Lạc Dương nhảy qua cửa sổ đi ra bên ngoài, đã thấy một cái bóng đen vừa gầy vừa cao đứng dưới mái hiên, bóng đen ấy vừa thấy chàng đã giơ chưởng lên tấn công luôn.
Thế chưởng đó là thế hư, bóng đen sau đó tung mình nhảy lên cao và phi xa ra ngoài bảy tám trượng liền.
Lạc Dương tránh khỏi thế hư đó cũng vội tung mình đuổi theo ngay.
Dưới ánh trăng sáng sao lờ mờ hai người, một trước một sau, lướt ra khỏi tòa nhà lớn, chạy thẳng vào khu rừng thông gần đó.
Gần đây võ công của Lạc Dương đã tiến bộ hơn trước rất nhiều, khinh công của chàng lại càng lợi hại thêm, chỉ thoáng cái chàng sắp đuổi kịp cái bóng kia rồi.
Đột nhiên, người đó ngừng chân quay người lại, quát lớn một tiếng:
– Đánh…
Nói xong, giơ tay phải lên ném luôn một cái, Lạc Dương rùng mình sợ ám khí có thuốc độc nên vội giở bí quyết chữ Chấn trong Di Lạc Thần Công ra giơ chưởng lên đẩy mạnh một cái, chưởng phong của chàng như vũ bão lấn át tới.
Người nọ đã biết chưởng lực của chàng rất lợi hại, vội tung mình nhảy lên, nhưng người y vẫn bị luồng gió mạnh của chàng đẩy trúng, chỉ thấy y lộn một vòng, rồi ngã xuống đất.
Oai lực của Di Lạc Thần Công quả thật kinh người, những cây thông ở bốn góc xung quanh đều bị gãy hết, dưới đất cát bụi bay lên mù mịt cả góc trời.
Lạc Dương nhanh như điện chớp lướt tới người nọ, giơ tay phải ra định điểm luôn.
Người nọ vội nói:
– Hãy khoan đã.
Y vừa nói vừa gượng ngồi dậy, Lạc Dương liền quát hỏi:
– Ngươi có phải là người của Tam Nguyên Bang không?
– Không phải.
Người đó trả lời một cách nhanh nhảu rồi từ từ đứng lên, Lạc Dương ngạc nhiên vô cùng, vội hỏi lại:
– Nếu vậy chắc ngài là người của Hắc Kỳ Hội.
Người nọ lắc đầu đáp:
– Cũng không phải, thiếu hiệp đừng hỏi đến lai lịch của tại hạ vội, chưởng lực của thiếu hiệp vừa giở ra đó, năm xưa tại hạ đã được kiến thức rồi, giống hệt môn tuyệt học độc đáo của ân nhân tại hạ.
Lạc Dương nghe nói ngạc nhiên vô cùng, đưa mắt ngắm nhìn người đó một hồi, thấy người đó tuổi ngoại tứ tuần, hai mắt rất sáng, vẻ mặt rất lão luyện.
Chàng liền từ từ hỏi:
– Ngài đã kiến thức qua chưởng lực đó ở đâu?
– Ở Bố Đạt Lạp Cung tỉnh Thừa Đức ngoài biên giới.
– Ngài là ai xin cho biết quí tính danh?
– Tại hạ là Trí Hồ Trần Bách Thành ở núi Dã Nhân.
– Ngài nói ân nhân cứu mạng của ngài trước kia là ai?
– Là Quái Thủ Thư Sinh Dư Vân còn có tên là Tạ Vân Nhạc, tiếng tăm lừng lẫy thiên hạ năm xưa.
Lạc Dương sực nhớ sư mẫu Cố Yến Văn đã nói chàng nghe những chuyện ở Thất Thố Bố Đạt Lạp Cung như thế nào và người ấy cũng có nói đến cái tên Trí Hồ Trần Bách Thành, vì vậy chàng liền đáp:
– Tạ Vân Nhạc là ân sư.
Bách Thành cả kinh vội nói:
– Thiếu hiệp hãy theo tại hạ lại đằng này.
Nói xong, y quay mình đi trước.
Lạc Dương ngẩn người ra giây lát, rồi không hiểu tại sao, chẳng suy nghĩ gì hết vội quay người đi theo ngay, tới một chỗ núi cỏ mọc cao gần vai người.
Bách Thành liền ngừng chân lại vừa cười vừa nói:
– Nơi đây không có chòi canh ngầm của Tam Nguyên Bang, Hắc Kỳ Bang, thiếu hiệp có thể yên tâm ở đây chuyện trò, không ai dám đến quấy nhiễu đâu.
Tại hạ được đội ơn của lệnh sư thoát chết, lúc nào cũng nhớ đến ơn và chỉ mong làm thế nào báo đền lại thôi.
Nghe phong phanh lệnh sư ngộ nạn ở Ngọc Chung Đảo, tại hạ đau lòng vô cùng, gần đây lại nghe lệnh sư tái xuất giang hồ, tại hạ mừng rỡ khôn tả.
Chẳng hay bây giờ lệnh sư ở đâu? Chẳng hay thiếu hiệp có thể cho tại hạ biết được không? Lạc Dương lắc đầu đáp:
– Hành tung của ân sư huyền bí lắm, chính tại hạ đây cũng không biết hiện giờ ông ta đi đâu cả.
Nói tới đó, chàng ngừng giây lát rồi lại nói tiếp:
– Tại hạ có một việc không hiểu là năm xưa ân sư đột nhập Bố Đạt Lạp Cung để cứu quý Sơn chủ Thái Phúc ra khỏi chỗ nguy hiểm, thấy Thái sơn chủ không chịu khuất phục tự đánh vỡ sọ ra mà chết, tại sao gần đây tại hạ lại nghe nói Thái sơn chủ xuất hiện trên chốn giang hồ.
Bách Thành mỉm cười đáp:
– Việc đó chúng tôi đã lừa dối lệnh sư, thạch thất mà Thái sơn chủ bị giam giữ vốn có một cái vách đôi, nghe thấy lệnh sư tự xưng danh tính xong, Thái sơn chủ nghĩ đến trận đấu ở Tấn Từ bị bại một cách nhục nhã nên xấu hổ không dám ra gặp lệnh sư.
Còn người chết là người khác đấy.
Lạc Dương kêu ủa một tiếng rồi hỏi tiếp:
– Thế người chết đó đã bị Thái sơn chủ hạ độc thủ hay sao?
– Người chết là một tên cường tặc hái hoa khét tiếng hung ác, tội lỗi đếm không xuể.
Y họ Vương tên Gia, tệ sơn chủ làm như vậy là bất đắc dĩ, nhưng sự thật tên ấy có bị giết chết cũng đáng lắm.
Lạc Dương lại tiếp:
– Tại sao Thái sơn chủ bị giam giữ trong Bố Đạt Lạp Cung, vì tôn sư kín miệng nên tại hạ cũng không tiện hỏi han làm chi.
Bách Thành thở dài một tiếng rồi nói tiếp:
– Tệ Sơn chủ bị giam giữ ở trong cung đó cũng là do lệnh sư mà nên…
Lạc Dương ngạc nhiên nhưng Bách Thành lại nói tiếp:
– Tệ Sơn chủ sau khi bị đánh bại ở Tấn Từ, tự thấy tài ba kém lệnh sư xa, nhưng lại chót hẹn ước sang năm gặp nhau ở Cổ chiến trường, và lần này nếu thất bại nữa thì làm gì còn mặt mũi mà sống ở trên giang hồ.
Cho nên nhìn kiếm pháp Lưu Xuân Thất Thúc của Pháp sư Bố Đạt Lạp Cung rất lợi hại không tiếc thân đến đó xin đại sư truyền thụ cho, nhưng chưa gặp Hồ Khắc Đồ thì bị thủ tọa trong Đạt Ma của chùa đó bắt giam vào thạch thất liền.
Nói tới đó, y cười một tiếng và tiếp:
– Sau đó tại hạ với Kim Nhất Bằng, cao của phái Điểm Thương ở ngoài chùa gặp gỡ Hồ Khắc Đồ, Nhất Bằng xuất kiếm ra đấu với Khắc Đồ trước sau chỉ dùng có một kiếm Bài Vân Bát Điện không quá mạnh như người ta đã đồn.
Trong lúc Nhất Bằng sắp sửa thắng thế, thì đột nhiên có người xông tới, võ công của họ rất cao siêu.
Tại hạ và mọi người đang nguy cấp thì may mắn được lệnh sư ngầm ra tay cứu giúp, dụ hai người đó vào trong rừng.
Lúc đó sơn chủ bỗng xuất hiện cắp luôn Hồ Khắc Đồ và ra lệnh mọi người mau mau rời khỏi chốn đó.
Khi về đến núi Dã Nhân, mới phát hiện Hồ Khắc Đồ bị cao thủ đả thương mất hết trí nhớ.
Trong năm năm nay lúc nào Sơn chủ cũng muốn chữa cho y khỏi để hồi phục lại trí nhớ, và ông ta, lúc nào cũng không quên luyện tập võ công.
Dịp may ngẫu nhiên, ông ta lượm được Quảng Thành nhị báu của một vị cao nhân để lại trong núi Dã Nhân.
Lạc Dương thất thần la lớn:
– Quảng Thành nhị báu ư? Bách Thành nhìn thẳng vào mặt Lạc Dương và hỏi:
– Thế ra thiếu hiệp đã nghe thấy người ta nói đến Quảng Thành nhị báu rồi ư? Lạc Dương gật đầu đáp:
– Không những nghe thấy mà còn biết vật đó hiện giờ ở đâu, trong tay ai nữa.
Bách Thành mừng rỡ cũng vội hỏi lại:
– Có phải hiện giờ trong tay Hách Tố Lan không?
– Trần lão sư đã bị lụy vì tin đồn thất thiệt, hiện giờ Quảng Thành nhị báu đang lọt vào tay La Thái, một tên vô danh tiểu tốt trên giang hồ.
Bách Thành ngạc nhiên trợn trừng mắt lên hỏi lại:
– Lời nói của thiếu hiệp là thật hay là hư? Lạc Dương nghĩ thầm: “Việc này liên can rất lớn, ta phải nói thật cho y biết mới được.” Chàng nghiêm nét mặt lại đáp:
– Sao lại không thật.
Rồi chàng đem chuyện La Thái thừa lệnh đi Thiên Nam lấy trộm được nhị báu ở trong người Cát Thiên Hào, La Thái lấy được vật báu liền nổi lòng tham, tàn sát tám người đồng bọn, không may chàng với Cô Vân đạo trưởng bắt gặp mới có một trận đấu rất kịch liệt, La Thái ba người bị đánh bại đào tẩu luôn.
Lt định chạy đi một nơi thực xa, ngờ đâu người thủ lãnh của phái Động Đình hồ đã cho y uống thuốc độc trước khi lên đường đi cướp vật báu, nên y đành phải quay về hồ Động Đình nói dối là Cô Vân đạo trưởng cướp mất nhị báu của y, để có dịp đánh lừa uống được thuốc giải độc, uống xong y lại quay người đi luôn.
Bây giờ không biết y đi đâu hết.
Kể tới đó chàng là hỏi Bách Thành tiếp:
– Trần lão sư đến đây có phải vì Quảng Thành nhị báu ấy không? Bách Thành tỏ vẻ rầu rĩ và hổ thẹn đáp:
– Tại hạ nhất thời u mê, bị lời đồn đại làm cho mình lầm lỡ, dù sao có thiếu hiệp đây, khi nào tại hạ ra tay giúp kẻ gian làm bậy.
Hiện giờ tòa nhà này đã bị bao vây chặt chẽ, nếu thiếu hiệp đi xa thêm ba mươi trượng là gặp phải kẻ địch đón đường đánh ngay.
Lạc Dương thầm nghĩ một lúc rồi nói:
– Mong Trần lão sư chỉ giáo cho tại hạ làm thế nào ra khỏi nơi đây mà khỏi phải đụng chạm đến binh đao.
– Theo sự nhận xét của tại hạ thì Tam Nguyên, Hắc Kỳ hai bang tức hận Hách Tố Lan khôn tả.
Có lẽ mối hận không thể hòa giải được đâu, để tại hạ nghĩ cách làm thế nào giải được nguy nan cho ngôi nhà này.
Nói tới đó, y liền cúi đầu suy nghĩ.
Lúc ấy, những sao ở trên trời lúc ẩn lúc hiện, bốn bề tối om tiếng cây cỏ bị gió thổi kêu lào xào lại càng tăng vẻ rùng rợn.
Lạc Dương đưa mắt nhìn bốn xung quanh thấp thoáng tòa nhà đồ sộ nép mình trong bóng tối, chợt nghĩ đến một việc, liền lên tiếng hỏi:
– Trần lão sư, căn nhà kia được phòng vệ rất nghiêm mật, sao lão sư lại ra vào như chốn không người như thế.
Bách Thành nghe hỏi liền kêu ủa một tiếng rồi đáp:
– Hai bên cầm cự nhau lâu ngày thế nào cũng có một trễ nải, rút cục thế nào cũng bị tiêu diệt là khác.
Phó tòa của Tam Nguyên Bang biết tại hạ là người có học hiểu biết về võ lược mưu kế nên mới mời tại hạ lẫn vào trong tòa nhà đồ sộ kia, để dò thêm hư thực ra sao, rồi mới phát động thế công, tại hạ thấy tòa nhà phòng vệ rất cẩn mật nhưng mà vẫn có chỗ sơ hở.
– Trần lão sư đã tìm ra được chỗ sơ hở đó rồi?
– Thiếu hiệp cứ yên tâm, tại hạ biết cao túc ân nhân ở đây rồi, huống hồ lại là người yêu của Hách tiểu thư thì khi nào tại hạ lại lập mưu kế cho họ làm chi…
Nói xong y rỉ tai Lạc Dương nói một hồi rồi lại móc lấy một gói giấy nho nhỏ nhét luôn vào tay Lạc Dương.
Lạc Dương mừng rỡ vô cùng, liền hỏi lại mấy câu, hình như muốn hỏi Phụng Nhi bị giam giữ ở đâu vậy.
Bách Thành ngẫm nghĩ giây lát rồi đáp:
– Điều này tại hạ không được rõ lắm nhưng thiếu hiệp theo kế hoạch của tại hạ sẽ trôi chảy.
Lạc Dương chưa kịp trả lời đã có tiếng sáo rất gay gắt tới khiến ai nghe thấy cũng phải rùng mình hoảng sợ.
Bách Thành vội nói:
– Những người đó là đồng môn của tại hạ, thấy tại hạ lâu không về nên mới tới đây tìm kiếm.
Vừa lúc đó trên núi có mấy bóng người xuất hiện.
Bách Thành huýt còi trả lời để các bạn đồng môn biết mình ẩn núp ở đây.
Chỉ thoáng một cái bốn bóng đen kia đã tới gần.
Bách Thành chỉ Lạc Dương nói:
– Thiếu hiệp này là cao túc ân nhân cứu mạng mỗ ở Bố Đạt Lạp Cung năm xưa.
Chẳng hay các hiền đệ có quen biết y không? Bốn người kia ngắm nhìn Lạc Dương, ai nấy đều lộ vẻ thân thiết.
Bách Thành lại nói:
– Xin thiếu hiệp mau trở về đi.
Lạc Dương nghĩ mình ra ngoài đã lâu chắc Lan cô nương và mấy người nóng lòng sốt ruột lắm, nên chàng vội chắp tay chào và nói:
– Bữa khác chúng ta sẽ tái kiến! Dứt lời chàng liền quay trở về tòa nhà đồ sộ kia.
Khi Lạc Dương gần về tới cửa, bỗng thấy Phùng Xuân đứng ở dưới gốc cây si cổ thụ đang đưa mắt nhìn.
Thấy Lạc Dương tung mình nhảy tới, Phùng Xuân liền chạy ra nghênh đón và hỏi:
– Sao thiếu hiệp đi lâu thế, có phải gặp địch thủ không? Lan cô nương mong lắm, sai mỗ ra đây tìm kiếm thiếu hiệp.
– Tại hạ theo dõi bọn giặc lẻn vào tòa nhà này, nhưng rút cục chúng thoát mất.
Còn Thân đại hiệp? Phùng Xuân lắc đầu đáp:
– Thân mỗ cũng như thiếu hiệp, không lập nên công trạng gì cả.
Bỗng nhiên trên đỉnh cây có tiếng cười nhạt nỗi lên, một tiếng cười tuy không lớn nhưng khiến ai nghe thấy cũng phải rùng mình.
Tiếng cười chưa dứt đã có ba bóng người nhanh nhẹn nhảy vụt xuống.
Ba người đó mặt rất hung ác đều mặc võ phục màu đen, trên vai đeo khí giới.
Ông già lùn trong bọn lạnh lùng cất tiếng hỏi:
– Thân lão sư vẫn mạnh giỏi chứ, còn nhận ra cố nhân này là ai không? Khi nghe thấy tiếng cười, Lạc Dương và Phùng Xuân đã cách ra ngoài xa hai trượng.
Thấy ông già lùn hỏi, Phùng Xuân liền giương mục nhìn giây lát rồi lớn tiếng cười đáp:
– Thân mỗ tưởng ai, hóa ra là Thiểm Điện Thần Đao Dương Hùng lão sư.
Từ khi chia tay ở Hàn Giang đến giờ thấm thoát đã được mười năm, anh phong của lão sư vẫn thịnh như ngày xưa thật đáng mừng.
Bây giờ Dương lão sư cũng ở dưới trướng của Tam Nguyên Bang đấy à? Không ngờ người hào hùng như lão sư mà chịu núp bóng kẻ khác, thật đáng tiếc.
Dương Hùng hổ thẹn mặt đỏ bừng nói:
– Thân lão sư, mỗi người có một chí hướng, lão sư không cần phải mỉa mai mỗ như thế.
Tối nay mỗ đến đây vừa để gặp bạn cũ vừa để khuyên Thân lão sư vài lời.
– Dương Huynh có thịnh tình như vậy Thân mỗ tất biết ơn.
Chẳng hay Dương huynh có điều gì chỉ giáo, xin cứ nói.
– Hiện giờ lão sư ở nơi rất nguy hiểm, chẳng hay là có biết không? Đại trượng phu làm việc gì cũng nên cân nhắc nặng nhẹ, bây giờ lão sư với quý bạn cứ cố giữ tòa nhà này, bên trong thiếu lương thực, bên ngoài không có viện trợ.
Cao thủ của Tam Nguyên, Hắc Kỳ lại đông như kiến cỏ, lại có thêm phái Nga Mi và các tay cao thủ của hắc, bạch hai đạo tiếp tay vào nữa.
Nhất là khi nhà này bị phá tan, thử hỏi những người ở trong nhà còn sống sót được không, nên mỗ nhận thấy lão sư cố ở lại đây, thật là bất trí…
– Thân mỗ đang trù trừ vì vô kế khả thi, xin Dương lão sư chỉ giáo cho.
– Ý của Khương bang chủ thuộc Tam Nguyên Bang chỉ muốn Thân lão sư nộp Hách Tố Lan và Quảng Thành nhị báu thì lôi đài này sẽ được giải vây ngay.
Phùng Xuân nghe nói ngửa mặt lên trời, lớn tiếng cả cười, tiếng cười của chàng vang như sấm.
Dương Hùng với hai người nọ đều biến sắc mặt.
Lạc Dương trước cảnh đó không nói điều gì.
Phùng Xuân cười xong lắc đầu đáp:
– Dương lão sư bắt Thân mỗ làm như vậy, Thân mỗ làm sao nổi.
Chẳng hay Dương lão sư nghe ai nói mà dám cả quyết Quảng Thành nhị báu hiện đang ở trong tay Hách cô nương.
Lão sư là người giàu kinh nghiệm và lão luyện như vậy, lại tin những lời đồn đại hão huyền ấy sao? Dương Hùng cười nhạt.
Lạc Dương nói xen vào:
– Sao ngài không về bảo La Thái đến đây nói chuyện, sẽ biết rõ thực hư ngay, hà tất phải cãi vã suông như thế.
Dương Hùng nghe nói quay mặt lại nhìn Lạc Dương rồi cười khẩy hỏi:
– Sao bạn lại biết La Thái hiện đang ở bên chúng tôi? Lạc Dương lớn tiếng cười đáp:
– Sao lại không biết.
La Thái đã lấy được Quảng Thành nhị báu, sở dĩ y vu cho Hách cô nương là y muốn mình được đứng yên ở ngoài cuộc.
Theo ý mỗ thì ngài nên quay trở về kẻo La Thái đã đào tẩu rồi.
Ngài không biết rõ sự thể như vậy thì thật hổ thẹn với cố nhân lắm.
Dương Hùng ngẩn người ra một lúc mới cười nhạt nói tiếp:
– Tiểu bối! Dù ngươi khéo nói đến đâu lão phu cũng không bao giờ tin.
Lạc Dương trả lời:
– Tin hay không tùy ngươi, Thân đại hiệp, chúng ta đi thôi.
Chàng vừa dứt lời, Dương Hùng với hai người kia đã rút kiếm ra xông lại tấn công.
Dương Hùng hét lớn:
– Hai người chạy đâu cho thoát! Phùng Xuân cười ha hả nhanh nhẹn lui về phía sau bảy thước, còn Lạc Dương thì không tránh né gì cả, chờ đối phương tới gần, tay phải giơ cái quạt lên điểm ngay vào ngực đối phương, còn tay trái dùng ba ngón tay phi ra một lúc.
Người nọ thấy Lạc Dương bình tình như vậy trong lòng kinh hãi vô cùng vội bước sang bên một bước, thì cùng một lúc mũi kiếm của y bị ba ngón tay của Lạc Dương nắm chặt lấy.
Lạc Dương cười nhạt vung tay một cái ngấm ngầm vận ba thành bí quyết chữ Chấn của Di Lạc Thần Công, chỉ nghe thấy một tiếng kêu, lưỡi kiếm đó đã bị chấn gãy làm đôi và bắn ra ngoài xa, thân hình người nọ cũng bị hất bắn ra xa ba trượng, rớt xuống đất kêu đánh bốp một tiếng và chết giấc luôn.
Dương Hùng không ngờ Lạc Dương võ công trác tuyệt như vậy trong lòng cũng kinh hãi.
Còn phía bên kia, Phùng Xuân cũng đang đấu kịch liệt với một người.
Lạc Dương phi thân nhanh như chớp đã tới trước mặt Dương Hùng, tay cầm cái quạt khẽ phẩy và nói:
– Nếu ngài còn không biết tiến thoái thì có lẽ tối nay sẽ phải ở lại đây mất.
Dương Hùng cũng là một người có tên tuổi trong giới giang hồ, nghe Lạc Dương nói vậy, y khi nào chịu nhìn liền quát lớn:
– Tiểu bối chớ nói càn! Ngươi tài nghệ bao nhiêu mà dám châm chọc lão phu.
Y vừa quát vừa phi thân tới, tay trái dùng chưởng đánh xuống, tay phải cầm kim đao chém vào đối thủ, còn chân thì đá luôn, y tấn công ba miếng một lúc như vậy thật không hổ thẹn với cái tên Thiểm Điện Thần Đao.
Lạc Dương thấy võ công của Dương Hùng tinh kỳ như vậy cũng phải kinh hãi thầm, không dám khinh thường, liền vận Huyền Thiên Thất Tinh Bộ Pháp ra tránh né.
Dương Hùng thấy hai mắt hoa lên và thân hình đối phương đã biến mất.
Thế là ba thế công của y đều hụt hết, cảm thấy phía sau ót có gió mạnh ào tới y và y rùng mình kinh hãi liền múa đao quay người lại phản công liền.
Thế đao ấy của y cô cùng lợi hại nhưng y định thần nhìn kỹ đã không thấy hình bóng Lạc Dương đâu, đương phân vân bỗng y lại nghe phía sau lưng có tiếng cười nhạt, phen này y thật hoảng kinh biến mất hồn vía, vội tung mình nhảy lên trên cao.
Lúc ấy, Phùng Xuân múa kiếm gạt thế kiếm của đối phương sang bên và lẹ tay điểm luôn kiếm của mình vào người đối thủ, mồm thì lớn tiếng kêu gọi:
– Dương lão sư.
Dương Hùng đang ở trên không nghe gọi vội nhảy xuống dưới đất, y thấy Lạc Dương không đuổi theo nữa mới định tâm và hỏi Phùng Xuân:
– Chẳng hay Thân lão sư chỉ bảo điều gì? Phùng Xuân thở dài đáp:
– Mỗ với lão sư là bạn cho nên không muốn trông thấy lão sư bước vào con đường diệt vong.
Quả thật Quảng Thành nhị báu hiện đang ở trong người La Thái.
Y nói dối trá để cho anh hùng trên thiên hạ tự tàn sát lẫn nhau.
Thân mỗ là người đã biết rõ chuyện thì phải nói cho bạn hay, nên mỗ khuyên lão sư mau về xét hỏi lại La Thái sẽ rõ thật hư.
Còn Hách cô nương với Bang chủ của Tang Nguyên Bang có mối thù giết con ân oán ra sao, nhất thời khó mà biết rõ được, chứ không giản dị như lời đồn đãi đâu! Sao lão sư không đứng ở ngoài cuộc để khỏi làm tổn thương hòa khí của chúng ta! Dương Hùng sợ võ công kinh người của Lạc Dương, biết có đấu cũng không sao thắng nổi, lại thêm ba người cùng đi với mình bây giờ đã có hai người bị hại rồi, nếu mình còn lấn thêm vào vòng chiến chưa biết chừng tên tuổi cũng bị chôn vùi.
Vì thế y mới trù trừ không biết quyết định ra sao.
Y nghĩ: “Lời Phùng Xuân nói chưa chắc là sai, nếu bây giờ chúng họp nhau lại giết mình thì thật là dễ như trở bàn tay.
Nếu y không nể mình là bạn thân, khi nào còn tốn hơi mất công nói với mình như thế.” Y càng nghĩ càng thấy có lý, mặt lộ vẻ cảm ơn, chắp tay vái chào đáp:
– Dương mỗ lỗ mãng thật, nhưng người ta đã nhờ vả đến không thể nào không giúp.
Đệ cũng xin khuyên lại Thân huynh một lời, nơi đây không chắc giữ nổi đâu, huynh mau rời khỏi ngay đi là hơn.
Phùng Xuân buông tay tha cho đối thủ rồi mỉm cười nói tiếp:
– Đa tạ Dương huynh chỉ giáo, xin thứ lỗi đệ không đưa tiễn được.
Dứt lời, Phùng Xuân quay lại nói với Lạc Dương:
– Chúng ta đi thôi.
Khi hai người vừa nhảy qua bờ tường vào tới bên trong tòa nhà đã thấy Tố Lan đã cùng Mai Nhi đứng ở dưới hành lang.
Vừa thấy mặt Lạc Dương, Tố Lan đã tỏ vẻ hờn giận trách:
– Dương đệ đi đâu lâu thế? Làm cho người ta chờ hoài.
Lạc Dương bèn kể qua loa chuyện gặp Bách Thành cho nàng nghe nhưng không cho nàng biết tên họ thật của Bách Thành, Tố Lan nghe xong rất phấn khởi, Lạc Dương lại lấy quà tặng của Bách Thành đưa cho Phùng Xuân, Phùng Xuân đỡ lấy và đi luôn.
Tố Lan với vẻ mặt đầy tình tứ âu yếm nói với Lạc Dương:
– Nhũ phụ đã đỡ nhiều và tỉnh hơn trước, vừa rồi có hỏi đến hiền đệ.
Mai Nhi cũng nói xen vào:
– Tiểu thư vết thương ở bàn tay của Bình muội…
Tố Lan chợt giật mình kinh hãi kêu ủa một tiếng rồi giương đôi mắt lên nhìn Lạc Dương tỏ vẻ van lơn:
– Suýt tí nữa thì tôi quên vết thương của Bình Nhi trầm trọng, mời Dương đệ vào trong xem giùm.
Lạc Dương đỏ bừng mặt ngập ngừng đáp:
– Chị Lan, nam nữ thụ thụ bất thân, tôi chữa cho nàng ấy sao được.
Bây giờ tôi gởi chị một viên linh đơn, chị cho cô ấy uống vậy.
Tố Lan nũng nịu nói:
– Thầy thuốc ra tay cứu chữa cho người, ai câu nệ những hủ tục ấy.
Nói xong nàng nắm lấy cánh tay của chàng kéo đi tiếp:
– Ta đi thôi! Lạc Dương bất ngờ bị Tố Lan kéo mạnh khiến chàng loạng choạng suýt ngã ngay vào lòng nàng.
Mai Nhi thấy vậy che mặt cười khúc khích.
Tố Lan đưa mắt lườm Mai Nhi và hừ một tiếng kéo Lạc Dương đứng dậy, đi thẳng vào trong.
-oOo-
Ngoài trời những ngôi sao thấp thoáng lúc tỏ lúc mờ, gió lạnh vẫn ào ào thổi.
Bỗng bên bờ tường xuất hiện một hàng người đứng sừng sững như những bóng ma, xa xa tiếng của Phùng Xuân khẽ quát:
– Đi! Mấy chục cái bóng đen kia nhanh như tên nhảy ra ngoài tiến thẳng về phía đông nam liền.
Chỉ trong nháy mắt những người đó đã lẫn vào trong bóng tối.
Một lát sau, Lạc Dương cùng Tố Lan ở trong nhà cùng nhảy ra tiến thẳng về phía đông nam.
Trăng mờ gió lạnh, tiếng lá cây xào xạc.
Ở phía đông nam trên một ngọn đồi đầy mồ hoang, cỏ mọc cao đến bụng người cách tòa nhà nọ chừng hơn năm dặm, bỗng có ba cái nỏ ở trong một ngôi mộ bắn ra, tiếng nỏ đi kêu veo veo làm chấn động cả đêm khuya và đột nhiên từ đàng xa có ba ngọn lửa bốc lên nhờ gió thổi, không bao lâu ba ngọn lửa đó đã lan khắp nơi và chỉ trong nháy mắt đã biến thành một bể lửa liền.
Mùa thu cây cỏ khô héo nên lửa tới đâu là bốc cháy tới đó, không bao lâu ngọn lửa đã lan tràn mấy dặm.
Trên đồi hoang những ngôi mộ vô thừa nhận, Phùng Xuân đã dẫn mấy chục tên cung thủ mai phục ở đó, thấy lửa lan rộng liền cùng mấy chục người nhảy xổ ra, thỉnh thoảng lại bắn mười mấy mũi nỏ lên trên không, mũi nỏ nào đằng đầu cũng có lửa nên rớt xuống đâu là nơi đó bốc cháy liền.
Không bao lâu cả cánh đồng bao la bát ngát ở quanh đó đều có lửa bốc cháy ngọn lửa càng cao, càng sáng không khác gì ban ngày.
Trong đám lửa đột nhiên có mấy người chạy ra, người nào người nấy quần áo và mặt mũi bị cháy xém, chúng cắm đầu chạy thẳng về phía ngược gió.
Ngờ đâu, họa vô đơn chí, chúng vừa chạy tới bụi cỏ lau ở phía trước thì đột nhiên đã có hai người múa kiếm nhảy ra nhằm chúng chém luôn.
Bảy tám tên trong bọn người bị lửa cháy sém đó chỉ kêu thét được một tiếng thì đã ngã ra chết liền.
Còn bốn năm tên nữa thấy tình thế nguy cấp, liền cướp đường đào tẩu, ngờ đâu, hai cái bóng kia đã nhanh như điện chớp, với hai thanh kiếm lợi hại khôn tả, chỉ trong nháy mắt đã giết hết cả bốn năm người kia.
Những tay cao thủ của Tam Nguyên và Hắc Kỳ bao vây tòa nhà đồ sộ kia có hàng mấy trăm người, chỉ chờ ngày Bang chủ của Tam Nguyên Bang tới là phát hiệu lệnh tấn công, không ngờ Trần Bách Thành vì đền ơn Vân Nhạc đã tiết lộ cơ mật cho Lạc Dương hay, rồi lại tặng cho chàng một gói luân tiêu dễ cháy để đối phó với mấy tay cao thủ Tam Nguyên và Hắc Kỳ hai bang.
Lúc đó, ngọn lửa cứ cháy liên miên ở phía đông và phía nam.
Đảng giặc ẩn núp ở hai phía tây bắc thấy tình thế nguy ngập vội chạy lại nơi đó cứu chữa, không ngờ giữa đường gặp phải phục binh, bị hàng vạn mũi tên độc bắn trúng, chết hết nửa, còn những kẻ sống sót thấy vậy, đều hoảng loạn sợ mất hồn vía.
Đồng thời chúng biết gặp thế bất lợi, có ở lại cũng chết oan uổng mà thôi.
Lúc đó ngọn lửa càng cháy mạnh, không khí chung quanh đều nóng rát.
Những người ở gần nó cũng bị ngộp thở.
Trước khi mặt trời mọc, trên không bỗng xuất hiện những đám mây đen rồi tiếp theo đó, một trận mưa rào đổ xuống ngọn lửa mới tắt dần.
Hai bóng người đi nhanh như điện chớp phi thân tới trước tòa nhà đồ sộ kia.
Hai người đó chính là Lạc Dương và Hách Tố Lan.
Lạc Dương tỏ vẻ kính phục và nghĩ thầm: “Tài hoa của Bách Thành quả thật phi thường, không những mưu kế trác tuyệt mà còn biết cả thiên văn nữa, đoán đúng được trời mưa gió.
Nhân tài như y mà bị mắc kẹt trong hắc đạo thật là đáng tiếc”.
Nghĩ vậy chàng định dụ Bách Thành nhập phe mình.
Hai người chưa về tới trước tòa nhà, thì hai cánh cửa lớn mở toang, bên trong một chiếc xe lừa đi nhanh như bay phóng ra, theo sau là mấy chục người cưỡi ngựa phóng như bay.
Phía sau lại còn mấy chục con ngựa khác chưa có người cưỡi.
Tố Lan với Lạc Dương cũng tung mình nhảy lên lưng mấy con ngựa đó, và thoáng cái cũng mất dạng liền.
Trên trời sấm sét liên hồi làm hoa mắt, nhức tai mọi người.
Tiếp theo là một trận mưa rào trút xuống như tát nước, những ngọn lửa tắt ngay.
Hơi khói bốc lên trong mưa khét lẹt.
Đột nhiên, phía bắc có mấy chục chấm đen xuất hiện phi nhanh tới như chớp.
Họ đi tới đâu nước bắn tung tóe tới đó.
Hai người cưỡi ngựa đi trước trông rất oai vệ, râu dưới cằm dài tới tận bụng, người bên trái, mặt tái, lông mày rậm, mắt hổ, vẻ mặt sát khí đằng đằng.
Người đó thấy cảnh vật ở trước mặt thảm khốc như vậy, tức giận vô cùng, xếch ngược lông mày lên nhìn người cưỡi ngựa bên phải cười nhạt và nói:
– Đổng hiền đệ, nếu các anh em tuần tiễu không uống rượu say làm chậm mất thơ khẩn cấp của Trần Bách Thành lão sư gởi về, thì khi nào gây nên nông nổi này, khiến bao nhiêu anh em bị hy sinh một cách đau đớn như thế kia.
Nói xong, mắt y tỏa ra những tia sáng giận dữ và khủng khiếp liếc nhìn xung quanh một vòng rồi thở dài nói tiếp:
– Nếu việc này mà đồn đại khắp giang nam bắc thì Khương Huân Tổ này còn mặt mũi nào đi lại trên giang hồ nữa.
Người cưỡi ngựa đi bên phải là Báo Chưởng Đổng Cẩm Quan Phó bang chủ của Tam Nguyên Bang nghe thấy Khương Huân Tổ nói như vậy phải lên tiếng khuyên giải:
– Thắng bại là chuyện thường của binh gia, Bang chủ hà tất phải tức giận như vậy, con tiện tỳ họ Hách không sớm thì trầy cũng lọt vào tay chúng ta.
Không ngờ, con tiện tỳ họ Hách tuy mặt đẹp như hoa mà lòng lại độc ác như rắn rết, cứ xem thủ đoạn của nó giết hai con của Bào Khốc tàn nhẫn như thế nào thì biết liền.
Nếu không phải trận mưa lớn này, còn cháy lan tràn thêm nữa, thì không riêng gì anh em Tam Nguyên Bang, Hắc Kỳ Hội chúng ta bị tai họa, mà còn nhiều người khác nữa cũng bị hại chứ không sai.
Đang lúc ấy, người cưỡi ngựa ở phía sau đã lớn tiếng truyền báo:
– Hắc Kỳ Hội chủ tới.
Mọi người liền thấy một người cưỡi ngựa phi tới nhanh vô cùng, người đó tuổi độ trung niên, mặt lạnh lùng, chưa tới nơi đã lên tiếng hỏi:
– Tiện tỳ họ Hách đã đào tẩu rồi phải không? Khương Huân Tổ đáp:
– Tiểu đệ với các bộ hạ đến chậm một bước không biết chúng đâu hết, chắc con tiện tỳ ấy với đồng đảng đã tẩu thoát rồi cũng nên.
Người trung niên mặt lạnh lùng kia đưa mắt liếc nhìn hai bên rồi nói tiếp:
– Chẳng lẽ chúng ta chịu để cho những người này chết oan chết uổng hay sao? Không biết con tiện tỳ họ Hách chạy về phía nào, chúng ta mau đuổi theo chúng hơn là đứng thừ người ở đây.
Huân Tổ nghe nói, cảm thấy bất mãn, nhưng vẫn phải cố nén giận vừa cười vừa đáp:
– Nếu tiểu đệ biết tiện tỳ họ Hách chạy về hướng nào thì cần gì đến Hồng huynh thúc giục như thế.
Hắc Kỳ hội chủ biết mình lỡ lời liền ho một tiếng, đưa tay ra chỉ tòa nhà đồ sộ kia hỏi tiếp:
– Chẳng hay trong tòa nhà kia còn có người nữa không? Huân Tổ đáp:
– Tiểu đệ chưa vào căn nhà đó, nhưng có vào cũng vô ích.
– Thế sao không cử người vào trong đó khám xét, biết đâu chúng để sót lại manh mối nào cho chúng ta theo dõi.
Hắc Kỳ hội chủ vẻ mặt hậm hực đề nghị như vậy, liền tiếp:
– Cá trong lu mà còn để cho nó tẩu thoát thì lạ thật…
Huân Tổ nghe nói trợn ngược đôi lông mày lên, mắt tỏa ra hai luồng ánh sáng hung ác, nhưng y lại cố đè nén ngay lại, vẻ mặt lạnh lùng đáp:
– Tiểu đệ chỉ huy thảm bại như vậy, thật là hổ thẹn.
Hồng huynh đại tài phi thường, tiểu đệ xin vui lòng thoát lui dưới trướng, để huynh chỉ huy.
Một con nữ tỳ của con tiện tỳ họ Hách kia đang ở trong tay tiểu đệ, thế nào chúng cũng tìm cách cứu con tiện tỳ ấy và chúng sẽ tự đâm đầu vào lưới.
Chúng ta ở đây cũng vô ích, chi bằng cùng trở về thương lượng đại kế có hơn không.
Người trong hắc đạo võ lâm phần nhiều hay xung đột bởi một chút danh lợi, tuy bề mặt chúng hợp tác với nhau, nhưng sự thật bên trong lúc nào cũng nghĩ mưu kế để hại ngầm nhau.
Hắc Kỳ hội chủ không ngờ Khương Huân Tổ lại khiêm tốn đến thế, nên không tiện nói những lời khó nghe nữa, chỉ suy nghĩ giây lát rồi đáp:
– Dù sao chúng ta cũng nên vào tòa nhà kia khám xét một lần đã.
Nói xong, y liền thúc ngựa đi luôn, Báo Chưởng Đổng Cẩm Quan vội lớn tiếng gọi:
– Hồng hội chủ hãy khoan đã.
Tiện tỳ họ Hách tính rất độc ác, biết đâu y thị xếp đặt sẵn quỷ kế ở trong tòa nhà đó.
Để đợi chờ chúng ta đâm đầu vào cạm bẫy.
Hồng hội chủ cười nhạt hỏi lại:
– Hồng mỗ không tin chúng còn có thì giờ xếp đặt độc kế như thế, chúng mãi đào tẩu còn chưa kịp thì làm gì có thì giờ xếp đặt cạm bẫy hãm hại chúng ta chứ.
Đổng Cẩm Quan lại xem lời nói tiếp:
– Ở đời ta nên đề phòng là hơn, chúng ta hãy cho một chú em vào khám xét trước, rồi chúng ta vào sau cũng chưa muộn.
Hồng hội chủ gật đầu đáp:
– Như vậy cũng được.
Cẩm Quan liền phái một tên bộ hạ phóng ngựa chạy thẳng vào trong tòa nhà kia, người đó là một đại hán ngoài ba mươi tuổi, phi ngựa gần tới tòa nhà kia thi tung mình luôn vào bên trong.
Tên đại hán này, vì nghe Cẩm Quan nói ở trong nhà có thiết lập độc kế, nên hắn chưa vào đã sợ hãi.
Lúc ấy, trời đã sắp sáng tỏ mà tên đó vẫn cảm thấy trong tòa nhà lớn đầy những quỷ khí, bất cứ một cái gì hơi khác lạ cũng làm y hoảng sợ hết.
Tên đó thấy cửa lớn mở toang, bên trong có ánh sáng lờ mờ, y vừa nhẹ nhàng bước vào trong thấy bày bàn ghế vẫn xếp đặt chỉnh tề, nhưng không có một bóng người.
Y ho mạnh một tiếng, vỗ ngực mấy cái mới đi từng bước một tiến thẳng vào bên trong, bỗng trên kỷ trà có một lá thư, y liền ngừng bước định thần nhìn kỹ thấy ngoài bao thơ đề gởi “Khương Huân Tổ của Tam Nguyên Bang”, người đó liền nghĩ thầm: “Ồ! Xem như vậy trong nhà này không có một người nào ở lại nữa, bằng không hà tất y lại để lá thư này như thế.
Đổng phó bang chủ bị rắn cắn, nên hễ giẫm phải vỏ chuối là sợ liền, thật là nhát gan quá.” Nghĩ đoạn, y thấy can đảm hơn trước giơ tay cầm lấy lá thư ở trên kỷ, ngờ đâu tay y vừa đụng tới lá thơ thì lá thơ đó bị chỉ phong của y đẩy rớt xuống đất.
Y cúi mình xuống để nhặt lá thơ, bỗng phía sau có tiếng kêu choang thật lớn, y cả kinh thất sắc vội đứng thẳng lên, quay đầu nhìn về phía sau, thì thấy một loạt ghế bàn đổ sập xuống.
Y không hiểu tại sao những ghế và bàn đó lại đổ được, liền ngẩn người ra chưa kịp suy nghĩ đã lại nghe thấy có tiếng choang một cái tiếp theo có một tiếng động rất lớn nữa.
Y ngẩng đầu nhìn ra ngoài sảnh, bỗng biến sắc mặt vì thấy một cánh cửa song sắt đã khép lại.
Y vội chạy ra xem, then sắt đó to bằng cánh tay trẻ con, y đoán chắc bên trong thế nào cũng có ngụy kế độc ác gì và nghĩ đến bản thân nguy hiểm, vội dùng thủ pháp đập mạnh vào những then sắt đó để thoát.
Ngờ đâu, tai họa lại tới liền với y…
Bọn giặc bên ngoài đợi chờ mãi không thấy đại hán kia ra, đều đưa mắt nhìn nhau kinh ngạc, Đổng Cẩm Quan lại sai thêm năm người nữa vào bên trong xem sao.
Năm người đó phi thân vào trong nhà, một lát sau bỗng có tiếng nổ ầm long trời lở đất.
Cả tòa nhà đồ sộ vỡ tan tành, gạch ngói bắn tung tóe, lửa ở bên trong bốc lên ngợp trời, cát đá bay lên trên không rồi rớt xuống không khác gì một trận mưa rào thật vô cùng kinh khiếp.
Quần hùng thấy vậy cả kinh, vội quay đầu ngựa chạy luôn, nhưng những con ngựa đó quá hoảng sợ chỉ kêu hí luôn mồm, nhưng không sao cất vó chạy nổi.
Vì thế có rất nhiều người bị đá và cát vụn ở trên rớt xuống, vỡ đầu tan xác, tiếng kêu thảm thiết vang rền.
Những người may mắn chạy thoát, thì cứ cắm đầu đào tẩu không dám quay lại.
Bọn người thoát chết chạy một mạch tới bờ sông mới hoàn hồn.
Huân Tổ hậm hực nói:
– Mối thù này không trả được ta thề không làm người, ta phải về ngay tổng trại đem con tỳ nữ kia ra dùng hình phạt ác độc tra hỏi, có thế mới tìm được tung tích con tiện tỳ họ Hách…
Y nói tới đó, bỗng trong đám cỏ lau ở bên sông có một chiếc thuyền nhỏ từ từ bơi ra.
Đại hán áo đen ở thuyền đặt chiếc dầm lên trên thân thuyền rồi tung mình nhảy lên bờ.
Khi người đó vừa đặt chân xuống mặt đất, đã chắp tay vái chào và nói:
– Bẩm bang chủ, La Thái và ba người với thiếu nữ họ Hà đã lẻn trốn mất rồi.
Huân Tổ và Cẩm Quan mặt biến sắc, đứng đờ người ra, mãi sau Cẩm Quan mới thở dài cất tiếng hỏi:
– Chúng ta không nghe lời của Bách Thành thật là hối tiếc.
Nếu Quảng Thành nhị báu không ở trong tay La Thái thì thế nào tiện tỳ họ Hách cũng lấy được.
Tỳ nữ họ Hà bị điểm yếu huyệt tê rồi thì tất nhiên y thị không thể nào đào tẩu một mình được, chắc bị La Thái bắt đi, La Thái là người xảo trá thế nào cũng tra hỏi cho ra chỗ ở của tiện tỳ họ Hách…
Nói tới đó, y ngừng lại giây lát nói tiếp:
– Như vậy chắc Quảng Thành nhị báu ở trong người tiện tỳ họ Hách đúng hơn là ở trong người La Thái.
Huân Tổ sắc mặt thay đổi luôn luôn, lúc thì trắng lúc thì xanh, trong lòng đau đớn không thể tưởng được.
Người trên giang hồ quý nhất là tên tuổi mà nay bị kẻ khác liên tiếp đánh bại như thế thì còn gì là thanh danh, huống hồ lại có mặt của Hắc Kỳ hội chủ.
Hắc Kỳ hội chủ liếc mắt nhìn Huân Tổ mặt tỏ vẻ khinh thị.
Cẩm Quan vội nói tiếp:
– Bang chủ, việc này không thể chậm trễ được, bọn La Thái đào tẩu chưa lâu, Bang chủ nên về tổng trại ra lệnh tróc nã, nếu trì hoãn sợ không kịp.
Hắc Kỳ hội chủ cười nhạt, lẩm bẩm như nói một mình:
– Không có tài ba lại không có mưu lược, mà cứ muốn đòi làm Minh chủ của lục lâm.
Khi thất bại lại hoảng sợ đến chân tay cuống quít, người như thế làm sao thu phục nổi hào kiệt trong thiên hạ.
Huân Tổ nghe nói cả giận định tỏ thái độ, nhưng Cẩm Quan đã giật tay áo y và cười nói tiếp:
– Chắc La Thái đào tẩu không xa đâu, Bang chủ, chúng ta mau về trại đi.
Nói xong, y rú lên một tiếng thật dài, trong bụi lau liền có mười mấy chiếc thuyền lớn đi nhanh như tên chèo ra.
Huân Tổ cố nén giận gượng cười nói:
– Hồng huynh không nên vì nhất thời được thua đó mà nổi giận, huynh đệ phải hợp nhất mới có lợi, chia rẽ thì cả hai cùng bị thiệt.
Vả lại, việc chúng ta chia rẽ đồn ra ngoài ắt bị thiên hạ chê cười.
Hắc Kỳ hội chủ quả thực là một tay gian hùng, y cũng biết nếu không nhẫn nại thì thế nào cũng “Cái nẩy sẩy cái ung”, nên y vội đổi giọng đáp:
– Tiểu đệ rất đau lòng thấy thủ hạ bị tai họa một cách thảm thương như vậy, nên mới lỡ lời, mong Khương huynh lượng thứ cho.
Huân Tổ đáp:
– Chúng ta vốn là bạn chi giao, tiểu đệ cũng hiểu tại sao Hồng huynh nổi giận như thế, nên không bao giờ tiểu đệ dám trách cứ huynh cả.
Quần hào liền lần lượt xuống thuyền và đi thẳng ra sông lớn..