Truy Tìm Dracula

Chương 13


Chuyến du hành kế tiếp lại đưa chúng tôi trở lại phía Đông, bên kia rặng Julian Alps. Thành phố bé nhỏ Kostanjevica, “thành phố cây hạt dẻ”, quả thực đang ngập tràn hạt dẻ vào mùa này trong năm, vài quả còn rụng dưới chân, vì vậy nếu không để ý khi bước trên những con đường rải đá cuội, bạn có nguy cơ trượt chân ngã dập mặt. Phía trước tòa thị chính, nơi thoạt tiên được xây dựng làm nơi trú ngụ của một quan chức Áo-Hung, những hạt dẻ trong lớp vỏ nhăn nheo xấu xí vương vãi khắp nơi như một bầy nhím nhỏ.

Cha cùng tôi thơ thẩn tản bộ, thưởng thức một buổi chiều thu ấm áp – theo ngôn ngữ địa phương, được gọi là mùa hè Gypsy, một phụ nữ đứng coi cửa hàng cho chúng tôi biết như vậy – và tôi liền nghĩ đến những dị biệt giữa thế giới phương Tây, cách đây vài trăm cây số, và thế giới phương Đông này, chỉ xuôi về phía Nam Emona một chút. Ở đây, mọi thứ trong các cửa hàng đều trông giống nhau, các nhân viên cửa hàng cũng vậy, hình như họ hoàn toàn y chang nhau, đều mặc áo khoác lao động màu xanh lam sẫm và đeo khăn quàng cổ in hoa, những chiếc răng vàng hoặc thép không tì vết lấp lánh trước mặt chúng tôi, từ đằng sau quầy hàng trống trơn hết một nửa. Chúng tôi mua một thanh sô cô la thật lớn để dùng cho bữa ăn ngoài trời với xúc xích salami xắt lát, bánh mì nâu và pho mát, cha cũng không quên mang theo những chai Naranca ưa thích của tôi, thứ nước cam làm tôi nhớ đến Ragusa, Emona, Venice.

Buổi họp cuối cùng tại Zagreb, Croatia đã kết thúc một ngày trước khi tôi hoàn thành những nét chỉnh sửa hoa mỹ cuối cùng cho bài tập lịch sử của mình. Lúc đó, cha muốn tôi học tiếng Đức, và tôi rất hào hứng, không phải do bị cha thúc ép vì dù cha không thúc thì tôi cũng vẫn muốn học như thường; tôi muốn bắt đầu ngay ngày mai, bằng một cuốn sách mua ở hiệu sách ngoại văn tại Amsterdam. Tôi mặc váy ngắn mới màu xanh, đi tất dài vàng, cha mỉm cười nhớ lại một câu đùa khó hiểu hai nhà ngoại giao nọ nói với nhau sáng hôm đó, và những chai nước cam Naranća khua lanh canh trong túi lưới. Phía trước chúng tôi là một cây cầu đá thấp nằm vắt ngang sông Kostan. Tôi vội vã chạy đến đó để nhìn ngắm trước tiên, muốn được thưởng thức khoảnh khắc đó một mình, thậm chí không muốn có cha bên cạnh.

Gần sát bên cầu, dòng sông lượn ra xa khỏi tầm nhìn, ở khúc quanh ấy thấp thoáng một lâu đài nhỏ, một lâu đài kiểu Đông Âu chỉ bằng cỡ một biệt thự, dưới chân có đàn thiên nga bơi lội hoặc đứng rỉa lông trên bờ sông. Lúc tôi đang ngắm nhìn, một phụ nữ mặc áo choàng xanh mở cửa sổ mắt cáo trên lầu, đẩy cánh cửa ra phía ngoài, tấm kính sáng lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, rũ bụi miếng vải lau sàn. Bên dưới cầu, những cây liễu non mọc bên nhau san sát và lũ chim nhạn bay ra bay vào trên doi đất nhô ra sông. Trong sân vườn lâu đài, tôi nhìn thấy chiếc ghế đá dài (không nằm quá gần những con thiên nga, những con vật mà đến tận bấy giờ, mười mấy tuổi đầu rồi, tôi vẫn sợ), những cây hạt dẻ nghiêng mình bên trên, bức tường thành lâu đài cũng phủ bóng mát lên chiếc ghế. Bộ com lê sạch sẽ của cha hẳn sẽ được an toàn ở đấy, cha có thể ngồi lâu hơn dự định và nói chuyện thoải mái hơn.

Lần nào miệt mài với những lá thư này trong căn hộ của mình, cha chùi những vết xúc xích salami bằng một chiếc khăn tay vải và bắt đầu kể, một chuyện gì đó nằm ngoài toàn bộ vụ mất tích bi thảm của thầy Rossi cũng cứ dằn vặt đầu óc cha. Khi đặt lá thư kể lại chi tiết về tai nạn khủng khiếp xảy ra với anh bạn Hedges của thầy Rossi xuống, trong một thoáng, cha cảm thấy không đủ khỏe để suy nghĩ rõ ràng. Cha đã rơi vào một thế giới bệnh hoạn, cõi âm ty của cái thế giới hàn lâm mà cha đã quen thuộc bao năm qua, tìm thấy ý nghĩa ẩn sâu trong lịch sử bình thường mà lâu nay cha vẫn mặc nhiên chấp nhận. Với kinh nghiệm nghiên cứu sử của cha, những người chết không thể sống lại, những nỗi kinh hoàng thời Trung cổ là do con người gây ra, chứ không phải do những thế lực siêu nhiên, Dracula là một huyền thoại đầy màu sắc của vùng Đông Âu, hồi sinh nhờ những bộ phim Hollywood vẫn gắn liền với tuổi thơ cha, và năm 1930 là ba năm trước khi Hitler thâu tóm chính quyền độc tài tại Đức, đó mới là nỗi kinh hoàng lớn đến nỗi chắc chắn đã ngăn chặn mọi quyền lực kinh hoàng khác.

Vì vậy, trong một thoáng cha cảm thấy mình không được khỏe, tinh thần suy sụp, giận người thầy mất tích đã truyền lại cho cha những ảo tưởng khủng khiếp này. Nhưng sau đó giọng điệu nhẹ nhàng đầy hối tiếc trong các lá thư của ông lại tác động lên cha, và cha lại cảm thấy ân hận vì ý nghĩ bất trung vừa qua của mình. Thầy Rossi phải dựa vào cha – chỉ một mình cha; nếu cha từ chối không tin vì một nguyên tắc mô phạm nào đó, chắc chắn cha sẽ không bao giờ được gặp lại ông ấy.

Và còn một điều nữa đang dằn vặt cha. Khi đầu óc đã sáng suốt hơn một chút, cha nhận ra đó là ký ức về người phụ nữ trẻ mà cha đã gặp tại thư viện, cha mới gặp cô ta vài giờ trước đó nhưng có cảm tưởng như phải vài ngày rồi. Cha nhớ lại ánh mắt kỳ lạ của cô ta khi nghe cha giải thích về các lá thư của thầy Rossi, cau mày như đàn ông khi chú ý tập trung tinh thần. Tại sao cô ta lại đọc về Dracula, ngay tại chính chiếc bàn của cha, ngay chiều tối hôm đó, ngay sát bên cha? Tại sao cô ta đề cập đến Istanbul? Cha đã đủ nhức đầu với những gì đã đọc trong những lá thư của thầy Rossi nên tạm gác mối hoài nghi của mình lại và bác bỏ ý niệm về sự trùng hợp để chọn một lý giải nào đó thuyết phục hơn. Và tại sao không? Nếu cha đã thừa nhận một thế lực siêu nhiên, đương nhiên cha sẽ phải thừa nhận nhiều điều siêu nhiên khác; đây chỉ là vấn đề logic.

Cha thở dài, cầm lá thư cuối cùng của thầy Rossi lên. Sau khi xem xong lá thư này cha chỉ cần xem lại các tư liệu khác còn giấu kín trong chiếc phong bì xoàng xĩnh kia, rồi sau đó tự lo. Dù sự xuất hiện của cô gái kia có bất kỳ ý nghĩa gì – chắc hẳn cũng không mang ý nghĩa nào bất thường, đúng không nhỉ? – thì cha cũng chưa có thời gian để tìm hiểu cô ta là ai hoặc lý do vì sao cô ta lại chia sẻ mối quan tâm đến chuyện bí ẩn này. Thực là kỳ quặc khi nghĩ bản thân cha là người thích thú những chuyện bí ẩn; cha không phải người như thế, không một mảy may, phải nói thẳng như vậy. Cha chỉ quan tâm đến việc phải tìm ra thầy Rossi.

Lá thư cuối cùng, không giống các thư khác, được viết tay – trên giấy tập học trò, bằng mực đen. Cha mở lá thư.

Ngày 19 tháng Tám năm 1931

Người kế thừa thân mến và bất hạnh của tôi:

Chà, tôi có thể giả vờ cho rằng có thể bạn đang ở đâu đó ngoài kia, chờ đợi để ra tay cứu giúp nếu một ngày nào đó đời tôi bỗng nhiên sụp đổ. Và bởi vì tôi còn một ít thông tin để bổ sung những gì bạn vẫn (cứ cho là vậy) theo đuổi, tôi cảm thấy cần phải châm cho tràn đầy chiếc bình cay đắng này. “Học hỏi không đến nơi đến chốn là một việc nguy hiểm,” anh bạn Hedges đã trích dẫn như vậy. Nhưng bây giờ anh đã mất, và chắc chắn anh đã mất là tại tôi, tựa như tôi đã mở tung cánh cửa phòng làm việc của mình, chính tay tung ra một đòn chết người, sau đó la lên cầu cứu. Lẽ tất nhiên, tôi không làm việc đó. Nếu đã đồng ý đọc đến đây, bạn sẽ không nghi ngờ gì lời nói của tôi.

Nhưng cuối cùng tôi đã nghi ngờ sức mạnh của chính mình, vài tháng trước đây, tôi đã hành động như vậy vì những lý do có liên quan đến cái kết cục kinh khủng và thật đáng phẫn nộ của Hedges. Tôi đã trốn chạy thẳng từ rìa mộ của anh đến Hoa Kỳ – gần đúng theo nghĩa đen là vậy; tôi đã thực sự được bổ nhiệm và vào cái ngày đến Dorset để thăm viếng nơi anh an nghỉ, tôi đang thu xếp hành lý rồi. Sau khi lên đường sang Hoa Kỳ, làm thất vọng một vài người ở Oxford và khiến song thân mình rất buồn lòng, e là thế, tôi chợt thấy mình trong một thế giới mới sáng sủa hơn, nơi mà học kỳ bắt đầu sớm hơn (tôi đã được phân công giảng dạy ba lớp và sẽ phấn đấu để có thêm giờ dạy), và các sinh viên có quan điểm cởi mở và thực tế, một đặc tính còn xa lạ tại Oxford. Nhưng thậm chí sau tất cả những chuyện này, tôi không thể rũ bỏ hoàn toàn mối liên hệ của mình tới con ma cà rồng đó. Hậu quả là, dường như, hắn – Nó – không thể tự quên tôi.

Bạn hẳn còn nhớ vào đêm Hedges bị tấn công, tôi đã bất ngờ khám phá ra ý nghĩa của hình vẽ khắc gỗ giữa cuốn sách báo điềm gở của mình, và đã tự mình xác định được Hầm Mộ Tội Lỗi ghi trên các tấm bản đồ mà tôi phát hiện tại Istanbul cũng chính là mộ của Vlad Dracula. Tôi đã hét to cái thắc mắc còn lại này của mình – vậy thì, mộ của hắn ở đâu? – như đã thốt lên trong trung tâm lưu trữ tư liệu ở Istanbul, và lần hét to thứ hai này đã triệu đến một sự hiện diện khủng khiếp, cảnh cáo tôi bằng mạng sống của một người bạn thân. Có lẽ chỉ một bản ngã không bình thường mới tự mình đối đầu với những sức mạnh tự nhiên – trong trường hợp này lại là những sức mạnh phi tự nhiên – nhưng tôi thề với bạn là sự trừng phạt này đã khiến tôi nổi giận, vượt khỏi nỗi sợ hãi, suốt một thời gian, tôi đã thề phải tìm cho ra đến manh mối cuối cùng và, nếu còn đủ sức, truy lùng kẻ truy lùng tôi đến tận hang ổ của hắn. Đối với tôi, ý tưởng lạ lùng này trở nên bình thường như mong muốn được công bố bài viết kế tiếp của mình, hay có một chỗ đứng thường xuyên tại trường đại học mới lạ và vui vẻ này, nơi đang đòi hỏi trái tim mệt mỏi của tôi.

Sau khi đã thích nghi ổn định với lịch giảng dạy và nghiên cứu, chuẩn bị một chuyến đi ngắn ngày về nước Anh vào cuối học kỳ để thăm cha mẹ và chuyển luận án tiến sĩ của mình cho một tờ báo ở Luân Đôn, nơi đang ngày một o bế tôi, một lần nữa tôi lại lần theo dấu vết của Vlad Dracula, dù hắn quả thực có là bất cứ thứ gì đi nữa, một nhân vật có thực trong lịch sử hay một thế lực siêu nhiên. Đối với tôi, có vẻ như nhiệm vụ kế tiếp là tìm hiểu nhiều hơn về cuốn sách cổ kỳ lạ đó: nó từ đâu đến, ai là tác giả, ra đời đã bao lâu. Tôi giao cuốn sách (một cách miễn cưỡng, phải thừa nhận như vậy) cho phòng thí nghiệm Viện Smithsonian. Ở đó người ta đã lắc đầu với các câu hỏi đặc biệt của tôi và gợi ý rằng việc tham khảo và tra cứu sử dụng đến những nguồn lực ngoài phương tiện hiện có của họ có thể khiến tôi tốn kém nhiều hơn. Nhưng là kẻ cứng đầu, tôi nghĩ không một đồng xu nào thừa hưởng từ ông tôi, hoặc số tiền dành dụm ít ỏi từ thời gian làm việc ở Đại học Oxford nên bị ném vào việc may sắm áo quần, hoặc ăn uống hoặc giải trí trong lúc Hedges, người bạn của tôi đang nằm đó (nhưng, ơn Chúa, trong an bình) tại một nghĩa trang mà chưa được trả thù, và có lẽ phải năm mươi năm nữa tôi mới nhìn thấy lại quan tài của anh. Tôi không còn e sợ hậu quả nữa vì điều tệ hại nhất có thể tưởng tượng đã xảy ra với tôi rồi; về mặt này, ít nhất, các thế lực hắc ám đã tính toán sai lầm.

Nhưng không phải tính tàn bạo của điều xảy ra sau đó đã làm tôi nghĩ khác, đồng thời nhận thức được ý nghĩa trọn vẹn của sự sợ hãi. Mà chính là vẻ khác thường của nó.

Cuốn sách của tôi được xử lý tại Viện Smithsonian, dưới tay một anh chàng nhỏ thó tên Howard Martin, một con người tuy lầm lì nhưng đã tận tình xem xét trường hợp của tôi tựa như đã biết toàn bộ câu chuyện. (Không – khi nghĩ lại, nếu biết toàn bộ câu chuyện, có thể anh ta đã tống cổ tôi ra khỏi cửa ngay từ lần gặp đầu tiên). Nhưng dường như anh ta nhận ra tôi chỉ là một người đam mê lịch sử, nên anh ta thông cảm và cố sức giúp tôi. Anh làm rất tốt và tận tình, so sánh những gì mà phòng thí nghiệm chuyển đến với sự cẩn trọng có thể làm Oxford thấy vinh hạnh hơn là mấy văn phòng bảo tàng quan liêu ở Washington đó. Tôi rất ấn tượng, càng ấn tượng hơn trước vốn hiểu biết của anh về công nghệ làm sách tại Âu châu vào những thế kỷ trước và sau thời Gutenberg(1).

Khi dường như đã làm mọi chuyện có thể, anh viết thư báo cho tôi biết có thể nhận kết quả, và sẽ tận tay trả sách lại cho tôi, như trước đó tôi đã tận tay trao nó cho anh, nếu tôi không muốn nó được chuyển theo đường bưu điện lên miền Bắc. Sáng hôm sau, tôi đáp xe lửa xuống phía Nam, ngắm nhìn phong cảnh trên đường đi, rồi xuất hiện ở cửa phòng làm việc của anh mười phút trước giờ hẹn. Tim đập mạnh, miệng khô khốc, tôi nôn nóng muốn được cầm lại cuốn sách ấy trên tay và tìm hiểu xem anh đã biết được gì về nguồn gốc của nó.

Martin ra mở cửa, khẽ mỉm cười chào và dẫn tôi vào phòng. “Tôi mừng vì anh đã đến,” anh nói tiếng Mỹ bằng một giọng mũi đều đều, nhưng với tôi đó là lời đón chào thân tình nhất thế giới.

Khi đã yên ổn trong phòng làm việc đầy ắp các bản chép tay của anh, tôi nhận ra mình đang ngồi ngay trước mặt anh và lập tức cảm thấy sốc vì sự thay đổi sắc diện của anh. Vài tháng trước tôi đã có một cuộc gặp gỡ ngắn với anh và còn nhớ rõ gương mặt anh lúc ấy, trong những bức thư rõ ràng và chuyên nghiệp gửi cho tôi không có dấu hiệu gì cho thấy bệnh tật hay đau yếu. Hiện tại, trông anh buồn rầu và xanh xao, hốc hác, nước da bủng vàng, cặp môi đỏ bầm một cách bất thường. Anh đã gầy đi rất nhiều, bộ veston cũ trông lụng thụng, ôm hờ hững trên bờ vai gầy guộc. Anh ngồi hơi khom người tới trước, như thể một cơn đau nào đó hoặc sự ốm yếu đã làm anh không ngồi thẳng được. Có vẻ như anh đã cạn kiệt sức sống.

Tôi cố gắng tự nhủ là ở lần gặp đầu tiên mình đã vội vàng, không nhìn kỹ, và rằng lần này tôi đã chú ý quan sát kỹ hơn người đàn ông vốn bấy lâu chỉ có mối sơ giao qua đường bưu điện, hoặc đúng hơn đã trắc ẩn hơn khi quan sát anh, nhưng vẫn không sao rũ bỏ được cảm giác là anh đã tàn tạ quá nhanh trong một thời gian ngắn ngủi. Tôi thầm quả quyết là có thể anh đã không may mắc phải chứng bệnh khiến cơ thể suy kiệt nào đó, một căn bệnh ung thư đang phát triển nhanh chóng chẳng hạn. Tất nhiên, phép xã giao không cho phép tôi nêu lên bất kỳ nhận xét nào về sắc diện anh.

“Chà, tiến sĩ Rossi,” anh lên tiếng, theo kiểu cách Mỹ. “Tôi không tin là anh ý thức được mình đang sở hữu một vật nhỏ bé có giá trị như thế này.”

“Có giá trị ư?” Tôi nghĩ anh không thể nào nhận thức được giá trị của cuốn sách đối với tôi, không thể dù bằng tất cả các phương pháp phân tích hóa học trên thế giới. Đây là chìa khóa cho cuộc báo thù của tôi.

“Vâng. Đây là một phiên bản hiếm của ngành ấn loát Trung Âu thời Trung cổ, một món đồ rất thú vị và lạ thường, và bây giờ tôi rất hân hạnh nói rằng nó đã được in vào khoảng năm 1512, có lẽ tại Buda(2) hoặc Wallachia. Thời điểm này chắc chắn sau thời đại của Corvinus – Thánh Luke(3) nhưng trước sự ra đời của sách Tân ước tiếng Hungary năm 1520, có lẽ cuốn sách này có ảnh hưởng đối với sự kiện đó, nếu lúc đó nó đã hiện hữu.” Anh loay hoay làm chiếc ghế kêu cọt kẹt. “Thậm chí còn có khả năng bức tranh khắc gỗ trong quyển sách của anh đã thực sự ảnh hưởng đến sách Tân ước tiếng Hungary năm 1520 ấy, cuốn này cũng có một hình minh họa tương tự, một bức quỷ Xa tăng có cánh.” Nhưng không có cách nào để chứng minh được điều này. Dù sao chăng nữa, ảnh hưởng này cũng khá buồn cười, phải vậy không? Ý tôi là, chứng kiến một phần cuốn Kinh Thánh lại được trang trí bằng những bức tranh minh họa giống như bức tranh đầy tà khí này.”

“Đầy tà khí?” Tôi thích thú được nghe âm thanh lời cáo buộc thoát ra từ cửa miệng một người khác.

“Chắc chắn như vậy. Anh đã cung cấp thông tin về truyền thuyết Dracula cho tôi, nhưng chẳng lẽ anh nghĩ tôi dừng lại ở đó sao?”

Giọng nói của Martin đều đều và rõ ràng, đậm chất Mỹ, điều này làm tôi thoáng bị sốc. Tôi chưa bao giờ cảm nhận được sự hung gở đến thế trong một giọng nói quá ư bình thản nhường này. Tôi nhìn anh chăm chăm, bối rối, nhưng giọng điệu kia không còn nữa, nét mặt của anh lại trở nên hòa nhã. Anh đang nhìn vào xấp giấy vừa rút ra khỏi chiếc bìa cứng. “Đây là kết quả các xét nghiệm của chúng tôi,” anh nói. “Tôi đã tự tay chép lại sạch sẽ cho anh, tôi nghĩ anh sẽ thấy chúng thú vị. Chúng cũng không cho biết gì nhiều hơn những lời tôi vừa nói với anh – à, nhưng còn có hai điều đáng lưu ý khác. Qua xét nghiệm, chúng tôi biết rõ cuốn sách này có lẽ đã từng được lưu giữ một thời gian dài trong một môi trường đầy bụi đá, và đó là việc xảy ra trước năm 1700. Ngoài ra, phần sau của cuốn sách đã từng bị thấm nước biển – có thể nó đã được mang theo trong một chuyến hành trình vượt đại dương. Tôi nghĩ có thể đó là vùng Biển Đen, nếu các suy đoán của chúng tôi về địa điểm in là đúng, nhưng lẽ dĩ nhiên có rất nhiều khả năng khác. Tôi e rằng chúng tôi không thể cho anh biết gì nhiều hơn nữa theo như yêu cầu của anh – mà có phải anh từng nói là anh đang viết về lịch sử châu Âu thời Trung cổ không nhỉ?”

Anh ngước lên nhìn tôi mỉm cười, một nụ cười bâng quơ, hiền hậu, kỳ dị trên gương mặt tiều tụy đó, và ngay lúc đang ngồi đó, tôi nhận ra cùng một lúc hai điều làm tôi cảm thấy lạnh cả xương sống.

Điều đầu tiên là tôi chưa bao giờ nói với anh bất cứ điều gì về việc viết lịch sử châu Âu Trung cổ; tôi chỉ nói muốn có thông tin về quyển sách để có thể hoàn thành một thư mục các tư liệu liên quan đến cuộc đời của Vlad Kẻ Xiên Người, kẻ được biết đến trong truyền thuyết là Dracula. Howard Martin là người luôn chính xác trong phương pháp chuyên môn của anh cũng như bản thân tôi trong phương pháp học thuật của mình, nên anh sẽ không bao giờ phạm phải một lỗi như thế mà không biết. Trước đó, tôi rất ấn tượng về trí nhớ của anh với khả năng ghi nhớ như chụp hình từng chi tiết, khả năng mà tôi luôn chú ý và thật lòng trân trọng bất kỳ khi nào nhận ra nó ở người khác.

Điều thứ hai tôi cảm nhận được lúc đó là, có thể do căn bệnh nào đó mà anh đang chịu đựng – anh chàng khốn khổ, tôi buộc phải thầm thốt lên – lúc anh cười, đôi môi trông mềm nhũn rệu rã, hai răng nanh trên lộ ra, và nổi bật lên theo một kiểu cách làm cho toàn bộ gương mặt anh trông rất khó chịu. Tôi bỗng nhớ lại như in hình ảnh tên quan chức ở Istanbul, mặc dù cái cổ Howard Martin không có gì bất thường, theo như tôi nhận thấy. Vừa mới dứt cơn rùng mình, tôi cầm lấy quyển sách và xấp ghi chú từ tay anh. Lúc đó, anh lại lên tiếng.

“À, cũng nhân tiện, tấm bản đồ kia cũng đặc biệt lắm đấy.”

“Tấm bản đồ?” tôi lạnh người. Tôi chỉ biết một tấm bản đồ – thực ra là ba tấm, được vẽ theo tỷ lệ xích tăng dần – nhưng nó chẳng liên quan gì với kế hoạch hiện tại của tôi và tôi chắc chắn mình chưa bao giờ đề cập về sự tồn tại của chúng với con người xa lạ này.

“Anh tự tay phác thảo nó à? Hình vẽ đó không cũ lắm, rõ ràng như vậy, nhưng tôi không đánh giá anh là một nghệ sĩ đâu. Và chắc chắn dù sao cũng không phải hạng người bệnh hoạn, nếu anh không phiền vì tôi đã nói như vậy.”

Tôi nhìn anh trừng trừng, không thể giải mã những lời nói ấy và sợ sẽ hớ hênh làm lộ một chuyện gì đó nên đã hỏi ý anh muốn nói gì. Phải chăng tôi đã để quên bức vẽ phác thảo nào trong cuốn sách? Nếu vậy thì quả là quá ngu ngốc. Nhưng chắc chắn tôi đã kiểm tra cẩn thận từng trang trước khi giao cuốn sách cho anh.

“À, tôi đã nhét nó lại vào trong quyển sách, vì vậy nó còn trong đó,” anh nói, giọng trấn an. “Bây giờ, tiến sĩ Rossi, tôi có thể đưa anh xuống phòng kế toán nếu anh muốn, hoặc thu xếp để anh thanh toán hóa đơn tại nhà.” Anh mở cửa cho tôi và lại một lần nữa khuôn mặt anh biến dạng thành một nụ cười chuyên nghiệp. Ở đó và ngay lúc đó, tôi biết mình không nên lục tìm trong quyển sách đang cầm trong tay, và trong ánh sáng hành lang tôi chợt nhận ra chắc hẳn mình đã tưởng tượng ra nụ cười kỳ dị của Martin, thậm chí có lẽ cả vẻ đau ốm của anh nữa; da dẻ anh bình thường, người chỉ hơi còng xuống do hàng chục năm lăn lộn giữa đống giấy tờ của quá khứ, ngoài ra không có gì khác. Anh đứng bên cửa, chìa tay ra chào tạm biệt, thân tình đúng kiểu dân Washington, tôi bắt tay anh, lầm bầm nói muốn thanh toán hóa đơn tại địa chỉ của mình ở trường đại học.

Tôi mệt mỏi bước xa khỏi cửa phòng anh, ra khỏi đại sảnh và cuối cùng ra khỏi tòa lâu đài màu đỏ nơi chứa những công trình lao động của anh và các đồng nghiệp đó. Trong bầu không khí trong lành của quảng trường Mall, tôi lững thững bước ngang qua bãi cỏ đến một băng ghế rồi ngồi xuống, cố gắng không lo lắng, cả bề ngoài và trong lòng.

Quyển sách bỗng mở ra trong tay tôi, với sự mời gọi quái gở thường lệ, và tôi tìm kiếm trong vô vọng ở đó một tờ giấy rời mang theo điều gì đó sẽ khiến mình ngạc nhiên. Chỉ đến khi lật các trang giấy từ cuối lên lần nữa tôi mới tìm được nó – một bản vẽ rất đẹp in lên nhờ giấy than, như thể có ai đó đã có trước mặt tấm bản đồ thứ ba, cũng là tấm chi tiết nhất trong số những tấm bản đồ bí mật của tôi, và đã căn ke lại tất cả những đường nét bí ẩn trên nó cho tôi. Tên các địa danh viết bằng một phương ngữ Xlavơ, chính xác là những cái tên mà tôi đã biết trên tấm bản đồ của mình – Làng Trộm Heo, Thung Lũng Tám Cây Sồi. Thực ra, đối với tôi, bản phác thảo này chỉ có duy nhất một đặc điểm khác lạ. Bên dưới cái tên Hầm Mộ Tội Lỗi có những con chữ Latin viết rõ ràng bằng một thứ mực có vẻ như cùng loại mực của các tiêu đề khác. Phía trên vị trí có vẻ là nấm mộ, vòng quanh đó tựa như để chứng tỏ mối liên hệ tuyệt đối của nó với địa điểm này, là những con chữ tôi đọc được: BARTOLOMEO ROSSI.

Độc giả thân mến, hãy đánh giá tôi là kẻ hèn nhát nếu bạn buộc phải như vậy, nhưng tôi đã rũ bỏ tất cả ngay lúc đó. Tôi là một giáo sư trẻ và đang sống tại Cambridge, Massachussetts, nơi tôi đang giảng dạy, hay ra ngoài ăn tối với những người bạn mới, và viết thư về cho cha mẹ già hàng tuần. Tôi không phải mang theo tỏi, hoặc thánh giá bên người, hoặc làm dấu thánh khi nghe có tiếng bước chân trong gian sảnh. Tôi chọn một sự bảo vệ tốt hơn – tôi đã dừng lại, không chúi mũi vào giao lộ lịch sử đáng sợ kia nữa. Kẻ đó hẳn sẽ thỏa mãn khi thấy tôi câm lặng, vì tôi đã không còn băn khoăn lo lắng với tấn bi kịch này nữa.

Bây giờ, nếu chính bạn phải lựa chọn giữa sự tỉnh táo và cuộc sống đáng nhớ của mình, với sự bất ổn thực sự, bạn sẽ lựa chọn bên nào, như một cách thích đáng mà một học giả có thể sống trọn những ngày tháng của mình? Tôi biết, Hedges không hề yêu cầu tôi đâm đầu vào bóng tối. Dù vậy, nếu bạn đã đọc tới đây, nghĩa là, sau cùng, tôi đã bị hãm hại. Bạn cũng phải lựa chọn. Tôi đã cho bạn biết từng chi tiết của những kiến thức mà tôi sở đắc, những kiến thức liên quan đến những chuyện khủng khiếp này. Biết được câu chuyện của tôi, liệu bạn có thể từ chối làm người kế thừa cho tôi?

Người bạn sầu khổ của bạn, Bartholomew Rossi

Bóng râm bên dưới hàng cây đã dài ra thành một mảng lớn uể oải, cha đá tung một hạt dẻ dưới gót giày. Tôi bất chợt có cảm giác nếu là người thô lỗ hơn, có lẽ cha đã nhổ nước bọt lên mặt đất, để loại bỏ mùi vị tởm lợm nào đó. Thay vì vậy hình như cha cố gắng nuốt vào và cố trấn tĩnh để mỉm cười. “Chúa ơi! Chúng ta đã nói chuyện gì vậy? Chiều nay hình như chúng ta nghiêm trang quá thì phải.” Cha cố nở nụ cười, nhưng đồng thời cũng liếc nhìn tôi, một cái nhìn đầy lo âu, tựa như một hình bóng vô hình nào đó có thể chụp xuống tôi, đặc biệt riêng tôi, và mang tôi đi không một lời cảnh báo.

Lúc này, tôi duỗi bàn tay lạnh giá ra khỏi rìa băng ghế và nỗ lực giữ cho lòng được thanh thản. Mình phải nỗ lực để thanh thản từ khi nào thế nhỉ? Tôi băn khoăn tự hỏi, nhưng đã quá trễ. Tôi đang làm công việc này thay cho cha mất rồi, đồng thời cố khiến cha nghĩ sang chuyện khác, như ông từng cố làm với tôi. Tôi vờ hờn dỗi, nhõng nhẽo để khỏa lấp – một chút thôi, không quá đáng để cha khỏi nghi ngờ. “Con lại đói nữa rồi, muốn ăn một bữa ra trò quá.”

Cha mỉm cười, tự nhiên hơn một chút, đôi giày xịn của ông nện xuống nền đất khi ông lịch sự đưa tay đỡ tôi đứng dậy, bắt đầu nhét vào túi xách các vỏ chai Naranca rỗng và các tàn tích khác của bữa ăn ngoài trời. Tôi hào hứng giúp cha thu dọn phần của mình, giờ lòng đã nhẹ nhõm vì như vậy có nghĩa là cha sẽ cùng quay về thành phố với tôi, thay vì nán lại để xem mặt tiền tòa lâu đài. Đã có lúc tôi quay người lại, khi câu chuyện gần kết thúc và thấy ở cửa sổ tầng trên, một bóng đen lừng lững đã thay thế cho bà lão giúp việc. Tôi đã nói, huyên thiên, về bất kỳ điều gì xuất hiện trong đầu. Chỉ cần cha không nhìn thấy bóng đen đó, sẽ không có va chạm nào cả. Cả hai chúng tôi có thể an toàn.

Chú thích:

1. Gutenberg (1400-1468): tên đầy đủ là Johannes Genfleish Gutenberg, người Đức, người đầu tiên sáng chế ra máy in.

2. Buda: viết tắt của Budapest, thủ đô Hungary.

3. Matthias Corvinus (1443-1490): vua Hungary, việc chiếm được nước Áo và nhiều tỉnh khác đã biến ông thành một ông vua đầy quyền lực; ông cũng là người bảo trợ cho các ngành nghệ thuật.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận