Viết Xuống Chút Hồi Ức

Chương 12




Tôi nghiêm nghị đáp: “Đúng vậy! Em đang vừa lạnh lẽo vừa hoảng sợ, nếu để em tuyệt thực mấy ngày nữa, nhỡ như chết người thì phải làm sao? Em là con một đó, cả nhà em có mỗi em thôi.

Này, chị đừng cười, nghiêm túc nào! Em nói cho chị biết, em đang rất nghiêm túc, chị, chị đừng trốn tránh, em đang đòi tiền chị đấy.”
Chị cười như không nhặt được mồm, vẻ mặt chị cũng chẳng mấy bận tâm: “Em đòi chị cái gì, cũng có phải tại chị đánh em thành ra nông nỗi này đâu.”
“Này, em đang nói, chị là đồ không có lương tâm, nếu không phải vì em cố gắng giành lại chiếc túi vì chị, liệu bây giờ em có ra nông nỗi này không! Nhìn đi, chị nhìn này, em thành ra thế này rồi,” tôi nói với đôi môi sưng húp, đưa mặt lại gần cho chị nhìn: “Vốn đã có ngoại hình trung bình, giờ thì chắc rớt hạng xuống khuyết tật, sưng to như Trư Đầu Tam, cơm cũng không ăn nổi, việc cũng không tìm được, gả đi chả ai thèm, chị đi mà lo liệu cho trót đi, nửa đời sau giao phó cho chị đấy.” Tôi vòi vĩnh, lại thấy chị cười, càng xả giận lại càng cảm thấy mình vô liêm sỉ.
“Ừ,” chị cố nín lại nụ cười khiến khuôn mặt căng cứng đỏ ửng lên: “Thôi được rồi, nửa thân dưới*, nên bàn giao kiểu gì?”
*Vì Cảnh Minh bị sưng miệng, nên phát âm 下半生 (Xià bànshēng: nửa đời sau) thành 下半身 (xià bànshēn: nửa người dưới).
“Á, chị là tiểu thư nhà lành, sao lại có suy nghĩ không lành mạnh cho trẻ nhỏ như thế, em đang nói là nửa đời sau, không phải nửa thân dưới!”
“Ồ, được thôi, em định dùng đao hay dùng cưa?” Chị vẫn nhịn cười, lại còn giả bộ.
“Ặc, chị là cái đồ, rõ ràng chị đang bắt nạt em, đợi đấy, em sẽ lên Liên đoàn Người khuyết tật tố cáo chị.”
“Haha, chị nào có uy hiếp em, tại miệng đã sưng mà em cứ nói đấy chứ, ban nãy cả đường chẳng nói lời nào, chị còn tưởng bị đau quá, chớp mắt cái lại nói liên hồi, thật kỳ lạ.”
“Không tranh cãi với chị nữa, vẫn là tại chị mà ra, lại còn giả vờ nghe không hiểu.

Chị đừng cười nữa, tiểu thư nhà lành, suy nghĩ chẳng có chút lành mạnh nào, chị nói xem, con gái con đứa như chị muốn thân dưới của em để làm gì!”
Chị bỏ tay rời khỏi nơi khoé miệng bị che khuất, nhìn tôi bằng vẻ mặt đắc ý, nói rõ ràng từng câu từng chữ: “Làm gì? Phơi – khô – rồi – cho – chó – ăn.”
Rốt cuộc tôi cũng không kìm được nữa, bật cười thành tiếng, sau đó lại xuýt xoa: “Ây da, đau quá.”
Thẩm Phương vội cúi người tới, quở trách: “Đắc ý quên mình rồi sao, có đau không, để chị nhìn xem có chảy máu không?”
Ngón tay chị lướt nhẹ trên khóe môi tôi, tôi lại tiếp tục làu bàu: “Chắc chắn lại rách mất rồi, chị nói xem em gắng gượng làm Lôi Phong phiên bản sống làm gì cơ chứ, ai da, đừng đụng, đau.”
“Xin lỗi, xin lỗi.” Lúc này chị mới có chút nghiêm túc.
“Này, lần sau em sẽ không bao giờ đón đầu ngọn gió nữa, nếu em ở Trung Quốc có thể sẽ được nêu gương về sự chính nghĩa và lòng dũng cảm, nhưng ở nơi quái quỷ này thì, này, Thẩm Phương, nước Anh có công nhận sự dũng cảm của chính nghĩa không? “
“Rồi rồi rồi, xin em đừng nói nữa, chị tuyên dương hành động của em, được chưa.”

“Nhưng mà như chị nói đấy.

Chị, chị tuyên dương em như thế nào?”
Chị bị tôi chọc giận đến dở khóc dở cười: “Được rồi được rồi, ít nói đi, em muốn chị tuyên tương cái gì?”
“Hừm, vậy phải để em nghĩ kỹ, nhất định không được tha cho nhà tư bản.” Tôi mở cờ trong bụng, xem ra chuyến này không tốn công vô ích.

Nghĩ một lúc, tôi nói lý nhí: “Cho em nghĩ hai ngày, dù sao em cũng không cần túi xách hàng hiệu, cây cao đón gió độc.” Sau đó, tôi cố ý hỏi: “Thẩm Phương, có phải túi của chị là hàng nhập khẩu từ Hong Kong không? Sao lại không chắc chắn như thế?”
Thẩm Phương thu tay lại, nhìn tôi từ trên xuống dưới: “Chị thấy em vẫn bị thương nhẹ đấy!”
Tôi hậm hực bĩu môi, thầm nghĩ nếu sau này giàu có thì cứ mua hàng lậu nhập khẩu, lấy ra dùng người ta còn nghĩ là hàng thật.
Thẩm Phương quay đầu đi, cầm thực đơn lên, lại như tự lẩm bẩm: “Xem xem nào, em ăn được thứ gì nhỉ.”
Chị lấy lại sự bình đạm thường ngày chỉ trong chốc lát, ánh mắt dán chặt vào thực đơn, chớp chớp mắt.

Tôi thầm nghĩ, chị ấy vẫn luôn thu lại cảm xúc nhanh như vậy, để lại tôi ngồi đó vẫn còn chưa ngắt hứng vui.
“Đừng xem nữa, em uống nước canh thôi.” thật ra tôi không đói, có lẽ do bình thường nhịn đói quen rồi, một ngày hai bữa của tôi cũng chỉ là ăn qua loa không đúng giờ.
“Cũng được, uống chút canh, đợi ngày mai vết thương lành hẵng ăn cơm.” Ngắt lời, chị lại đứng dậy đi ra ngoài: “Em đợi chị một lát.”
Chị lại trở về, trong tay cầm một chai sữa chua và một chiếc ống hút, chị thật chu đáo quá.
Chị cắm ống hút vào chai sữa chua, đưa cho tôi: “Em thích uống thứ này không? Uống thử trước xem, để chị làm nguội canh cho em.”
Tôi nhìn chị chan cho tôi một bát canh, lấy một chiếc thìa khuấy trong bát, hành động đó khiến tôi nhớ lại khi tôi bị ốm hồi còn nhỏ, mẹ cũng ngồi cạnh thổi nguội bát nước hoặc canh rễ bản lam cho tôi, đau lòng nhìn tôi và ép tôi uống.

Sau kỳ nghỉ hè năm đó, mẹ tôi ốm nặng một trận, tôi học theo cách làm của mẹ năm đó, nấu một bát thuốc bắc hạ sốt cho mẹ, rồi ngồi bên giường nhìn mẹ uống mà lòng đau xót vô cùng.
Hành động của Thẩm Phương khiến tôi chìm vào hồi ức như một kẻ khờ, khi canh nguội, chị dùng thìa xúc lên thử một chút, sau đó cho một ống hút vào và đưa cho tôi: “Nào, hết nóng rồi.” Tôi thấy như thể đang được trở lại ngày bé, mẹ cũng bê bát canh tới trước mặt tôi, cũng nói rằng “Nào, hết nóng rồi.” Tôi không đưa tay ra, cũng không nói lời cảm ơn như mẹ dạy khi còn nhỏ, chỉ rướn đầu ra ngậm lấy ống hút, khuôn mặt của mẹ ngày càng hiện rõ trong tâm trí tôi: Mẹ ơi, mẹ đã dậy chưa? Hôm nay con bị tai nạn, con nhớ mẹ lắm.
Uống được một nửa bát canh, tôi mới nhận ra mình vừa mất hồn.

Ngại ngùng ngẩng đầu lên định nói gì đó, thì thấy Thẩm Phương đang ngẩn ngơ nhìn tôi, chị không còn nở nụ cười nữa, khoảng cách giữa hai lông mày như có chút đau thương, là vì tôi sao?
Tôi nghĩ mình nên nói gì đó, nói cảm ơn hay là xin lỗi?
Chị quay người đi, chan thêm một ít canh vào bát.

Lúc này, tôi tự cầm lấy bát, nói: “Để em tự làm, chị mau ăn cơm đi, đừng lo cho em nữa.” Ngừng một lúc, lại nói: “Cảm ơn.”
“Ừ, vậy chị ăn đây.” Chị không nhìn tôi, ngồi lại vị trí cũ, cầm đũa lên bắt đầu ăn cơm.
Trên chiếc ghế trống ở giữa dường như vẫn vương vấn hơi ấm và mùi hương còn sót lại của chị.

Tôi không biết liệu chị có cười nhạo tôi vô dụng hay không, tôi lén liếc chị, nhưng có vẻ như chị đang tập trung ăn cơm.

Vì vậy, trái tim nặng trĩu của tôi cũng chầm chậm thả lỏng.

Tôi nghĩ mình có nên kể một câu chuyện cười hay gì đó không, nhưng tôi không thể tập trung được cảm xúc, thế nên tôi cứ uống từng bát từng bát canh.

Chúng tôi ngừng nói đùa, thậm chí còn không nói chuyện với nhau.
– ——-
14-11-2006 – 6:50:13
Cả ngày hôm nay đúng là cạn lời.


Ngồi viết viết viết liên tục hết ngày dài lại đêm thâu, viết đến nỗi sáng nay còn không nghe được tiếng đồng hồ báo thức.

Đang ngủ ngon thì nghe tiếng điện thoại trên bàn rung ầm ầm ầm.

Có nhiều lúc tôi kỳ lạ như thế đấy, tiếng chuông báo thức to như thế mà không đánh thức được tôi dậy, thế mà lại nghe được tiếng điện thoại rung ầm ầm.
Cầm điện thoại lên vừa nói a lô, Zoe từ đầu dây bên kia đã hỏi tới tấp: “Có phải em ốm rất nặng không?”
“Không, em không sao.”
“Vậy sao giờ này em chưa đến?”
Tôi mò mẫm chiếc đồng hồ bên cạnh, vừa nhìn, vãi, 9 giờ 10 phút hơn rồi! Sáng nay tôi là người chủ trì cuộc họp hàng tuần.
Lăn xuống giường, rửa mặt đánh răng gội đầu bằng tốc độ nhanh nhất có thể (không gội đầu sẽ chết đấy), sau đó tuỳ tiện túm lấy bộ quần áo trong tủ rồi thay ra, cưỡi lên xe đạp, lao thẳng đến công ty.
Tôi chuyển đến đây năm ngoái từ nơi cư trú ở thành phố cũ, chủ yếu vì nơi đây gần chỗ làm việc, tính trung bình mất khoảng 15 phút đi bộ, 7 phút đạp xe và 10 phút lái xe từ nơi ở của tôi đến công ty (vì tôi phải tìm chỗ đỗ xe).

Tuy nhiên, hầu như tôi hay đi bộ mỗi khi thời tiết tốt hoặc khi vui vẻ, nhưng khi thời tiết xấu hoặc tâm trạng không ổn, tôi sẽ lái xe.

Vì người Anh khá bảo thủ, phong cách ăn mặc công sở khá là này nọ, mà xe đạp là phương tiện nhanh nhất và thân thiện với môi trường, tôi không thể chịu được cảnh phải cong đít lên đạp xe đua trong khi ăn mặc như vậy, hơn nữa, mẹ nó, tôi phải đội mũ bảo hiểm theo luật giao thông của Anh.
Nhưng trừ khi sắp đến muộn, ví dụ như hôm nay.
Tôi vơ vội túi laptop, khoác quai xách lên vai, tay còn lại xách mũ bảo hiểm, chạy đến phòng họp như quỷ lao vào làng.
Bảo vệ cửa cứ như bị hoa mắt, không cho tôi quẹt thẻ.

Có lẽ đây là lần đầu tiên các anh ấy thấy có người chạy bộ trong công ty! Âu mai gót! Sao người Anh lại cái đức tính này, ở công ty hoặc những nơi trịnh trọng, chỉ được đi bộ chứ tuyệt đối không được chạy, cho dù xảy ra chuyện gì đi nữa.

Lúc tôi vừa chuyển đến đây, lần đầu gặp báo cháy, sợ đến mức tá hoả chạy ra ngoài mà không kịp cầm theo túi xách, đến đảo an toàn đợi một lúc lâu, mới nhìn thấy các đồng nghiệp đang ung dung đi bộ đến từ phía sau, chỉ có mình tôi bơ vơ đứng một mình trên bãi đất trống.

Thấy bọn họ đến gần, tôi chỉ muốn đóng giả thành người Nhật cho xong, cúi đầu một cái, nói “watashi wa nihonjin desu” (Xin chào, tôi là người Nhật Bản).
Vừa chạy đến cửa thì thấy Zoe đang đi ra, mặt cô đầy lo lắng: “Chị đang định gọi em đây này.” Zoe dúi bản brief vào tay tôi.

“Em xin lỗi, thật đấy.” Miệng tôi nói thế, nhưng trong lòng nghĩ, đâu cần đến mức đó, từ ngày bắt đầu đi làm đến giờ chỉ bị đến muộn mỗi hôm nay, mà cũng đến nhanh mà, chị tưởng em tên Thuý Hoa thì sẽ có hào quang biết bay sao?
Mở cửa phòng họp, những người bên trong trêu đùa: “Người canh giờ của chúng ta đến rồi.”
Tôi trước giờ vẫn luôn rất canh thời gian, phong cách nước Anh cũng vậy, tuyệt đối không đến sớm 1 phút, nhưng cũng không hề đến muộn dù chỉ một giây, điểm này tôi ngầu hơn bọn họ nhiều, vì buổi sáng lười dậy, trong hai năm này, mỗi ngày tôi đều ướm chừng 9 giờ đến nơi.

Bọn họ thường đến trong khoảng 5 phút sớm muộn.

Vậy nên, mỗi khi họp hay đi công tác, chỉ cần tôi đến là bọn họ không chờ đợi thêm nữa, cũng không cần nhìn đồng hồ.
Tôi gồng mình đỡ ngại, giơ tay bảo họ im lặng, sau đó bịa ra một lý do và xin lỗi, giả vờ làm mặt nghiêm túc bắt đầu đọc bài tóm tắt báo cáo.
Về đến văn phòng, tôi xem sổ ghi chép của mình, thường thì thứ Hai không có cuộc hẹn nào, cũng không có việc gì quan trọng, chỉ có việc đọc và viết thôi.

Sau khi trả lời một vài bức thư, tôi dựa lưng vào ghế và bắt đầu ngủ.

Vừa nhắm mắt lại, thì nghe Zoe gõ cửa, mang theo một chồng tài liệu rồi chụp cho tôi xem danh sách cuộc gọi đến vào chiều thứ Sáu.

Trong danh sách dài ấy, người đầu tiên chính là Andrew – ông sếp thân thiện của chúng tôi.

Đây là vấn đề khiến tôi đau đầu nhất, từ nhỏ đến giờ tôi luôn bị bắt quả tang mỗi khi lười biếng hay làm điều gì xấu, không thì cũng là bị bán đứng hoặc bị bại lộ.

Sau đó, tôi phải gọi điện thoại, gọi tới tận khi tay nhũn ra.
Đặt điện thoại xuống, ngả đầu vào ghế rồi lại bắt đầu nghe điện thoại.

Đặt điện thoại xuống, tôi nhìn đồng hồ, 11 giờ rưỡi, tranh thủ ngủ một giấc, có vẻ như điện thoại lại bắt đầu rung, tôi liên tục chửi thề, lần này hiện dãy số điện thoại, nhưng không biết từ ai.
Nhấc máy lên, tôi thận trọng nói “hello”, chỉ nghe tiếng ồn bên kia nhưng không ai trả lời, tôi thử nói “xin chào” một lần nữa.

Lần này, có lời hồi đáp thật, là một giọng nói có chút quen thuộc, người kia tuôn ra một chất giọng Bắc Kinh hào sảng: “Tiểu Cảnh? Chị là PJ đây!”
Chị P, là “cựu” dẫn chương trình kênh Y nổi tiếng ở Trung Quốc, sau khi chị có được tiếng vang nhà nhà ai cũng biết đến, dần dần chị lui về phía sau cánh gà.

(Xin được giấu tên chị, chỉ dùng chữ cái để thay thế), người ta là nhân vật nổi tiếng, phải ẩn mình khiêm tốn, mọi người đừng đoán bừa nha.

Tôi biết chị PJ vào khoảng cuối năm 2005, khi đó có một ôm trùm rất nổi tiếng đến Anh Quốc, chị cũng tới cùng họ
Mà tôi, lại bị một đàn anh đứng cạnh đề cử làm công việc tình nguyện tại đại sứ quán, đóng vai học sinh tiếp đón thủ trưởng.
PJ khá tận tâm với nghề, lần nào cũng đến sớm về muộn, đúng lúc tôi đang cảm thấy vô cùng vinh dự khi được đến đó, nên rất hăng hái chuyển bàn nâng ghế phục vụ cộng đồng.

PJ rất quý tôi, ban đầu chị tưởng tôi là một học sinh chăm ngoan, sau đó khi chị biết tôi đã đến tuổi đi làm, chị cho rằng tôi thuộc diện thanh niên trẻ yêu nước.
Thật ra tôi vốn rất ghét PJ hồi còn ở Trung Quốc, ai ngờ con người thật của PJ rất khác so với hình tượng của chị trên TV.

Hoá ra chị là một người phụ nữ trung niên rất thẳng, rất bà tám, cứ rảnh là sẽ tám với chúng tôi bí mật của những người nổi tiếng, từ những ngôi sao nhỏ đến lớn từ trong ra ngoài nước đều có hết, nếu không có chị thì chúng tôi cũng không biết tám chuyện gì.

Tiếp xúc gần hơn nữa, tôi thấy chị là người rất có tinh thần trọng nghĩa, rất không tương xứng với lời đồn và hình tượng của chị, không biết có phải chị đã chịu nhẫn nhịn đủ trong mười mấy năm trên màn ảnh bạc hay không.

Cách nói chuyện của chị khá có chừng mực, là kiểu nói chuyện buồn cười đến làm chết người mà không đền mạng.

Đến sau này, mỗi khi chờ chị tám chuyện xong về một người nào đó cho tôi, tôi sẽ cùng a dua với chị: “Vãi, đúng là một tên khốn!”
Sau này chúng tôi đã cùng nhau đi ăn một bữa cơm, chị ấy mời, lại còn rất nhiệt tình hẹn tôi khi về nước nhất định phải rủ chị ấy đi chơi.

Tôi cũng đưa chị số điện thoại, nói rằng, lần tới chị đến tôi sẽ mời cơm.

Hôm hay quả thật chị đã đến.
Qua điện thoại, PJ hỏi tôi nơi đây có đồ ăn Trung Quốc không, tôi nói có một tiệm, đó là nơi tôi luôn lôi kéo đồng bào đi thưởng thức mỗi khi họ đến thăm.

Cái tiệm này không thể so sánh với nhà hàng ở London, dù là tự phục vụ, nhưng cũng lắm trò hay, chỉ là không gian và mùi vị thức ăn kém hơn nhiều so với nhà hàng ở London, càng chưa nói đến so với các của hàng ở Trung Quốc.
“Được, vậy 12 rưỡi, chúng ta gặp nhau ở đó.” Chị bồi thêm một câu: “Chị dẫn theo vài người.”.



Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận