Sẽ uống với chị
……
Cuộc sống là một dòng sông chảy xiết, nhiều người biết cửa sông ở đâu nhưng không ai biết bãi cạn tiếp theo sẽ xuất hiện sau khúc nào. Khi chảy đến bãi cạn, họ oán trời, họ chửi người, không hề hay biết bùn cát lắng dưới lòng sông là những suy nghĩ và hành động của chính bản thân họ tích tụ nhiều năm qua.
Du Nhậm đang ở Tùng Dương điều tra nghiên cứu công tác quản lý thuỷ lợi nhánh sông Bách Châu, trong tâm trí đọng lại lời nói của chuyên gia thuỷ lợi: “Theo tiêu chuẩn của 1.000 năm trước, để hình thành bãi phù sa cần trải qua hàng ngàn năm tích tụ, nhưng con người hiện đại cái gì cũng vội cũng vàng, chỉ mải hấp tấp chặt phá và gây ô nhiễm.”
Du Nhậm mỉm cười ngoài mặt, trong lòng vô cùng đau xót.
Thời tiết dần lạnh, ra ngoài trời lâu lại muốn ăn thứ gì đó nóng hổi. Cả đoàn người trở về nhà khách, uống trà Tùng Dương địa phương trong khi chờ bữa tối. Hớp trà mở đầu câu chuyện: “Nhiều thôn trang sản xuất trà ở Tùng Dương đều trồng cây công nghiệp. Vườn trà được chính phủ đứng ra thuê, công ty trà trả tiền thuê cho chính phủ, sau đó trả tiền cho nông dân trà.” Chỉ sợ mọi người tấp nập đổ đến như ong vỡ tổ sẽ xuất hiện rủi ro thị trường, công ty không còn khả năng trả tiền thuê, ai sẽ chống lưng? Chẳng phải là chính phủ sao?
Những người làm công nghệ không nói chuyện như người viết tài liệu, sau một màn trò chuyện thoải mái, bầu không khí sôi nổi hẳn lên. Du Nhậm là một trong số ít cô gái trẻ có mặt, những người đàn ông nói chuyện vui vẻ mới hỏi Du Nhậm: “Cán bộ Du đã có bạn trai chưa?” Tuy chưa lên cấp cán bộ xã, nhưng mọi người thường dành cho cô những lời tâng bốc có cánh.
“Ông Hồng, nhìn xem, nói về thuỷ lợi và lá trà thì không đoái hoài cán bộ Du, đào bới đến chuyện riêng của cô Du lại tích cực thế.” Đồng nghiệp của Du Nhậm – ông Lý – trêu chọc người lân la làm quen: “Cán bộ Du của chúng ta là một bông hoa trong chính quyền thành phố, đằng sau còn cả đống người xếp hàng.”
Du Nhậm nhìn ông Lý – người từng có ý định tán tỉnh mình – bằng ánh mắt lạnh lùng nhưng giọng điệu cứ như trêu chọc: “Chú Lý, nếu cháu là một bông hoa, thế chú là gì? Cây bút cùn đã toè ngòi sao?”
Nếu chuyện này đặt trên bàn rượu trước đây của Du Hiểu Mẫn, người có thể điểm thêm chút màu sắc vào mọi chuyện sẽ nói “càng cùn càng bền”, nhưng ông Lý cười ngượng: “Đúng vậy, tôi là một cây bút cùn. Tôi nói sai rồi, cán bộ Du là cây bút hào hoa phong nhã trong phòng thí nghiệm của chúng ta.”
Bầu không khí trong phòng khách lạnh đi, bên tiếp đãi cuối cùng cũng đợi được thông báo dùng bữa, nhiệt tình mời cả đoàn vào ăn. Ông Lý xin phép vào phòng vệ sinh cùng một người quen, vắt ra mấy giọt nước tiểu, cuối cùng miệng chửi: “Cô ta là ai chứ? Chẳng phải chỉ cậy vào thế lực của thằng bố thôi sao?”
Qua nhiều năm, mọi người trong phòng thí nghiệm dần dần quen với tính cách của Du Nhậm, họ biết phải cư xử có chừng mực khi làm việc và dùng bữa với cô, đừng tầm ngầm hay thô thiển vượt quá giới hạn chỉ vì nghĩ cô ấy còn trẻ, ông bố của cô ấy lợi hại, bản thân cô càng không phải dạng vừa. Ông Lý mới được điều chuyển chưa được bao lâu mà nay đã vấp phải trắc trở.
Về mối quan hệ giữa Du Nhậm và Nhậm Tụng Hồng, cũng có người đoán hơi khác: Vì cô ấy không cùng họ với bố, chưa chắc Nhậm Tụng Hồng sẽ ra sức hỗ trợ con mình.
Thế là thái độ của những mối quan hệ xung quanh Du Nhậm chia làm hai phe: người cố nịnh nọt cốt để nương ngờ chút thế lực cũng có, người ầm thầm khinh thường cũng có.
Kết thúc buổi nghiên cứu, khi Du Nhậm lái xe trở về Bách Châu đã là 9 giờ tối, hôm nay tâm trạng làm việc của cô không hẳn tốt, đúng là có thu hoạch, cũng có cả những cây đinh kim đâm vào da mà cô cũng đã quen.
Nếu coi ngữ cảnh và tâm lý nông cạn ở nơi làm việc là một bãi cạn, đúng là đống bùn lắng đó đã tích tụ hàng nghìn năm nay, quả thực có thể nạo vét kha khá, nhưng không phải một lần là xong. Đã quen không có nghĩa là cảm thấy thoải mái, nếu kể chuyện này cho Nhậm Tụng Hồng, ông bố sẽ nói: “Các cô gái như con sao cứ phải nhạy cảm thế nhỉ, người ta chỉ muốn khuấy động bầu không khí thôi, là đang khen con cơ mà.”
Nếu nói với mẹ, Du Hiểu Mẫn sẽ hiểu, nhưng trong đôi mắt không lời của mẹ viết rõ: “Ai bảo con không có người yêu? Ai bảo con không kết hôn?”
Du Nhậm đi siêu thị mua hai lon bia, tối nay cô không muốn uống trà, chỉ muốn cô đơn ăn uống trước TV. Âm thanh báo ngắn ngủi của điện thoại vang lên, lúc đó Du Nhậm mới cười, đúng như dự đoán, là tin nhắn của Viên Liễu, cô gái nhỏ gửi một đoạn video nhảy đường phố: “Chị xem em nhảy thế nào?”
Nếu hỏi dạo này có những chuyện gì vui, Du Nhậm có thể đếm được vài điều: Bệnh thấp khớp của bà Hồ Trạch Phân đã đỡ hơn, nói đã tìm đúng bác sĩ; Du Hiểu Mẫn đã lấy được bằng lấy xe ở độ tuổi hơn năm mươi, nói sau khi nghỉ hưu sẽ thực hiện ước mơ đi du lịch khắp đất nước hồi còn trẻ. Du Nhậm nói: “Không phải mẹ từng nói sẽ làm việc ở bệnh viện tư nhân kiếm tiền mua nhà cho con sao?” Du Hiểu Mẫn nói: “Này, sao mẹ phải lo cho con đến chết? Sao con không tự kiếm được?”
Còn một chuyện tốt nữa là cuộc sống của Viên Liễu đã phong phú hơn nhiều kể từ khi kết thêm bạn mới. Thế giới trước đây của cô bé là mặt cửa hàng nhỏ trong làng thành, thói quen đọc sách được Du Nhậm mở ra, vài chuyến du lịch ít ỏi và một số sở thích có hạn. Du Nhậm từng hỏi, em thích làm gì? Cô gái nhỏ nói chắc là đọc sách? Hỏi lại, cô gái nhỏ trả lời là làm thịt kho tàu, em thích nhìn những miếng thịt ba chỉ đỏ óng ả và bóng dầu lên màu nước tương. Du Nhậm cười, còn gì nữa không? Vừa dứt lời đã cảm thấy có gì đó kỳ lạ, cô gái nhỏ nhìn cô một cái, Du Nhậm hiểu, Viên Liễu cũng không rườm rà thêm.
Dạo còn học ở Thượng Hải, Du Nhậm từng nghe vài bạn học bản địa bàn về phương pháp đào tạo ở Thượng Hải: Tiếp xúc, tiếp xúc hơn nữa, tiếp xúc nhiều thêm về các lĩnh vực khác nhau nhằm giúp trẻ nhỏ xác định sở thích vì mục đích đào tạo chuyên sâu. Mô hình máy bay, AI, quần vợt, đánh golf, hội họa, lego, nhạc cụ, v.v., rải tiền mở đường chỉ để nắm bắt một tia sáng dấy lên sự đam mê của trẻ nhỏ, và nhiều khả năng hơn là không có tia sáng nào cả.
Nhưng Viên Liễu không có cơ hội chứng kiến thế giới muôn màu muôn vẻ đến vậy, trước mắt cô gái nhỏ chỉ bày vài thứ ít ỏi, vẫn phải sống chết bắt lấy chúng. Kể từ khi Triệu Giai Kỳ xuất hiện, hai cô gái chơi đùa một cách đầy màu sắc: Triệu Giai Kỳ dạy Viên Liễu cách chơi kèn saxophone, cô gái nhỏ phồng má lên, cuối cùng cũng thổi được bài “Fly me to the moon” nhập môn lúc rõ lúc không sau hơn mười lần thử, dù sao cũng là một thành tựu nhỏ bé, bèn gửi video cho Du Nhậm khen.
Viên Liễu cũng bị kéo vào câu lạc bộ bóng đá nữ của trường Số 8, đảm nhận vị trí trung vệ dự bị. Du Nhậm hỏi cô gái nhỏ da rám nắng, em đá như thế nào? Viên Liễu nói bóng đến phân nửa phần sân, ngắm chuẩn, đá! Đá vào đâu còn tuỳ vào may mắn, Viên Liễu khi đá nhầm nhọt cũng không quên đòi được thưởng: “Chị ơi, em đá vào rồi, vào lưới nhà.”
Sau đó vén đồng phục lên vỗ vào bụng, hỏi chị đã thấy cơ bụng của em hiện lên chưa? Du Nhậm phóng to lên nhìn rất lâu, ánh mắt dán vào lỗ rốn lồi và hơi trũng xuống: “Ở đâu?” Du Nhậm hỏi, và nói không cần cưỡng ép phải có múi, bụng mềm mềm cũng rất dễ thương. Du Nhậm không có yêu cầu gì về bụng của người yêu cũ.
Dạo này Viên Liễu hay đến quảng trường sông Bách Châu nhảy đường phố với các bạn cùng tuổi sau mỗi giờ tan học, Viên Liễu là người mới bắt đầu, đứng tít cuối hàng nghiêm túc cố gắng học theo các động tác. Cô gái nhỏ tay dài chân dài, cũng dẻo dai, nói chung trong mắt Du Nhậm trông rất ra dáng.
Thế là tốt. Du Nhậm ngồi xếp bằng trên thảm, đặt cốc lên, rót bia, thêm một đĩa lạc, y như ông già về hưu.
Dòng sông cuộc đời vượt qua bãi cạn khi màn đêm thanh tĩnh buông xuống, xoay quanh đá ngầm đảo nhỏ giữa sông, lởn vởn nổi vòng xoáy. Du Nhậm nghĩ về người khác 6-7 phần, nhìn lại bản thân 2-3 phần, cảm thấy cuộc sống này không lên không xuống, không vui không buồn, không ấm không nóng.
Tề Dịch Quả gửi tin nhắn cho Du Nhậm trong lúc khởi hành từ Thượng Hải: “Thái Thái, nếu em buồn chán, hãy đến Mỹ chơi với chị nhé, chị sẽ xin nghỉ tiếp đón em.
Sao chị ấy biết mình buồn chán? Du Nhậm từng nghĩ bản thân mình không có gì dính líu đến “buồn chán” cả, dù sao cô cũng chỉ cần sách là đủ. Trên sofa có năm cuốn sách, lật hết cuốn này lại lật cuốn kia, đọc lướt đọc qua đều không thể vào đầu. Du Nhậm như vậy, từ lâu đã lún vào bãi bùn của cuộc sống, dù chỉ làm việc và dành thời gian đi thăm người thân, cô vẫn không thể thấy mình đang ở đâu, thậm chí ái ngại phải kể cho người khác về tình cảnh khó khăn lúc này.
Nhai lạc, Du Nhậm giở cuốn mẫu trà được Viên Liễu tặng, hết trang này đến trang khác không biết đã đọc được bao nhiêu, uống hết nửa cốc bia thì ngoài kia gió đã thổi mạnh, là dấu hiệu của trận mưa sắp tới. Lo cho chậu hoa trên ban công, Du Nhậm đi đóng cửa rèm lại.
Những chậu hoa đó đã bước vào thời kỳ “nghỉ dưỡng” như người ta thường nói, lá vàng úa, thoi thóp chờ chết. Du Nhậm không hiểu gì về vấn đề hoa cỏ, bỗng không biết làm thế nào, do thiếu nước sao? Nếu cần tưới, vậy cần tưới bao nhiêu?
Phản ứng đầu tiên không phải là lên mạng tra, mà là chụp ảnh cho cô gái nhỏ, Viên Liễu nói phải chăm sóc cẩn thận, tuyệt đối đừng tưới nước.
Kiểu chăm sóc gì thế này? Cô gái nhỏ chiếm lợi thế thông tin nói, chị đợi em, lát nữa em sẽ đến. Vậy là Viên Liễu đã có cơ hội quang minh chính đại đến cửa nhà chị.
Viên Liễu vẫn thường xuyên giúp đỡ Viên Huệ Phương kinh doanh quán cơm, nhưng không cần giao đồ ăn nên thời gian dư dả hơn những năm trước. Hôm nay sau một buổi vận động thể lực cùng Triệu Giai Kỳ, Viên Liễu cấp tốc đạp xe đến dưới tầng nhà Du Nhậm, cô gái nhỏ xuất hiện trước chị tựa hồ đang bốc hơi nóng, dễ thấy hơn cả hơi nóng là những giọt mồ hôi và hạt mưa vương trên người, Viên Liễu nhe hàm răng trắng: “Em đến phụ trách hậu mãi.”
Bước đến gần phòng khách, thấy ngay cuốn tiêu bản trà trên ghế sofa, vui quá thành ra trượt chân suýt ngã, sau khi ổn định cơ thể, Viên Liễu đối mặt với ba chậu hoa nhài, vào tư thế nghiên cứu: “Cái này phải cắt đi thôi.”
Viên Liễu mang kéo đến giải thích cho Du Nhậm, vào mùa đông hầu như không bông nào nở nữa, cắt lá vàng và nụ thừa trên cành là để giảm tiêu hao, để những phần còn lại có đủ dinh dưỡng sống sót qua mùa đông.
“Những cái to và khoẻ này chúng ta phải giữ lại, những cái kia…” Viên Liễu chỉ vào mầm lá nhỏ dưới gốc hoa nhài: “Phải cắt đi.”
Viên Liễu cắt hai chậu cây, chậu còn lại cho Du Nhậm thử làm. Du Nhậm khiêm tốn như một cô học sinh: “Cái này không giữ lại, cắt ở đây… có đúng không?” Viên Liễu ngồi xổm đối diện chị, đôi mắt to đầy khẳng định: “Đúng.”
Cắt tỉa cành lá xong xuôi, Viên Liễu nói đừng tưới nước, cô gái nhỏ cắm cây kéo xuống đất, chọc chọc, thấy rằng phần đất phía trên khá ẩm: “Ở đây vẫn còn nước, không cần tưới. Đợi lần sau xem, nếu chị thấy đất khô thì tưới thêm 1-3 so với bình thường.”
Cuối cùng là ánh nắng, cô gái nhỏ nói, càng là mùa đông càng phải đảm bảo hoa có ánh sáng mặt trời. Viên Liễu gồng mình lên di chuyển chậu hoa đến vị trí phía nam xa hơn: “Được rồi.” Phủi tay, Viên Liễu nhìn chị, thấy Du Nhậm đang trầm ngâm nhìn chằm chằm những chậu hoa nhài đó.
Cô cũng cắt đi rất nhiều cành lá úa vàng của chính mình. Trong số đó, “tình yêu” là cành cây chắc khoẻ nhất, chỉ là định mệnh sắp đặt thể nào cũng mất đi chất dinh dưỡng hỗ trợ thế là Du Nhậm dứt khoát cắt bỏ. Cuộc sống cũng không thể tưới quá nhiều nước, rễ cây sẽ bị úng nếu ngập quá nhiều nước vào mùa đông, con người cũng vậy. Rễ của cô không chịu được quá nhiều lượng nước từ thế giới bên ngoài, nên những bất mãn trong công việc cứ thế tích tụ trong lòng, khi tiếp xúc với mọi người cũng dễ nổi nóng.
Cô thiếu sự an ủi của quang hợp. Quang hợp trong cuộc sống không phải là tiền bạc, nhà cửa hay xe cộ, ít nhất không phải đối với Du Nhậm. Quang hợp là cảm giác sự tồn tại thực thụ, cảm giác được cần đến và cảm giác có giá trị. Du Nhậm nhìn hoa, gật đầu nói: “Vạn vật đều có linh hồn.”
Viên Liễu đi rửa tay, không màng trên người đổ đầy mồ hôi, cũng khoanh chân ngồi xuống thảm, tách mấy hạt lạc, chậm rãi nhai. Nhìn thấy lon bia, cũng ngửi thấy mùi cồn thoang thoảng trên người Du Nhậm, ăn một lúc, mới hỏi Du Nhậm: “Chị gặp chuyện gì khó khăn à?”
Du Nhậm nói không, chỉ muốn uống một chút, xem TV cho có không khí.”
Vậy là Viên Liễu kể về chuyện nhảy nhót của mình: “Em học được các động tác, nhưng luôn bị trưởng nhóm nói.” Trưởng nhóm là một bậc thầy về street-dance ở thành phố này, nghe đồn được giải top 3 trong cuộc thi gì đó ở vùng Hoa Đông: “Anh ấy dạy locking.” Nói Locking có yêu cầu cao đối với xương khớp, con gái thì cứ mềm oặt, khó thể hiện các bước nhảy mang cảm giác mạnh mẽ, anh ấy đề nghị chúng em nên nhảy Jazz.
Viên Liễu nói lúc đó em không phục: “Con gái cũng có thể mạnh mẽ.” Trưởng nhóm nói, vậy nhảy đi xem nào?
“Em mới học được bao nhiêu buổi chứ? Chủ yếu do anh ấy không chịu dạy chúng em.” Viên Liễu bốc thêm một nắm lạc: “Chị, em khó chịu chuyện đó, em thấy có rất nhiều chuyện không đúng.”
“Những chuyện gì?” Du Nhậm muốn nghe suy nghĩ của Viên Liễu.
“Thể thao chia ra nam và nữ.” Viên Liễu nói, em nghĩ về các môn thể thao, hầu như môn nào cũng dành cho nam giới trước rồi mới có nữ giới tham gia, các tiêu chuẩn cuộc thi được đặt ra dựa trên các cuộc thi của nam giới, các cuộc thi của nữ chỉ nhằm hô ứng tiêu chuẩn này.
“Đá bóng cũng vậy, các bạn nam nói tần suất động tác của đội nữ chậm, cường độ đối kháng kém, nói thật, em có hơi ghét đá bóng. Chị ơi, có môn thể thao nào em có thể học mà không bị ràng buộc bởi tiêu chuẩn thi đấu của nam hay không?” Viên Liễu đếm trên đầu ngón tay: “Thể dục nhịp điệu? Bơi nghệ thuật? Ballet? Ngoài những thứ này ra, không còn môn nào khác.”
“Em chỉ trăn trở một vấn đề, em đã rất nỗ lực học và tham gia nhưng lại bị họ gạt ra bằng câu nói ‘Con gái không phù hợp với việc này.'” Viên Liễu bực bội thở hắt ra, bất lực nhìn Du Nhậm: “Là do em không đúng sao?”
Du Nhậm nâng cốc lên uống một ngụm, ôm đầu gối nhìn Viên Liễu, ánh mắt vừa đau lòng vừa tự hào: “Không phải do em.” Là do cuộc sống của chúng ta chính là vậy. Lớn lên trong những quy tắc đó, làm sao con người chỉ biết cắm mặt mà bước đi? Chúng ta biết nghe, biết nhìn, biết nghĩ và cố nhiên sẽ biết ngẫm lại xung quanh, đặc biệt là khi va vấp trắc trở.
“Nói như vậy, vấn đề nằm ở… giới tính của em?” Viên Liễu nghĩ đến Du khai Minh và Hồ Mộc Chi ở Du Trang, và cả cậu em trai Du Thiên Lỗi cùng huyết thống và người chị ruột Du Cẩm không biết đang bị bắt nạt thành ra thế nào.
Tâm tư cô gái nhỏ dần nặng trĩu: “Chị, chị từng gặp chuyện thế này bao giờ chưa?”
“Thường gặp.” Du Nhậm nói. Có thể coi lon bia cô mua tối nay là vì gặp phải trải nghiệm tương tự, nghĩ một lúc, cô vẫn nói về câu đùa “một bông hoa”: “Chị không thích bị miêu tả là một vật thể như hoa cỏ. Trong công việc, chị là một người sống sờ sờ. “Một bông hoa là ý gì? Cô hỏi Viên Liễu, em hiểu như thế nào?
“Là bị hái, bị ngửi, đem ra so sánh với vận mệnh.” Câu trả lời văn chương của cô gái nhỏ khiến Du Nhậm không đành lòng mở ra những chi tiết sâu xa hơn, nhưng Viên Liễu cúi đầu suy nghĩ một lát: “Có thể bị xâm phạm.” Du Nhậm đứng hình, sau đó gật đầu: “Phải, cũng yếu ớt, có thời hạn.”
Không, hoa không có thời hạn. Viên Liễu chỉ vào những bông hoa nhài trên ban công đang trong thời nghỉ dưỡng: “Sau khi sống sót qua mùa đông, chúng sẽ lại đâm chồi và mọc ra những chiếc lá xanh, sang năm mới sẽ kết nụ khai hoa.” Mẹ em là một người như vậy, kinh doanh thất bại hết lần này đến lần khác, vẫn không từ bỏ. Cơ thể bệnh tật không thể cử động, mẹ em vẫn đứng dậy, vẫn mở cửa tiệm sau vài năm nỗ lực. Chị ơi, mẹ em mạnh hơn Lưu Mậu Tùng gấp 10.000 lần, cũng tuyệt vời hơn bố mẹ em ở Du Trang nhiều.
“Vậy em định làm gì?” Du Nhậm cười hỏi.
“Em vẫn muốn nhảy theo ý em muốn, cố gắng nhảy tốt nhất, cũng sẽ bất khả chiến bại như mẹ em.” Viên Liễu hỏi Du Nhậm, còn chị thì sao?
Chị? Ngón tay Du Nhậm miết lên xuống chiếc cốc thuỷ tinh: “Trước đây chị muốn tham gia xây dựng quy tắc, dần dần, chị trở thành một phần của quy tắc.” Nếu có cơ hội, sau này chị sẽ cố gắng viết và làm những gì chị muốn, từng chút thay đổi môi trường xung quanh, hy vọng khi em lớn bằng tuổi chị, khắp xa gần cao thấp sẽ trở nên tốt hơn.
Nói thật, Tiểu Liễu, chị không biết “từng chút” có thể tích lũy biết là chừng nào, cũng không rõ tác dụng của “từng chút” liệu có phải chỉ như con kiến học đòi rung cây. Moses khi chạy trốn đã có phép thần giúp đỡ, lên Núi Sinai thì được Mười Điều Răn dẫn lối, còn chị, chị cảm thấy thật hoang mang, không biết nên cố gắng nơi nào mới phải.
“Chị, chị thông minh như vậy, đọc nhiều sách như vậy, mà vẫn hoang mang sao?” Viên Liễu quả thực đã nhìn thấy trên mặt Du Nhậm viết hai chữ bất lực: “Vậy… hay là em cũng làm ‘từng chút’ với chị nhé? Còn có chị Phong Niên, chị ấy cũng đọc rất nhiều sách. À, Tiểu Hải khoẻ mạnh biết đánh nhau, chị Ấn Tú biết buôn bán, còn Bạch Mão Sinh… chị ấy thì thôi, không nhờ vả được gì cả.”
Du Nhậm buồn cười: “Ha ha, được thôi.” Cô rót vài giọt bia vào cốc của Viên Liễu: “Ít thế này có lẽ không đủ tạo ra thay đổi về chất, quan trọng là tấm lòng, cạn ly.”
Cạn ly. Viên Liễu uống nước, gần như không thể nếm được vị bia. Nhưng trong nụ cười của chị có hương vị, cô gái nhỏ nghiêng đầu nhìn chị: “Đợi em lớn hơn chút nữa, em sẽ uống với chị mỗi ngày.”
Lông mày Du Nhậm giật giật, gần như không thể nhận ra, như thể cô thấy một mặt trời nhỏ xán lạn đang ngồi trước mặt mình. Tuổi trẻ thật tuyệt.
……