuyện này xong Mã Liêm bắt đầu công khai viết mấy bài thơ ngầm chỉ trích Củng Tần Châu.
Người chửi bới Củng Tần Châu càng lúc càng nhiều, Củng Tần Châu vì biết được chân tướng sự việc, đã dứt khoát không thèm đếm xỉa đến. Lúc đó hắn và Mã Liêm đều thuê một chỗ trong nhà in để sửa chữa bản thảo của mình, chỗ đó chỉ có hắn và Mã Liêm đi ra đi vào. Hắn có ý muốn viết một trường thi châm biếm tầng lớp bốc đồng, chia ra viết trên bức tường mà hắn và Mã Liêm dùng chung, ở trong nhà và trên một trà quán.
Thơ ở ba nơi này, tên và mấy câu mở đầu đều giống nhau, chỉ là độ dài của toàn bài thơ và cách dùng chữ có hơi khác nhau.
Tối ngày hôm đó, Củng Tần Châu biến thành Hồ nô người người muốn đánh, mấy câu trích dận hiệu triệu đầu tiên trong bài hịch mà mọi người phê phán hắn đều là những câu hắn viết ở trong nhà in.
Trải qua việc này, danh tiếng Củng Tần Châu bị huỷ hoại nghiêm trọng. Mã Liêm nhân cơ hội đó đi tán dương bản thân mình khắp đường lớn ngõ nhỏ, đồng thời chỉ đứng sau lưng giẫm đạp lên Củng Tần Châu. Ngoài chuyện mấy câu thơ ngầm đả kích của gã khiến Củng Tần Châu tức giận ra, gã hoàn toàn không hề công khai tham gia vào chuyện nào khác. Vào dịp lễ Tết, Mã Liêm gửi tặng lễ vật cho nhà in, cũng không quên thêm một phần cho Củng Tần Châu, nói rằng Củng Tần Châu vì mấy câu thơ gã viết mà hiểu nhầm gã, không thăm viếng nói năng với gã nữa, nên phiền nhà in thay gã gửi đến hắn… Nhà in cảm thấy tính tình Mã Liêm biết kềm chế hơn Củng Tần Châu, thế là Mã Liêm thuận lợi kết thành tri kỷ với mấy gã văn sĩ đã cùng chà đạp Củng Tần Châu. Hai bên thường xuyên tâng bốc lẫn nhau, văn sĩ các nơi viết văn khen ngợi Mã Liêm tài hoa hơn người, còn phong tặng hắn danh hiệu “Đông Hồ Thần Bút.”
Sau khi nghe xong mấy lời khai này của Củng Tần Châu, Vương Nghiên bèn nói: “Vậy thì ngươi có oán hận rất sâu đậm với Mã Liêm.”
Củng Tần Châu cười lạnh: “Chưa nói đến việc hận hay không, tôi chỉ cảm thấy con người này vô cùng ác độc, càng không thể vì loại người này mà đi báo thù để bản thân phải trở thành kẻ giết người. Tôi trước giờ không hiểu đạo lý đối nhân xử thế, trải qua chuyện này, coi như nhận một bài học cho mình, bản thân cũng gặt hái được vài thứ. Hơn nữa, những thủ đoạn mà Mã Liêm dùng để đối phó với tôi, so với năm xưa hắn đã dùng với Phong Nhược Kỳ thật sự không đáng nhắc đến. Nghĩ đến Phong Nhược Kỳ, tôi cảm thấy bản thân mình vẫn còn may mắn lắm.” Không ngừng nhắc đến Phong Nhược Kỳ, cũng không biết là thật lòng đồng tình, hay là có ý muốn làm y mắc bẫy.
Vương Nghiên vẽ hai vòng tròn trên tờ khai của Củng Tần Châu, chuẩn bị đi thăm Phong Nhược Kỳ.
Người tên Phong Nhược Kỳ này không thể tuỳ tiện sai nha dịch đến bắt. Bởi vì ba năm trước anh ta đã đậu tiến sĩ, Cung Tụng Minh Lễ bộ Thượng thư, sếp trực tiếp quản lý Lan Giác, chính là thầy của anh ta.
Phong Nhược Kỳ làm quan ở Vu Châu Quận Giang Nam, khả năng không tới vài năm y sẽ có thể được phong chức làm Tri phủ. Trước đây mấy lần y có đến Kinh Thành để thăm ân sư Cung đại nhân. Lúc vụ án xảy ra, vừa đúng y cũng ở Kinh Thành.
Vương Nghiên thật không mong Phong Nhược Kỳ là hung thủ thật sự, nếu như vị quan có cấp bậc như Phong Nhược Kỳ mà dính dáng đến vụ án này, thì lập tức sẽ bị Đại lý tự bốc đi ngay.
Vương Nghiên suy đoán, Phong Nhược Kỳ sẽ không vì thù xưa hận cũ mà tự làm hại chính mình, mạo hiểm đi giết một kẻ trước mắt vẫn chưa chạm đến cửa quan.
Thế nhưng, lúc chấm thi, ái đồ của Vân thái phó là Lưu Bính đã kịch liệt đề cử Mã Liêm, Mã Liêm quả thực đã leo lên được cành cao, lại bị Phong Nhược Kỳ biết được, chuyện cũng không thể nói chắc.
Chuyện gì cũng không chắc chắn được…
Vương Nghiên lại đến đại lao xem thử, mấy cậu học trò kia, kẻ tức giận người la hét, riêng Trương Bình ngồi trong góc xó, lại đang ăn, lần này là ăn tối.
Trần Trù nuốt không nổi cơm, Trương Bình ăn sạch sẽ giùm y cái màn thầu. Vương Nghiên nhìn thấy hắn, lòng lại rầu rĩ rời khỏi đại lao, rồi lệnh người mang danh thiếp đến chỗ Phong Nhược Kỳ đang ở, nói rằng ngày hôm sau sẽ đến viếng thăm y.
Đêm khuya, Lan Giác bị tiếng hét của Lan Huy làm giật mình tỉnh giấc. Lan Huy hai mắt đỏ au nhìn cha nói: “Cha ơi, ma…”
Lan Huy từ phủ Vương Nghiên trở về nhà, trở thành một cục than đen nhẻm, trên cơ thể có nhiều chỗ bị trầy xước, nhưng ánh mắt sáng ngời, tinh thần phấn chấn. Lan Giác còn đương mừng thầm thì ngờ đâu lại xảy ra chuyện này, bất đắc dĩ nói: “Chẳng phải cha đã đưa con lợn rừng cho con hộ thân rồi sao? Sao lại còn sợ ma nữa?”
Lan Huy chầm chậm lôi từ trong ngực ra con lợn rừng đó, hoá ra lúc nó chơi đánh trận với mấy đứa con của Vương gia đã làm gãy răng nanh của con lợn.
“Cha ơi, ma lại đến rồi, có phải vì răng con lợn gãy rồi cho nên không ủn được cây nữa không?”
Lan Giác đành phải để cho Lan Huy đến phòng y ngủ một đêm, Lan Huy cứ thì thầm nói mãi, toàn thân con ma đó toàn máu là máu, từ dưới nước trồi lên. Không phải là quỷ cây mà là quỷ nước, lợn rừng không có tác dụng rồi.
Ngày hôm sau, sau khi Lan Giác bãi triều, lập tức đến tiệm đồ ngọc đặt cho Lan Huy một con mèo ngọc.
Cạnh tiệm đồ ngọc là một ngôi chùa. Lan Giác ra khỏi tiệm ngọc, đang muốn lên kiệu thì nhìn thấy một cái bóng quen thuộc vội vàng ra khỏi chùa, nhanh chóng leo lên cỗ kiệu nhỏ mộc mạc.
Bóng người đó áng chừng là Liễu Viễn, anh vợ của y.