Tôi lấy làm ngạc nhiên. Tự dưng có người bên họ nội lên chơi ư? Bố có bao giờ nói nhiều về gia đình mình đâu nhỉ? Tôi thậm chí đã từng nghĩ bố là con mồ côi ấy chứ.
– Bố kể với con về gia đình mình rồi mà! Con nghĩ con lấy họ của mình từ ai vậy?_ Bố tôi kêu lên từ đằng sau tờ báo sáng. Cả gia đình đang ở trong căn nhà bếp bé xíu đầy mùi dầu mỡ. Nắng sáng tràn qua từ chiếc cửa sổ cũng bé không kém, soi rõ chỉ ba phần tư căn phòng này. Làm cho đống bát đĩa trông như bị phủ lớp mỡ vàng màu nắng sớm.
– Làm gì có ạ! Mỗi lần con hỏi bố chỉ ậm ừ cho qua. Mà mẹ cũng họ Nguyễn, làm sao con biết được.
– Giời _ bố bỏ tờ báo xuống_ bố chắc chắn là bố có nói rồi, con quên thôi. Làm sao mà bố chưa kể con gì về họ nội được cơ chứ. Con là cháu kiểu gì mà lại quên hết ông bà nội mình là ai vậy?
– Vì bố chưa bao giờ nói!
– Em ơi con bé nó lại cãi anh rồi này!_ Bố kêu lên cảm thán
Mẹ tôi nhìn ra từ sau cái tủ lạnh, cầm trong tay ba quả trứng:
– Anh là cha kiểu gì mà cũng không bảo được con gái mình, lại còn phải nhờ em.
– Vì nó lớn quá, hồi nhỏ bé xinh dễ thương bao nhiêu thì bây giờ ngỗ nghịch bấy nhiêu. Anh bảo nó nó cũng chẳng chịu nghe nữa.
– Mẹ ơi xin hãy nói với bố là bố quả thực chưa bao giờ kể với con tí gì về gia đình bố đi ạ.
Mẹ thở dài, bắt đầu làm món ốp-la-ba-quả-trứng đặc biệt của mình:
– Hai bố con sáng nào cũng thế này. À và, anh à, anh thực sự đúng là chưa kể với con bé về bên nhà anh đâu.
Thấy chưa bố! Con đã bảo rồi mà!
– Thật không em?
– Thật anh à_ mẹ lại thở dài, lúi húi rót một cốc sữa đầy thấy ngọn.
– Thôi được rồi. Nghe đây Linh, cả gia đình của bố họ Nguyễn sống ở miền bắc, làm nông. Cô Thắm tối nay đến thăm nhà ta là chị họ của bố. Ông nội con tên là Nguyễn Tôn, đã mất hơn mười năm. Bà con tên là Tằm…
– Nguyễn Tằm?
– Ừ, bà nội con tên là Nguyễn Tằm. Bà có bốn người con, bố là con út. Anh cả của bố là Tông, chị hai là Tằng, anh ba là Tống và bố tên gì con biết rồi đấy.
Giờ tôi hiểu sao bố tôi tên hay đến vậy rồi. He he he.
– Nhà mình cón hiều cô dì cậu chú lắm, con lúc nào về quê sẽ thấy _ bố quay lại với trang báo quen thuộc
Mẹ ngồi bên cạnh tôi, đang ăn bữa sáng với ba quả trứng ốp la, hai ổ bánh mì đặc ruột, một bát mì ăn liền, một cốc sữa đầy bằng cốc bia hơi và ba mươi quả nhãn. Cả hai bố con tôi chắc chắn sẽ không bao giờ có thể sánh bằng mẹ.
– Mà con nên ăn nhanh đi, còn phải đi học thêm nữa_ mẹ nói sau khi làm gọn cả cốc sữa khủng chỉ sau một lần uống.
– Không sao đâu mẹ, lớp học thêm của cô Lí hôm nay nghỉ vì các thầy cô trong trường đều bận cái dạ hội tối nay rồi ạ.
Bỗng dưng chuông điện thoại mẹ reo tiếng còi cứu hộ inh ỏi. Mẹ ngay lập tức cầm máy, trong điện thoại tôi có thể nghe một giọng nam rất nghiêm trọng.
– Rồi rồi, tôi tới ngay đây_ mẹ đứng vụt lên, mặc vội chiếc áo blouse rồi phóng vụt ra khỏi nhà nhưng không quên dặn tôi_ Nếu con không đi học thì nhớ phải làm bài tập hè đấy, còn anh, dọn hộ em bữa cơm hôm nay, có thể chưa em không về bữa trưa đâu.
Rồi mẹ biến mất sau làn khói của xe máy.
Tôi ngồi tiếp tục ăn nốt bát mì gói của mình. Cũng chả có gì là đặc biệt, mẹ tôi lúc nào cũng có đi vắng đột xuất. Có lẽ vì áp lực nặng nề của nghề bác sĩ cấp cứu nên mẹ lúc nào cũng phải ăn rất nhiều.
Bố tặc lưỡi, rồi đứng dậy đeo tạp dề rửa đống bát đĩa mà mẹ vừa để lại.
– Con đi đây_ tôi cầm lấy cái túi xách.
– Đi đâu cơ chứ? Bố tưởng con hôm nay không học gì mà?
– Con phải đi chuẩn bị cho buổi dạ hội chiều nay ạ, con thuộc Tổ Ánh Sáng mà.
– À à, vậy thì đi an toàn nha con.
– Vâng ạ.
***
Còn khá sớm. Đường ít người. Tôi đi xe vi vu quanh khu phố cổ vắng vẻ tận hưởng nắng sớm trước khi rẽ qua cái sân Z. Vừa đi vừa nghĩ ngợi lan man. Tất cả đều là vì chuyện ngày hôm qua. Hình ảnh của Hường hiện lên, tay trong tay với một tên người sói tóc đỏ. Hường mặc một chiếc váy đỏ dễ thương, nhìn tên kia, hỏi một cách dịu dàng:
– Sao hôm nay mắt anh to thế?
– Mắt anh to để anh nhìn em rõ hơn _ tên kia trả lời bằng một giọng ngọt như mía lùi
– Sao hôm nay tai anh to thế?
– Tai anh to để anh nghe giọng nói đáng yêu của em to hơn.
– Sao hôm nay miệng anh to thế?
– Miệng anh to là để anh ăn em nhanh hơn!
Vừa nói tên người sói vừa vồ lên, đè lên Hường. Tất cả những gì còn lại của cô bạn thân nhất của tôi chỉ là vài mảnh tóc vụn. Tên kia thì xoa xoa cái bụng to oành vừa ợ một cách thô lỗ.
Không! Tôi nhất thiết không thể để Hường bao giờ lại gần bên tên đó được. Tôi cần phải đưa Hường trở lại con đường đùng đắn. Nhưng có ai có thể làm một người bạn trai tốt cho Hường được nhỉ? Một hình ảnh của một đứa con trai bỗng vụt lên trong đầu tôi: Hoàng!
Hoàng là một tên công tử bột trong lớp tôi.
Anh chàng đeo kính ít nhất tám đi-ốp, mặc quần dài quá mắt cá chân, không biết chơi bất cứ môn thể thao nào, học hành trung bình và cũng chả có chút khiếu hài hước nào. Tên này đã theo đuổi Hường từ hồi lớp tám, tức là đã ba năm và là kẻ theo đuôi Hường lâu nhất từ trước đến giờ.
Theo tôi, Hoàng là một tên tốt, nhưng lại nhút nhát đến tội nghiệp. Chỉ biết nhìn Hường từ xa rồi đến dịp thì tặng quà, không nói được một lời. Hường đến gần một tí là lại chạy mất. Chuyện này diễn ra suốt ba năm làm tôi phát ngấy. Hoàng hoàn toàn không có chút cơ hội nào với Hường, đặc biệt là khi Hường luôn có nhiều anh chàng đẹp trai, học giỏi và giàu có bám theo. Hơn nữa con gái không thích những kẻ yếu đuối, tôi công nhận. Chốt lại, tên Hoàng có thể theo đuổi Hường thêm năm năm nữa nhưng hắn vẫn không có cơ hội nào đâu.
Tôi vẫn nghĩ vậy cho đến ngày hôm qua.
Sau khi biết được anh chàng trong mộng của Hường là một tên côn đồ thì bỗng dưng hình ảnh của Hoàng trong tôi trở nên cao giá hơn rất nhiều. Bởi vì tôi biết rằng, Hoàng có thể là một tên nhút nhát tội nghiệp, nhưng ít nhất, Hoàng còn là một tên tử tế,hiền lành.
Bây giờ tôi quyết định sẽ bắt đầu kế hoạch tác hợp Hường với Hoàng, bởi vì thà Hường đi với tên công tử bột yếu ớt này còn hơn là để cô bạn thân nhất của tôi qua lại với một tên cô đồ như tên Tóc Dựng (tôi vẫn thích gọi hắn như thế hơn).
Nhưng ít nhất tôi nên tìm kiếm thêm thông tin về tên Tóc Dựng để tìm ra điểm yếu của hắn chứ nhỉ? Biết người biết ta trăm trận trăm thắng, ông bà ta đã dạy. Nhưng tìm thông tin về tên anh chị này ở đâu thì tốt nhất?
Trả lời: Trâm ‘’tám’’.
Trâm “tám” là thông tấn xã tốt nhất của trường, một nhỏ tám nhiều tới nỗi nó được mệnh danh là “Nữ hoàng của các bà tám”. Và may mắn thay nhỏ này học thêm Lí với tôi. Xin chút thông tin cũng chả khó gì, chỉ cần mời nhỏ ra quán chè rồi bao nhỏ hai ba chén là muốn biết gì cũng được. Thế là sáng hôm ấy, sau khi đã làm xong công việc ở của mình ở sân Z, tôi _với giọng ngọt như mía lùi_ ‘’vời’’ nhỏ Trâm ra quán Cây Sứa nổi tiếng có chè ngon.
Tôi cười hì hì, đứa thêm cho Trâm “tám” chén sữa chua ăn tráng miệng, lả lướt nói:
– Bà thấy chỗ này ăn ngon không? Quán tủ của tôi đó.
– Ờ ờ_ Trâm làm sạch cả hũ sữa chua chỉ bằng một lần húp_ Bà cần gì, nói ra đi cho rồi, khỏi vòng vo chi tớ gì nữa. Tưởng tôi không nhận ra cái giọng ngọt xớt của bà à.
– Ờ tại thì, tôi cũng có chút việc nho nhỏ thôi. Bà biết gì về tên Khải chơi trong trận bóng rổ hôm qua không?
– Cái thằng đấy ấy hả, chậc, số người hỏi về nó tăng lên đáng kể từ cái trò biểu diễn ngu ngốc của nó trong trận bóng rổ đấy. Thôi được rồi, tôi cho bà chút thông tin căn bản đây. Nó tên đầy đủ là Hoàng Văn Khải, lớp 10A9, phòng 23 lầu 3 cánh phải của trường. Mẹ nó bán nước mía ở chợ Nhỏ bên quận 3. Bố nó thì chả biết, có vẻ như là bỏ bà này với đứa con từ hồi thằng Khải chưa ra đời. Tôi cũng không rõ lắm, chỉ là tin đồn thôi. Thằng đó học hành bê bết, trốn học gần hết cả học kì, tôi cũng nghe nó quyết định bỏ học rồi. Và như bà thấy đó, nó đẹp trai và lại nổi loạn nên được nhiều nhỏ theo lắm.
Nhưng _ Trâm “tám” suỵt tôi một cái rồi hạ giọng xuống _ thằng đấy là dân anh chị lớn trong trường đấy, hôm qua thằng đó kéo băng đánh anh Hạ”ngựa” bên 12B4. Thằng đó thắng, và lấy luôn cả nhỏ bồ của anh Hạ rồi, kiểu như phần thưởng ấy.
– Hạ”ngựa” à? Tôi biết tên đó là kẻ đứng đầu khối cuối mà?_ Đến tôi cũng phải giật mình, thậm chí lũ dân đen như tôi cũng đã nghe đến tên anh hai sừng sỏ này.
– Ừ. Và giờ tên Khải đó lật đổ rồi. Nó kinh lắm
Tôi thấy sống lưng lành lạnh. Quả thực là tôi đã động chạm vào một kẻ hết sức dữ tợn. Thêm một lí do để tôi dồn hết công sức giúp Hường tránh xa tên này.
– Umm, bà có nghe nói nó có anh em gì không?
– Không, nó là con một mà. Nhưng nói về anh em kết nghĩa thì nó có thằng Tôn ‘’dâu’’, cái tên này hơn nó một năm mà phục nó lắm.
– Tôi chỉ hỏi anh em thường thôi.
– Vậy thì chỉ có thế thôi à. Bà còn cần gì không? Cô ơi cho con thêm chén sữa chua nữa!!_ Trâm nói với ra chỗ cô bán chè.
Trời ạ! Nhỏ này ăn liền tù tì năm chén chè và hai chén sữa chua rồi mà còn gọi thêm. Tôi lần này sạch túi rồi. Thảm nào nó béo thế. Trâm quay lại nhìn tôi, mút cái thìa:
– Bà còn cần gì nữa không?
– Umm, bà biết gì về tên có mái tóc bạc của trường Y cũng tham gia trận bóng rổ hôm qua không?. Tên James gì đấy? _ tôi bỗng nhớ cái tên mấy đứa con gái hôm qua hò reo.
– Biết gì không ấy hả? Tôi có cả một cái tiểu sử của tên đó ấy chứ!
– Vậy thì chia sẽ cho tôi tí đi.
– Tôi giờ không có nhiều thời gian, thôi, vài ba thông tin căn bản là đủ rồi phải không?
– Ờ ờ.
– Ok. Thằng đấy là một đứa con lai, bà thấy tóc và mắt nó màu gì rồi đấy, nó đâu phải người Kinh hoàn toàn. Tên tiếng anh là James E. Nicholson, nhưng giờ thì bà gọi nó là Hoàng Duy là được rồi. Đẹp trai, thủ khoa trường, siêu sao bóng rổ trường Y, được nhiều gái thích hơn bà có thể tưởng tượng. Tuy nhiên lại là một kẻ thích ở một mình, nghe nói không nhiều bạn bè lắm. Sở thích là đọc sách và ờm, sự yên tĩnh. Nhưng lí do nó được nhiều đứa theo đuổi là vì cha tên đấy là một thương gia giàu có, cũng lai nửa là người Anh, nửa Kinh. Mẹ nó là người Anh hoàn toàn.
– Vậy tức là nó chỉ có một phần tư là người Đại Á thôi à?
– Ừ_ Trâm húp chén chè vừa gọi một lần là hết nhẵn_ Tôi không ngờ bà mà cũng quan tâm tới hai tên này. Bà từ hồi trước tới giờ sống như bà xơ trong chùa ấy
– Trâm à, thứ nhất là xơ không sống trong chùa, họ sống trong nhà thờ. Thứ hai, tôi chỉ đơn giản là hơi khó tính một tí thôi, ít thằng nào tôi có thể khiến tôi khen đẹp được. Tôi nhìn hai thằng kia cũng chả cảm giác gì, tôi chỉ khen đẹp theo phong trào thôi mà.
– Đó, chính là chỗ đó đó. Cái khiếu thẩm mỹ của bà hơi bị trục trặc đấy. Bà định ở vậy hết đời à?
– Ở vậy là sao? Tôi đã lấy chồng lần nào đâu.
– Ý tôi là bà định sống một mình suốt đời à? Tôi biết Hường với bà là bạn thân từ nhỏ nhưng bà cũng phải đi tìm cho mình một tên bạn trai đi chứ. Bà thấy Hường có bao nhiêu người theo đuổi chưa, cô bạn bà chỉ tại đang bận học nên chưa nhận lời thôi, còn bà thì hết hy vọng.
– Đấy là chuyện của tôi _ tôi bỗng nổi khùng.
– Rồi rồi, đùa tí thôi mà giận nhanh thế_ nhỏ Trâm cười hề hề.
Tôi và Trâm ngồi tám nhảm cho đến khi nó phải đi học thêm. Tôi thì tự đạp xe về nhà.
Vẫn là con đường vắng vẻ đấy. Tôi vừa đi vừa ngẫm nghĩ về những gì Trâm nói. Có vẽ như không ai biết thực ra hai tên Tóc Dựng và Tóc Bạc là anh em cả, họ thì giống nhau nhưng cũng chả ai đế ý. Anh em cùng cha khác mẹ nếu tôi đúng. Mà cho dù là anh em thì sao hai tên này khác nhau thế nhỉ, chả có gì chung cả. Nhưng ít nhất tôi đã biết thêm nhiều về thằng Tóc Dựng. Tôi đúng là phải nói chuyện với Hường rồi, tên này có quá nhiều rắc rối.
‘’ bà định sống một mình hết đời à?’’
‘’ hết hy vọng ‘’
Hừ! Nhỏ Trâm biết gì mà nói chứ!
***
Cuối cùng buổi dạ hội ‘’hoành tráng’’ cũng đã tới. Nếu tôi không phải là một trong những đứa đi oằn lưng phục vụ cho những đứa còn lại thì chắc tôi cũng sẽ hí hửng vui vẻ lắm.
Hường đón tôi bằng xe riêng của gia đình để hai đứa cùng đi. Cô bạn đáng yêu của tôi mặc một chiếc áo màu xanh da trời nhẹ nhàng tôn lên làn da trắng ngần. Đúng là con nhà nòi mà, mẹ bà này làm thiết kế thời trang thì con gái cũng phải có khiếu thẩm mỹ chứ.
Nhìn tôi và Hường quả thực khác nhau như trời và đêm. Tôi ngoại hình trung bình, da ngăm ngăm đen do hồi nhỏ thích đi chơi vào buổi trưa, tóc buộc đuôi gà. Trong khi Hường cao ráo, da trắng mắt to. Trông như cô công chúa nào, đặc biệt là nụ cười hiền hậu đã làm điêu đứng biết bao tên con trai. Tôi thích mặc quần bò áo phông, Hường lại thích váy dài thướt tha, ví dụ như ngày hôm nay này.
Tôi mặc cái quần jean cũ và cái áo phông đen, có nhảy nhót gì đâu mà phải ăn diện. Hường rất buồn vì hai đứa không đi chơi với nhau được. Tất cả chỉ tại cái lão giám thị đáng nghét!!
(Nhưng tôi cũng tự nhận thấy mình hơi bị ngu khi ngồi ngay bên cạnh cửa sổ mà nghe nhạc lén)
Tới nơi thì cái dã hội cũng bắt đầu, Hường nhanh chóng bị một nhóm con trai vây quanh mời nhảy. Cô nàng bạn thân của tôi trông thật tội nghiệp giữa rừng áo vest đủ màu. Tôi buộc lòng phải kéo Hường đi ra… nhà vệ sinh thì mấy tên kia mới không đuôi theo.
– Bà nên mời đại một tên ra nhảy cho rồi, nếu không cả đêm nay bà sẽ bị bầy háo sắc bám chặt, khỏi đi chơi gì luôn.
– Nhưng tôi không muốn đi nhảy, tôi muốn đi chơi với bà cơ!_ Hường như phát khóc.
Tội nghiệp cô bạn của tôi, tôi vỗ về Hường một chút. Vào những dịp đông người như thế này Hường rất ngại ngùng, chĩ biết đứng im một chỗ chứ chả biết làm gì. Nếu lúc nãy mà tôi không nhanh nhẹn cứu Hường ra khỏi mấy tên kia thì chắc cô nàng sẽ đứng khóc ngay tại chỗ ấy chứ. Tôi hiểu cô bạn của mình quá mà.
– Vậy thì bà ra chỗ bàn ăn ngồi cùng hai bà Lan và Loan đi. Tôi phải chạy đi làm việc đây, kẻo thầy hiệu phó kêu. Đừng lo, bàn điều khiển hệ thống ánh sáng cũng gần chỗ bàn ăn nên tí nữa tôi sẽ chuồn ra chơi với bà.
Hường gật gật rồi làm theo lời tôi dặn. Tí nữa nếu ngồi chung với hai bà tám kia thì cô bạn tôi cũng chỉ làm chân thính giả chứ không chắc sẽ tham gia được bao nhiêu.
Nhớ lại lời hứa của tôi vào ngày đầu tiên gặp Hường. Tôi cảm thấy tức giận với chính mình đã chẳng thực hiện được bao nhiêu lời hứa ấy.
Khác với mấy trận đấu ngày hôm qua được chuẩn bị rất sơ sài, buổi dạ hội được cả hai trường dày công trang trí cực kì cẩn thận và chi tiết.
Để tránh mưa, toàn bộ cái sân này được che bởi một mái lều lớn với trung tâm là cái đèn disco lung linh sẽ được bật vào bài nhảy cuối cùng. Cây cối xung quanh được quấn dây đèn điện nhỏ nhắn đủ màu lấp lánh trông thật vui mắt. Ánh sáng phát ra từ bốn bóng đèn chính đổi màu sắc ba phút một lần, kết hợp với lớp bột lân tinh và đèn huỳnh quang được rải và cắm quanh sân nhảy làm cho những cặp đôi đang lượn trên nền nhạc disco rộn rã cảm thấy sự huyền ảo của một điêm dạ hội trong truyện cổ tích.
Và chắc chắn tất cả lũ đang nhảy kia sẽ không bao giờ biết được mười một đứa trong Tổ Ánh Sáng đã phải làm những gì để khiến cái đèn disco, đống bột lân tinh, cái đèn huỳnh quang và tất cả chỗ dây nhợ đèn điện còn lại phát sáng vào chính xác từng bài nhạc. Nhưng tôi thì biết. Bởi vì tôi hiện tại đang phải ngồi điều khiển tất cả lũ ấy hoạt động sao cho thật chính xác như cái bản chỉ dẫn viết tay sơ sài của tên Lâm.
Vậy còn tất cả những thằng khác trong Tổ Ánh Sáng đâu? À, tụi nó đều bỏ việc đi nhảy nhót hết rồi, vì tôi là đứa ngu ngốc duy nhất không nhận ra rằng toàn bộ cái Tổ Ham Hố này tràn đầy lũ lười không kém gì tôi và tên nào chậm chân thì tên đấy sẽ phải ở lại làm việc.
AAAAAHHHHHHH!!!! Tôi tức điên lên mất thôi!!!!
( Bên Tổ Âm Thanh có lão Tiến cùng chung só phận với tôi đang làm việc đằng sau mấy cái loa khủng bố đặt ở mé trái sân)
Tôi đứng đằng sau cánh gà, lo ngay ngáy cho Hường. Không biết cô bạn của tôi sao rồi, liệu có đang bị mấy tên háo sắc lúc trước bao vây không hay vẫn đang ngồi giả bộ tám với đám fan-girls. Nhưng đúng lúc đó dòng suy nghĩ của tôi bị đứt quãng bởi một tiếng reo hò lớn. Tiếng nhạc nhảy đã kết thúc và qua ánh sáng mờ mờ từ trước cánh gà vọng lại tôi thấy tất cả học sinh cả hai trường đã tập trung trước sân khấu.
Chết! Đến giờ thông báo người thắng cuộc Mr. Và Mrs. Thanh Lịch rồi! Đèn sân khấu, đèn sân khấu!
Tôi bật vài cái nút và bỗng dưng thấy láo cả mắt. Nhầm rồi đấy là nút bật đèn cánh gà! Tôi vội nhấn lại và thở phào khi sân khấu cuối cùng cũng đã sáng lên, tất cả đều hướng về MC của buổi trao giải là cô Tâm dạy Địa. Tối nay thậm chí cũng có hai ba thầy cô mặc áo dài tham gia.
– E hèm, e hèm, mọi người chú ý! Sau buổi thi Học sinh Thanh lịch sáng nay, chúng ta đã được theo dõi ba vòng thi cam go của mười cặp học sinh đến từ cả hai trường X và Y. Từ vòng Cá Tính đến vòng Tài Năng và kết thúc với vòng Vấn Đáp, mười cặp thí sinh đều đã có gắng hết mình và mỗi cặp đều rất xứng đáng với danh hiệu Mít-tơ và Mít-si-tơ Thanh Lịch (Vâng, cô Tâm trường tôi là người phát âm tiếng Đại Âu kém nhất, tôi thậm chí có thể nghe tiếng lũ học sinh khúc khích ngay cả từ sau cánh gà). Tuy nhiên chúng ta chỉ có thể chọn ra một cặp để trở thành bộ đội thanh lịch mà thôi (Cô đã hoàn toàn đánh lơ đối với tiếng cười khúc khích của mấy đứa học sinh, nhưng ít nhất cô đã chọn lại từ ngữ để khỏi bị bẽ mặt).
Tiếng nhạc nền tèn tén ten vang lên để tăng sự hồi hộp. Chỉ điều đây lại nhạc đám cưới, thằng Minh chắc chắn sẽ bị thầy hiệu phó kêu la_ tôi vô tình cảm thông với tên cùng số phận.
– VÀ đây là hai người thắng cuộc!
Nhạc đám cưới phát to hơn bao giờ hết.
– Hoàng Văn Khải và Trần Lệ Hường!
HẢẢẢẢẢ!!!! Mặt tôi cứng đơ, miệng méo xệch, trời đất tối sầm (không phải vì bây giờ đang là buổi tối).
H..H..Hu..Hường ư? Và tên Kh…Kha..Khải là tên Tóc Dựng kia? Nhưng hai người đó đâu có tham gia cái cuộc thi Học sinh Thô Lỗ nhảm nhí này?
Không, không thực sự. Sáng nay tôi đâu có gọi cho Hường, đâu có biết Hường làm gì mà nói. Còn việc bà ấy với Khải…chẳng lẽ tôi đã quá muộn?
Tôi vội vả bỏ lại cái bàn điều khiển, len qua cánh gà, nhìn ra sân khấu. Giữa sân khấu là một cặp trai gái đang tay trong tay ôm hai bó hoa thật lớn tươi cười. Bên dưới là một tràng vỗ tay với nhiều cái máy chụp hình giơ lên, chụp lại bộ đôi hớn hở tươi vui. Ánh sáng chói lòa của ba chiếc máy chiếu làm tôi muốn cay mắt đến phát khóc nhưng tôi không chớp mắt lấy một lần. Bởi vì ở kia, là người bạn mà tôi yêu quí như người em gái đang cầm tay âu yếm một con sói tóc đỏ.
***
Tôi lái xe thong thả trên một con đường dẫn thẳng đến nhà tôi.
Giờ mới tám rưỡi tối. Dạ hội kết thúc lúc chín giờ. Tôi về sớm.
Hường đã nhìn thấy tôi lúc đó, khi tôi nhìn ra sân khấu. Hường đã gọi, nếu tôi nhớ đúng. Nhưng mọi chuyện xảy ra nhòe nhoẹt trong não tôi, cho dù mọi chuyện mới xảy ra vài phút trước. Tôi vẫn nhớ tôi và Hường đã nói gì đó. Nhưng đó là gì nhỉ? Sao tôi không nhớ?
Có lẽ là bởi vì não tôi đã tự động xóa đi những kí ức mà nói không muốn nhớ. Những kí ức mà nó không chấp nhận là có thực.
Tôi không muốn nói chuyện với Hường. Cô bạn tôi có quyền đi chơi với cứ ai cô ấy thích. Tôi chỉ đơn giản là không có quyền quyết định chuyện Hường sẽ phải làm gì, phải giao du với ai. Nhưng…
***
Căn nhà tôi có cái tính cách rất kì quặc. Buổi sáng nó ngủ, buổi tối nó thức. Ánh sáng từ hai con mắt phát lên rực rỡ giữa cái bóng khổng lồ từ cây bàng trồng trước nhà. Cửa mồm nó vẩn đóng im ỉm, nhưng từ đó phát ra tiếng cười đùa từ cái tivi đang phát sóng. Tôi nên đi vào từ cửa sau. Giờ này mà gặp bố thì chắc bố thế nào cũng bắt tôi tường thuyệt lại hết cả cái dạ hội hôm nay. Mà tôi thì không muốn nhắc lại chuyện đó một tí nào.
Căn bếp bé tí trông thật ảm đạm so với phòng khách tràn đầy tiếng động và màu sắc. Tôi lẻn lên phòng.Trước màn hình tivi, bố đang cười sằng sặc. Tôi không thấy mẹ đâu cả, nhưng mà, có hôm nào mà mẹ về trước mười giờ đâu.
Phòng tôi ở tầng hai, là căn phòng cuối cùng bên trái, bên cạnh phòng bố mẹ. Bên cánh phải là phòng thờ và phòng kho. Nếu có khách tới nhà, chắc chắn họ sẽ ở phòng tôi còn tôi thì phải nằm ngủ ở sofa. Vâng, tôi đang nói về người cô sẽ đến thăm nhà tôi vào tối hôm nay đấy. Nhưng hiện tại thì nhờ cái dạ hội chết tiệt đó mà tôi quên bẵng mất cô Thắm. Bạn có thể tưởng tượng tôi đã ngạc nhiên thế nào khi thấy một người phụ nữ tuổi tứ tuần đang thay quần áo ngay khi tôi mở cửa phòng không?
– Xin lỗi!_ Phản ứng bản năng, tôi vội đóng cửa lại mà không cần suy nghĩ.
… Chờ chút. Đấy là phòng tôi mà!? Sao lại có một bà cô nào lại đang thay quần áo trong phòng tôi được cơ chứ?! Bà này là ai, sao bố không biết mà có thể vẫn xem phim hài?
Tôi mở lại cửa. Người phụ nữ đấy bây giờ đã ăn vận đầy đủ, chằm chằm nhìn tôi…
***
– Hahaha. Con bé vui tính quá chú Út nhỉ?
– Vâng ạ, vâng ạ _ bố cười xoề xòa_Nó là chúa thích đùa, chị đừng để tâm.
– Không sao, không sao_ cô Thắm vẫy tay_ con bé nó còn là trẻ con, có chút nhầm lẫn tôi cũng chẳng để bụng làm gì.
Bố lại cười khách sáo, huých tay tôi. Tôi (giả bộ) bẽn lẽn cúi đầu, (giả bộ) lí nhí:
– Cháu xin lỗi cô ạ.
Bố sau khi nghe tiếng cửa đánh rầm của tôi, tưởng có trộm, đã chạy ngay lên lầu và phát hiện hai cô cháu đang nhìn nhau chằm chằm mà không nói không rằng. Ba phút sau, cả ba cùng xuống nhà ngồi uống trà ăn bánh nói chuyện. Tôi phát hiện ‘’bà cô’’ kia chính là cô Thắm, cô chị họ mà bố nói sẽ ở nhà tôi trong hai ngày tới.
– Chú Út này, chú có định cho con bé về quê nội không vậy? Từ nhỏ tới giờ nó đã về lần nào đâu. Bà Cả đang nóng lòng nhìn cháu gái út mình lắm đấy, bà cũng không còn nhiều thời gian…
– À à, về việc này. Em cũng đã tính rồi, em thấy mình cũng có lỗi. Bao nhiêu năm nay em và nhà em mải làm việc, cũng chỉ là lo cho con bé ăn học thôi, chị biết đấy.
– Nhưng thực sự mẹ em cũng gần đất xa trời rồi _ mặt cô Thắm chợt tối sầm lại, cô nhẹ đặt li nước xuống _ bác sĩ tuần trước bảo có lẽ bà không qua nổi tháng này, chưa nói tới năm nay.
Một giọt mồi hôi lăn trên trán bố.
– Vâng, em cũng hiểu. Em sẽ nói chuyện với nhà em sau.
– Hay là thế này, cô chú về quê luôn với tôi luôn đi. Tôi lên thành phố cũng có tí việc thôi, chú dạo này cũng rỗi phải không?
– Thế thì bất ngờ quá chị, em và Tuyết còn phải sắp xếp công việc nữa. Nhưng chúng em chắc cũng sẽ về quê hè này. Cho con bé còn thăm bà nó nữa.
– Ừ, ừ, đúng rồi đấy.
Tiếng chuông cửa kêu lên. Từ ngoài tôi có thể nhận ra tiếng xe của mẹ. Tôi nhanh nhẹn chạy ra mở cửa. Mẹ vẫn mặc áo blouse trắng, đang cầm trong tay hai túi trắng to đùng, trông thất thểu như vừa chạy vài dặm về chứ chẳng chơi.
– Linh, cất mấy cái túi này vào tủ lạnh. Mẹ..A! Chị Thắm! Sao chị không gọi em ra bến xe đón chị?Em tưởng chị mai mới tới.
Mẹ vừa thấy cô Thắm liền đẩy qua cho tôi mấy cái túi bự để đầy rau quả lóc chóc. Mẹ mua mấy thứ này ở đâu thế cơ chứ? Tối rồi chợ còn đâu mở cửa. Tôi đi vào bếp, để mẹ lại cùng bố nói chuyện với cô họ, bàn tán về việc đưa tôi về quê nội.
Thực sự mà nói, hiện giờ tôi chả quan tâm tới mấy cái việc thăm thú miền quê gia đình và phải giả vờ lễ phép với họ hàng cho lắm. Tôi đi về nhà để tìm chút yên tĩnh mà suy nghĩ trong phòng riêng thì lại đâm vào cô họ hàng xa tít mù tắp này. Ai mà quan tâm tới cái gia đình bạn không biết tí gì, thậm chí không rõ họ có tồn tại thật hay không chưa nói tới việc phải bỏ thời gian hè quí giá đi báo danh với họ rằng ạ, cháu là cháu bà đây ạ, con cháu mà suốt gần mười sáu năm ròng không biết bà có sống trên cõi đời này đấy ạ. Hừ!! Khổ quá! sao cái cửa tủ lạnh hôm nay khó đóng thế này? Tôi dập mạnh một cái cho bõ tức và nghe tiếng thanh đựng đá phía trong rơi loảng xoảng.
– Linh! Con làm gì đấy! Lại đánh vỡ cái gì rồi đó à?! Đừng để mẹ đi làm mệt mỏi cả ngày còn phải vào đó thu dọn cho con nữa đó!
– Vâng, con nghe rồi ạ, không có việc gì đâu mẹ, con tự dọn được.
Tôi thở dài.
Sao tự dưng tôi lại đi nói xấu họ nội thế nhỉ? Tự dưng lại ở đây vừa đứng vừa phát tức không rõ lí do. Tôi mở cửa tủ lạnh, xếp lại cái thanh đựng đá. Nhưng viên đá lạnh toát chà xát vào bàn tay ấm nóng của tôi, làm nguôi đi cái cơn giận vô nghĩa vừa mới nhen nhúm. Tôi lại khẽ thở dài.
Quả thực tôi cần tìm nơi yên tĩnh mà có thể suy nghĩ cho ra rõ ràng.
Mười một giờ đêm, cuối cùng thì ta cũng chỉ có mỗi ta. Tôi nằm trên sa lông, nhìn lên trần nhà hắt ánh sáng đường màu vàng nhạt. Chỉ khi bố đã hết đi vệ sinh giữa chừng, mẹ khỏi nấu cháo điện thoại với mấy bạn đồng nghiệp và cô Thắm chấm dứt mấy câu truyện miền quê đã làm cho cuộc trò chuyện giữa bố mẹ và cô dài tới ba tiếng đồng hồ, chỉ sau khi mẹ nhẹ nhàng nhắc rằng mẹ phải đi làm sớm ngày mai và lịch sự ngắt lời cô đi ngủ và kết thúc câu truyện lê thê về người chú Tần nào đó không ai biết thì cả ba mới đồng ý đã đến giờ đi ngủ. Tôi đã yên vị trên cái ghế sa lông cứng không kém gì nền gạch phía dưới và bắt đầu suy nghĩ chính xác về nhưng gì đã xảy ra vào vũ hội đêm nay. Nằm thẳng cẳng, tôi chắc trông như một cái xác nếu tôi không mở mắt.
Tôi nghĩ, và nghĩ và nghĩ rất lâu.
Cuối cùng lại phát hiện ra mọi chuyện thực ra giản đơn đến mức kinh ngạc. Tôi lấy ra cái điện thoại: 3 cuộc gọi nhỡ, đều là của Hường. 5 tin nhắn, cũng đều là của Hường. Tất cả đều có nội dung tương tự như nhau, đều mong được giải thích và nói chuyện với tôi. Tôi tự cười. Nhắn lại Hường: “ Mai. Ra chơi. Căn tin. Chỗ cũ. Tôi có bất ngờ cho bà”, rồi đóng nắp điên thoại, lại tự cười một mình.
Mệt quá, ngủ thôi, uống thuốc rồi thì tôi chẳng sợ. Ngáp dài, tôi vắt chân lên thành ghế và chỉ trong năm phút đã chìm sâu vào giấc ngủ.