Viện Điều Dưỡng Đồng Xanh - Lan Đạo Tiên Sinh

Chương 25: Phụ lục Bệnh nhân London - Thư của Benoît


*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Truyện: Viện điều dưỡng Đồng Xanh – Bệnh nhân London.

Tác giả: Lan Đạo Tiên Sinh.

Editor: Aminta.

Thư của Benoît.

***

Ngày 10 tháng 12 năm 1946

Rehau thân mến.

Hôm nay em rời khỏi viện điều dưỡng, chuẩn bị trở về nhà ở New York. Anh nên đến đây xem thử, nơi này hoàn toàn khác London và Paris, những tòa nhà chọc trời sừng sững như những cái cây, giống như bàn tay của chúa vươn lên từ mặt đất. Em đã nhận được thư của anh, em định viết từng bức hồi âm cho anh. Nhưng khi em định viết thì lại phát hiện hầu như em không biết viết gì. Vậy anh có thể cho phép em viết một vài lời em muốn nói cho anh mà không phải thư hồi âm được không?

Em chỉ ở viện điều dưỡng một tuần, bác sĩ nói em mắc căn bệnh thường gặp sau chiến tranh, em kể cho anh ta những gì mình đã trải qua. Nhưng nỗi đau không phải chiếc bánh kem, chia cho người khác thì sẽ giảm bớt. Em trải qua rất nhiều việc trong một năm nay, em mất liên lạc với anh, mất Carl – người thân của em, em không biết mình đã rời khỏi Châu Âu như thế nào, em đã không gì lưu luyến với nó.

Đến Mỹ, em làm một phiên dịch viên theo đề nghị của anh. Ngài biên tập Charles của em là một người tốt, ông ấy tìm một căn hộ cách xa trung tâm thành phố cho em ở đây.

Mùa đông New York không lạnh như Liên Xô, em sống rất tốt ở đây.

Ngày 24 tháng 12 năm 1946

Trong căn hộ chỉ có mình em và cả cái chân tật bầu bạn với em. Mỗi khi trời lạnh nó sẽ đau vô cùng. Lễ Giáng Sinh sắp tới rồi, nơi này tràn đầy bầu không khí ngày lễ. Em mua một cây thông Nô-en nhỏ và đặt nó giữa phòng khách, nó trụi lủi không có gì trang trí, nhưng nghe em nói đã, nó còn đẹp hơn lễ Giáng Sinh mà chúng ta cùng trôi qua nữa đó.

Em còn nhớ kỹ lễ Giáng Sinh hai năm trước, anh thần thần bí bí gọi em đến phòng anh. Đốt một ngọn nến, chia sẻ một miếng bánh kem với em.

Em đang ngồi bên cửa sổ viết thư cho anh, đèn đuốc bên dưới nối thành một dải ngân hà. Em phải thừa dịp lễ Giáng Sinh còn chưa tới để đặt nó vào hòm thư em chuẩn bị cho anh. Cha mẹ nuôi của của em rất tin vào chúa, nếu được, tối nay em sẽ làm một tín đồ. Hi vọng lá thư có thể đến chỗ anh.

Nhưng nói thật, em thích lễ Giáng Sinh bên anh hơn.

Ngày 1 tháng 1 năm 1947

Chúc mừng năm mới.

Xin lỗi, em không biết nói gì. Nhưng em rất muốn viết thư cho anh.

Ngày 12 tháng 1 năm 1947

Trước đó em quên nói, trước khi rời khỏi Liên Xô em nhận được một ghim cài áo rất đẹp, không biết vì sao trông nó rất quen thuộc. Có lẽ đó là ảo giác của em, nhưng em thật sự rất thích nó.

Ngày 7 tháng 5 năm 1947

Hôm nay là sinh nhật anh, đáng tiếc chúng ta chưa từng ăn mừng với nhau lần nào. Hiếm khi em đi ra ngoài một chuyến, đặt một cái bánh kem theo yêu cầu, bên ngoài lớp vỏ sô cô la được tô điểm bằng mấy quả anh đào đỏ. Nhưng em gặp chút vấn đề trên đường nên về trễ, chân của em giở chứng, thế là em nghỉ một lát ở ven đường. Anh sẽ không để bụng, đúng không? Ngày hôm nay sẽ kéo dài rất lâu, trước khi đến mười hai giờ khuya, chúng ta đều có thể ăn mừng.

Em đã chuẩn bị quà cho anh, nó được đặt trên bàn. Đó là sách em dịch, đã xuất bản rồi, bất ngờ thay nó được mọi người ưa thích. Mọi người luôn luôn chờ mong tình yêu, và đồng thời cũng nghiện những sản phẩm ảo tưởng về nó.

Cho tới hôm nay em vẫn còn gặp ảo giác cho rằng sẽ nhận được thư của anh, hoặc là một chút tin tức của anh. Tất cả mọi chuyện rất không chân thật. Hôm nay là sinh nhật của anh, nếu như anh có thể tặng em một món quà, em thề em sẽ vui thật lâu.

Yêu anh, Benoît.

Bây giờ cái tên này chỉ thuộc về anh, em đã sửa họ tên ở đây.

Ngày 19 tháng 8 năm 1948

Mùa hè New York cuối cùng cũng nóng lên. Qua hôm nay em sẽ ba mươi tuổi, nhưng em cảm thấy em già hơn bây giờ nhiều. Ngài Charles cổ vũ em đến trung tâm thành phố để dạo chơi, nhưng nhịp độ cuộc sống ở nơi này khiến em không quen, em không theo kịp nó.

Ngày mai có một nhà văn Paris sẽ đến đây tổ chức bán sách và ký tên, em sẽ đi cùng ông ấy cả buổi. Em cũng sẽ gửi cho anh sách của ông ấy, em sẽ để trong hòm thư, em nghĩ anh sẽ thích.

Ngày 23 tháng 10 năm 1949

Hôm nay em kiểm tra hòm thư, em cũng không nhớ rõ đây là lần thứ mấy em sửa sang lại nó. Ngày nào em cũng viết thư cho anh, những lá thư này sẽ được xếp gọn gàng và bỏ vào một cái rương chống ẩm, em tin anh đã xem thư rồi. Cái rương bị em kéo về phòng ngủ và đặt dưới gầm giường chất đầy thư, cảnh tượng lúc mở rương hùng vĩ lắm.

Sách em sẽ để thêm mấy ngày, cần nhiều thời gian để đọc chúng hơn.

Ngày 14 tháng 2 năm 1950

Hôm nay là lễ tình nhân thứ năm. Thời tiết vẫn rất lạnh, em bắt đầu hơi thích New York, nó luôn chuẩn bị sớm cho các ngày lễ khiến người ta cảm nhận sớm bầu không khí ngày lễ. Khi ra ngoài, em thường ghé tiệm bánh mua một cái bánh Black Forest cho thêm rất nhiều quả anh đào. (Black Forest cake là một chiếc bánh xốp sô cô la với nhân anh đào phong phú dựa trên món tráng miệng của Đức Schwarzwälder Kirschtorte, nghĩa đen là “Black Forest Cherry-torte”. Thông thường, Black Forest gateau bao gồm một vài lớp bánh xốp sô cô la được kẹp với kem và anh đào.)

Em vẫn không có bạn bè gì ở đây, ngoại trừ ngài biên tập Charles của em. Em nuôi một con chó Golden Retriever, em gọi nó là Hop Hop, nó thật sự là một con chó hoạt bát. Hiện tại nó còn rất nhỏ, nhưng người bán nói nó có thể lớn rất nhanh. (Hop Hop = nhảy nhót)

Có người nói chó không thể ăn sô cô la, cho nên phần bánh kem này em sẽ hưởng trọn.

Ngày 8 tháng 4 năm 1951

Hôm nay em có một hình phạt nhỏ cho Hop Hop (em lén giảm nửa cái lạp xưởng trong bữa tối của nó). Bởi vì nó liếm ướt bản thảo rơi trên mặt đất của em, hại em phải chép lại lần nữa. Thời tiết rất đẹp, khi Charles tới nhà lấy bản thảo em có mời ông ấy uống cà phê, hình như em và ông ấy đã nói rất nhiều nhưng lại như chưa nói gì cả, sau đó ông ấy rời đi.

Hôm nay em soi gương và phát hiện bên thái dương em có rất nhiều tóc bạc, em mới 33 tuổi nhưng nhìn như một ông lão. Em dự định cứ giữ chúng lại, trông cũng không tệ lắm.

Ngày 30 tháng 9 năm 1952

Đây là ngày cuối cùng của tháng 9. New York có mưa, nhưng hôm nay em đi ra ngoài, không khí rất tốt.

Hop Hop biết làm rất nhiều chuyện, khiến em giống một người tàn tật hơn. Nó quá thông minh, hành động nhanh nhẹn hơn em nhiều. Khi trời mưa chân của em sẽ đau, em kể anh nghe một chuyện khó tin, Hop Hop đã biết giẫm lên chân em để xoa bóp.

Ngày 19 tháng 7 năm 1953

Bởi vì mỗi ngày đều phải dẫn Hop Hop đi tản bộ, em quen rất nhiều người ở gần đấy. Bà White ở lầu dưới dạy em nướng bánh. Thế là hôm nay em nếm thử bánh kem tự làm, chỉ nướng mỗi một cái bánh kem thôi mà đã mệt vô cùng. Em quết sô cô la đã nấu chảy lên bánh kem, sau khi làm lạnh nó thì đặt anh đào lên. Mùi vị cũng không tệ lắm, Hop Hop một mực bám theo em tới lui, vẫy cái đuôi to của nó, trông rất hưng phấn. Nhưng đáng tiếc là nó không thể ăn sô cô la. Em dùng thịt bò hộp để đền bù cho nó. Thời tiết đang nóng dần, đầu lưỡi của nó luôn thè ra ngoài, nhìn như một nụ cười.

Tất cả mọi người ở đây rất thân thiện, thỉnh thoảng em viết thư cho anh chỉ muốn nói em sống rất ổn. Xin đừng nhớ mong.

Ngày 25 tháng 12 năm 1954

Lại là lễ Giáng Sinh. Thời gian trôi qua nhanh thật, chớp mắt đã là năm thứ mười. Em chụp một bức ảnh thú vị, bà White làm một cái mũ Nô-en cho Hop Hop, nó mang mũ trông rất buồn cười vì vậy em chụp ảnh lại. Ảnh cũng được cho vào trong thư. Năm nay em mua đèn màu trang trí cây thông Nô-en. Bà White tổ chức một bữa tiệc nhỏ trong nhà, em và mọi người uống rất nhiều rượu.

Anh chàng Elden ở lầu trên em sẽ kết hôn với bạn gái vào năm mới.

Bỗng nhiên em cảm thấy một chút cô đơn, chỉ một chút vào lúc này thôi. Em đoán anh đang cười em, bởi vì em chưa từng biểu lộ rõ ràng với anh, em rất hối hận, thường xuyên nghĩ rằng liệu lúc ấy có phải em đã khiến anh hiểu lầm hay không. Em chỉ là không quen biểu đạt, không muốn mang phiền phức đến cho anh.

Nếu như em dũng cảm hơn một chút… Không, kết quả cũng sẽ không thay đổi, đúng không?

Đêm nay Hop Hop ăn rất nhiều thịt gà nướng. Hai giờ sáng em với nó mới trở về nhà, bây giờ đã sang ngày 26 rồi. Em sẽ viết một lá thư mới.

Nô-en vui vẻ.

Ngày 12 tháng 8 năm 1955

Em có một tin không vui, Thomas Mann đã qua đời. Em nhớ anh rất thích ông ấy, em cũng từng đọc quyển “Núi thần” của ông ấy ở đây. Mùa hè này thật buồn, bà White đã dọn đến California, họ dự định dưỡng lão ở đó. Bà ấy ghi chép kinh nghiệm làm đồ sấy khô nhiều năm của mình và đưa cho em, còn nướng tặng em một cái bánh kem cuối cùng, một tuần nữa là đến sinh nhật em rồi, anh có chuẩn bị quà cho em không? Thật là không công bằng, hàng năm em đều chúc mừng anh, anh lại chẳng chúc mừng em lần nào.

Người hàng xóm mới dọn vào nhà bà White mang họ Pain, là một vận động viên trẻ tuổi đã giải nghệ, có một lần em mua rất nhiều thứ ở siêu thị, là cậu ta giúp em mang đồ lên nhà đó. Tất cả mọi người đối xử rất tốt với em.

Em đính kèm một quyển sách của Thomas với thư, hãy để chúng ta cùng hoài niệm về ông ấy.

Ngày 10 tháng 5 năm 1956

Viết thư cho anh đã trở thành một thói quen. Những ngày bình thường em cũng muốn chia sẻ với anh, đáng lẽ chúng ta phải ngắm nhìn những thứ này chung với nhau, anh có quyền biết tất cả.

Hôm nay cũng là một ngày bình thường. Em đang viết kế hoạch chuyến đi của mình, em dự định đi một chuyến đến Berlin, nơi anh ra đời. Thứ lỗi cho em vì đến bây giờ em mới muốn đến đó, em thường xuyên thiếu can đảm.

Những nơi anh đề cử em cũng xếp vào kế hoạch.

Ngày 2 tháng 6 năm 1956

Em đã đến Berlin. Em giao Hop Hop cho cậu Pain chăm sóc. Nơi này vừa giống lời anh nói, vừa không giống. Vết thương chiến tranh chưa biến mất hoàn toàn. Không ai sống tốt cả, bất kể là quốc gia chiến thắng hay quốc gia thua trận.

Cây bồ đề trông rất đẹp, anh nói rất đúng. Em có mang theo tập thơ của anh và đứng đọc dưới tàng cây. Anh còn nhớ rõ bài thơ “Mùa xuân mới” này chứ? Mặc dù bây giờ đã sắp đến mùa hè.

Đứng trên đất Đức, em hoàn toàn không kinh ngạc khi Heine có thể viết ra bài thơ đẹp như vậy.

Em muốn tặng cho anh một bài thơ, là bài “Trở về” của ông ấy, nếu như anh có lựa chọn, anh sẽ trở về quê hương lần nữa.

Und morgen verlasse ich wieder das Städtchen,

(Quê hương ơi ngày mai tôi ly biệt)

Und eile fort im alten Lauf;

(Đường mòn dài nỗi sầu mới miên man)

Dann lauert am Fenster mein blondes Mädchen,

(Mái tóc vàng dùng dằng bên cửa sổ)


Und freundliche Grüße werf ich hinauf.

(Đáp lại nàng chỉ một cái vẫy tay)

Jene Flammen sind erloschen,

(Những ngọn lửa bùng kia tắt ngấm)

Und mein Herz ist kalt und trübe,

(Và tim tôi lạnh, tối tăm thôi)

Und dies Büchlein ist die Urne

(Và cuốn sách nhỏ là sành tiểu)

Mit der Asche meiner Liebe.

(Đựng tro tàn của mối tình tôi.)

Ngày 15 tháng 8 năm 1961

Một tin xấu, nước của anh bị chia cắt rồi.

Một bức tường chia nó thành hai nửa.

(Bức tường Berlin từng được Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức gọi là “Tường thành bảo vệ chống phát xít” và bị người dân Cộng hoà Liên bang Đức gọi là “Bức tường ô nhục” là một phần của biên giới nội địa nước Đức và đã chia cắt phần Tây Berlin của Tây Đức với phần phía Đông của thành phố và với lãnh thổ của nước Cộng hòa Dân chủ Đức bao bọc chung quanh Tây Berlin từ ngày 13 tháng 8 năm 1961 đến ngày 9 tháng 11 năm 1989. Bức tường này là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh và của việc chia cắt nước Đức.)

Ngày 19 tháng 8 năm 1961

Hôm nay là sinh nhật 43 tuổi của em. Em thật sự không ngờ mình đã già như vậy, Hop Hop cũng già rồi. Bây giờ nó càng ngày càng không muốn vận động, trong phòng lúc nào cũng rất yên tĩnh. Không có tiếng nó chạy tới chạy lui.

Hôm nay em mang Hop Hop đến tiệm chụp hình, em và nó chụp một tấm hình. Hai bên tóc mai của em đã trắng xóa, em không biết vì sao chúng lại trắng nhanh như vậy. Nhưng em vẫn muốn gửi ảnh cho anh xem.

Chuyện này thật sự không công bằng, chỉ có một mình em già đi, còn anh thì cứ trẻ mãi.

Ngày 29 tháng 9 năm 1962.

Mấy ngày nay em cứ nhớ đến Carl, nhớ tới Schulz, nhớ tới những người bạn trong trại tập trung. Em sống thế quá nhiều người, nhưng không đủ dũng khí để đi con đường của riêng mình. Em mãi mãi không quên Carl, người thân của em, là cậu ấy đã thay em đi đến lò đốt xác, ngọn lửa nuốt chửng thân xác cậu ấy, cơn ác mộng này quấy nhiễu em nhiều năm, luôn nhìn chằm chằm em từ địa ngục.

Em mệt mỏi quá.

Nhưng em cũng thường xuyên nhớ tới những ngày trong trại tập trung Schirmeck, ánh nến ấm áp và ga giường ngập mùi xà phòng của anh. Còn nhớ bức chân dung anh vẽ cho em chứ? Anh nói anh sẽ luôn mang nó bên người, nếu như anh có thể trở về thì sẽ tặng nó cho em. Em sẽ nhớ món quà ấy, sớm muộn gì em cũng sẽ tìm anh để lấy.

Hop Hop đã không thể tự đi xuống lầu được nữa, bác sĩ nói xương sống của nó lão hóa quá nghiêm trọng, em thậm chí không thể tự mang nó xuống lầu tản bộ. Bây giờ em chỉ có thể xin nhờ cậu Pain ở lầu dưới giúp em ôm nó xuống lầu, còn em chống gậy, em và nó giống như hai ông lão gần đất xa trời, chờ đợi cái chết chẳng biết sẽ ập đến lúc nào.

Ngày 8 tháng 4 năm 1963

Hop Hop chết rồi.

Em lại trở nên lẻ loi. Có lẽ ngay từ đầu em không nên nuôi chó, tuổi thọ của chúng ngắn hơn con người, đây là một cuộc chia ly đã được đoán trước. Có vài cuộc gặp gỡ là để sau này từ biệt.

Chúng ta cũng như vậy đúng không? Vận mệnh tặng cho chúng ta một món quà màu đen, nếu như không có chiến tranh, chúng ta sẽ không gặp nhau; nhưng bởi vì chiến tranh, chúng ta mãi mãi chia xa.

Mỗi lần đến lúc này, em sẽ rất nhớ anh.

Trái tim em lại bị khoét rỗng lần nữa, mà hình như nó chưa bao giờ được lấp đầy.

Ngày 17 tháng 4 năm 1965

Em không thể tin vào mắt mình.

Em gặp cháu của anh. Đây thật sự là duyên phận khó tin! Còn nhớ bức ảnh anh cho em xem trước đây không? Anh nói anh từng sống ở nhà anh họ ở Paris một quãng thời gian, anh họ anh có một người con trai tên Louis. Sau khi chiến tranh kết thúc, cậu ta trở thành trẻ mồ côi… Bây giờ cậu ta đã sửa tên, hơn nữa còn trở thành một nhà văn. Sách của cậu ta được nhập vào Mỹ, còn em là người phiên dịch nó.

Đến bây giờ em vẫn chưa thể bình tĩnh lại. Cảm ơn chúa cuối cùng cũng ưu ái em một lần.

Sau đó em nhận được tin tức cuối cùng của anh, tấm hình cuối cùng trong đời anh. Cậu ta gửi một nửa ảnh chụp liên quan tới anh cho em, em trân trọng bỏ nó vào album ảnh của em, thỉnh thoảng em sẽ lấy ra xem.

Anh vẫn trẻ trung đầy sức sống như thế. Dáng vẻ mặc quân phục của anh thật đẹp.

Anh nói người nhà anh gọi anh là sư tử con, Rehau. Em cũng có thể gọi anh như vậy chứ?

Em cũng muốn làm người nhà của anh.

Người nhà duy nhất còn sống của anh.

Ngày 27 tháng 6 năm 1965

Chỉ chớp mắt chiến tranh đã kết thúc hai mươi năm. Sư tử con yêu dấu của em, thế giới này đã thay đổi quá nhiều. Nhưng em hi vọng nó có thể trở nên tốt đẹp hơn nữa, một ngày nào đó câu chuyện của những người như chúng ta sẽ được công bố, chúng ta cũng sẽ được hưởng quyền lợi như những người bình thường. Không có thành kiến, không có kỳ thị, dù sao yêu cũng đâu có gì sai.

Mùa hè của New York đã đến từ lâu, nhưng em vẫn làm việc bên khung cửa sổ, em cảm thấy trời vẫn rất là mát mẻ.

Cuộc sống rất bình yên, em sống một mình cũng rất ổn.

Ngoại trừ không có anh ra, mọi thứ đều rất ổn.

Em rất nhớ anh, em yêu anh, Rehau.

– HẾT –

chapter content


“Vận mệnh tặng cho chúng ta một món quà màu đen, nếu như không có chiến tranh, chúng ta sẽ không gặp nhau; nhưng bởi vì chiến tranh, chúng ta mãi mãi chia xa.”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận