Tùy Đường Diễn Nghĩa

Chương 49: Thuyền câu cất tiếng hát, cừu địch tạm nhận quân thần, Trước trận trao lời thề, Ngô Việt gá duyên Tần Tấn.



Từ rằng:
Nhọc mình khấp khểnh ba đào
Tận trung trăm mối nghìn mưu
Nửa vừng trăng sáng
Một lá chèo mau
Ai tri tâm đó, hảo cầu đừng quên.
Giáo gươm chan chát trên yên
Oán thù gác lại một bên
Đường cùng ngõ hẻm chớ nên chuốc hờn
Nhớ lời hẹn nước thề non
Đầu mày cuối một, sắt son từ rày.
Theo điệu “Lãnh đào sa”
Phàm chuyện gặp gỡ lạ lùng, đều có số mệnh, dằng dặc là cừu thù bỗng nhiên trở thành tri kỷ, yêu kính lẫn nhau, ví như Tề Hoàn Công với Quản Trọng chẳng hạn. Cũng có lúc đang là hai nước đối địch, bỗng trở nên khăng khít gắn bó, như Tấn Văn Công cùng Tần Mục Công vậy. Nói cho cùng ra, thì trời đã sinh ra hạng người phi thường, tất cũng đã xếp đặt sẵn những cuộc gặp gỡ kỳ lạ chẳng thể lường trước được, khiến người ta không thể lấy thành bại thịnh suy mà định đoạt cho được. Huống chi lại là chuyện yêu đương chồng vợ, một khi dã có sợi chỉ hồng của nguyệt lão buộc chân thì nghìn dặm xa cách, cũng có lúc hội họp nên vợ nên chồng.
° ° °
Nay hãy khoan nói chuyện Vương Nghĩa cùng Triệu Vương đến chỗ Nghĩa Thành Công chúa xa xôi, hãy nói chuyện Đậu Kiến Đức, lúc đầu xưng Trường Lạc Vương ở Hà Bắc, sai Tế tửu Lăng Kính vào thành Hà Gian chiêu hàng được quận thừa Vương Tôn, Kiến Đức cho Tôn làm thứ sử quận Hà Gian. Quận thừa Hà Bắc thấy thế, cũng viết thư xin hàng.
Mùa đông năm ấy, có một con chim lớn đến đậu ở Lạc Thọ, hàng mấy vạn chim nhỏ bay theo, một ngày sau mới bay chỗ khác, dân gian truyền rằng chim phượng đến như thế là điềm lành xưa nay.
Lại thêm một người tiều phu, tên gọi Trương Hanh, ở Tôn Thành, vào rừng đốn củi, nhặt được một viên ngọc đen huyền khuê, lẻn vào trong cung Lạc Thọ dâng hiến Kiến Đức.
Vì vậy Kiến Đức chọn lên ngôi ở Lạc Thọ, cải niên hiệu làm Ngũ Phượng nguyên niên, lấy quốc hiệu là Đại Hạ, lập Tào Thị làm hoàng hậu. Trước kia Kiến Đức đã lấy Tần Thị, chỉ sinh được một con gái, tức là Tuyến Nương. Tần Thị mất đã lâu, đến lúc khởi sự rồi, Tào Đán dẫn thủ hạ theo về, Kiến Đức biết Tào Đán có con gái, đã quá tuổi phiếu mai 1 mà vẫn chưa lấy ai, mới cưới làm kế thất. Kiến Đức thấy Tào Thị trầm tĩnh, đoan trang, cười nói khoan dung, nên mười phần kính trọng, công việc trong quân, việc gì cũng được dự bàn, thật đáng bậc bạn tốt trong phòng khuê. Lại phong Tuyến Nương làm Dũng An Công chúa.
Ra trận Tuyến Nương thường xử thiên phương kích, thật là thần xuất quỷ một, lại luyện được phép kim hoàn đạn, ném trăm trúng, tuổi đã mười chín, giắt hai lông chim ngũ sắc trên mũ, mười phần xinh đẹp. Kiến Đức giục Tuyến Nương về chuyện gia thất, Tuyến Nương thường nói, phải chọn được người ngang tài ngang sức mới chịu. Mỗi lần ra quân, Kiến Đức thường sai Tuyến Nương chỉ huy hậu quân, lại rèn luyện được một đội quân bản bộ, gồm ba trăm nữ binh, theo sát bên mình, so với phụ thân thì kỷ luật hiệu lệnh còn nghiêm ngặt hơn nhiều. Nhưng cũng rất yêu thương binh lính, cho nên được xung quanh rất kính phục.
Kiến Đức lại phong Dương Chính Đạo làm Huân Quốc Công, Tề Thiện Hằng làm bộc xạ, Tống Chính Mộc làm nạp ngôn, Lăng Kính làm tế tử, Lưu Hắc Thát, Cao Nhã Hiền làm tổng quản, Tôn An Tổ làm lãnh quân tướng quân, những kẻ còn lại cũng đều được gia phong quan tước. Lúc này, dưới trướng Kiến Đức, binh mã cũng đã hơn một vạn, đang định cất quân đánh Lý Mật, thì được tin Vũ Văn Hóa Cập giết vua tự xưng đế, nên nổi giận, định tiễu trừ Hóa Cập một phen đã. Tế tửu Lăng Kính thưa:
– Phản thần Hóa Cập, tội thật đáng ghét, nhưng y trong tay hơn mười vạn binh mã, khó thể coi thường, cần phải có một viên đại tướng túc trí đa mưu mới diệt trừ được. Thần xin tiến một người như thế để giúp chúa công.
Kiến Đức hỏi:
– Ai thế?
Lăng Kính thưa:
– Người này gồm tài thao lược, ôm đủ cơ mưu, làm thái bộc triều nhà Tùy, về sau bị nịnh thần ganh ghét, lui về vườn ruộng, thực là bậc tướng tài, người ở Hoài Đông, họ Dương, tên Nghĩa Thần.
Kiến Đức vui mừng phán:
– Ngươi không nói, cô 2 cũng cơ hồ quên mất, trước đây cô cũng đã từng đọ sức với Nghĩa Thần vài trận, đúng là bậc lương đống chi tài còn về việc chiến trận, thì thiên hạ ít người theo kịp. Ngươi hãy vì cô mang lễ mời cho được.
Lăng Kính lĩnh mệnh, từ biệt Kiến Đức lên đường. Chưa đến một ngày, đã tới Bối Châu. Lãng Kính vào nhà trọ nghỉ ngơi, hỏi thăm nơi ở của Nghĩa Thần. Dân địa phương đáp:
– Cách thành này khoảng vài dặm, trong vùng đầm hồ Lôi Hạ, có một ông già, tự xưng họ Trương, ai nấy đều gọi là Trương Công, chỉ suốt ngày trên bờ hồ câu cá làm vui, có người nói ông già vốn họ Dương.
Lăng Kính liền thuê người dẫn đường, tìm đến Lôi Hạ. Thật là núi không cao nhưng đẹp, nước không sâu nhưng trong, tùng bách giao cành tươi biếc, vượn hạc nối đuôi nhau, trên bờ thỉnh thoảng một vài gian nhà ngói xinh xắn, bóng cây che mát, vài con thuyền lớn có, nhỏ có, cái giương buồm chạy, cái nằm ven bờ cỏ, soi bóng dập dờn. Người dẫn đường đứng lại chỉ tay mà rằng:
– Ngôi nhà ngói phía trước, chính là nơi ở của Trương Công, ông già đang ngồi bên con thuyền nhỏ kia, có lẽ chính là Trương Công đấy!
Lăng Kính đưa mắt nhìn theo, thì thấy một người đầu tóc đã bạc trắng, nhưng vẫn còn quắc thước, đang dựa vào mạn thuyền, một mình ngồi nâng chén uống rượu, mũi thuyền là bốn năm đứa bé nhà quê cùng nhau ca hát đùa rỡn. Lăng Kính bảo chủ thuyền neo thuyền từ xa, rồi tự mình lên bờ, đi vào con đường, núp dưới rừng cây để lại gần, thì nghe mấy trẻ mục đồng vừa hát xong, cất tiếng hỏi ông già:
– Trương Thái Công! Hôm qua thái công hát một khúc, nghe rất hay, hôm nay sao thái công không hát lại nghe cho vui nào?
Ông già nhắm đôi mắt say mà rằng:

– Lũ bay muốn nghe ta hát, thì hãy ngồi cho yên.
Rồi cất tiếng hát khúc “Túy tam tinh” sau dây:
Giận là giận trong chậu cá rồng quẫy lộn
Cười những cười cùng chuồng hươu lợn chạy đua
Mặc lòng ta trăng ngầm sóng đùa
Tay ôm cần, tay quăng tơ giữa dòng
Ta dám hỏi, bao giờ.
Gió khe lặng
Mưa núi dừng
Để cho ta
Mà xa say tỉnh Ly tao 3 ngâm vần
Khóc viếng Sở thần.
Lăng Kính nghe xong, than:
– Thật là khúc ca cảm khái thời thế của bậc đại ẩn vậy thay!
Rồi lại xuống thuyền, bảo chống lại gần. Mấy trẻ mục đồng trông thấy vội lên bờ theo đàn bò của mình, Lăng Kính sang thuyền, chắp tay chào Nghĩa Thần:
– Từ dạo xa nhau đến nay lão tướng quân vẫn được mạnh khỏe chứ?
Nghĩa Thần ngước mắt nhìn, thấy một người mặc áo bào, đội khăn Gia Cát, bèn hỏi:
– Ngài là ai vậy?
Lăng Kính đáp:
– Lăng Kính này xa thái bộc đã lâu, không ngờ thái bộc râu tóc đã bạc trắng cả. Nhớ lại thuở ở cùng nhau, được thái bộc dạy dỗ, nay vẫn nhớ đức, giờ mới được gặp lại, khác gì quang mây lại thấy mặt trời.
Nghĩa Thần thấy nói thế liền đáp:
– Thì ra Lăng Tử Tiêu, đã lâu không gặp, nay sao lại rỗi rãi tới đây, xin mời vào tệ xá!
Rồi kéo tay Lăng Kính xuống thuyền, gọi tiểu đồng chống thuyền về bến, cùng Lăng Kính vào thảo dương làm lễ, chia ngôi chủ khách mà ngồi. Nghĩa Thần hỏi:
– Không biết hiền huynh lâu nay ở đâu?
Lăng Kính đáp:
– Từ ngày chia tay, thân chẳng biết về đâu. Nhân thấy Đậu Kiến Đức có lượng bao dung, cho nên tiểu đệ theo về với nhà Hạ, được phong chức tế tửu, nhân nhớ tới huynh đài, tìm tới thăm vậy!
Nghĩa Thần bày tiệc rượu khoản đãi, chén cạn vài tuần. Lăng Kính sai thủ hạ đem vàng bạc, lụa là bày ra trước mặt Nghĩa Thần, Nghĩa Thần kinh ngạc hỏi:
– Những cái này ở đâu ra?
Lăng Kính đáp:
– Hạ Vương lâu nay vẫn mến tài huynh đài, nên đặc sai tiểu đệ đem những thứ này đến biếu huynh đài.
Nghĩa Thần nói:
– Đậu Kiến Đức với ta từng có chuyện đọ sức đọ tài, nay lại đem quà đến thế này, tất phải có duyên cớ chứ?
Lăng Kính đáp:
– Mới đây chúa thượng bị giết, anh hùng khắp nơi nổi dậy, nơi nơi chiếm cứ quận huyện, xưng vương, xưng bá, ai cũng dương dương vì trăm họ mà trừ hại, yên thiên hạ. Ai là người có tài, có võ nghệ trong tay, đều muốn thi thố một phen. Thái bộc ôm mưu lược kinh bang tế thế, sánh ngang tài giỏi Tôn Vũ, Ngô Khởi, sao nỡ gửi thân nơi đầm lầy, núi hoang, làm một ông già không tên tuổi ở chốn lâm tuyền, vui với cảnh cây cỏ, thì thật là đáng tiếc. Nay Hạ Vương làm điều nghĩa, nói điều nhân, cải xưng vương hiệu, bốn phương cùng hưởng ứng, từ lâu biết thái bộc có tài lương đống, nên sai tiểu đệ đem lễ đến mời, để cùng cứu dân ra khỏi chốn nước lửa, mong theo được bậc minh quân như Nghiêu như Thuấn. Vạn lần xin huynh đài chớ khước từ mà làm cho Hạ Vương mất cả chỗ trông cậy vậy.
Nghĩa Thần đáp:

– “Trung thần bất sự nhị quân, liệt nữ bất canh nhị phu”. Ta là bề tôi của nhà Tùy, chẳng có thể cứu giúp nạn quân vương, để đến nỗi bị bị bọn nghịch thần giết hại, cũng không thể báo thù, nay lại đi thờ chủ khác, thì còn mặt mũi nào mà đứng trong cõi thế?
Lăng Kính nói:
– Thái bộc nói sai rồi. Nay anh hùng trong thiên hạ, người nào lập nước ấy, nhà Tùy thế là đã hết vận thật rồi, còn nhớ đến mà làm gì nữa. Mà dẫu có muốn báo thù cho Tùy Nhị Đế, chẳng gì bằng theo Hạ Vương, mượn binh, mượn thế, kéo tới mà diệt lũ nghịch thần, có phải là vừa hả lòng vừa thỏa nguyện thái bộc không!
Nghĩa Thần bị Lăng Kính khơi dậy nguyện ước lâu nay, bèn đáp:
– Ngẫm kỹ lời hiền đệ nói, thì hình như cũng có lý, nghe Kiến Đức có thể hạ mình để thờ kẻ sĩ, lại không mang tiếng là phường oán nghịch. Nhưng nếu ưng thuận ba điều này của ta, thì lập tức ta theo về còn nếu không, thì quyết không thể vâng mệnh.
Lăng Kính hỏi:
– Ba điều gì?
Nghĩa Thần đáp:
– Một là không làm bề tôi nhà Hạ. Hai là không nêu tên tuổi ra. Ba là bắt được Hóa Cập rồi, báo được thù của Nhị Đế rồi, thì lập tức phải thả ta về với vườn ruộng, lâm tuyền.
Lăng Kính đáp:
– Chỉ có ba điều này, thì Hạ Vương chẳng ngại ngần gì mà không chiều lòng huynh đài.
Nghĩa Thần nghe thế, liền gọi người nhà ra nhận lễ vật. Lăng Kính liền cáo biệt. Nghĩa Thần còn dặn:
– Đi qua Tào Bộc sơn, bọn cường đạo Phạm Nguyện rất là thanh thế, có đến vài ngàn lâu la, sào huyệt mãi tận Thái Sơn, thường hay cướp bóc ở vùng Phùng Châu, hiện nay sơn trại không còn lương thực, bốn phía trống không. Hiền đệ nếu thu phục dược Phạm Nguyện cùng về với nhà Hạ, cũng đủ để diệt họ Vũ Văn.
Nghĩa Thần ghé tai Lăng Kính nôi mấy câu, Lăng Kính gật đầu, từ biệt xuống thuyền.
° ° °
Đậu Kiến Đức ngày đêm luyện tập tướng sĩ, để hòng chinh phạt Hóa Cập, bỗng nghe nhà Đường sai quan nạp ngôn là Lưu Văn Tĩnh, đem thư ước hẹn cùng họp binh để đánh Hóa Cập. Kiến Đức xem thư, thấy hẹn cùng kéo binh đến Lê Dương, liền nói với Văn Tĩnh:
– Bọn giặc này, cô đã có ý chinh phạt từ lâu, đang định xuất binh. Phiền quan nạp ngôn về thưa lại với Tần Vương, chỉ cần phái một phó tướng, dẫn binh đến trước, cùng cô diệt hết bọn này để tạ trời đất.
Văn Tĩnh thưa:
– Lúc thần vâng mệnh lên đường, thì Tần Vương đã kéo quân ra khỏi Trường An rồi!
Văn Tĩnh cáo từ trở về, Kiến Đức vào cung, Dũng An Công chúa hỏi:
– Sứ nhà Đường tới có việc gì, thưa phụ hoàng?
Kiến Đức đáp:
– Tần Vương đưa thư đến hẹn, cùng hội binh tiễu trừ Hóa Cập. Ta cùng chúng thần bàn bạc, hẹn với Tần Vương ngày kia sẽ xuất quân.
Dũng An Công chúa tiếp:
– Cứ như ngu kiến của con, phụ hoàng hà tất phải xuất binh vội. Nay tổng quản phương Bắc là La Nghệ vừa mới về hàng phục nhà Đường, đang nghẽn lối sau của ta. Ngụy Điệu Nhi cũng có vài vạn quân, đang đóng giữ vùng Thâm Trạch, tự xưng là Ngụy Vương, cướp bóc vùng Dực Định, mấy năm nay cùng ta dựa dẫm lẫn nhau, nhưng chẳng phải là kế lâu dài. Chi bằng thừa lúc họ không phòng bị, kéo quân đánh úp một chuyến, trừ được hậu quả. Đợi lúc nào Lăng Kính trở về, rồi hãy bàn chuyện này, có phải chu toàn hơn không?
Tòa Hậu cũng tán thưởng lời bàn của Dũng An Công chúa, Kiến Đức phán:
– Ta đã có kế sách cả. Các người đừng nhiều lời.
Ngày hôm sau, Kiến Đức điều mười vạn binh, cho Lưu Hắc Thát làm Chinh Nam đại tướng quân, Cao Nhã Hiện làm tiên phong, Kiến Đức cùng Tào Đán lãnh trung quân. Dũng An công chúa làm hậu đội.
Tôn An Tổ cùng Tào Hậu ở lại giữ Lạc Thọ. Lại tuyển một đội nữ nhạc gồm hai mươi người, sai người đem biếu Ngụy Điêu Nhi, nhờ Điêu Nhi cất binh đánh La Nghệ, đề phòng Di Địch ở phía đông, hứa với Điêu Nhi, sau khi diệt Hóa Cập xong, đem những phi tần mỹ nữ cùng vàng ngọc thu được trả công. Điêu Nhi cả mừng, nhận lời, tin vào lời hứa của Kiến Đức, ngày đêm đắm chìm trong tửu sắc, không chút nghi ngờ gì. Nào hay Kiến Đức thống lãnh tinh binh, cuốn cờ im trống, đêm đi ngày trốn, tới thẳng Thâm Trạch, kéo quân vây kín thành. Điêu Nhi vẫn trong cơn say, bị bộ tướng Hà Gian cũ là Quan Đào, vẫn căm Điêu Nhi ngạo mạn khinh người, không chịu dùng. Quan Đào chém giết, dâng thành đầu hàng.
Kiến Đức lấy cớ ở đất người, nhưng lại lấy đất người đem hiến, thật là phường bất nghĩa, định chém chết. Vương Tôn cố khuyên can mãi, liền cho Quan Đào làm bộ tướng của chức cũ, những đàn bà con gái bị bắt, đều tha cho về, bao nhiêu vàng bạc thu được đều chia cho tướng sĩ. Xa gần nghe tin Hạ Vương không có bụng hiếu sát đều một lòng kính phục, các cháu vùng Dực Định đều tới quy hàng. Kiến Đức gộp thêm được mấy cánh quân luôn, uy danh ngày càng lớn, đánh luôn Dực Châu. Thứ sử Dực Châu là Khúc Lăng, dũng cảm lại chí khí, lúc đầu cũng tìm trăm cách để phòng giữ, về sau thành bị phá, nên cuối cùng cũng theo về Hạ Vương.
Lại nói La Nghệ, vốn là một viên túc tướng, tuổi đã ngoài sáu mươi, nhưng tinh thần vẫn sáng suốt bội phần, vốn cùng Tần phu nhân rất mức hòa thuận, khác gì họ Mạnh “tay nâng ngang mày” 4.
Dưới trướng La Nghệ có tới hai vạn tinh binh, nhưng rồi dần dần bị vua Tùy điều hết sang đông lại về tây, nên giờ cũng chỉ còn hơn một vạn, lính kỵ mã cũng chỉ còn sáu bảy nghìn người. May nhờ có La Thành, thiếu niên anh tuấn, sức khỏe trăm người khôn đương, lại được thân phụ truyền cho thương pháp bí truyền của dòng họ La, đến mức quỷ khóc thần sầu. Nhiều lần định tính chuyện hôn nhân, La Thành đều chối rằng đại sự cả đời, tuy có cha mẹ làm chủ, nhưng cũng phải để tự mình lựa chọn, cho nên việc nhân duyên vẫn chưa định xong.
La Thành nghe tiêu mã về báo, Kiến Đức dẫn đại binh kéo đến, liền thưa với phụ thân:

– Đậu Kiến Đức chưa biết lợi hại ra sao, kéo đại binh đến xâm phạm đất ta, ý con muốn nhân lúc binh tướng mới kéo đến, chưa đóng xong trại, dẫn hai nghìn binh mã đánh ngay một trận, làm nhụt nhuệ khí của chúng, cho chúng biết sự lợi hại ra sao, mà rút quân về cũng chưa biết chừng!
La lão tướng đáp:
– Con là bậc niên thiếu, thường cậy vào sức mạnh, đừng nên nóng vội làm càn, đó chính là điều tối kỵ trong đạo làm tướng. Ta tự có cách đánh lui bọn này.
Liền tập họp chúng tướng, sai Tả doanh tổng soái Trương Công Cẩn, dẫn một nghìn tinh binh, mai phục phía phải núi Cao Sơn ở ngoài thành, nghe bao giờ trong thành tử mẫu pháo nổ vang, dẫn tinh binh xông vào tiền quân của Kiến Đức. Lại sai hữu doanh tổng soái Sử Đại Nại, dẫn một nghìn tinh binh, mai phục phía trái núi Cao Sơn, chờ tử mẫu pháo trong thành nổ, cho tinh binh xông vào trung quân của Kiến Đức. Sai con La Thành, cũng đem một nghìn tinh binh, cách thành ba mươi dặm, mai phục ở Độc Long Cương, thấy binh tướng Kiến Đức bỏ chạy, thì xông ra đánh vào hậu đội. Còn mình cùng với Tiết Vạn Triệt, Tiết Vạn Nhẫn, ngồi giữ thành. Hai tướng cùng La Thành nhận lệnh, lãnh binh ra khỏi thành.
° ° °
Lại nói Kiến Đức kéo đại binh thẳng tới U Châu, tướng tiên phong Lưu Hắc Thát hạ trại xong xuôi, thấy cửa thành đóng chặt, không chịu ra nghênh chiến, chỉ đành ở ngoài thành chửi bới. Tiếp theo đại binh của Kiến Đức kéo đến, trong thành vẫn yên lặng, liền làm thang mây, trèo lên thành tấn công. Bỗng nhiên trong thành, pháo mẹ pháo con nổ vang, thang mây cháy rụi, đành phải rút ra. Kiến Đức lại làm mấy trăm xe xung trận, trống mõ nhất tề ầm ĩ xông vào. Trong thành ném tạ sắt, thiết trùy xuống, giăng khắp mặt thành, xung xa đều gãy nát, xoay đủ trăm kế, chẳng làm gì hạ được thành. Ròng rã mấy ngày, tướng sĩ mỏi mệt.
Đêm ấy, khoảng canh ba La Nghệ bí mật truyền lệnh, sai Tiết Vạn Triệt, Tiết Vạn Nhẫn, hai anh em, dẫn ba quân ăn thật no, rồi ai nấy ngậm tăm, mở cửa thành xông vào trại quân Hạ. Lính tráng đều đang ngủ say, chỉ nghe một tiếng khác nào núi lở biển trào. Kiến Đức bàng hoàng tỉnh giấc, vội khoác giáp lên ngựa, tùy tướng Đặng Văn Tín theo sát, gặp ngay Tiết Vạn Triệt xông vào trung quân, chém cho Văn Tín một đao ngay trước cửa trướng. Kiến Đức vội xông vào đánh với Vạn Triệt, Cao Nhã Hiền thì chống đỡ Triết Vạn Nhẫn, Lưu Hắc Thát thì đánh với La Nghệ.
Cả sáu cùng đang ham chiến lại nghe tử mẫu pháo nổ vang, phía trái, phía phải núi, quân mai phục nhất tề kéo ra. Kiến Đức biết là trúng kế, bỏ trại mà chạy như bay, được khoảng hai ba chục dặm quân sĩ vẫn chưa hoàn hồn. Bỗng nghe ở sườn núi, thanh la rộn ràng, một viên niên thiếu dũng tướng, dẫn quân kéo ra, Tiên phong Cao Nhã Hiền coi thường ít tuổi, giơ cao đại đao chém xuống, bị La Thành đâm ột thương, trúng ngay vào đùi trái Nhã Hiền. Nhã Hiền đau quá, suýt ngã ngựa, may được Lưu Hắc Thát tới kịp đỡ cho. Đánh khoảng hơn mười hiệp, không đỡ nổi cây thương dũng mãnh của La Thành lúc nào cũng như rồng múa nước dâng, mười phần tài nghệ. Kiến Đức thấy thế, sợ xảy chuyện không hay, xông vào cứu viện.
La Thành càng phấn chấn tinh thần, nhằm mặt Hắc Thát đâm một thương quát to một tiếng, rồi quay nhanh mũi thương đâm thẳng vào ngực Kiến Đức, Kiến Đức thất kinh vội vàng bỏ chạy. Đánh mãi đến gần sáng lại thấy một đội nữ binh từ phía sau kéo tới, bày thành thế trận, giữa trận là một viên nữ tướng, đầu đội mũ bàn long, trên cắm hai lông chim phượng xanh biếc, gắn hạt châu óng ánh. Mình mặc áo cẩm chiến bào màu trắng có thêu hoa, cấm thiên phương họa kích, cưỡi ngựa thanh tông. La Thành thấy thế, vội thu thương về, cất tiếng hỏi:
– Nhà ngươi là ai?
Tuyến Nương đáp:
– Người là ai mà dám hỏi ta?
La Thành đáp:
– Ngươi không trông thấy chữ trên cờ của ta sao?
Tuyến Nương nhìn lên, lá cờ gấm màu đỏ, có thêu chữ “La” ở phía dưới, thêu hai hàng chữ nhỏ hơn: “The đại danh gia tướng, thần thương thiên hạ văn”, 5 Tuyến Nương hỏi:
– Thế ra là con trai La Tổng quản sao?
La Thành lại cùng nhìn lá cờ gấm của Tuyến Nương, chính giữa thêu một chữ lớn: “Hạ”, dưới cũng có thêu hai hàng chữ nhỏ hơn: “Kết trận lan khuê đình tú, thôi trang tiên tướng đàm binh”. 6
Thấy thế, La Thành trong lòng ngầm nghĩ: “Ta nghe con gái Đậu Kiến Đức rất là tài giỏi, nhất định là người này chứ chẳng sai. Đáng tiếc cho cô gái đẹp dường này, mà chẳng chịu làm cái việc đánh phấn tô son, để ta khỏi phải giết mất. Hãy để ta thử nói xấu ấy câu khiến cho cô ta phải hổ thẹn mà rút quân thì hơn!”. Bèn cất lời khiêu khích:
– Ta tưởng phụ thân ngươi cũng là bậc anh hùng nơi đầm lầy đồng cỏ, nhưng sao dưới trướng chẳng có lấy một viên tướng liều chết, đến nỗi phải cho con gái ra mà chịu nhục sao?
Tuyến Nương cũng trả miếng:
– Ta cũng tưởng như vậy, phụ thân nhà ngươi vốn là một viên túc tướng, mà trong thành đến nỗi không có một viên thủ hạ dũng cảm không sợ chết, để đến nỗi phải sai cả con chó con ra sủa người sao?
Bọn nữ binh đứng chung quanh cười ầm ĩ, La Thành tức giận đùng đùng, giơ cao thương xông tới. Tuyến Nương cũng chuyển động thiên phương họa kích một vòng để đỡ, vòng vèo vấn vít, đến hơn hai mươi hiệp vẫn bất phân thắng bại. La Thành thấy Tuyến Nương múa cây phương họa kích thật thần xuất quỷ một, một giọt mưa cũng không lọt trong lòng thầm nghĩ: “Khá tiếc một cô gái bản lĩnh dường này, mà lại rơi vào dám cỏ rậm rừng xanh. Nay ta hãy giả quay chạy, rồi bắn mũi tên, dọa một chút, xem cô ta đối phó ra sao?”. La Thành liền giơ thương đâm dứ một cái, rồi quay ngựa chạy, Tuyến Nương vội đuổi theo, chỉ nghe tiếng dây cung bật một tiếng khẽ, nhưng Tuyến Nương rất nhanh mắt, vội giơ tay trái ra, bắt ngay được mũi tên, nhưng nhìn lại thì là tên không có mũi sắt nhọn, mặt cánh có ghi bốn chữ “Tiểu tướng La Thành”.
Tuyến Nương bỏ mũi tên vào túi đựng tên, rồi cau mày mà than thầm: “La lang! Rõ là chàng không nỡ lòng nào!”. Rồi gác ngang cây thiên phương họa kích lên yên ngựa, rồi lấy ở trong túi gấm ra một viên hoàng kim đạn, thấy La Thành đang vừa cười vừa quay ngựa chạy. Tuyến Nương liền kéo cong cây nỏ, La Thành đang định bắn thêm một phát tên nữa, không nghĩ tới việc viên đạn bắn tới, thì viên đạn đã bay trúng ngay cán thương, suýt nữa làm cho La Thành đánh rơi cả thương. La Thành lệnh tả hữu nhặt viên đạn rơi, thì ra đó là một viên đạn tròn to hơn mắt rồng ít nhiều, trên mặt có khắc hai chữ “Tuyến Nương”.
La Thành liền nghĩ: “Cừu thù mà lại có bản lĩnh đến thế này, giá mà ta được cùng Tuyến Nương này gá nghĩa vợ chồng, thì cũng thật là thỏa nguyện một đời vậy!” Mặt mày rạng rỡ. La Thành đưa mắt liếc nhìn Tuyến Nương, càng nhìn lại càng thấy lòng thêm yêu thương. Tuyến Nương ngồi trên mình ngựa, thấy La Thành tài mạo xuất chúng, phong thái hiên ngang, trong lòng cũng thấy rạo rực, thầm nghĩ: “Thật đáng hổ thẹn cho phận gái, mãi hôm nay mới dược gặp một chàng trai thế này. Đậu Tuyến Nương đây, mà lấy dược người chồng như La Thành, cũng không uổng một đời má phấn!” Hai người, bốn mắt nhìn nhau long lanh, cùng trên ngựa chẳng thể nào nói được lời nào khác, họ La nhìn họ Đậu, họ Đậu nhìn họ La, cứ thế một lúc lâu. Bọn nữ binh của quân Hạ, thấy thế cũng chẳng giữ gìn gì cười trêu La Thành:
– Cái vị tiểu tướng này, kể cũng ít thấy, đánh cũng chẳng đánh, rút cũng chẳng rút, cứ đứng nhìn ngắm mãi công chúa cành vàng lá ngọc của chúng ta. Nếu cần chiêm ngưỡng đến thế, hãy về vẽ lấy một bức tranh, rồi hàng ngày mà phụng dưỡng.
La Thành cười đáp:
– Ta xem công chúa của các ngươi cũng chỉ mười chín hai mươi là cùng chứ gì?
Tuyến Nương chỉ cúi đầu không đáp. Mấy nữ binh nhanh miệng lại ồn lên:
– Mũi tên lần này cũng trúng rồi. Nhưng công chúa không bắt cho!
Khiến Tuyến Nương cũng phải mỉm cười, khẽ hỏi La Thành:
– La công tử năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
La Thành đáp:
– Chỉ hơn hai mươi mùa xuân!
Tuyến Nương lại hỏi:
– Phụ mẫu còn mạnh khỏe cả phải không?
La Thành lại đáp:
– Gia từ năm nay mới năm mươi chín tuổi, gia nghiêm thì sáu mươi mốt tuổi! Xin hỏi việc nhân duyên của công chúa ra sao, đã làm lễ vu quy chưa?
Tuyến Nương xấu hổ, cúi đầu không nói, lại mấy nữ binh vừa rồi đáp thay:
– Công chúa của chúng tôi quả chưa nghĩ đến chuyện nghi thất nghi gia, chỉ có một lời thề rằng…
Đang nói nữa, thì thấy Tuyến Nương đưa mặt nhìn giận dữ, nữ binh vội vàng im bặt. Lấn này đến lượt gia tướng của La Thành lên tiếng:

– Thế công chúa của các người, cùng với tiểu tướng của chúng ta hãy cùng gá nghĩa, làm thành một nhà, ọi người ngày này sang ngày khác khỏi phải đánh giết mãi.
La Thành giục ngựa lên mấy bước, nói:
– Công chúa nếu không chê bai, chối bỏ, xin được tìm người mối mai để đến tận quý gia làm lễ cầu hôn có được chăng?
Tuyến Nương đáp:
– Hôn nhân là chuyện đại sự, không phải là chuyện của nhi nữ. Trong chốn quân doanh, đâu có thể nói cho xong được. La công tử nếu quyết chí, thiếp xin giữ mình chờ, nhưng chỉ sợ lòng dạ La công tử chưa thật chắc chắn thôi!
La Thành đáp:
– Có trời xanh trên cao, nếu La Thành này không cùng Đậu Thị…
Lại vội hỏi:
– Xin phép hỏi quý danh công chúa?
Tuyến Nương đáp:
– Có khắc trên đạn kim hoàn vừa rồi La công tử không thấy sao?
La Thành lại mới nói tiếp:
– Ta là La Thành, kiếp này mà không được cùng Đậu Tuyến Nương nên duyên chồng vợ thì chết không có đất chôn.
Tuyến Nương thấy La Thành thề nguyền chân thật, bất giác rơi nước mắt mà tiếp:
– La công tử nếu đã có lòng nghĩ đến thiếp, thiếp cũng xin hứa sống chết cũng lấy lòng chân thật mà chờ đợi. Nhưng chỉ sợ gia nghiêm La công tử cho người đến mà phụ hoàng thiếp không bằng lòng thì làm sao bây giờ?
La Thành đáp:
– Nếu như thế, sẽ xin tìm thêm người đến thuyết phục Hạ Vương!
Tuyến Nương nghĩ một hồi, rồi nói:
– La công tử có biết thái bộc nhà Tùy Dương Nghĩa Thần không?
La Thành đáp:
– Dương Thái bộc là bạn thân của gia nghiêm ta.
Tuyến Nương tiếp:
– Người này được phụ hoàng vừa kính vừa sợ. Xin đợi Hạ Vương diệt họ Vũ Văn trở về, La công tử tới nhờ Dương Thái bộc đứng ra làm mối, thì mọi sự sẽ yên ổn.
Đang nói, thấy phía sau bụi cuốn mịt mù, nữ binh vội thưa:
– Quân ta kéo tới rồi!
Tuyến Nương gạt nước mắt thưa:
– Thế là mọi việc xong xuôi! Xin La công tử quay ngựa cho?
Tất cả đều nghe theo, cách nhau được khoảng một tầm tên bắn, Tuyến Nương ruổi ngựa đuổi theo hỏi:
– La công tử đi rồi, bao giờ sẽ trở lại?
La Thành đáp:
– Tuy đã được công chúa chân thành hứa lời, nhưng cũng xin cho La Thành này một vật làm tin, để sau này gặp nhau có cái mà nhận nhau chứ.
Tuyến Nương đáp:
– Chả cần có thêm làm gì. Mũi tên của La công tử thiếp xin giữ gìn cẩn thận. Viên kim hoàn của thiếp. La công tử hãy giữ kỹ cho, coi như vật làm tín rồi còn gì!
La Thành cho ngựa tới gần, quyến luyến chẳng muốn rời, Tuyến Nương đành lên tiếng:
– La công tử đi thôi! Thiếp không thể chiều lòng La công tử hơn được!
Rồi lấy hai tay ôm mặt quay ngựa đi, theo toán nữ binh, dặn không được lộ chuyện vừa rồi. Được vài chục bước, đã thấy Kiến Đức vì chẳng thấy Tuyến Nương đâu, không thể không lo lắng, sai Tào Đán lãnh binh quay lại cứu viện, tất cả gặp nhau cùng hợp thành một đoàn mà quay về. La Thành thấy phía trước có binh mã kéo đến, đành thở dài một tiếng, rồi ruổi ngựa cùng binh lính quay về U Châu.
Chính là:
Tương tư xa cách nghìn trùng
Núi xa, sông cách, tương phùng . . . kiếp sau. ——————————–
1Phiếu mai: tên một bài thơ trong Kinh Thi, nói về người con gái đã luống tuổi nhưng nếu kịp lấy chồng vẫn còn được: “Cây mai rụng, mười phần quả còn bảy, mười phần quả còn ba”, “Quả mất ba bảy đang vừa, Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì”. (Truyện Kiều) 2Cô: quê mùa, thấp kém, trơ trọi. Tiếng tự xưng nhún mình của các vua chư hầu ngày xưa, cũng như “quả nhân”. “Thiếu gì cô quả, kém gì bá vương” (Truyện Kiểu). 3Ly tao: tên một bài thơ dài, cảm khái thời thế, thân phận không may của Khuất Nguyên, bề tôi nước Sở – Sở thần. Xem chú thích hồi bốn mươi tám. 4Tay nâng ngang mày: Theo “Hán sử:”, nàng Mạnh Quang rất kính trọng chồng, mỗi lần dọn cơm cho chồng là Lương Hồng đều nâng khay lên tận ngang mày. 5Nhà nối đời làm tướng nổi danh dùng thương như thần, khắp thiên hạ đều nghe tiếng. 6Bày thế trận, khách phòng lan tạm ngưng việc thêu thùa, trang điểm vội cho xong, để trong trướng hoa sen còn bàn việc binh.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận