Năm tuổi mất cha, bảy tuổi mất mẹ, sau đó bơ vơ nương tựa vào Chu gia – nơi cha ta khi còn sống đã định ra hôn ước.
Nói ra hôn sự này thật nực cười.
Tổ tiên nhà ta đều là đồ tể, đến đời ông nội, gia cảnh khá giả, muốn cải thiện thanh danh, bèn cho cha ta đến tư thục đọc sách.
Tiếc là cha ta không có cốt cách nho nhã, cử chỉ thô lỗ, học vấn chẳng ra sao, học dăm ba năm rồi lại về nhà bán thịt.
Lúc đó ông đã cưới vợ sinh con, lại quen biết với Chu bá bá.
Tính cha ta hào sảng nghĩa hiệp, bản thân tuy không có tài học vấn, nhưng lại kết bạn với Chu bá bá – người học rộng tài cao.
Thế là hai người định ra hôn ước cho ta và ca ca nhà họ Chu.
Năm ta lên năm, cha ta say rượu trượt chân ngã xuống sông.
Chân trước vừa đi, chân sau tên tiểu nhị trong tiệm thịt đã cuỗm hết tiền bạc bỏ trốn.
A nương từ đó sinh bệnh, gia sản dần dần cạn kiệt, gắng gượng được hai năm thì buông tay lìa đời.
Cha ta là con trai độc nhất, khi còn sống, nhà ngoại ta không ít lần đến vay tiền, ăn chực nằm chờ.
Thế nhưng khi ta trở thành cô nhi, mợ nói: “Trời ơi, nhà chúng ta đã nghèo rớt mồng tơi, thêm một miệng ăn thì biết làm sao, chẳng phải là thêm dầu vào lửa hay sao.”
Sau đó mợ lại nói: “Tần Kiệm, cha con lúc còn sống không phải đã hứa gả con cho một nhà tử tế à, nghe nói Chu gia kia thi đậu tiến sĩ, giờ đang làm quan ở phủ Vũ Định, mợ sẽ tìm cách đưa con đến đó hưởng phúc, sau này lớn lên con đừng quên mợ đấy nhé.”
Ta còn chưa kịp thay tang phục đã bị nhét lên xe ngựa đến Chu gia.
Lúc đó Chu bá bá đang giữ chức Đồng tri phủ Vũ Định, là quan ngũ phẩm.
Quan ngũ phẩm ở địa phương, cũng là chức quan không nhỏ, ngoài tri phủ họ Hạ ra, thì chức quan của ông ấy là lớn nhất.
Lúc ta đến Chu gia mới bảy tuổi, một thân tang phục, đầu cài hoa trắng, rụt rè e sợ.
Người được gọi là “Chu lão gia” – Chu bá bá, nắm tay ta bước vào cửa.
Ông nói: “Kiệm Kiệm, đừng sợ, sau này đây chính là nhà của con.”
Người nhà họ Chu đơn giản, người hầu kẻ hạ trong phủ cộng lại chỉ có mười người.
Ban đầu Chu bá mẫu không thích ta, còn có Chu Ngạn mười một tuổi, vừa nghe nói ta là vị hôn thê được hứa gả cho hắn, tức giận đá bay cả ghế.
“Ai thèm cưới cái đồ xấu xí này! Mau đuổi nó cút đi!”
Ta hồi nhỏ quả thật không xinh đẹp, gầy gò ốm yếu, mặt mày xanh xao, ngơ ngác đần độn.
Chu Ngạn thì khác, thiếu niên đắc ý, tuấn tú phi phàm, tràn đầy sức sống.
Chu bá mẫu cũng không thích ta, trách Chu bá bá lúc trước không nên nhất thời hồ đồ định ra hôn ước này.
Nhưng bà là nữ nhân tốt, xuất thân từ gia đình thanh lưu, nên dù trong lòng có oán trách, cũng không nói ra những lời quá đáng.
Chu bá bá nói: “Nàng không phải luôn ước ao giống như nhà Hạ tri phủ có con gái hay sao, cứ xem như Kiệm Kiệm là ông trời ban tặng cho nàng toại nguyện đi.”
Nói xong, lại xoa đầu ta: “Kiệm Kiệm yên tâm, bá mẫu là người mềm lòng nhất, con ngoan ngoãn nghe lời, bà ấy nhất định sẽ yêu quý con.”
Ta ở lại Chu gia, trong lòng thấp thỏm bất an, lúc nào cũng cẩn thận lấy lòng mọi người.
Sau này Chu bá mẫu thở dài: “Thôi vậy, Tần Kiệm, con đã đến bên cạnh ta, cũng là duyên phận, ta đương nhiên sẽ dốc lòng dạy dỗ con.”
“Nhưng có một điều con phải nhớ kỹ, tính tình A Ngạn ngang bướng, bướng bỉnh lên ngay cả ta là mẹ nó cũng không sao khuyên bảo được, nó luôn có chủ kiến riêng, sau này nếu hôn sự không thành, ta sẽ làm chủ chọn cho con một nhà tử tế, coi như có lỗi với cha mẹ đã khuất của con, con chớ nên oán trách.”
Vì câu nói này của bà, ta sợ hãi gật đầu, không dám có nửa điểm ý đồ gì với Chu Ngạn.
Từ đó về sau, Chu bá mẫu dạy ta đọc sách viết chữ, cầm kỳ thi họa, cũng dạy ta thêu thùa may vá.
Có lúc bà tự mình dạy, có lúc là Lý ma ma bên cạnh bà dạy.
Lý ma ma nói ta là đứa trẻ thật thà chất phác, thật thà đến mức gần như ngốc nghếch.
Mỗi lúc như vậy, Chu bá mẫu luôn cau mày, lắc đầu thất vọng: “Thật sự chưa từng thấy đứa nào ngốc như vậy, đầu óc không lanh lợi chút nào.”
Nước mắt ta rưng rưng, cúi đầu buồn bã nghĩ, tổ tiên nhà ta vốn thô kệch, không phải là người có tài đọc sách.
Chu bá mẫu muốn đem khúc gỗ mục đẽo thành ngọc bích, thật là khó khăn.
Nhưng ngốc nghếch cũng có cái hay của ngốc nghếch, Lý ma ma nói ta là đứa trẻ lương thiện, tâm tư đơn giản, lại biết kính trọng người lớn.
Bà ấy nói: “Con bé này lúc nghe người khác nói chuyện nghiêm túc lắm, mắt mở tròn xoe, giống hệt con bê con vậy, thế mà hỏi gì cũng không biết.”
Nói xong, bà phá lên cười ha hả, Chu bá mẫu không nhịn được, cũng phì cười theo.
Sau này thỉnh thoảng bà gọi ta là “Ngưu Ngưu”, Chu bá mẫu nói: “Ôi chao, khó nghe c h ế t đi được, không được, vẫn nên gọi là Ngưu Nhi đi.”
Ngưu Nhi của Chu gia, là một đứa ngốc, đọc sách không giỏi, may vá thêu thùa ngược lại học được kha khá.
Chu bá mẫu cảm thán: “May quá, cuối cùng cũng có một nghề để kiếm cơm.”
Bà đâu biết, tài thêu thùa may vá này của ta cũng là luyện tập miệt mài mà có, tay bị kim đ.â.m đầy lỗ, đêm đêm thắp đèn, khổ sở luyện tập.
Thêu thường, thêu ruy băng, thêu móc xích, thêu…
Ta tự nhủ: “Làm người không thể vô dụng được, bá mẫu và Lý ma ma đã tốn công dạy dỗ, dù sao cũng phải học được một thứ, nếu không thì họ thất vọng biết bao.”
Sau khi thạo việc kim chỉ, ta đã thêu cho Chu bá mẫu một chiếc khăn tay, thêu cho Lý ma ma một chiếc túi tiền, còn tết cho Chu bá bá một chiếc tua rua treo quạt.
Tuy không đẹp đẽ gì, nhưng họ đều cười híp mắt, khen ngợi ta, bảo ta tiếp tục cố gắng.
Vì sự cổ vũ của họ, tài thêu thùa của đứa ngốc là ta ngày càng tiến bộ, Chu bá mẫu rất hài lòng.
Sau này, khi tay nghề của ta đã khá hơn, cảm thấy không thể thiên vị, bèn tết cho mặt dây chuyền ngọc bích của Chu Ngạn một chiếc tua rua, lấy hết can đảm đưa cho hắn, kết quả bị hắn ghét bỏ hất xuống đất.
“Cái thứ đồ bỏ gì đây, xấu c h ế t đi được.”
Từ đó về sau, ta không bao giờ dám tặng đồ cho hắn nữa.