Ba chữ Đông Phương giáo làm Bạch Vân giật mình. Gã chợt nhớ đến Tôn Sơn, lão hộ pháp. Người này cũng một chưởng đã làm gã phải khốn khổ không thôi. “Lão tiền bối vừa rồi cũng là một trong tứ đại hộ pháp của Đông Phương giáo thì phải.” Bạch Vân ngồi xếp bằng lại, gã vận công điều tức cho chân khí trong người bình ổn trở lại.
Một canh giờ sau, Bạch Vân đứng dậy. Nhìn hai quyển sách đang cầm trên tay, gã tự hỏi: “ta đang làm cái quái gì ở nơi đây thế nhỉ?” Kiếp trước rong chơi mãi còn chưa thấy mãn nguyện hay sao chứ? Khi đến Đại Nam này, gã thấy mọi thứ đều mới mẻ, nhiều điều làm gã thích thú, tò mò. Nhưng chẳng lẽ cứ chạy theo cái ham muốn “Đỗ Thánh” kia sao? Gã chưa từng nghĩ đến sẽ tìm cách để quay trở về thời hiện đại, cũng như chưa từng nghĩ sẽ phải làm gì trong thời đại bây giờ cả. Gã muốn làm Đỗ Thánh. Đúng, nhưng đó chỉ là một việc trẻ con trong tâm tư còn đang muốn rong chơi của gã. Làm được rồi thì sao chứ, chẳng lẽ lại sống như vậy đến cuối đời. Như vậy không khỏi quá tẻ nhạt hay sao? Kiếp trước gã đã từng ao ước có một người con gái bên cạnh, cùng gã san sẻ mọi vui buồn. Đó là lý do vì sao mà gã lại chạy theo một cô gái không hề quen biết trong công viên. Bây giờ thì sao, giấc mơ của gã đã sắp thành hiện thực. Nhưng cuộc đời dường như đang thử thách gã thì phải. Nghĩ đến đây, ánh mắt gã hiện lên hình bóng của Nguyễn Thanh Trúc. Lần đầu, lần đầu tiên trong đời. Gã cảm thấy nhớ thương một người đến như thế. Nàng tìm mọi cách để có thể tăng tiến võ công cho gã, nếu còn không hiểu tâm ý của nàng? Gã nên đổi tên thành Bạch Miêu, đừng dùng tên Bạch Vân nữa.
Bạch Vân nắm chặt hai quyển sách trong tay, gã nhìn về hướng mà Nguyễn Thanh Trúc rời đi, nói lớn:
“Trúc muội, hãy chờ ta.”
Gã nói xong liền nhảy lên lưng con Hắc Thiên mã, lập tức rời đi.
…
Bên trong khu rừng có một thác nước, con suối mát rượi chảy dài làm người ta cảm thấy khoan khoái, dễ chịu. Bạch Vân dừng chân nghỉ ngơi. Gã tháo yên ngựa ra, để Hắc Thiên mã tự do uống nước, ăn cỏ. Gã cầm đến thanh kiếm lại nhớ đến Nguyễn Thanh Trúc. Gã chợt hát:
“Và anh sẽ nhớ mãi những phút mặn nồng
Khi anh ôm thương yêu vào lòng
Ôm tia nắng của ngày giá rét
Cho đời này bao ấm áp
Em như muôn ngàn giọt mưa xuân
Ân tình trời xanh tươi thắm
Hãy đến đây cùng anh
Để anh mãi ấp ôm và mãi có em trong đời.”
“Sao ta lại trở nên ủy mị như thế?” Gã lắc lắc đầu, cởi y phục ra rồi nhảy ùm xuống nước. Dòng nước mát lạnh giữa trời nắng nóng làm gã quên đi mọi thứ, chỉ còn lại sự thư giãn và niềm hưởng thụ.
Tắm rửa một lúc, Bạch Vân bơi đến dưới ngọn thác. Gã ngồi trên tảng đá dưới thác nước luyện công. Sau khi bị trúng một chưởng của lão già có thân thế thần bí kia. Bạch Vân biết nội lực của mình tuy nhiều nhưng chưa tinh thuần, còn phù phiếm lắm. Từ ngày rời khỏi hang động, gã rất ít khi bỏ thời gian luyện công. Đối với người luyện võ, nội lực là vô cùng quan trọng vì thế ngày ngày đều phải tu luyện thì mới có thành tựu được. Dựa vào nội lực mà những môn khinh công, kiếm pháp, chưởng pháp, chỉ pháp… đều được phát huy đến chỗ đỉnh điểm.
Tôn Sơn nội lực tất nhiên hơn hẳn Bạch Vân nhưng lúc đó: một là lão khinh địch, hai là lão còn đề phòng bị kẻ khác ám toán, nên tinh thần lão bị phân tán. Lão cho rằng một tiểu tử trẻ tuổi chẳng thể nào chống đỡ nổi một chưởng của lão. Nhưng khi nhận ra đã sai lầm, lão lại vận toàn lực đánh thêm một chưởng, mà khi đó chân khí trong người lão đã tán loạn, nội lực lão bị phản chấn rất nhiều, vì thế không làm trọng thương Bạch Vân được. Lúc đối chưởng với Tôn Sơn, Bạch Vân tìm đường sống trong hiểm cảnh. Vì thế tinh thần và nội lực đều ở trạng thái đỉnh phong mà khi con người bị dồn vào thế bí, tiềm lực sẽ phát ra gấp bội. Thế nhưng khi đánh một chưởng với lão già thần bí lại thảm bại: một là nội công của lão thâm hậu vô cùng, hai là Bạch Vân quá tự tin vào bản thân mình mà trở thành ếch ngồi đáy giếng. Chỉ là một kẻ vừa luyện được nội công nửa năm lại dám đối một chưởng với lão già chỉ cười một trận đã làm bụi bay lá rụng, gã thật quá ngông cuồng rồi. Nhưng lão ra tay rất chừng mực, không gây nội thương cho gã. Mà việc lão tặng kiếm phổ, cũng cho thấy lão có quan hệ gì đó với Nguyễn Thanh Trúc, lão không muốn nàng phải đau lòng.
Bạch Vân luyện nội công hai canh giờ. Gã bơi vào bờ mặc y phục. Bây giờ đã xế chiều, thế mà ánh nắng vẫn chưa nhạt đi một chút nào. Gã mở quyển kiếm phổ ra xem. Liên Phong kiếm pháp này chẳng có một lời giới thiệu nào cả, chỉ toàn hình vẽ hướng dẫn và khẩu quyết. Xem lướt qua hết tất cả, gã đóng kiếm phổ lại thầm nghĩ: “thì ra đươc gọi là Liên Phong Thất Kiếm vì như thế.” Nguyên Liên Phong Thất Kiếm không phải có bảy chiêu mà là mỗi chiêu khi xuất ra được biến hóa đến bảy lần, mỗi chiêu đều liên tiếp với nhau rất liền mạch không bị đứt quãng vì thế mới gọi là Liên Phong. Trong Liên Phong kiếm pháp này chỉ có năm chiêu. Chiêu thứ nhất: phòng thủ chặt chẽ. Chiêu thứ hai: công thủ phối hợp. Chiêu thứ ba: công chính là thủ – tấn công như gió thổi chớp giật, ra tay nhanh và chớp nhoáng, kẻ địch không kịp đón đỡ thì nào còn cơ hội phản công. Chiêu thứ tư: lấy tĩnh chế động, lấy nhanh thắng chậm. Chiêu thứ năm: vô kiếm.
Bạch Vân nghĩ hoài cũng không ra: “bộ kiếm pháp tuyệt diệu như thế này, tại sao lão lại ình?”
Gã nhớ đến câu nói của lão già: khi nào đem trả lại kiếp phổ, khi ấy mới được gặp lại nàng. “Chẳng lẽ… chẳng lẽ lão cố ý đưa ra một bộ kiếm pháp cao siêu?”, “Phải rồi, lão cho rằng ta ngu dốt, không thể nào luyện thành kiếm pháp và như thế ta sẽ không thể gặp lại nàng.” Đã hiểu được dụng ý của lão già thần bí. Bạch Vân lẩm bẩm: “dù luyện thành hay không, ta vẫn đi đón nàng trở lại.”
Bạch Vân cầm thanh kiếm lên. Gã xoay thanh kiếm cho nó quay một vòng trên mu bàn tay. Bịch, thanh kiếm rớt xuống đất. Gã lại làm lần nữa và cứ thế, gã tập cho thành thục đến khi trời tối. Gã là người hiện đại, gã hiểu rất rõ một việc: cái gì cũng phải từ căn bản đi lên. Nếu anh muốn sử dụng mấy vi tính mà con chuột anh còn không biết rê như thế nào thì sử dụng mấy vi tính làm sao đây? Hiện giờ cũng thế, cầm kiếm rút kiếm còn chưa thành thục, làm thế nào mà luyện kiếm pháp cho được.
Gã tập đi tập lại rốt cuộc cũng nắm bắt được cái quy luật của nó. Mà khi đã hiểu rõ cái quy luật rồi, mọi việc trở nên rất dễ dàng. Giống như một người tung hứng một cái chai lên không rồi luồn tay ra sau lưng bắt lấy vậy. Dùng lực bao nhiêu thì cái chai sẽ bay lên ở độ cao bấy nhiêu. Khi nó đã hết đà, sẽ lại rơi xuống, lúc bay lên và rơi xuống tất nhiên cũng sẽ có bấy nhiêu thời gian như nhau vì trọng lượng vẫn không đổi. Khi đã quen với cái tiết tấu ấy rồi, trong khoảng thời cái chai bay lên rơi xuống, người ta có rất nhiều thời gian để làm nhiều trò khác. Bạch Vân gặp rất nhiều khó khăn trong việc tập luyện. Gã xoay thanh kiếm, kiếm bị rớt ra khỏi vỏ. Xoay nhanh hơn để tránh tình trạng trên, lại chưa nắm bắt được tiết tấu của thanh kiếm nên cứ bị rớt mãi. Cuối cùng cũng có chút tiến triển, gã xoay thanh kiếm trên tay được hai vòng.
Bạch Vân rất thích thú với việc xoay thanh kiếm trên mu bàn tay. Gã đi nhặt mấy cành cây để nhóm lửa mà tay trái vẫn xoay thanh kiếm mãi không thôi. Gã nhóm một đống lửa nhỏ, dùng lực cắm thanh kiếm xuống đất. Gã ra bờ suối xem có tìm được con cá nào không. Từ trưa đến giờ bận rộn học võ công, gã quên mất phải tìm bữa ăn cho chính mình. Xắn quần lên, gã mò mẫm dưới suối một lúc cũng bắt được hai con cá trê.
Gã đặt hai xiên cá khá cao so với ngọn lửa, gã ước chừng hơi nóng chỉ vừa táp vào thôi, không để ngọn lửa phả thẳng vào thức ăn. Gã lật quyển “huyệt đạo” ra xem. Không giống như trang giới thiệu, các trang sách bên trong làm gã tặc lưỡi không thôi: toàn bộ cơ thể có mười hai đường kinh lạc và hai mạch Nhâm, Đốc; có ba trăm sáu mươi lăm huyệt đạo (tài liệu này không chính xác lắm, mọi người bỏ quá cho). Trong sách có nhiều dòng chữ diễn giải cùng hình vẽ miêu tả các huyệt đạo trên cơ thể rất chi tiết. Gã vừa xem vừa lấy tay sờ lên thân thể để đối chứng.
Không biết đã trải qua bao lâu, bất giác gã giật mình. Cái mùi vị khét lẹt còn thoang thoảng quanh đây, khuôn mặt gã méo xệch khi thấy hai con cá đen thui, hình dáng cũng không còn phân biệt được nữa. Gã thấy bản thân mình bị cuốn hút bởi võ công mà quên đi mọi việc xung quanh, gã thầm nghĩ: “bây giờ phải làm sao nhỉ?” Gã biết việc học võ công phải liền mạch, không thể bữa luyện bữa nghĩ được. Mà nếu chuyên tâm tập luyện, thời gian sẽ không chờ đợi gã. Vả lại gã đang phân vân không biết nên đi Đông Phương giáo hay tiếp tục đi Mai Hoa cung. Giữ chữ tín là tính cách của gã nhưng không thể không nhớ đến tấm chân tình của Nguyễn Thanh Trúc được. Gã nghĩ ngợi hồi lâu vẫn không biết nên phải làm việc gì trước. Gã thở dài rồi lại ngêu ngao:
“Hôm ánh đao ngời bay,
Máu xương chất cao thành non, đầy trời phong ba.
Ta mới gặp nhau hôm nay, ân tình ngập tràn.
Rồi ngày mai xa xôi cuối trời, ai người không sầu nhớ?
Gió thổi tình lên khơi hợp tan,
Cuốn xô tình chơi vơi, trời phong ba lôi cuốn ta bao tháng năm.
Lắm khi hỏi gió mưa, hỏi mây sao mãi mù trời?
Khiến cho tình ái, bao người ngăn cách, chia lìa đôi nơi.
Ước mơ ngày tới ta chẳng nghe: bao nỗi buồn phiền.
Ta xây tình ái như ngàn cánh én trên trời cao.”
Vừa hát xong, gã đứng bật dậy. Ánh mắt gã sáng ngời như vừa mới quyết định việc gì đó xong. Bài hát vừa rồi giọng điệu dồn dập, phong cách mạnh mẽ làm nhiệt huyết trong người gã sôi trào.
“Người khác mà biết được ta đi từ nam ra bắc mất hết nửa năm, chắc sẽ cười đến rụng cả răng mất. Trúc muội tạm thời sẽ không gặp nguy hiểm gì, ta nên hoàn thành lời hứa với Đỗ tiền bối rồi sẽ tìm gặp nàng sau.”
Đúng vậy. Lão già thần bí kia không có cưỡng ép, bắt người đi, dường như không muốn làm tổn hại đến nàng. Bạch Vân cảm giác giữa họ có cái gì đó rất huyền diệu.
Đã giải quyết được khúc mắt trong lòng, cả người Bạch Vân nhẹ nhõm hẳn ra. Đúng là những lúc tâm trạng không tốt, nên hát. Trút hết, tống hết mọi ưu phiền ra ngoài sẽ dễ chịu hơn không ít. Khi cả người không tập trung vào chuyện gì nữa, gã mới thấy bụng mình “đang lên tiếng đòi quyền lợi.” Gã lấy bao nước uống một hơi rồi lại luyện công. Muốn ăn, đành phải chờ trời sáng vậy.