Thơ rằng:
Bốn biển tâm đầu nghĩa trước sau
Nhớ mong khôn kể tháng ngày lâu
Cầm tay ngờ ngợ, cười không nói
Trong mộng thường thường vẫn gặp nhau.
Người ta nếu chỉ có tình nghĩa bạn bè, mà không đủ nghĩa vua tôi, cha con, hoặc chỉ có tình thương giữa anh em, vợ chồng đều không thể được. Nhưng thực quả tình bằng hữu keo sơn, tương thân tương ái thì khó mà quên được, dễ là đầu mối cho nhiều nỗi nhớ mong. Nếu lại là chuyện bậc hào kiệt gặp người hào kiệt, ý chí hòa hợp, chẳng có sự nghi ngại của sự gặp gỡ ban đầu, chẳng bị ràng buộc bởi phân biệt giàu nghèo, hiểu lòng dạ nhau bỗng nhiên phải xa nhau, thì đúng là “ba thu dồn lại một ngày”, rồi ra cũng phải tìm mọi cơ hội để gặp gỡ.
Lúc này tiết thu sắp hết, trời đã sang cuối tháng chín. Đơn Hùng Tín ở trang trại đôn đốc đầy tớ, người làm, thu hoạch mùa màng, đang ngồi trong nhà trên, thấy tay chân vào thưa, có hai vị khách họ Lý, họ Vương đến. Hùng Tín nghe nói, mừng rỡ ra cổng đón, mời hai người xuống ngựa, đưa vào thư phòng. Chẳng mấy chốc tiệc rượu đã bày ra, cùng ngồi bên bàn, kể lể chuyện xa cách lâu nay.
Hùng Tín trách:
– Năm ngoái, nhận được thư của Vương hiền đệ, Hùng Tín này đã quyết dọn nhà cửa, hạ giường 1 chờ sẵn. Làm sao mãi nay mới tới?
Bá Đương đáp:
– Dạo ấy chia tay với Đơn nhị ca, Huyền Thúy thì được Việt Quốc Công Dương Tố mời về phủ ở Trường An. Tiểu đệ cũng lang thang khắp đây đó, đến khi về Trường An để tìm gặp Huyền Thúy thì lúc qua Thiếu Hoa Sơn, bị Tề Quốc Viễn giữ lại, ở đó khá lâu, cho nên mới gửi thư cho nhị ca, cũng muốn về Nhị Hiền trang sum họp bàn hoàn, bất đồ sau khi gửi thư đi thì lại gặp Tần đại huynh.
Hùng Tín ngạc nhiên:
– Thúc Bảo ở đây trở về, nghe nói ra làm kỳ bài quan ở soái phủ của Lai Tổng quản, sao lại có chuyện gặp gỡ với hiền đệ ở Thiếu Hoa Sơn?
Bá Đương đáp:
– Thúc Bảo nhân Lai Tổng quản đi Trường An nạp lễ mừng thọ của Việt Quốc công, nên mới có chuyện xem đèn nguyên tiêu, đành phải lỡ hẹn với Nhị ca. Vào chùa Vĩnh Phúc, cách Trường An khoảng sáu mươi dặm, gặp con rể Đường Công Lý Uyên là Sài Tự Xương. Thúc Bảo trước kia đã cứu Đường Công ở Tra Thụ cương thoát khỏi đại nạn, nên mới cho xây ở Vĩnh Phúc này tháp Báo Đức. Thúc Bảo thấy vậy mới kể lại. Tự Xương biết ra, nên quyết giữ lại. Năm cũ qua đi, mãi đến mười bốn tháng giêng mới vào kinh ngày mười lăm thì tại họa ập tới, cả bọn đánh chết công tử Huệ Cập nhà họ Vũ Văn.
Hùng Tín lè lưỡi kinh hoàng:
– Chết thật! Hùng Tín nghe nói có sáu tên cướp nổi tiếng náo loạn Trường An, chuyện ầm ĩ khắp nơi, cũng chẳng ai biết họ tên là gì mải về sau lại nghe gia tướng của Đường Công Lý Uyên. Hùng Tín cũng chẳng để ý nữa, thì ra bọn tiểu đệ làm chuyện tày trời này sao?
Huyền Thúy thêm vào:
– Chuyện này thì quả là to gan lớn mật. Nếu không dính dáng đến thế lực vững vàng của Đường Công, bọn Vũ Văn Thuật không tìm ra tung tích, có thể tất cả họ Lý đều mang họa vào thân.
Hùng Tín hỏi:
– Thế hiện nay Thúc Bảo đã trở về nhà chưa?
Bá Đương đáp:
– Ngay sau đêm hôm ấy, chúng đệ mỗi người mỗi nơi ngay.
Hùng Tín tiếp:
– Hùng Tín nhiều lần định đi Sơn Đông thăm Tần hiền đệ, nhưng chưa có dịp nào. Nay nghe chuyện này ý cũng muốn đi Sơn Đông một chuyến xem sao.
Bá Đương vội đỡ lời:
– Chúng đệ đã lâu cũng muốn đến thăm nhị ca, hai nữa cũng đến mời nhị ca đi Sơn Đông một chuyến.
Hùng Tín hỏi:
– Có chuyện gì chăng?
Bá Đương đáp:
– Năm nay, ngày hai mươi ba tháng chín, thì mẫu thân Tần đại huynh vừa tròn lục tuẩn. Thúc Bảo vốn chí hiếu, sau chuyện đại náo Trường An, lúc vội vàng chia tay, trên ngựa Thúc Bảo còn dặn dò: “Mẫu thân vừa đúng lục tuần, vào ngày hai mươi ba tháng chín năm nay, các bạn nếu như không bỏ Thúc Bảo này, xin đến mừng, để tệ xá thêm rực rỡ”. Vì vậy tiểu đệ đi Trường An tìm Huyển Thúy, lại tình cờ gặp cả Sài Tự Xương, đang ở Trường An làm chuyện gì đó cho nhạc phụ Đường Công, có mấy ngàn lượng bạc, muốn tặng Thúc Bảo, Tự Xương cũng sẽ trỡ về đem đến vào dịp này luôn. Cho nên tiểu đệ rũ Huyền Thúy đến mời nhị ca cùng đi.
Chính là:
Giao kết Trần Lôi 2 nghĩa sắc son
Tình như cốt nhục chẳng hao mòn.
Bàn đào chúc thọ hàng con cháu
Tuổi mẹ dài lâu vững núi non.
Hùng Tín bàn thêm:
– Chuyện này rất là hay rồi. Chỉ có điều: bạn bè chúng ta thì nhiều, người biết chuyện thì nói: Bá Đương đứng ra mời Hùng Tín đi Tế Châu, cùng dự lễ thọ của Tần mẫu. Người không biết chuyện sẽ phàn nàn, Hùng Tín đối với bạn bè chỗ thân chỗ sơ, đi Sơn Đông chúc thọ Tần mẫu chỉ rũ mình Bá Đương, mà không thèm nói với mình một tiếng. Thế là bao nhiêu tội đổ lên đầu Hùng Tín này cả.
Huyền Thúy nói:
– Tiểu đệ có ngụ ý như thế này. Nhị ca chỉ cần làm một việc mà được hai.
Hùng Tín giục:
– Xin Hiền đệ cứ nói.
Huyền Thúy đáp:
– Nhị ca cứ nói với tất cả bạn bè thân tín, mời mọi người cùng đi. Trước là làm cho lễ mừng của Tần mẫu thêm long trọng, sau nữa nhị ca khỏi mang tiếng hậu bạc khác nhau với bạn bè. Thúc Bảo hiện nay thật chưa dư dật gì lắm, nên ta mang lễ mừng kha khá vào, điều này cũng tỏ ý biết rõ bạn bè của chúng ta như vậy.
Hùng Tín đáp:
– Hay lắm! Chỉ lo thế này: bạn bè ở vùng Lộ Châu, chỉ cần đưa thiếp mời đến cũng kịp nhưng ở xa lại sợ chẳng biết có nhà hay không, lỡ cả ngày mừng thọ, thành chuyện không hay. Phải làm thế này mới xong, nhưng xin hai hiền đệ hãy uống rượu đi đã rồi hãy bàn tiếp vậy.
Hùng Tín quay vào nhà trong lấy ra hai mươi lạng bạc vụn, chia làm hai gói, rút ra hai mũi tên lệnh của mình. Hùng Tín vốn không phải là quan võ, làm sao lại dùng lệnh tiễn. Nguyên là cái lệnh tiễn này cũng giống như một cái thẻ tre, trên có viết tên tuổi, đóng dấu riêng của Hùng Tín, để làm hiệu riêng trong đám anh hùng giang hồ quen biết, bạn bè thấy cái thẻ đó, như thấy hiệu lệnh tập hợp, lên đường không trù trừ. Hai thẻ lấy ra cùng với hai gói bạc, đặt ngay ngắn trên bàn, rồi sai đầy tớ cầm lại cho Bá Đương. Huyền Thúy xem qua, gọi thủ hạ lại, ai nấy đều náo nức muốn đi, nhốn nháo cả lên:
– Xin cho tiểu nhân được đi chuyến này?
Hùng Tín chọn hai người:
– Hai anh hãy nghe ta nói đây. Ta chọn hai anh vì nhanh nhẹn, được việc hãy chuẩn bị hành lý, yên cương thật chu đáo, mỗi anh nhận mười lạng bạc, làm tiền đi đường cho cả người lẫn ngựa. Cầm lệnh tiễn này, một anh thì tìm thôn Thuận Nghĩa, phủ U Châu, Hà Bắc, đưa lệnh tiễn trình Trương Công Cẩn, nói rõ, ngày mười lăm tháng chín này có mặt ở Nhị Hiền trang cùng nhau đi Tế Châu để kịp ngày hai mươi ba tháng chín dự lễ mừng thọ Tần mẫu. Còn một anh thì đến tìm Vưu viên ngoại ở Vu Nam trang, thuộc Duyên Châu, cũng nói tương tự như vậy, nhưng để khỏi phải đi vòng vèo xa thêm thì hẹn với Vưu viên ngoại không cần phải tới Nhị Hiền trang, mà chuẩn bị sẵn lễ vật, chờ ở bên đường quan rồi sẽ cùng đi Tế Châu một thể.
Hai người lĩnh mệnh ra đi.
Chính là:
Tin đưa nhanh quá gió
Bạn đến chật như mây.
Còn Bá Đương và Huyền Thúy thì suốt ngày rượu chè, đàm đạo cùng Hùng Tín. Đến ngày mười bốn, tháng chín đã có thêm ba hào kiệt tới, đó chính là Trương Công Cẩn, Sử Đại Nại cùng Bách Hiền Đạo ở Thuận Nghĩa thôn U Châu. Dự định sáng mai sẽ lên đường đi Tế Châu. Hùng Tín gọi đầy tớ lấy hai cái thiếp, nói với Bá Đương:
– Đồng Bội Chi cùng Kim Quốc Tuấn, năm xưa cũng đã từng kết nghĩa với Thúc Bảo, cũng nên báo cho họ biết, để xem có đi cũng tiện.
Bội Chi, Quốc Tuấn được Hùng Tín ời, sau khi rõ ngọn ngành, cũng thu thập lễ vật, người ngựa đến Nhị Hiền trang tụ tập.
Sáng hôm sau, cả chủ lẫn khách là tám người, dậy thật sớm, kể cả đầy tớ theo hầu là hơn mười người, hành trang lễ vật khí giới tùy thân kéo theo một chiếc xe nhỏ để chở, bọn cưỡi ngựa đi trước, theo lối Nhã Nam tìm đường đi về Sơn đông.
Lúc này vào khoảng tháng chín, gió thu gọi rụng lá vàng, cả bọn anh hùng đường trường ruổi ngựa, thì thấy phía trước gió bụi mịt mù, bọn tay chân đi trước quay lại bảo:
– Trình các ngài, đã tới địa phận Sơn Đông, trong bìa rừng thấy một vị trung niên, cùng một bậc trai tráng đón đường, sát khí đằng đằng, chúng con không dám đi nữa, quay lại báo các ngài rõ.
Bọn tay chân của Hùng Tín cũng thừa biết trong số tám vị đi đây tính ra cũng vài vị đã từng rượu trà với đám lục lâm, vì vậy khi nói những người này, họ cũng giữ ý, mà gọi là vị, là bậc hẳn hoi.
Hùng Tín nghe thế, đắc ý cả cười:
– Chẳng biết đám anh em nào đấy không biết. Nhận được lệnh tiễn của Hùng Tín này, có ý chờ ở đây để kiếm chác ít nhiều. Hãy để ta xem sao nào!
Bội Chi, Quốc Tuấn tự ình là bậc hào kiệt mà không thấy hết sự lợi hại của phường lục lâm, nên nói với Hùng Tín:
– Xin để chúng tôi lên trước xem sao!
Rồi cả hai kéo cương ngựa phóng lên. Hùng Tín nói với Bá Đương.
– Hai vị này, tuy là chỗ quen biết lâu ngày, nhưng quả không biết võ nghệ ra sao, mới chỉ nghe hai tiếng lục lâm, là đã xông lên muốn đánh rồi.
Bá Đương lắc đầu:
– Đơn nhị ca ơi! Hai vị này không làm nên trò gì đâu.
Hùng Tín hỏi:
– Sao hiền đệ biết?
Bá Đương đáp:
– Hai vị này chỉ chuyên làm công sai ở Lộ Châu, chẳng có tiếng tăm gì lắm, nghe đến lục lâm, họ cũng nghĩ chẳng khác gì họ, do chưa lịch duyệt nhiều, nên cũng không nhận rõ bản lĩnh của đối phương vậy. Đối phương cũng chưa từng biết tên tuổi họ. Rồi ra lời qua tiếng lại, không khỏi chuyện đao thương, nếu hai vị này thua, thì cũng mang tiếng nhị ca mời họ đi Sơn Đông, không thể bỏ được bạn đồng hành, thế nào nhị ca cũng mang tiếng. Còn nếu bản lĩnh của họ tốt hơn, thì đối phương kia sẽ thiệt hại. Biết đâu cũng là bạn bè mà nhị ca mời đi Sơn Đông chờ ở đấy, thì lại tổn thương đến tình nghĩa giang hồ vậy.
Hùng Tín tán đồng:
– Hiền đệ nói có lý lắm. Vậy xin nhờ hiền đệ lên xem sao.
Bá Đương nhận lời:
– Tiểu đệ đâu dám từ nan.
Rồi xách cây thương bạc ruổi lên phía trước, thấy trong đám khói mịt mù, quả nhiên Bội Chi, Quốc Tuấn đang thua chạy quay lại. Thì ra đúng là Sài Tự Xương y hẹn ở đây chờ Bá Đương, hành lý của Tự Xương thì nặng, trang phục đầy màu sắc lấp lánh, như chọc vào mắt bọn Vưu Tuấn Đạt, Trình Giảo Kim nên xảy ra chuyện xung dột ngay. Tự Xương cũng là kẻ có bản lĩnh, nhưng vì một đánh hai, nên cũng có chỗ bất cập, vừa dịp Bội Chi, Quốc Tuấn xông đến bạt đao tương trợ. Giảo Kim giơ búa đón đánh hai người, để mặc Vưu Thông quần với Tự Xương một mình. Giảo Kim chẳng hỏi chẳng rằng, nện hết búa này đến búa khác, làm đến nỗi Bội Chi cùng Quốc Tuấn đều phải bỏ chạy, Giảo Kim giục ngựa đuổi theo. Chẳng khác gì:
Tinh tường như mắt chim ưng
Nhanh như chớp, bóng thỏ rừng về hang.
Bội Chi, Quốc Tuấn thấy Bá Đương vội nói:
– Gặp phải tay tướng cướp không vừa?
Bá Đương nhường đường cho hai người, rồi lặng lẽ tiến lên phía trước, gọi lớn:
– Anh bạn ơi! Hãy từ từ xem sao đã, hình như ta với anh đi cùng một con đường thì phải.
Giảo Kim vốn nghe không hiểu tiếng vùng kinh đô, cứ thế giơ búa nhằm trán Bá Đương mà nện xuống, miệng thì hét lớn:
– Ta chẳng phải kẻ ăn chay niệm phật gì cả, mà kể lể Đạo với Phật! 3
Bá Đương vẫn cười nói:
– Anh này quả là nóng tính. Ta với anh đều là bạn lục lâm với nhau cả mà!
Giảo Kim đáp:
– Dù là lục lâm hay “thất lâm” gì nữa cũng phải bỏ tiền lộ phí ra đây đã.
Búa cứ nhằm giữa trán Bá Đương mà bổ xuống một đường sáng loáng, chẳng khác gì nước bạc trút từ trong bầu ra, gió rít mưa gào, lưỡi búa tung hoành. Bá Đương thấy thế nhanh tay múa thương tránh hết miếng này đến miếng khác. Giảo Kim hết sức bình sinh, bổ hết búa nọ búa kia, chẳng búa nào trúng, sức lực cạn dần, tâm thần cũng bắt đầu hoảng loạn, lưỡi búa cũng bắt đầu lúng túng. Lúc này Bá Đương mới cả hai tay, một trước một sau, lao nhanh thương theo đúng thế “Ngân long xuất hải, ngọc mãng thân yêu”, một thế thần thương, khó người tránh kịp 4. phóng thẳng vào yết hầu Giảo Kim, nhưng Bá Đương cũng thương tình, hạ thấp tay xuống, rồi rút ngay đường thương hiểm hóc đó về, nên Giảo Kim chưa đến nỗi ngã ngựa. Giảo Kim lại giơ cao búa chém loạn mấy đường vào thương của Bá Đương. Bá Đương quay ngay mũi thương, dùng móc kéo mạnh làm cả người lẫn ngựa Giảo Kim ngã lăn ra đất, Bá Đương cho ngựa chồm tới căn vặn họ tên. Giảo Kim chưa kịp đứng dậy, miệng hét ầm ĩ:
– Vưu viên ngoại ơi? Cứu ta với!
Nhưng lúc này Vưu Thông vẫn đang quần nhau với Tự Xương làm sao mà thoát ra được. Bá Đương nghe thấy thế, liền lớn tiếng gọi cả hai:
– Sài Quận mã, Vưu viên ngoại, xin hai vị hãy dừng tay, chúng ta cùng một nhà, cùng đến đây để đi Tế Châu cả mà!
Lúc này cả ba xuống ngựa chào hỏi. Giảo Kim cũng đứng dựa vào ngựa, vẫn còn thở hổn hển, từ xa nhìn. Vưu Thông gọi Giảo Kim lại cùng mọi người tương kiến, rồi hỏi Bá Đương:
– Đại huynh đã gặp Đơn viên ngoại chưa?
Bá Đương chỉ phía sau đáp:
– Đơn nhị ca đang lại kia thôi!
Cũng vì Bội Chi cùng Quốc Tuấn nói với Hùng Tín gặp phải tên cướp không vừa, nên Hùng Tín vội phi ngựa lên xem sao để còn đối phó. Đến nơi, mọi người chào hỏi.
Chính là:
Ngỡ bèo theo gió mà trôi dạt
Mừng gió đưa duyên họp bạn bè.
Bá Đương giới thiệu với Hùng Tín:
-Đây chính là Sài Quận mã!
Cả hai lấy tuổi tác hơn kém để chào nhau. Hùng Tín lại hỏi:
– Còn người vừa cho Bội Chi, Quốc Tuấn biết sức lực của đôi búa đâu nữa?
Vưu Thông đáp:
– Đấy chính là Trình Tri Tiết, bạn của tiểu đệ.
Ai nấy đều cười đùa vui vẻ, lại làm lễ chào hỏi. Vưu Thông mời mọi người về Vũ Nam trang nghỉ ngơi. Hùng Tín tính toán:
– Hôm nay đã là ngày hai mươi mốt tháng chín rồi, nếu còn đến quý trang Vưu viên ngoại, sợ không kịp ngày sinh nhật. Sau khi làm lễ mừng thọ rồi, đến quý trang chơi vài ngày cũng chưa muộn. Nhưng chẳng hay lễ vật mừng thọ, Vưu viên ngoại đã mang theo chưa?
Vưu Thông đáp:
– Cũng chẳng có gì nhiều, nên đã đem theo sẵn đây cả!
Thế là mười một hảo hán cả thảy, cùng đi Tế Châu, cách khoảng bốn mươi dặm, thì trời đổ chiều, cũng là lúc tới thôn Nghĩa Tang. Thôn này có khoảng ba bốn trăm nóc nhà, cũng là một thị trấn nhỏ, vì khắp thôn đều trồng dâu, dân thôn đều làm nghề dâu tằm, nên có tên Nghĩa Tang này.
Giữa lúc xuân sắp tàn, hạ sắp tới là giữa dâu tằm, thì thôn làng còn tấp nập, nay giữa tháng chín, trời tiết thu vàng, nhà nhà đều đóng cửa cài then. Chỉ có nhà hạ Đại là vẫn mở cửa hàng lớn của mình để đón khách lại qua, buôn bán. Cả bọn hào kiệt đều đến trước cửa hiệu thì xuống ngựa. Chủ quán gọi đầy tớ mang hành lý vào các phòng trọ, cho ngựa vào tàu, rồi lấy thức ăn cho chúng. Còn cả bọn kéo nhau lên gác ngồi nghỉ chờ dọn cơm rượu, thì lại thấy có ba người nữa đừng ngựa trước cửa quán.
– Ba người này là ai vậy? Đó là tướng của La Tổng quản ở U Châu, cũng vì Hùng Tín truyền lệnh tiễn cho Trương Công Cẩn, nên Sử Đại Nại, rồi anh em Uất Trì đều biết. Sử Đại Nại thì mới nhận chức kỳ bài quan, cũng chưa có việc gì nhất định cho nên đi trước với
Trương Công Cẩn. Anh em Uất Trì thì phải tính toán ít nhiều, phải vào nhờ công tử La Thành thưa chuyện với Tần phu nhân. Phu nhân vẫn nhớ ngày hai mươi ba tháng chín này là ngày lục tuần thọ nhật của chị dâu, cho nên mới bàn với La Tổng quản sai gia tướng đem lễ vật mừng. Anh em Uất Trì vì vậy được La Tổng quản sai đi, vừa việc của người, vừa việc của mình. Lại thêm một tên lính đi theo dắt ngựa thồ hành lý, vậy là ba người cũng vừa dịp hôm ấy đến Nghĩa Tang thôn. Chủ quán từ sau quầy hàng đon đả mời:
– Đây đi Tế Châu còn những bốn chục dặm nữa. Lại chẳng còn nơi nào nghỉ ngơi tiện lợi cả, xin mời nhị vị quý khách vào quán đây, cơm rượu sẵn sàng là tốt hơn cả!
Anh em Uất Trì cùng thủ hạ, nâng bao hàng xuống, vào quán. Chủ quán bước ra sắp xếp rối rít:
– Trước cả hai quý khách, đã có một đoàn các ngài đang ăn uống trên lầu từ lâu, xem ra có vẻ say sưa cả rồi. Hai vị vốn là khách quý, lên lầu bây giờ cũng có điều không tiện, dưới phòng có phòng đầu nhà kia rất tươm tất, xin mời hai vị vào đấy lại thêm tự tại thoải mái dùng cơm tối là hơn cả.
Uất Trì Nam đáp:
– Bác chủ quán thật là một tiểu nhị biết người biết việc. Ngồi với mấy ngài nốc rượu say như thế thì chúng ta chẳng thích thú gì, ở dưới này mà lại hay hơn đấy!
Chủ quán sai bày cơm rượu cho anh em Uất Trì.
° ° °
Lại nói chuyện mười một vị hảo hán ở trên lầu, vừa cơm rượu, vừa chuyện trò vui vẻ, rượu đã ngà ngà say cả, riêng Giảo Kim thì đã túy lúy rồi. Giảo Kim vốn nghiện nặng, thấy rượu thì phải uống kỳ say mới thôi. Cầm bát rượu trong tay, Giảo Kim vừa lè nhè kể lại những ngày khốn nạn ở ải quan.
– Tiểu đệ đã từng bị đi đày ở ải quan nhiều năm, chẳng còn khổ cực nào bằng. Trở về chẳng bao lâu, may gặp Vưu viên ngoại, mời đi rừng Trường Diệp, làm một chuyến kiếm sống. Nay lại dược kết giao với các bậc hào kiệt trong thiên hạ, tiểu đệ thật sung sướng không lúc nào bằng.
Bao nhiêu điều ấp ủ trong lòng lâu nay chưa nói ra được thì bây giờ cứ thế Giảo Kim tuôn ra một mạch, không cần nghĩ ngợi, đắn đo gì cả. Lại cạn thêm một bát rượu nữa, dằn mạnh cái bát xuống bàn, ra ý đã cạn rồi miệng lại gào lớn:
– Thế này mới là uống chứ?
Tất nhiên cái bát làm sao mà có thể chịu nổi một cú trời giáng như thế, lập tức vỡ ra như bột phấn, Giảo Kim lại dậm chân, đạp mạnh một cái nữa, sàn gác lập tức lại thủng ngay một đám lớn dưới chân.
Mừng rơn thành rộng tượng
Say tít hóa đa ngôn.
Dân vùng Sơn Đông làm những lầu gác kiểu này, thì sân chỉ là mấy cây dương liễu cưa cho vừa, xếp cho khít, hai đầu cũng có khóa ngàm sơ sơ nên cũng chẳng thể nào chịu được những chấn động mạnh như thế. Lập tức bụi đất rơi vãi khắp từng dưới, nơi anh em Uất Trì đang ăn uống. Cũng may, Uất Trì Nam bình tĩnh, hỏi rất từ tốn:
– Vị khách nào trên ấy, sao lại xấu chơi thế?
Uất Trì Bắc đang còn ít tuổi, tính hãy còn hung hăng, làm sao chịu nổi những chuyện thế này, ngửa mặt lên trần nhà chửi lớn:
– Thằng súc sinh nào trên ấy? Nhai đầy bụng cỏ ngựa rồi, vứt tất cả góc bẩn xuống dưới này phải không?
Giảo Kim vốn là người nóng tính, không chịu thua kém ai bao giờ lại nghe chửi thế, vốn ngồi ngay cạnh cầu thang, cứ thế mấy bước nhảy xuống ngay trước mặt Uất Trì Bắc. Cả hai túm chặt lấy nhau, trong phòng chặt chội, lôi đi kéo lại, quần nhiễu áo lụa, cứ thế mà toạc từng miếng lớn. Thấy thế, Uất Trì Nam cũng chẳng lại can, mà lại ra vẻ quan dạng, gọi chủ quán, chỉ cho y thấy cảnh đánh đấm đang kịch liệt trong phòng nhỏ rồi hỏi:
– Nơi này thuộc nha phủ nào cai quản đây tiểu nhị?
Hùng Tín ở trên lầu nghe cách nói năng thế, biết ngay là vẻ khệnh khạng của hạng quan cách, lập tức tức khí, hét lớn tiếng:
– Các bạn, vị khách dưới nhà mở miệng ra đầy vẻ kẻ cả. Ở cái chốn hoang thông dã điếm như thế này, uống rượu say rồi nện nhau vài hiệp, ai mạnh thì thắng, hỏi gì đến chuyện ai cai quản làm gì, mà phải động đến phủ đường với quan nha?
Nhưng do nói tiếng thổ âm vùng U Châu, cho nên trên gác này, Công Cẩn cũng nghe ra, bèn can:
– Xin Đơn nhị ca khoan nóng giận. Hình như giọng nói vùng quê U Châu của tiểu đệ thì phải.
Hùng Tín giục:
– Thế thì tiểu đệ hãy xuống ngay xem sao!
Công Cẩn mới bước xuống thang, đã nhận ra Uất Trì Nam, liền quay ngay lên nói lại với Hùng Tín:
– Đơn nhị ca, thì ra lại cũng anh em Uất Trì cả thôi!
Thấy Công Cẩn cùng mọi người, kịp nghĩ ra kẻ đang ẩu đả với Uất Trì Bắc cũng là bạn bè, Uất Trì Bắc hãy dừng tay. Vưu Thông kéo ngay Giảo Kim ra. Giảo Kim, Uất Trì Bắc đều phải đi thay quần áo khác quay lại làm lễ tương kiến với mọi người. Còn chủ quán thì sai đầy tớ vác cưa đục lên lầu, chữa lại chỗ sàn gác bị hỏng, tiếng đục, tiếng cưa inh tai.
Lại tiệc rượu, Hùng Tín đếm đủ mười ba hảo hán, đèn nến đốt sáng, rượu cứ rót tràn. Nhưng người đông, ý lại khác, kẻ nào thích rượu thì cứ bám lấy bàn lấy ghế, hết uống lại chuyện trò. Có người do mệt nhọc, sai đầy tớ giải chăn đệm, nằm ngủ tít trong phòng riêng.
Lại có bậc cao hứng, ra khỏi cửa hàng, đêm khuya, ánh trăng le lói dắt nhau dạo dưới hàng dâu cao, kể chuyện xa cách, gặp gỡ lâu nay của bậc giang hồ hảo hán. Còn ngồi lại trên gác, chỉ có Công Cẩn, Hiển Đạo, Đại Nại đều là bạn rượu lâu nay, ba tháng cùng nhau mở
Đả lôi đài ở thôn Thuận Nghĩa, Đại Nại trở thành kỳ bài quan ở U Châu, xa nhau cũng đã lâu, giờ mới có dịp khề khà ấm lạnh. Còn Bội Chi, Quốc Tuấn hôm nay bị Giảo Kim đánh bại gân cốt rã rời, cùng với Sài Tự Xương vốn giữ phong độ quý tộc của mình, nên đều đi nằm sớm. Đám Đơn Hùng Tín, cùng với Vưu Thông, Bá Đương, Huyền Thúy, Uất Trì Nam, dưới rừng dâu chuyện trò khá khuya rồi mới kéo nhau về ngủ.
Sang canh năm, cả bọn trở dậy đi Tế Châu, từ thôn Nghĩa Tang này tới Tế Châu còn bốn mươi dặm. Đi được khoảng hai mươi dặm thì trời vừa sáng, còn hai mươi dặm nữa mới tới thành, đã thấy vô số bọn tay chân chào hàng, mời khách trọ. Ở thành Tế Châu này, các quán trọ lớn đều cho tay chân rải khắp các cửa thành để lôi kéo khách. Bọn này đủ các cách khác nhau để giành cho được khách, miệng chào đon đả, kể hết món ăn thức uống sang trọng, lại khoe các thứ hàng lụa gấm rực rỡ, đồ gỗ, yên cương, tha hồ đại ngôn khoác lác. Khách bị lôi khắp, Hùng Tín lúc này vẫn ngồi trên yên ngựa, cũng phải sai phái:
– Khỏi được lôi kéo loạn xạ như vậy. Chúng ta đã có nhà trọ quen thuộc lâu nay rồi. Hàng yên cương Giả gia điếm ở cửa tây, chính là chỗ quen thuộc lâu nay của ta.
Vốn là từ dạo Giả Nhuận Phủ mở cửa hàng bán yên cương. Hùng Tín mỗi lần ở Lộ Châu có ngựa bán hoặc đi Sơn Đông, đều đến hàng họ Giả. Lúc này cũng có hai kẻ tay chân của họ Giả trong dám này, nghe tiếng, nhận ra Hùng Tín, bèn chạy lại:
– A ha! Đơn viên ngoại, chúng tôi chính là tay chân của Giả gia điếm đây.
Hùng Tín đáp:
– Nếu thế thì một tay hãy dẫn người ngựa, hành lý của chúng ta. Một tay hãy chạy về báo với họ Giả trước.
Giả Nhuận Phủ nguyên là bạn thân của Thúc Bảo. Sáng nay cũng đang ở nhà sửa soạn lễ vật, để sáng mai sang mừng thọ Tần mẫu, thấy đầy tớ vào báo:
– Trình đại huynh. Đơn viên ngoại cùng các bậc hào kiệt ở Lộ Châu mười hai người nữa đều đã tới.
Nhuận Phủ cười nói:
– Đơn viên ngoại cùng các bạn hôm nay tới đây cũng là để ngày mai mừng thọ Tần mẫu. Thế là ta phải thay mặt Thúc Bảo lấy lễ chủ khách ra mà tiếp đón. Các anh hãy dọn cất chỗ lễ vật này đi, còn chuẩn bị đón khách.
Rồi sai phái đầu bếp, làm ngay cơm rượu, xem lại chuồng ngựa, thức ăn cho ngựa. Mua sắm thêm trà rượu, các loại hoa quả, thực phẩm, đủ cho hàng chục người ăn uống, ời cả đội nhạc tới để thêm phần trọng thể. Nhuận Phủ cũng thay quần áo mới, ra đón các vị khách.
Hùng Tín cùng bạn bè vào đến phủ, đều xuống ngựa đi bộ, xe nhỏ, ngựa, người dắt đều phải đi phía sau. Nhuận Phủ ra đón giữa phố, Hùng Tín nhường cho các bạn đi trước, về đến trước cửa, tháo bỏ yên cương, dẫn ngựa vào chuồng. Nếu là nhà bình thường ở trong thành, thì làm sao mà chứa nổi số người ngựa như vậy, lại là những ngựa thiên lý câu long, ô truy, con nào cũng to lớn, không vừa chuồng, mãi mới đưa vào được. Bàn ghế bày ra, chiếu đệm rải khắp, mọi người cùng chào hỏi, vái nhận bạn bè cũ, giới thiệu bạn bè mới tên tuổi quê quán đều rất mực cẩn thận, thân thiết. Uống một tuần trà, Hùng Tín vẫn thắc thỏm không yên, mới hỏi Nhuận Phủ:
– Nhuận Phủ hiền đệ, nhân ngày tốt lành này, Thúc Bảo mời bọn Hùng Tín đến đây, sao không thấy có mặt gặp nhau hôm nay. Kẻo rồi ngay mai, mọi người lại mỗi ngã rồi. Hay là chủ nhân kiếm chưa đủ rượu cho khách uống?
Nhuận Phủ nghe Hùng Tín hỏi thế, lòng thầm nghĩ: “Hôm nay đã là kỳ hẹn thứ hai rồi. Thúc Bảo vẫn chưa thấy tăm hơi gì của bọn cướp Trần Đạt, có lẽ phải vào phủ đường để đổi trát mới. Thúc Bảo là người vốn giàu tình cảm, giờ nghe báo Hùng Tín cùng các bạn tới đây lại càng chẳng yên tâm mà lo lắng việc công. Ta cũng chẳng biết có xảy ra chuyện gì trong phủ thì đi mời Thúc Bảo cũng đành. Đường này đã biết rõ chuyện khó khăn như vậy mà còn vào mời Thúc Bảo ra, thì quả là làm khổ Thúc Bảo đến hai lần”. Lại thêm ở đây đông người, không thể kể rõ cả mọi chuyện, nên đành trả lời Hùng Tín chung chung:
– Tiểu đệ cho người đi mời Thúc Bảo tới ngay.
Nhuận Phủ nói thế, vì sợ mọi người chờ không được bỏ ra phố đi chơi hết, thì rõ chuyện lôi thôi hiện nay của Thúc Bảo ở phủ đường, nên muốn giữ chân khách khứa lại trong quán ăn uống say sưa đã.
Chính là:
Tiệc hoa chuốc chén đồi mồi
Rượu bồ đào dễ say người bạn xưa.
° ° °
Không nói chuyện Nhuận Phủ bày rượu giữ khách, lại nói chuyện Thúc Bảo từ buổi dính vào chuyện bắt cướp. Bọn Phàn Kiến Uy cũng ngợi ca Thúc Bảo bản lĩnh giỏi giang, quen thuộc việc bắt cướp có thể làm rất tốt chuyện này, thật ra cũng vô tình làm hại Thúc Bảo. Mà không nghĩ ra cho hết rằng, nếu trên lưng ngựa, một đao một thương, thì quả tình không mấy ai địch nổi Thúc Bảo, nhưng đây là chuyện lùng bắt, sưu tra, thì Thúc Bảo tài năng cũng chẳng hơn gì người khác. Lại nữa chuyện này, hàng tháng nay, cả Kiến Uy, Vạn Nhẫn cùng một bọn năm sáu mươi thổ binh tìm kiếm cũng chẳng ra rồi, muốn trút bỏ công việc cho người khác nhưng đời nào Lưu Thứ sử chịu. Hôm nay bạc ba nghìn lạng vẫn chẳng thấy tăm dạng, nên cả bọn dành kéo nhau vào phủ, xin đổi trát lần thứ hai. Vào đến nghi môn rồi, cửa phủ đóng lại. Lưu Thứ sử hỏi kết quả công việc ngày hôm qua. Thúc Bảo trình thưa đầu đuôi, Lưu Thứ sử ngồi trên công đường, mặt đỏ bừng giận dữ, quát lớn:
– Đã mấy tháng nay rồi! Làm sao lại không tìm ra được hai thằng giặc cướp. Rõ ràng là các ngươi thông đồng với chúng, để cam chịu trận đòn ngày hôm nay còn hơn. Quyết hại bản quan chứ không vừa. Nếu đã thế, ta sẽ đánh gấp đôi.
Rồi chẳng nghe biện luận, can gián của xung quanh, Lưu Thứ sử ra lệnh hành tội. Cả năm mươi tư người trong đội thổ binh có ai họ hàng thân thích đều kéo tới trước phủ đường để theo dõi, đoạn đường trước cổng phủ Tế Châu đông nghịt, không còn chen được. Lần hành tội này, Lưu Thứ sử đánh từng người một, mỗi người đủ ba chục roi, nhưng ai bị đánh rồi, vẫn phải nằm chờ trong phủ, vì vậy đánh đủ năm mươi tư người, thì lúc này trời cũng đã chiều, cả bọn mới được lĩnh trát gia hạn, rồi cổng phủ mới mở cho ra.
Bên ngoài là một cảnh huyên náo lạ thường, tiếng khóc như ri, chỗ này thì khiêng, chỗ kia thì dìu, thì vịn, thì cõng trên lưng bọn thổ binh ra khỏi cổng phủ. Cũng có kẻ phải vào tạm trong quán để nghỉ ngơi, cũng có kẻ được đưa về nhà để rồi còn rượu thuốc giảm đau, chạy chữa các vết thương. Chỉ riêng Thúc Bảo là không giống như người khác, qua trận đánh ba mươi roi này, đầy người vết thương nham nhở, roi trúc cứa rách da lòi thịt, mặt mày xây xát máu me bùn đất chỉ có nỗi hối hận, hổ thẹn dày vò trong lòng thì không sao nguôi được. Thúc Bảo ra khỏi phủ, tự mình gượng bước đi.
Chính là:
Nửa này đàn sớm sáo trưa
Nửa kia nuốt giận gió mưa não nùng.
Chưa rõ mọi chuyện sẽ ra sao, hãy xem hồi sau phân giải.