Tùy Đường Diễn Nghĩa

Chương 87: Chim anh vũ tụng kinh thành phật, An Lộc Sơn quên chúa hại dân.



Từ rằng:
Sống chết mệnh trời chẳng thoát đâu
Kìa như cầm thú dại khôn đều
Từ bi Phật tổ thần thông độ
Thoát kiếp đi về thanh thản sao!
Con nuôi một đứa tin yêu
Trở thành phản ngịch, trăm điều tàn hung
Xưa khoe son sắc một lòng
Nục cười thay, hóa bất lương vô nghì.
Theo điệu: “Triều trung thố “
Bậc thánh nhân nói: “Sống chết có mệnh, phú quý bởi trời”. Điều này không phải chỉ dùng với con người ta, mà ngay cả những vật nhỏ cũng thế cả. Cái chết sắp tới, ai cũng thường thấy như có điều báo trước, cứ từ đó mà suy ra, tất cả chúng sinh, phàm đã là vật biết nghĩ, có tình, lúc sắp qua đời, đều như biết trước. Ta nhìn ngoài tuy có lúc không thấy, nhưng kẻ trong cuộc thì nhận ra rõ ràng, chỉ nói hoặc không nói ra được thôi. Đại để sinh tử đến kỳ, khó mà tránh khỏi mệnh số vậy, hãy coi như sống là gửi, thác là về, mà thuận theo lẽ tự nhiên, hướng về điều thiện, việc phúc để vun đắp chữ quả cho kiếp sau.
Cho đến chữ phú quý, thì con người ta ai mà chẳng mong muốn như nhau, nhưng đó lại là điều sức người không thể tranh đoạt. Đừng nói chuyện giàu lớn, cao sang, đã là do trời định đoạt, ngay cả sự vinh nhục nhỏ của một người, sự được mất của một đồng kẽm, cũng không thoát khỏi ý riêng của trời, trời chính là sự biểu hiện của lẽ phái vậy! 1 Đáng cười thay là lũ người không có lý đó, làm chuyện phi lý, nghĩ điều phi lý, để mong có sự phú quý phi lý, không nghĩ rằng bây giờ được hưởng phú quý không phải của phận mình, mà vẫn là những điều trái ý trời, dối vua, vô đạo, mặc sức tác oai tác quái, thật đúng là đang chuốc tội với trời vậy, tai họa không nhỏ đâu!
° ° °
Tiếp chuyện Huyền Tông ngự ở lầu Cần Chánh, ban yến tiệc cho dân chúng, suốt đêm đàn hát, tự cho rằng thiên hạ thái bình, điềm lành vô sự, phó mặc cho Dương Quốc Trung thao túng triều đình, gặp việc thì lừa vua, thâu tóm quyền hành mặc sức ăn bẩn, để cho bọn tiểu nhân tham tiền ham tước vây tới dinh, chẳng khác gì vào chợ.
Trong số quan lại, chỉ riêng Trương Thoán, đậu tiến sĩ, người vùng Thiểm Tây, đang ở Trường An để chờ bổ dụng, thấy quang cảnh như thế, thì thở dài mà than rằng:
– Bọn này dựa vào Dương Quốc Trung coi như Thái Sơn. Nhưng cứ như mắt ta, thì xem Quốc Trung chẳng khác gì núi băng vậy, mặt trời mà xuất hiện, thì bọn này lập tức mất chỗ dựa ngay. Ta nên vén áo mà tránh cho xa, kẻo rồi sóng nước lại đập ướt người vậy, chứ không thể nào cùng làm việc với bọn này được!
Bèn tuyệt hẳn ý ra làm quan với đời, rời khỏi kinh đô về ẩn cư ở Trung Sơn.
Những kẻ có kiến thức, đều biết thiên hạ sắp loạn đến nơi. Huyền Tông vẫn tự huyễn hoặc là thái bình để không phải lo lắng, suốt ngày ở trong cung tìm mọi cách hưởng lạc. Dương Quý Phi ngày càng kiêu sa, bọn tay chân hầu hạ Quý Phi ở hậu cung thêu thùa trang điểm có đến hàng mấy trăm người, lo chuyện phục dịch ngày thường, ngày lễ tiết. Huyền Tông lại còn sai trung sứ, đi khắp các nơi, chạy cho kỳ ra các loại đồ chơi, y phục lạ kỳ để đem về tận kinh hiến Quý Phi. Huyền Tông mỗi lần ngự du các nơi, cùng Quý Phi ngồi chung một xe rồng. Nhưng Quý Phi thường không thích đi xe mà lại đòi cưỡi ngựa. Nên quan giám mã vẫn phải lo chọn ngựa quý, luyện cho thật thuần, sẵn sàng khi Quý Phi dùng đến. Mỗi khi Quý Phi lên ngựa, cung nga xúm lại đỡ tận yên. Cao Lực Sĩ bên cạnh, tay nắm dây cương tay cầm roi, cung nga theo hầu xung quanh hàng mấy chục người, tiền hô hậu ủng. Quý Phi nai nịt gọn gàng, áo ngắn khăn mỏng, cầm roi ngựa yểu điệu, từng bước thong thả, vẻ đẹp càng thướt tha.
Huyền Tông cũng cưỡi ngựa, lúc đi trước khi theo sau, giơ roi tiến thoái, lấy thế làm khoái ý. Quý Phi cười thưa:
– Thiếp bỏ xe đi ngựa, lại mới tập lên yên, sao cho bằng bệ hạ hàng ngày thường săn bắn, yên cương là việc luôn luôn. Nên chỉ xin bệ hạ hãy dìu dắt thêm cho.
Huyền Tông đùa:
– Tính đến chuyện cưỡi ngựa, trẫm hẳn hơn ái khanh, ngay cả việc phong lưu thượng mã khi ra trận tiền, khanh cũng phải nhường trẫm vậy!
Quý Phi cũng cười:
– Thế mới gọi là “lão đương ích tráng” vậy! 2
Nói xong, hai người nhìn nhau, cười mãi không thôi. Người đời sau có thơ:
Quắc Quốc chầu vua cưỡi ngựa tài
Chỉ cần tô nhạt nét mày ngài
Nghênh ngang Phi tử trên tuấn mã

Hãy tập mà đi đến Mã Ngôi.
Từ đó mỗi lần trong cung có yến tiệc, thường diễn “Phong lưu trận” để mua vui. Huyền Tông cùng Quý Phi rượu đã ngà ngà say, Quý Phi dẫn khoảng hơn một trăm cung nga, Huyền Tông cũng cầm đầu khoảng hơn trăm tiểu nội thị, ra ngay trước sân, mỗi bên bày thành thế trận, lấy trướng gấm trương lên làm bàn cờ, nổi thanh la, đánh trống nhỏ, hai phía đều cấm gậy trúc hoa, côn ngắn có vẽ hình, cười đùa la hét, xông vào nhau mà múa tít. Cung nga thắng, bọn tiểu nội mỗi người phải uống một bát rượu lớn. Huyền Tông phải uống trước tiên. Phía tiểu nội thị thắng, cung nga phải nhất tề hát múa, Dương Quý Phi phải gảy đàn tỳ bà họa theo.
Kiểu chơi như thế, gọi là “phong lưu trận”. Người thời bấy giờ, cho những trò đùa này chính là điềm xảy ra giặc giã sau này, vốn là việc không lành vậy. Nên có thơ rằng.
Cung nga lại tập làm lính chiến
Đủ ngựa gươm diễn “Trận phong lưu ”
Ngư Dương trống nổi dập dìu
Mới hay giả giả, ra điều chân chân.
“Trận phong lưu” hôm ấy, cung nữ thắng tiểu nội thị. Dương Quý Phi cứ theo lệ bày ra hai đấu rượu lớn, rồi rót ngay một chén vàng dâng lên. Huyền Tông cầm lấy ban cho Quý Phi:
– Ái khanh cũng nên uống một chén!
Quý Phi thưa:
– Thiếp vốn không phải uống, nhưng ơn bệ hạ thưởng cho, nên xin đem chén rượu này làm hình phạt để thiếp với bệ hạ cùng gieo xúc xắc bệ hạ mà được, thiếp xin uống ngay.
Huyền Tông cười mà nghe theo. Cao Lực Sĩ đem bát xúc xắc dâng lên. Huyền Tông cùng Quý Phi mỗi người gieo hai lần mà vẫn không phân thắng bại. Đến lần thứ ba, Quý Phi điểm cao, Huyền Tông giờ muốn thắng, phải gieo được hai con tứ, nên vừa gieo, vừa lẩm nhẩm:
– Hai con tứ này!
Chỉ thấy hai con xúc xắc quay tít một hồi lâu, rồi hiện ra cả hai mặt tứ. Huyền Tông hớn hở cười vang, phán:
– Trẫm đã nói là được ngay mà, khanh hãy uống ngay chén rượu này đi!
Quý Phi nâng chén tâu:
– Phúc lớn của bệ hạ như trời, thiếp đã chịu thua rồi, đành phải uống vậy thôi?
Huyền Tông nói:
– Trẫm được ván xúc xắc, ái khanh được chén rượu. Phúc lớn cùng hưởng vậy!
Quý Phi bái tạ mà uống, tung hô:
– Vạn tuế!
Huyền Tông quay lại nói với Cao Lực Sĩ:
– Hai con tứ này biết làm vừa lòng ta, hãy ban ơn trang sức thêm cho nó!
Lực Sĩ vâng mệnh, ngửa hai mặt tứ của hai con xúc sắc, lấy son đỏ thoa lên. Vì thế về sau mặt tứ của xúc sắc đều có màu đỏ vậy.
Chính là:
Con xúc sắc vua ban chấm đỏ
Nghĩa vuông tròn chẳng bỏ xương khô
Tâm son gửi gắm từ giờ
Ơn vua ghi nhớ nghìn thu không nhòa. 3

Hôm ấy vì Huyền Tông thắng cuộc, trong lòng rất khoan khoái, cùng Quý Phi uống đến mấy chén nên chuếnh choáng, giở xúc xắc ra đánh tiếp, tay cầm run run, rơi mất một con xuống nền, họ Cao cúi xuống nhặt. Huyền Tông thấy thế, liền lấy ngay cái bát, đặt trên lưng họ Cao, kéo Quý Phi cùng ngồi phệt xuống nền, cứ thế mà gieo xúc xắc trên lưng họ Cao. Hết người này lại đến ngươi kia, lúc xướng “lục” khi la “tứ” không lúc nào yên. Họ Cao hai chân quỳ xuống đất, hai tay cũng chống đất, không dám động dậy một chút nào, nhưng may cũng còn khỏe mạnh. Bỗng thấy có tiếng ríu rít trên nóc điện, tiếp đó là tiếng người cất lên:
– Thánh thượng cùng nương nương chỉ cốt xem “tứ” hay “lục” nhưng phải cho Cao Lực Sĩ đứng dậy cho thẳng lưng chứ?
Ba chữ “cho thẳng lưng” vốn là “trực trực yêu”, phát âm cũng gần giống “trịch trịch yêu”, là gieo xúc sắc. Huyền Tông cùng Quý Phi nghe thấy thế, cả hai đều cười rũ rượi, truyền nội thị dọn các thứ, kéo họ Cao đứng dậy. Họ Cao lạy tạ lui ra. Huyền Tông cùng Quý Phi vào phòng ngủ.
Những lời nói vừa rồi ở trên nóc điện vốn là lời của chim anh vũ trắng. Thuở An Lộc Sơn vừa vào triều đình, dâng lên Quý Phi nuôi ở nội cung, tính rất thuần, nên không phải nhốt gì cả, cứ đúng theo lời người mà bay hay đậu, thường chẳng bao giờ rời Quý Phi, nói tiếng người rất giỏi, lại hiểu ý người, thông tuệ khác thường. Quý Phi coi như bảo vật, đặt tên là “Tuyết Y nữ”, người con gái cớ bộ y phục trắng như tuyết.
Một hôm, Tuyết Y bay đến đậu ngay ở bàn trang điểm của Quý Phi mà rằng:
– Tuyết Y này tối qua thấy một giấc mơ không lành, bị chim ác bắt được. Chỉ sợ số mệnh có hạn không còn được hầu hạ bên nương nương nữa.
Nói xong có vẻ buồn rầu không vui. Quý Phi an ủi:
– Mộng triệu không thể tin được, chẳng cần phải lo lắng. Tuyết Y nếu không yên lòng, nên tụng kinh Phật luôn luôn, tự nhiên điều phúc sẽ đến, tai họa sẽ tiêu.
Anh Vũ thưa:
– Thế thì hay lắm, xin nương nương hãy dạy cho ít nhiều.
Quý Phi liền sai thị nữ đốt lò trầm hương, tự mình giở Bát Nhã Tâm kinh viết tay, hàng ngày vẫn tụng niệm ra, chắp hai tay, đọc vài lượt. Anh vũ đậu bên lẩm nhẩm đọc theo, rồi tự mình đọc thuộc rõ ràng, một chữ cũng không sai. Quý Phi thích lắm, từ đó về sau, Tuyết Y tùy lúc tùy nơi mà đọc Bát Nhã Tâm kinh, hoặc đọc thành lời réo rắt, hoặc nhắm mắt mà nhẩm, cứ như thế hai ba tháng trôi qua.
Một hôm, Huyền Tông cùng Quý Phi dạo chơi ở vườn sau, Huyền Tông giương cung bắn con chim khách. Còn Quý Phi thì đứng trên Vọng Viễn lầu mà nhìn, anh vũ cũng bay đến, đậu ngay ở thanh ngang của cửa sổ lầu. Bỗng một viên nội thị chuyên việc nuôi chim săn của nhà vua, thả một con chim cắt xanh, bay vút từ dưới lầu lên, thấy anh vũ, tức thì bay xẹt ngang qua cửa sổ, cứ thế mà chộp ngay lấy. Anh Vũ kinh hoàng, hoảng loạn la:
– Thôi nguy rồi!
Rồi vội bay ngay vào trong lầu, may có một thị nữ cầm chổi lông, tiện tay đánh thật mạnh, trúng ngay vào mắt, chim cắt vội quay đầu xuống lầu. Quý Phi vội quay lại xem anh vũ, thì thấy nằm không động đậy trên sàn gác, mãi một hồi lâu sau mới tỉnh lại. Quý Phi vỗ về:
– Tuyết Y! Tuyết Y! Không có điều gì phải sợ nữa đâu!
Anh Vũ thưa:
– Ác mộng đã thành sự thực, lòng này hoảng sợ đến tan nát mất cả rồi, liệu khó mà sống nổi, nhưng còn may mắn chưa bị ăn thịt. Quả là việc tụng kinh cũng có phúc phận thật?
Rồi nhắm hai mắt, không ăn, cũng không nói, chỉ thấy cổ họng động đậy như thầm đọc kinh vậy. Quý Phi suốt ngày chăm nom. Ba ngày sau, anh vũ bỗng mở mắt nói với Quý Phi:
– Tuyết Y này toàn nhờ vào việc tụng kinh mà may được thoát kiếp cầm thú, được về nước Phật. Xin nương nương hãy giữ mình?
Nói xong hót thêm mấy tiếng dài, quay đầu về phương tây, nhắm mắt xếp cánh, nằm ngay ngắn mà chết.
Chính là:
Người cùng vật đều mang tính phật
Tính người tốt, tính vật sáng thay
Vẹt kia mới rõ gian ngay
Ngẫm ra người lại chẳng tày chim muông.
Tuyết Y chết rồi, Quý Phi mười phần thương xót, lệnh cho nội giám liệm trong một cái hộp bạc, táng ở vườn sau, gọi là “Mồ Anh vũ” Lại tự thân đọc ột trăm lần Bát Nhã Tâm kinh, để chuốc phúc ở cõi âm. Huyền Tông nghe chuyện, cũng không ngớt phàn nàn, lệnh cho số chim anh vũ nói được nuôi ở trong cung, tất cả được mười con, đem đến rồi hỏi rằng:
– Loài chim các ngươi, có nhớ nơi quê cũ không? Nay trẫm mở lồng, thả các ngươi về nhé?

Cả bầy chim đều nhất loạt hô:
– Vạn tuế!
Huyền Tông sai nội thị đem các lồng chim vào tận trong núi Quảng Nam. Chuyện không nói nữa.
° ° °
Lại kể Quý Phi nhớ Tuyết Y ngày ngày than thở, long lanh lệ ngọc, trông lại càng kiều diễm. Vì vậy lũ thị nữ trong cung, cũng muốn bắt chước, trang điểm xong xuôi, điểm thêm hai nốt phấn trong ở bên má, gọi là nước mắt giả, “Lệ trang”, để rồi tự an ủi rằng mình cũng đẹp lắm. Kẻ hiểu biết thì sớm thấy ngay chính là điềm không hay gì.
Có thơ rằng:
Không nước mắt bôi hàng lệ giả
Dẫu a dua thật quả bất tường
Mã Ngôi mưa gió phũ phàng
Phấn son xưa cũ điểm trang kiểu gì?
Ngày thường Quý Phi yêu quý Tuyết Y phần bởi chim anh vũ quả đáng yêu, đáng quý, nhưng phần cũng bởi do An Lộc Sơn dâng lên, yêu người nên yêu chim. Nỗi bi thương cũng một phần cảm vật nhớ người mà ra.
Về phía Lộc Sơn ở ngoài Phạm Dương, cũng thường nhớ tới Quý Phi cùng Quắc Quốc phu nhân, nhưng vẫn ngại Dương Quốc Trung ghen ghét, nên không dám nối dây tình xưa. Lộc Sơn nghĩ nếu không cướp được ngôi vua, đoạt được xã tắc, thì khó mà đoàn tụ, vì vậy ngày đêm lo chuyện cất binh làm phản, chỉ vì nghĩ đến Huyền Tông đối với mình ơn rất sâu nặng, nên định nén lòng chờ bao giờ Huyền Tông qua đời sẽ khởi loạn. Lại thêm Dương Quốc Trung thường vẫn kiếm mọi cớ để hạch sách Lộc Sơn, thầm ý những muốn Lộc Sơn phải làm phản, để chứng tỏ với triều đình là mình nói đúng. Cũng vì thế mà Lộc Sơn càng ngày càng rõ ý không tuân thủ triều đình, viết một đạo sớ xin dâng ngựa tốt về kinh đô, sớ này đại để như sau:
“Muôn tâu:
Bề tôi hèn mọn là An Lộc Sơn, ở miền biên giới, sản nhiều loại ngựa hay, chọn được hơn ba ngàn con, thành tâm hiến lên triều đình. Dẫu vậy, so với Vương Mao Trọng ngày xưa nuôi ngựa quý, hạ thần hãy còn kém xa. Những ngựa này đưa vào tàu ngựa hoàng gia, nếu chúa thượng đi tuần thú các nơi, cũng thêm phần tráng quan, uy vũ vậy. Cứ mỗi ngựa cần hai tên lính coi yên cương, nên xin sai hai mươi tư tên Phiên tướng hộ tống nữa, mong chọn ngày tốt lên đường. Cúi xin thánh thượng hạ sắc cho quan lại các nơi dự sẵn lương thảo cung ứng, để khi đến nơi, không sai trái tổn thất. vậy kính sớ tâu lên!”
Tờ sớ này của Lộc Sơn, rõ ràng là viện cớ dâng ngựa, mưu để khởi quân phản loạn thừa cơ chiếm cứ các nơi, thử xem triều đình động tĩnh ra sao, Huyền Tông xem sớ xong, trầm ngâm phán:
– Lộc Sơn muốn dâng ngựa, quả là một việc làm hiếu thuận. Nhưng làm sao mà có đủ binh lính, tướng sĩ để làm việc này cho yên ổn.
Bèn chuyển tờ sớ cho Trung thư tỉnh xem xét rồi tâu lại. Dương Quốc Trung sáng hôm sau tâu rằng:
– Triều thần ở biên cương dâng ngựa, cũng là chuyện thường. Nay An Lộc Sơn lại định dâng những ba nghìn ngựa cho binh tướng đi kèm. Riêng số lính trông yên cương cũng đã tới sáu nghìn người, thêm hai mươi tư viên tướng Phiên, lại các loại binh lính, tướng sĩ người Phiên, người Hán đi theo, tổng cộng hơn một vạn là ít, khác gì lũ lính cướp thành lấn đất. Lòng người trắc trở, khó có thể cả tin. Lẽ nên giáng chỉ trừng phạt, cho tuyệt mưu gian trá.
Huyền Tông phán:
– Việc này vốn do ý dâng tiến tốt lành, lại mượn tiếng xin trước, khó có cớ để làm tội. Chỉ nên thác rằng người ngựa quá nhiều, chứ cũng chẳng nên nói tới ý khác, chẳng nên trách phạt, vả lại cũng cần phải bớt người phục dịch mới được.
Quốc Trung thưa:
– Y chỉ mượn tiếng dâng ngựa, thực lòng là phản loạn, nếu không nghiêm trị trừ khử mưu sâu, y lại nghĩ rằng triều đình không còn ai biết.
Huyền Tông phán:
– Việc chưa thật gấp lắm, hãy để trẫm nghĩ lại xem đã.
Quốc Trung không bằng lòng lui ra. Huyền Tông vẫn do dự chưa quyết thì Đạt Hề Tuân thứ sử Hà Nam vốn cùng họ với Đạt Hề Doanh Doanh, nhân có người quen ở kinh đô báo cho biết chuyện Lộc Sơn hiến ngựa, vô cùng hoảng sợ, lập tức dâng biểu mật về tâu, có đoạn sau:
“Muôn tâu thánh thượng
Thần sợ hãi, kính cẩn giãi bày.
…An Lộc Sơn, dâng sớ hiến ngựa, lại xin đem theo nhiều binh lính, tướng Phiên để hộ tống rất nhiều. Việc đáng ngờ lắm. Xin hãy đem lời ôn tồn phủ dụ, ngừng ngay việc này lại cho…”
Huyền Tông xem xong vẫn cứ nghĩ ngợi phân vân. Hôm ấy vừa ngự yến xong, Cao Lực Sĩ đứng hầu dưới thềm. Huyền Tông truyền lại trước mặt, phán rằng:
– Trẫm đãi An Lộc Sơn rất hậu, y đã được yêu quý đến như thế, lẽ thật không phụ trẫm, trẫm vẫn đinh ninh như vậy. Trước đây trẫm đã sai Phụ Cầu Lâm ra tận nơi xem xét, cũng trở về tâu rằng y một dạ trung quân ái quốc, không hề hai lòng. Chẳng nhẽ nay bỗng nhiên lại thay đổi đột ngột thế sao?
Cầu Lâm thường ngày vẫn cậy mình được nhà vua sủng ái, không coi đồng liêu ra gì, vốn chẳng hòa thuận với Lực Sĩ, vì vậy Lực Sĩ nhân cơ hội này mới tâu rằng:
– Lòng người khôn lường, xin bệ hạ cũng đừng quá tin mà lầm lỡ. Cứ như kẻ hèn này nghe, Phụ Cầu Lâm hai lần vâng mệnh đi Phạm Dương, đều nhận rất nhiều hối lộ của An tộc Sơn, cho nên mỗi lần về phục chỉ, hết lời tán dương, không thể tin được.
Huyền Tông kinh ngạc:

– Có chuyện này sao? Cầu Lâm nhận của đút lót của Lộc Sơn sao khanh lại biết được.
Lực Sĩ tâu:
– Từ lâu kẻ hèn này đã có nghe phong phanh chuyện này, nhưng chưa dám tin cả. Gần đây nhân Cầu Lâm vâng mệnh đi công tác về kẻ hèn này tới thăm, gặp lúc Cầu Lâm đang tắm, nên phải ngồi chờ, thấy trên án ở thư phòng, có một thư riêng của An Lộc Sơn, trong thư hỏi rất nhiều chuyện tỉ mỉ của triều đình cũng như nội cung, lại ân cần nhờ tán dương, chu toàn cho trước mặt chúa thượng, có công việc gì cần kíp nhờ báo ngay cho. Kẻ hèn này xem trộm chưa hết, Cầu Lâm đã ra lấy ngay thư cất đi. Cứ như thế mà suy, thì rõ là Cầu Lâm nhận hối lộ của ngoài Phiên là chuyện có thật. Kẻ hèn này nhiều lần định tâu với chúa thượng, nay nhân được hỏi, xin tâu lại rõ ràng để chúa thượng rõ.
Huyền Tông giận dữ:
– Cầu Lâm thật dáng chết! Trẫm tin cậy giao cho những việc quan hệ như thế, mà dám cả gan nhận đút lót để dối chúa, khi quân. Thật đáng giận.
Truyền lệnh triệu ngay Cầu Lâm vào tra hỏi, lệnh Cao Lực Sĩ dẫn Vũ Lâm quân vây phủ đệ, tìm cho ra những thư từ tang vật tư thông với ngoại Phiên.
Chẳng mấy chốc, Cầu Lâm được gọi đến, những thư từ cùng của hối lộ cũng tìm ra, trình lên Huyền Tông xem. Thì ra thư từ qua lại giữa Lộc Sơn cùng Cầu Lâm rất nhiều. Lực Sĩ tìm những thư có quan hệ đến Dương Quý Phi đem hủy hết, vì vậy riêng tư trong cung vẫn chưa bại lộ. Nhưng chỉ riêng vậy, Huyền Tông đã vô cùng tức giận, truyền lệnh giết ngay Cầu Lâm. Lực Sĩ mật tâu rằng:
– Nay chúa thượng định tử tội Cầu Lâm, cần làm cẩn thận, ban chỉ rằng Cầu Lâm phạm tội nào đó mà không nên nói rõ tội nhận hối lộ cùng giao thông với ngoại phiên, sợ sinh biến chăng!
Huyền Tông gật đầu khen phải, truyền đem Cầu Lâm ra chịu chính pháp, chỉ ban rằng Cầu Lâm không chịu vâng mệnh công cán nên đáng tội chết.
Nực cười thay cho Cầu Lâm, chỉ vì tham của đến nỗi táng thân. Trước kia La Công Viễn tiên sinh đã từng khuyên Cầu Lâm chớ tham lam, thì sẽ tai qua nạn khỏi. Cầu Lâm vẫn không tỉnh ngộ.
Chính là:
Thấy của không tham là quý nhất
Hối lộ vào cháy xác tan thây
Chẳng theo lời dặn của thầy,
Tai vạ ập đến, rơi ngay vạc dầu.
Huyền Tông thấy Lộc Sơn hối lộ, tư thông với Cầu Lâm để dò xét công việc triều đình cùng nội cung, thì bắt đầu nghi ngờ, ngay đến Dương Quý Phi cũng không dám khuyên giải, chỉ riêng mình than thở mà thôi.
Huyền Tông theo lời tâu của Đạt Hề Cầu tự thân viết chiếu thư truyền Lộc Sơn ngừng việc dâng ngựa, sai trung sứ Phùng Thần Uy tới tận nơi phủ dụ.
Chiếu thư đại lược như sau:
“Trẫm xem tờ biểu tiến ngựa của khanh, thật xứng là kẻ bề tôi trung kiên ở ngoài cõi. Trẫm rất đẹp lòng. Song ngựa cần giong ruổi về mùa đông thì mới hợp. Nay mới là đầu thu, công việc nhà nông bề bộn, chưa nên đưa ngựa về kinh đô. Chờ qua mùa đông, quan lại các nơi sẽ phải nhận di chuyển số ngựa này, không nên để binh lính, tướng sĩ phải lặn lội khó nhọc! Vậy bảo khanh biết!”
Phùng Thần Uy lĩnh chiếu thư, ngày đêm đi Phạm Dương. Lộc Sơn vốn đã biết ý triều đình, còn dò biết cả từng lời tâu của Dương Quốc Trung, nên vô cùng tức tối, nghe báo có sứ mang chiếu tới, chẳng thèm ra đón.
Phùng Thần Uy thấy vậy, đành phải bưng chiếu đến tận soái phủ. Lộc Sơn sắp sẵn lính tráng, vũ khí, từng từng lớp lớp, kiếm kích sáng ngời, cờ quạt rợp sân, trống đánh như sấm vang. Thần Uy thấy vậy càng thêm kinh hãi. Lộc Sơn ngồi trên trướng Hồ chễm chệ, thấy Thần Uy bưng chiếu vào, cũng chẳng thèm đứng dậy nghênh tiếp Thần Uy mở chiếu tuyên đọc xong, Lộc Sơn mặt hầm hầm, lớn tiếng:
– Nghe nói trong cung gần đây Quý Phi tập cưỡi ngựa, ta nghĩ rằng quan gia 4 cũng thích cưỡi ngựa, nên mới chọn những ngựa tốt để dâng lên. Nay đã có chiếu như vậy, ta chẳng dâng nữa càng hay.
Thần Uy thấy cử chỉ nói năng của Lộc Sơn đầy vẻ hống hách, khinh quân, nên chẳng thể hứa hẹn gì tốt đẹp hơn, không dám tranh cãi gì cả chỉ ậm ừ cho qua. Lộc Sơn cũng chẳng bày tiệc rượu khoản đãi mà sai người đưa ra nghỉ ngơi ngoài quán dịch.
Mấy ngày sau, Thần Uy về kinh phục chỉ, vào phủ gặp lại Lộc Sơn, hỏi có biểu tấu gì về triều đình. Lộc Sơn đáp:
– Chiếu thư đã nói, chờ đến mùa đông, nếu ta không dâng ngựa cũng sẽ tự thân về kinh, để xem xét công việc triều đình. cho nên cũng chẳng cần phải viết tấu biểu gì nữa. Hãy tâu rõ như vậy cho ta.
Thần Uy không dám nhiều lời, vội vàng quay ra cửa, đi gấp về Trường An, yết kiến Huyền Tông, đem những cử chỉ, lời nói vô lễ tâu rõ. Huyền Tông vừa sợ hãi, vừa xấu hổ, vừa giận dữ. Dương Quý Phi lúc này ngồi ngay bên, Huyền Tông nhìn Quý Phi giận dữ phán:
– Trẫm cùng ái khanh đãi thằng lùn này không bạc, nay mới rõ bộ mặt tráo trở, mưu đồ phản loạn cũng đã rõ ràng. Bởi vậy mới nhiều kẻ bàn tán đến thế. Từ nay lời dị nghị không thể không tin cho được vậy.
Nói xong, vỗ án mà than thở. Quý Phi cũng cúi đầu vờ xót xa.
Chính là:
Nay mới hay là thằng phụ bạc
Xưa vẫn khen là bậc thủy chung.
Chưa biết sự việc ra sao, xem hồi sau sẽ rõ!——————————–
1Nguyên văn: “Thiên giả lý nhi dĩ hỹ”. 2″Lão đương ích tráng”: càng già thì lại càng khỏe mạnh, cường tráng. 3Con xúc xắc, ta còn gọi là con “thò lò sáu mặt”, gọt bằng xương. Ý nói vua không quên công trạng của kẻ phơi xương vì nước. Cách gieo, cách tính điểm mỗi thời mỗi nơi một khác. Ở đây, gieo kiểu hai con cùng một lúc. Ở Việt Nam, ngoài mặt tứ được bôi đỏ, mặt nhất cũng được bôi đỏ là hai, chưa rõ lý do. 4Quan gia: Cũng là từ tự xưng của nhà vua. Nhà Trần ta cũng gọi vua và vua xưng là quan gia, gốc sâu xa hơn chưa tra được.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận