– Có chuyện gì xảy ra vậy, A Lang rơi xuống nước à? – A Lủ hỏi tôi.
Lúc này cả tôi và An vẫn chưa hết kinh hoàng, miệng khô không khốc rồi cứ như bị á khẩu, không thể nói bất kỳ lời nào. Bóng đêm làm con người ta rất dễ tuyệt vọng, An quỳ phịch xuống đất, hai mắt đỏ hoe ngân ngấn nước mắt chỉ trực trào ra, tôi cũng không còn đứng vững được, chuyện xảy ra hết sức bất ngờ, mãi một lúc sau mới định thần được để kể lại cảnh tượng chúng tôi trông thấy. Nghe xong câu chuyện cả đoàn đều bần thần, từ lúc khởi hành chuyến thám hiểm, có A Lang bên cạnh chúng tôi cảm thấy an tâm rất nhiều, vô cùng tin tưởng vào anh ấy, cùng nhau vượt qua biết bao nhiêu hiểm nguy bên lằn ranh sống chết mong manh mà bây giờ chưa một lời từ biệt đã bỏ chúng tôi đi mất rồi. A Lủ là người lạc quan nhất trong đoàn mà lúc này cũng không thể giấu được vẻ mặt buồn bã, thậm chí nó còn nói hay là cả đoàn bỏ cuộc tìm kiếm, quay lại thôi.
– Bây giờ không có A Lang dẫn đường, quay lại cũng chưa chắc đã có thể ra khỏi rừng núi chập trùng. Hơn nữa A Lang rớt xuống nước còn chưa biết sống chết thế nào, chúng ta không thể bỏ mặc anh ấy được. – Tôi quyết đoán.
Giáo sư Minh tiếp lời:
– Nghe tả con trăn lớn như thế, có thể là con cái cùng một cặp với con bị giết. Giống trăn cái bao giờ cũng to lớn và hung dữ hơn nhiều. Thiên nói đúng, bây giờ chỉ có cách tiếp tục tiến lên thôi. Phải rồi, lúc nãy sao cậu và An đang đi đột ngột dừng lại, phía trước còn có chuyện gì?
– Phía trước hình như có người ba à!- An trả lời thay tôi.
– Có người???
A Lủ và giáo sư cùng trợn mắt, tôi nói rằng quả thật không chắc lắm, nhưng dưới ánh sáng cực hạn chế của đèn pin trong động ngầm đen tối, quả thật đã nhìn thấy lố nhố những bóng người xếp hàng ngay phía trước. Muốn biết thật giả thì dễ thôi, đi thêm mấy bước là rõ. Chúng tôi xốc lại tinh thần, trong đầu nhủ thầm phải thật cận thận rồi chầm chậm tiến từng bước một trên thạch đạo. Không khí lúc này thật nặng nề, không ai dám thở mạnh, tôi đi trước, lấy thêm một cây đèn pin cầm tay từ ba lô của An để soi cho rõ hơn. Tiến sát đến gần những bóng người, cả đoàn mới vỡ lẽ hóa ra đây là những bức tượng binh lính được dựng đứng theo hàng lối hai bên thạch đạo hẹp có khoảng cách với con đường tầm hai mét. Cảm thấy an toàn, tôi mới để giáo sư lại gần xem xét. Ông rọi đèn pin quét qua bức tượng đầu tiên rồi nói:
– Là binh lính thời Lý, những bức tượng này được tạc theo mẫu binh lính Đại Việt thời xưa. Mọi người cùng xem này.
Theo ánh đèn của giáo sư, chúng tôi quan sát kĩ hơn. Những bức tượng được tạc từ gỗ, không biết vùng này ngày xưa có loại gỗ gì mà có thể tồn tại cả ngàn năm không có dấu vết hư hao như thế này. Khuân mặt bức tượng được tạc rất có hồn với thần thái nghiêm trang, uy nghi lẫm liệt. Nếu gắn cho các bức tượng này một bộ râu dài thì trông không khác gì tượng ông Quan Công trong nhà chúng tôi. Các bức tượng có kích thước bằng một người bình thường, đứng theo thế xếp hàng nghiêm, một tay cầm kiếm, một tay đặt lên vỏ kiếm như sẵn sàng chiến đấu. Vừa nhìn thấy những khớp nối trên tay chân và hông bức tượng, A Lủ vội bảo chúng tôi:
– Mọi người cẩn thận, lùi lại nhanh.
Chúng tôi dù chưa hiểu có chuyện gì, nhưng qua chuyện của A Lang vừa rồi, vội lùi lại về sau mấy bước. Nó tiến lên rọi rọi đèn pin, xem hết một lượt rồi hỏi tôi:
– Thiên, mày thấy những bức tượng này giống cái gì?
– Giống người, giống binh lính nhà Lý, giáo sư nói rồi đó thôi?
– Người cái đầu mày, xem các khớp nối đi, tao nghĩ đây là mộc nhân đó!
Lúc này tôi mới để ý, thầm trách mình sao không nghĩ ra sớm chứ. Hàng ngày chúng tôi đều được tập Vinh Xuân với mộc nhân, nhưng hình dáng thô lỗ của mộc nhân ở nhà làm tôi không thể nào liên tưởng được. Mộc nhân hay còn gọi là mộc nhân thung, là một công cụ luyện tập hữu ích trong một số môn võ thuật. Nó mô tả lại các thế đánh hay phản xạ của con người, mô phỏng quá trình thực chiến cho các võ sinh dễ hình dung và cảm nhận hơn. Giáo sư cũng không xa lạ gì với mộc nhân, ông cũng biết truyền thuyết về điều kiện phải chiến thắng 108 mộc nhân để chứng tích võ công trước khi được hạ sơn của các cao tăng Thiếu Lâm tự rất nổi tiếng, tuy nhiên các nhà nghiên cứu vẫn không tìm thấy dấu tích của mộc nhân tại Tung Sơn – Trung Quốc, và hiện nay mộc nhân thung pháp vẫn là dụng cụ tập luyện đặc thù của các võ phái Thái Lý Phật, Hắc Hổ Môn ở Hồng Kông, và Vịnh Xuân quyền…Giáo sư nói:
– Dù không tập luyện võ thuật, nhưng tôi cũng có biết về mộc nhân. Không có một khuôn mẫu nghiêm ngặt về hình dạng, kích thước của mộc nhân thung mà tùy theo môn phái và thể trạng người tập, có thể có những yêu cầu về kiểu dáng khác nhau. Tuy nhiên trên tổng thể, mộc nhân có cấu tạo đơn giản là một trụ gỗ tròn đường kính trong khoảng 20 cm-50 cm, dài cỡ 1m60-1m80 tùy theo chiều cao mỗi người nếu đặt trên giá đỡ đó gọi là loại sống, động. Nếu chôn xuống đất, dựa tường, treo trên tường, hoặc đặt trên nền đất thì là loại chết, bất động. Thông thường mộc nhân loại sống được sử dụng nhiều hơn do tính linh hoạt khi chịu lực và phản đòn chân thực.
Vậy hai hàng mộc nhân đặt ở đây có mục đích gì? Chắc chắn không phải để cho đẹp rồi. Tôi nói giáo sư và An hãy lui về phía sau, đừng quên cẩn thận đề phòng chung quanh. Tôi và Lủ dựa lưng vào nhau, chậm chậm tiến lên. Vì không gian thạch đạo hẹp, hai đứa quyết định bỏ lại đao, chỉ dùng tay không mà dò xét. Bước đều từng bước một, một bước, hai bước, ba bước giữ nguyên tư thế thủ, hai đưa vẫn không thấy chuyện gì phát sinh, đến bước thứ tư, khi đặt chân xuống, tôi cảm thấy dưới chân mình hơi lún xuống rồi khựng lại, biết có chuyện tôi hét cảnh báo A Lủ: “Cẩn thận”. Chung quanh xuất hiện những tiếng cạch cạch, hai hàng mộc nhân cạnh chỗ chúng tôi bắt đầu vun vút chuyển động tiến sát vào thạch đạo.
Mỗi bên thạch đạo chỗ chúng tôi đang đứng có bốn mộc nhân, chúng đồng loạt rút kiếm ra khỏi vỏ. Tôi nhủ thầm: “Mẹ nó, người gỗ lại chơi hàng thật…”. Sau khi rút kiếm, tốc độ mộc nhân cũng nhanh hơn rất nhiều, bắt đầu chém vèo vèo vào hai đứa. Phải nói loại mộc nhân này rất độc đáo. Các khớp tay, chân và hông kết hợp với nhau mô tả lại các thế đánh như người thật. Hai đứa chúng tôi sử dụng Vinh Xuân, vừa né tránh vừa tấn công lại, bọn tôi quen các thế đánh vuốt tay mộc nhân và bẻ khớp theo kiểu cầm nã thủ, định bụng sẽ hủy các khớp này thì mộc nhân sẽ hết cử động. Tuy nhiên tôi đã tính sai, các khớp nối mộc nhân tuy linh hoạt nhưng không mềm mỏng như tôi nghĩ. Cầm nã thủ đánh theo nguyên tắc tác động lên cơ, dây chằng, xương, hô hấp, tuần hoàn và huyệt vị. Tuy nhiên đám mộc nhân này chỉ có các khớp nối tạm gọi là liên quan đến xương mà thôi. Tuy đã cố gắng dùng hết sức nhưng vẫn không thể đánh gãy được. Ông bà từng nói song quyền nan địch tứ thủ, chúng tôi hai đứa có bốn đầu quyền đang vật vã chống đỡ với mười sáu cánh tay còn có cầm kiếm, sơ hở một chút là mất mạng như chơi. Không cần nói, tình hình lúc này chúng tôi đã rơi và hạ phong thê thảm. Vất vả lắm mới có thể chống đỡ và né tránh các đòn chém đâm hiểm hóc của mộc nhân, An ở ngoài lo lắng, hét lớn gọi chúng tôi lui lại tìm cách thoát ra. Đành vậy, tôi vừa đánh vừa lui ra, Lủ thấy vậy cũng không cố nán lại, vừa lui ra đến chỗ mộc nhân đầu tiên, trong lúc đỡ một đòn chém mạnh, tôi vô ý bị xô về phía sau, văng vào lưng A Lủ đẩy nó tới sát mộc nhân bên phía đó. Nó bị quýnh lên, quát tôi lớn tiếng:
– Thằng chó.
Rồi cuống cuồng đấm mạnh vào ngực con mộc nhân làm nó khựng hẳn, hai đứa an toàn lui ra ngoài ngồi thở dốc. An đưa nước cho chúng tôi uống, quá mệt mỏi tôi cầm lấy tu ồng ộc đến nỗi không kịp nói cảm ơn. A Lủ đỡ hơn tôi, nó ung dung câm chai nước uống xong từ tốn nói với vẻ mặt dạy đời:
– Chỉ cần đấm mạnh vào ngực đám mộc nhân nó sẽ dừng lại thôi.
Đang hả hê, đám mộc nhân từ từ chuyển động thu kiếm lại vào bao rồi lui về vị trí cũ tạo khoảng cách với thạch đạo như ban đầu, kể cả con mộc nhân bị A Lủ đấm cho đơ cứng. Quan sát nãy giờ, giáo sư đưa ra nhận định, đám mộc nhân này sử dụng sức nước của dòng nước xiết chung quanh để hoạt động. Lúc tôi đạp phải lẫy chôn dưới thạch đạo đã vô tình khởi động chúng, nhìn hai dòng nước xiết kia, chả trách chúng mạnh mẽ đến thế. Nói gì thì nói, tôi vô cùng thán phục nghệ nhân nào đã chế tạo ra được hệ thống mộc nhân cũng như cơ quan vận hành chúng. Chúng tôi cùng nhau ngồi phân tích lại tình thế lúc này, nếu như dùng hết tốc độ chạy nhanh qua mà may mắn thoát được cũng sẽ bị loạt mộc nhân tiếp theo vây đánh, dùng đao phá hủy thì không thể, bởi khoảng cách từ thạch đạo ra đến chỗ chúng là quá xa, số lượng chưa xác định được mà chắc chắn sẽ không đủ đạn để bắn phá hết. Chỉ có một cách duy nhất là tôi và A Lủ phải vào vòng vây một lần nữa, dùng sức đấm cho các một nhân tạm ngừng hoạt động một chút rồi tranh thủ cho An và giáo sư Minh đi qua, tiếp theo lại phải đi đến đám một nhân thứ hai, vì khoảng trống ở giữa không đủ cho cả bốn người cùng nghỉ lại. Nghĩ đến đây đã thấy vô cùng mệt mỏi, chúng tôi lấy đồ hộp ra ăn lót dạ, từ lúc sáng bơi lội tìm cửa hang cho tới bây giờ chưa có gì vào bụng, đừng nói là đánh đấm, bước đi thôi còn không nổi nữa rồi. Tôi vừa ăn vừa nhớ tới A Lang, miệng đắng nghét không tài nào nuốt được, đành bỏ đó moi bao thuốc trong ba lô ra hút. Cũng may mà có ba lô chống thấm nên thuốc không bị ướt, A Lủ cũng đánh lửa rít một hơi thật sảng khoái. Xong xuôi chúng tôi theo phướng án đã định, tôi cùng nó lại nhảy vào đại trận mộc nhân. Vì đã có kinh nghiệm giao thủ, dù cơ quan có tinh vi cỡ nào đi nữa cũng chỉ là máy móc, các hành động liên tục lặp đi lặp lại không làm khó được chúng tôi khi đã có sự chuẩn bị. Vượt qua tám mộc nhân thứ nhất, không dùng bước chúng tôi lao đến đám tiếp theo. Giáo sư và An cũng tranh thủ thời gian chạy nhanh qua, dừng bước ở khoảng trống giữa đã định. Trong lúc tôi và Lủ tấn công số mộc nhân khu vực thứ hai, đám thứ nhất không hư hao gì, tiếp tục lui ra vị trí trấn thủ ban đầu. Không có thời gian để ý chuyện phía sau, hai thằng chúng tôi dùng hết sức tấn công và vượt qua khá dễ dàng. Ngay khi lọt vào đại trận thứ ba, tiếng cạch cạch cũng vang lên quen thuộc, nhưng không thấy đám mộc nhân lao vào như trước, tôi nhủ thầm không ổn, tình huống hiện tại đã có sự thay đổi rồi.