Yêu Do Ý Trời - Tailia

Chương 8


Tả Thiên vẫn chưa tìm hiểu được khung cảnh xung quanh. Cô buồn bã nhận ra đúng là mình đã bị bán lên vùng rừng sâu núi thẳm. Trước và sau nhà của A Viễn đều là núi, cùng những thửa ruộng bậc thang đã bị khai khẩn. Tả Thiên đứng trước cổng lớn nhìn qua. Phía ngoài là một bờ cắt ngang, tiếp theo là vách núi cao hàng chục mét. Tả Thiên nghĩ, nếu chạy trốn vào ban đêm, có lẽ rất dễ rơi xuống vách núi. Tốt thôi, có thể đi thẳng về nhà. Tả Thiên tự giễu. Tình hình bên trong ngôi nhà đại khái đã rõ ràng. Có phòng của người cha, phòng ngủ của anh cả chị dâu, phòng cô em gái, và phòng của bọn trẻ, nhưng Tả Thiên chưa từng vào đó. Có thể thấy phòng của anh cả mới hơn phòng của A Viễn. Sau này A Viễn giải thích, căn phòng đã được sửa chữa sau khi chị dâu đến nhà họ.

Vẫn không có manh mối nào về cuộc chốn chạy. Nhưng Tả Thiên phát hiện ra A Viễn đã để quần áo và giày của mình A Viễn ở phòng em gái. Thu hoạch lớn nhất từ thời gian dài rảnh rỗi là cô có thể nghe hiểu được ngôn ngữ của họ, mặc dù bản thân vẫn không thể giao tiếp. Ngay cả khẩu âm vùng khác của chị dâu cô cũng lờ mờ đoán được ít nhiều. Việc này an ủi Tả Thiên phần nào, ít nhất cô đã biết nhà của A Viễn nằm ở thôn Thanh Sơn. Bất ngờ ngoài dự đoán của Tả Thiên là chị dâu và cô em gái rất kín tiếng, xem ra họ đều đã được dặn dò.

Tả Thiên biết, hàng ngày cô em gái đều báo cáo động thái của mình cho A Viễn. Cho nên, lúc A Viễn không ở nhà, Tả Thiên hết sức cẩn thận không làm những chuyện không cần thiết. Ngươc lại, khi A Viễn ở nhà, cô em gái sẽ không theo dõi Tả Thiên, khiến cô thoái mái đôi phần. Sau bữa cơm tối, cả nhà quây quần trong bếp nói chuyện phiếm. Tả Thiên nhận ra, họ thích tụ tập trong bếp như vậy là do vấn đề kinh tế. Bởi vì, chỉ cần bật một ngọn đèn sẽ tiết kiếm hơn rất nhiều. Hơn nữa, trời cuối thu se lạnh, bếp lò sẽ là nguồn sưởi ấm tốt nhất. Sau bài học sâu sắc lần trước, Tả Thiên không ngồi cạnh A Viễn mà chuyển sang ngồi cạnh đứa cháu trai Vương Tiểu Bình, nhìn nó tập viết chữ.

Chị dâu cằn nhằn vụ mùa năm nay không tốt, chỉ e không đủ lương thực. A Viễn nói, anh sẽ ra ngoài mua ít thức ăn. Anh cả bảo, dù sao mùa vụ nông nhàn, có thể cùng A Viễn đi nung gạch. Cô em gái càm ràm có người làm biếng, chỉ biết ăn mà không biết làm gì. Kiểu gia đình ngồi trò chuyện cùng nhau như thế này chưa từng có trong nhà Tả Thiên. Cho nên, cô bắt đầu chuyển từ tò mò thành thói quen, dần dần yêu thích kiểu sum họp gia đình như vậy. Cô tưởng tượng nếu như họ đều là người thân của mình, chắc hẳn sẽ rất ấm áp, ngay cả cô em gái ngang bướng kia cũng sẽ trở nên đáng yêu.

Vương Tiểu Bình viết chữ xong, cầm sách giáo khoa lên bắt đầu đọc. Thằng bé là đứa trẻ học hành rất nghiêm túc, cũng rất hiểu chuyện, thường xuyên giúp mẹ việc nhà. Tả Thiên rất quý thằng bé. Đúng vậy, rất quý. Tả Thiên nghĩ, yêu mến một đứa trẻ bảy tuổi trong nhà họ Vương không sao hết, cũng không có nghĩa là cô mềm lòng trước cuộc chiến tâm lý của A Viễn.

“Chúng ta yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào và yêu Bắc Kinh tha thiết.” Bị ảnh hưởng bởi tiếng địa phương, nên Vương Tiểu Bình phát âm “tha thiết” thành “sa siết”. Vương Tiểu Bình đọc đi đọc lại vẫn là “sa siết”. Tả Thiên mất kiên nhẫn, lên tiếng sửa: “Tha thiết.”

“Sa siết.”

“Không. Phải là yêu tha thiết, nồng nàn.” Cô cúi thấp người, chỉ cho thằng bé vị trí đầu lưỡi rồi ra hiệu cho nó làm theo.

Vương Tiểu Bình nhanh chóng hiểu ra. Tả Thiên xoa đầu động viên thằng bé. Chị dâu nhắc: “Cảm ơn thím dâu đi.”

“Cảm ơn thím dâu ạ.”

“Không có gì.” Tả Thiên mỉm cười, trong lòng hy vọng thằng bé gọi cô là chị, không để ý A Viễn đang nhìn mình chăm chú.

Ban đêm, sau khi hoàn thành nghĩa vụ giường chiếu, A Viễn hỏi cô: “Em thích trẻ con phải không?”

Tả Thiên lén lườm anh: “Không thích.” Vương Tiểu Bình là ngoại lệ, bởi vì thằng bé hành xử giống người lớn. Không kiêu căng phách lối bị chiều hư giống mấy vị hoàng đế nhỏ trong nhà họ hàng khiến cô rất không ưa.

A Viễn lơ đễnh: “Tôi thích.”

Tả Thiên lại lườm.

“Không biết trong bụng em đã có hay chưa?”

Mang thai là chủ đề Tả Thiên sợ vô cùng, tốt nhất nên chuyển chủ đề.

“A Viễn, khi tới đây, anh có thấy cái túi nào trên người tôi không?”

“Túi gì? Không thấy. Sao vậy?”

“Bên trong có thẻ căn cước của tôi, còn có thẻ ngân hàng và một ít tiền. Anh có thể cầm lấy đi mua gạo.” Coi như tôi trả phí mua đồ ăn.

“Chú Quý đưa…” A Viễn dừng lại, một lát sau mới nói tiếp: “Lúc chú Quý đưa em tới, chỉ có mình em, không có vật gì khác.”

Hoá ra, kẻ buôn người tên là chú Quý. Không phải phụ nữ sao? Tả Thiên nghi hoặc nhưng vẫn tiếp lời: “Chắc họ đã lấy hết đồ của tôi.”

A Viễn im lặng.

“Anh có thể hỏi chú Quý giúp tôi xem Thù Linh bạn tôi đang ở đâu được không?” Tả Thiên hận không thể bắn chết ngay kẻ tên là chú Quý kia. Cô cố gắng kiềm chế không thể hiện ra.

A Viễn lắc đầu. Hồi lâu mới trả lời: “Những gì em gái tôi nói em đừng để bụng. Nó là người như vậy, không có ý gì khác đâu.”

Tả Thiên hiểu anh muốn chuyển chủ đề. Một khi anh không muốn nhắc tới, anh sẽ không nói gì cả. Vì vậy, cô cũng bỏ qua.

“Tại sao Tiểu Linh không nói được?” Tiểu Linh là cháu gái của A Viễn, là đứa bé ba tuổi kia.

“Lúc mười tháng nó bị sốt, uống nhầm thuốc nên tai bị điếc. Không nghe không nói được.” A Viễn đáp chậm rãi.

Tả Thiên hơi buồn, cảm thấy đây không phải là chủ đề hay nên lại chuyển sang vấn đề khác.

“Một tháng anh kiếm được bao nhiêu tiền?” A Viễn là lao động chính trong nhà. Tả Thiên lo lắng họ sẽ không cạn kiệt lương thực.

A Viễn nhẩm tính: “Năm trăm tệ. Tuỳ thuộc tình hình, lúc nhiều, lúc ít.”

Tả Thiên bị sốc. Năm trăm tệ chẳng là gì so với tiền tiêu vặt một tuần của cô, huống hồ đây là khoản chi tiêu trong một tháng của cả gia đình. Lần đầu tiên cô cảm nhận rõ được sự chênh lệch giàu nghèo.

Nhìn bộ mặt trầm mặc của Tả Thiên, A Viễn lo lắng cô chê anh nghèo, vội nói: “Nếu có người đến thu cây thuốc, có thể kiếm được hơn một nghìn tệ.”

“Vậy anh lấy đâu ra sáu nghìn tệ để mua tôi?”

“Là tiền tiết kiệm trong bốn năm của nhà tôi.”

Tả Thiên rất muốn thờ ơ nhưng trong lòng vẫn cảm thấy chua xót: “Thực ra, nếu anh chịu thả tôi đi…”

A Viễn lập tức nói: “Tôi sẽ kiếm tiền.” Sau đó ôm cô, tỏ ý muốn ngủ.

Tả Thiên không ngủ, thầm so sánh cuộc sống của A Viễn với cuộc sống của mình trước kia. Lần đầu tiên đứng ở một góc độ khác nhìn nhận việc mua vợ của A Viễn.

A Viễn là người bị gánh nặng cuộc sống chèn ép, không liên quan gì đến việc mua bán người.

Hậu quả của việc thảo luận về vấn đề kinh tế khiến Tả Thiên bị trầm cảm một thời gian. Cô cảm thấy so với gia đình của A Viễn, trước đây cô sống hơi thiếu hiểu biết và cuộc sống thực sự nên có nhiều ý nghĩa hơn. Sau khi làm mới tâm trạng, cô quyết định dù có cơ hội trốn thoát cô vẫn muốn tạo ấn tượng tốt với gia đìnhA Viễn trong thời gian ở đây, ít nhất không níu kéo cô ở lại.

Vì vậy, cô đã tích cực tham gia vào những công việc đơn giản của gia đình như quét nhà, dọn bàn ăn. Có lần, cô còn giúp chị dâu nhóm bếp nấu cơm. Đáng tiếc, cô bị tro bếp bám đầy đầu mà lửa thì không bốc lên. Cuối cùng, vẫn là cô em gái lớn tiếng cười nhạo, tự tay châm lửa.

A Viễn sau khi nghe kể cũng bật cười. Tuy nhiên, anh rất nghi ngờ thái độ gần đây của Tả Thiên. Anh tưởng rằng Tả Thiên biết mình nghèo sẽ khinh thường anh hoặc ca thán số phận không may bị bán vào nhà họ. Thay vào đó, cô thân thiết và nói chuyện dễ chịu hơn, biểu hiện trên giường cũng rất tốt.

Anh chân thành hy vọng đó là những dấu hiệu của việc cô đã sẵn sàng trở thành vợ anh và không còn ý định chạy trốn nữa.

Tóm lại, dù xuất phát điểm là gì, nhìn bề ngoài, mức độ đề phòng của hai bên đều ngày càng giảm. A Viễn đã cài bóng đèn trong phòng ngủ để Tả Thiên không phải mò mẫm. Anh còn cải tiến nhà vệ sinh để cô thoải mái hơn. Việc này khiến Tả Thiên rất biết ơn. A Viễn dành nhiều thời gian ở nhà, thi thoảng còn đưa Tả Thiên ra ngoài đi dạo. Anh chỉ cho cô biết đâu là ruộng bậc thang nhà mình, sau đó điềm nhiên kể từng có cô gái rớt xuống vách núi vào ban đêm hoặc giẫm phải bẫy của người dân đi săn trên núi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận