Trường Dạ Vô Ninh - Đêm Dài Không Yên

Chương 17


Vệ công công nói đêm qua hoàng đế đã tỉnh, kéo theo thân bệnh tự mình chạy đến Thái Bình điện, thấy đèn tắt hết, sợ quấy rầy ta nghỉ ngơi nên đã sai người không cần thông báo rồi liền quay về Trường Tín điện dưỡng bệnh.

Ông ấy còn bảo câu đầu tiên hoàng thượng nói sau khi tỉnh đó là, không được để bất kì kẻ nào gây khó dễ cho ta.

Ta gật gật đầu.

Vệ công công nói thấy mọi việc chỗ ta vẫn ổn thỏa không có gì đáng lo ngại nên cũng chẳng nán lại nữa mà tức khắc trở về phục mệnh. Lúc sắp rời khỏi ông ấy đã quay lại nói với ta một câu cuối cùng, hoàng thượng có dặn Diệp dung hoa là muốn tới Trường Tín điện lúc nào cũng được.

Hai mươi ba tháng mười hai.

Ta quanh quẩn trong Thái Bình điện suy nghĩ hết năm ngày trời.

Chẳng hiểu sao dạo này thời gian ta ngủ kéo dài lạ thường, mà mỗi lần chìm sâu vào giấc ngủ là ta sẽ mơ thấy những giấc mộng cứ mơ mơ hồ hồ không đầu không đuôi, toàn bộ là hình ảnh của quá khứ tràn về, là những thứ mà ta luôn cố gắng quên đi nhưng không thể quên được.

Ví như ngày thành thân của ta và Thừa Du, trước lúc động phòng, xuyên qua chiếc khăn voan mỏng manh, xa xa lẫn trong đám người náo nhiệt, ánh mắt ta dán chặt lên dáng vẻ say khướt chẳng còn biết trời trăng của ngũ hoàng tử. Ngày hôm sau quản gia ở phủ thái tử còn trêu ghẹo, bảo là tiệc rượu tàn mọi người giải tán hết rồi mà ngũ hoàng tử còn nằm gục người trên bàn không chịu đứng dậy đi về, trong tay nắm chặt dây băng cưới của ta và Thừa Du. Quản gia bó tay, không còn cách nào khác là đưa cả người lẫn dây băng cưới trở về.

Lúc ấy Thừa Du đùa đùa nói ngũ đệ đang hâm mộ đấy, đợi ngày khác ngũ đệ cưới được cô vợ về nhà là khỏi cần phải ghen tị rồi.

Lại ví như ngày mà Thừa Du chết, ta tựa cái xác không hồn đi lang thang vô định trên con phố rộn ràng của kinh thành, bên tai là tiếng líu ríu bàn luận không ngớt của đám người hai bên đường, bọn họ bảo thái tử bất trung bất nghĩa bất nhân bất hiếu, chỉ vì trên triều bị hoàng đế bác bỏ vài câu mà đã khởi binh mưu phản, loại người như vậy xứng đáng chịu tru diệt.

Sau đó ta nghe người ta nói xác Thừa Du chôn ở bãi tha ma ngoại thành phía Nam. Ta chờ đến khi màn đêm buông xuống một thân một mình chạy ra ngoài đó, tay không ra sức đào bới lớp đất vàng, ròng rã suốt cả đêm chảy lúc nào ngơi nghỉ, tới nỗi mười đầu ngón tay rướm máu toàn là máu. Cơn đau làm ta mất hết cảm giác nhưng vẫn chẳng thấy quan tài của hắn, cũng chẳng thể nhìn mặt hắn lần cuối cùng. Về sau Lý Thừa Mục tìm được ta, nói thái tử được an táng tại hoàng lăng, khuyên ta đừng nên nghe mấy lời đồn đại ngoài phố nữa. Hắn nắm hai tay ta đặt lên ngực hắn, miệng cầu xin ta hãy sống cho thật tốt.

Quá khứ sống động biết bao nhiêu, mà tương lai lại như vở kịch câm, một sự im lặng chết người.

Quay về hiện tại, các thái y nói sức khỏe của hoàng đế đã dần dần tốt lên, do hắn lo lắng quốc sự sinh vất vả rồi lâu ngày thành bệnh, nghỉ ngơi vài hôm là có thể lên triều như bình thường.

Đến một ngày kia khi hắn hạ triều quay về Trường Tín điện thì thấy ta đã sớm đứng chờ ở cửa đại điện.

Ta nói với hắn, lần này đến lượt ta xin ngươi, hãy sống cho thật tốt, được chứ?

Ánh dương nhàn nhạt ấm áp ngày đông hắt lên sườn mặt hắn, ta có thể thấy rõ vẻ xúc động nhưng đang cố nén nhịn của hắn ở nửa sườn mặt còn lại chìm trong bóng râm.

Bàn tay chắp sau lưng hắn khẽ cử động, Vệ công công thức thời lui ra ngoài dành không gian riêng cho hai chúng ta.

“Chuyện này Tình nhi làm chưa tốt rồi.” Hắn vuốt vuốt cằm, cười mà như chẳng cười.

Giang Tiếu Tình đã thành công xây dựng trong mắt người khác hình tượng ngông cuồng làm mưa làm gió, nhưng lại nhận được đãi ngộ tuyệt vời khi làm phi tần và đặc biệt còn là thân thích của hoàng đế. Mà trong mắt hắn, nàng ta cùng lắm chỉ là phương thuốc bù đắp lại sự nuối tiếc của hắn vì mẫu phi không được sủng ái, là thanh kiếm trung thành chỉ đâu đâm đó. Lưỡi kiếm sắc bén hắn sẽ coi là bảo bối mà coi trọng, mà một khi đã bị thời gian mài mòn rồi thì cũng đồng nghĩa với việc biến thành phế vật bị hắn vứt bỏ. Truyện Cung Đấu

Nhưng Giang Tiếu Tình vẫn rất vui vẻ, cuộc đời của người nào mà chẳng có ý nghĩa, như đã nói, Giang Tiếu Tình sống vì biểu ca của nàng ta, đó là ý nghĩa tồn tại duy nhất. Cho dù suốt cả quá trình có rước vào mình thêm bao nhiêu nợ máu, liên tục đánh mất chính bản thân. Cho đến khi không còn tìm thấy đâu là mình nữa thì sẽ dứt khoát vứt bỏ luôn, tập trung nhào nặn chiếc mặt nạ Vinh quang phi càng ngày càng hoàn hảo hơn, cố gắng tô lên cho nhân sinh nhạt nhẽo của mình chút ý nghĩa nhỏ bé.

Nàng ta tựa con phù du đang vỗ phành phạch đôi cánh mỏng manh, trong Kinh Thi có viết: Phù du chi vũ, y thường sở sở, tâm chi ưu hĩ, ư ngã quy xử. Cũng giống như Giang Tiếu Tình xinh đẹp tôn quý nhưng cũng thật đáng thương, và điều đó tồn tại một cách mâu thuẫn trong con người tầm thường mà mạnh mẽ ấy.

Ta đoán hắn không muốn để Vinh quý phi tiết lộ với ta chuyện hắn chẳng sống được bao lâu nữa, ngược lại Giang Tiếu Tình trước giờ luôn luôn nghe lời lần này lại tự làm theo ý mình. Nàng ta muốn vì Lý Thừa Mục, có lẽ sẽ nói cho chúng ta kết cục đã được sắp xếp ổn thỏa, chẳng sợ làm trái mong muốn của Lý Thừa Mục.

Ta vươn tay nắm lấy tay áo hắn giật giật, gằn giọng hỏi một lần nữa: “Được chứ?”

Vẻ mặt hắn tư lự, cuối cùng gật đầu: “Nàng nói gì ta cũng nghe theo.”

Hai mươi chín tháng chín, một ngày trước khi chuẩn bị tạm biệt mọi vui buồn của năm cũ để đón chào năm mới đã đến ngoài ngưỡng cửa.

Cái chết và hồi sinh kéo chúng ta lại gần bên nhau, chúng ta đã thay đổi cách thức ở chung khác có thể giúp hòa hợp với đối phương hơn, đẩy lùi những tàn tro xui xẻo chào đón cái mới.

Chúng ta không ai bảo ai, nhất trí khóa chặt quá khứ rồi chôn vào một góc thật sâu trong tim, về Thừa Du, về Ấu Bạch, về tất cả sự kiện của bảy năm trước.

Mậu tần bị đưa ra khỏi cung, Vinh quý phi nói là đưa tới chùa Chiêu Nhân cầu phúc cho đất nước, nhắm mắt làm ngơ nhiều khi lại là chuyện tốt.

Lý Thừa Mục thật sự làm y theo lời hắn từng nói, truy phong mẫu thân của ta thành Huyền quân, trao cho bà mỹ danh trung quân ái quốc, có công khuyên nhủ, tiếc rằng như châu chấu đá xe, không muốn đứng chung một đảng với nghịch tắc, đúng là công thần của xã tắc.

Nhưng chuyện này hắn không đề cập trước mặt ta mà ta biết được từ miệng Uyển phi. Uyển phi bảo nàng rất hiểu tâm tình hiện tại của ta, năm đó nàng vào cung làm phi tử của Lý Thừa Mục, khi mang thai Ngọc Hoàn nàng đã từng có cảm giác như vậy. Nàng không quên được hận thù, cũng chẳng kháng cự nổi tình yêu, nàng biết mình không thể yêu kẻ đã cầm đao giết chết Thừa Du, nhưng nàng càng không thể không yêu đứa nhỏ, và cả người có chung huyết thống với con nàng.

Cho tới tận bây giờ nàng vẫn chưa làm cách nào để giải quyết được mâu thuẫn. Thế nhưng nỗi đau lần lượt mất đi người mình thương yêu như hồi chuông cảnh báo rằng nếu hiện tại không biết trân trọng thì sau này sẽ mãi mãi bị hối hận và đau thương nhấn chìm đến chết.

Ta nghe, hơi đăm chiêu sờ lên bụng, ta hỏi nàng, hỏi nàng xem ta sẽ yêu đứa nhỏ này ư.

Nàng nói, đương nhiên.

Ta lại hỏi nàng, nếu có một ngày ta không còn trên thế gian này nữa thì tỷ có giúp ta chăm sóc đứa nhỏ không, không cần thương nó như thương Ngọc Hoàn đâu, chỉ cần coi nó là con của hoàng đế mà quan tâm nó là được rồi.

Nàng im lặng, chốc lát lại nhìn lên trời, chốc lát thì quay sang nhìn ta, nhìn nhìn chốc lát lại nổi cơn nghiện diễn, thuần thục lấy chiếc khăn tay ra phun một ngụm máu đỏ lên: “Ta chưa nói ta mất mà muội đã mê sảng rồi à?”

Ta giật lấy chiếc khăn tay: “Được rồi được rồi, ở đây còn diễn cái gì mà diễn.” Chậc chậc, chiếc khăn trong tay ta đắt đỏ lắm ấy chứ chẳng đùa. Mắt nhìn vết chu sa mà Uyển phi dùng giả làm máu, chắc là lén trộm ở chỗ ta đây mà, “Đồ chất lượng hảo hạng thế này, chu sa đã làm sai cái gì chứ?”

Ta xót xa thở dài thở ngắn, Uyển phi tiếp tục hí hứng “khụ khụ hộc máu”.

Vị tỷ tỷ này thực sự cho rằng ta không biết chuyện mỗi ngày nàng đều ở trong cung mình chạy mười vòng hay sao, quả đúng là người có sức khỏe dồi dào nhất hậu cung! Hằng năm giả làm ma ốm đến nghiện rồi, chắc đã quên cả luôn lần trước tay không vác hai túi gạo trong phòng bếp nhỏ, ta thì đứng bên bệ bếp vỗ tay trầm trồ khen ngợi nhỉ?

Ban ngày rảnh rỗi thì Uyển phi sẽ tới chỗ ta chơi, trời nhá nhem tối nàng liền đi, bởi vì thường thường chưa đến giờ Tuất Lý Thừa Mục đã xuất hiện ở Thái Bình điện, ở cạnh ta đến canh ba giờ Hợi là rời đi, lần nào cũng nhắc nhở Dẫn Diên hầu hạ ta nghỉ ngơi cho tốt.

Đêm nay lại khác, ngày thứ hai là giao thừa, hắn kể ta nghe về đêm ba mươi trong ký ức thời thơ ấu, hôm ấy hắn và người mẫu phi không được sủng ái của mình phải trú ở Kỳ Hương các vừa nhỏ vừa xập xệ, có mấy miếng bánh hoa mai ăn đã là chuyện vui lắm rồi.

Nhưng sau đó ta biết được kể từ khi ăn món điểm tâm có độc do Khang quý phi mang đến, xong thậm chí còn thèm thuồng liếm sạch cái đĩa thì hắn đã không còn ăn bánh hoa mai, không bao giờ đụng đến bất cứ món đồ ngọt nào nữa.

Hai ta trò chuyện đến tận trưa, mặt trời đã treo rất cao, ta chống cằm, mắt lim dim gật gà gật gù, hắn xoa xoa đầu ta giục ta mau đi nghỉ ngơi. Ta mơ màng giữ chặt tay hắn lại, nhẹ giọng nỉ non: “Chờ sang năm, chúng ta có con…”

Ta cảm thấy bàn tay đang nắm tay ta chợt run khe khẽ, rồi bắt đầu ấm dần lên, hai bàn tay níu vào nhau khiến ta cảm nhận được hương vị tình yêu ngập tràn, lại cuốn theo nỗi tiếc nuối sâu đậm và ẩn sâu là sự kìm nén trong âm thầm.

Một thoáng nào đó, ta dường như quay ngược trở lại ngày tháng ấu thơ, hắn vẫn là ngũ hoàng tử, và ta vẫn là Đồng Dục Nhi. Hóa ra ngay tại thời điểm đó, cả hai chúng ta đã được định sẵn sẽ trở thành tiếc nuối cả đời của đối phương. Cho dù bây giờ nắm lấy tay người, cho dù bây giờ gắn bó làm bạn, nhưng cuối cùng chẳng thể trốn thoát được mảnh hồi ức chưa lúc nào phai mờ, cùng với kết cục qua loa không trọn vẹn.

Mười tám tháng ba năm Cảnh Nguyên thứ bảy, ta vào cung chín tháng có lẻ, hoàng đế hoan hỉ vì có được con trai, chúng phi tần trong cung nối đuôi nhau đến diện kiến Diệp dung hoa vừa được thăng lên hai bậc, tấn tần, ban thưởng phong hiệu “Chiêu”.

Ta hỏi Lý Thừa Mục chữ “Chiêu” có ý nghĩa thế nào.

“Chiêu triết.” Hắn nói, “Thanh xuân tạ thụ, bạch nhật chiêu chỉ, trẫm muốn để cả thiên hạ này mở to mắt ra nhìn nàng đường hoàng làm mẫu thân của hoàng đế tương lai, cũng sẽ bảo toàn cho nàng một tương lai tươi sáng.”

Rất lâu, rất lâu rồi chúng ta luôn phải nằm ở tận nơi đáy lòng không có chút ánh sáng của nhau, một câu “bạch nhật chiêu chỉ”* cũng coi như làm sáng tỏ nhiều năm thương tiếc.

*Chữ “Chiêu” có nghĩa là sáng tỏ rõ ràng, đại ý là hoàng đế mong muốn sau này Trường Ninh có thể đường đường chính chính bước lên ngôi vị mẫu nghi thiên hạ.

Dần dà, hậu cung bắt đầu xuất hiện kẻ khua môi múa mép bảo tháng sinh của đứa nhỏ không hợp lý, hoàng đế tự mình lấy máu kiểm tra bịt lại miệng lưỡi thế gian, sau đó còn chứng minh cho triều đình lẫn hậu cung rằng mình vô cùng coi trọng đứa con này.

Lễ Bộ đã soạn ra rất nhiều chữ để hoàng đế chọn, cứ thay đổi hết lần này đến lần khác. Vì vai vế của đứa nhỏ nên trong tên sẽ có một chữ “Diễn”, Lý Thừa Mục đọc đi viết lại mấy cái tên do Lễ Bộ đề xuất, gấp đến độ tóc bạc trắng thế nhưng mãi cũng không chọn được tên nào thích hợp.

Ta đưa cho Uyển phi xem, Uyển phi lắc đầu liên tục bảo cái nào cũng được, mà vẫn chưa đủ tốt. Nàng xem đã đời rồi lại đưa sang cho Trang phi có tài văn chương xem, xem xong thì quay về bổ sung thêm mấy chữ Trang phi nghĩ được, hại Lý Thừa Mục và Uyển phi vắt não suy nghĩ suýt thì trắng bạc cả đầu.

Cho tới một ngày nọ, khi ta đang ở trong Thái Bình điện nghịch nghịch miếng ngọc bội Lý Thừa Mục tặng thì đột nhiên thấy hắn vỗ đùi đánh “đét” rồi chạy đến án thư cầm bút viết xoèn xoẹt, lúc sau giơ tờ giấy ra cho ta xem: “Chữ ‘Cẩn’ được không?”

Ta ngẩn người, sau đó gật gật đầu.

Mồng ba tháng chín năm Cảnh Nguyên thứ bảy, đại hoàng tử Lý Diễn Cẩn năm tháng tuổi được phong Hoài vương, ta là mẫu phi của Hoài vương nên được tấn thành Chiêu tu dung. Lý Thừa Mục bảo Chiêu chiêu nghi quá khó nghe nên đành để ta làm tu dung trước, mặc dù có hơi thiệt thòi cho ta nhưng tránh thăng vị quá nhanh, cây to đón gió càng gặp nhiều chuyện rắc rối.

Ta ôm Diễn Cẩn đến hỏi Vinh quý phi xem xét xem có thể giữ lại mạng Phùng quý nhân hay không, Vinh phi nói những vở kịch như vậy luôn luôn là giết mẹ lấy con để loại trừ tai họa sau này, xưa này đều là thế. Một khi Phùng quý nhân đồng ý thì chắc chắn đã nghĩ đến kết cục bản thân phải nhận rồi.

Ta nói vẫn còn biện pháp khác kia mà, đưa nàng ta đến nơi xa thật xa hoặc thu xếp cho ở trong phủ.

Vinh quý phi nở nụ cười, nói mình rất hiểu con người biểu ca của nàng ta, Lý Thừa Mục sẽ không bao giờ giữ lại bất kể thứ gì bao gồm cả người lẫn chuyện trên thế gian này có khả năng uy hiếp đến ta. Dứt lời nàng ta tự chỉ vào ngực mình: “Có thể cũng chính là ta đấy.”

Thấy vẻ mặt sửng sốt đầy phức tạp của ta, Vinh quý phi càng cười tươi hơn: “Có thể thôi mà, ngươi sợ cái gì chứ.” Nói xong nàng ta nghiêm mặt, “Ta biết cô không muốn để hai tay dính máu, mà ta thì khác, ta có thể giúp biểu ca hại người, cũng có năng lực giúp biểu ca giữ người, nhưng ta chỉ nghe lời biểu ca của mình. Nếu cô thật lòng muốn bảo vệ tính mạng cho nàng ta thì cứ đi mà tìm hắn, hắn gật đầu ta sẽ thay cô làm chuyện này. Có điều cô phải hiểu, không nhổ cỏ tận gốc, sau này lỡ đâu có việc bất trắc, không có biểu ca bảo vệ thì tự cô phải chịu trách nhiệm.”

Ta đã suy nghĩ cẩn thận lắm rồi, mọi chuyện trên đời có quá nhiều khả năng xảy ra, ta không thể vì một trái hư mà bỏ cả cây được.

Như lời đã nói, ta cũng ôm Diễn Cẩn đến Trường Tín điện xin Lý Thừa Mục một lần, hắn đáp mà chẳng buồn ngẩng đầu lên: “Trẫm sẽ không giết Phùng quý nhân.”

“Thật ư?”

“Ừ.” Hán ưỡn thẳng lưng, nhéo nhéo khuôn mặt bụ bẫm hồng hào của Diễn Cẩn, “Trẫm không định diệt trừ nàng ta, trẫm không muốn lòng nàng bất an.”

Xem ra Vinh quý phi chưa đủ hiểu hắn, ta cũng đánh giá thấp hắn, người này quả thật bảo vệ ta quá chu toàn.

Mười tám tháng mười hai năm Cảnh Nguyên thứ bảy, nhị cữu của Uyển phi lại thông báo ta mang thai.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận