“Mẹ cậu chưa hồi tâm chuyển ý à?” nó hổn hển hỏi.
Diana lắc đầu buồn bã.
“Chưa, ôi, Anne, mẹ nói mình không bao giờ được chơi với cậu nữa. Mình khóc mãi và nói mẹ đó không phải là lỗi của cậu nhưng chẳng ích gì. Mình phải mất không biết bao nhiêu thời gian thuyết phục thì mẹ mới cho mình xuống tạm biệt cậu. Mẹ nói mình chỉ được ở đây mười phút thôi và mẹ đang canh giờ bằng đồng hồ đấy.”
“Mười phút không đủ dài để nói lời giã từ vĩnh viễn đâu,” Anne nói trong nước mắt. “Ôi, Diana, liệu bạn có hứa thật lòng rằng sẽ không bao giờ quên mình, người bạn thiếu thời của bạn, cho dù sau này bạn còn có những người bạn thân thiết đến thế nào chăng nữa?”
“Chắc chắn mình sẽ không quên,” Diana sụt sùi, “và mình sẽ không bao giờ có bạn tâm giao nào khác… Mình không muốn có. Mình không thể yêu bất cứ ai như yêu cậu.”
“Ôi, Diana,” Anne thốt lên, tay đan chặt lại. “Cậu có yêu mình không? “
“Sao, dĩ nhiên là có. Cậu không biết điều đó à?”
“Không.” Anne hít một hơi dài. “Dĩ nhiên mình nghĩ cậu quý mình nhưng mình chưa bao giờ hy vọng cậu yêu mình. Diana, mình chưa từng nghĩ ai đó có thể yêu mình. Kể từ khi mình biết suy nghĩ cho đến nay, chưa từng có ai yêu mình. Ôi, thật tuyệt vời! Từ bây giờ trở đi, Diana, điều này sẽ là một tia sáng vĩnh viễn soi tỏ trong bóng tối của con đường chông gai. Ôi, cậu nói một lần nữa đi.”
“Mình yêu cậu tha thiết, Anne,” Diana nói chắc chắn, “và mình sẽ mãi yêu cậu tha thiết, cậu có thể tin chắc điều đó.”
“Mình cũng sẽ mãi yêu bạn, Diana,” Anne nói, trang trọng dang tay ra. “Năm tháng trôi qua, ký ức này sẽ như một vì sao soi sáng cuộc đời cô độc của mình, giống như trong câu chuyện cuối cùng chúng ta đọc cùng nhau. Diana, bạn có thể cho mình một lọn tóc đen dài óng ả lúc chia ly để giữ làm kho báu đời đời không?”
“Cậu có gì để cắt nó không?” Diana hỏi, lau khô những giọt nước mắt vừa rơi vì giọng cảm động của Anne rồi trở về với thực tế.
“Có. Thật may là mình mang theo kéo may vá trong tạp dề,” Anne nói. Nó trân trọng cắt một lọn tóc của Diana. “Vĩnh biệt nhé, bạn thân yêu. Từ đây chúng ta hẳn phải làm người xa lạ mặc dù vẫn sống cạnh nhau. Nhưng trái tim mình vĩnh viễn vẫn chung thủy với bạn.”
Anne đứng nhìn Diana đi khuất khỏi tầm mắt, đau buồn vẫy tay chào mỗi khi con bé quay lại nhìn. Rồi nó trở về nhà, lần này không hề cảm thấy được khuây khỏa bởi cuộc chia tay lãng mạn.
“Tất cả đã hết rồi,” con bé thông báo với bà Marilla. “Con sẽ không bao giờ có người bạn nào khác. Con thật sự còn buồn hơn hồi trước, vì giờ con không có Katie Maurice hay Violetta nữa. Mà cho dù có thì cũng không giống xưa nữa. Không biết vì sao, sau khi đã có một người bạn thật sự thì ta không còn thỏa mãn với những cô bé trong giấc mơ. Diana và con đã nói lời vĩnh biệt vô cùng cảm động trong ngày xuân. Nó sẽ mãi mãi là một ký ức thiêng liêng của con. Con dùng những từ ngữ cảm động nhất mà con có thể nghĩ ra và đã gọi ‘bạn’. ‘Bạn’ nghe lãng mạn hơn ‘cậu’ nhiều. Diana cho con một lọn tóc của bạn ấy và con sẽ khâu nó vào cái túi nhỏ rồi đeo quanh cổ cả đời. Xin hãy để nó được chôn chung với con, vì con không tin mình sẽ sống lâu. Có lẽ khi thấy con nằm chết lạnh trước mắt, bà Barry sẽ cảm thấy hối hận vì hành động của mình và sẽ để Diana đến dự đám tang của con.”
Chừng nào con còn nói chuyện được thì ta không nghĩ rằng cần phải sợ con chết vì đau buồn, Anne,” bà Marilla nói không khoan nhượng.
Thứ Hai tuần sau, Anne làm bà Marilla ngạc nhiên khi từ phòng bước xuống với cặp sách trong tay, môi mím lại thành một đường kiên quyết.
“Con sẽ đi học trở lại,” con bé thông báo. “Đó là tất cả những gì còn lại trong cuộc đời con, khi giờ đây con đã bị chia lìa một cách tàn nhẫn khỏi bạn bè. Ở trường con có thể nhìn thấy bạn ấy và nhớ đến những ngày đã qua.”
“Tốt hơn hết con nến nhớ đến bài vở của mình đi,” bà Marilla nói, cố che giấu niềm vui trước tình hình tiến triển. “Nếu con quay lại trường, ta hy vọng chúng ta sẽ không còn nghe thấy chuyện đập bảng lên đầu người khác hay mấy thứ tương tự vậy. Cư xử cho phải phép và nghe lời thầy đấy.”
“Con sẽ cố trở thành một học sinh gương mẫu,” Anne buồn bã đồng ý. “Chuyện đó không vui vẻ lắm, con đoán vậy. Thầy Phillips nói Minnie Andrews là học sinh gương mẫu mà trông con bé đó chẳng có chút trí tưởng tượng hay sức sống nào. Nó chậm hiểu, tầm thường và trông chẳng bao giờ được vui. Nhưng con thấy tuyệt vọng đến nỗi có lẽ điều đó cũng sẽ dễ dàng xảy ra với con thôi. Con sẽ đi bằng đường cái. Con không thể chịu nỗi khi đi trên đường Bạch Dương một mình. Nếu làm vậy thì con sẽ cay đắng rơi lệ mất.”
Anne được nồng nhiệt chào đón trở lại trường. Mọi người đều nhớ đến những tưởng tượng trong lúc chơi đùa của con bé, nhớ giọng hát và khả năng đặc biệt đọc sách thành tiếng trong giờ ăn trưa. Ruby Gillis lén đưa ba trái mận xanh cho con bé trong lúc đọc thánh kinh. Ella May MacPherson tặng nó một bông păng xê vàng khổng lồ cắt từ bìa một cuốn catalogue về hoa – một món đồ trang trí tạp dề thì thật tuyệt vời. Katie Boulter tặng nó một vỏ chai dầu thơm dể đựng nước lau bảng, còn Julie Bell cẩn thận chép lại bài thơ sau trên một mảnh giấy hồng nhạt mép viền hình răng cưa:
TẶNG ANNE
Khi hoàng hôn buông rèm rơi xuống
Và đính một vì sao lên đó
Hãy nhớ rằng bạn có một người bạn
Dù cô ấy có thể tha thẩn xa xăm
“Thật tuyệt khi được đánh giá cao,” Anne thở dài vui vẻ với bà Marila tối hôm đó.
Không phải chỉ các học trò nữ mới “đánh giá cao” con bé. Khi Anne về chỗ của mình sau giờ cơm trưa – con bé đã bị thầy Phillips bắt sang ngồi kế Minnie Andrews gương mẫu – nó thấy trên bàn mình một trái “táo dâu” to ngon lành. Anne đã đưa lên miệng định cắn một miếng mới nhớ ra nơi duy nhất ở Avonlea có táo dâu mọc là vườn cây ăn quả cũ của nhà Blythe bên kia Hồ Nước Lấp Lánh. Anne thả quả táo xuống cứ như đó là một viên than hồng và chùi ngón tay vào khăn tay đầy khoa trương. Quả táo không hề được động đến, nằm yên trên bàn cho đến tận sáng hôm sau, Timothy Andrews bé nhỏ đến quét trường và nhóm lửa đã gom nó vào làm phần thưởng cho mình. Cây bút chì đá mà Charlie Sloane gửi tặng con bé sau giờ ăn trưa, trang trí lộng lẫy với những dải giấy đỏ và vàng, được đón nhận một cách có thiện chí hơn. Anne hòa nhã nhận cây bút và thưởng cho người tặng một nụ cười phấn khởi khiến cậu chàng si mê này bay lên tận chín tầng mây hạnh phúc và làm cậu mắc phải những lỗi khủng khiếp trong bài chính tả đến nỗi thầy Phillips phải giữ cậu ở lại sau giờ học để viết lại.
Nhưng vì,
Hoạt cảnh lồng ngực của Ceasar bị Brutus đâm nát chỉ càng khiến nàng nhớ đến người con ưu tú nhất của thành Rome
nên sự thiếu vắng rõ rành rành bất kỳ món quà hay sự nhận biết nào từ Diana Barry, người đang ngồi gần Gertie Pye, đã làm cho chiến thắng nhỏ bé của Anne có phần cay đắng.
“Con nghĩ có lẽ Diana chỉ cười với con có một lần,” tối đó con bé ca thán với bà Marilla. Nhưng sáng hôm sau một mảnh giấy gập đôi xoắn chặt vô cùng đáng sợ và bất ngờ đã được chuyền tới tay Anne kèm theo một gói nhỏ.
ANNE THÂN MẾN (tiếp tục như cũ). Mẹ nói mình không được chơi hay nói chuyện với cậu kể cả lúc ở trường. Không phải lỗi của mình và đừng giận mình, vì mình vẫn yêu cậu như thế. Mình nhớ cậu quá chừng muốn kể cậu nghe tất cả bí mật của mình và mình chẳng thích Gertie Pye chút nào. Mình đã làm cho cậu một cái đánh dấu sách mới bằng bìa đỏ. Hiện giờ chúng đang cực kỳ mốt và chỉ ba đứa con gái trong trường biết cách làm thôi. Khi cậu nhìn thấy nó hãy nhớ đến mình.
Người bạn đích thực của cậu
DIANA BARRY.
Anne đọc mẫu giấy, hôm cái đánh đánh dấu sách và gửi ngay thư trả lời đến phía bên kia lớp học.
DIANA YÊU QUÝ CỦA RIÊNG MÌNH – Dĩ nhiên mình không giận cậu vì cậu phải vâng lời mẹ mà. Tinh thần chúng ta có thể giao tiếp với nhau. Mình sẽ giữ món quà đáng yêu của cậu mãi mãi. Minnie Andrews là một cô bé rất dễ thương – mặc dù bạn ấy chẳng có chút trí tưởng tượng nào – nhưng sau khi đã là bạn tâm giao của Diana thì mình không thể làm bạn tâm giao của Minnie được. Bỏ qua mấy lỗi của mình nhé vì khả năng đánh vần của mình vẫn chưa tốt lắm, mặc dù được cái thiện nhiều.
Người bạn đích thực của cậu cho đến khi cái chết chia lìa chúng ta.
ANNE HAY CORDELA SHIRLEY.
PS: Tối nay mình sẽ ngủ với lá thư của cậu dưới gối.
A. hay C.S.
Bà Marilla đã bi quan chờ đợi sẽ có thêm nhiều rắc rối nảy sinh khi Anne lại bắt đầu đến trường. Nhưng không có gì phát sinh hết. Có lẽ Anne đã nắm bắt được một chút tinh thần “mẫu mực” nào đó từ Minnie Andrews; ít nhất thì từ đó trở đi con bé cũng rất lễ phép với thầy Phillips. Con bé dồn hết tâm trí vào chuyện học hành, kiên quyết không để Gilbert Blythe qua mặt ở bất cứ môn nào. Cuộc cạnh tranh giữa hai đứa nhanh chóng trở nên rõ ràng; về phía Gilbert, điều này hoàn toàn mang tính thiện ý, nhưng e rằng không thể nói với Anne, vốn là đứa có cái thói thù dai chẳng hay ho chút nào. Con bé khá cực đoan, cả khi ghét lẫn khi yêu. Nó không chịu hạ mình thừa nhận bản thân có ý cạnh tranh với Gilbert trong việc học, vì như vậy là đã thừa nhận sự hiện diện của cậu ta – một sự hiện diện mà Anne vẫn kiên quyết phớt lờ; nhưng cuộc cạnh tranh vẫn tồn tại và niềm vinh dự được chia đều cho cả hai bên. Lúc này Gilbert đứng đầu lớp tập đọc; lúc khác Anne, hất bím tóc đỏ dài sang bên, lại đánh bại cậu trong bài đánh vần. Một buổi sáng Gilbert làm đúng tất cả các phép toán và được đề tên lên bảng thành tích; sáng hôm sau Anne, đã dành cả tối hôm trước để vật lộn với các số thập phân, sẽ đứng đầu. Một ngày tồi tệ nào đó cả hai đứa hòa và tên của chúng được viết chung. Chuyện này cũng tồi tệ như một cái “lưu ý” và nỗi đau khổ của Anne cũng rõ ràng như sự thỏa mãn của Gilbert. Đến kỳ thi viết cuối mỗi tháng, sự căng thẳng thật khủng khiếp. Tháng đầu tiên Gilbert thắng với ba điểm hơn. Tháng thứ hai Anne đánh bại cậu với cách biệt năm điểm. Nhưng chiến thắng của con bé bị phá hỏng vì Gilbert lại nhiệt liệt chúc mừng nó trước toàn trường. Anne sẽ có cảm giác dễ chịu hơn nhiều nếu thằng bé thấy đau khổ vì thất bại của mình.
Thầy Phillips có thể không phải giáo viên rất giỏi, nhưng một học trò quyết tâm học hỏi như Anne khó có thể không tiến bộ cho dù dưới sự dạy dỗ của bất kỳ giáo viên nào. Vào cuối học kỳ, cả Anne và Gilbert đều được lên lớp năm và được phép bắt đầu học những bộ phận của “nhánh cây” – gồm tiếng Latin, hình học, tiếng Pháp và đại số. Chính trong môn hình học, Anne đã vấp phải trận Waterloo của mình.
“Nó đúng là thứ kinh khủng tuyệt đối, bác Marilla,” con bé rên rỉ. “Con dám chắc mình sẽ chẳng thể nào đứng đầu đứng đuôi gì được môn đó. Không có chỗ nào cho trí tưởng tượng hết. Thầy Phillips nói từ trước đến nay thầy chưa từng thấy đứa nào ngu về môn này như con. Và Gil – ý con là một số người khác nữa – quá giỏi môn này. Thật cực hình vô cùng, bác Marilla ạ. Ngay cả Diana cũng tiến bộ hơn con. Nhưng con không khó chịu vì thua Diana. Ngay cả khi giờ đây chúng con coi nhau như người xa lạ. Con vẫn yêu bạn ấy bằng một tình yêu không thể lụi tàn. Nó làm cho con rất buồn mỗi khi nghĩ về bạn ấy. Nhưng thật sự, bác Marilla, người ta không thể cứ mãi buồn rầu nếu sống trong một thế giới thú vị thế này, phải không ạ?”