Truyện: Viện điều dưỡng Đồng Xanh – Một ngày khác ở thiên đường.
Tác giả: Lan Đạo Tiên Sinh.
Editor: Aminta.
Một ngày khác ở thiên đường.
***
Tôi nhìn chàng trai trẻ trước mắt, cậu ta ngồi co ro trước mặt tôi, trong tay là một cây bút và một cuốn sổ.
“Ký giả à?” Tôi lấy ra một hộp thuốc lá, giơ nó trước mặt cậu ta, cậu ta vội vàng xua tay: “Cảm ơn, tôi không hút thuốc.”
“Vậy cậu có phiền nếu tôi hút một điếu không?” Tôi hỏi.
Cậu ta lại lắc đầu.
“Tôi tên Elton Donovan là một ký giả của một tạp chí, tôi muốn phỏng vấn ngài một số việc liên quan tới viện điều dưỡng Đồng Xanh…” Cậu ta đặt cuốn sổ lên bàn làm việc của tôi, sau đó lấy ra một cây bút thu âm từ túi ra: “Tôi có thể ghi âm không?”
Tôi hít một hơi thuốc: “Xin cứ tự nhiên.”
“Như vậy, bác sĩ Rodney… Xin hỏi ngài bắt đầu làm việc ở đây từ năm nào?”
“Để tôi nhớ lại…”
Tôi quả thật không nhớ rõ. Đó là năm nào nhỉ? Năm 2001 sao? Không đúng, lúc tôi được cử đến Afghanistan làm tư vấn tâm lý đã là năm 2003. Hai năm sau tôi mới trở lại Mỹ.
“Năm 2005.” Tôi trả lời một cách chắc chắn.
“Được rồi, năm 2005… Vậy tức là ngài đã làm việc ở đây 3 năm?”
“Đúng thế.” Tôi nhìn đồng hồ đeo tay một cái, đã ba giờ chiều rồi. Tôi phải đến phòng bệnh kiểm tra Lorne Warren – bệnh nhân tôi hiện đang phụ trách.
Donovan còn muốn tiếp tục hỏi gì đó. Tôi đứng lên ra dấu xin lỗi với cậu ta.
“Lần này cậu đến thăm không đúng lúc rồi, hiện giờ tôi phải đi kiểm tra bệnh nhân. Lần sau cậu quay lại nhé?”
“Không sao, tôi có thể đi chung với ngài…”
“Tôi nghĩ không tiện lắm đâu, Lorne hơi sợ người lạ.”
“Ồ, vậy tiếc quá.” Có nét thất vọng trong mắt Donovan, tôi có thể nhận ra cậu ta rất hứng thú với việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh tâm thần, nhưng đối với tôi công việc là công việc, bệnh nhân của tôi không phải là vật phẩm để cho những tay ký giả thưởng thức.
“Như vậy mời cậu quay lại lần sau, buổi sáng cũng được.” Tôi cười với cậu ta và giơ tay chỉ về phía cửa: “Tôi sẽ không tiễn cậu.”
Tay ký giả hậm hực rời đi. Tôi đã gặp loại người này rất nhiều, họ tò mò đi đến viện điều dưỡng Đồng Xanh, muốn xem cuộc sống của bệnh nhân tâm thần, thậm chí còn muốn đi vào thế giới tư tưởng của họ, sau cùng họ không thể không rời đi.
Mong muốn biết được bí mật của người khác luôn luôn là thói quen của con người.
Tôi dọn lại bàn làm việc, lấy ra hộp bánh macaron mua được hôm nay từ trong ngăn kéo, tôi cẩn thận từng li từng tí nâng hộp bánh trong lòng bàn tay, chuẩn bị đi tìm Lorne.
Lorne là bệnh nhân tôi đang phụ trách, trên thực tế kể từ khi tôi quay về từ Afghanistan tới đây làm việc thì cũng chỉ phụ trách mỗi một bệnh nhân là cậu ấy. Tình trạng của cậu ấy rất không lạc quan, mắc bệnh trầm cảm, trước đó từng có ý định tự sát, một viên đạn sượt qua trái tim suýt lấy đi tính mạng cậu ấy.
Tôi ngừng lại trước phòng cậu ấy, sắp xếp lại suy nghĩ xem hôm nay sẽ nói gì với cậu ấy. Trước kia tôi thường xuyên kể cho cậu ấy về cuộc sống của tôi, những kinh nghiệm của tôi ở Afghanistan, nhưng ba năm nay tôi đã kể hết cho cậu ấy, tôi thực sự không thể nghĩ ra thứ gì hay ho để kể tiếp.
Tôi gõ cửa sau đó đi vào.
Lorne mặc quần áo bệnh nhân, để chân trần ngồi ở trong góc. Mái tóc nâu nhạt của cậu ấy dựa vào tường, đôi mắt xanh ngọc lục bảo nhìn vào hư vô. Khi ánh mắt nhìn thấy tôi thì cậu ấy nở nụ cười nhẹ với tôi.
Mặt đất được phủ một tấm thảm dày, tôi buộc phải cởi giày ra. Căn phòng này vẫn y nguyên như lúc tôi rời đi, Lorne là một người yên tĩnh, trước giờ cậu ấy không bao giờ làm loạn đồ đạc. Dù là như thế, chúng tôi vẫn sửa sang nơi này theo một phong cách riêng. Giấy dán tường màu vàng nhạt, ghế sô pha nhỏ màu lam nhạt, màn cửa màu xanh lá nhạt. Tôi cố gắng lựa chọn sử dụng những màu sắc êm dịu ấm áp, như vậy sẽ tốt cho bệnh của cậu ấy.
Hơn nữa trong phòng hầu như không có một món đồ sắc nhọn nào, tuy Lorne yên tĩnh vào mọi lúc, nhưng chúng tôi vẫn lo lắng sẽ có thứ gì nguy hiểm khiến cậu ấy tự hại mình.
Tôi cẩn thận đi vào, chân giẫm trên mặt thảm mềm mại, cố gắng không phát ra một tiếng động dư thừa, sau đó tôi ngồi xuống cách cậu ấy một khoảng cách, tôi đặt hộp bánh macaron xuống đất, rồi lại lấy kẹo que từ trong túi ra cho cậu ấy xem.
Lorne nhìn tôi một cái sau đó lại nhìn hộp bánh trên đất, cuối cùng cậu ấy chuyển bước tới phía đối diện tôi, cầm lấy một cây kẹo que, xé mở giấy gói kẹo, nhét vào trong miệng.
“Táo.” Cậu ấy khẽ nói một tiếng.
“Đúng.” Tôi lấy ra một que kẹo khác: “Còn đây là dâu. Cậu thích vị nào?”
“Cam.” Lorne nói nhỏ.
Chúng tôi đã chơi trò này gần một tháng. Ngày nào tôi cũng sẽ mang hai que kẹo tới chỗ cậu ấy, vỏ kẹo giống hệt nhau (luôn có siêu thị bán loại kẹo này), không nói cho cậu ấy đó là vị gì và để cậu ấy chọn một que, sau đó nói cho tôi biết.
Ban đầu Lorne không quan tâm đến bất cứ chuyện gì cả, nhưng rõ ràng trò chơi này gợi lên hứng thú của cậu ấy. Cậu ấy bắt đầu ngóng trông gặp tôi mỗi ngày để chơi trò “đoán kẹo”.
“Nhìn xem tôi còn mang cái gì cho cậu này.” Tôi mở nắp hộp ra, bên trong đầy bánh macaron.
“Bộ ngực sữa của thiếu nữ.” Lorne cười một xấu xa với tôi: “Julius là đồ tham ăn.” (*Ladurée là một thương hiệu bánh ngọt cao cấp đặt trụ sở tại Paris. Đây được biết đến là nơi sáng tạo ra loại bánh macaron hai tầng mà mỗi ngày có tới 15.000 chiếc bánh được bán ra. Hơn nữa họ còn là một trong những nhà sản xuất macaron tốt nhất được biết đến trên thế giới. Người ta nói rằng bánh macaron do Ladurée tạo ra giống như bộ ngực sữa của thiếu nữ)
Julius là tên của tôi, tên đầy đủ của tôi là Julius Rodney. Nhưng các nhân viên trong viện điều dưỡng đều gọi tôi là bác sĩ Rodney, Lorne là trường hợp đặc biệt, tôi cho phép cậu ấy sử dụng xưng hô thân mật.
Tôi chậm rãi đóng nắp hộp lại: “Lorne không thích thì có thể không ăn, để đồ tham ăn này mang vể cũng được.”
Lorne ngượng ngùng rút tay về. Nếu là lúc mới quen, tôi hoàn toàn không dám đùa giỡn như vậy. Lorne hơi hướng nội, cũng không chịu nói chuyện với người khác, sau hai năm quen biết tôi và cậu ấy mới gần gũi hơn. Thật ra cậu ấy rất thân với tôi, tuy bình thường im lặng ít nói, nhưng cậu ấy sẽ nói với tôi vài câu hay những câu đùa vô hại.
“Anh muốn uống hồng trà không?” Lorne thấy tôi mở nắp hộp ra lần nữa, cậu ấy hơi vui vẻ.
“Hồng trà?” Tôi hơi hiếu kỳ, Lorne không thể ra ngoài một mình, cậu ấy hoàn toàn không thể mua hồng trà.
“Hôm qua Suzanna mang thuốc cho tôi, tôi nhờ cô ấy mua giùm.” Lorne ngượng ngùng cười: “Lần nào anh cũng mang trà chiều, lần này để tôi mời anh nhé.”
Đôi khi Lorne giống như đứa trẻ, nếu như người khác đối xử tốt với cậu ấy, cậu ấy sẽ tìm cách báo đáp.
Cậu ấy đứng lên nấu nước sôi, đây cũng là hoạt động duy nhất cậu ấy cho phép bản thân làm, bởi vì cậu ấy thích uống sữa bò, viện điều dưỡng bèn chuẩn bị ấm đun cho cậu ấy.
“Là hồng trà Ceylon.” Tôi uống một ngụm liền nhận ra.
Lorne đang nhét cái bánh macaron thứ ba vào mồm, chờ đến khi nuốt xuống hoàn toàn, cậu ấy mới hỏi: “Ngon không?”
“Cậu pha gì cũng ngon.” Tôi nháy mắt mấy cái với cậu ấy.
“Rõ ràng anh chỉ uống mỗi sữa bò của tôi thôi.”
“Pha hồng trà cũng cần tài năng. Tuy tôi thích uống nhưng không có thời gian pha.” Tôi tiếc nuối nói.
Đôi môi tái nhợt của Lorne mấp máy như muốn nói gì, cuối cùng cậu ấy vẫn giơ tay lấy cái bánh thứ tư.
“Cậu thật sự không cân nhắc đến văn phòng của tôi giúp một tay sao?” Tôi hỏi cậu ấy: “Như thế chúng ta sẽ được ở chung lâu hơn.”
Đôi mắt xanh thẫm của Lorne trở nên ảm đạm: “Không… Tôi không thể đi. Tôi bị bệnh… Không thể khiến anh thêm phiền phức được.”
“Nhưng khi cậu ở bên tôi cũng không khác gì người thường.” Tôi lơ đễnh nói: “Viện điều dưỡng cũng sẽ không để ý, họ còn ước gì bác sĩ có thể trông bệnh nhân cả ngày kìa.”
“Không, Julius, xin để tôi có thứ chờ mong mỗi ngày.” Lorne dùng cánh tay chống người dậy đi đến bên cạnh tôi và chậm rãi ngồi xuống, tựa đầu vào đầu gối tôi: “Tôi càng thích nhìn chằm chằm đồng hồ chạy tới ba giờ chờ anh qua đây.”
Tôi dùng tay vuốt mái tóc nâu nhạt mềm mại của Lorne, cảm giác giống như là đang âu yếm một con thú nào đó.
“Cậu đổi dầu gội à?” Tôi cúi đầu xuống ngửi tóc của cậu ấy, định đổi đề tài.
“Bình cũ xài hết rồi.” Cậu ấy cọ mạnh tóc lên đầu gối tôi: “Thơm không?”
“Thơm, cậu có can đảm thử thứ mới, tôi cũng rất vui vẻ.” Tôi nói từ tận đáy lòng.
“Hình như anh có chuyện gì muốn nói với tôi thì phải.”
“Hôm nay có một ký giả tới muốn phỏng vấn tôi.” Tôi nói, vừa nghĩ tới dáng vẻ hứng thú, nghé con mới sinh không sợ cọp của thằng nhóc kia tôi liền hơi tức giận: “Cậu ta còn muốn đi kiểm tra bệnh nhân chung với tôi, nhưng tôi từ chối rồi.”
“Tôi đoán ngày mai cậu ta sẽ tới nữa.”
“Vì sao?”
“Tìm tòi bí mật của người khác là thiên tính của con người.” Lorne lẩm bẩm.
“Tôi đã gặp loại người đó nhiều rồi.” Ngón tay của tôi vùi vào tóc cậu ấy, tôi cầm một lọn tóc và vân vê nó trong tay: “Sau cùng họ cũng sẽ trắng tay rời đi.”
Lorne không nói lời nào, ngón tay thon dài cầm lấy cái bánh macron cuối cùng và tựa trên đùi tôi bắt đầu ăn. Vụn bánh rơi trên đùi tôi, tôi cúi đầu nhẹ nhàng thổi chúng đi, nhưng lại trông thấy Lorne rụt cổ lại.
“Nhột quá.” Cậu ấy thuận thế trượt xuống thảm. Tôi đỡ cậu ấy dậy giống như nhấc một con mèo nhỏ lên: “Tựa lên đùi tôi đi.”
Lorne yên tĩnh cuộn người lại bên cạnh tôi, cậu ấy chậm rãi nhắm hai mắt lại: “Tôi có thể ngủ một lát không?”
Tôi vuốt ve mái tóc của cậu ấy: “Ừ, cậu muốn ngủ tới mấy giờ cũng được.”
“Tôi không thể ngủ một mình được.” Cậu ấy ngập ngừng nói.
“Bao lâu rồi?”
“Một tháng.”
Dưới mắt cậu ấy là một vòng quầng thâm, đôi mắt nhìn tôi cũng đỏ. Một tháng, đúng là khoảng thời gian chúng tôi bắt đầu chơi trò “đoán kẹo”, hóa ra ngày nào cậu ấy cũng đếm kim giây chờ tôi tới. Tôi có chút đau lòng, chỉ có thể duỗi thẳng chân để cậu ấy tựa thoải mái hơn.
Liệu Lorne có thể không rời bỏ tôi như thú cưng hay không?
Hô hấp của cậu ấy rất đều, xem ra đã tiến vào mộng đẹp rồi. Tôi đánh giá xung quanh, một quyển sách trên gáy có đề chữ Thomas Mann nằm trên ghế sô pha nhỏ, thẻ kẹp sách ló ra từ quyển sách.
Tôi còn nhớ rõ lần đầu tiên nhìn thấy Lorne. Ngực trái của cậu ấy bọc một lớp băng gạc dày, gương mặt tái nhợt như tờ giấy dưới mặt nạ thở oxy, máy thở không ngừng làm việc bên cạnh cậu ấy, bình nước biển lay động dưới ánh đèn.
Cậu ấy định dùng súng kết thúc mạng sống của mình. Hàng xóm phát hiện kịp thời, viên đạn bắn chệch nhưng vẫn suýt trúng tim. Tôi đứng trước giường bệnh, thầy của tôi – bác sĩ Yates lật qua lật lại tài liệu thật dày trong tay hỏi tôi có phải hứng thú với bệnh nhân trầm cảm này không. Tôi không biết trả lời như thế nào, nhưng khi nhìn thấy gương mặt của Lorne, tôi không có cách nào từ chối. Cậu ấy trông thật mệt mỏi tuyệt vọng, giống như khát vọng có một đôi tay kéo cậu ấy khỏi vực sâu đau khổ. Tôi thậm chí nhìn thấy cậu ấy giơ tay ra với tôi.
Sau khi Lorne xuất viện liền trở thành bệnh nhân của tôi, công việc cũ của tôi cũng được đồng nghiệp san sẻ hơn phân nửa, còn lại tôi chỉ cần chăm sóc mỗi Lorne là được. Trong lúc cậu ấy nằm viện, tôi tốn rất nhiều công sức thiết kế phòng bệnh cho cậu ấy, ngày cậu ấy xuất viện tôi còn cố ý ăn diện để đi đón.
Cậu ấy ngồi trên xe lăn, gương mặt đờ đẫn. Đôi mắt màu xanh sẫm trống rỗng nhìn tôi, sau đó cậu ấy tự đẩy xe lăn bắt đầu đi về phía trước.
Tôi đuổi theo kêu cậu ấy: “Chờ đã, Lorne! Tôi là bác sĩ chữa trị cho cậu, Julius Rodney! Nếu có thể, chúng ta về chung nhé?”
Cậu ấy kinh ngạc nhìn tôi và lấy tay che vết thương ở ngực, ho khan vài tiếng, dự định vòng qua tôi tiếp tục đi. Tôi kéo xe lăn của cậu ấy lại, tôi biết điều này quá mức bạo lực với một bệnh nhân mới xuất viện, nhưng tôi thật sự không có ác ý.
“Tôi đưa cậu trở về.” Tôi choàng khăn quàng cổ mới mua hôm qua cho cậu ấy, sau đó ôm ngang cậu ấy lên từ xe lăn và chuyển cậu ấy lên ghế bên cạnh tài xế trong xe của tôi như một món đồ dễ vỡ, tôi giúp cậu ấy thắt chặt dây an toàn, đảm bảo cậu ấy ấm áp, sau đó bắt đầu lái xe.
Lorne im lặng ngắm phong cảnh ngoài cửa sổ, khắp nơi trên đường phố đều là tuyết đọng, cũng không có gì đẹp. Cậu ấy chỉ không muốn nhìn tôi mà thôi. Tôi đậu xe ở một cửa hàng chocolate rất lớn, chạy xuống xe, chỉ tủ kính hỏi cậu ấy thích loại nào.
Cậu ấy quay đầu sang chỗ khác.
Sau cùng tôi không thể làm gì khác hơn là mua mỗi thứ một loại, sau khi vào trong xe tôi đổ hết kẹo lên đùi cậu ấy. Cậu ấy giật mình nhưng làm lơ đống chocolate trên người mình.
“Hôm nay là lễ tình nhân đó.” Tôi vỗ bả vai gầy của cậu ấy: “Không có cô gái nào tặng chocolate cho cậu hả?”
Cậu ấy không nói lời nào, tôi giúp cậu ấy mở một hộp ra, đưa cho cậu ấy một viên chocolate, cậu ấy máy móc nhận lấy, chẳng nhìn một cái mà nhét luôn vào trong miệng.
“Leonidas.” Cậu ấy nói. (Leonidas là nhãn hàng nổi tiếng socola tươi của Bỉ. Có trên 1400 cơ sở của Leonidas trên toàn thế giới cùng hơn 100 loại socola tươi. Thương hiệu có tiếng này đang ngày càng trên đà phát triển với tuổi đời gần 100 năm tuổi (từ 1910)
“Đúng.” Tôi cầm lên một loại khác: “Còn đây là Lindt của Thụy Sĩ… Cậu thích loại nào?” (Chocoladefabriken Lindt & Sprüngli AG, thường được gọi đơn giản là Lindt, là một công ty sản xuất sôcôla và bánh kẹo Thụy Sĩ được thành lập vào năm 1845 và được biết đến với sô cô la truffles và thanh sô cô la, cùng các loại đồ ngọt khác.)
“Godiva.” Cậu ấy nhỏ giọng nói. (Godiva là một trong ba thương hiệu socola ngon và đắt nhất tại Bỉ. Socola của Godiva khác hẳn với socola của những hãng khác bởi công thức riêng độc đáo của hãng. Godiva là lựa chọn hàng đầu của những người Nhật vốn nổi tiếng khó tính và sành ăn khi đến châu Âu.)
***
Khoảng hai mươi phút sau, Lorne tỉnh. Giấc ngủ của cậu ấy lúc nào cũng rất ngắn, dù cho ngủ thì cậu ấy sẽ tỉnh lại trong vòng một tiếng. Tôi thậm chí không dám tưởng tượng một tháng qua cậu ấy không ngủ, ngơ ngác nhìn trần nhà trong đêm như thế nào.
“Vì sao không nói cho tôi?” Tôi hỏi cậu ấy.
Trông cậu ấy rất tỉnh táo: “Tôi không muốn làm phiền anh.”
“Tôi rất vui nếu cậu làm phiền tôi, Lorne.” Tôi nói: “Cậu đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi.”
Nói xong câu đó tôi giật mình, từ khi nào mà tôi đã không còn xem Lorne là bệnh nhân nữa, mà là bạn bè, thậm chí còn hơn thế nữa?
Lorne cười, nụ cười này rất khoan dung: “Anh không cần miễn cưỡng bản thân, Julius.”
“Tôi không miễn cưỡng, Lorne. Ý tôi là tôi rất thích ở bên cậu.”
“Ừ.” Cậu ấy đứng lên, lại quay về ngồi trong góc, chỉ vào đồng hồ: “Giờ không còn sớm nữa, tiếp theo anh có việc gì không?”
“Có.” Tôi nói.
Lorne cụp mắt, ánh mắt chợt lóe lên sự thất vọng.
“Tôi muốn mời cậu cùng ăn bữa tối.” Tôi vươn tay mời cậu ấy: “Không biết cậu có thời gian không? Hôm nay là lễ tình nhân, tôi đoán chắc chưa có cô gái nào mời cậu đâu nhỉ.”
Lorne nở nụ cười, đứng dậy lấy ra một cái áo choàng dài từ trong tủ quần áo, sau đó lấy ra một chiếc khăn quàng cổ, hiển nhiên cậu ấy đã chuẩn bị từ trước.
Chiếc khăn quàng cổ kia là cái tôi tặng khi đón cậu ấy ra viện ba năm trước. Tôi không ngờ cậu ấy vẫn còn giữ nó.
Nhận được sự đồng ý của bác sĩ Yates, tôi đã có thể mang Lorne ra ngoài. Lorne vẫn còn hơi sợ hãi người lạ, sau khi rời phòng bệnh, cậu ấy vẫn luôn đi theo sau lưng tôi.
Viện điều dưỡng Đồng Xanh chia làm hai tòa nhà độc lập, tuy chúng đều được xây ở trên núi nhưng tòa nhà của chúng tôi nằm ở chỗ cao hơn tòa khác một chút. Nơi này là khu chăm sóc bệnh nhân tâm thần, mà tòa nhà thấp hơn thì là khu nghỉ ngơi của những bệnh nhân mắc bệnh khác.
Trong hành lang rất yên tĩnh, phần lớn bệnh nhân đều ở yên trong phòng bệnh của mình. Lúc này đã gần chạng vạng tối, trên hành lang trống trải chỉ có hai người chúng tôi, tôi muốn nắm tay Lorne và nói đừng sợ, nhưng cơ thể cậu ấy cứng đờ. Tôi nhìn sang theo ánh mắt của cậu ấy, trong hành lang có một ô cửa sổ có thể ngắm cảnh tuyết, một thanh niên gầy gò đang đứng đấy, cậu ta mặc một bộ quần áo gần giống màu xanh mực, ngơ ngác nhìn ra ngoài cửa sổ, đến gần mới phát hiện cậu ta không mang giày cũng không mang vớ, cứ để chân trần giẫm trên đất như thế.
Y tá Suzanna đi tới, cầm theo một hộp chocolate trên tay, gọi cậu ta trở về phòng. Lúc cậu ta xoay người, tôi nghe thấy tiếng xích loảng xoảng.
Tôi nắm chặt tay Lorne, dẫn cậu ấy bước nhanh qua hành lang.
Chúng tôi an toàn đi xuống dưới núi, cũng giống hệt như lần đầu tiên, tôi lái xe đưa cậu ấy đến trung tâm thành phố, tìm một nhà hàng cậu ấy thích và chúng tôi cùng nhau dùng bữa.
Tầm mười giờ, chúng tôi mới trở về viện điều dưỡng Đồng Xanh. Trong điện thoại của tôi có mười cuộc gọi nhỡ của bác sĩ Yates.
Tôi gọi lại nói cho thầy biết mọi chuyện đều ổn, Lorne cũng chơi rất vui vẻ, ông ấy trách móc tôi vài câu rồi cúp điện thoại.
Tôi đưa Lorne về đến phòng, sau đó tắm rửa ở văn phòng. Tôi lau khô tóc, thay quần áo ngủ và đi tới trước cửa phòng Lorne. Nhẹ nhàng gõ cửa, cửa lập tức mở ra. Lorne đi chân trần đứng đấy, dường như cậu ấy vẫn luôn đứng dựa vào cửa, tóc cũng rối bời.
“Julius.” Cậu ấy mệt mỏi mở miệng: “Tôi biết là anh, nhưng tôi vẫn rất bất ngờ.”
Tôi đi vào.
“Bởi vì cậu nói cậu không thể ngủ một mình, tôi không thể không tới.”
“Tôi vẫn luôn chờ anh. Mỗi lúc trời tối tôi đều đang đợi anh.”
“Cho nên tôi tới.” Tôi vuốt tóc cậu ấy, dẫn cậu ấy đến bên giường: “Bây giờ cậu có thể yên tâm ngủ rồi.”
Một con gấu teddy to lớn chiếm gần hết không gian của chiếc giường đôi. Đôi mắt đen như mực cứ như đang đánh giá hai người chúng tôi.
“Ha ha, trông có vẻ cái thứ lông lá này thích cậu nhỉ.”
Lorne ôm nó nhét vào trong tủ treo quần áo.
“Ban ngày tôi không nhìn thấy nó.” Tôi vén chăn lên và chui vào, cái giường này là do đích thân tôi chọn năm đó, sự thoải mái dễ chịu của nó cũng là tư tâm của tôi.
“Anh có vẻ căm ghét Taylor.” Lorne đứng bên cạnh giường không nhúc nhích, tôi nghĩ Taylor là tên con gấu đó.
“Không có.” Tôi khẩu thị tâm phi mà nói: “Tôi sẽ không nổi giận với một con gấu teddy chiếm chỗ của tôi đâu.”
Cậu ấy đứng trước mặt tôi và cười ngây ngô.
Thế là tôi tranh thủ thời gian vỗ lên cái giường mềm mại: “Mau tới đây, ba ngủ chung với con. Muốn nghe kể chuyện không?”
“Không, không được.” Lorne nằm xuống bên cạnh tôi, hết sức phối hợp mà gối lên cánh tay tôi vươn ra: “Đêm nay tôi sẽ kể câu chuyện của tôi.”
“Ồ? Tôi nghĩ câu chuyện của cậu chỉ toàn liên quan đến tôi thôi.” Tôi cười, xoa tóc cậu ấy.
“Hôm nay tôi nhớ tới một người quen cũ. Cho nên tôi muốn kể với anh, nếu như không nói hết, tôi sợ tôi sẽ quên anh ấy.” Lorne lại cuộn mình một lần nữa, hai tay vòng quanh đầu gối giống như tư thế thai nhi trong bụng mẹ, cậu ấy nói làm vậy sẽ khiến cậu ấy cảm thấy an toàn.
“Anh ấy tên Joy Conroy, nếu như anh ấy còn sống, hẳn năm nay anh ấy 28 tuổi…”
“Chờ đã, tôi chưa từng nghe nói cậu có người bạn này lúc nào.” Tôi nhẹ giọng ngắt lời Lorne: “Anh ta là ai?”
“Tôi chưa bao giờ nhắc đến anh ấy với anh, giống như tôi đã nói, nếu thật sự không nói, tôi sợ mình cũng sẽ quên. Joy Conroy. Julius, anh gọi tên anh ấy đi, Joy, anh ấy tên Joy.”
Tôi cảm thấy khó hiểu nhưng vẫn làm theo.
“Joy. Anh ta chết rồi à, Lorne?”
“Đúng thế. Anh ấy đã chết, vào năm 2005.” Lorne vùi đầu vào ngực tôi, giọng hơi mơ hồ.
Ba năm trước đây chính là lúc tôi quay về từ Afghanistan, cùng năm đó Lorne trở thành bệnh nhân của tôi, chẳng lẽ bệnh của Lorne có liên quan đến Joy Conroy ư? Nếu như đúng là vậy, như vậy khả năng hết bệnh của cậu ấy có thể sẽ lớn hơn.
Tôi xoay người ôm Lorne vào lòng, đặt cằm trên đầu cậu ấy: “Nếu như cậu đồng ý, cậu có thể kể nhiều chuyện về anh ta cho tôi nghe…”
“Anh ấy…” Lorne muốn nói lại thôi, cậu ấy cọ đầu vào lồng ngực tôi một cách bất an: “Thích tôi.”
“Thích cậu?”
“Ừ.”
“Tôi cũng thích cậu.”
Lorne không còn run rẩy bất an trong lòng tôi nữa, cậu ấy ngẩng đầu, đôi mắt màu xanh sẫm viết đầy kinh ngạc sau đó lại trở nên ảm đạm: “Julius, tôi không cần sự thương hại của anh. Nếu như anh cảm thấy có người thích tôi là sẽ khiến tôi khỏe lại, tôi nghĩ không có khả năng đâu…”
“Tôi thật sự vô cùng thích cậu, Lorne. Có khi tôi thậm chí nghĩ nếu như có thể, tôi muốn để cậu làm bệnh nhân của tôi cả đời.”
“Anh là một bác sĩ tồi, Julius. Joy tốt hơn anh nhiều.” Đôi môi tái nhợt của Lorne nhếch lên tạo thành một nụ cười, nụ cười đó rất miễn cưỡng, cũng rất mỏng manh.
“Ý cậu là… Joy cũng là bác sĩ?”
“Đúng thế.” Lorne nhắm mắt lại, dưới ánh trăng mờ, tôi nhìn thấy lông mi của cậu đang rung động: “Anh ấy là một bác sĩ có trách nhiệm.”
“Tôi cũng vậy, chẳng qua tôi là một bác sĩ yêu bệnh nhân của mình mà thôi.” Tôi cười hôn lên trán Lorne, hai tay ôm chặt cậu ấy hơn, da dẻ cậu ấy hơi lạnh, nhưng từ trong xương cốt cậu ấy lại đang tỏa nhiệt.
“Anh ấy đã chết, cứ thế rời khỏi cuộc sống của tôi. Tôi rất sợ mình sẽ quên anh ấy.”
“Bây giờ sẽ không.” Tôi an ủi cậu ấy.
“Anh sẽ nhớ anh ấy chứ?”
“Chắc chắn, tôi sẽ không quên anh ta. Joy Conroy, một bác sĩ tốt có trách nhiệm.”
Hai tay của Lorne cuối cùng cũng không còn ôm đầu gối của mình nữa, cậu ấy buông tay ra và ôm lấy eo tôi.
“Rốt cuộc… Anh ta chết thế nào?” Tôi cẩn thận hăm dò đặt câu hỏi.
“Anh sẽ không muốn nghe đâu.” Lorne dùng trái tay vuốt ve lông mày của tôi, mí mắt của tôi khiến tôi nhắm mắt lại, sau đó cậu ấy đến gần tôi hơn, dùng giọng điệu gần như thì thầm nói, “Có một số việc không cần biết thì hơn.”
Giọng của Lorne giống như tiếng đàn hạc, khi nó vang lên bên tai, người ta sẽ không tự chủ dừng hết mọi suy tư, chỉ muốn thỏa thích lắng nghe, đắm chìm vào trong đó, không muốn suy nghĩ về hàm nghĩa văn tự mà giống như thưởng thức âm nhạc thuần túy.
Trong thoáng chốc tôi lại quay về chiến trường Afghanistan. Năm 2003, tôi đến Mỹ, giúp đỡ quân đội trị liệu các binh sĩ mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chiến tranh, tôi cũng tận mắt chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh ở nơi đó.
Phần lớn binh sĩ được đưa tới đều gặp ác mộng liên tục, cũng thỉnh thoảng kèm thêm triệu chứng đau đầu nôn mửa. Chiến tranh tạo ra những vết thương rất khó để chữa trị hoàn toàn, tác dụng của những bác sĩ bị cử đi chiến trường như chúng tôi chỉ là “kịp thời”, chúng tôi phải tiến hành trị liệu trước khi mọi thứ trở nên không thể cứu vãn.
Ánh mắt tôi càng ngày càng mơ hồ, tôi nhìn thấy cậu binh sĩ Benedict rời đi, có người nhỏ giọng kêu tên tôi ở phía sau.
“Julius… Tới đây… Julius…”
Tôi quay đầu nhưng sau lưng tôi không có bất kỳ ai, chỉ có cái lều quân đội đơn sơ, rèm cửa lắc lư dưới cơn gió hanh khô.
“Julius…”
Tôi hơi giật mình, bởi vì giọng nói đó rất quen thuộc. Tôi dụi mắt, đi ra ngoài lều.
“Điện thoại của anh, bác sĩ Rodney.” Có người nói.
Tôi nghe điện thoại.
“Alo… Julius… Tôi là… Lorne…” Giọng nói bên kia điện thoại đứt quãng giống như tín hiệu rất tệ: “Nghe thấy không…”
“Nghe, tôi ở đây, Lorne.” Tôi nói nhanh, bởi vì phía ngoài lều đột nhiên vang lên tiếng đạn liên tiếp mà bên kia điện thoại vẫn toàn là tiếng rè.
Còn chưa nghe câu trả lời, tất cả đã đổ sụp. Cái lều chỗ tôi bay mất, một bóng người đỏ thẫm ngã trên mặt đất, trong tay cầm chặt cái điện thoại.
Đó là ai? Vì sao khác hẳn tôi? Anh ta tên gì?
Trên tay anh ta toàn là máu, nhưng tôi vẫn có thể thấy anh ta siết chặt cái điện thoại.
“Julius… Julius…! Trả lời tôi…! Jul…!”
“…Tỉnh.” Lỗ tai giống như vừa mới thức tỉnh, tôi mở mắt ra, người trước mặt có đôi mắt màu xanh sẫm, mái tóc quăn màu nâu nhạt, anh ta vỗ nhẹ vai tôi cứ như sợ mạnh tay quá sẽ khiến tôi giật mình.
Tôi mờ mịt nhìn anh ta.
“Anh là ai?”
Ký giả Elton Donovan nhanh chóng ghi chép trên quyển sổ, hầu như quên cả bật bút ghi âm. Viện trưởng kiêm bác sĩ Yates lật xấp tài liệu thật dày trong tay, nhìn thanh niên tóc nâu nhạt ngồi đối diện. Người thanh niên chưa đến ba mươi tuổi, có một đôi mắt màu xanh lục như ngọc lục bảo, da dẻ trắng bệch như bị bệnh, áo blu trắng càng làm nổi bật sự yếu ớt của anh ta. Nhưng giọng anh ta lại tràn đầy sức sống: “Em nghĩ lần thôi miên tối qua đã đạt giới hạn.”
“Ý em là sao, Joy?” Bác sĩ Yates khép tài liệu lại, đánh giá học trò của mình.
“Bất cứ sự quấy nhiễu bên ngoài nào cũng có thể phá hoại ký ức của cậu ấy. Cho nên em nói khả năng chịu đựng của cậu ấy đã đạt giới hạn.” Thanh niên mở sổ ghi chép của mình ra: “Khoảng cách giữa những lần thôi miên trị liệu càng ngày càng dài, nhưng vẫn không thể đánh thức ký ức của Lorne Warren, hơn nữa mỗi lần thôi miên đều sẽ phá hủy ký ức của cậu ấy. Đề nghị của em là dừng thôi miên.”
Sau đó anh ta quay đầu nhìn sang Donovan: “Chuyện này xin cậu ký giả đừng tiết lộ cho người bệnh.”
Donovan gật đầu.
Sau đó thanh niên đứng dậy: “Chắc giờ cậu ấy tỉnh rồi, những cuộc thôi miên gần đây gần như phá hoại hết ký ức của cậu ấy, tỉnh dậy ở một nơi xa lạ cậu ấy sẽ sợ hãi.”
“Joy, em định chứng kiến cậu ta như thế cả đời sao?” Bác sĩ Yates hỏi.
“Chúng ta cũng không còn cách nào khác, thưa thầy. Từ sau khi Julius chết, cậu ấy vẫn luôn như thế.”
“Cậu ấy là bệnh nhân của em, em có quyền quyết định phương án trị liệu sau này.”
“Em vô cùng cảm ơn thầy, thầy Yates.” Nói xong, anh ta mở cửa ban công đi ra ngoài.
Mãi đến khi tiếng bước chân của chàng bác sĩ trẻ đã không thể nghe thấy nữa, ký giả Donovan mới mở miệng hỏi thăm viện trưởng.
“Cậu cũng đã rõ chứng bệnh.” Viện trưởng thở dài: “Chúng tôi cũng đã sắp xếp cho cậu gặp bệnh nhân để phỏng vấn, tuy nhiên hiệu quả quá mức bé nhỏ.”
“Tôi hiểu rõ ý của ngài, viện trưởng Yates.” Ngòi bút của Donovan vẽ nên các vòng tròn trên quyển sổ: “Vậy bệnh nhân tự cho mình là bác sĩ chính là Lorne Warren?”
Ông lão lấy ra ảnh chụp từ trong album: “Họ đều là học trò của tôi, Julius Rodney và Joy Conroy.”
Donovan đẩy cái kính đen của mình và đến gần xem ảnh, trong ảnh có ba người, người có tóc hoa râm chính là viện trưởng Yates, tóc màu nâu nhạt là Joy mà người có mái tóc vàng nâu hẳn là Julius.
Sau đó ông lão lại lấy ra một tấm ảnh khác, ảnh chụp đã nhăn nheo còn mang theo vết bẩn màu nâu đậm. Donovan nhận lấy, lúc này cậu ta mới phát hiện phía trên dính đầy vết máu: “Đây là…”
“Năm năm trước Rodney bị cử đi Afghanistan làm tư vấn tâm lý, ba năm trước đây cậu ấy chết tại nơi đó. Do một quả bom.”
Trong tấm ảnh, Rodney ôm một người thanh niên khác, họ có mái tóc vàng gần giống nhau, cười hết sức vui vẻ.
“A, đây là…”
“Sau khi Rodney chết, Lorne Warren mắc phải bệnh trầm cảm, cũng chính năm đó cậu ấy có ý định tự sát, nhưng hàng xóm kịp thời phát hiện và đưa cậu ấy đến bệnh viện.” Bác sĩ Yates khẽ vuốt tấm ảnh ba thầy trò chụp chung: “Sau đó cậu ấy hôn mê suốt, ba tháng sau mới tỉnh lại, cậu ấy nói mình là Julius Rodney. Bệnh trầm cảm trở nên nghiệm trọng và cậu ấy sinh ra ảo giác.”
“Tôi theo phương pháp chữa trị truyền thống là tiến hành thôi miên. Nhưng Joy có biện pháp riêng của mình.”
“Chẳng lẽ là ngụy trang thành Lorne…” Donovan ngừng bút lại, chẳng biết từ lúc nào giấy đã ướt hết vì mực.
“Hai người họ đều ngụy trang thân phận, Lorne biến thành Julius, Joy biến thành Lorne. Trong tình trạng đó, Lorne bắt đầu dần dần chuyển biến tốt đẹp. Nhưng tôi vẫn không từ bỏ việc thôi miên nhưng hiệu quả càng ngày càng tệ. Mỗi một lần thôi miên, Lorne đều sẽ mất đi ký ức, nhưng mấy ngày sau cậu ấy lại coi mình là Julius…”
“Đến lúc nãy tôi mới quyết định, nếu như họ đều sống trong một thiên đường hạnh phúc không có ai phải chết, thì dù không thể chữa hết bệnh cũng không sao.” Viện trưởng với mái tóc đã hoa râm trông có vẻ mệnh mỏi dưới ánh nắng, đồng thời ông cũng rất thỏa mãn: “Mục đích của chúng tôi cũng đã đạt được, đó chính là để bệnh nhân thoái khỏi nỗi đau đớn mất đi người yêu thương nhất.”
“Còn Bác sĩ Conroy…” Donovan cố gắng bình tĩnh viết dòng cuối cùng: “Tôi có thể đi xem họ không?”
***
Trong căn phòng trang trí bằng màu bánh kẹo, Lorne Warren ôm đầu gối ngồi ở trong góc.
Gió thổi màn cửa màu xanh nhạt, đồng hồ trên tường kêu tích tắc, cậu mờ mịt nhìn về một hướng mãi đến khi một bóng người áo trắng xuất hiện.
“Xin lỗi, tôi không nhớ rõ anh là ai.” Lorne nhìn người đàn ông đang từng bước đến gần mình và khẽ nói.
“Không sao, tôi nhớ cậu là được.” Joy đặt hộp bánh macaron dưới đất, lại lấy ra hai que kẹo y hệt nhau ra từ trong túi: “Đoán xem?”
Lorne đứng dậy, chọn bừa một cây và mở giấy gói kẹo ra, nhét vào trong miệng.
“Táo.” Lorne cười.
“Đúng.” Joy lột vỏ một que kẹo khác: “Đây là dâu tây, cậu thích vị nào?”
“Cam.” Lorne lẩm bẩm.
“Cậu muốn uống hồng trà không?” Joy hỏi.
“Ừm.”
“Muốn thử gọi tên tôi không? Tôi tên Joy Conroy, năm nay 28 tuổi.”
“Joy?”
“Chào cậu, Lorne. Hôm nay tâm trạng cậu thế nào?”
“Rất vui, cảm ơn bánh của anh.”
“Tôi cũng rất vui, Lorne. Mỗi ngày ở bên cậu đều rất vui.”
– The End –