Cặp đôi tri kỷ kia liếc mắt nhìn nhau, một người trong đó lên tiếng: “Trong «Đức Minh – Tự Lục» có ghi chép, vào những năm Tuyên Đế trị vì, có một người phụ nữ ở Hà Nội, lúc phá bỏ ngôi nhà cũ đã tìm được ba thiên «Cổ văn Thái Thệ». Đây là «Cổ văn Thượng Thư» nằm ngoài mười sáu thiên kia, cho nên, lời ngươi nói “Bốn trăm năm qua số lượng không hề thay đổi” là sai! Ngoài ra, còn có…”
Bọn họ lại lấy ra ba bốn nội dung tương tự trong các quyển sách khác.
Hiện tại đến lượt Kim văn học phái nhíu mày.
Những quyển sách này bọn họ có quyển từng xem qua, có quyển chỉ nghe nói qua tên, không ngờ đối phương vậy mà lại đọc nhiều sách như vậy.
Nhưng mà không sao, bọn họ còn có chứng cứ khác!
Lại có một người bước ra: “«Tuân Tử» có câu: “Nhân tâm chi nguy, đạo tâm chi vi.” Tám chữ này là dẫn từ «Đạo Kinh». Mà «Cổ văn Thượng Thư» cũng có câu tương tự: “Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi.” Nếu như «Cổ văn Thượng Thư» ra đời trước, vì sao «Tuân Tử» không nói là dẫn từ «Thượng Thư»? «Cổ văn Thượng Thư»! Là sách giả! «Tuân Tử» chưa từng thấy qua, cho nên không thể nào dẫn dụng.”
Người Cổ văn học phái: “…”
Các ngươi còn có mặt mũi nói câu đó sao, người ta muốn dẫn dụng cái gì là tự do của người ta! «Tuân Tử» chính là muốn dẫn «Đạo Kinh», không muốn dẫn «Thượng Thư» thì không được sao!
Nhưng mà…
Người của Cổ văn học phái lau mồ hôi.
Biện đi!
Biện kinh chính là như vậy, cho dù là vấn đề hoang đường cỡ nào cũng phải dẫn kinh điển ra để trả lời.
Vấn đề này đặc biệt hóc búa.
Người của Cổ văn học phái, người thì dùng tay gõ nhẹ lên cạnh bàn, người thì cau mày, hồi lâu sau vẫn không tìm được lý do để phản bác.
Hứa Yên Miểu chợt nảy ra một ý tưởng, chọc chọc Binh Bộ Tư Vụ: “Ta có thể nghĩ cách để chứng minh «Tuân Tử» không dẫn dụng «Cổ văn Thượng Thư» là bởi vì Tuân Tử chưa từng nghe nói qua quyển sách này hay không?”
Binh Bộ Tư Vụ suy nghĩ một chút: “Vậy thì ta có thể đi chứng minh «Cổ văn Thượng Thư» rất nổi tiếng, Tuân Tử không nghe nói qua chính là do Tuân Tử kiến thức nông cạn, sau đó, lại mượn chuyện này để công kích học thuyết của ngươi, nói học thuyết của ngươi, quan điểm cốt lõi chính là Tuân Tử kiến thức nông cạn.”
Hứa Yên Miểu trừng lớn hai mắt.
Binh Bộ Tư Vụ càng nói càng hăng hái: “Nếu như ngươi bị gán cho quan điểm này, về sau, ngươi sẽ không thể nào dùng bất kỳ quan điểm nào của Tuân Tử trong lúc biện kinh.”
Tuân Tử kiến thức nông cạn, vậy thì những luận cứ được đưa ra dựa theo quan điểm của ông ta, nhất định sẽ có chỗ để phản bác, tuy rằng ta vẫn chưa tìm được, nhưng mà ta không cần tìm nữa, bởi vì, chính miệng ngươi đã thừa nhận Tuân Tử kiến thức nông cạn!
—— Lấy gậy ông đập lưng ông.
Hứa · Tiểu Bạch biện kinh · Yên Miểu càng trừng lớn hai mắt.
【Đây chẳng phải là “Thánh soi” à!】
Hắn bừng tỉnh đại ngộ.
【Thì ra biện kinh chính là “Thánh soi” đấu với “Thánh soi” đây mà!】
—— Sau đó lại lải nhải một tràng dài trong lòng, dù sao thì trên triều đình này, ai cũng đã biết “Thánh soi” là có ý gì.
Cổ văn học phái: Không sai! Kim văn học phái toàn là “Thánh soi”!
Kim văn học phái: Sao nào, biện luận không lại liền nói người ta là “Thánh soi” à?
Kim văn học phái khiêu khích: “Thế nào? Đã nghĩ ra cách chứng minh chưa? Đừng giãy giụa nữa, «Cổ văn Thượng Thư» chính là giả!”
Khóe miệng người Cổ văn học phái mím chặt, giữa trời đông giá rét, vậy mà lại lo lắng đến mức chóp mũi rịn mồ hôi.
Quyền Ứng Chương trầm ngâm một lát, trong đầu như có cả một kho sách, từng trang sách lật qua lật lại, chỉ vì muốn tìm ra một câu nói thích hợp để phản bác.
“«Tuân Tử» có câu: Cố thư giả, chính sự chi kỷ dã; thi giả, trung thanh chi sở chỉ dã; lễ giả, pháp chi đại phân, loại chi cương kỷ dã.”
Ông thật sự đã tìm được rồi.
“Thi giả, «Thi Kinh» dã; lễ giả, «Lễ Ký» dã; như thử, thư giả, «Thượng Thư» dã. Tuân Tử lấy «Thượng Thư» làm lời ghi chép chính sự, mà ‘Nhân tâm chi nguy, đạo tâm chi vi’ là vì giải thích ‘Nhân tâm ứng thời thời giới cụ, đạo tâm ứng dưỡng chí tinh diệu’, liên quan đến tâm tính, không liên quan đến chính sự, Tuân Tử đương nhiên sẽ dẫn «Đạo Đức Kinh» chuyên nói về tâm tính, mà không phải là «Thượng Thư» ghi chép về chính sự…”
Quyền Ứng Chương thản nhiên nói.