Truy Tìm Dracula

Chương 60


“Khi Stoichev đọc xong, Helen và cha ngồi lặng yên một lúc lâu. Stoichev cũng lắc đầu và đưa tay lên che mặt tựa như để đánh thức bản thân ra khỏi một giấc mơ. Sau cùng Helen cũng lên tiếng. ‘Cùng một hành trình đó… chắc chắn cùng một hành trình đó.’

“Stoichev quay sang Helen. ‘Tôi tin là vậy. Và chắc chắn các tu sĩ trong nhóm của Sư huynh Kiril đã vận chuyển thi hài của Vlad Ţepeş.’

“ ‘Và như thế có nghĩa là, ngoại trừ hai người đã bị người Thổ giết, bọn họ đã đến được một tu viện Bungari an toàn. Sveti Georgi… tu viện đó ở đâu nhỉ?’

“Đó là câu hỏi mà cha muốn nêu ra nhất trong số những thắc mắc đang đè nặng trong cha. Stoichev bóp trán. ‘Ước gì tôi biết được,’ ông lẩm bẩm. ‘Chẳng ai biết cả. Không có tu viện nào có tên là Sveti Georgi trong vùng Bachkovo, và cũng chẳng có chứng cứ nào chứng tỏ đã từng có một tu viện như vậy ở đó. Sveti Georgi là một trong vài tu viện thời Trung cổ ở Bungari mà chúng tôi biết là từng tồn tại nhưng đã biến mất trong những thế kỷ đầu tiên dưới gông cùm của đế chế Ottoman. Có thể nó đã bị phóng hỏa, đá của nó phân tán khắp nơi hoặc được sử dụng cho những công trình xây dựng khác.’ Ông nhìn chúng ta bằng ánh mắt buồn bã. ‘Nếu người Thổ có lý do nào đó để căm ghét hoặc sợ hãi tu viện này thì có lẽ nó đã bị phá hủy hoàn toàn rồi. Chắc chắn là, cũng như tu viện Rila, họ không cho phép xây dựng lại nó. Đã có lúc tôi rất quan tâm tìm kiếm vị trí của tu viện Sveti Georgi.’ Ông chợt dừng lại một lát. ‘Sau khi ông bạn Angelov qua đời, tôi đã cố tiếp tục nghiên cứu của ông ấy một thời gian. Tôi đã tìm đến Bachkovski manastir(1) _, trò chuyện với các tu sĩ cũng như hỏi han nhiều người ở xứ đó, nhưng chẳng ai biết gì về tu viện mang tên Sveti Georgi. Tôi cũng chưa bao giờ tìm thấy cái tên đó trên bất kỳ tấm bản đồ cổ nào. Tôi đã tự hỏi phải chăng Stefan cung cấp cho Zacharias một cái tên giả của tu viện. Tôi nghĩ, ít nhất phải có một truyền thuyết lưu truyền giữa những người dân trong vùng nếu di hài của một nhân vật quan trọng như Vlad Dracula được chôn cất ở đó. Trước khi chiến tranh bùng nổ, tôi đã muốn đến Snagov để xem liệu có thể biết thêm được điều gì ở đó…’

“ ‘Nếu đi, có thể ông đã gặp thầy Rossi, hoặc ít nhất là nhà khảo cổ kia – ông Georgescu,’ cha gần như reo lên.

“ ‘Có thể.’ Ông mỉm một nụ cười kỳ lạ. ‘Nếu ông Rossi và tôi quả thực gặp nhau ở đấy, có lẽ chúng tôi đã có thể kết nối những gì cả hai biết lúc đó, trước khi quá trễ.’

“Cha băn khoăn không biết liệu có phải ý ông là, Trước cuộc cách mạng ở Bungari, trước khi tôi bị lưu đày ở chốn này; cha không muốn hỏi. Tuy nhiên, chỉ một lát sau Stoichev tự giải thích. ‘Các bạn thấy đó, tôi đã dừng nghiên cứu một cách khá đột ngột. Ngày trở về từ vùng Bachkovo, tâm trí tôi nung nấu kế hoạch đi Rumani, nhưng tôi đã nhìn thấy một cảnh tượng đáng sợ khi trở về căn hộ của mình ở Sofia.’

“Ông lại ngưng nói, mắt nhắm nghiền. ‘Tôi đã cố không nghĩ về cái ngày đó. Trước tiên, tôi cần phải cho các bạn biết tôi có một căn hộ nhỏ gần Rimskaya stena – bức tường do người La Mã xây ở Sofia, một địa điểm rất cổ xưa – tôi rất ưa thích căn hộ này vì lịch sử của thành phố vây bọc xung quanh nó. Tôi ra ngoài để mua các vật dụng linh tinh, để mớ giấy tờ và sách vở về Bachkovo cùng các tu viện khác trên bàn. Khi trở về tôi nhận ra có ai đó đã xáo trộn tất cả đồ đạc của mình, các cuốn sách bị kéo ra khỏi kệ, tủ tường bị lục soát. Trên bàn, rải khắp mớ giấy tờ, là một vệt máu nhỏ. Hẳn các bạn cũng biết mực làm ố một trang giấy là như thế nào…’ Ông chợt dừng lại, nhìn như xuyên thấu chúng ta. ‘Nằm ngay giữa bàn là một cuốn sách mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy…’ Ông đột ngột đứng dậy, lê bước vào một phòng khác, chúng ta nghe tiếng ông bước quanh, dời chuyển các cuốn sách. Lẽ ra cha nên đứng dậy giúp ông một tay, nhưng thay vì vậy, cha lại ngồi nhìn Helen chằm chằm, có vẻ như cô cũng đang chết lặng.

“Một lúc sau, Stoichev quay lại, trong tay là một cuốn sách khổ đôi lớn, bìa bọc da đã sờn rách. Ông đặt cuốn sách trước mặt chúng ta, chúng ta nhìn ông ngập ngừng lật từng trang bằng bàn tay già nua, và ông lẳng lặng cho chúng ta xem những trang giấy trắng, rồi một hình to tướng ở giữa cuốn sách. Con rồng ở đây trông có vẻ nhỏ hơn do khoảng trống đáng kể của khổ giấy đôi còn lại chung quanh, nhưng chắc chắn đó vẫn là bức tranh khắc gỗ kia, vẫn là vết nhòe mà cha đã nhận ra trong cuốn sách của anh bạn Hugh James. Còn có một vết nhòe khác nằm giữa đường viền màu vàng gần móng vuốt của con rồng. Stoichev trỏ vào đó, nhưng có vẻ như ông quá bị chi phối bởi một xúc cảm nào đó – có thể là ghê tởm, có thể là sợ hãi – đến độ dường như trong một thoáng ông đã quên bẵng phải nói với chúng tôi bằng tiếng Anh. ‘Kr’v,’ ông nói. ‘Máu.’ Cha cúi sát xuống. Vết dơ màu nâu rõ ràng là một dấu tay.

“ ‘Lạy Chúa.’ Cha nhớ lại chú mèo tội nghiệp của mình, và ông bạn Hedges của thầy Rossi. ‘Liệu có còn ai khác hoặc cái gì khác trong phòng lúc đó không? Ông đã làm gì khi nhìn thấy dấu máu này?’

“ ‘Không có ai trong phòng cả,’ ông nói nhỏ. ‘Cửa đã khóa và vẫn còn khóa khi tôi trở về, bước vào nhìn thấy cảnh tượng đáng sợ đó. Tôi đã gọi cảnh sát, họ xem xét khắp nơi và sau cùng đã – nói thế nào nhỉ? – đã phân tích mẫu máu tươi đó và so sánh. Ít nhất họ cũng dễ dàng phát hiện ra mẫu máu đó là của ai.’

“ ‘Của ai?’ Helen chồm tới.

“Giọng Stoichev thậm chí còn nhỏ hơn nữa, vì vậy cha cũng phải chồm tới mới nghe được những lời ông thì thào. Mồ hôi tứa ra trên khuôn mặt nhăn nheo. ‘Của tôi,’ ông trả lời.

“ ‘Nhưng…’

“ ‘Không, dĩ nhiên là không phải rồi. Tôi đâu có mặt ở đó. Nhưng cảnh sát cho là tôi đã tự dàn dựng mọi chuyện. Điều duy nhất không bình thường là dấu tay này. Họ nói là chưa bao giờ nhìn thấy một dấu tay người giống như vậy – quá ít đường vân. Họ trả lại tôi cuốn sách và mớ giấy tờ, cũng như buộc tôi phải nộp một số tiền phạt vì tội giỡn mặt với pháp luật. Tôi còn suýt mất vị trí giảng viên.’

“ ‘Và ông từ bỏ nghiên cứu?’ cha đoán.

“Stoichev nhún đôi vai gầy, vẻ bất lực. ‘Đó là dự án duy nhất mà tôi không thể tiếp tục. Thậm chí lúc đó tôi vẫn có thể tiếp tục, nếu không vì cái này.’ Ông chậm rãi lật đến trang thứ hai của cuốn sách khổ đôi. ‘Đây, cái này,’ ông lặp lại, và trên trang giấy chúng ta nhìn thấy một chữ duy nhất, nắn nót viết tay theo lối cổ bằng một thứ mực màu dịu và cũng xưa cũ không kém. Lúc đó cha chỉ biết bảng chữ cái Kiril nổi tiếng kia đủ để đọc được chữ đó, dù ký tự đầu tiên làm cha băn khoăn mất một lát. Helen đọc thành tiếng chữ đó. ‘STOICHEV,’ cô thì thầm. ‘Ôi, ông thấy tên chính mình trong cuốn sách. Kinh khủng quá.’

“ ‘Phải, chính tên tôi, mà bằng kiểu chữ viết tay và thứ mực rõ ràng là thuộc thời Trung cổ. Tôi luôn hối tiếc rằng mình thật hèn nhát khi không tiếp tục dự án này, nhưng quả thực tôi thấy sợ. Tôi đã nghĩ sẽ có chuyện xảy đến với tôi – như chuyện đã xảy ra với cha cô.’

“ ‘Ông sợ là đúng,’ cha an ủi vị học giả già. ‘Nhưng chúng tôi hy vọng mọi chuyện không quá trễ đối với giáo sư Rossi.’

“Ông ngồi thẳng người trên ghế. ‘Đúng vậy. Nếu bằng cách nào đó chúng ta tìm được Sveti Georgi. Trước tiên, chúng ta phải đến Rila để xem qua những lá thư khác của Sư huynh Kiril. Như tôi đã nói, tôi chưa bao giờ liên kết chúng với tập “Biên niên ký” của Zacharias. Tôi không có bản sao những lá thư ấy ở đây, và chính quyền tại Rila cũng không cho phép công bố chúng, mặc dù nhiều sử gia – trong đó có cả bản thân tôi – đã yêu cầu điều này. Và tôi cũng muốn các bạn nói chuyện với một người ở Rila. Dù có thể ông ta cũng không giúp được gì.’

“Trông Stoichev có vẻ như còn muốn nói thêm một điều gì đó, nhưng ngay lúc ấy chúng ta nghe tiếng bước chân rầm rập trên cầu thang. Ông cố đứng dậy rồi liếc nhìn cha bằng ánh mắt khẩn cầu. Cha chộp lấy cuốn sách khổ đôi và phóng vào phòng kế bên, giấu cuốn sách sau một chiếc hộp. Cha kịp quay trở lại với Stoichev và Helen đúng lúc Ranov mở cánh cửa thư viện.

“ ‘Chà,’ gã thốt lên. ‘Một hội nghị của các nhà sử học. Ông đã bỏ lỡ buổi tiệc của chính mình rồi, thưa giáo sư.’ Không cần khách sáo che đậy, gã xem lướt qua các cuốn sách và mớ giấy tờ trên bàn, sau cùng cầm lên tờ tạp chí cũ mà có những đoạn “Biên niên ký” của Zacharias mà Stoichev đã đọc cho chúng ta nghe. ‘Đây là thứ mà các bạn lưu tâm phải không?’ Gã gần như mỉm cười với chúng ta. ‘Có lẽ tôi cũng nên đọc qua, để trau dồi kiến thức của mình ấy mà. Tôi vẫn rất mù mờ về thời Trung cổ của Bungari. Cô cháu gái khó hiểu của giáo sư không quan tâm đến tôi như tôi nghĩ. Tôi đã đưa ra một lời mời rất nghiêm chỉnh nơi góc vườn đẹp nhất của ngài, nhưng cô ấy lại kháng cự.’

“Stoichev đỏ mặt giận dữ và có vẻ như sắp tuôn ra lời gì đó, nhưng cha ngạc nhiên khi Helen can thiệp. ‘Đừng có chạm bàn tay dơ dáy của anh vào cô ấy,’ cô cao giọng, nhìn thẳng vào mắt gã. ‘Anh có mặt ở đây là để quấy rầy chúng tôi chứ nào phải cô ấy.’ Cha chạm vào tay Helen, hy vọng bằng cách nào đó cô sẽ không làm cho gã đàn ông kia nổi điên lên; không cần thêm một thảm họa chính trị chúng ta cũng đủ khổ sở rồi. Nhưng cô và Ranov chỉ trừng trừng nhìn nhau một lúc lâu, vẻ cân nhắc đánh giá nhau, rồi quay đi.

“Trong lúc đó, Stoichev đã kịp trấn tĩnh lại. ‘Sẽ vô cùng ích lợi cho công trình nghiên cứu của các vị khách này nếu anh có thể thu xếp cho họ đến Rila,’ ông nói với Ranov, vẻ điềm tĩnh. ‘Tôi cũng muốn cùng đi với họ, tôi sẽ rất lấy làm hân hạnh nếu được đích thân dẫn họ đi xem thư viện Rila.’

“ ‘Rila ư?’ Ranov như đang xem xét tờ tạp chí trong tay nặng nhẹ thế nào. ‘Được thôi. Đó sẽ là điểm tham quan kế tiếp của chúng ta. Có thể là ngày mốt. Tôi sẽ nhắn tin cho ông, thưa giáo sư, để báo cho ông biết khi nào ông có thể gặp chúng tôi ở đó.’

“ ‘Ngày mai không được hay sao?’ Cha cố làm ra vẻ tự nhiên.

“Stoichev gật đầu. ‘Phải kiên nhẫn chờ đợi thôi, trong thời gian đó các bạn có thể thưởng thức cảnh đẹp của Sofia. Nào, các bạn, đây là cuộc trao đổi ý kiến thú vị, nhưng chắc hẳn Kiril và Methodii cũng chẳng phiền lòng nếu chúng ta còn ăn uống vui vẻ nữa. Cô Rossi…’ Ông đưa bàn tay yếu ớt về phía Helen và cô giúp ông đứng dậy. ‘Quàng lấy tay tôi và chúng ta sẽ đi ăn mừng ngày của việc dạy và học.’

“Những khách khứa khác đã bắt đầu tụ tập dưới giàn lưới mắt cáo, chúng ta nhận ra ngay lý do: ba chàng trai trẻ tuổi đang lôi từ trong túi ra các nhạc cụ và dựng chúng gần khu bàn ăn. Anh chàng cao lêu nghêu có mái tóc đen bù xù đang thử phím một cây accordeon màu đen và bạc. Một người khác cầm kèn clarinet. Anh ta thử dạo một vài nốt trong khi người nhạc công thứ ba bày ra một trống da lớn và chiếc dùi dài đầu bọc vải. Họ ngồi xuống ba chiếc ghế kê sát và nhìn nhau cười toe toét, họ thử dạo một hai điệu nhạc, chỉnh lại tư thế ngồi. Anh chàng chơi kèn clarinet cởi áo khoác ra.

“Rồi họ liếc nhìn nhau và bất chợt, thứ âm nhạc sôi nổi nhất mà cha từng nghe tuôn chảy. Stoichev cười rạng rỡ trên ngai của mình, phía sau chú cừu nướng, và Helen ngồi sát bên cha, siết chặt cánh tay cha. Đó là một âm thanh quay cuồng bốc cao như lốc xoáy, rồi bật nảy theo một nhịp điệu tuy xa lạ nhưng cha vẫn không thể cưỡng lại không nhịp chân theo. Cây accordeon dìu dặt kéo ra xếp vào, những nốt nhạc vút lên từ ngón tay anh chàng nhạc công. Cha sững sờ trước tốc độ và sức lực họ dồn vào bản nhạc. Điệu nhạc làm dậy lên trong đám đông những tiếng hò reo vui vẻ đầy phấn khích.

“Chỉ vài phút sau, một vài người bật dậy, người này nắm lấy thắt lưng người kia, nối đuôi nhau bắt đầu một điệu nhảy sôi nổi không kém gì tiếng nhạc. Những đôi giày bóng láng nâng lên, giậm xuống trên mặt cỏ. Chẳng bao lâu, vài phụ nữ váy áo trang nhã cũng tham gia, họ nhảy với phần thân trên thẳng và bất động trong khi chân xoay tít quay cuồng. Gương mặt những người tham gia nhảy múa rạng rỡ; tất cả đều tựa như không thể nào ngăn được tiếng cười, anh chàng chơi đàn accordeon cũng nhe răng cười hưởng ứng. Người đàn ông dẫn đầu hàng rồng rắn rút ra một khăn tay màu trắng, giơ cao và quay tròn chiếc khăn. Mắt Helen sáng bừng, cô nhịp tay lên cạnh bàn tựa như không thể ngồi yên được. Các nhạc công chơi nhạc không ngừng trong lúc số người còn lại chúng ta hò reo, nâng ly chúc mừng họ, và những người tham gia nhảy múa cũng chưa có dấu hiệu muốn ngừng. Cuối cùng, tiếng nhạc ngưng và hàng rồng rắn cũng rã đám, những người khiêu vũ vừa lau mồ hôi đầm đìa trên mặt vừa bật cười to. Các ông lại châm đầy ly rượu, các bà thì lục tìm khăn tay, vuốt lại mái tóc, cười khúc khích với nhau.

“Anh chàng accordeon lại bắt đầu trỗi nhạc, nhưng lần này là những nốt nhạc chậm, rung, ngân dài thành một âm điệu rền rĩ. Anh ta ngửa mái đầu bù xù ra sau và cất tiếng hát. Thực ra là nửa hát nửa rền rĩ, một giai điệu cất lên bằng giọng nam trung quá thống thiết đến độ cha thấy quặn thắt trong lòng vì cảm giác mất mát, vì tất cả những mất mát trong cuộc đời mình. ‘Anh ta hát gì vậy?’ cha hỏi Stoichev để che giấu nỗi xúc động.

“ ‘Đó là một bài hát xưa, rất xưa – tôi nghĩ ít nhất là ba hoặc bốn trăm năm tuổi. Bài hát kể chuyện một thôn nữ Bungari xinh đẹp bị những kẻ xâm lăng Thổ Nhĩ Kỳ săn đuổi. Chúng muốn nàng về làm thiếp trong hậu cung của tên quan tổng trấn địa phương, nhưng nàng đã cự tuyệt. Chúng phi ngựa đuổi theo khi nàng chạy trốn lên một ngọn núi cao gần làng. Trên đỉnh núi đó là một vách đá. Nàng thét lên rằng thà chết chứ không thể trở thành thiếp của một kẻ vô đạo, rồi gieo mình xuống vách đá. Sau đó, một dòng suối đã xuất hiện dưới chân núi, đó là dòng nước tinh khiết, ngọt ngào nhất thung lũng.’

“Helen gật đầu. ‘Ở Rumani chúng tôi cũng có những bài hát nội dung tương tự.’

“ ‘Tôi nghĩ chúng hiện diện ở bất kỳ nơi nào gông cùm của đế chế Ottoman rơi xuống đầu người dân vùng Balkan,’ Stoichev nói, vẻ mặt ảm đạm. ‘Trong nền văn hóa dân gian Bungari có hàng ngàn bài hát như vậy, với các chủ đề khác nhau – tất cả đều là tiếng thét phản kháng lại ách nô lệ áp đặt lên dân tộc chúng tôi.’

“Dường như cảm thấy đã đủ làm trái tim chúng ta quặn thắt, anh chàng nhạc công accordeon nở nụ cười lém lỉnh khi bài hát kết thúc và bắt qua một bản khiêu vũ khác. Lần này, hầu hết đám khách khứa đều đứng dậy tham gia vào hàng rồng rắn quanh sân. Một vị khách thúc giục chúng ta cùng tham gia, chỉ một lát sau Helen đã hòa mình cùng họ, dù cha vẫn ngồi yên cạnh Stoichev, say sưa ngắm nhìn cô. Sau vài bước Helen đã hòa nhập với điệu nhảy. Khiêu vũ dường như đã nằm trong máu cô; dáng cô tự nhiên, chân cô chuyển động vững vàng theo nhịp điệu sôi nổi. Dõi theo thân hình mềm mại trong bộ áo cánh màu nhạt và váy đen ấy, gương mặt tươi vui rạng rỡ lòa xòa những lọn tóc quăn đen ấy, cha nhận ra mình đang nguyện cầu để đừng xảy ra chuyện gì làm tổn hại đến cô, và tự hỏi liệu cô có chịu để cha che chở cô hay không.”

Chú thích:

1. Tiếng Bungari trong nguyên bản, nghĩa là “tu viện Bachkovo”.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận