Xuyên Thư Tự Nhiên Thành Phản Diện Alpha

Chương 29: 29: Kiếp Sống



Coi như là đã giải quyết xong cái nồi tự dưng bị đội lên đầu.

Thấy Trương Huyền Cầm lớp O đã kí đầy đủ, thầy chủ nhiệm cũng thở phào.

Đã thế, thầy còn căn dặn Vân Hà thêm 15 phút nữa.

Quả thật, thầy không yên tâm.

Chuyện như thế này có thể lặp lại bất kì lúc nào khi mà Vân Hà quá tốt bụng.

Cô bé này hầu như chưa từng từ chối yêu cầu giúp đỡ nào.

Alpha như thế này, quá tốt, quá dịu dàng, cũng tạo cảm giác rất dễ ức hiếp.

Ba mẹ Vân Hà vẫn còn tức giận, vô duyên vô cớ thanh danh bị tổn hại, dù cho có giải quyết được thì những tin đồn xấu này vẫn đeo bám cả đời.

Nhưng khi nghe con gái nói không cần làm quá thì hai ông bà cũng thôi.

Thói đời là thế.

Mình cứ an nhiên mà sống, còn loại người hay tính kế người khác thì đầy rẫy, làm sao mà phòng trừ cho hết.

Cứ bình tĩnh mà sống thôi.
Ngược lại với trạng thái “Lo bò trắng răng” của thầy đối với cô thì Vân Hà chú ý hơn hết vào trạng thái của mẹ Trương.

Dường như trong quá khứ cô đã từng thấy ở đâu đó một người giống như thế.

Càng ngày kí ức của bản thân cô càng ít đi, cứ như bị thế giới này loại bỏ từng chút từng chút một.

Vân Hà cau mày, cô vẫn không thể nghĩ ra mẹ Trương giống ai, giống cái gì.
Tối hôm đó Vân Hà – con người luôn có giấc ngủ tốt lần đầu hơi khó ngủ.

Cô cứ trằn trọc mãi.

Cô nghiến răng ken két, chìm vào giấc ngủ một cách khó chịu.
Vân Hà tỉnh dậy khi trời đã hửng sáng.

Hôm nay cô không đi chạy.

Nghe loáng tháng tiếng ba mẹ dưới nhà, cô tự hỏi làm sao hôm nay họ dậy sớm thế.


Vừa nắm lấy tay vịn cầu thang, cô đã nghe đôi chỗ trong cuộc trò chuyện của hai người, tiếng có tiếng không, thuốc cái gì đó, gây nghiện gì đó, không nên uống nữa.

Từ từ, nghiện?!
Đúng rồi! Sao cô không nghĩ tới thứ đó?
Cái thứ bột màu trắng đó?
Trạng thái của bà ta hôm qua, ngẫm kĩ lại thì đúng là có thở hổn hển, tâm lí lên xuống thất thường, bà ta vừa chửi thề lại có thể lập tức xuống nước năn nỉ.

Giống y hệt với lần nghiện đó của gã Tâm.

Nhưng cũng có thể là bà ta bị kích động bởi một thứ gì khác.

Có thể nào là pheromone? Bà ta là omega, hẳn ở đây có chất gì đó có thể gây kích thích tới pheromone.
Vân Hà ôm một bụng suy nghĩ mở cửa phòng khách, chào ba mẹ xong thì tức khắc hỏi rõ nghi vấn trong lòng.

“Hình như có, mẹ nhớ có một lần mẹ đi chợ, nghe được người ta nói gì mà kích thích tâm thần đấy.”
Nghe được câu khẳng định từ những chuyên gia đa ngành như mẹ và các dì bán hàng, Vân Hà đã có thể chắc chắn được rằng thế giới này cũng có thuốc phiện.

Có lẽ loại chất gây nghiện này sẽ dựa trên hoạt động của pheromone, tương tự như cách nó gây hưng phấn với hệ thần kinh ở thế giới trước kia.
Ngày nghỉ hôm ấy, Vân Hà ngổn ngang nhớ lại.

Những năm khi cô còn nhỏ, đó vẫn là một thời gian tốt đẹp với cô.
Khi Vân Hà tang mẹ, ông bà ngoại cô vẫn còn khoẻ.

Ngày nào cô cũng chạy ra quán cơm vỉa hè nhỏ xíu của ông phụ giúp.

Khi thì đóng hộp, thổi lửa, có lúc theo bà đi nhặt phế liệu.

Vân Hà tuổi nhỏ nhưng đã hiểu chuyện, sớm đã có kinh nghiệm làm việc hơn rất nhiều đứa trẻ cùng độ tuổi.

Âu cũng là hoàn cảnh bắt buộc, nếu không có ông bà đem Vân Hà về, cô chắc hẳn đã phải lang thang đầu đường xó chợ.

Quanh khu nhà Vân Hà toàn là người nghèo.

Nghèo ở đây lại có hai nghĩa.

Một là bệnh tật mà nghèo, hai là tệ nạn mà nghèo.

Đó là một khu vực lẫn lộn giữa tội phạm và bệnh nhân.


Họ lay lắt sống qua ngày, ăn qua bữa và chẳng thiết tha mấy về ngọn đèn đường sáng bừng ngoài khung cửa sổ.

Ít nhất Vân Hà có chút may mắn, cô sống ở đầu xóm, nơi hưởng một tí ánh nắng nhân gian.

Còn những người ở cuối xóm, họ hoàn toàn chìm vào khoái lạc đoạ đày.

Gã Tâm, con trai út nhà bà Ba Bí ở cuối xóm, nghiện ngập đã hai năm.

Gã từng đi cai nghiện một năm, nhưng khi trở về lại tiếp tục sa vào con đường cũ.

Từ đó bà Bí cũng buông bỏ gã, gã cũng không vào trại lần nào nữa.

Gã thường hay lang thang khắp xóm nghèo, ăn cắp hoặc trấn lột bọn trẻ con.

Đôi khi được dăm ba đồng, có đôi khi gã bán được đồ cao giá, hẳn vài triệu.

Nhưng dù làm thế nào cũng không thoả mãn được cơn nghiện thuốc của gã.

Mẹ gã đã bỏ xứ đi nơi khác, bỏ lại gã ở đây một thân một mình.

Lần đó gã bắt gặp Vân Hà, như thường lệ, gã bắt đầu chặn đường để trấn lột tiền.

Ông bà nhiều lần căn dặn rằng nếu gặp phải bọn trấn lột, cứ đưa tiền cho bọn chúng, mạng của con mới là trên hết.

Vân Hà hiểu rõ, nhưng mà đây là giải thưởng cuộc thi học sinh giỏi của cô.

Hẳn một triệu rưỡi!
Gã đi đứng loạng choạng hệt như xác sống, từ từ tiến đến phía cô.

Thở khò khè như chó, và gã hôi hám một cách khó tả.

Bộ quần áo đen xì, rách tơi tả, một mùi tanh nồng như nước cống bốc lên từ thân hình gầy gò trơ xương khiến gã như một hồn ma vất vưởng giữa cõi trần.

Giọng gã khàn đến đáng sợ, mỗi khi gã nói đều có thứ gì đó lạo xạo trong miệng.

Gã rít lên:
“Đưa tiền cho tao!”
Vân Hà sợ đến nhũn cả chân, nhưng nhất quyết không đưa cho gã.


Cô ôm chặt cái balo phai màu của mình.

Nhìn thấy đằng sau đã là ngõ cụt, máu liều dâng lên đầu cô.

Cô đứng im phắt, hiên ngang, dũng cảm, không trả lời cũng không bỏ chạy.

Gã thấy vậy bèn giở giọng dỗ dành:
“Đưa tiền cho anh, anh mua thuốc anh uống.

Anh bệnh tật dữ quá, mà không có tiền.

Em phải biết là, anh rất đáng thương, có đúng không?” rồi bỗng dưng dường như gã nghĩ đến chuyện gì đó, khuôn mặt đáng sợ của gã nhăn nhúm lại, gã thét lên dữ dằn “Có đúng không?”
Vân Hà sợ đến mức muốn bất chấp tất cả mà khóc toáng lên, nhưng đồng thời cô cũng hiểu, chuyện này xảy ra còn thường xuyên hơn bữa cơm, và rồi chẳng có ai giúp cô cả.

Cô bé mười hai tuổi hiểu sự đời ấy dùng hết sức cắn chặt môi lại.

Cô không muốn đưa, cô tuyệt đối không đưa.

Một triệu rưỡi! Cô có thể mua thêm một cuốn vở trắng, một chiếc bút mới, có thể mua chăn mền mới cho ông bà, nếu như còn dư một ít, cô có thể mua một chiếc balo mới.

Tuyệt đối không đưa cho loại người này.

Có chết cũng không đưa cho gã!
Vân Hà nhắm nghiền mắt, như chờ đợi những cú đánh từ gã.

Cô còn nhỏ, mẹ nói trẻ nhỏ mau lớn, mau khỏi bệnh, vết thương cũng mau lành.

Cô không sợ bị thương.

Cô thà chịu ăn đánh chứ không đưa cho gã.
Gã nhìn ra được con nhãi nhép này rất cứng đầu.

Không sợ gã có đúng không?
Gã gồng cứng người.

Cái thân hình da bọc xương ấy vậy mà cũng còn sức lực để đánh người.

“Như mày mong đợi.”
Giá như đây là câu nói của một người tốt dành cho Vân Hà.

Ngay sau khi hắn nói, một cú tát rơi xuống đầu Vân Hà.

Cả đầu cô đều ngoặc sang phải.

Dù gã đã là đèn cầy sắp hết, nhưng sức lực của người lớn vẫn cứ là lớn.


Đau! Đau quá!
Không được khóc, không được khóc, không được khóc.
Xem chừng gã cũng chỉ có nhiêu đó sức.

Cùng lắm thì cô chịu thêm một cú nữa.

Đúng như Vân Hà nghĩ, gã ta đã mệt sắp chết.

Gã mệt nhọc đứng dậy, thở khò khè như vừa chạy quãng đường dài, căm hận nhìn Vân Hà.

Con nhãi này coi vậy mà cứng đầu quá.

Mệt chết bố mày rồi!
Gã lê cặp chân cứng như đá bước từng bước một rời khỏi con ngõ.

Khi gần đi qua Vân Hà, gã phun vèo một cục nước bọt vào mặt cô.

Mặc dù gã là một tên không ra gì sắp toi đời, nhưng con nhãi này thì có khác gì.

Bây giờ đi học, thì đâu có nghĩa tương lai không làm đ*.

Kẻ nào sống ở khu này cũng có khác gì chuột cống cả đâu.

Đáng đời.

Đáng đời mày!
Đợi gã đi khỏi hoàn toàn, Vân Hà mới thả lỏng người.

Cô nhanh chóng lau sạch nước bọt, sửa soạng lại quần áo.

Nếu ông bà nhìn thấy thì sẽ lo lắng lắm.

Vì quá sợ hãi nên Vân Hà đã cắn rách miệng mình, máu vẫn còn tươm, miệng lưỡi cô toàn là mùi máu.

Lần đấy, tuy Vân Hà thoát được một kiếp, nhưng hậu quả là cô bị trật cổ mấy tuần liền.

Ông bà cũng không mắng nhiều, trên hết là họ mừng vì cô vẫn an toàn.

Có lẽ đó là lần cô hiểu rõ bản thân mình có thể nhẫn tâm như thế nào, đến mức có thể dửng dưng xuống tay tự sát.

Không lâu sau đó, cô nghe được tin thằng Tâm nghiện con bà Ba Bí cuối xóm chết rồi, bị mấy thằng nghiện khác giết.

Cô mỉm cười, coi như ông trời còn có mắt.

.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận