Từ rằng:
Thiên “Tư can ” Kinh Thi dạy gái 1
Chí phép nhà lẽ phải nào sai
Hợm mình giỏi dám khoe tài
Những là bình luận ngân dài thơ văn
Cả vua, hậu, phi tần, công chúa
Việc tôn nghiêm sao nỡ khinh thường
Trong ngoài trà trộn lăng nhăng
Dưới trên ngâm vịnh bông phèng mỉa mai.
Theo điệu “Tây giang nguyệt”
Người đàn ông có đức chính là có tài, người đàn bà vô tài lại chính là đức vậy. Cũng có khi, người đàn ông vừa có đức vừa có tài, nhưng người đàn bà có tài lại thường không có đức. Vì vậy, người đàn bà có tài, thường lại không được bằng người đàn bà tầm thường. Nàng Ấp Khuông mở đầu cho loạn lạc thời nhà Chu, cũng chỉ bởi cậy tài vậy. Bản thân tài không nhất thiết gây đến lụy, chỉ khi nào người ta ỷ vào tài mình mà làm bậy thì tai họa mới đến, đó chính là việc có tài mà không có đức.
Thật đáng tiếc thay. Ở người đàn ông chữ tài có khi khuynh loát trước chữ đức, nhưng ở người đàn bà, thì đức hạnh xấu để tiếng nghìn đời, dẫu có đủ tài sắc thế nào nữa vẫn thành chuyện cười cho đời sau. Vì vậy, người đàn bà có tài, không được tự huyễn hoặc, thì đó chính là đức vậy. Nhưng sự huyễn hoặc đó của người đàn bà, phần lớn lại đều do bởi người đàn ông mà có. Việc này ở hạng sĩ dân cũng đã không xong rồi, huống chi lại ở bậc vua chúa, hoàng hậu, công chúa chí tôn. Trong cung cấm đã không nghiêm, mà từ trăm quan cho đến phi tần, hoàng hậu công chúa, rượu tiệc thơ phú đủ chuyện lố lăng. Lại thêm bọn hoạn quan, lũ hề lùn ăn nói linh tinh, không phân ngôi thứ, thành một trò cười ai sau.
° ° °
Nay hãy khoan nói việc Trung Tôn hôn ám, Vi Hoàng hậu lộng quyền, hãy nói chuyện trong số triều thần, có hai tài tử: một người họ Tống, tên Chi Vấn, tự Diễn Thanh, người Phần Châu, giữ chức Khảo công viên ngoại lang, một người họ Thẩm, tên Thuyên Kỳ, tự Vân Khanh, người Nội Hoàng, giữ chức Khởi cự lang.
Nếu nói chuyện tài năng thì một người tám lạng, một kẻ nửa cân. Nhưng Tống Chi Vấn mặt mày tuấn tú, cử chỉ phong lưu, chuyện trai gái lại rất thành thạo. Chi Vấn làm quan từ thời Vũ Tắc Thiên, nhân thấy bọn Trương Dịch Chi, Trương Xương Tông, cũng vì đẹp trai mà được Tắc Thiên sủng ái, phú quý không ai bằng, cho nên trong lòng không khỏi so sánh. Mỗi lần tấu bày trước mặt Vũ Tắc Thiên, thấy mặt mày Vũ Tấc Thiên nhìn ngó đong đưa, cũng có vẻ yêu thương, nhưng cuối cùng vẫn chẳng được triệu vào nội cung. Chi Vấn không nhẫn nại được nữa, phải nhờ một nội giám thân tín với Vũ Tắc Thiên tiến dẫn, khoe đủ tài năng trong ngoài của mình. Tắc Thiên cười mà đáp rằng:
– Trẫm không phải không yêu tài, nhưng nghe nói người này miệng hôi lắm, cho nên không thể gọi vào hầu hạ ngay cạnh nữa.
Nguyên là Chi Vấn, tuy đẹp trai, nhưng từ nhỏ đã có bệnh thối miệng, có người đã thưa cho Tắc Thiên rõ, vì vậy Tắc Thiên không muốn gần. Viên nội giám lại đem những lời này nói lại cho Chi Vấn biết. Chi Vấn vô cùng hổ thẹn, từ đó, thường hay ngậm kê thiệt hương, để lỡ may được triệu đến. 2 Chỉ cần một mẩu ngắn thế, cũng đủ rõ phẩm hạnh của bậc tài tử này vậy.
Thẩm Thuyên Kỳ cũng vốn đi lại với Chi Vấn một bọn, về sau làm tay chân cho An Lạc công chúa, nhận ăn hối lộ bị người tố cáo, phải đày đi Hoan Châu, may được An Lạc công chúa che chở, lại được gọi về dùng. Lúc này An Lại chiếm phủ đệ cũ của Lâm Xuyên Trường Minh Công chúa, tu tạo lại, rồi mời Trung Tôn ngự giá tới thăm, sai Thuyên Kỳ hầu yến, lệnh cho làm thơ, để ghi lại việc hiếm có, hạn vần “Thiên”. Thuyên Kỳ vâng mệnh, làm ngay một bài thơ luật sau đây:
Hoàng gia phú quý bậc thần tiên
Nhà dựng sông Ngân ở sát bên
Xây núi đã hơn hòn Phượng Lĩnh
Đào hồ chẳng kém nước Long Xuyên
Màn trao phí thúy thơm lầu trước
Thềm lát hoàng kim sáng cửa bên
Kính cẩn theo xe dong đến đó
Rượu đà chúc thọ lạc quân thiên.
Trung Tôn cùng công chúa xem thơ, ca ngợi mười phần, công chúa nói thêm:
– Khanh với Tống Chi Vấn tên tuổi ngang nhau, người đời vẫn gọi chung là “Thẩm Tống “, nay làm thơ phú, lẽ nào có Thẩm mà lại không có Tống hay sao?
Liền sai nội thị, triệu Chi Vấn tới. Công chúa trước tiên đưa cho xem bài thơ của Thuyên Kỳ, sau đó nói tiếp:
– Thẩm Khanh đã làm thơ thất ngôn, nay khanh hãy làm một bài ngũ ngôn luận xem sao.
Chi Vấn thưa:
– Thuyên Kỳ đội ơn thượng hoàng ra vần, nay thần cũng xin công chúa hạn vần cho.
Công chúa cười:
– Khanh tài không trời đất, hãy lấy vần “không” có nên chăng?
Chi Vấn vâng mệnh, viết bài ngũ ngôn sau:
Tôi hiền xây quán thụ
Chúa thành ngự nhà vàng
Khách đến sông Ngân hiện
Tiên về ánh nguyệt không
Đói mồi cột én hót
Vàng chói sắc cầu vồng
Đài Tần tiêu thánh thót 3
Tường Lỗ sách trùng trùng 4
Điệu múa trêu làn gió
Lời ca níu ánh hồng
Tìm nơi dừng gót ngọc
Rực rỡ hoa rưng rưng.
Thơ xong, công chúa vừa xem vừa khen. Trung Tôn cũng không tiếc lời ngợi ca, lệnh thưởng cho hai tấm đoạn, công chúa lại còn thưởng thêm. Hai người tạ ơn mà ra. Lần này Thuyên Kỳ trong lòng cũng có vẻ hậm hực, vì lâu nay tiếng tăm cả hai bằng nhau, không ai trên ai dưới. Nay chỉ thấy công chúa khen tài Chi Vấn trên đời không ai sánh, nên trong lòng không phục.
Đến năm Cảnh Long thứ ba, ngày ba mươi tháng giêng. Trung Tôn đi chơi hồ Côn Minh, ban yến cho quần thần. Hồ Côn Minh này đào từ thời Hán Vũ Đế. Vũ Đế vốn là một hoàng đế “hiếu đại hý công”, muốn chinh phạt nước Côn Minh, nhân nước này có hồ rộng tới ba trăm dặm, cực kỳ hiểm trở, nên mới đào hồ này ở đây, để theo đó mà tập thủy quân. Vì vậy hồ vừa rộng vừa hùng vĩ, trong hồ có lầu các đình tạ, sẵn mọi thứ cho việc ngự du. Trước đó hai ngày, Trung Tôn đã truyền dụ cho trăm quan, mỗi người phải dâng một bài ngũ ngôn bài luật tức sự, sẽ tuyển bài thơ hay nhất, để phổ vào khúc điệu mới, vì vậy các quan đua nhau đem những lời hoa diễm nhất vào thơ. Vi Hoàng hậu nói với Trung Tôn:
– Các quan trong triều tự phụ tài cao, không tin rằng phi tần trong nội cung, cũng có người sẵn tài năng chẳng kém gì đàn ông. Cứ như ngụ ý của thiếp, ngày mai nên cho những bài thơ của quần thần làm ra, lệnh cho Thượng Quan Chiêu nghi bình duyệt, để mọi người thấy trong cung cũng có bậc tài tử, từ đó về sau, mỗi lần làm thơ ứng chế, không ai là không gắng hết sức.
Trung Tôn thích ý mà rằng:
– Những lời này thật hợp ý trẫm!
Uyển Nhi vội thưa:
– Thần thiếp chỉ là một cung nga, nay đứng ra bình phẩm thơ ca của trăm quan, liệu mọi người có phục chăng?
Trung Tôn cười:
– Chỉ cần khanh bình cho công bằng xác đáng, thì chẳng có điều gì đáng ngại cả.
Liền truyền lệnh dựng ngay trên bờ hồ. Côn Minh một tòa lầu phủ đầy lụa là, gấm vóc, để Thượng Quan Chiêu nghi ngồi bình thơ.
Thánh chỉ ban ra, người người nghị luận xôn xao, kẻ cho rằng coi thường trăm quan, nên lấy làm hậm hực. Cũng có người lại vui mừng, cho rằng đó là chuyện phong nhã. Đến ngày hôm ấy, Trung Tôn cùng Vi Hoàng hậu, Thái Bình công chúa, An Lạc công chúa, Trường Ninh công chúa, Thượng Quan Chiêu nghi đến hồ Côn Minh. Tiệc rượu đã bày sẵn, trăm quan triều bái xong xuôi, Trung Tôn ban yến ngay bên bờ hồ. Hoàng hậu cùng các công chúa thì dự yến ngay trong nội điện. Tiệc rượu xong, triều thần dâng thơ. Trung Tôn phán:
– Chủ khanh đều là bậc tài cao, nhưng lý ra phải có người cao kẻ thấp. Trẫm nhất thời hãy khoác áo ngồi nhàn, để xem Thượng Quan Chiêu nghi, tài giỏi bậc nhất của nội cung, thử duyệt bình giai phẩm của bách quan, cũng là làm nên một giai thoại cho đời sau. Các khanh hãy trổ hết tài năng xem sao!
Triều thần cúi đầu tạ ơn. Trung Tôn truyền ọi người ngồi ngay trong điện, hoặc dọc theo lan can, chia làm hai bên, ai thơ không được chọn đứng sang phải, còn ban đầu đều đứng trình trái điện.
Lát sau thấy Thượng Quan Uyển Nhi, đầu đội mũ phượng, khoác áo gấm thêu, hai tay áo rũ dài tha thướt, chẳng khác gì tiên nữ xuống trần, trước tiến về phía Trung Tôn cùng hoàng hậu tạ ơn, rồi cung nga đỡ lên lầu gấm, ngồi ngay trước lầu. Bên ngoài lầu treo một tấm biển, viết chữ lớn bằng sơn:
Thượng Quan Chiêu nghi, vâng mệnh hoàng thượng bình thơ, chỉ chọn một bài hay nhất, dâng lên hoàng thượng ngự xem. Những bài không trúng, sẽ trả xuống lầu, của ai người nấy nhận lại.
Ngay trước lầu, bày rất nhiều án thư, đặt đủ văn phòng tứ bảo, rồi nội thị lần lượt dâng trình thơ của các quan lên lầu để Uyển Nhi cầm bút chấm. Các quan đều ngồi ngửa mặt nhìn, chẳng mấy chốc thì thấy những bài thơ không được chọn liệng bay xuống, mỗi lần như vậy, mọi người lại tranh nhau cướp xem có phải của mình chăng, nếu đúng thì giấu ngay vào ống tay áo, lẳng lặng không một lời đứng về phía bên phải điện. Riêng Thẩm Thuyên Kỳ, Tống Chi Vấn, mặc cho giấy bay xuống như bươm bướm, vẫn đứng yên không động đậy, chẳng thèm nhặt xem, họ tự tin rằng thơ của mình nhất định hơn hẳn mọi người, không thể không được chọn. Cuối cùng thơ của xung quanh đều liệng xuống lầu hết, mà thơ của Thẩm lẫn Tống đều chưa thấy ném xuống. Thuyên Kỳ nói khẽ với Chi Vấn:
– Lệnh chúa thượng chỉ chọn một bài, nên trong số hai bài này phải có một bài bỏ ra. Hai chúng ta lâu nay tài danh tương đồng, khó phân hơn kém. Chỉ cần hôm nay, bài của ai được chọn thì hơn thua rất rõ ràng, mai nay không phải tranh nhau hơn kém lôi thôi.
Chi Vấn gật đầu tán thưởng. Mãi sau mới lại thấy một tờ giấy bay xuống, ai nấy đua nhau giành xem, thì ra là của Thuyên Kỳ, bài thơ như sau:
Xe vua dẫn xuân đến
Ao thánh đem Hán về
Hai sao rơi thềm cũ
Ánh nguyệt dẫn tro đi
Kìa tượng hình sấm động
Nọ thuyền ích gặp thì
Căng gấm hoa che núi
Buông màn liễu phủ đê
Ca Phần trỗi lời đẹp 5
Tiệc Cảo dâng điệu quê 6
Bầy tôi phận nhỏ mọn
Lạm dự hàng đẩu khuê.
Ở cuối bài thơ có ghi cả lời bình rằng:
“Hai bài thơ của họ Thẩm, họ Tống, tài lực tương đương. Nhưng những câu cuối của bài thơ họ Thẩm, hơi văn đã cạn, còn của họ Tống vẫn rất dồi dào, bởi vậy bài này hơn bài kia vậy!
Trăm quan đang xúm lại xem, thì Uyển Nhi đã xuống lầu phục mệnh, đưa trình bài thơ của Chi Vấn. Trung Tôn, hoàng hậu cùng các công chúa truyền tay nhau xem, đều xuýt xoa ngợi ca tài người làm thơ, sáng suốt của người chấm. Trung Tôn truyền quần thần đến bên điện, đưa cho xem bài thơ của Chi Vấn:
Hồ xuân mừng gặp hội trời
Sóng vờn trướng phủ khắp nơi điện vàng
Cá kình uốn lượn tung tăng
Đoái trông bè trẩy lên từng đẩu ngưu
Cuối mùa cây cỏ nhấp nhô
Hơi xuân chầm chậm, lơ thơ liễu mành
Cảnh tình như tắm biển xanh
Kiếp xưa ai khiến cháy thành than đen
Nhà Chu đất Cảo rượu liên
Phần Dương Hán chúa thánh hiền nhạc ca
Chớ phiền là nỗi trong tà
Mừng xem châu ngọc chói lòa ngày đêm.
Vốn khi Vũ Hán đế đào hồ Côn Minh này, xúc được đến mấy vạn hộc than đen, không biết loại gì mới gọi Đông Phương Sóc tới hỏi. Đông Phương Sóc thưa:
– Việc này phải triệu nhà sư ở Tây Vực tới hỏi thì mới biết được?
Về sau có nhà sư Trúc Pháp Lan ở Tây phương tới, nhân đem than này hỏi, Trúc Pháp Lan thưa:
– Thế giới đến lúc tận diệt, tất cả các kiếp đều bị thiêu cháy thành từng vùng lớn, cái này chính là cái kiếp đó cháy chưa hết còn lại tro tàn này vậy. Đông Phương Sóc cũng biết chuyện này, sao lại phải đợi đến bần tăng thưa trình.
Trong hồ lại có xây đài, chính là Dự Chương đài, dưới đài có tạc những con cá kình bằng đá, mỗi khi có sấm có mưa, những con cá bằng đá này cũng gào thét. Hai bên đài lại có hai tượng người đá, tương truyền đó là những phiến đá từ trên trời rơi xuống, nên mới sai tạc thành tượng, những kỳ tích đó, đều được hai bài thơ nhắc tới. Các quan xem thơ đều không ngớt lời tán thưởng. Thuyên Kỳ cũng tự thấy mình không sánh kịp. Trung Tôn cũng đòi xem cả bài thơ của Thuyên Kỳ, lại đọc cả lời bình của Uyển Nhi, liền cười phán:
– Uyển Nhi phẩm bình thế, hai khanh thấy thế nào?
Hai người thưa thật xác đáng. Trung Tôn lại phán:
– Còn như bách quan thì thấy có công bằng chăng?
Triều thần đều thưa:
– Quả là cao tài trác việt thì phải nhường cho họ Thẩm, họ Tống. Đến bọn họ cũng phải phục, huống gì chúng thần.
Trung Tôn rất vừa ý, hôm ấy tiệc rượu rất vui vẻ, say sưa mới tan. Từ đó Thuyên Kỳ phải nhường Chi Vấn một bậc, không dám tranh hơn thua nữa.
Chính là:
Khoan nói tài thơ so Thẩm Tông
Hãy nghe nữ sĩ định hơn thua.
° ° °
Lại nói Trung Tôn ngày càng bị Vi Hoàng hậu mê hoặc, thêm một lũ hề, con hát, cùng những nịnh thần ngày đêm vây kín, nên chẳng lúc nào nghĩ đến việc nước, suốt sáng thâu đêm vui chơi yến tiệc. Ngày tháng thoi đưa, chẳng mấy chốc đông hết xuân về, đã là tháng giêng, năm thứ tư đời Cảnh Long rồi. Phong tục kinh thành mỗi tiết thượng nguyên, khắp ba sáu phố phường, ba chợ đêm đến đều treo đèn hoa, lầu lớn nhà nhỏ đều kết lụa giăng gấm, người đi lại như mắc cửi, chuông trống rộn ràng, thâu đêm suốt sáng, chẳng hề cấm đoán gì. Có bài “Niệm nô kiều” sau đây làm chứng:
Đèn đuốc tựa cây cao sáng rực
Đêm kim ngô thả mặc rong chơi
Băm sáu phố phường
Ấy kiến hay người
Ngựa xe chen chúc, ngược xuôi ồn ào
Kết mấy ả áo đào quần tía
Dáng như tiên hồn vía ngẩn ngơ
Trâm rơi, tóc xổ bơ phờ
Dưới đèn lánh mặt, thân sơ biết gì
Quay đầu nghe tiếng gọi xa xa
Tết thượng nguyên này mấy thuở mà
Nót nói cười cười khôn cất bước
Một đoàn sau trước rộn sênh ca
Trăng là là
Cán sao đẩu tà tà
Giục ngựa dong xe
Hát hết khúc thái hòa
Đêm sắp qua
Mệt mỏi trẻ già
Màn thơm đệm gấm, về nhà nghỉ thôi.
Vi Hoàng hậu nghe nói ngoài phố nhộn nhịp, lòng như phát cuồng, liền cùng Uyển Nhi, các công chúa mời Trung Tôn, thay đổi y phục ra khỏi cung xem đèn. Trung Tôn vui vẻ nghe theo, thay ngay quần áo, mũ mãng, giả làm người ngoài phố. Lại sai lũ cận thần Vũ Tam Tư, cũng thay đổi dạng đi theo. Rồi cùng kéo ra đường xem đèn, không chút thận trọng. Quan lính lẫn dân chúng, đều thầm thì bàn tán:
– Đoàn trai gái xem đèn này, nhất định là ở nội cung ra, chẳng phải công chúa thì cũng là phi tần, chẳng phải vương tử vương tôn, thì cũng công hầu phò mã. Thật đáng buồn cười cho Đại Đường Hoàng đế, khó mà nói bởi trong cung không có đèn đuốc để xem, mà phải cho họ ra phố, cùng xem đèn với trăm họ, trà trộn hỗn tạp với biển người, chẳng phân trai gái hiền dữ, chẳng chia sang hèn, thật không còn thể thống gì nữa!
Mặc cho dân chúng nghị luận xôn xao, Trung Tôn cùng hoàng hậu dẫn bọn nam nữ cứ tìm chỗ đông nhất mà tới, mặc cho xung quanh giương mắt ngạc nhiên. Lại cũng cho các cung nga hàng nghìn người, làm thành từng đội đi đâu tùy ý, lúc về đến cung điểm lại, thấy thiếu rất nhiều, nhưng rồi không tiện truy tìm, nên đành yên lặng bỏ qua.
Chính là:
Hoàng hậu xem đèn dạo phố phường
Dưới trên trố mắt dám khinh thường
Bỏ vua cung nữ theo trai mất
Chúa thượng được khen tiếng biết nhường!
Sau việc xem đèn này, tiết xuân ngày thêm ấm áp, Trung Tôn cùng hoàng hậu, công chúa ra chơi cửa Huyền Vũ, xem cung nga bơi lội lại ban yến cho quần thần, sai trăm quan đua tài mua vui. Có người đánh đàn cầm, kẻ đàn Hồ, hoặc gõ trống, đủ thứ linh tinh. Riêng tế tửu Quốc tử giám Chúc Khâm Minh xin múa điệu “Bát phong vén tay áo đến dưới điện, hoa chân múa tay, uốn lưng quỳ gối, liếc ngang ngó dọc, uốn éo đủ bề. Trung Tôn, hoàng hậu cùng các công chúa đều vỗ tay cười nghiêng ngửa, đến cả bọn nội thị, cung nga không ai là không phải bịt miệng cười. Lại bộ thị lang Lư Thặng Dung, nói khẽ với người ngồi cạnh:
– Họ Chúc thân đứng đầu Quốc tử giám, làm những trò xấu xa này, thì thực hết cả Ngũ kinh 7 rồi vậy!
Quốc tử giám tư nghiệp Quách Sơn Huy cũng có mặt, thấy quan tế tửu làm những chuyện lố lăng đến thế, không giấu được hổ thẹn, đợi đến khi Trung Tôn hỏi:
– Quách tư nghiệp có tài gì, hãy cho trẫm xem thử nào?
Quách Sơn Huy vội rời khỏi ghế cúi đầu thưa:
– Thần quả chẳng có trò gì, xin đọc “Kinh Thi” để trợ hứng chúa thượng vậy.
Trung Tôn phán:
– Khanh giỏi đọc “Kinh Thi” sao? Đọc bài gì bây giờ?
Sơn Huy thưa:
– Thần xin vì bệ hạ đọc bài “Lộc minh” cùng bài “Tất xuất” vậy!
Rồi lên giọng đọc đĩnh đạc, trước tiên là đọc bài “Lộc minh”:
1.Tiếng hươu ao ao
Gồm cỏ đồng nào?
Khách ta đã quý lại nhiều.
Kèn, đàn cùng sáo thấp cao nhịp nhàng
Tơ lụa tốt, hãy đưa sang
Tặng cho các bạn, lại càng nêu ta
Chỉ ta các nẻo gần xa.
2. Tiếng hươu ao ao
Gặp đồng cỏ hao
Khách ta đã quí lại nhiều
Rõ ràng riêng tôi, đức cao hơn người
Dân khinh bạc đổi dời tính nết
Quân tử nay đáng thật yêu gương
Chuộc chén quỳnh tưng
Thảnh thơi dạo gót bên đường.
3. Tiếng hươu ao ao
Gặm cỏ đồng nào?
Khách ta đã quý lại nhiều
Đàn cầm đàn sắt dập dìu nổi lên
Cùng vui rót chén rượu tiên
Khiến cho lòng khách bình yên vui vầy. 8
Sau đó lại đọc bài “Tất xuất”:
1. Con dế trong nhà
Năm tháng dần dà
Ta không vui lắm
Ngày giờ lướt qua
Đời thái khanh sắp hết chăng là?
Cửa nhà coi sóc việc ta bộn bề
Vui thì vui, chớ đam mê
Đã là quân tủ sớm khuya chuyên cần.
2. Con dế trong nhà
Ngày qua tháng lại
Ta không vui lắm
Tháng trọn ngày tiêu
Đời thái khang còn chẳng bao nhiêu
Việc ngoài ta liệu chắt chiu mọi bề
Vui thi vui chớ say mê
Đã là quân tử sớm khuya nhọc nhằn.
3. Con dê trong nhà
Xe cộ nhẩn nha
Ta không vui lắm
Ngày tháng phôi pha
Đời thái khang sắp hết chăng là
Lòng ta lo lắng xót xa từng ngày
Vui thi vui chớ mê say
Đã là quân tử lòng hay chí bền.
Sơn Huy đọc xong, Trung Tôn quay lại nói với Vi Hoàng hậu:
– Chính là Quách tư nghiệp dùng thơ để can gián trẫm đó, ý tứ thật kín đáo. Vì vậy các quan khác không phải trình diễn tài nghệ gì thêm, liền lệnh bãi tiệc.
Chính là:
Thầy Tế tửu múa bài “Tám gió”
Khắp đất rơi lả tả “Ngũ kinh”
Ấy ai đọc “Tất xuất , “Lộc minh”
Là thầy Tư nghiệp giữ mình thẳng ngay.
Lúc này Công chúa An Lạc nhân dịp xin Trung Tôn cho hồ Côn Minh này làm hồ riêng, nhà vua phán:
– Từ tiên đế lại nay, chưa từng đem những thứ này cho riêng ai.
Công chúa không bằng lòng, liền khởi công đào một hồ khác, lấy tên là “Định Côn trì”, với ý thi thắng cả “Côn Minh trì”, nên mới đặt tên thế. Đích thân Tư nông khanh Triệu Phúc ôn đứng trông coi công việc, chẳng biết hao phí bao nhiêu sức dân, tiêu hết bao nhiêu tiền của đất nước, mới làm nên hồ này. Trên hồ cũng xây đủ cả thù nhu, con hát, kéo tới vui chơi. Công chúa bày yến tiệc, để khoản đãi ngự giá cùng tùy tòng. Trung Tôn xem xét, quả là tráng lệ hơn hẳn Côn Minh hồ, rất vừa ý, liền truyền cho quần thần, ngay trên tiệc mỗi người làm một bài thơ, để ngợi ca thắng cảnh, Bách quan vâng mệnh, đang nghĩ ngợi, thì đã thấy Hoàng môn thị lang Lý Nhật Tri rời khỏi ghế đến trước ngự tiền tâu:
– Thần phụng mệnh làm thơ, chưa thành bài, mới chỉ được hai câu xin hãy trình chúa thượng.
Rồi cao giọng đọc:
Chỉ khen người ở rung rinh thế
Đâu biết người làm vất vả thay.
Trung Tôn nghe xong, cười:
– Khanh cũng định bắt chước Quách Sơn Huy lấy thơ để can gián trẫm sao?
Trung Tôn trầm ngâm hồi lâu, truyền cho nội thị:
– Các quan không phải làm thơ nữa, chỉ cứ việc uống rượu thôi!
Rượu đã say, thù nhu, con hát diễn đủ trò vui xung quanh hồ, Trung Tôn rất thích thú, lại truyền cho trăm quan làm từ “Hồi ba khúc” để góp vui. Lúc này Tống Chi Vấn cáo ốm không có mặt, chỉ thấy Thẩm Thuyên Kỳ. Thuyên Kỳ vốn giữ chức Cấp sự trung khảo công lang, bị cách chức chịu lưu đày, nay dã được nhà vua gọi về dùng, nhưng vẫn chưa được cất nhắc, nay nhân việc làm thơ này, định viết mấy câu tự trào, để may nhà vua có rủ lòng thương đến chăng. Bài thơ như sau:
Sóng dồi này như Thuyên Kỳ
Đầy xa may sống mà về
Ơn vua gọi ra làm lại
Nhưng chưa được cấp mũ hia.
Trung Tôn nghe xong khẽ cười, còn An Lạc công chúa thì nói:
– Thẩm khanh tài quá, dẫu có ban lại cho hết ngà, áo bào không phải là quá.
Vi hoàng hậu tiếp:
– Xin bệ hạ hãy ban thánh chỉ ngay cho.
Trung Tôn phán:
– Hãy thăng cho chức Thái tử thiểm sự.
Thuyên Kỳ dập đầu tạ ơn. Lúc này có thù nhu Tang Phụng, tiến đến trước Trung Tôn cùng hoàng hậu thưa:
– Thần cũng đã làm xong bài từ, nhưng có hơi ngược ngạo, đụng chạm tới đấng chí tôn. Nếu chúa thượng cùng hoàng hậu tha cho tội chết vạn lần, mới xin đọc vậy.
Trung Tôn cùng hoàng hậu đều phán:
– Khanh cứ việc đọc, có gì cũng sẽ không bắt tội khanh.
Tang Phụng liền sang sảng đọc:
Sóng dồi này như cái bị
Sợ vợ là chuyện rất quý
Ngoài triều chỉ có Bùi Đàm
Trong cung ai bằng bác Lý 9
Vốn là Ngự sử đại phu Bùi Đàm, rất chuộng đạo Phật, nhưng lại gặp một người vợ ngỗ nghịch. Bùi Đàm sợ chẳng khác gì đối với một vị vua hách dịch. Bài Đàm thường nói: “Đàn bà có ba điều đáng sợ: lúc còn ít tuổi, trông như Quan âm Bồ Tát sống, làm gì có người nào lại không sợ Quan âm sống cho được! Đến khi con cái đầy đàn, thì trông lại chẳng khác gì quỷ cái chín con, ai là người dám nói không sợ loại quỷ này nào? Kịp đến khi già, bôi son trát phấn, lúc xanh lúc đỏ trông khác nào con quạ khoang, ai là người dám đứng ra đối địch!”. Nghe những lời này, không ai là không cười đùa, gọi Bùi Đàm là Bùi Sợ Vợ 10.
Vi Hoàng hậu lâu nay đang muốn theo gót Vũ Tắc Thiên, tìm đủ cách áp chế Trung Tôn, Trung Tôn cũng rất sợ, bởi biết thế nên Tang Phụng mới dám đọc những câu này, đã có Vi Hoàng hậu đứng chắn, không sợ gì Trung Tôn làm tội.
Chính là:
Thế gian sợ vợ khinh chồng
Coi thường, ác nghiệt là không ai bằng
Lạ cho bác Lý nhà Đường
Nàng dâu giống mẹ, trai thường giống cha.
Trung Tôn nghe xong cười ha hả, còn Vi Hoàng hậu cũng chỉ thản nhiên mỉm cười. Trong số bách quan, có Gián nghị đại phu Lý Cảnh Bá nghe thế, rất lấy làm buồn phiền, trước những chuyện ngứa mắt như vậy, nghe chẳng lọt tai, liền đứng dậy, tiến lên thưa:
– Thần cũng xin đọc một bài.
Rồi cất tiếng:
Sóng dồi này rượu một ly
Bầy tôi phải giữ lễ nghi
Tiệc vua chỉ uống ba chén
Cười đùa bắt tội tức thì. 11
Trung Tôn nghe xong có ý không vui. Đồng tam phẩm Tiêu Chí Trung lại tâu:
– Thật xứng bậc gián quan, xin bệ hạ hãy nghe theo lời Lý Cảnh Bá.
Trung Tôn truyền bãi yến, lên xe rồng về cung. Ngày hôm sau lâm triều, có người xin trị tội Tang Phụng, nhưng khi nghe Vi Hoàng hậu đã sai sứ đem vàng lụa thưởng cho Tang Phụng, chỉ đành thở dài rồi thôi.
Chú hề đùa cợt thật to gan,
Vua chẳng nói gì, hậu lại khen
Nề nếp rối mù, đành mặc kệ
Khí âm thịnh thì khí dương tan.
Không biết sự thể ra sao, xin xem hồi sau phân giải.——————————–
1Tư can: tên một bài thơ trong Kinh Thi, phần Tiểu Nhã, ca hát mừng làm xong nhà mới, có ý răn dạy dàn bà con gái giữ gìn nề nếp đoan trang, lo lắng công việc trong gia đình. 2″Tùy đường giai thoại”: Vũ Hậu ra chơi Long Môn, lệnh cho các quan làm thơ, ai xong trước sẽ được thưởng cẩm bào. Có người làm xong, được thưởng chưa về tới chỗ thì Tống Chi Vấn làm xong, đưa trình, thơ rất hay, Vũ Hậu bèn cướp áo bào của người kia, thưởng cho Chi Vấn. 3Tiêu Sử thổi tiêu rất hay, vua Tần Mục Công gả công chúa Lộng Ngọc, xây Phượng Đài cho vợ chồng ở. Sử dạy Lộng Ngọc thổi tiêu, chim phượng nghe bay tới đậu trước đài. (Điển cố văn học) 4Sau “đốt sách, chôn học trò” của Tần Thủy Hoàng, người ta tìm thấy trong vách hai lớp, ở đền Khổng Tử nước Lỗ, những thẻ tre chép ngũ kinh (Từ điển tầm nguyên). 5Phần: Thành Phần Dương, nổi tiếng thời Hán, được coi là thời thịnh của phong kiến Trung Quốc. 6Cảo: Kinh đô nhà Chu, cũng được coi là thịnh trị. 7Ngũ kinh: Năm bộ sách hàng đầu của Nho giáo: Thị, Thư, Dịch, Lễ và Xuân Thu. Tế tửu Quốc tử giám: giám đốc trường đại học lớn nhất ở kinh đô Thư nghiệp Quốc tử giám: như khoa trưởng, giáo sư của trường đại học trên. 8Có tham khảo ban “Thi Kinh tập truyện” của Tạ Quang Phát, tập II, Trung tâm học liệu Sài Gòn, 1669. 9Trung Tôn: họ Lý, tục chưa lên ngôi là Tần Vương Lý trị. 10Nguyên văn mọi người gọi là “Bùi Phạ Bà” và khi về già trông phụ nữ chẳng khác gì một “con tu hú”, thay bằng “con quạ khoang”. 11Những bài từ theo điệu “Hồi ba khúc” này đều có bốn câu, theo thể tục ngôn, và đều bắt đầu bằng chữ “Hồi ba nhi”… tạm dịch: “Sóng dồi này”…