Tùy Đường Diễn Nghĩa

Chương 73: An Kim Tàng mổ bụng kêu oan, Lạc Tân Vương viết hịch kể tội



Từ rằng:
1. Thỏ chạy chim bay
Đó lại đây
Tưng bừng nước mắt
Kể tội đầy
Đặt giàm bủa lưới
Khảo tra tàn khốc
Giữa đất lòng son gan một lá
Bên trời lệ máu sầu muôn hộc.
2. Dốc hết ruột gan thảo hịch
Thấu thiên đình
Oán cừu trả sạch
Ngẫm cơn giận rượu say bầu dốc
Cảnh điện đài ngọn đuốc giơ cao
Nhìn ra gió gác trang lầu
Tột tình kể hết trước sau rạch ròi
Rồi ra ly biệt đôi hồi
Gió đông đổi lấy lòng người Thượng Lâm,
Đủ rồi hai chữ song tâm…
Theo điệu “Mãn gian hồng”
Từ xưa đến nay, kẻ sĩ chết vì nghĩa, kẻ hiếu sắc chết vì tình, bọn bỏ mạng vì tình thì vô số, còn chết vì nghĩa thì trong một trăm, không được một hai người. Trước tiên phải kể đến Hoàng Diễn người thời Xuân Thu, tự mỗ bụng mình để nhét lá gan của Vệ ý Công vào; thêm bề tôi của nước Tề là Vương Xúc, nghe tin Tề Mẫn Công chết, treo cổ lên cây mà tự tử. Những người chí hướng khác thường như thế trong thiên hạ, không nhiều.
° ° °
Nay nói chuyện thái hậu ở trong cung truy hoan hưởng lạc, chẳng mấy chốc mà tiết thu đã tàn, trời đông sắp đến. Thái Bình công chúa, con gái yêu của thái hậu, vốn cũng khuynh quốc khuynh thành phong tư yểu điệu, tính tình nhẹ nhàng, được thái hậu yêu chiều hết mực, lúc đầu lấy Tiết Thiệu, chưa được hai ba năm thì Thiệu chết trở về cung, không chịu yên phận, chạy đông tìm tây. Thái hậu sợ xảy ra chuyện không hay, lại đem Thái Bình gả cho đại phu Vũ Du Kỵ.
Hôm ấy Vũ Tam Tư dạo chơi trong ngự uyển, thái hậu nói:
– Mấy ngày hôm nay tiết trời thật ấm áp!.
Tam Tư thưa:
– Thời khí tuy tốt nhưng cây cỏ úa vàng rơi rụng làm người ta có cảm giác lụi tàn, già cỗi, sao cho bằng cảnh mùa xuân rực rỡ, danh hoa đua sắc, muôn hồng nghìn tía cho được.
Thái hậu phán:
– Thế thì có khó gì, hôm trước ở vườn Thượng Lâm, tâu rằng hoa lê nở rất nhiều. Hoa lê đã nở được, hà cớ các hoa khác không nở, huống chi đầu xuân rồi. Ngày mai Vũ Du Kỵ tất vào tạ ơn, ban yến ngay trong vườn, đáng khiến trăm hoa cùng nở, rạng vẻ tốt tươi.
Tam Tư thưa:
– Lòng người như vậy, chẳng biết ý trời thì ra sao?
Thái hậu cười:
– Ngày mai mà hoa nở, ta sẽ phạt khanh ba chén rượu lớn!
Tam Tư cũng cười:
– Rượu trong chén bạch ngọc, lâu nay bệ hạ vẫn ban thưởng cho thần luôn. Chỉ sợ nay vào lúc cuối thu hết, đông về, làm thế nào mà trăm hoa đua nở cho được!
Thái hậu đưa mắt giận dữ nhìn Tam Tư rồi quay về cung, liền truyền gọi Quy Nghĩa Vương Trần Thạc Trinh vào triều, đem mọi chuyện kể hết, sai Thạc Trinh dùng pháp thuật để các cây trong vườn ngự đều ra hoa ngay khoảnh khắc, tỏ rõ điềm lành. Thạc Trinh thưa:
– Nếu ngày mai đã khai yên, bệ hạ chỉ cần một hai loại hoa, thần có thể mượn tạm ngay của thần hoa. Nhưng đòi vạn hoa đều nở, lại quan hệ đến cả sự chủ trì của Đông quân, xin bệ hạ viết một chiếu chỉ, để thần tuyên đọc cho thần hoa, chuyển tâu lên thiên đình, tự nhiên sẽ vâng lệnh.
Thái hậu liền giở giấy vàng, viết ngay:
Ngày mai chơi vườn ngự
Ra lệnh cho xuân hay,
Nội đêm nay hoa nở
Không đợi gió cùng mây.
Thái hậu viết xong, đưa cho Thạc Trinh, Thạc Trinh lại viết thêm một đạo hịch, từ giã thái hậu, vào trong vườn làm bùa phép, rồi hỏa thiêu cho thần hoa. Thái hậu lại truyền chỉ cho Quang lộc tự chính khanh Tô Lương Tự, sắp sẵn yến tiệc trong vườn ngự vào ngày mai.
° ° °
Lại nói chuyện Tam Tư về nhà, gặp Hoài Nghĩa, Hoài Nghĩa hỏi:
– Đại nhân sao không ngủ trong cung mà lại phải lặn lội trên đường thế này?
Tam Tư đáp:
– Buồn cười thay, thái hậu lại định khiến cả thần hoa xuân đem tới đòi trăm hoa đều phải đủ mặt. Ta nghĩ rằng con người sinh tử có thể quyền thái hậu định đoạt, còn chuyện cây cỏ là thuộc luật lệnh của thượng đế, phải đâu quyền hành gì của thần hoa. Ngày mai đại nhân hãy cùng ta vào ngự uyển, xem ý trời ra sao.
Cả hai cười lớn mà chia tay.
Sáng hôm sau, khí trời mát mẻ. Hoài Nghĩa không thể chờ hơn, vội vào ngay vườn ngự, thì thấy vạn đóa khoe tươi, nghìn cành khoe sắc liền đi ngay vào Sướng Hoa đường. Một viên quan đang quản nơi đây, vốn là Tô Lương Tự tiếp chiếu chỉ, lệnh bày yến tiệc trong vườn, nên phải tới đây rất sớm. Thấy Hoài Nghĩa, Lương Tự liền quát:
– Con lừa trọc này ở đâu dám vào đây?

Hoài Nghĩa thấy Lương Tự chửi thế, nghĩ rằng Lương Tự mắt kém, nhìn không ra, nên cố nén giận trả lời:
– Tô Chính khanh, chẳng lẽ tiểu nhân này vào đây không được sao?
Lương Tự vẫn lớn tiếng:
– Hôm nay Vũ Phò mã vào tạ ơn thái hậu, nên mở tiệc mừng, triều đình sai ta sắp đặt ở đây. Ngươi có học hành đỗ đạt gì mà dám ngồi ở ngôi cao, tự mình làm ra vẻ ta đây. Nếu không cút ngay, ta sẽ lấy ngay hốt ngà này mà đập vào giữa trán xem ngươi có dám làm gì ta nào?
Hoài Nghĩa giương mắt nhìn, định mở miệng cãi, không ngờ Lương Tự cứ cầm hốt đánh vào giữa mặt mấy cái luôn. Hoài Nghĩa chẳng còn cách nào khác, đành phải bỏ chạy vào cung thái hậu, quỳ lạy cả hai gối. Thái Hậu hỏi:
– Sao khanh lại đến nỗi thế?
Hoài Nghĩa thưa:
– Tô Lương Tự vô lễ, trông thấy thần, cứ trán thần mà đập, ngay trong Sướng Hoa đường ở ngự uyển.
Thái hậu liền kéo Hoài Nghĩa dậy mà rằng:
– Chính trẫm sai Lương Tự chủ trì tiệc rượu tại đó. Khanh có công việc gì mà tới. Cửa nam là nơi trăm quan ra vào, từ nay về sau khanh hãy ra vào bằng lối cửa bắc thôi.
Rồi gọi viên quan coi cửa bắc tới:
– Từ nay về sau, bao giờ trưởng lão Hoài Nghĩa ra vào không được ngăn trở.
Lại nói với Hoài Nghĩa:
– Nay khanh đã vào đây, đợi chúng ta tàn tiệc rượu rồi, trẫm với khanh sẽ cùng ra dạo chơi có được chăng?
° ° °
Lại nói chuyện Lương Tự bày biện ở Sướng Hoa đường, nào bình phong vẽ chim công, nào rèm hoa phù dung, khắp núi, khắp hồ, trăm hoa đua sắc, lại thêm tĩnh mịch thật đáng yêu. Giờ lâu ngự sử Địch Nhân Kiệt dẫn trăm quan vào, thấy quang cảnh như vậy, không khỏi lời thán phục:
– Lạ thay! Lòng trời còn thế, lòng người ra sao bây giờ?
Nội sử An Kim Tàng đáp:
– Không biết trong số muôn hoa, có loài nào không chịu nở chăng?
Các quan dạo xem một vòng, duy chỉ cây hoa dâm bụt đến mầm non cũng chẳng thấy, vẫn trong điêu tàn của tiết đông sơ. Bất giác Kim Tàng liền than thở:
– Diệu kỳ thay cho cây dâm bụt, đúng là một mình riêng giữ sự chính trực mà không chịu a dua theo thói thường vậy!
Lúc này phò mã Vũ Du Kỵ sau khi vào cung lạy chào thái hậu, kéo ra Sướng Hoa đường lĩnh yến được ban, thêm nữa là bọn cung nữ theo hầu thái hậu, lệnh cho các đại thần không phải hành lễ, cứ theo thứ tự mà ngồi. Thái Hậu lên tiếng:
– Thảo mộc điêu linh, trông cũng đau lòng. Đêm qua trẫm đặc ban chiếu chỉ, hướng thần hoa thử mượn trước mùa xuân, không ngờ sáng nay vạn hoa đều nở, cũng đủ thấy cảnh thái bình thịnh trị của triều đình. Lúc này uống cho say, ai nấy đều hãy vui vẻ mà về. Hoặc có thơ có phú ghi lại chuyện này chăng?
Lại sai tả hữu xem trong số thảo mộc có loài nào dám coi thường chiếu chỉ mà không chịu nở hoa chăng. Tả hữu thưa:
– Muôn hoa đều nở, duy chỉ hoa dâm bụt là không chịu vâng lệnh.
Thái hậu liền lệnh cho cắt hết cành, đày ra bãi hoang, làm bờ rào, không cho trồng trong vườn nữa.
Bọn Vũ Tam Tư vốn phường xiểm nịnh, tìm hết lời hoa mỹ để ngợi ca, riêng Địch Nhân Kiệt cùng một vài viên quan nữa thì tâu:
– Mùa xuân sinh sôi, mùa thu thì tàn úa, đó là lẽ thường của tạo hóa. Nay trăm hoa bỗng nở đầy, đúng là uy phúc của bệ hạ rộng lớn. Nhưng mùa đông mà lại thể hiện tiết xuân cũng cần phải tỉnh táo mà sửa mình vậy.
Rượu được ba tuần, quần thần cáo lui, thái hậu nhân Hoài Nghĩa chờ trong nội cung, nên cũng quay ngay về. Vũ Tam Tư thấy thái hậu không mời mình về cung, trong lòng nghi hoặc, đi qua Ngoạn Nguyệt đình, rẽ sang Thúy Bích hiên, thấy Thượng Quan Uyển Nhi đang dựa lan can mơ mộng.
Chính là:
Mặt tươi phấn điểm hoa lê
Lưng ong thân liễu tròn xuê nhẹ nhàng
Buồn tênh tựa hẫng lan can
Đong đưa ai biết hồn tan nơi nào
Tam Tư ở chỗ thái hậu, vẫn thường thấy Uyển Nhi đã có để ý tới, nay thấy mỗi mình Uyển Nhi ở đây, lấy làm mừng rỡ, cất tiếng:
– Uyển Nhi, một mình ở đây tư lự điều gì thế? Có phải đang nghĩ đến ta chăng
Uyển Nhi quay đầu lại, thấy Tam Tư, liền cười:
– Thiếp chẳng nghĩ đến ngài đâu, mà đã có bậc trên cao nghĩ đến rồi.
Tam Tư hỏi:
– Là ai thế?
Uyển Nhi đáp:
– Thiếp xin hỏi ngài, hôm nay dự yến ở Sướng Hoa đường kia mà, sao lại lạc bước tới đây?
Tam Tư đáp:
– Ngươi chẳng cần phải theo dõi. Ta đến tìm ngươi ở Thúy Bích hiên này, có chuyện gì muốn nói đây.
Uyển Nhi giục:
– Có chuyện gì thì hãy nói ngay xem nào
Tam Tư cười:
– Ngươi hãy vào góc này đã, ta mới nói.
Uyển Nhi đành phải theo đến. Tam Tư hỏi:
– Ai đang cùng vui đùa với thái hậu ỡ trong cung vậy?
Uyển Nhi đáp:
– Phùng Trưởng lão chứ còn ai nữa!

Tam Tư liền ôm lấy Uyển Nhi mà rằng:
– Cô em ơi, vừa rồi cô em bảo có người nghĩ đến ta, đúng ra ai thế?
Uyển Nhi liền kể chuyện lúc Vi Hoàng hậu còn ở trong cung:
– Thiếp thường vẫn trước mặt Vi Hoàng hậu khen ngợi ngài phong lưu, thân mật ra sao, lại kể ngài ở trong cung, quan hệ với thái hậu thế nào. Hoàng hậu hay thở dài, rồi cất tiếng than: “Thảo nào thái hậu yêu dấu Tam Tư đến thế! Thế không phải là hoàng hậu nghĩ đến ngài còn gì? Đáng tiếc là giờ lại đã theo chúa thượng ra tận Phòng Châu mất rồi. Nếu Hoàng hậu mà được về, thiếp sẽ dẫn ngài đến, lại không hơn trong cung kia sao?
Tam Tư đáp:
– Vi Hoàng hậu nếu đã có lòng yêu thế, ta sẽ hết sức chu toàn trước mặt thái hậu, để Lư Lăng Vương cũng sẽ được triệu về.
Nói xong, liền chia tay.
° ° °
Lại nói Sách Nguyên Lễ, Chu Hưng, Lai Tuấn Thần cũng được dự yến ở hướng Hoa đường, thấy bọn người chính trực Địch Nhân Kiệt, An Kim Tàng dáng vẻ ngang nhiên, không coi bọn chúng vào đâu trong lòng đều giận dữ, khác nào Hoài Nghĩa căm tức Lương Tự vậy. Gặp ngay chuyện Dương Sơ Thành ở Quắc Châu, kéo bè cánh định nghênh giá nhà vua ở Phòng Châu về, thái hậu ra lệnh bắt giam. Hoài Nghĩa cùng vào hùa với bọn Chu Hưng, vu cho Tô Lương Tự, Địch Nhân Kiệt cùng An Kim Tàng liên hệ với bọn Sơ Thành để mưu phản. Lai Tuấn Thần lại vứt một cái quạt vào trong hòm đựng tấu chương của triều đình, trên có viết hai bài từ “Túy hoa Âm” nói là Lương Tự mỉa mai thái hậu, cũng nhằm mưu phản nghịch:
1. Xuân về hoa nở lẽ thường,
Phá mùa đông tuyết phải nhường ai.
Nhưng đâu cứ mãi thế này
Một còn không chắc dễ hai được nào
Đem “đan chiếu” 1 truyền vào thượng uyển
Bắt muôn hoa nở rộn một khi
Cỏ cây nào biết nói gì.
Mặt rồng đẹp ý là tùy tay ai?
2. Nở trái tiết, lẽ khác thường
Chẳng qua chỉ muốn tìm đường a dua
Đêm qua “đan chiếu” một tờ
Muôn hoa nở cả, ai ngờ một không!
Ấy dâm bụt dửng dừng dưng
Căm quân xiểm nịnh, ghét phường quyền gian
Muôn hồng nghìn tía thẹn chăng?
Thái hậu thấy thế, vô cùng giận dữ, nhưng vẫn biết Địch Nhân Kiệt vốn là viên quan trung trực lâu nay liền cầm bút xóa tên đi, còn lại lệnh cho Sách Nguyên Lễ tra hỏi. Nguyên Lễ được dịp tra tấn rất tàn khốc, chẳng rõ vu hại được nhiều ít, nhưng riêng Tô Lương Tự thì nhất quyết bắt phải nhận có mưu phản, Lương Tự gào thét:
– Còn có chín miếu linh thiêng của trời đất ở trên, nếu như Tô Lương Tự này mà có lòng khác, thì xin chịu tội chết cả họ.
Bọn này lại kéo An Kim Tàng lên tra khảo, Kim Tàng nói:
– Làm con thì phải hiếu, làm bề tôi thì phải trung, nay nhà vua đã muốn bề tôi chết, việc gì phải bức bề tôi mưu hại nhà vua, cái việc mà bề tôi không làm. Còn nếu không tin vào lời Kim Tàng này, xin được mổ bụng để rõ Kim Tàng này không hề có mưu toan phản loạn.
Liền cầm lấy đoản kiếm, tự mổ bụng mình, ngũ tạng đều lộ ra cả máu chảy lênh láng cả pháp đường. Đỗ Cảnh Kiểm, Lý Bạch biết rõ Kim Tàng lâu nay lòng dạ ngay thẳng, vội quát tả hữu giằng lấy đoản kiếm, tâu lên thái hậu rõ. Thái hậu liền truyền lệnh bọn Tuấn Thần không được tra hỏi nữa, và gọi ngay Thái y viện vào chăm sóc.
Việc làm của An Kim Tàng xa gần đều nghe, thứ sử Mị Châu là Anh Công Từ Kính Nghiệp, cùng em là Kính Du, đi qua Dương Châu, nghe tin này không giấu được giận dữ:
– Đáng tiếc thay tiên đế anh hùng khắp thiên hạ, biết bao năm xông pha chiến trường, mới có được cuộc thái bình này, để đến nay bị một con đàn bà ngang nhiên tọa hưởng, đem con cái tiên đế giết hại gần hết. Chẳng nhẽ nước non này, cuối cùng lại rơi vào tay họ Vũ? Khắp triều công khanh đều chỉ là tượng gỗ cả hay sao?
Kính Du thêm:
– Sao anh nỡ nói thế, trăm quan bây giờ đều thuộc lũ đàn em, ai cũng chỉ giữ thân mình, lo cho nhà mình. Họ có dâm loạn, nhưng kỷ cương của triều đình vẫn còn đó. Đáng giận là lũ chuột cáo, nay nếu có bậc trung thần nghĩa sĩ nào đứng ra trừ diệt bọn này, thì ai cấm nổi được.
Bỗng thấy Đường Chi Kỳ, Lạc Tân Vương tới, cũng bởi họ Đường, họ Lạc bị biếm trích nên mới về Dương Châu cả. Hai người cất tiếng hỏi:
– Các người nói chuyện bất đắc chí gì thế này?
Kính Nghiệp đáp:
– Nhị vị tới đúng lắm, có việc ở kinh vừa báo về, xin hai vị cứ xem sẽ rõ !
Hai người xem xong, Chi Kỳ không ngớt than thở, còn Tân Vương thì nói với Kính Nghiệp:
– Chuyện này, tiên nghiêm mà còn, thì may có thể vãn hồi! Nay nói cũng biết vậy thôi.
Kính Nghiệp cãi:
– Sao hiền huynh lại nói vậy. Gặp lúc hoạn nạn, hãy giương cao cờ nghĩa, kéo binh về kinh, cũng có thể thay đổi được chứ sao?
Chi Kỳ hỏi:
– Nếu đúng như thế, sao đại huynh lại ngồi yên một chỗ.
Tân Vương thêm:
– Nếu đại huynh muốn giương cao cờ nghĩa, tiểu đệ xin viết tặng một bài hịch vậy!
Kính Nghiệp đáp:
– Hiền huynh mà định giúp thực, tiểu đệ xin đứng ra gánh vác việc này, nay mai làm lễ cáo trời đất, tế Đường Cao Tổ, ra lệnh cho ba quân, giương thẳng cờ nghĩa. Giờ thì hãy thong thả uống rượu, rồi hiền huynh nghĩ dần bài hịch cho.
Tân Vương đáp:
– Việc gì mà phải nghĩ, cứ theo việc mà bàn là đã thành sách kể không hết tội còn gì!

Kính Du nói:
– Chỉ cần nói chuyện chặt tay chân hoàng hậu cùng phi tử, thì lòng dạ ấy thực đàn ông cũng không thể có vậy.
Tiểu đồng bưng rượu ra, tất cả đều dùng chén lớn uống luôn mấy chén. Tân Vương đứng dậy nói:
– Hãy để tiểu nhị viết đã, chư huynh xem qua, phủ chính cho ít nhiều.
Rồi tới bên án, mở rộng giấy viết ngay:
Ngụy triều, Vũ Thị tính đâu có hòa thuận xuất thân hàn tiện.
Xưa thời Thái Tôn được vào hầu trong cung. Kịp khi có tuổi, đã mang tiếng làm nhơ bẩn nội tẩm. Về sau, che giấu việc hầu Thái Tôn, lại được vào hầu tiên đế, sinh ra ghen tuông, nhân có chút nhan sắc, không chịu nhường ai, rồi dèm pha, nịnh hót, làm mê hoặc lòng chúa. Lên ngôi hoàng hậu đưa đường tiên đế vào thói hươu nai. Tính tình sài lang, gian ác, tàn hại trung lương, giết chị, giết anh, giết vua, giết mẹ. Thần người đều ghét, trời đất không dung, sinh lòng phản nghịch. Muốn đổi ngôi vua, giao cho họ mình quyền cao chức trọng.
Kính Nghiệp tướng quân, vốn cựu thần nhà Đường ta, dòng dõi công hầu, đã từng cùng tiên quân dựng nên nghiệp lớn, được hậu ân bản triều, như Vi Tử như Viên Quân Sơn xưa, buồn thốt ra lời than, giọt nước mắt không phải là không có cớ. Thế cho nên nghĩa khí nổi lên như mây bay, như gió cuốn, chí muốn yên xã tắc, thấy thiên hạ thất vọng, vậy thuận lòng mong muốn của dân, phất cờ khởi nghĩa để tảo trừ loài yêu nghiệt.
Các nghi hoặc ở trong đất nước, hoặc trọng hàng tôn thân, hoặc chịu lời ký thác xưa, hoặc được truyền di mệnh, lời ban còn văng vẳng bên tai, lòng trung đâu đã đổi: Đất lăng chưa ráo, vua nhỏ nhờ ai. Nếu được chuyển họa thành phúc, nhớ vua trước, giúp vua sau, cần vương nên việc, thì không phụ mệnh tiên quân, Có lòng tất có thưởng, lấy sông núi chứng minh. Nếu còn cố giữ thành trì cho giặc, do dự không theo đường chính, ngu tối không đoán việc trước, thế tất chậm trễ là bị cực hình.
Cứ xem tình hình trước mắt sẽ biết thiên hạ về ai. 2
Kính Nghiệp ngồi ở bên, vừa xem Tân Vương viết, vừa chảy nước mắt khóc, mà vẫn theo dõi Tân Vương viết cho đến tận chữ cuối cùng, chén rượu trong tay rơi vỡ lúc nào không biết, tay đập án mà thở than. Tân Vương viết xong, vứt bút xuống đất chửi thề:
– Kẻ nào đọc bài hịch này mà không động tâm, thì đúng là loài cầm thú vậy!
Mọi người xúm lại đọc một lần nữa, không ai là không rơi nước mắt. Ai có thể ngờ rằng, chỉ với một bài hịch, mà chẳng khác gì một đạo luật trị nước an dân, có thể làm cho người này đau xót, kẻ khác nước mắt ngắn dài, người người than thở, ai nấy thương tâm. Kính Du cất tiếng:
– Lúc này không phải lúc khóc than, mà chính là lúc các ngài nên bàn bạc xem phải hành động như thế nào!
Tất cả ngồi lại, Kính Nghiệp lên tiếng:
– Ngày mai xin tất cả các vị tới sớm, còn có mấy người bạn quen biết, cần phải mời họ cùng bàn luận.
Họ Lạc họ Đường nghe lời ra về.
° ° °
Lại nói chuyện lúc này Địch Nhân Kiệt làm tể tướng, xem xét số tù nhân trong ngục chưa thành án, còn tới hơn tám trăm năm mươi người. Nhân Kiệt mới dâng sớ kể tội Sách Nguyên Lễ dùng nhục hình tàn khốc tâu lên thái hậu. Thái hậu bèn lệnh cho Nghiêm Tư Thiện tra xét. Tư Thiện liền mời Chu Hưng đến cùng uống rượu, rồi nói với Chu Hưng:
– Bọn tù phạm nhất định không chịu nhận tội, thì làm thế nào bây giờ?
Chu Hưng đáp:
– Bắt nhét vào chum, rồi đốt lửa hun thật nóng, thì tội gì mà chẳng phải nhận.
Tư Thiện gọi lấy ra một cái chum lớn, đốt than rừng rực ở bên ngoài, rồi đứng dậy nói với Chu Hưng:
– Có kẻ trong bọn tội phạm khai tội cho ngài, xin mời ngài vào chum cho!
Chu Hưng đành phải cúi đầu nhận tội, bị đày ra Lĩnh Nam, nhưng rồi những nhà bị Hưng bức hại tìm cách giết chết. Còn bọn Sách Nguyên Lễ, Lai Tuấn Thần, đem chém thây bêu ngoài chợ, dân chúng đua nhau giành cướp thịt về ăn, chẳng mấy chốc hết sạch.
Thái Hậu biết rõ thiên hạ oán ghét, bèn xuống chiếu làm tội bọn ác nghiệt này, nhiều kẻ bị tru di ba họ. Vì vậy những chuyện tàn khốc, chỉ một sớm đã hết sạch, tất cả quân cho đến dân đều mừng rỡ mà rằng:
– Từ nay ngủ lưng mới được dính chiếu.
Một hôm, Vũ Tam Tư vào cung, đem tờ hịch của Từ Kính Nghiệp cho thái hậu xem. Xem xong thái hậu rùng mình than dài, rồi hỏi:
– Ai là người viết tờ hịch này?
Tam Tư thưa:
– Lạc Tân Vương?
Thái hậu phán:
– Có tài như thế mà không dùng được, đến nỗi phải lưu lạc, tức là lỗi ở bậc tể tướng trước kia vậy!
Tam Tư nhân đó đem chuyện Kính Nghiệp có hẹn với Bùi Diễm làm nội ứng nhưng trong thư của Bùi Diễm chỉ có mỗi hai chữ “Thanh nga”, chẳng ai hiểu gì cả. Thái hậu phán:
– Có gì là khó hiểu. “Thanh” nghĩa là tháng mười hai. “Nga” nghĩa là cùng với ta 3. Chính là dặn tháng mười hai này sẽ về kinh, ta sẽ cùng hưởng ứng vậy. Nay Bùi Diễm đang đi công cán ở bên ngoài, nên chưa truy bắt vội, chỉ cần sai đại tướng Lý Hiếu Dật đi tiễu trừ Từ Kính Nghiệp là đủ. Nhưng ta nghĩ rằng Lư Lăng Vương ở Phòng Châu, vốn là con trưởng của ta, nếu vương có lòng khác, thì thật là rầy rà. Nên phải tìm một kẻ tâm phúc, đi dò xem thực hư ra sao, mà chưa tìm được ai cả.
Tam Tư nhớ lại những lời của Uyển Nhi, nói Vi Hoàng hậu ái mộ mình ra sao, bèn thưa:
– Thần họ không phải tâm phúc của bệ hạ sao? Xin hãy cho thần được đi lần này!
Thái hậu phán:
– Khanh không đi được!
Tam Tư thưa:
– Việc này là việc quốc gia đại sự, nếu người khác đi, thật giả biết thế nào mà tin!
Thái hậu vẫn do dự, thì cung nga vào quỳ thưa:
– Phùng trưởng lão đã vào!
Thái hậu hỏi Uyển Nhi:
– Ngươi hãy đưa Vũ đại nhân ra.
Uyển Nhi nói với Tam Tư:
– Thiếp cùng ngài hãy theo phía trái mà ra thì hơn.
Tam Tư hỏi:
– Sao không đi đường đông này?
Uyển Nhi đáp:
– Phía tây sạch sẽ hơn nhiều!
Tam Tư hiểu ý, bá vai Uyển Nhi, đùa rỡn một hồi, đem chuyện thái hậu sai đi Phòng Châu kể lại, để thăm dò Uyển Nhi xem sao.
Uyển Nhi nói:
– Việc này là bởi vì thiếp, thiếp có một ít lễ vật đưa trình Vi hoàng hậu, xin có thêm một lá thư, nhắc nhở hoàng hậu, mai này có gì cũng xin đừng quên thiếp vậy nhé?
Tam Tư đáp:
– Nhất quyết là thế rồi!
Liền chia tay.
Ngày hôm sau, thái hậu xuống chỉ, sai Tam Tư lập tức đi công cán Phòng Châu. Tam Tư liền vào cung từ biệt, Thái Hậu dặn dò kỹ lưỡng. Uyển Nhi lén đem lễ vật cùng thư viết giao cho Tam Tư.
Mấy ngày sau, Tam Tư đã tới Phòng Châu, tìm quán trọ nghỉ ngơi, dặn tay chân giả xưng là khách thương tìm đến Phòng Châu mua hàng hóa.
Tam Tư chờ mãi tới đêm khuya vắng vẻ, mới vờ hỏi dò chủ quán:

– Lư Lăng Vương ở đây tiếng tăm ra sao?
Chủ quán thưa:
– Vương phụ rất tốt, thỉnh thoảng cũng có đi qua đường này. Chẳng là ở chùa Cảm Đức đây, có trưởng lão Tuệ Phạm, nên ngày rằm, mùng một, vương phụ vẫn ra chùa nghe trưởng lão giảng kinh. Thật đáng tiếc, một vị hoàng đế tốt đến thế, không biết vì lẽ gì, mà mẫu hoàng không vừa lòng, đày tận ra đây.
Tam Tư thầm nghĩ: “Lư Lăng Vương làm những việc này rõ là không có lòng nào khác. May vừa hôm nay là mười bốn, mai là ngày rằm, đợi vương ra chùa, ta vào xem sao”.
Sáng ngày hôm sau, Tam Tư cùng với ba bốn tên tiểu lại, lên kiệu vào phủ. Lính canh biết Tam Tư, không hiểu sự thể ra sao, liền vội vào trình Vi Hoàng hậu. Vi Hoàng hậu liền gọi thái giám vào hỏi:
– Có những ai đi theo Vũ Đại nhân nữa?
Thái giám thưa rõ. Vi Hoàng hậu nói:
– Nếu như thế, Vũ Đại nhân vốn là chỗ họ hàng thân thích, chẳng câu nệ, hãy mời vào trong cung gặp gỡ vậy.
Thái giám ra rước vào. Tam Tư thấy Vi Hoàng hậu ra đón, đưa mắt nhìn, thì:
Thân hình yểu điệu
Phong thái thanh cao
Mũi tựa ngọn quỳnh ngọc giao chung đức
Mắt gồm sóng nước sóng tình hợp thành
Tóc xanh tha thướt
Khác nào rồng lượn giửa mây xanh
Da trắng mịn màng
Khó phân Tây Thi bên ngòi biếc.
Tam Tư vội vàng quỳ lạy, Vi Hoàng hậu hoàn lễ, rồi mời ngồi, hỏi:
– Thái hậu có khỏe không?
Tam Tư cười thưa:
– Dạo này cũng thư thái ít nhiều!
Vi Hoàng hậu rớt nước mắt:
– Lăng Vương ta vô ý nói một câu xúc phạm đến thái hậu, đến nỗi bị đuổi, giờ thì chẳng biết đến khi nào vợ chồng ta mới lại được trở về quỳ dưới gối?
Tam Tư hỏi:
– Vương phụ hiện không có trong cung sao?
Vi Hoàng hậu đáp:
– Sáng sớm ra chùa Cảm Đức, đã sai người mời về. Cũng bởi không biết Vũ Đại nhân đến vậy?
Tam Tư tiếp:
– Thượng Quan Uyển Nhi nhớ mong nương nương, nên có nhờ đưa thư trình.
Rồi lấy thư trong hia, tả hữu bưng lễ vật, trình lên. Vi Hoàng hậu bóc thư Uyển Nhi ra xem, vừa xem vừa khẽ cười. Hầu gái vào thưa:
– Vương phụ đã về !
Vi Hoàng hậu ra đón Trung Tôn vào, cùng Tam Tư chào lễ, an tọa, Trung Tôn vấn an thái hậu, rồi hàn huyên chuyện triều đình, chuyện hoàng tộc. Trung Tôn nói:
– Vũ hiền huynh 4 hiện đang ở đâu?
Tam Tư đáp:
– Hiện đang ở quán cơm ngay trước phủ, định sáng ngày mai sẽ lên đường.
Trung Tôn nói:
– Sao lại thế được. Hiền huynh không xem ta là em sao, mà vội vàng thế, ta còn nhiều chuyện muốn hỏi.
Liền sai tả hữu:
– Hành lý của Vũ Đại nhân hiện đang ngoài quán hàng, hãy sai người lấy đem vào đây!
Rồi đưa Tam Tư vào điện tiệc rượu. Tam Tư đem chuyện Kim An Tàng mổ bụng moi ruột, cùng chuyện Từ Kính Nghiệp thảo hịch, thái hậu sai Lý Hiếu Dật đi tiễu trừ, vừa sai mình đi Dương Châu, lệnh cho Lâu Sư Đức cùng phát binh thảo phạt, kể lại một lượt. Trung Tôn giận dữ nói:
– Từ Mậu Công vốn là công thần, mẫu hậu đối đãi thế nào, mà đến nỗi con cháu phải ngang ngược đến vậy. Nay thì dẫu có bắt được Kính Nghiệp, băm xác làm trăm mảnh cũng không đủ chuộc tội vậy!
Liền lệnh cho dọn dẹp thư phòng ở phía sau. Trung Tôn lui vào thay áo. Tam Tư đã thấy bày tiệc rượu sẵn, lại thêm người hầu gái đứng hầu Vi Hoàng hậu vừa rồi giả dạng mời trà, lại gần thưa khẽ với Tam Tư.
– Xin Vũ Đại nhân đừng uống quá say rượu ngon, nương nương còn có chuyện muốn nói với đại nhân.
Trung Tôn đã ra ngồi vào bàn tiệc, mọi người cố tình mời Trung Tôn uống rõ say rồi dìu vào phòng trong.
Tam Tư thấy ở gian bên là giường đệm, sắp sẵn hoa lệ, liền lệnh ấy tay chân đi nghỉ trước, còn mình thì dựa án xem sách.
Chẳng mấy lúc Vi Hoàng hậu đã ra, Tam Tư vội đứng dậy đón:
– Hạ quan thật là may mắn, đội ơn nương nương thương đến!
Vi Hoàng hậu khẽ đáp:
– Đừng lên tiếng!
Rồi rút ra ở trên mái tóc ra một cái trâm có gắn ngọc minh châu, tháo ở tay ra một xuyến bích ngọc liên hoàn đặt trên bàn, lên tiếng thì thầm:
– Cũng bởi Vũ hiền huynh không thờ ơ với ta vậy!
Tam Tư đáp:
– Tam Tư này trở về, thưa ngay với thái hậu rõ vương phụ hiếu thuận ra sao, để làm thế nào vương phụ được gọi về triều ngay.
Vi Hoàng hậu đáp:
– Như thế thì còn gì bằng. Ta có một cành trâm này, gọi là tặng đại nhân để nhắc đại nhân đừng phụ ta. Còn Uyển Nhi thì ta không tiện viết thư, đại nhân hãy vì ta mà chuyển lời cảm ơn, có xuyến ngọc đây xin nhờ đại nhân đưa giùm.
Nói rồi đứng dậy từ biệt Tam Tư mà vào.
Tam Tư ở lại phủ, nhưng sợ dằng dai, thái hậu nghi ngờ, liền từ biệt Trung Tôn lên đường về kinh.
Muốn biết sự thể ra sao, xin xem hồi sau phân giải.——————————–
1Dùng chữ “oan” để chế giễu. “Chiếu” theo nghĩa khác: chiếu chăn. 2Theo bản dịch của Hoàng Khôi, “Cổ văn” tập 11, Trung tâm học liệu Sài Gòn, 1970, có thay một vài chữ. 3″Thanh” là màu xanh, gồm chữ “nguyệt”, chữ “thập”, chữ “nhị” thành “thập nhị nguyệt”: tháng mười hai. Chữ “Nga” gồm chữ “Ngã” là tôi, là ta, và chữ “Điều,” gần giống chữ “Dữ” là cùng, với. 4Vũ Tam Tư là cháu của thái hậu, nên Trung Tôn xưng hô thế!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận