Truy Tìm Dracula

Chương 24


Cha tôi đã có những lý do giải thích khá khôi hài về việc cha hiện diện trong phòng đọc tuyển tập ma cà rồng của trường Oxford, thay vì ở chỗ hội nghị. Hội nghị đã bị hủy vào phút chót, cha nói trong lúc bắt tay Stephen Barley với thái độ niềm nở như thường lệ. Theo thói quen cũ cha đã lang thang đến đây – nói đến đó cha dừng lại, gần như cắn môi, sau đó nói tiếp. Cha đi tìm một nơi chốn yên tịnh, (đây là điều tôi có thể tin dễ dàng). Có thể nhận thấy rõ vẻ biết ơn của cha trước sự hiện diện của Stephen, vóc dáng cao lớn, mạnh khỏe cũng như vẻ tráng kiện trong chiếc áo len dài tay của anh. Giả sử, nếu chỉ có một mình tôi bất ngờ bắt gặp cha ở đó, thì cha sẽ phải nói với tôi chuyện gì nhỉ? Ông phải giải thích với tôi thế nào về cuốn sách khổ đôi đang cầm trong tay, thậm chí là tình cờ đóng nó lại bằng cách nào chứ? Cha đã đóng sách lại, nhưng quá trễ; tôi đã đọc được tên của chương sách, nổi bật trên trang giấy dày màu trắng ngà: Vampires de Provence et des Pyrénées(1).

Đêm hôm đó tôi trằn trọc không yên giấc trên chiếc giường có màn che sặc sỡ, trong nhà của thầy quản lý, cứ vài giờ lại giật mình thức giấc vì các giấc mơ kỳ lạ. Một lần tôi đã có cảm giác yên tâm khi nhìn thấy có ánh sáng phía dưới cửa phòng tắm nằm giữa phòng cha và phòng tôi. Mặc dù vậy, đôi lúc cái cảm giác về việc cha vẫn đang thao thức, về sự tĩnh lặng trong căn phòng cạnh bên lại đột ngột lôi tôi ra khỏi giấc ngủ. Gần sáng, khi màn sương nhàn nhạt bắt đầu ló dạng sau tấm rèm vải màn, tôi thức dậy hẳn.

Lần này chính sự im lặng đã đánh thức tôi dậy. Mọi vật đều quá tĩnh lặng: đường nét lờ mờ của cây cối trong sân vườn (tôi dòm quanh mép rèm), chiếc tủ đồ sộ cạnh bên giường ngủ, và trên tất cả – phòng cha ở cạnh bên. Không phải vì tôi cho rằng cha vẫn còn thức vào giờ này; có thể cha vẫn còn ngủ nữa là khác – có thể đang ngáy chút đỉnh nếu cha nằm ngửa – đang cố gắng quên đi những lo âu của ngày hôm qua, trì hoãn lại chương trình làm việc mệt mỏi, với các buổi diễn thuyết và hội thảo và tranh luận đang chực chờ cha ở phía trước. Trong những chuyến du hành của chúng tôi, cha thường vui vẻ gõ gõ lên cửa phòng sau khi tôi đã hoàn toàn tỉnh ngủ, một tín hiệu thúc giục tôi mau ra để cùng đi bộ tập thể dục với ông trước khi dùng điểm tâm.

Không biết vì sao cái im lặng của buổi sáng hôm đó lại đè nặng lên tôi, tôi bước xuống giường, mặc quần áo và choàng khăn lên vai. Tôi sẽ vào tắm bồn và lắng nghe tiếng cha ngủ trong lúc ngồi trong đó. Tôi gõ nhẹ cửa phòng tắm để chắc chắn không có cha bên trong. Sự im lặng càng nặng nề hơn khi tôi vào đứng trước tấm gương trong phòng tắm, lau mặt. Tôi áp tai vào cửa phòng cha. Chắc chắn cha đang ngủ say. Tôi biết đánh thức cha lúc này là một hành động vô tâm, vì hẳn phải khó khăn lắm cha mới dỗ được giấc ngủ, nhưng cảm giác kinh hoàng bắt đầu trườn lên chân tay tôi. Tôi gõ nhẹ lên cánh cửa. Không có tiếng động nào trong phòng. Nhiều năm qua cha con chúng tôi vẫn luôn tuyệt đối tôn trọng riêng tư của nhau, nhưng bây giờ, trong ánh ban mai trắng đục hắt vào từ cửa sổ phòng tắm, tôi vặn nắm cửa.

Trong phòng cha, những tấm rèm dày vẫn còn khép kín, vì vậy phải mất vài giây tôi mới nhận ra được đường nét mờ mờ của đồ đạc và các bức tranh trang trí trong phòng. Sự tĩnh lặng của không gian khiến phần da dọc sau gáy tôi sởn lên rờn rợn. Bước sát đến giường ngủ, tôi lên tiếng gọi cha. Nhưng đến gần, chiếc giường vẫn gọn gàng phẳng phiu, nổi lên tối sẫm trong căn phòng tối. Căn phòng trống không. Tôi buông ra hơi thở nãy giờ vẫn cố kìm nén. Cha đã ra ngoài, đi bộ tập thể dục một mình, có lẽ thế, để được yên tĩnh suy nghĩ. Nhưng một cái gì đó xui tôi bật ngọn đèn bên giường ngủ, đưa mắt nhìn quanh cẩn thận hơn. Trong vòng sáng tròn có một lá thư đề gửi cho tôi, và trên đó là hai món đồ khiến tôi phải ngạc nhiên: cây thánh giá bạc nhỏ gắn vào một sợi dây chuyền trông chắc chắn và một củ tỏi tươi. Sự hiện diện rành rành của những món đồ đó khiến dạ dày tôi quặn lên, thậm chí trước khi đọc lá thư của cha.

Con gái thân yêu của cha,

Cha vô cùng xin lỗi vì đã làm con bất ngờ thế này, nhưng cha có công việc gấp rút phải lên đường ngay, và không muốn làm xáo trộn giấc ngủ của con. Cha chỉ đi vài ngày, cha hy vọng như vậy. Cha đã thu xếp với thầy James để anh bạn của chúng ta, Stephen Barley, đưa con về nhà. Anh ấy được cho nghỉ học hai ngày và sẽ đưa con về Amsterdam tối nay. Cha đã bảo bà Clay ra đón con, nhưng chị bà ấy đang ốm nên bà đã về Liverpool. Bà sẽ cố gắng gặp con ở nhà tối nay. Trong bất kỳ trường hợp nào, con cũng sẽ được chăm sóc chu đáo và cha tin con sẽ biết tự chăm sóc mình một cách hợp lý. Đừng lo âu về việc cha vắng mặt. Đây là một chuyện bí mật, nhưng cha sẽ cố trở về sớm nhất có thể, sau đó sẽ kể lại cho con nghe. Trong khi chờ đợi, từ đáy lòng mình, cha muốn con lúc nào cũng phải đeo thánh giá và bỏ tỏi trong túi. Con biết cha không phải là người buộc con phải tin theo một tôn giáo hay chuyện mê tín nào đó, và cha cũng không tin vào những chuyện đó. Nhưng chúng ta phải đối phó với cái ác theo cách của nó, hết sức có thể, và con đã biết những cách này là gì rồi đấy. Riêng về điểm này, cha hết lòng xin con đừng coi thường ý nguyện của cha.

Cuối thư là một chữ ký ấm áp tràn đầy tình cảm thương yêu, nhưng tôi có thể nhận thấy nó đã được ký một cách vội vã. Tim tôi đập thình thịch. Tôi vội đeo dây chuyền vào cổ và tách củ tỏi để bỏ chúng vào các túi áo. Khi nhìn quanh, tôi thấy thật đúng là cha: vẫn sắp xếp giường gối gọn gàng ngay trong lúc vội vã yên lặng rời khỏi trường đại học như vậy. Nhưng tại sao cha lại vội vã như vậy? Dù mục đích chuyến đi của cha là gì, nó cũng không thể là một nhiệm vụ ngoại giao thuần túy, nếu không cha đã không dặn dò tôi nhiều như vậy. Nghề nghiệp của cha khiến cha vẫn hay phải đi khi có công chuyện khẩn; tôi từng chứng kiến cha phải đi giải quyết một cuộc khủng hoảng ở phía bên kia của Âu châu mà chẳng dặn dò gì nhiều, nhưng lúc nào cha cũng cho biết ông đi đâu. Lần này, con tim đang đập dồn dập của tôi cho biết cha không đi công tác. Hơn nữa, ông đã được sắp xếp ở lại đây, ở Oxford suốt tuần lễ này, để diễn thuyết và tham gia hội nghị. Cha đâu phải là người dễ bỏ ngang công việc.

Không. Việc cha biến mất chắc chắn có mối liên quan nào đó với những dấu hiệu căng thẳng gần đây của cha – bây giờ tôi nhận ra ngay từ đầu tôi đã lo sợ chuyện gì đó như thế này sẽ xảy ra. Và cả cảnh tượng ngày hôm qua tại thư viện Radcliffe Camera nữa, cha hoàn toàn mê mải ở đó – chính xác cha đã đọc những gì? Và cha đi đâu, đi đâu mới được cơ chứ? Đi đâu, mà không có tôi? Lần đầu tiên trong suốt những năm tháng mà tôi còn nhớ được, những năm tháng cha đã che chở tôi khỏi sự cô đơn của cuộc sống mồ côi mẹ, không anh em, không quê hương, những năm tháng ông vừa làm mẹ vừa làm cha – lần đầu tiên, tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ mồ côi.

Thầy quản lý rất ân cần khi tôi xách va li và áo mưa trên tay đến chào từ biệt. Tôi giải thích với ông là tôi có thể một mình về nhà. Tôi bảo đảm với ông là tôi rất biết ơn đề nghị cho học trò đưa tôi về nhà của ông – vượt qua cả một eo biển – và rằng tôi sẽ không bao giờ quên tấm lòng tử tế của ông. Tôi cảm thấy nhói trong lòng, một thoáng thất vọng dễ nhận ra khi nghĩ tới chuyện đó: sẽ vui thích biết bao khi được rong ruổi cả một ngày cùng Stephen Barley, anh sẽ ngồi ở ghế đối diện trong xe lửa mỉm cười với tôi! Nhưng tôi vẫn phải nói thế. Chỉ vài giờ nữa là tôi sẽ về đến nhà an toàn, tôi lặp lại, cố gắng nén đi những tưởng tượng êm ái ngọt ngào trong đầu, lo ngại ông thầy tốt bụng đang tươi cười kia có thể biết tỏng tim đen của mình, có khi còn thấy rõ thứ tình cảm ấy hiện ra trên mặt tôi. Tôi sẽ về tới nhà an toàn và sẽ gọi điện thoại báo tin để ông an tâm. Sau đó, tất nhiên, tôi nói thêm với sự vờ vĩnh còn hơn thế, rằng vài ngày nữa cha cũng về nhà thôi.

Thầy James đã chắc chắn tôi có thể về nhà một mình; tôi trông như một thiếu nữ đã biết tự lo cho bản thân rồi, chắc chắn là vậy. Chỉ có điều ông không thể – ông càng cười dịu dàng hơn với tôi – đơn giản là ông không thể nuốt lời hứa với cha tôi, một người bạn cũ của ông. Tôi là tài sản vô giá của cha tôi, và ông không thể để tôi ra đi mà không có sự bảo vệ thích đáng. Chính xác đó không phải vì tôi, tôi phải hiểu điều đó, mà vì cha tôi – chúng ta nên tôn trọng ý nguyện ông ấy một chút. Stephen Barley đã xuất hiện trước khi tôi nói thêm được lời nào, thậm chí trước cả khi tôi kịp ghi vào đầu ý tưởng thầy quản lý này là bạn cũ của cha trong khi tôi tin họ chỉ vừa mới gặp nhau hai ngày trước. Nhưng tôi không có thời gian để giải thích việc bất bình thường này; Stephen đang đứng đó, nhìn tôi như một người bạn cũ, đến lượt anh ta cũng tay xách va li tay cầm áo khoác, và tôi không thể nào hoàn toàn hối tiếc vì đã gặp lại anh. Tôi thấy hối tiếc vì việc này sẽ khiến chuyến đi của tôi thêm lòng vòng, nhưng không hoàn toàn hối tiếc như lẽ ra tôi phải thế. Không thể nào không chào đón nụ cười tươi tắn, thông minh, hoặc câu nói của anh “Em đã cứu thoát anh khỏi những việc vặt vãnh đấy!”

Thầy James tỏ vẻ nghiêm nghị hơn. “Anh bạn ạ, đây cũng là công việc,” ông dặn dò cậu học trò. “Tôi muốn anh gọi điện về cho tôi từ Amsterdam ngay khi đến nơi, và tôi muốn nói chuyện với bà quản gia. Đây là tiền mua vé tàu và ăn uống dọc đường, và nhớ đừng quên mang hóa đơn về cho tôi đấy.” Lúc đó, đôi mắt màu nâu lục nhạt của ông chớp chớp. “Nhưng như vậy không có nghĩa là anh không được thưởng thức một ít sô cô la Hà Lan ở ga. Nhớ mang về cho tôi một thanh. Không ngon như sô cô la Bỉ, nhưng cũng tạm được. Thôi bây giờ hai đứa lên đường đi, và nhớ sử dụng cái đầu của mình đấy.” Sau đó ông bắt tay tôi và trao danh thiếp. “Chào cháu yêu. Nhớ lại đến và gặp bác khi cháu nghĩ đến việc vào đại học.”

Ra khỏi văn phòng, Stephen xách va li hộ tôi. “Bây giờ thì lên đường. Tàu sẽ khởi hành lúc mười giờ ba mươi, vậy là chúng ta khá dư thời gian đấy.”

Tôi để ý thấy thầy quản lý và cha đã lo liệu từng chi tiết, và băn khoăn không biết khi về nhà mình có còn bị tròng thêm sợi xích nào vào cổ nữa không. Tuy nhiên, lúc này tôi còn có một việc khác. “Anh Stephen?” tôi mở lời.

“Cứ gọi anh là Barley.” Anh cười. “Mọi người đều gọi anh như thế, và anh đã quen với cái tên đó đến độ cứ rùng mình khi ai đó gọi tên cúng cơm của mình.”

“Được rồi,” nụ cười anh hôm nay vẫn vậy, vẫn là nụ cười khiến người khác cũng muốn cười theo. “Anh Barley, em… anh có thể giúp em một việc trước khi chúng ta rời khỏi đây không?” Anh gật đầu. “Em muốn vào Camera một lần nữa. Chỗ đó quá tuyệt vời, em… và em muốn được xem lại tuyển tập về ma cà rồng. Em thực sự chưa được nhìn kỹ nó.”

Anh rên lên. “Có thể thấy là em thích ba cái chuyện kinh dị kia. Có vẻ như đó là sở thích trong máu của gia đình em thì phải.”

“Em biết.” Tôi có cảm giác mặt mình đỏ bừng.

“Thôi được. Giờ mình đi xem lại thật nhanh, nhưng sẽ phải vội đấy. Thầy James chắc chắn sẽ cho anh một phát xiên qua tim nếu chúng ta bị lỡ tàu mất.”

Sáng hôm đó Camera yên tịnh, gần như vắng tanh, chúng tôi vội vã trèo lên cái cầu thang láng bóng để đến cái hốc rùng rợn mà hôm qua chúng tôi đã tình cờ gặp cha. Tôi cố ngăn những giọt nước mắt cứ chực trào ra khi bước vào căn phòng nhỏ bé đó; chỉ mới mấy giờ trước đây, cha còn ngồi ở đó, vẻ xa xăm kỳ lạ hiện trong đôi mắt cha, vậy mà giờ đây, thậm chí tôi không biết cha đang ở nơi đâu nữa.

Tôi nhớ nơi cha đã đặt lại cuốn sách trên kệ, mặc dù cha chỉ đặt bừa lên đấy trong lúc chúng tôi nói chuyện với nhau. Nó nằm bên dưới cái kệ hộp sọ người, về phía trái. Tôi lấy ngón tay lần theo mép ngăn kệ. Barley đứng gần tôi (chúng tôi không thể không đứng sát vào nhau trong căn phòng chật hẹp này, và tôi muốn thay vì vậy anh nên ra ngoài ban công đứng thì hơn), quan sát, với vẻ tò mò không giấu giếm. Nơi đáng lẽ là cuốn sách bây giờ là một khoảng trống như một chiếc răng sún trên hàm răng. Tôi lạnh người: chắc chắn cha không bao giờ, không bao giờ lấy trộm một cuốn sách, vậy thì ai lấy? Nhưng ngay sau đó tôi nhận ra cuốn sách nằm cách đó khoảng một gang tay. Chắc chắn có ai đó đã dời cuốn sách đi từ khi tôi thấy nó ở đó lần sau cùng. Cha đã quay lại để đọc lần nữa chăng? Hay ai đó đã lấy nó ra khỏi kệ? Tôi nghi ngờ liếc nhìn cái sọ người trong hộp kính, nhưng chỉ nhận được một cái nhìn mỉa mai từ hai hốc mắt. Sau đó tôi lấy quyển sách xuống, rất cẩn thận – bìa sách màu xương lâu năm, một dải ruy băng lụa đen nhô ra trên đầu. Tôi đặt nó lên bàn và tìm trang nhan đề: Vampires du Moyen Age – Ma cà rồng thời Trung cổ, Baron de Hejduke, Bucharest, 1886.

“Em muốn gì ở ba cái thứ ngớ ngẩn này nhỉ?” Barley chằm chằm nhìn qua vai tôi.

“Làm bài tập ở trường,” tôi lầm bầm trả lời. Cuốn sách được chia ra thành nhiều chương, đúng như còn nhớ: “Vampires de la Toscane – Ma cà rồng ở Toscane”, “Vampires de la Normandie – Ma cà rồng ở Normandie”, và vân vân. Cuối cùng tôi tìm được chương mình cần: “Vampires de Provence et des Pyrénées – Ma cà rồng vùng Provence và Pyrénées”. Ôi! Lạy Chúa! Vốn liếng tiếng Pháp của mình có đủ đọc hết những cái này không? Barley bắt đầu liếc nhìn đồng hồ. Tôi đưa tay dò trang giấy, cẩn thận không chạm vào tờ giấy đánh máy màu ngà lộng lẫy. “Vampires dans les villages de Provence – Ma cà rồng tại các làng vùng Provences”. Cha tìm kiếm điều gì ở đây nhỉ? Lúc đó cha đã trầm ngâm trên trang đầu tiên của chương này. “Il y a aussi une légende…- Cũng còn có một huyền thoại”. Tôi cúi xuống sát hơn.

Từ đó về sau, tôi nhiều lần được trải nghiệm lại những gì khi đó tôi cảm thấy lần đầu tiên. Cho đến lúc đó, những nỗ lực chinh phục tiếng Pháp của tôi chỉ đơn thuần vì động cơ thực dụng – để hoàn thành đa số các bài tập toán. Khi hiểu được một câu mới, đó chỉ là một cầu nối dẫn qua bài tập kế tiếp. Chưa bao giờ tôi cảm nhận được cái rùng mình đột ngột của sự thông hiểu đi từ con chữ vào tim vào óc con người, cách thức một ngôn ngữ mới có thể di chuyển, cuộn lại, bơi vào cuộc sống qua đôi mắt, cú nhảy vọt gần như man dại của nhận thức, sự giải phóng tức thời, hân hoan của ý nghĩa, cách thức từ ngữ rũ bỏ phần xác dưới dạng những con chữ in của chúng trong một ánh chớp sáng nóng rực. Từ đó, tôi đã được trải nghiệm khoảnh khắc chân lý đó với những ngôn ngữ khác: Đức, Nga, Latin, Hy Lạp và – trong một giờ ngắn ngủi – cả tiếng Phạn.

Nhưng lần đầu tiên đó đã khai thông lối vào các ngôn ngữ khác. “Il y a aussi une légende – còn có một huyền thoại khác,” tôi thở ra và Barley bất chợt cúi xuống đọc. Tuy nhiên, những gì anh lên tiếng dịch tôi đều đã hiểu và thầm kinh ngạc: “ ‘Còn có một huyền thoại nói về Dracula, ưu tú nhất và cũng nguy hiểm nhất trong số ma cà rồng, kẻ đã giành được quyền lực không phải trong vùng Wallachia mà, thông qua một dị giáo, tại tu viện Thánh Matthieu tỉnh Pyrénées-Orientales, một nhà thờ thuộc dòng Biển Đức(2), được thành lập vào năm 1000 sau Chúa Giáng sinh.’ Cái gì thế?” Barley lên tiếng hỏi.

“Để làm bài tập ở trường ấy mà,” tôi lặp lại, nhưng ánh mắt chúng tôi lại gặp nhau một cách kỳ lạ bên trên cuốn sách, và trông anh như thể lần đầu tiên nhìn thấy tôi. “Chắc anh giỏi tiếng Pháp lắm?” tôi khiếm tốn hỏi.

“Dĩ nhiên.” Anh cười rồi cúi xuống đọc tiếp. “Người ta nói rằng Dracula đến viếng thăm tu viện đó mười sáu năm một lần để tỏ lòng tôn kính nguồn gốc của hắn và khôi phục lại những uy lực đã cho phép hắn sống trong cái chết.”

“Anh đọc tiếp đi.” Tôi ghì chặt cạnh bàn.

“Được thôi,” anh đọc tiếp. “Theo tính toán của thầy tu Pierre ở vùng Provence vào đầu thế kỷ mười bảy, Dracula thăm viếng tu viện Thánh Matthieu vào giữa tuần trăng tháng Năm.”

“Bây giờ là ngày bao nhiêu của tuần trăng rồi nhỉ?” tôi hổn hển hỏi, nhưng Barley cũng không biết. Không có thêm thông tin nào về tu viện Thánh Matthieu; những trang còn lại ghi lại một tài liệu của một nhà thờ tại Perpignan nói về những xáo trộn trong các đàn dê cừu tại vùng này vào năm 1428; nhưng không nói rõ là ma cà rồng hay con người đã trộm dê cừu. “Thật kỳ quặc,” Barley bình luận. “Đây là những gì gia đình em đọc để giải trí ư? Em muốn nghe về ma cà rồng đảo Cyprus không?”

Không còn điều nào khác trong cuốn sách có vẻ liên quan đến các mục tiêu của tôi, và khi Barley lại liếc nhìn đồng hồ, tôi buồn rầu chia tay những bức tường cám dỗ đầy ắp sách.

“Chà, vui nhỉ,” Barley nói khi bước xuống cầu thang. “Em không phải là một cô gái bình thường, đúng vậy không?” Dù không biết anh có ý gì nhưng hy vọng đó là một lời khen tặng.

Trên xe lửa, Barley giải khuây cho tôi bằng những câu chuyện gẫu về đám sinh viên bạn bè anh, một hoạt cảnh của những chàng khùng và những kẻ chuyên phải đưa đầu chịu báng, sau đó mang hộ túi xách tôi xuống chiếc tàu đang neo trên mặt nước xám xịt loang đầy những vệt dầu của eo biển Manche. Hôm đó là một ngày trời trong giá lạnh, chúng tôi ngồi vào những chiếc ghế nhựa bên trong khoang tàu kín gió. “Suốt học kỳ, anh ngủ rất ít,” Barley thông báo với tôi, rồi nhanh chóng tựa vai lên chiếc áo khoác đã cuộn tròn, đánh một giấc ngon lành.

Việc anh ngủ vài giờ cũng tiện cho tôi vì tôi cũng có nhiều chuyện để suy ngẫm, cả những vấn đề thực tế lẫn học thuật. Vấn đề trước mắt của tôi không phải là câu hỏi về mối liên hệ giữa các sự kiện lịch sử mà là bà Clay. Bà sẽ đứng nghiêm nghị trong tiền sảnh nhà chúng tôi tại Amsterdam, lo âu đến ngạt thở cho cha và tôi. Sự hiện diện của bà sẽ khiến tôi không thể ra khỏi nhà ít nhất đến sáng hôm sau, và nếu ngày hôm sau tôi không về nhà sau buổi học thì chắc chắn bà sẽ lồng lộn như bầy sói đi săn tìm tôi, chắc hẳn với cả nửa lực lượng cảnh sát Amsterdam theo trợ giúp. Lại còn Barley nữa. Tôi liếc nhìn gương mặt say ngủ của anh; anh khe khẽ ngáy, hơi thở khẽ phả vào chiếc áo khoác đang cuộn trên vai làm gối. Ngày mai Barley sẽ lại quay lại bến phà khi tôi đến trường, tôi sẽ cẩn thận để không chạm mặt anh trên đường đi.

Thật vậy, bà Clay đã có mặt ở nhà khi chúng tôi về đến nơi. Barley đứng cùng tôi trên bậc cửa trong lúc tôi lục tìm chìa khóa; anh nghển cổ ngắm nhìn những hiệu buôn cổ kính và những dòng kênh đào lấp lánh – “Tuyệt vời! Cả những mặt tiền phong cách Rembrandt trên những phố này nữa!” Khi bà Clay bất ngờ mở cửa và kéo tôi vào nhà, anh gần như không kịp bước vào theo tôi trước khi cánh cửa sập lại. Nhưng rồi tôi nhẹ nhõm khi thấy sau đó anh cư xử thật lịch sự. Khi bà Clay và Barley đi vào bếp để gọi điện cho thầy James, tôi chạy vội lên cầu thang, gọi với xuống nói là mình cần phải rửa mặt. Thực ra – ý định này khiến tim tôi đập thình thịch vì cảm giác phạm tội – tôi định lục soát cấm cung của cha ngay tức khắc. Sẽ tính đến chuyện đối phó với bà Clay và Barley sau. Bây giờ tôi phải đi tìm những gì mà tôi chắc chắn bị giấu kín trong đó.

Căn nhà phố của chúng tôi được xây dựng vào năm 1620, có ba phòng ngủ trên tầng hai, những căn phòng hẹp tranh sáng tranh tối mà cha rất ưa thích, vì như cha nói, đối với ông chúng có vẻ như vẫn chứa đầy dấu vết của sự lao động cần mẫn và những con người giản dị từng sống ở đó trước đây. Phòng của cha là phòng lớn nhất, một nơi trưng bày tuyệt vời những thứ đồ gỗ Hà Lan qua các thời kỳ. Ông đã phối hợp những đồ đạc giản dị với thảm và màn treo giường phong cách thời Ottoman, một bản phác thảo nhỏ của Van Gogh và mười hai chảo đồng có xuất xứ từ một nông trại Pháp – chúng tạo thành một gallery trên tường và lấp lánh phản chiếu ánh sáng hắt lên từ dòng kênh bên dưới. Giờ tôi nhận ra căn phòng này mới đặc biệt làm sao, không chỉ bởi cách trần thiết kế kiểu chiết trung mà còn vì sự giản dị giống như tu viện. Trong phòng không có một cuốn sách nào; sách vở đều được cất giữ trong phòng đọc sách dưới nhà. Không có áo quần vắt lên lưng chiếc ghế dựa kiểu thế kỷ mười bảy, không có tờ báo nào xâm phạm đến chiếc bàn làm việc đồ sộ. Không có điện thoại, không cả đồng hồ – sáng nào cha cũng dậy sớm một cách tự nhiên. Đây là một khoảng không gian sinh hoạt thuần khiết, một căn phòng trong đó người ta ngủ, thức giấc và có thể cả cầu nguyện – mặc dù tôi không rõ những buổi cầu nguyện có còn diễn ra ở đó hay không – như khi nó mới được xây dựng. Tôi rất thích căn phòng nhưng ít khi vào đó.

Rón rén bước vào như một tên trộm, tôi đóng cửa phòng lại, mở hộc tủ bàn làm việc của cha ra. Quả là một cảm giác khủng khiếp, như phá vỡ niêm phong một chiếc quan tài, nhưng tôi cứ dấn tới, mở hết các ngăn kéo, lục soát nhưng cẩn thận xếp trở lại chỗ cũ mọi thứ sau khi đã xem xong – thư từ của bạn bè, những chiếc bút đầu nhỏ, những trang ghi chú chằng chịt. Cuối cùng tay tôi cũng tìm được một phong bì niêm kín. Tôi mở ra, chẳng hề cảm thấy xấu hổ và nhìn thấy bên trong có vài dòng chữ, viết cho tôi và khuyên tôi hãy đọc những lá thư bên trong, chỉ trong trường hợp cha qua đời bất ngờ hay biệt tăm một thời gian dài. Chẳng phải tôi đã từng trông thấy cha ngồi viết miệt mài, hết đêm này qua đêm khác, một cái gì đó mà cha vẫn dùng tay che lại khi thấy tôi xuất hiện gần đó hay sao? Tôi vội vã chộp lấy cái phong bì, đóng tủ hộc bàn lại và mang nó về phòng mình, căng tai lắng nghe xem có tiếng bước chân của bà Clay trên cầu thang không.

Cái phong bì đó đầy những lá thư, tất cả đều được xếp gọn trong một phong bì nhỏ hơn và đề gửi cho tôi theo địa chỉ nhà, tựa như cha đã nghĩ sẽ phải gửi chúng về cho tôi vào lúc nào đó từ một nơi nào khác. Tôi giữ chúng theo thứ tự – ồ, hóa ra tôi đã học được nhiều điều mà không nhận ra – và cẩn thận mở lá thư đầu tiên. Nó đề ngày sáu tháng trước đó và có vẻ như không phải được mở đầu chỉ bằng lời nói mà còn bằng một tiếng khóc tận đáy lòng. “Con thân yêu của cha” – nét chữ của cha như run rẩy dưới mắt tôi – “Nếu con đang đọc lá thư này, thì hãy tha thứ cho cha. Cha đang đi tìm mẹ con.”

Chú thích:

1. Nguyên văn tiếng Pháp: Ma cà rồng vùng Provence và Pyrénées.

2. Tiếng phiên âm của tên riêng Benedicli trong tiếng Latin hay Benedicli trong tiếng Anh. Thnahs Benedict lập ra dòng có tên quốc tế là Ordo Sancli hay Order of St. Benedict. (BT)


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận