Sáng thứ bảy, khi Tiểu Mãn thức dậy, bầu trời âm u. Cô ngồi dậy nhoài người tựa vào cửa sổ nhìn ra bên ngoài, những hạt mưa nhỏ li ti trong không trung rơi xuống đất rồi nhanh chóng hòa vào bùn đất, đến nỗi không nghe thấy cả tiếng mưa.
Đôi khi mẹ phải tăng ca nên Tiểu Mãn vẫn theo thói quen cũ, trước tiên xỏ giày bước ra khỏi phòng, sau đó nhìn vào phòng khách một cái rồi nhìn sang phòng tắm và phòng ngủ của mẹ.
Cuối cùng, cô nhìn thấy mẹ đang ngồi trong phòng làm việc.
Mẹ đang ngồi ở bàn mải mê chép gì đó, miệng thì nhỏ giọng đọc từ.
Là tiếng Anh, mẹ đã từng nói rồi, là tiếng Anh.
“Mẹ.”
Cô nhỏ giọng gọi khẽ.
Tiểu Mãn giật mình, nhận ra mình đã phát ra âm thanh.
Bàn tay cầm bút của Hoàng Hỉ Vân dừng lại.
Bà khó tin quay đầu lại nhìn Tiểu Mãn ở cửa phòng.
“Tiểu Mãn, con… vừa gọi mẹ à?”
Khi Tiểu Mạn được hỏi câu này, toàn thân cô như một cuộn băng cát sét.
Khi cô dùng ngôn ngữ ký hiệu, trong lòng thường thầm nghĩ những lời mình muốn nói. Cô nhất thời không thể phân biệt rõ vừa rồi mình thực sự đã nói ra bằng lời hay chỉ là thầm nghĩ trong lòng nữa.
Biểu cảm của Hoàng Hỉ Vân từ do dự chuyển sang chắc chắn, bà vui mừng đặt bút xuống rồi bước nhanh đến trước mặt Tiểu Mãn, sau đó quỳ xuống.
“Tiểu Mãn, vừa rồi con đã nói được rồi đúng không?”
“Mẹ không nghe nhầm đâu, mẹ đã nghe thấy tiếng của con mà.”
Hoàng Hỉ Vân ôm chặt Tiểu Mãn vào lòng, tay đặt lên sau gáy cô, cằm tựa vào vai cô, ôm cô thật chặt.
Áo mùa hè rất mỏng, bộ đồ ngủ của Tiểu Mãn cũng rất mỏng.
Cô cảm nhận được thứ gì đó ấm áp đang lan ra trên vai mình.
Đó là nước mắt của mẹ.
“Tiểu Mãn, có thể nói thêm một câu nữa không? Hoặc gọi mẹ được không?”
Hoàng Hỉ Vân lau nước mắt trên mặt.
“M… Mẹ.”
Tiểu Mãn thử lại lần nữa.
…
Tiểu Mãn và mẹ đến bệnh viện cả buổi sáng.
Hai người bọn họ đi qua đi lại giữa sảnh thanh toán, hành lang và phòng làm việc của bác sĩ.
Trước đây mỗi lần đến bệnh viện, mẹ luôn lo lắng và hy vọng, chỉ riêng lần này thì mẹ luôn mỉm cười, giữa chừng còn gọi điện cho ông bà ngoại của Tiểu Mãn nữa.
Tiểu Mãn chưa bao giờ thấy mẹ vui như vậy.
“Bé cưng à, con có thể gọi mẹ thêm một lần nữa không?”
“Không được không được, lỡ con mệt thì sao.”
“Chúng ta vẫn nên gặp bác sĩ trước, nghe lời khuyên của bác sĩ đã, lỡ con chưa thích hợp để nói nhiều thì sao.”
Khi hai tuổi Tiểu Mãn bị đưa đi, cô mới chỉ phát ra những âm ngắn như “a,” “i,” “e.” Khi được đưa về, cô đã không còn biết nói nữa.
Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời Hoàng Hỉ Vân được nghe con gái mình nói chuyện.
“Tiểu Mãn, xin lỗi mẹ mừng quá.” Ra khỏi phòng khám, Hoàng Hỉ Vân cầm theo một xấp kết quả kiểm tra, cố gắng kìm nén cảm xúc của mình.
Sau khi nhận được kết quả mọi thứ đều bình thường, Hoàng Hỉ Vân ôm lấy Tiểu Mãn và quay mấy vòng trong niềm vui mừng.
Điều này giống như một món quà từ trời ban, Hoàng Hỉ Vân tràn đầy sự biết ơn, dùng điện thoại ghi nhớ lại ngày này.
Bà nói đây là một ngày kỷ niệm, một ngày kỷ niệm chỉ thuộc về hai mẹ con họ.
Tiểu Mãn vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa của ngày kỷ niệm, thầm đoán liệu có giống như ngày sinh nhật, Tết thiếu nhi hay Tết trung thu không.
Cô còn chưa kịp suy nghĩ gì nhiều thì đã bị mẹ dắt đi đến rạp chiếu phim mà trước đây họ chưa có thời gian ghé xem.
Lúc đó, một bộ phim hoạt hình mùa hè rất nổi tiếng đang chiếu, Tiểu Mãn bị thu hút bởi màn hình lớn trong rạp chiếu phim, nhanh chóng đắm chìm vào bộ phim.
Sau đó, hai mẹ con còn đi đến khu vui chơi trẻ em để gắp thú bông, vào cửa hàng sang trọng mua một chiếc đồng hồ điện tử màu trắng rồi ghé tiệm văn phòng phẩm mua thêm rất nhiều đồ dùng học tập cần thiết nữa.
Khi rời khỏi trung tâm thương mại với một đống túi xách lớn nhỏ, Tiểu Mãn đề nghị quay lại rạp phim để mua một phần bắp rang bơ caramel mang về.
Hoàng Hỉ Vân hôn lên má Tiểu Mãn, chấp nhận hết mọi yêu cầu của cô.
Hương thơm ngọt ngào của bắp rang bơ caramel lan tỏa trong không khí, nhưng Tiểu Mãn không ăn mà giữ kỹ phần bắp rang ấy, bảo vệ cẩn thận.
Trên xe buýt về nhà, Tiểu Mãn hỏi: “Mẹ, con… có thể…”
Lời nói vẫn còn chút ngập ngừng, phát âm chưa tròn trịa, Tiểu Mãn hít một hơi sâu rồi tiếp tục dùng ngôn ngữ ký hiệu: [Con có thể lên lầu tìm anh không?]]
Còn có cả San San và Cốc Giai nữa.
“Đương nhiên là được, đến thứ hai, con còn có thể chia sẻ tin vui này với mấy người bạn thân của con nữa.” Mẹ trả lời.
Ánh hoàng hôn chiếu qua cửa sổ xe buýt, Tiểu Mãn nhìn đồng hồ điện tử trên tay vài lần.
Nếu hôm nay mọi người đều ra chơi trốn tìm thì cô còn có thể nói với nhiều người hơn nữa.
Chiếc xe buýt cứ lắc lư không ngừng.
Tiểu Mãn ôm túi bắp rang bơ caramel, khẽ thì thầm gì đó.
“Vọng… Vọng… Độ.”
“Vọng… Độ.”
*
Trong hành lang, tiếng bóng rổ đập “bịch, bịch, bịch”.
Vọng Độ vừa đi lên lầu vừa tùy ý đập bóng.
Quả bóng rổ màu nâu đỏ nảy lên từ mặt đất, dính bụi vào tay anh, nhưng tay còn lại của anh vẫn sạch sẽ.
Từ lúc rửa tay ở ngoài sân bóng xong, anh cố tình để tay trái không chạm vào bóng vì lúc này tay trái đang cầm một túi nhựa, bên trong là những xiên kẹo hồ lô được bọc trong giấy gạo.
Hôm nay anh cùng đám Tần Dương đi đến sân bóng bên trường THCS Số 3, bọn họ đã đấu một trận với vài học sinh lớp 9 đến thách đấu, kết quả là 48:20.
Đến khi ra về mấy người đó vẫn không phục, còn lẩm bẩm gọi bọn họ là đồ lùn tịt.
Rõ ràng cũng chỉ lớn hơn bọn họ có một tuổi mà thôi.
Anh ôm quả bóng rổ vào hông, bất chợt đứng thẳng người, tựa nhẹ lưng vào bức tường ngả vàng trong cầu thang.
Hai tay đều bận rộn, Vọng Độ không thể đánh dấu, đành phải đặt bóng rổ xuống.
Sau khi khắc một dấu trên tường, anh quay lại ngó lên ngó xuống.
Không cao lắm, cũng không thấp lắm.
Thiếu niên khẽ cau mày.
Anh tự hỏi, rốt cuộc đến khi nào mình mới cao lên đến một mét bảy đây? Người ta bảo rằng con trai vào cấp hai là bắt đầu phát triển chiều cao rồi mà, sao ngược lại đã có vài nữ sinh đã cao tới mét bảy rồi?
Khi đi đến tầng nhà Tiểu Mãn, Vọng Độ nhẹ nhàng gõ cửa.
Không có ai trả lời.
Sáng nay khi ra ngoài, anh đã ghé qua một lần, lúc đó định hỏi Tiểu Mãn có muốn uống trà trái cây không để khi về anh giúp cô mua. Nhưng khi đó Tiểu Mãn không có ở nhà, giờ có vẻ cũng vẫn chưa về.
Vọng Độ cầm túi kẹo hồ lô tiếp tục đi lên tầng trên.
Anh cúi xuống nhìn mấy xiên kẹo, không để ý rằng mấy căn hộ thường ngày vẫn mở cửa, hôm nay đều đóng kín mít.
Lên đến tầng bốn rưỡi, Vọng Độ ngẩng đầu nhìn thấy cửa nhà mình đang mở toang.
Dương Hiểu Linh đúng lúc từ trong nhà bước ra, tay xách theo bốn, năm túi rác, thoáng sững người khi thấy Vọng Độ.
Mái tóc ngắn quanh cổ mà bà ấy để nhiều năm giờ được búi tạm ra sau nhìn hơi lộn xộn. Áo phông ngắn tay của bà ấy nhăn nhúm và dính bẩn, đóa hoa dán ở ngực bị xé rách một nửa, chênh vênh treo trên lớp vải như sắp rơi ra.
Vọng Độ cứng đờ cả người, quả bóng rổ trong tay rơi xuống đất, phát ra âm thanh “bịch bịch bịch”.
Anh bước mấy bước lên cầu thang, nắm lấy tay Dương Hiểu Linh đang xách túi rác.
“Tên khốn đó đến nữa à?” Anh hỏi.
Ánh mắt anh dừng lại trên cánh tay của Dương Hiểu Linh, có thể nhìn thấy rõ mấy vết bầm tím và vết máu trên đó.
Dương Hiểu Linh cố ý quay mặt sang một bên, trên gò má cũng có một vết thương.
“Ông ta đi được bao lâu rồi?”
“Ông ta ở khu Cẩm Tú đúng không?”
“Má nó.”
Vọng Độ buông túi kẹo hồ lô xuống, xoay người định đi xuống dưới.
Dương Hiểu Linh vội túm lấy anh.
“Vọng Độ, đứng lại.”
Bà ấy nắm chặt tay anh không chịu buông, có vẻ như lại chạm phải vết thương, đau đến mức bà ấy khẽ rít lên một tiếng.
Vọng Độ vội quay lại đỡ bà ấy.
“Mày chạy đi đâu? Mày biết ông ta ở đâu à? Ngay cả bà đây còn không biết liệu mày có tìm ra không?” Dương Hiểu Linh trừng mắt nhìn Vọng Độ: “Hơn nữa bà đây cũng đâu có thua.”
“Tên khốn ấy bị tao đánh què chân, vừa khóc vừa lết đi đấy.”
Dương Hiểu Linh nói xong, dường như sợ Vọng Độ không tin, bà ấy liền mở túi rác ra cho anh xem chân ghế bị gãy bên trong.
Vọng Độ cúi xuống nhìn thấy những mảnh thủy tinh vỡ văng tung tóe, một vài thanh gỗ màu nâu vẫn còn dính dăm gỗ, cùng với một tấm ván, đó là chiếc ghế nhỏ đã bị vỡ vụn.
“Tên khốn đó không biết có phải là nghèo đến phát điên rồi không nữa, cứ khăng khăng rằng trước đây đã tặng tao một sợi dây chuyền vàng nên giờ muốn lấy lại. Tao bảo dây chuyền vàng cái đéo gì, đến cái quần đùi nó mặc còn thủng lỗ chỗ, ở đó mà bày đặt dây chuyền vàng.”
“Sau đó nó định vào phòng mày lục lọi, nói rằng tiền lì xì của mày trong mấy năm qua cũng phải chia cho nó một nửa, vì nó bảo tiền đó vốn là do nó cho. Nếu đã ly hôn rồi mày đi theo tao, nên mày cũng đừng mong giữ được số tiền đó. Láo toét, nửa tiền của nó cái đéo gì, lần nào đi thăm họ hàng người lúc nào cũng bỏ tiền ra là tao đây nè!”
Dương Hiểu Linh đã cố đuổi ông ta đi nhưng Vọng Trình trong lúc bị đẩy đã tức giận tát bà ấy một cái, bà ấy liền cầm lọ hoa thủy tinh bỏ không trên kệ hoa ném thẳng vào mặt ông ta. Sau đó bà ấy bị ông ta đá một cú, bà ấy bèn cầm chiếc ghế đẩu bên cạnh lên và đánh ông ta tới tấp. Trong lúc xô xát, bà ấy lại nhận một cú đấm vào mặt.
Cuối cùng, Vọng Trình ôm chân, vừa khóc vừa chửi rủa bà ấy là một mụ đàn bà chó đẻ, mắt bị mù nên năm đó mới nhìn trúng bà ấy.
Dương Hiểu Linh cũng không giận, vừa dọn dẹp nhà cửa vừa cười ha ha.
Vọng Trình mất một thời gian mới chịu lết chân rồi lầm bầm chửi rủa đi ra ngoài.
Có thể thấy Dương Hiểu Linh đã dọn dẹp trong nhà sơ sơ rồi, nhưng bàn ăn, ghế, bình nước và tivi vẫn nằm lộn xộn. Chiếc quạt điện ở góc còn bị đứt dây, đứng nghiêng ngả bên cạnh tủ lạnh.
Cảnh tượng lộn xộn này đã lặng lẽ kể lại cuộc ẩu đả kinh hoàng vừa rồi.
Vọng Độ cẩn thận băng bó cho Dương Hiểu Linh, kiểm tra xem trên người bà ấy có vết thương nào nghiêm trọng không, sau đó ấn bà ấy ngồi trên ghế sô pha, từ từ chỉnh đồ đạc về vị trí ban đầu và dọn dẹp sàn nhà.
Khi rửa cây lau nhà, anh liên tục đập nó xuống đất, như một cách để xả sự tức giận và căm ghét trong lòng.
“Con trai, mẹ ra ngoài một chút nhé.” Dương Hiểu Linh gọi với từ cửa: “Ở trên bỗng dưng có kiểm tra, mẹ phải tăng ca, tối mới về.”
“Bà đây phải nghĩ xem có nên đăng ký học lớp taekwondo không, thật luôn chứ… Cảm thấy đánh vẫn còn nhẹ…”
Cửa đóng lại, phát ra tiếng kêu ngột ngạt.
…
Vọng Độ dọn dẹp nhà cửa xong, lấy điện thoại ra, lục tìm một địa chỉ trong tin nhắn.
Khi anh đến nơi, Vọng Trình vẫn chưa về.
Anh nhặt một viên đá rồi đập vỡ cửa sổ, vào trong nhà đợi.
Hai tiếng sau có tiếng động bên ngoài, âm thanh của chìa khóa vang lên, cánh cửa lớn bị mở ra.
Khi Vọng Trình nhìn thấy Vọng Độ, ông ta suýt giật mình.
“Mày… cái thằng súc sinh này, mày đến đây làm gì? ** má sao mày tìm được chỗ của tao?”
Đầu ông ta đang quấn băng gạc, mắt vẫn sưng, vai một bên cao một bên thấp, nhìn chân tay rõ ràng có vấn đề.
Vết thương không nhẹ.
Vọng Độ tiến lại gần, đẩy ông ta vào tường.
Anh nghiến răng nói: “Nếu ông còn dám động đến mẹ tôi nữa thì ông đây sẽ đánh chết ông.”
Vọng Trình đau đớn, mày nhíu lại như bánh xoắn quẩy.
Vọng Độ buông ông ta ra, “rầm” một tiếng đóng cửa lại.
“Má nó chứ.” Vọng Trình lầm bầm chửi rủa, đợi cho người đi rồi mới mắng mỏ: “Đúng là phản rồi, phản thật rồi, giờ đến cả con trai cũng dám đánh ông đây nữa. Thằng con khốn nạn của mụ đàn bà khốn nạn sinh ra, đứa nào đứa nấy ngu đéo chịu được.”
*
Trở lại tòa nhà ngang, Vọng Độ nhìn thấy quả bóng rổ của mình vẫn nằm im lặng ở góc hành lang.
Đã là buổi tối, những cánh cửa nhà hàng xóm khóa chặt trong suốt cả ngày nay giờ lại mở ra, rèm cửa kéo lên, bên trong vang lên tiếng phim truyền hình ăn khách và tiếng trò chuyện.
Vọng Độ không vào nhà, tùy tiện ngồi trên bậc thềm trước cửa.
Từ đây nhìn ra cửa sổ cầu thang, một bầu trời ráng chiều vàng rực rỡ hiện lên.
Anh cúi đầu, tay vô thức nắm chặt tóc mình.
Mẹ nó.
Đàn ông trên đời này có nhiều thằng ngu thật à?
Anh cũng là một thằng ngu, vừa rồi tại sao lại ra ngoài chơi bóng làm gì? Không thể ở yên trong nhà sao? Nếu anh ở nhà thì Dương Hiểu Linh đã không bị thương.
Chơi bóng rổ đéo gì chứ.
…
Gió chiều nhẹ nhàng lướt qua khắp nơi.
Ánh hoàng hôn dần tắt, màu đen như mực lan tỏa khắp nơi.
Thời gian đã trôi qua rất lâu, thiếu niên vẫn cúi đầu, mặt chôn giữa đầu gối và khuỷu tay.
Đột nhiên dưới lầu vang lên tiếng động, cửa của một nhà nào đó lại đóng lại rồi mở ra.
Vọng Độ nghe thấy một tiếng bước chân rất nhẹ, chậm rãi tiến lên cầu thang.
Anh không quan tâm.
Tiếng bước chân dừng lại ở tầng bốn rưỡi một lúc, như thể đang suy nghĩ.
Một lúc sau, tiếng bước chân đó lại tiếp tục đi lên trên, cuối cùng với hơi thở dồn dập đã dừng lại bên cạnh Vọng Độ.
Có người ngồi xuống bên cạnh anh.
Học sinh tiểu học không hiểu gì về thế sự.
Tiểu Mãn nhìn thấy Vọng Độ, đầu tiên cảm thấy có chút kỳ lạ, sau đó lại thấy vui vẻ, không cần gõ cửa cũng có thể nhìn thấy anh.
Cô cố gắng nắm một nắm bỏng ngô, đôi tay nhỏ bé đưa về phía Vọng Độ. Với kích thước bàn tay của mình, trong đó thực ra chỉ có vài hạt bỏng ngô mà thôi, nhưng cô vẫn nắm thật chặt.
Vọng Độ không động đậy, vẫn cúi đầu như cũ.
Tiểu Mãn nghi hoặc cúi đầu, cũng chôn mặt vào, chen vào nách của Vọng Độ như thể muốn nhét mình vào trước mặt anh.
Túi bỏng ngô nghiêng đi, rơi ra một ít trên bậc thềm.
Mùi vị caramel xua tan nỗi bực bội trong lòng Vọng Độ.
Anh bất lực bật cười.
Thực ra học sinh tiểu học đâu có biết khi con trai buồn, thậm chí có lúc đã khóc vì cảm thấy áy náy sẽ không thích có một đứa nhóc chui đầu vào chỗ mà mình đang chôn mặt để xem mình thực sự đã khóc như thế nào.
*
Tiểu Mãn nhìn thấy nước mắt của Vọng Độ, một hồi lâu cũng không nhúc nhích.
Đôi mắt chớp chớp cho thấy cô đang suy nghĩ.
Cô đặt bỏng ngô trong tay trở lại trong túi, dùng ngón trỏ chạm vào má Vọng Độ, để nước mắt dính lên ngón tay nhỏ bé của mình, sau đó cô lau đi.
“Anh, đừng khóc.”
Vọng Độ ngẩn người.
Anh ngẩng đầu lên, hơi ngạc nhiên nhìn về phía nhóc con trước mặt.
Cô… Vừa rồi cô đã nói chuyện à?
Còn… gọi anh là anh nữa?
Tiểu Mãn lau tay vào áo, đứng dậy đi lên bậc thềm trước mặt Vọng Độ.
Cô nhẹ nhàng như thể đang chăm sóc một báu vật, nâng niu gương mặt của Vọng Độ.
Vọng Độ ngửi thấy mùi caramel của bỏng ngô.
Cụ thể hơn, anh ngửi thấy mùi caramel dính trên tay Tiểu Mãn.
Mùi hương đậm đà.
Tiểu Mãn cúi sát lại thì thầm vào tai Vọng Độ.
Giọng nói dịu dàng và non nớt.
“Anh, đừng buồn.”
Dường như có chút caramel dính trên mặt Vọng Độ, nhưng anh không cảm thấy khó chịu.
Tiểu Mãn cười, anh cũng cười theo.
Hai người nhìn nhau một hồi lâu.
Gió chiều vẫn thổi.
Giọng nói của thiếu niên trầm xuống, mang theo chút giọng mũi.
“Nhóc con, giọng của em nghe hay thật đấy.”
*
Cy: Má ơi tụi nhỏ soft vãi òoooooo