Thiên Mệnh Khả Biến

Chương 24: Người xưa đã sai rồi!


17/6, như mọi ngày, Văn lại học nhóm với Linh. 10 ngày qua, nó đã giải luyện 50 đề đọc hiểu rồi, đến cả Linh cũng phải ghi nhận sự nỗ lực của nó. Điểm số cũng dần dần gia tăng. Giờ nó đã được 4/5 rồi.

– Ngày mai sẽ chuyển sang ôn viết Luận! Tối nay bạn cố gắng làm vài đề Luận nha.

Linh rút tập đề Luận đưa cho nó rồi ra về. Văn thu dọn sách vở. Nó lại đi tới phòng tập. Thiên Anh vẫn chưa quay lại phòng tập. Văn có hỏi Linh về chuyện này, cô bé nói Thiên Anh bị ốm. Những ngày này nó vẫn duy trì tập luyện một mình. Nội dung tập luyện vô cùng đơn giản, luyện đấm bao cát và tập chạy. Dù vậy nó vẫn chưa thấy tiến bộ gì nhiều. Nắm đấm của nó hình như chả tác động được tẹo nào tới cái bao cát. Tiến bộ duy nhất là cườm tay nó không còn đau khi tung quyền nữa, và bàn chân nó không còn phồng rộp lên mỗi khi chạy bộ nữa. Nó cũng không biết đến cuối tháng này mình có luyện được Thấu Quyền hay không nữa, nhưng nó không vì thế mà ngừng tập luyện.

Tè! Tè! Thẻ từ bị từ chối. Đã hết hạn đăng kí. Phòng tập mùa hè không có ai sử dụng, chỉ có mình nó. Nó nhìn cái cửa đóng kín, thử đẩy 1 cái, không mở được. Nó đành phải ra về. Giờ mới 10 giờ sáng. Nó đành chạy về nhà.

Như thường ngày, nó không chọn đường thẳng. Nó không muốn phải gặp bố con thằng Cường trên đường. Nó chạy đường vòng. Về tới phố cảng. Chạy qua bãi biển. Nó ngừng lại. Lâu lắm rồi nó không ra biển. Nó nhìn những đợt sóng đánh vào bờ.

Nó bước xuống, giẫm chân lên mặt cát, bước tới bờ biển.

Cát lún xuống dưới từng bước chân nó. Anh Thiên Anh đã nói gì nhỉ, cát hấp thụ lực rất tốt. Mỗi bước chân cũng giống như nắm đấm của nó, như bị nhấn chìm trong cát.

“Cát thật tuyệt, nền cát rất mềm, chỉ 1 luồng gió cũng có thể thổi bay bao nhiêu hạt cát, nhưng ta muốn công phá nó, thì nó lại nuốt chửng nắm đấm của ta.” Nó bước từng bước, cố cảm nhận độ lún của cát. “Tại sao nhỉ? Ta có thể tác động lên 1 vùng cát nhỏ, nhưng lại không thể tác động lên toàn bộ bãi cát?”.

Nó nhìn sóng biển, sóng biển đánh vào bàn chân nó, lành lạnh, nhột nhột. “Biển cũng thật kì lạ. Biển đôi khi tĩnh lặng, đôi khi lại hoá thành sóng dữ. Mình đã từng nhìn thấy những con tàu đắm. Những con tàu thật khổng lồ. Nhưng sóng biển có thể đánh đắm cả những con tàu như vậy. Ấy thế mà, lúc này đây, sóng biển chỉ vỗ nhè nhẹ dưới chân mình”.

“Tại sao nhỉ? Sóng biển có lực công phá lớn như thế, nhưng ngay lúc này đây nó không công phá nổi hai bàn chân mình. Sức huỷ diệt lúc đó đâu rồi? Nó đã biến đi đâu?” Văn bắt đầu lẩm bẩm to dần. Nó đang đắm chìm trong 1 thứ suy nghĩ kì lạ.

Có đôi lúc, điên cuồng tập luyện chỉ khiến bạn đâm đầu vào một bức tường. Càng cứng rắn đụng vào, bạn càng u đầu mẻ trán. Dừng lại, và suy nghĩ, bạn mới có được những sự giác ngộ. Nhưng sự giác ngộ ấy lại phải dựa trên nền tảng của sự miệt mài tập luyện trước đó.

Và, có lẽ, sự giác ngộ cũng cần một chút cơ duyên.

– Này cháu bé, cháu còn nhỏ mà đã suy nghĩ những điều kì lạ như vậy?

Một giọng nói đánh thức Văn khỏi dòng suy nghĩ. Một người đàn ông đang đứng cạnh nó, ông cũng đang nhìn ra biển. Ông ta mặc một bộ vét đen, gương mặt mỏi mệt nhưng đôi mắt đang nhìn nó trìu mến.

– Bác nghe thấy cháu nó gì rồi à? Cháu, cháu cũng chả biết nữa, thỉnh thoảng cháu không kiểm soát nổi những suy nghĩ kì quặc. Vì vậy mà đám trẻ hàng xóm cũng không ưa cháu, mọi người cũng không ưa cháu…

– Bác không nghĩ những điều đó là kì quặc. Chỉ là ở tuổi cháu, người ta thường không nghĩ được nhiều như vậy. Bác nghĩ, cháu không cần lo lắng nếu cháu không giống mọi người, điều đó chứng tỏ, cháu đặc biệt.

– Cháu không đặc biệt gì đâu, hay ít ra thì chỉ có hồi bé xíu cháu mới nghĩ như vậy. Mẹ cháu dạy không nên ảo tưởng viển vông, cháu chỉ là người bình thường mà thôi, và cháu phải vui vì mình là người bình thường.

Người đàn ông nở một nụ cười, xen vào một chút biểu tình kinh ngạc. Ông thu hồi sự kinh ngạc của mình rất nhanh. Mắt ông nhìn nó, rồi chuyển sang nhìn biển.

– Vậy thì mẹ cháu đã dạy dỗ cháu rất tốt. Trước đây bác cũng từng mong muốn như vậy.

– Bác mong muốn điều gì? Trở thành người bình thường sao? – Thằng Văn khó hiểu, nó uốn éo người quan sát ông bác một hồi, rồi nó nhíu mày – Bác mặc vét sang trọng hơn người ở đây, nhưng cháu thấy bác chẳng có gì khác người bình thường cả.

– Khà khà, vậy à? Vậy được rồi, bác cũng là người bình thường. Thế vấn đề mà cháu vừa nghĩ, cháu giải thích cho bác nghe được không?

– Bác thật sự muốn nghe à? Sẽ kì quặc lắm đấy.

– Không sao đâu.

– Cháu đang nghĩ về cát, và về biển. À phải rồi, vì sao cát và biển lại có nhiều tính cách như vậy.

– Tính cách ư?

– Đúng vậy, cát khi bị gió thổi, nhìn nó vô cùng yếu ớt. Bác nhìn thử xem – Thằng Văn chọc tay vốc một vốc cát – Mình chỉ cần thọc tay xuống là bốc được một nắm, vô cùng dễ dàng. Nhưng khi mình muốn tấn công nó – Thằng Văn giẫm mạnh chân xuống nền cát – Nó lại không yếu ớt một chút nào. – Rồi nó chỉ tay ra biển – Biển cũng vậy, lúc thì hiền lành, lúc thì hung dữ. Lúc hiền lành thì cho con người bơi lội, lúc hung dữ thì có thể đánh đắm cả tàu thuyền.

– Ra vậy, cháu đang muốn nói tới những trạng thái khác nhau của cùng 1 sự vật?

– Bác có thấy, biển và cát, rất giống con người không? Lúc thì hiền lành, khi thì hung dữ. Lúc đứng yên thì vô hại, khi tung quyền, lại đả thương được người khác.

– Bác hiểu rồi, cháu đang thắc mắc về con người? Ngay cả bác đôi khi cũng thắc mắc về loài người nữa là…

– Không phải, con người đúng là rất khó hiểu, nhưng cháu quan tâm tới vấn đề khác cơ. Lực, đúng rồi, lực ấy, chúng đi đâu rồi? Lực mà cát hấp thụ của chúng ta, lực mà sóng biển dùng để đánh đắm tàu thuyền. Bên trong chúng rõ ràng tồn tại rất nhiều lực, lực ấy biến thành sức công phá! Nhưng, tại sao, ngay khi ta muốn tìm kiếm những lực ấy, chúng lại biến mất? Liệu là chúng thật sự biến mất, hay là…

Trong lúc Văn đang tự hỏi, người đàn ông cầm một vốc cát, đứng dậy. Ông giơ tay lên, cát rơi khỏi kẽ tay ông, từng hạt từng hạt, bay theo gió.

– Đúng rồi! Là những hạt li ti. Cát là những hạt li ti, nước cũng vậy! Chúng là một tập hợp quá phức tạp, giống như con người vậy. Con người có mắt mũi, chân tay, có xương, có cơ bắp. Cơ bắp khiến chúng ta chuyển động, cũng khiến chúng ta đứng yên… Và… và – Mắt thằng Văn ngày càng sáng – Có cơ bắp giúp chúng ta tung nắm đấm, ắt phải có cơ bắp giúp chúng ta thu nắm đấm về!

Người đàn ông mỉm cười, nghiêng đầu nhìn Văn tán thưởng.

– Hai loại cơ bắp, đối chọi lẫn nhau. Đó là lý do vì sao khi tung nắm đấm, ta phải thả lỏng cơ thế! Cháu đã hiểu rồi! Nếu ta co cứng tất cả cơ bắp, thì 2 loại cơ ấy sẽ triệt tiêu lẫn nhau. Giống như khi bố con thằng Cường đẩy xe tải, 2 người phải đấy cùng 1 phía, chẳng có ai vừa đẩy xe lại vừa cản nó lại! Và… và… một hai một hai… đúng rồi! Là nhịp điệu! Cả 2 người phải phát lực vào cùng 1 thời điểm, như vậy mới đủ sức để khiến chiếc xe di chuyển! Cát và biển cũng vậy. Lực vốn không hề biến mất, chúng vẫn nằm trong cát, và nằm trong biển. Mỗi hạt li ti lại có lực của riêng nó. Nhưng, nếu những lực nhỏ ấy triệt tiêu lẫn nhau, tất cả sẽ không còn lực nữa. Nhưng nếu tất cả các thành phần cùng tung lực về một hướng, giống như sóng triều, vậy thì lực công phá, là kinh người!

Người đàn ông khẽ gật đầu, Văn lại tiếp tục hào hứng nói.

– Nhịp độ! Chính là nhịp độ! Con người có nhịp độ. Hít vào thở ra nè, rồi lại hít vào và thở ra. Nhịp tim đập nè. Tung nắm đấm rồi thu nắm đấm nè. Nếu ta có thể hoà hợp tất cả các nhịp độ ấy lại, phát lực ra cùng 1 lúc, thì đó sẽ là toàn bộ sức mạnh của cơ thể. Đó chính là, theo như anh Thiên Anh nói, kĩ thuật quan trọng hơn sức mạnh!

– Cháu nói rất có lý đấy. Nhưng chẳng phải môn Võ thuật ở trường cũng dạy cháu điều đó sao?

– Chưa hết đâu! Cháu còn nghĩ ra một vấn đề khác nữa! Cát và biển cũng có nhịp độ. Bác đã từng đấm bao cát chưa ạ? Mấy ngày qua cháu từng đấm nó rất nhiều. Dù cháu có tung bao nhiêu sức lực, bao cát cũng nuốt chửng toàn bộ. Là vì lực của cháu không thể lan truyền, bởi mỗi hạt cát trong bao, chúng phân tán sức lực của cháu ra, và rồi lực của cháu tự triệt tiêu chính nó! Ra vậy. Nếu cháu bắt được nhịp độ của cát, cháu có thể khiến lực của mình lan toả ra khắp mọi hạt cát mà vẫn giữ nguyên lực của mình! Đó, đó chính là – Càng nói, Văn càng không dám tin vào suy nghĩ của mình.

– Bộc Phá Quyền phải không? – Ông bác lạ mặt nhìn nó cười. – Bác chưa bao giờ thấy ai lý giải về Bộc Phá Quyền như cháu. Nhưng cháu phân tích rất có lý. Mọi người bình thường đều cần luyện tập Thấu Quyền đến một trình độ nhất định, sau đó mới bằng trực giác của mình nắm bắt Bộc Phá Quyền. Nhưng, nếu đúng như cháu nói, bắt được nhịp độ của đối tượng mình tấn công, cháu hoàn toàn có thể sử dụng Bộc Phá Quyền!

Không hiểu sao, lời tán đồng của người đàn ông khiến nó vững tin một cách mạnh mẽ. Nó như được tiếp thêm tự tin để tiếp tục.

– Không chỉ là Bộc Phá Quyền đâu bác. Nhất định còn có một cấp độ cao hơn. Nếu biển cũng là những hạt li ti như cát. Nếu không khí cũng giống như biển. Và nếu ta có thể truyền lực của mình xuyên thấu qua những vật chất như thế, vậy là có thể… cách không tung quyền vào đối thủ!

-!!

Tới đây, người đàn ông không còn có thể giữ được sự bình tĩnh của mình nữa. Trên gương mặt ông có cả sự ngạc nhiên, kinh hỉ, vừa có sự đăm chiêu, suy ngẫm. Những điều thằng Văn vừa nói thật sự quá chấn động, nhưng chấn động hơn nữa là cách mà nó tìm kiếm trọng điểm, cách mà nó suy nghĩ, bỏ qua những điều không cần thiết để tiếp cận vào yếu tố cốt lõi.

– Giả thiết vừa rồi của cháu rất có lý. Cấp độ cao hơn của Bộc Phá Quyền có tồn tại, nó là Phá Không Quyền. Đúng như cháu đã suy đoán, kĩ thuật này cho phép tung quyền vượt qua cả không khí, đánh bại đối thủ ở khoảng cách xa. Thấu Quyền, Bộc Phá Quyền, rồi đến Phá Không Quyền, trong bộ môn Võ thuật những kĩ thuật này đã được khám phá và sử dụng từ lâu, nhưng chưa có ai đưa ra những kiến giải như cháu vừa nói.

– Cháu cảm thấy vẫn có gì đó không đúng…

– Cháu nói đi.

– Về những cái tên. Thấu Quyền cháu còn có thể hiểu, nhưng Bộc Phá Quyền, Phá Không Quyền, chỉ là miêu tả lại biểu hiện bề ngoài của kĩ thuật, chứ không miêu tả đúng bản chất thật sự của nó. Những kĩ thuật trên, đều dựa vào việc nắm bắt nhịp độ, và sử dụng nhịp độ ấy để lan truyền sự công phá. Giống như sóng biển vậy. Và Bộc Phá Quyền cùng Phá Không Quyền, tuy có vẻ khác nhau, nhưng thực chất đều chung một nguyên lý. Nếu là cháu, cháu sẽ không tách chúng ra làm 2, mà chỉ là một kĩ thuật duy nhất thôi, và tên gọi của nó, nên là… Triều Quyền!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận