– Có thể nhìn ra kiểu giáp của binh lính nhà Lý. Đây có lẽ là bình đoàn vận chuyển kho tàng ngàn năm trước của Lý Thường Kiệt. Đoàn quân này vì sao lại chết ở đây xem ra còn cần phải tìm hiểu kỹ, nhưng ít nhất chúng ta đã đến gần kho tàng hơn rồi. Tạm thời tôi nghĩ nên bỏ qua việc này, đi tới bản Mèo xem có thêm thông tin gì không rồi tính tiếp.
Nói đoạn cả đoàn khởi hành theo hướng khói bếp bản Mèo, vừa đi vừa mở đường nên mãi chiều tối mới đến nơi. Bản nhỏ hiện ra dưới sương mù mờ ảo, làm tôi cảm thấy bình yên đến lạ lùng. Ngót nghét đã hơn chục ngày lang bạt trong rừng rậm chập trùng, nay mới nhìn thấy cảnh cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của con người sao mà thất thiết đến vậy. Nhìn thấy chúng tôi cưỡi ngựa đến, mấy đứa nhỏ hiếu kỳ đang chơi ở sân bản chạy ra, dùng con mắt tròn vo đen láy nhìn soi mói, rồi khi chúng nó thấy đầu hổ xám treo trên con ngựa của A Lủ thì hét lên sợ hãi, kéo nhau chạy tuột vào trong nhà. A Lủ cười cười ra vẻ oai phong lắm. Được một lúc, người lớn trong bản cũng kéo ra, có một ông lão cao tuổi, râu tóc bạc phơ nhưng thân thể còn rất tráng kiện, đặc biệt là đôi mắt tinh anh làm tôi nghĩ ngay đến những vị già làng đạo hạnh, ông ấy hỏi bằng thứ tiếng bản địa, đại ý chúng tôi là ai, đến bản có việc gì. A Lang có thể hiểu được nên trở thành thông dịch viên và phát ngôn viên cho cả đoàn. Sau khi biết được câu chuyện và mục đích của cả đoàn là thám hiểm rừng hoang, đặc biệt là nhìn thấy đầu hổ xám, họ liền mời chúng tôi đến nhà chung của bản để nghỉ ngơi. Để lại giáo sư Minh và A Lang ngồi nói chuyện, tôi xin phép rồi rủ Lủ cùng An đi tìm chỗ tắm rửa, lang thang trong rừng mãi, giờ mà soi gương có lẽ không còn nhận ra mình nữa rồi. Mặt mũi ai cũng lấm lem, tóc tai bù xù như ăn mày thật lếch thếch. Được dân bản chỉ cho con suối gần đó, chúng tôi dẫn nhau đi. Nhường cho An tắm trước, tôi cùng Lủ ngồi trên bờ canh. Nó bảo lúc nãy đi quên không mượn giáo sư cái ống nhòm, mà không biết trời tối nhòm có thấy gì không, rồi nhìn tôi cười hô hô đầy tà ý. Đang mải bốc phét với nhau, tôi lại nghe có tiếng vang lên trong rừng thẳm:
“Nam quốc sơn hà, nam đế cư, nam đế cư cư ư ư…”
Tôi liền kinh hãi hỏi A Lủ:
– Đấy mày có nghe thấy không mập?
– Có, tao có điếc đâu!
– Không lẽ có người đi theo bọn mình à, mày biết ý nghĩa câu nói đó không? – Tôi lại hỏi.
– Chịu, nghe giống tiếng Việt, mà nó đọc cái mẹ gì vậy?
– Bình thường mày lười biếng không chịu học nhiều, đây là một câu bài thơ Nam quốc sơn hà của dân Đại Việt đó, thầy từng dạy tao rồi. Thật là kỳ quái, không lẽ có người của Lý Thường Kiệt còn sống tới bây giờ hay là hồn ma tử sĩ đi theo ám tụi mình mãi vậy.
Rồi thấy An đã lên, tôi hỏi cô:
– Cô có nghe thấy không, giống y như tiếng hôm qua tôi đã nghe mà, lúc đó thì chẳng ai tin, giờ A Lủ cũng nghe thấy đây.
– Em có nghe…nên sợ có chuyện e mới lên đây. Thôi hai anh tranh thủ tắm nhanh đi rồi về bản.
Chờ mỗi thế, hai thằng tôi lao xuống suối ngay lập tức. Nước suối ở đây trong vắt, mát lạnh làm bao nhiêu mệt nhọc những ngày qua như tan biến, hai thằng bơi qua bơi lại thỏa thích một lúc mới chịu lên bờ về bản. Về đến nhà chung, chúng tôi leo lên bậc thang và bước vào. Căn nhà khá rộng rãi và thông thoáng, căn nhà bài trí đơn sơ, giữa gian nhà có bếp lửa nhỏ, ánh sáng hắt lên trên tường nơi treo những đầu hươu nai, cung nỏ như chứng tích của những thợ săn trong bản. Già làng đang ngồi đó trò chuyện cùng giáo sư và A Lang, chúng tôi tiến đến chào hỏi, rồi A Lủ đưa cho già làng gói thuốc lá, nhờ A Lang hỏi giúp chuyện của mẹ nó năm xưa. A Lang vừa hỏi đến đâu, mắt ông lão sáng ra đến đó như đã nhớ lại câu chuyện, thì ra già làng cũng chính là thầy mo của bản năm nào. Ông nói có nhớ chuyện đó, và bảo cả đoàn cứ yên tâm nghỉ ngơi, cơm nước xong sẽ dẫn chúng tôi đi thăm nơi chôn cất mẹ A Lủ.
Trong bữa ăn mọi người cũng trò chuyện với nhau nhiều hơn, rượu lá của bản làm chúng tôi cảm thấy lâng lâng dễ chịu, thì ra nguyên nhân chính để được sự hậu đãi của bản Mèo này chính là việc A Lủ mang theo đầu hổ xám. Con hổ này cũng thường bắt người của bản, mà thợ săn bất lực không có cách nào để diệt trừ, thành ra A Lủ trở thành người hùng của bản. Rượu vào nó bốc đồng lên, lấy luôn cây đao của tôi nữa rồi bước ra múa bài Bát trảm Vịnh Xuân Đao và nhận được sự hoan hô nhiệt liệt của mọi người, đặc biệt là các cô gái trẻ trong bản, nó vui lắm, uống rượu liên tục như nước lã đến ngủ gục trên sàn. Văn hóa dân bản là vậy, nếu không nhiệt tình với sự tiếp đón của họ, sẽ bị coi là khinh thường cả bản, đến lúc ấy thì khó có thể ăn ở cùng nhau. Tôi vừa ăn uống, vừa cùng trò chuyện với mọi người, già làng nói họ có biết khu đồi ma, và xem đó như một khu vực cấm địa, vì trước đây cũng có nhiều người từng bị rắn cắn mà vong mạng rồi, ông cũng muốn diệt trừ bọn rắn độc, nhưng lực bất tòng tâm, hơn nữa dù đông nhưng bọn rắn không ra khỏi đồi trọc bao giờ, cho nên rồi cả bản cũng mặc kệ chỉ cảnh báo nhau tuyệt đối không được bén mảng tới gần. Giáo sư tranh thủ dò hỏi xem quanh đây có thác nước nào hay không, câu trả lời nhận được là cũng có hai cái thác lớn, dân bản vẫn không biết mục đích thật sự của chuyến đi nên muốn cho người dẫn chúng tôi đến xem thác nước, với lý do không muốn làm phiền mọi người và đã có A Lang dẫn đường, nên giáo sư chỉ hỏi hướng đi rồi cảm ơn vì đã nhiệt tình hỗ trợ.
Đến tối muộn, tôi gọi A Lủ tỉnh dậy rồi cả đoàn theo già làng đi đến nơi chôn cất mẹ nó. Đối với tôi mà nói, thì bà cũng là sư mẫu trên danh nghĩa nên tôi đi cùng thắp nhang cho bà là chuyện phải làm, còn người khác muốn đi theo chủ yếu vì tỏ lòng thành kính với người đã khuất và phần nào muốn cầu xin sự bình an cho cả chuyến đi trước mắt. Lúc tôi và A Lủ quỳ xuống thắp nhang vái lạy, già làng cảm khái nói mới ngày nào A Lủ còn được bế trên tay, nay đã trưởng thành rồi, thời gian trôi qua thật là mau chóng. Đúng lúc này, ngay chỗ chúng tôi lại vang lên tiếng người quái dị nọ: ” ư ư ư, Nam quốc sơn hà, nam đế cư, nam đế cư cư ư ư…”, mà lần này tiếng nói vọng lại rất gần như ngay sát bên. Cả đoàn hoảng hốt đưa mắt tìm kiếm nhưng không thể xác định được giọng nói từ đâu phát ra. Lúc ấy già làng mới giải thích rằng đây là tiếng một loài chim rừng, đặc biệt chỉ có ở khu vực này thôi. Họ không hiểu được tiếng Việt, nên không tài nào biết được ẩn tàng trong đó là cả một câu chuyện dài ly kỳ gần một ngàn năm lịch sử. Lúc này chúng tôi mới vỡ lẽ ra và có đáp án cho nghi hoặc suốt mấy hôm nay.
Tối đến cả đoàn được tự do nghỉ lại nhà chung của bản. Lúc này giáo sư mới thích thú nói về giả thiết loài chim rừng đọc thơ được nuôi dạy bởi đội quân của Lý Thường Kiệt. Ông giải thích thêm, Nam quốc sơn hà là một bài thơ Hán văn thất ngôn tứ tuyệt không rõ tác giả. Đây là bài thơ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam, khẳng định chủ quyền của nhà cầm quyền Đại Việt trên các vùng đất của mình. Bài thơ được cho là bài thơ thần, do thần đọc giúp Lê Hoàn chống quân Tống năm 981 và Lý Thường Kiệt chống quân Tống năm 1075-1076. Người phương Bắc coi Đại Việt như một thuộc địa, chỉ phong vương cho chứ không cho xưng đế, vậy nên bài thơ là sự khẳng định sự tự chủ của dân tộc Việt Nam. Cụ thể hơn trong cuộc chiến của Lý Thường Kiệt, khi ông lập phòng tuyến tại sông Như Nguyệt (sông Cầu) để chặn địch. Quân của Quách Quỳ đánh đến sông Như Nguyệt thì bị chặn. Nhiều trận quyết chiến ác liệt đã xảy ra tại đây nhưng quân Tống không sao vượt được phòng tuyến Như Nguyệt, đành đóng trại chờ viện binh. Đang đêm, Lý Thường Kiệt cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát ở phía nam bờ sông Như Nguyệt, giả làm thần đọc vang bài thơ trên. Nhờ thế tinh thần binh sĩ lên rất cao. Lý Thường Kiệt liền cho quân vượt sông, tổ chức một trận quyết chiến, đánh thẳng vào trại giặc. Phần vì bất ngờ, phần vì sĩ khí quân Việt đang lên, quân Tống chống đỡ yếu ớt, số bị chết, bị thương đã hơn quá nửa.
– Nếu loài chim này được dạy đọc thơ và còn tồn tại đến giờ suốt một ngàn năm thì quả thật đầu óc người xưa chính là thiên tài, bởi con người vì hoàn cảnh mà nhiều khi không dám phát ngôn những chân lý, còn động vật giống như các máy hát bây giờ, có gì thì đọc đó thôi. Hơn nữa việc dùng loài chim này phát thanh bài thơ thần, gây ra được các hiệu ứng cực mạnh về tinh thần, vừa cổ vũ cho quân Đại Việt, vừa dùng nó hù dọa, làm suy sụp tinh thần quân binh nhà Tống, thật là một độc chiêu vô tiền khoáng hậu.
Giáo sư vừa giải thích vừa tấm tắc khen làm tôi cũng cảm thấy ông cha mình năm xưa đã dụng binh thật tài tình, đến những cách đánh trận như vậy cũng nghĩ ra và triển khai được một cách hiệu quả thần thánh. Cả ngàn năm qua rồi, loài chim này đã tồn tại và sinh sôi khắp vùng rừng núi Thập Vạn Đại Sơn, đọc vang bản tuyên ngôn một cách hào hùng và đầy nhiệt huyết như nhắc nhở bất cứ kẻ nào dám mạo phạm đến bờ cõi của Đai Việt đều sẽ chỉ nhận được kết cục bi thảm mà thôi. A Lủ không mấy yêu nước như vậy, nó rủ A Lang:
– Lúc nào có dịp anh với tôi tìm bắt một con, về bán kiểu gì cũng dư tiền mua thuốc hút cả năm đó. Hô hô!